XE CÔNG CẤP XÃ: GIẢI PHÁP NÀO TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ?
XE
CÔNG CẤP XÃ: GIẢI PHÁP NÀO TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ?
Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất trang bị xe công cho cấp xã theo Dự thảo
Nghị định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (Công văn số 5305/BTC-QLCS
năm 2025). Đề xuất này ngay lập tức thu hút nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt
trong bối cảnh chính quyền đang đẩy mạnh tinh giản bộ máy, siết chặt chi thường
xuyên và thúc đẩy nền hành chính số.
Xe công là cần thiết ở một số địa bàn đặc thù
Không thể phủ nhận rằng, tại các xã miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi giao
thông còn nhiều khó khăn, việc bố trí phương tiện phục vụ công vụ là cần thiết.
Trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, cứu hộ cứu nạn, an ninh trật tự hoặc
xử lý hành chính đột xuất, xe công sẽ giúp chính quyền địa phương phản ứng
nhanh, kịp thời. Tuy nhiên, từ nhu cầu thực tế đến khả năng triển khai đại trà
vẫn là một khoảng cách không nhỏ, đòi hỏi sự tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu
quả và công bằng.
Thách thức trong triển khai: Không thể “một mô hình
áp cho tất cả”
Một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai chủ trương này là sự
chênh lệch rất lớn giữa các địa phương về điều kiện tự nhiên, mật độ dân cư, phạm
vi địa bàn và tần suất nhiệm vụ công vụ. Chẳng hạn, đối với các xã miền núi hoặc
xã biên giới có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở có nhu cầu cấp thiết hơn so với
các xã đồng bằng hoặc gần trung tâm huyện; có xã xử lý nhiều vụ việc liên quan
đến an ninh trật tự, dân cư đông đúc, nhưng cũng có xã chỉ có vài đầu việc công
vụ mỗi tuần. Đương nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ nhân lực, nhất là
tài xế chuyên trách, để đảm nhận việc vận hành xe công. Bài toán nhân sự sẽ kéo
theo phát sinh chi phí và phức tạp trong quản lý. Hơn nữa, các địa phương vùng
cao có thể cần xe bán tải hoặc xe gầm cao, trong khi đồng bằng có thể chỉ cần
xe phổ thông. Việc tiêu chuẩn hóa dễ tạo ra sự bất cập và lãng phí. Những khác
biệt này khiến việc áp dụng một chính sách đồng loạt là không khả thi và có thể
gây bất bình đẳng giữa các địa phương.
Một số giải pháp gợi mở
Thứ nhất, cần nghiên cứu áp dụng
cơ chế khoán chi phí phương tiện công vụ đối với cấp xã (khoán chi phí đi lại
vào lương cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt). Cơ chế này vừa giúp tiết kiệm
ngân sách nhà nước so với việc đầu tư mua sắm, bảo trì, vận hành xe công, vừa
tăng tính chủ động cho cán bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Hơn nữa, khoán
kinh phí còn là cách thức khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực
công, giảm áp lực quản lý tài sản công ở cấp cơ sở.
Thứ hai, cần có phương án sử dụng chung xe công giữa các xã hoặc giữa cơ quan chức
năng cùng cấp (Đảng ủy, UBND xã và Công an xã), nhất là ở những địa phương có
bán kính địa lý gần hoặc lưu lượng công tác không cao. Việc tổ chức lại mô hình
sử dụng xe công theo hướng liên xã, liên phòng ban sẽ giảm trùng lặp, lãng phí
tài sản, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động hành chính để giảm nhu
cầu di chuyển vật lý. Họp trực tuyến, ký văn bản điện tử, sử dụng các nền tảng
số trong tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân sẽ giúp cán bộ cấp
xã giảm đáng kể các chuyến công tác không cần thiết, từ đó hạn chế việc phụ thuộc
vào phương tiện công vụ.
Thứ tư, phân loại địa bàn để xác định mức độ cần thiết trong việc trang bị xe
công. Những xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo – nơi giao thông cách trở,
thời tiết khắc nghiệt – có thể được ưu tiên trang bị phương tiện phù hợp (nên
chý ý chủng loại xe phù hợp với địa thế, địa hình). Trong khi đó, các xã vùng đồng
bằng, đô thị, nơi cán bộ có điều kiện tiếp cận phương tiện cá nhân thuận lợi
thì nên áp dụng hình thức khoán chi phí hoặc sử dụng phương tiện công cộng, xe
công nghệ.
Thứ năm, tăng cường hợp tác công – tư trong việc sử dụng dịch vụ vận tải phục vụ
công vụ, như hợp đồng dài hạn với đơn vị vận tải, khai thác các nền tảng gọi xe
trong nước. Cách làm này phù hợp với xu thế số hóa dịch vụ công, lại giảm gánh
nặng ngân sách đầu tư ban đầu và chi phí duy tu dài hạn.
Thứ sáu, cần triển khai thí điểm mô hình khoán chi phí hoặc sử dụng chung xe
công tại một số địa phương đại diện cho các vùng miền khác nhau. Thông qua đánh
giá hiệu quả thực tế, Nhà nước sẽ có cơ sở khoa học và thực tiễn để hoàn thiện
chính sách trang bị và sử dụng xe công phù hợp, tránh đầu tư dàn trải, thiếu kiểm
soát và kém hiệu quả.
Tóm lại, trang bị xe công
cho cấp xã là chủ trương đúng, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương còn thiếu
thốn điều kiện công tác. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào cuộc sống một cách
hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm, cần có sự phân loại kỹ lưỡng, triển khai có trọng
tâm và cơ chế giám sát phù hợp. Quan trọng hơn, mọi giải pháp nên hướng tới một
nền hành chính hiện đại, gọn nhẹ, linh hoạt, giảm phụ thuộc vào tài sản công vật
chất – đúng với tinh thần cải cách đang được đẩy mạnh hiện nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét