GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

 

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

Từ lâu người ta đã coi gia đình là “tế bào của xã hội”. Tế bào gia đình khỏe mạnh, xã hội sẽ lành mạnh, mọi người đều có cơ hội phát triển và hưởng hạnh phúc. Tế bào gia đình lỏng nẻo, không đảm đương tốt các vai trò và chức năng của mình, lúc đó, xã hội có nguy cơ bị xáo trộn và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội. Củng cố nền tảng gia đình luôn là mối quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Vậy gia đình là gì?

Thực tế, gia đình là một khái niệm phức hợp bao gồm các yếu tố sinh học, tâm lý, văn hóa, kinh tế,... khiến cho nó không giống với bất kỳ một nhóm xã hội nào. Từ mỗi một góc độ nghiên cứu hay mỗi một khoa học khi xem xét về gia đình đều có thể đưa ra một khái niệm gia đình cụ thể, phù hợp với nội dung nghiên cứu phù hợp và chỉ có như vậy mới có cách tiếp cận phù hợp đến với gia đình.

Hiện có rất nhiều định nghĩa, quan niệm về gia đình. Đối với xã hội học, gia đình thuộc về phạm trù cộng đồng xã hội. Vì vậy, có thể xem xét gia đình như một nhóm xã hội nhỏ, đồng thời như một thiết chế xã hội mà có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xã hội hóa con người. Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù, một nhóm xã hội nhỏ mà các thành viên của nó gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ con nuôi, bởi tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu xã hội nói chung, nghiên cứu gia đình nói riêng, nhiều người thường sử dụng khái niệm gia đình của G. Murdock: “Gia đình là nhóm xã hội được xác định bởi một nơi trú ngụ chung, cùng hợp tác và tái sản xuất về mặt kinh tế. Nó gồm người lớn của hai giới và ít nhất hai người đó có quan hệ tình dục được pháp luật công nhận và có một hoặc nhiều con cái, là con đẻ hay con nuôi[1].

Như vậy, gia đình trước hết là “nhóm xã hội” được tạo nên do nhu cầu tái sản xuất và xã hội hóa các thế hệ. Các cá nhân muốn được thừa nhận về mặt xã hội và bảo trợ của xã hội về mặt kết hôn của họ, nhu cầu làm cha, làm mẹ của họ. Nhu cầu xã hội của gia đình được đáp ứng bằng thể chế hóa quan hệ hôn nhân-gia đình dưới các chuẩn mực đạo đức, luật pháp, tôn giáo và cả những phương tiện để thực hiện các chuẩn mực đó. Nhu cầu cá nhân của gia đình thể hiện qua tình yêu, tình dục. Nếu xem gia đình là nhu cầu xã hội thì gia đình được xem như là một thiết chế xã hội; nếu xem gia đình là nhu cầu cá nhân thì gia đình được xem là nhóm tâm lý-xã hội nhỏ.

7.3.2. Chức năng cơ bản của gia đình

Gia đình là yếu tố cấu thành cơ bản của cơ cấu xã hội tổng thể, gia đình phản ánh chân thực mối quan hệ xã hội đa dạng và phức tạp. Gia đình, như quan điểm Mác-xít, “là quan hệ xã hội duy nhất” gia đình là cộng đồng lao động và cộng đồng sinh hoạt, là khuôn khổ tồn tại và là thế giới của con người. Nếu xem xét gia đình như một thiết chế xã hội thì cần hướng tới các chức năng, việc định hướng giá trị và nghĩa vụ mà gia đình phải giải quyết với tư cách là một đơn vị xã hội đặc biệt. gia đình được sinh ra tồn tại và phát triển chính là do nó sứ mệnh được đảm đương những chức năng đặc biệt mà xã hội và tự nhiên đã trao cho, không thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Gia đình có những chức năng cơ bản sau: 

7.3.2.1. Chức năng sản xuất-kinh tế

Gia đình là một đơn vị sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Hơn thế nữa nó cũng là đơn vị tiêu dùng chủ yếu các sản phẩm do nền kinh tế sản xuất ra, do vậy nó là tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Chức năng kinh tế của gia đình Việt Nam truyền thống có những đặc điểm sau: (1) Gia đình Việt Nam truyền thống là một đơn vị kinh tế độc lập, tự sản tự tiêu; (2) Người chồng, người cha trong gia đình đóng vai trò là trụ cột kinh tế, họ đồng thời nắm toàn bộ quyền kiểm soát về kinh tế gia đình; (3) Sự trì trệ, máy móc và bảo thủ trong hoạt động kinh tế gia đình luôn biểu hiện cùng cơ chế tổ chức và quản lý mang tính gia trưởng.

7.3.2.2. Chức năng tình cảm

Thoả mãn tình cảm tinh thần và thể xác giữa hai vợ chồng; thỏa mãn tình cảm giữa cha mẹ và con cái (sống vì nhau), tình cảm giữa anh chị em trong gia đình (thương yêu, đùm bọc lẫn nhau). Phần đông mọi người trong xã hội đều coi gia đình là “tổ ấm”, nơi người ta đi về, nơi người ta chia sẻ với nhau về niềm vui, nỗi buồn, tức là nơi tình cảm của con người được thỏa mãn. Chức năng tình cảm, tâm lý của gia đình Việt Nam truyền thống có đặc điểm: (1) Đề cao vai trò của các giá trị đạo đức và các giá trị đó chi phối hầu hết các mối quan hệ của gia đình; (2) Sự thương yêu, chăm sóc con cái hết lòng của cha mẹ đối với con cái, sự hiếu thảo của con cái với cha mẹ; sự gắn bó và yêu thương nhau giữa anh chị em, sự thuỷ chung, hoà thuận trong tình nghĩa vợ chồng; (3) Những tình cảm đối với gia đình cũng là cội nguồn của tình làng xóm quê hương và xa hơn là tình yêu đất nước: "cáo chết ba năm quay đầu về núi". Gia đình là nơi sẻ chia, cảm nhận, của mỗi thành viên trong gia đình. Là nơi dừng chân sau một ngày làm việc mệt mỏi. Là sự gắn kết yêu thương của con người.

7.3.2.3. Chức năng giáo dục - xã hội hóa

Theo lý thuyết gia đình là “tế bào của  xã hội, là yếu tố đầu tiên và cơ bản của quá trình giáo dục”. Gia đình là nơi đại bộ phận trẻ em được người lớn thường xuyên giáo dục: “Dạy con từ thưở còn thơ”. Trong môi trường gia đình, trẻ bắt đầu hình thành nhân cách, lối sống và đặc biệt là nhân sinh quan. Các bậc phụ huynh, nhất là các bà, các mẹ có ảnh hưởng rất lớn tới tương lai của đứa trẻ: Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Có thể coi gia đình là một xã hội thu nhỏ. Mỗi thành viên là một tính cách. Việc va chạm các tính cách khác nhau trong một gia đình là môi trường đầu tiên để trẻ em học cách hoà hợp với cộng đồng. Chức năng xã hội hóa - giáo dục của gia đình truyền thống Việt Nam có đặc điểm sau: (1) Nhắc đến nhiều nhất trong nội dung giáo dục của gia đình là đạo đức và cách sống làm người; (2) Sự đánh giá của xã hội với gia đình luôn lấy tiêu chí nhìn vào con cái; (3) Mục đích giáo dục trong gia đình truyền thống khác nhau theo loại hình gia đình, những nhà nghèo khó vẫn cố gắng cho con học đến nơi đến chốn; (4) Người cha thường giáo dục bằng sự nghiêm khắc, người mẹ thường giáo dục bằng sự nhân từ, “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” hay “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”,…

TS. Phạm Đi

(Tham kiến: Phạm Đi, Xã hội học với Lãnh đạo, quản lý, Nxb. Thông tin và Truyền thông, 2020)

 



[1] Dẫn theo Charles L. Jones và các tác giả, Tương lai của gia đình (Vũ Quang Hà dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà nội. H2002, tr35-36. Tác giả có điều chỉnh về câu chữ cho rõ nghĩa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ