CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ
CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ
Cơ cấu dân số theo
độ tuổi là tập hợp các nhóm người được sắp xếp theo những lứa tuổi nhất định
(còn gọi là cơ cấu lứa tuổi). Đó là sự phân chia số dân theo từng nhóm tuổi nhằm
phục vụ cho việc nghiên cứu các quá trình dân số và các quá trình kinh tế xã hội.
Thông qua mối tương quan của số dân ở các nhóm tuổi, ta có thể đánh giá, so
sánh các nhóm trong mối quan hệ qua lại với các đặc trưng dân số, xã hội và
kinh tế của dân cư trong quá trình phát triển của chúng.
Có hai cách phân
chia độ tuổi dựa trên việc sử dụng các thang đo khác nhau: (1) Độ tuổi có khoảng
cách đều như nhau: Sự chênh lệch về tuổi giữa hai độ tuổi kế tiếp nhau có thể
là 1 năm, 5 năm hay 10 năm (người ta thường sử dụng khoảng cách 5 năm). (2) Độ
tuổi có khoảng cách không đều nhau: Thông thường, người ta chia thành 3 nhóm tuổi:
dưới độ tuổi lao động (0 – 14 tuổi), trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) và
trên độ tuổi lao động (từ 60 tuổi trở lên). Cơ cấu dân số theo độ tuổi là chỉ
báo quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia, dân tộc,
cộng đồng[1].
Cơ cấu dân số theo giới tính
Trên một phạm vi
lãnh thổ, bao giờ cũng có dân số nam và dân số
nữ cùng chung sống và số lượng nam, nữ thường có mối tương quan với nhau; từ đó
hình thành nên cơ cấu dân số theo giới tính (hay cơ cấu nam nữ). Cơ cấu dân số này có sự khác nhau tùy theo lứa tuổi và
có thể diễn đạt theo nhiều cách: số lượng nam trên 100 nữ, số lượng nữ trên 100
nam hoặc số lượng nam (hoặc nữ) so với tổng số dân (tính bằng %).
Xét một cách tổng
thể, số lượng nam và nữ là cân bằng nhau, tức là tỷ lệ giới tính sau sinh thường
tiệm cận nhau, tuy nhiên, tỷ lệ dân số chịu tác động của nhiều nhân tố khác
nhau kể cả nhân tố xã hội và nhân tố tự nhiên, do đó tỷ lệ này thường mất cân đối
(sự mất cân đối này chịu tác động của nguyên nhân xã hội nhiều hơn là yếu tố tự
nhiên). Do vậy, trên thế giới trong tổng số trẻ mới sinh thì thường có số nam nhiều hơn số nữ (tỉ số nam
so với nữ thường dao động từ 103 đến 106 tùy theo từng châu lục, từng nước).
Tuy nhiên người ta quan sát thấy những nước có số nữ nhiều hơn thường là những
nước kinh tế phát triển (châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand), ở đây tuổi thọ trung bình của nam giới cũng thường thấp hơn nữ giới.
Trái lại, những nước có số nam trội hơn thường là những nước kinh tế chậm phát
triển, tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ không chênh nhau nhiều (đôi khi của
nam cao hơn của nữ). Hiện tượng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xã hội.
Trong đó có vấn đề chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Tại các nước kinh tế chậm
phát triển tỉ số nữ giới ngày càng thấp vì mức tử vong của các bà mẹ và các em
gái còn cao. Những nước có số nam trội hơn là những nước thuộc khu vực Nam Á và Trung Quốc.
Cơ cấu dân số theo
giới tính còn có sự khác nhau rõ rệt giữa thành thị và nông thôn. Sự khác nhau
này phụ thuộc vào nhiều nhân tố như kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng nơi và
trong từng thời gian cụ thể. Tính chất và nhu cầu lao động cũng có ảnh hưởng
nhiều đến cấu trúc dân số theo giới tính giữa hai khu vực nói trên. Chẳng hạn ở
các khu công nghiệp nặng và lao động nặng nhọc (luyện kim, khai mỏ,…) thường có
số nam cao hơn, trái lại ở các khu công nghiệp nhẹ (dệt, may) lại thường có số
nữ cao hơn.
Phân bố dân cư
Phân bố dân cư là
sự sắp xếp số dân một cách tự phát hoặc tự giác trên một lãnh thổ sao cho phù hợp
với các điều kiện sống cũng như các yêu cầu khác của xã hội. Để thể hiện tình
hình phân bố dân cư của một khu vực người ta thường sử dụng tiêu chí mật độ dân
số. Tức là số dân cư trú sinh sống trên một đơn vị diện tích thường là km2. Nhìn
chung trên thế giới, dân cư phân bố không đều giữa các nước và có sự khác nhau
qua các thời kỳ. Theo tính toán, có đến 35-45% diện tích lục địa của địa cầu hiện
không có người ở; 50% diện tích địa cầu có mật độ cư trú từ 2 người trở xuống/km2;
gần 80% nhân khẩu thế giới tập trung ở phần bắc bán cầu[2].
Do quá trình phát
triển công nghiệp ồ ạt và cùng với nó là quá trình đô thị hóa với tốc độ cao,
dân cư ngày càng lập trung vào một số trung tâm công nghiệp, các thành phố lớn.
Tại đây, nhân dân lao động thường phải sống chen chúc trong những khu chật hẹp,
thiếu tiện nghi và môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Trong khi ấy, ở các vùng nông
nghiệp dân cư ngày càng thưa thớt. Do đó, một số nước khác đã chú trọng hơn đến
việc phân bổ dân cư có kế hoạch. Số dân thành thị tăng lên nhanh chóng nhưng vẫn
phù hợp với sự phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, dân cư còn được phân bố lại
ở các vùng thưa dân nhưng giàu tiềm năng nhằm tạo điều kiện khai thác tốt các
nguồn tài nguyên, tận dụng và điều hòa nguồn lao động giữa các vùng trong phạm
vi cả nước.
[1] Tùy theo mỗi quốc gia, mỗi thời điểm, mỗi
giới (nam/nữ) mà độ tuổi lao động có thể được quy định khác nhau. Chẳng hạn,
theo Bộ Luật lao động (2019) của Việt Nam Tuổi nghỉ hưu của người lao động
trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi
đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ
vào năm 2035.
[2] Việc phân bố dân cư không đồng đều
do tác động từ các nhân tố tự nhiên như khí hậu, nguồn nước, địa
hình và đất đai, khoáng sản; tác động từ nhân tố kinh tế-xã hội như trình độ phát triển của lực lượng sản xuất,
tính chất của nền kinh tế, lịch sử khai thác lãnh thổ và sự chuyển cư; tác động
từ yếu tố chính trị-chính sách như bất ổn chính trị, bạo loạn, chính sách về nhập
cư, chính sách di dân...
Nhận xét
Đăng nhận xét