NHỮNG CHUYẾN ĐI KHÔNG ĐÚNG LÚC
SẮP XẾP BỘ MÁY, TINH GIẢN BIÊN CHẾ VÀ NHỮNG CHUYẾN ĐI “KHÔNG
ĐÚNG LÚC”
Thời gian gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến
hiện tượng một số địa phương tổ chức cho cán bộ, viên chức đi tham quan, học tập
kinh nghiệm ở các địa phương khác trong khi cả nước đang bước vào giai đoạn cao
điểm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại đơn vị hành chính, đặc
biệt là việc bỏ cấp huyện. Những trường hợp cụ thể như huyện U Minh (Cà Mau) tổ
chức đoàn đi Côn Đảo, hay Tỉnh ủy Quảng Trị đưa đoàn cán bộ sắp nghỉ hưu đi học
tập kinh nghiệm là những ví dụ điển hình cho thực trạng đang gây bức xúc trong
nhân dân.
Ngụy biện
cho lợi ích riêng?
Trả lời báo chí, lãnh đạo các địa phương này cho rằng,
đây là hoạt động thường xuyên, nằm trong kế hoạch công tác đã được phê duyệt từ
trước (Tuổi trẻ ngày 14/5/2025) . Tuy
nhiên, câu hỏi đặt ra là: tại sao trong bối cảnh đất nước đang nỗ lực tối đa để
sắp xếp, tổ chức bộ máy; tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy
nhà nước, tiết kiệm ngân sách, thì những chuyến đi với danh nghĩa học tập kinh
nghiệm lại diễn ra một cách tràn lan, thiếu chọn lọc, không đúng thời điểm như
vậy?
Dư luận hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ tính thiết thực
của những chuyến đi “không đúng lúc” hay nói cách khác là hình thức “du lịch
công” này. Nhiều cán bộ trong đoàn là người chuẩn bị nghỉ hưu, không còn nhiều
khả năng hoặc cơ hội để vận dụng những gì được học vào công việc. Vậy thì mục
đích học hỏi kinh nghiệm còn có giá trị gì? Còn nếu đây chỉ là chuyến đi để tri
ân, “ban phát cơ hội” cho cấp dưới trước khi sáp nhập, nghỉ hưu thì càng đáng
lên án, vì đó là sự lợi dụng ngân sách công, làm trái với tinh thần đổi mới,
liêm chính và vì dân của Đảng và Nhà nước.
Những cái cớ như “đã lên kế hoạch từ trước”, “hoạt động
thường xuyên”, hay “sẽ rút kinh nghiệm” không thể nào khỏa lấp được sự thiếu
trách nhiệm trong công tác điều hành. Thực tế, nếu thực sự vì mục tiêu học hỏi
kinh nghiệm, các địa phương hoàn toàn có thể tổ chức hình thức trực tuyến, hội
thảo chuyên đề, chia sẻ tài liệu... tiết kiệm và hiệu quả hơn rất nhiều.
“Chạy nước
rút” để thụ hưởng?
Một trong những lý do khiến dư luận phẫn nộ là bởi các
chuyến đi này diễn ra trong thời điểm vô cùng nhạy cảm: thời gian còn lại trước
khi thực hiện chủ trương bỏ huyện không còn nhiều (ngày 1/7/2025 thì cấp huyện
không còn tồn tại). Đây là lúc mà mọi cấp, ngành, đặc biệt là lãnh đạo các địa
phương cần tập trung cao độ cho công tác tổ chức, tuyên truyền, vận động cán bộ,
giải quyết các chính sách hậu sáp nhập, đảm bảo an sinh và ổn định tư tưởng đội
ngũ.
Việc tranh thủ “chạy nước rút” để tổ chức các chuyến
đi như vậy dễ bị hiểu là hành vi “tận hưởng phút chót”, biến cơ hội cuối cùng
thành những chuyến đi mang tính chất ưu đãi, ân huệ cho cán bộ trước khi rời vị
trí. Hệ quả là tạo ra tâm lý so bì, mất niềm tin trong đội ngũ và trong nhân
dân, đồng thời đi ngược lại với tinh thần công vụ, sự gương mẫu cần thiết của
người đứng đầu.
Trách nhiệm
của người đứng đầu?
Cần khẳng định rằng, để xảy ra các chuyến đi không phù
hợp như vậy trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Trong
bối cảnh toàn hệ thống chính trị đang khẩn trương thực hiện Nghị quyết Trung
ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thì từng
cán bộ lãnh đạo phải thực sự là tấm gương đi đầu trong tiết kiệm, kỷ luật và
tinh thần phục vụ nhân dân.
Việc đưa cán bộ đi học tập kinh nghiệm là chủ trương
đúng, nhưng phải đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng nhu cầu, và đặc biệt là
phải có kế hoạch giám sát, đánh giá hiệu quả sau học tập. Trong giai đoạn hiện
nay, những địa phương còn tổ chức học tập kiểu hình thức, “du lịch trá hình”
không chỉ gây lãng phí mà còn làm xói mòn niềm tin vào quyết tâm đổi mới của Đảng,
Nhà nước.
Cần nhấn mạnh là, đối với hoạt động công vụ và quy chế
chi tiêu công không thể chấp nhận tư duy “có tiền là đi, có kế hoạch là thực hiện”,
bất chấp bối cảnh, bất chấp mục tiêu tổng thể và bất chấp tình hình thực tiễn.
Lãnh đạo mà cho phép việc này diễn ra là thiếu tầm nhìn, thiếu trách nhiệm, cần
bị nhắc nhở, kiểm điểm nghiêm túc.
Cần hành động
thay vì biện minh
Điều cần thiết hiện nay là thay vì biện minh, né
tránh, các địa phương cần nghiêm túc rà soát lại các kế hoạch công tác, dừng
ngay các chuyến đi không thật sự cần thiết. Toàn bộ nguồn lực cần được dồn vào
việc tuyên truyền, động viên, hỗ trợ cán bộ, công chức bị ảnh hưởng bởi việc
sáp nhập, sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Ngoài ra, cần công khai, minh bạch các hoạt động công
tác, học tập kinh nghiệm; ai đi, đi đâu, đi với mục đích gì, kết quả ra sao phải
được công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Dư luận sẽ
giám sát, nhân dân sẽ đánh giá, và đó chính là một phần của trách nhiệm giải
trình trong quản lý công.
Đồng thời, các cấp ủy đảng, chính quyền cấp trên cần
có chỉ đạo kịp thời, kiểm tra việc chấp hành chủ trương tinh giản bộ máy, tiết
kiệm chi tiêu công tại các địa phương. Với những trường hợp vi phạm, cần có
hình thức xử lý thích đáng để làm gương, bảo vệ kỷ cương, giữ vững niềm tin của
nhân dân.
Điều quan trọng không kém là các địa phương cần chú trọng
công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ trong diện bị ảnh hưởng bởi sắp xếp đơn vị
hành chính. Thay vì tổ chức các chuyến đi mang tính đãi ngộ, cần tăng cường đối
thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ; đồng thời có chính sách hợp lý
để hỗ trợ, bồi dưỡng, đào tạo lại, hoặc bố trí công việc phù hợp cho những người
dôi dư.
Tinh gọn bộ máy không chỉ là việc giảm số lượng, mà
quan trọng hơn là nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Muốn vậy, phải có
sự đồng thuận, ủng hộ của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Muốn có sự đồng thuận đó,
lãnh đạo phải hành động minh bạch, trách nhiệm, vì lợi ích chung chứ không vì
tư lợi.
Tóm lại, những chuyến đi học tập kinh nghiệm “theo kế hoạch”
mà thực chất là “du lịch công” bằng ngân sách nhà nước, là hành vi không thể chấp
nhận – cả về phương diện đạo lý lẫn nguyên tắc quản trị công. Trong bối cảnh đất
nước đang đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn biên chế, tiết kiệm chi
tiêu công, thì mọi biểu hiện lợi dụng chủ trương đúng để trục lợi cá nhân, hợp
thức hóa quyền lợi cho một nhóm người là sự phản cảm, sai lệch và cần bị dừng lại
ngay lập tức.
Trách nhiệm
trước hết thuộc về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nếu chính họ
buông lỏng quản lý, thậm chí cổ súy cho các hoạt động hình thức, đối phó, kém
hiệu quả – thì không thể nói đến tinh thần gương mẫu, dấn thân và “nói đi đôi với
làm”. Trong bộ máy công quyền, người đứng đầu không chỉ là người ra quyết định,
mà còn là biểu tượng về kỷ cương, chuẩn mực, đạo đức công vụ. Không có sự nêu
gương nghiêm túc, không thể có tổ chức vận hành minh bạch và hiệu quả.
Chấm dứt
các hành vi “du lịch công” không chỉ là việc làm cần thiết để tiết kiệm ngân
sách hay củng cố niềm tin nhân dân, mà còn là thước đo thực chất của ý chí
chính trị và năng lực điều hành. Mỗi cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu, cần thấm
nhuần rằng: trong giai đoạn đổi mới và chấn chỉnh hiện nay, một hành vi sai lầm
dù nhỏ cũng có thể làm tổn hại đến cả một quá trình xây dựng thể chế minh bạch,
liêm chính và phục vụ. Sự quyết liệt trong hành động sẽ là minh chứng rõ ràng
nhất cho tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ đúng nghĩa.
Cần lắm một tinh thần trách nhiệm cao, một thái độ
liêm chính, và hành động quyết liệt từ những người đứng đầu để những chủ trương
đúng đắn của Đảng không bị biến tướng khi đi vào thực tiễn.
Nhận xét
Đăng nhận xét