TĂNG PHÚC LỢI CHO CÁN BỘ CẤP XÃ SAU SÁP NHẬP
BẢO ĐẢM CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ
VÀ PHÚC LỢI TỐT HƠN CHO CÁN BỘ CẤP XÃ SAU SÁP NHẬP
Việc sáp
nhập đơn vị hành chính cấp xã không chỉ làm thay đổi bộ máy tổ chức mà còn tác
động trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, công chức, nhất là những người gần đến
tuổi nghỉ hưu hoặc bị ảnh hưởng bởi tinh giản biên chế. Do đó, cần có các chính
sách bảo đảm chế độ hưu trí và phúc lợi tốt hơn để hỗ trợ đội ngũ này một cách
hợp lý và nhân văn.
Từ những thách thức
sau sáp nhập
- Khi hợp
nhất, sáp nhập, giảm đầu mối theo hướng “tinh, gọn, nhẹ” thì đương nhiên một số
vị trí, chức danh bị cắt giảm dẫn đến một số cán bộ không còn giữ chức vụ như
trước, thậm chí phải nghỉ việc. Những cán bộ có năng lực cao hơn hoặc có thời
gian công tác dài hơn thường được ưu tiên giữ lại, trong khi những người ít
kinh nghiệm hơn có nguy cơ mất vị trí hoặc thôi việc. Nói cách khác, nguy cơ mất
vị trí, giảm thu nhập (sau khi nghỉ việc) là có thật.
- Hình
thành những “khoảng trống chính sách” đối với đối tượng cán bộ dôi dư: Đối với
những cán bộ sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo
hiểm xã hội, họ có thể đối mặt với nguy cơ nghỉ việc sớm mà không có chế độ hưu
trí đầy đủ.
- Áp lực
tâm lý và sự bất an về tương lai: Cán bộ lớn tuổi sau sáp nhập có thể gặp khó
khăn trong việc tái bố trí công việc hoặc thích nghi với mô hình quản lý mới.
Điều này có thể làm giảm động lực làm việc và tạo tâm lý lo lắng về chế độ khi
nghỉ hưu.
Đến một số biện pháp để
ổn định tâm lý cán bộ bị tác động do sáp nhập
- Đối với
cán bộ bị thay đổi vị trí dẫn đến lương bị giảm, cần có chính sách giữ nguyên mức
đóng bảo hiểm xã hội theo mức lương cũ trong một khoảng thời gian nhất định để
không ảnh hưởng đến lương hưu sau này.
- Có cơ chế,
chính sách để hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cán bộ dôi dư chưa đủ
điều kiện nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Với những người bị mất vị trí nhưng
chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội, cần nghiên cứu để hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ
mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để họ đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến
tuổi, tạo tâm lý an tâm cho nhóm cán bộ này.
- Mạnh dạn
nghiên cứu và áp dụng chính sách nghỉ hưu trước tuổi có trợ cấp. Đối với cán bộ
thời gian công tác còn lại dưới 60 tháng nhưng bị ảnh hưởng bởi sáp nhập, có thể
xem xét chế độ nghỉ hưu trước tuổi với mức trợ cấp một lần hoặc hỗ trợ tài
chính để giúp họ ổn định cuộc sống.
- Với những
người gần tuổi hưu nhưng vẫn có khả năng làm việc, có thể áp dụng chế độ gia hạn
công tác có phụ cấp đặc biệt thay vì buộc nghỉ việc sớm. Điều này giúp tận dụng
kinh nghiệm của họ và giảm áp lực tài chính khi về hưu.
- Với những
diện cán bộ bị tinh giản nhưng chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, có thể tổ chức đào tạo
lại, bố trí vào các vị trí phù hợp trong hệ thống chính quyền địa phương hoặc
doanh nghiệp nhà nước để họ tiếp tục làm việc và duy trì thu nhập.
Ngoài ra,
trong điều kiện hiện hữu có thể tính đến gói tín dụng chính sách đặc thù dành
cho cán bộ cấp xã sau khi sáp nhập phải nghỉ việc để họ có thể tiếp cận vốn ưu
đãi (có thể từ Ngân hàng chính sách xã hội) tạo việc làm mới, cải thiện điều kiện
sống và ổn định tâm lý.
Sáp nhập
đơn vị hành chính cấp xã có thể giúp tinh gọn bộ máy, nhưng cũng tạo ra nhiều
thách thức về nhân sự, thu nhập và tâm lý cán bộ. Nếu không có chính sách hợp
lý, nguy cơ mất vị trí và giảm thu nhập sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của
cán bộ, làm giảm động lực làm việc và thậm chí tạo tâm lý bất an, phản ứng tiêu
cực. Do đó, cần có giải pháp toàn diện để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, giúp họ
ổn định trong giai đoạn chuyển đổi. Theo đó, việc thiết kế các chính sách phù hợp
sẽ giúp cán bộ an tâm công tác, giảm lo lắng về tương lai, đồng thời nâng cao
chất lượng hoạt động của chính quyền cấp cơ sở sau khi tinh giản bộ máy hướng đến
một nền hành chính hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt
hơn.
TS. Phạm Đi
Nhận xét
Đăng nhận xét