KỸ NĂNG XÂY DỰNG VĂN HÓA TỔ CHỨC, VĂN HÓA CÔNG SỞ

 

KỸ NĂNG XÂY DỰNG VĂN HÓA TỔ CHỨC, VĂN HÓA CÔNG SỞ

Văn hóa là sức mạnh mềm của một quốc gia, dân tộc, cộng đồng, tổ chức. Nội hàm của văn hóa rất rộng và bao hàm nhiều yếu tố cấu thành như hệ giá trị, niềm tin, lễ thức, nề nếp, hệ thống biểu tượng, phương thức giao tiếp và làm việc, cách thức ứng xử, bầu không khí tập thể. Đối với một tổ chức kinh doanh thuần túy thì văn hóa là biểu tượng, là thương hiệu, là hình ảnh; đối với tổ chức chính trị-hành chính hay cơ quan nhà nước thì văn hóa là chất keo kết dính, là sức mạnh và niềm tin cho mỗi cá nhân trong tổ chức; tạo bầu không khí phấn khởi để phối hợp hoàn thành nhiệm vụ.

Công sở là khái niệm chỉ trụ sở của cơ quan nhà nước, là một bộ phận hợp thành tất yếu của thiết chế bộ máy quản lý nhà nước, một thiết chế xã hội. Công sở trong xã hội tồn tại như một hiện tượng văn hóa, đồng thời là một chủ thể văn hóa gắn liền với các yếu tố tổ chức quyền lực và tâm lý, tình cảm của con người. Do vậy, người lãnh đạo cần phải rèn luyện kỹ năng xây dựng văn hóa công sở, văn hóa tổ chức bằng cách hình thành các hệ giá trị, chuẩn mực, niềm tin, cách ứng xử của các thành viên trong tổ chức. Thực chất của việc xây dựng văn hoá công sở là hình thành nề nếp làm việc khoa học, với những nguyên tắc nhất định và cách vận hành đặc thù, hiệu quả. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo, quản lý cũng như các thành viên của cơ quan phải quan tâm đến hiệu quả hoạt động chung của cơ quan mình.

Trước tiên cần thừa nhận rằng, xây dựng văn hóa công sở, văn hóa tổ chức chưa bao giờ được xem là công việc dễ dàng. Công việc xây dựng văn hóa công sở với hệ thống giá trị mới: vì dân, hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả, v.v. sẽ được coi là thành công nếu những giá trị đó được lựa chọn, được đề cao; nếu những giá trị đó được đa số thành viên công sở thừa nhận, tự giác tuân thủ[1]. Càng không dễ dàng khi mà những biểu hiện thiếu văn hóa nơi công sở hiện nay như là “chuyện thường ngày ở huyện”, đến nỗi nhiều người xem đó là hiện tượng phổ biến như:  Thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân, mà biểu hiện rõ nhất là tình trạng giải quyết hồ sơ thủ tục cho nhân dân còn phiền hà, sách nhiễu, chậm trễ, cá biệt còn có tình trạng “làm luật”; không tôn trọng hoặc xem nhẹ kết quả làm việc của đồng sự dẫn đến suy giảm niềm tin, giảm nhiệt huyết, dần thay đổi thái độ làm việc;  Vi phạm thời giờ làm việc, lãng phí thời gian làm việc (buôn chuyện tại công sở, làm việc riêng trong giờ hành chính hoặc trong thời gian đi công tác…), lãng phí nguồn lực công (tiền điện thoại, tiền điện, nước, vật tư văn phòng, xe công sử dụng cho mục đích riêng…) cũng như chất lượng công việc; thói quen dựa vào tập thể, sống theo tập thể mà không có chính kiến cụ thể, thiếu ý thức cải tiến, đấu tranh chống lại thói quen xấu, cách làm xấu “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức với tư duy “nước trôi thì bèo trôi”, “nước nổi thì thuyền nổi”, “xấu đều hơn tốt lỏi”cá biệt dẫn đến sai phạm mang tính chất tập thể trong thời gian dài, khi phát hiện ra thì ngụy biện “ai cũng gù, mình thẳng lưng là khuyết tật”[2].

Để khắc phục các hiện tượng trên và hình thành văn hóa công sở, văn hóa tổ chức yêu cầu nhà lãnh đạo phải tiến hành các nhiệm vụ cụ thể, thiết thực. Như đã đề cập ở trên, văn hóa bao hàm các hệ giá trị, chuẩn mực, lợi ích và niềm tin và được hình thành, củng cố, phát triển trước hết từ người đứng đầu, ban lãnh đạo của tổ chức. Sau đó là sự đồng thuận, tuân thủ, sẻ chia và hành động của mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong tập thể. Muốn “có được” văn hóa tổ chức, văn hóa công sở thì trước tiên nhà lãnh đạo phải xây dựng hệ giá trị, chuẩn mực gắn với tầm nhìn, mục tiêu chiến lược để hun đúc ý chí, vực dậy khát vọng cống hiến của mọi người. Từng nào mà chính nhà lãnh đạo trở thành một bến cảng cho mỗi tâm hồn trú ngụ và là nơi tạo nên “cổ tức” niềm tin thì hồn cốt của văn hóa công sở, văn hóa tổ chức sẽ được hình thành, tôn tạo.

Kế đến, người lãnh đạo phải xây dựng bầu không khí tâm lý công sở cởi mở, thân thiện, tin tưởng lẫn nhau. Không thể có một công sở văn hóa nếu trong nội bộ luôn tồn tại căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên, cấp trên đề phòng cấp dưới, cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc chỉ để đến tháng nhận lương, ngoài ra không quan tâm đến những vấn đề khác.

Thứ nữa, cần hình thành tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng. Chuyên nghiệp, hiểu theo nghĩa chung nhất là mỗi người chuyên tâm vào công việc của mình, toàn tâm, toàn ý để hoàn thành công việc của mình một cách tốt nhất; chuyên nghiệp là có sự hiểu biết rộng và giỏi một lĩnh vực cụ thể. Trong hành chính công vụ, chuyên nghiệp còn là biết cách phối hợp, điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất; tác phong làm việc năng động, khoa học kết hợp với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào công việc. Trách nhiệm trong giải quyết công việc là việc thực hiện với niềm tin và sự chắc chắn, gắn với khả năng của mình vào trong công việc đó, đồng nghĩa với “đặt cược” danh dự cá nhân mình vào công việc được giao với mong muốn đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Cuối cùng, cần phải phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để mỗi thành viên trong tổ chức đều có cơ hội cống hiến, làm việc hết mình. Song song với đó, lãnh đạo cần tiến hành xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, phân loại một cách khoa học, công bằng, chính trực. Nên nhớ rằng, văn hóa tổ chức không có nghĩa là bắt mọi người bỏ đi (hay hi sinh) cái khác biệt mà hoàn toàn “hòa tan” trong tổ chức. Ngược lại, một bức tranh văn hóa tổ chức sẽ sinh động hơn, đầy màu sắc hơn khi lãnh đạo biết chấp nhận cái khác biệt[3].

TS. Phạm Đi



[1] Bộ nội vụ, Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính (Ban hành kèm theo Quyết định số 2720/QĐ-BNV ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nội vụ), tr. 234

[2]  Vũ Đức Nhuần, Vấn đề xây dựng văn hóa công sở hiện nay, trang thông tin điện tử của Liên đoàn lao động tỉnh Lâm Đồng. Tham kiến: https://lamdong.gov.vn/sites/ldld/diendantraodoi/SitePages/VAN-DE-XAY-DUNG-VAN-HOA-CONG-SO-HIEN-NAY(1).aspx (truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2022)

[3] Có lãnh đạo chỉ nghĩ đơn giản là thiết kế bộ đồng phục cho cơ quan đơn vị nghĩa là văn hóa công sở. Đó chỉ là một phần rất nhỏ (thậm chí mang tính hình thức) của văn hóa công sở mà thôi. Cũng có người cho rằng văn hóa công sở là “họ làm sao mình làm vậy” là được. Trong khoa học lãnh đạo không cho phép “đồng phục tư duy”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ