KHÔNG SỢ MẤT TÊN
CHỌN TÊN MỚI SAU KHI SÁP NHẬP TỈNH: KHÔNG CHỈ LÀ CÁI TÊN
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành phố
là một chủ đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính
sách, chuyên gia và nhất là người dân. Trong bối cảnh và yêu cầu của sự phát
triển, cải cách hành chính cũng là một phương tiện, công cụ để tinh giản bộ máy
theo hướng ngọn, nhẹ hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, nhiều địa phương được
xem xét để sáp nhập nhằm tối ưu hóa nguồn lực, tăng cường hiệu quả quản lý và
phát triển kinh tế - xã hội để tăng tốc bức phá cho đất nước. Tuy nhiên, một
trong những vấn đề quan trọng phát sinh từ quá trình này là lựa chọn tên mới
cho địa phương hợp nhất, đi kèm với các hệ lụy về hành chính, văn hóa, bản sắc
và tâm lý xã hội.
Cần phải
thiết lập một số nguyên tắc khi đặt tên mới sau khi sáp nhập
Việc lựa chọn tên cho địa phương sáp nhập không chỉ
đơn thuần là vấn đề danh xưng (tên gọi), mà điều quan trọng hơn là nó còn liên
quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa và tính đồng thuận xã hội. Theo kinh nghiệm từ
bài học lịch sử, có thể thiết lập một số nguyên tắc quan trọng sau: (i) Lưu giữ,
bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa đã có trong lịch sử, có nghĩa là, tên địa
phương mới phải phản ánh được bản sắc lịch sử, lưu giữ các nét văn hóa (chủ đạo)
để tạo sự gắn kết trong nhân dân. Bài học từ sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội (2008)
đã quyết định giữ tên Hà Nội giúp tạo sự đồng thuận, giữ được bản sắc văn hóa
và các giá trị lịch sử; (ii) Tên mới cần phản ánh được tính thống nhất và dễ nhận
diện, tức là cần phải đảm bảo nguyên tắc lịch sử nhưng dễ nhận biết và không gây
nhầm lẫn, thậm chí cố tình hiểu sai, xuyên tạc; (iii) Tên gọi mới phải thể hiện
được tầm nhìn và hướng đi tương lai của địa phương, đảm bảo định hướng phát triển
vùng; (iv) Đảm bảo sự đồng thuận của nhân dân, muốn vậy, quá trình chọn tên nên
có sự tham góp ý kiến của nhân dâ, các nhà khoa học để tránh gây tranh cãi, thậm
chí bất mãn.
Cần tiên liệu,
dự báo và đưa ra các phương án giải quyết các vấn đề có thể nảy sinh sau khi
sáp nhập.
Cần phải nhấn mạnh là, việc sáp nhập các tỉnh/thành
không chỉ đơn thuần là bài toán hành chính, mà còn kéo theo những vấn đề khác,
thậm chí có thể nảy sinh một số vấn đề mới cần được tính toán, tiên liệu để giải
quyết. Trong đó, vì mỗi địa phương (vốn dĩ đã được hình thành và phát triển
trong một thời gian nhất định) có những nét văn hóa (thậm chí bản sắc văn hóa
riêng) về phong tục, tập quán, lối sống, thói quen và cả phong cách lãnh đạo,
quản lý, do đó khả năng xảy ra các xung đột văn hóa và bản sắc phải được tiên
liệu. Kế đến, việc phân chia, phân bổ ngân sách, bố trí nhân sự có thể gây ra
những bất cập, thậm chí chồng chéo nên cần phải tính đến. Cuối cùng, việc thay
đổi địa danh có thể kéo theo những thủ tục hành chính (bắt buộc và không bắt buộc),
điều này có thể gây nên những ùn ứ (trong thời gian đầu), thậm chí nếu giải quyết
không tốt sẽ gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng khác.
Như vậy, việc sáp nhập các địa phương không chỉ là bài
toán hành chính mà còn là một quá trình tác động đến nhiều khía cạnh khác nhau
của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa-lối sống, dân sinh và công tác quản lý.
Lựa chọn tên mới cho một địa phương hợp nhất cần phải được xem xét thận trọng để
phản ánh đúng bản sắc văn hóa, lịch sử, cũng như tạo sự đồng thuận giữa người
dân. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình này có thể gây ra những mâu
thuẫn về danh tính, ảnh hưởng đến lòng tự hào địa phương và làm nảy sinh những
thách thức không mong muốn. Để đảm bảo thành công của quá trình sáp nhập, các
nhà quản lý cần thực hiện khảo sát ý kiến người dân, tham khảo ý kiến chuyên gia,
đồng thời nghiên cứu sâu sắc các yếu tố lịch sử - văn hóa của từng địa phương
liên quan. Một quyết định đặt tên hợp lý không chỉ giúp tạo sự đoàn kết mà còn
góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho địa phương, vùng và cả đất nước.
TS. Phạm Đi
Nhận xét
Đăng nhận xét