XÃ HỘI HỌC MÁC XÍT VỚI QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI HIỆN NAY

 

VẬN DỤNG TRI THỨC XÃ HỘI HỌC MÁC XÍT VÀO CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI HIỆN NAY Ở NƯỚC TA

TS. Phạm Đi

 

Trích yếu:

 

Từ giác độ xã hội học Mác xít, bài viết tiến hành nhận thức và phân tích sự quản lý xã hội qua hệ trục tọa độ 3 chiều với 3 tầng diện, đó là: vật chất – chế độ - tinh thần. Tác giả cho rằng, trong điều kiện hiện hữu của Việt Nam, công tác quản lý xã hội cần phải xuất phát từ 3 khía cạnh và tầng diện: tầng diện vật chất xã hội (sự nghiệp xã hội, công trình dân sinh, cơ sở hạ tầng,…) với tư cách là nền móng và là xuất phát điểm; tầng diện thể chế, chế độ (pháp luật phát quy, thể chế cơ chế, tổ chức xã hội, kết cấu xã hội,…) với tư cách là phương tiện quản lý; tầng diện tinh thần xã hội (tín ngưỡng, đạo đức, hệ thống giá trị,…) với tư cách là trọng điểm và mục tiêu của quản lý xã hội.

1.     Hệ không gian ba chiều của xã hội: góc nhìn của xã hội học Mác xít

Quản lý xã hội là một hoạt động tất yếu của xã hội loài người, mục đích của nó là duy trì sự ổn định và trật tự xã hội, làm cho xã hội ngày càng phát triển. Với tư cách là một chuyên ngành khoa học, khoa học xã hội học chỉ ra đời cách đây chưa đến vài thế kỷ[1], tuy nhiên nhìn lại sự ra đời và các tiền đề ra đời của xã hội học chúng ta nhận thấy rằng, dường như một trong những sứ mệnh của xã hội học là để giải quyết những vấn đề xã hội đương thời của xã hội châu Âu, mà trong đó là các vấn đề về ổn định xã hội, trật tự xã hội và quản lý xã hội. Khi khoa học xã hội học được “du nhập” vào các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam thì sứ mệnh “giải quyết các vấn đề xã hội” của nó vẫn còn nguyên giá trị. Kinh nghiệm lịch sử của nhiều quốc gia trên thế giới về vấn đề quản lý xã hội đã chỉ cho chúng ta một tiền đề là, muốn quản lý xã hội tốt thì cần phải có những nhận thức đúng, khoa học và chính xác về xã hội. Xã hội học tiếp cận và lý giải xã hội từ các khía cạnh và chiều tích khác nhau như: kết cấu xã hội (social structure), thể chế xã hội, (social institutions), phân tầng xã hội, (social stratification), tương tác xã hội (social interaction), vấn đề xã hội (social problems), khống chế/kiểm soát xã hội (social control),… đã giúp chúng có sự nhận thức và phân tích chính xác về sự vận hành của hệ thống xã hội. Có thể nói, từ những “ông tổ” của xã hội học cho đến các nhà xã hội học đương đại, đều ra sức tìm kiếm, lý giải những hiện tượng, sự kiện, vấn đề xã hội trong quản lý xã hội và tìm ra những quy luật về sự vận hành và phát triển của xã hội. Đó là Auguste Comte với “ bàn về chỉnh thể xã hội”, Herbert Spenser với “lý luận về cơ thể hữu cơ xã hội”, Emile Durkheim với “đoàn kết xã hội”, Talcott Parsons với “chủ nghĩa cấu trúc-chứng năng” và “chỉnh thể xã hội”, Lewis Coser, Ralf G. Dahrendorf[2] với lý luận về “xung đột xã hội”, George Casper Homans[3] với lý luận về thuyết “trao đổi xã hội”. Tất cả những lý luận và phương pháp luận của các nhà xã hội học này, dù có những nội dung, phương pháp, cách tiếp cận khác nhau về xã hội nhưng nó tựu trung vào việc kiến giải và đưa ra những phương pháp để nắm bắt các quy luật của sự phát sinh, phát triển xã hội nói chung.

Cần phải chỉ ra rằng, trong hệ thống lý luận Mác xít các phạm trù “vận động xã hội”, “hình thái xã hội”, “kết cấu xã hội”, “mâu thuẫn xã hội”,… đã “chiếm cứ” một địa vị vô cùng quan trọng và xuất hiện với những tần suất cao. Trên nguồn gốc lý luận mà lý giải, chúng ta chia hệ thống lý luận Mác xít ra làm 3 phân hệ chủ yếu là triết học Mác xít, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng tuyệt nhiên không đề cập đến hoặc “gọi tên” thành một phân hệ xã hội học Mác xít. Ngược lại, cần nói thêm rằng, những tư tưởng xã hội học của chủ nghĩa Mác trong hệ thống lý luận xã hội học cũng như các trường phái xã hội, có một thời (đặc biệt là xã hội học Âu-Mỹ), bị xem nhẹ, ít đề cập thậm chí bị bỏ qua. Thế nhưng, điều không thể phủ nhận là, những quan điểm về kiến thức thượng tầng và cơ sở hạ tầng, quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất,… đã cho chúng ta cơ sở lý luận và khung phân tích xã hội một cách khoa học, và chính nó cũng giúp chúng ta có những nhận thức đúng đắn, khách quan về xã hội, bản chất của xã hội cũng như nắm bắt các quy luật của phát triển xã hội.

Nói đến “xã hội” tức là chỉ “xã hội loài người”, do đó chúng ta thường so sánh “xã hội” khác nhau trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau. Tuy vậy, “cái xã hội” trong các xã hội khác nhau, quốc gia khác nhau, địa vực khác nhau vẫn có những điểm chung nhất: trong những điều kiện vật chất cụ thể nào đó, con người trong xã hội luôn có sự tương tác, trao đổi qua lại lẫn nhau; quan hệ qua lại của con người, kết cấu xã hội đều tuân thủ theo những quy tắc, khuôn mẫu nhất định; các thành viên trong xã hội có sự cố kết với nhau bằng những hệ giá trị nhất định. Trong tất cả những tầng diện nêu trên, K.Marx gọi tên là “cơ sở hạ tầng” và “kiến trúc thượng tầng”. Không khó để lý giải, khoa học kỹ thuật, trình độ sản xuất quyết định đến đời sống vật chất và cấu thành nên điều kiện cơ sở của xã hội; chế độ xã hội, hệ thống pháp luật pháp quy chế ước các quan hệ xã hội, tố tạo nên kết cấu xã hội; văn hóa tinh thần, đạo đức tư tưởng, quan niệm giá trị kiến tạo nên tinh thần xã hội, “linh hồn” xã hội.

Để tăng cường nhận thức và nâng cao hiệu suất quản lý xã hội, đòi hỏi nhà lãnh đạo quản lý và các nhà cải cách xã hội phải đặt ra những câu hỏi và tự trả lời cho những chất vấn này. Đó là, muốn quản lí xã hội thì nên bắt đầu từ đâu? Trọng điểm ở đâu? Mục tiêu là gì? Dựa vào kết cấu hệ trục tọa độ không gian 3 chiều của xã hội, tác giả cho rằng cần phải xem trục “vật chất” (sự nghiệp xã hội, công trình dân sinh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật,…) với khía cạnh xây dựng và quản lý, làm cơ sở và xuất phát điểm; lấy “trục” thể chế, chế độ (pháp luật pháp quy, thể chế cơ chế, tổ chức xã hội, cơ cấu xã hội,…) làm tiếp điểm, điểm đặt của đòn bẩy và phương tiện; lấy “trục” tinh thần (tín ngưỡng, đạo đức, hệ giá trị,…) làm mục tiêu và trọng điểm.

2.     Quan điểm Mác xít về quản lý xã hội trong hệ trục không gian 3 chiều

3.1. Tầng diện vật chất: thực thi những công trình dân sinh, nâng cao phục vụ công, tăng cường đầu tư về khoa học kĩ thuật, tăng cường áp dụng quản lý thông minh

Theo quan điểm Mácxít, phương thức sản xuất vật chất chế ước toàn bộ đời sống xã hội. Nói cách khác, trong các yếu tố chính yếu kiến tạo và ảnh hưởng đến tồn tại xã hội thì phương thức sản xuất vật chất là yếu tố cơ bản nhất. Từ đây có thể nhận thức rằng, quản lý xã hội cần phải đạt được nhu cầu cơ bản của nhân dân về “y, thực, trú, hành” và thỏa mãn các nhu cầu thiết thân khác như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, dưỡng lão, bảo đảm xã hội, an toàn,… không ngừng nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho các thành viên trong xã hội cũng như các nhóm xã hội khác nhau. Do đó, xây dựng và quản lý xã hội trên “hệ trục” vật chất nói chung, đầu tiên là phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, hệ thống dịch vụ công, sau đó là hoạch định các chức năng của các cấp quản lý (tức là sự nghiệp xã hội), thực thi các công trình phục vụ dân sinh.

Xây dựng và quản lý xã hội trên bình diện vật chất, thông thường mà nói người ta nghĩ đến vấn đề quản lý kinh tế-xã hội. Nếu nói rằng nhiệm vụ chủ yếu của quản lý kinh tế là làm thế nào để tranh thủ được nguồn vốn (kiếm tiền), tích lũy tài chính, thì quản lý xã hội thiêng về vấn đề làm thế nào để “tiêu tiền”, cung cấp các dịch vụ công có tính bình đẳng, chất lượng cao và có hiệu quả. Như vậy, về bản chất mà nói thì quản lý xã hội thiêng về “cho” hơn là “nhận”, “cung” hơn là “thu”. Theo đó, quản lý xã hội cần phải tăng cường quản lý các “sự nghiệp xã hội” như giáo dục, y tế,văn hóa, việc làm, bảo đảm xã hội,… đồng thời tăng cường đầu tư cho các dịch vụ công, các công trình công cộng như quảng trường, công viên, các khu thể dục thể thao công cộng, bảo tàng và các lĩnh vực thiết thân với con người như nhà ở, thông tin liên lạc, giao thông,….

Đầu tư cho cơ sở hạ tầng và hệ thống bảo đảm xã hội rõ ràng phải dựa vào trình độ phát triển của kinh tế, do đó không nên và không thể “chia tách” hay “đối lập” giữa xây dựng và quản lý xã hội và tăng trưởng kinh tế. Điều đáng nói là, trong điều kiện sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng trong cả nước, giữa nông thôn và đô thị, giữa các ngành nghề khác nhau ở nước ta hiện nay. Nhà nước cần phải có sự đầu tư ưu tiên và trọng điểm cho những vùng miền, ngành nghề còn khó khăn để phát triển hài hòa giữa nông thôn - đô thị, giữa công nghiệp - nông nghiệp,… Để làm được điều đó, cần phải lồng ghép các chương trình đầu tư về cơ sở hạ tầng, các công trình dân sinh vào trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tăng cường bảo đảm xã hội và an sinh xã hội, ưu tiên cho các tầng lớp yếu thế và những đối tượng là người có công, người tàn tật; tăng cường công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống cho người nghèo, giúp họ vươn lên làm giàu.

3.2. Tầng diện thể chế - chế độ: mở rộng sự tham gia của xã hội, kiện toàn các tổ chức xã hội, hoàn thiện kết cấu xã hội, xúc tiến công bằng xã hội

Như đã đề cập, hệ trục “thể chế, chế độ” hàm chỉ sự chế định và thực thi hệ thống pháp luật pháp quy, hệ thống chính sách tương quan để quản lý xã hội. Quản lý xã hội, xét đến cùng là sự khống chế, điều tiết, giám sát,… trong khuôn khổ của hệ thống pháp luật do nhà nước đặt ra.  Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa phải tuân thủ theo nguyên tắc căn bản đó là quản lý nhà nước dựa trên hiến pháp và pháp luật, quản lý hành chính trong khuôn khổ luật pháp và pháp quy. Do đó xây dựng và kiện toàn hệ thống pháp luật, pháp chế đáp ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội là nội dung trọng yếu trong quản lý xã hội. Thế nhưng, khi xem xét quản lý xã hội trong hệ trục “thể chế, chế độ” chúng chúng không nên chỉ hiểu là xây dựng hệ thống pháp luật, pháp chế mà nó còn là cơ chế để vận hành xã hội và các kết cấu - cơ cấu - tổ chức của xã hội. Trước mắt có thể khẳng định rằng, vận dụng tri thức của xã hội học Mác xít trong quản lý xã hội ở tầng diện thể chế, chế độ bao hàm: điều chỉnh các quan hệ xã hội, điều chỉnh các kết cấu xã hội, kiện toàn các tổ chức xã hội, mở rộng sự tham gia của người dân với tư cách là chủ thể xã hội và các tổ chức xã hội vào trong quá trình quản lý xã hội và trong các hoạt động xã hội theo phương thức xã hội hóa.

Sau gần 40 năm mở cửa theo chủ trương của đường lối Đổi mới, hệ thống pháp luật pháp quy của chúng ta ngày càng được hoàn thiện, các bộ luật mới ra đời, một số bộ luật cũ đã và đang sửa đổi bổ sung dần hình thành nên hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh. Thế nhưng vấn đề đặt ra là, vì sao đến hôm nay chúng ta vẫn phải đặt vấn đề “hoàn thiện hệ thống pháp luật” và “tăng cường công tác quản lý xã hội”? Có nhiều nguyên nhân nhưng điều dễ dàng nhận thấy là, xã hội chúng ta đang đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức: sự chuyển mình của xã hội đã phát sinh không ít những mâu thuẫn xã hội mới, cái mà theo lý luận xã hội học gọi là “rủi ro xã hội” . Nhìn thẳng vào sự thật bằng những quan sát xã hội học có thể thấy rằng, xã hội ngày càng bộc lộ những xung đột, mâu thuẫn mà nguyên nhân của nó có một phần không nhỏ là do hệ thống pháp luật tuy nhiều về số lượng nhưng vẫn còn những bất cập, chồng chéo; điều khoản còn đá nhau, không khả thi, chế tài không nghiêm; chất lượng ở một số điều luật chưa cao, chưa đi đúng vào thực tiễn xã hội và không giải quyết được yêu cầu nội sinh của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành quản lý xã hội, kết cấu xã hội, quan hệ xã hội chưa “ăn khớp” (thậm chế dẫm chân lên nhau) cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự yếu kém trong quản lý và phái sinh những mâu thuẫn, xung đột xã hội.

Xã hội Việt Nam đang chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại. Do đó, phương thức sản xuất vật chất, các quan hệ sản xuất, các quan hệ nhân tế giữa người với người, các phương thức tổ chức xã hội,…đều có những chuyển biến và biến hóa hết sức lớn. Tình trạng gia tăng dân số, vấn đề di dân nông thôn-đô thị, kết cấu giai tầng và phân tầng xã hội, kết cấu nông thôn-đô thị, kết cấu nghề nghiệp, kết cấu gia đình, cơ cấu dân số, thậm chí cơ cấu giới tính,v.v. là những “đơn đặt hàng” của xã hội buộc nhà quản lý cần phải có những nghiên cứu để nhận thức đúng và đưa ra những “phương thuốc” để điều chỉnh các “căn bệnh” của xã hội.

Chẳng hạn, nếu kết cấu về nhân khẩu biến đổi theo chiều hướng già hóa dân số là “đơn đặt hàng” cho xã hội mà trực tiếp là người quản lý xã hội cần phải tính đến việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm xã hội cho người cao tuổi, các viện dưỡng lão, đồng thời với nó phải phải tính đến xây dựng hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân; cũng vậy, khi tốc độ đô thị hóa gia tăng thì cũng đồng nghĩa với vấn đề xây dựng hạ tầng đô thị, vấn đề bảo đảm việc làm, vấn đề khám chữa bệnh, vấn đề nghèo đói đô thị,… là những bài toán đặt ra cho nhà quản lý. Như vậy, trước mắt một trong những nhiệm vụ trọng điểm của vấn đề quản lý xã hội trên bình diện thể chế, chế độ là kiện toàn hệ thống bảo đảm xã hội, an sinh xã hội.

Kết cấu xã hội có sự biến động tất yếu sẽ dẫn đến sự điều chỉnh các quan hệ xã hội, cụ thể là điều chỉnh lợi ích giữa cá nhân và xã hội, giữa cá nhân và nhóm, giữa các nhóm xã hội khác nhau và giữa các cá nhân trong xã hội. Từ đó dễ thấy rằng, để điều hòa được các lợi ích và các quan hệ lợi ích này thì nhà quản lý cần phải thiết lập và hoàn thiện hệ thống pháp luật đủ mạnh, đồng thời cần phải đưa yếu tố công bằng, công chính là hạt nhân và nguyên tắc trong quản lý xã hội.

Xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho nhóm nghèo và đồng thời tạo điều kiện cho mọi người làm giàu chính đáng (nhất là tầng lớp trung lưu) dần biến mô hình phân tầng về thu nhập theo hình kim tự tháp sang kiểu phân tầng kiểu “trái ô liu” là mục tiêu trước mắt và lâu dài nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng cường công bằng xã hội. Tuy vậy, cần tránh cách nghĩ “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng” một cách cơ học, máy móc, mà nên hiểu rằng chỉ có “công bằng” trong cơ hội chứ không có công bằng trong kết quả. Muốn làm được điều đó, cần phải không ngừng đổi mới và quản lý cơ chế phân phối thu nhập, cơ chế thể chế giáo dục, chính sách việc làm, chính sách bảo đảm xã hội.

3.2. Tầng diện tinh thần: Điều chỉnh tâm thái xã hội, hồi phục tín nhiệm và niềm tin xã hội, thiết lập hệ thống giá trị mới.

Quản lý xã hội trên hệ trục “tinh thần” tức là chỉ sự kiến tạo và quản lý “nhân tâm”: xây dựng hệ thống giá trị, hệ thống chuẩn mực xã hội và tái tạo “linh hồn” xã hội. Điều cần nói là, hiện nay các nhà lãnh đạo quản lý xã hội, các nhà nghiên cứu thường chú trọng đến việc xây dựng hệ thống pháp luật, hoàn thiện các hệ thống pháp quy, các thể chế chế độ liên quan nhưng ít chú trọng đến phương diện “nhân tâm” đó là tâm thái xã hội và hệ giá trị, chuẩn mực xã hội.

Bản thân khái niệm “xã hội” trong xã hội học chính là chỉ một cộng đồng người trong một phạm vi, địa vực nào đó có cùng chung hệ giá trị và văn hóa. Bởi chính các hệ giá trị và văn hóa đó trở thành những chất keo kết dịch các thành viên trong cộng đồng. Ở đó, các quan hệ xã hội, các mạng lưới xã hội được gắn kết trên cơ sở các hệ giá trị về niềm tin, tôn giáo, tín ngưỡng, và chính nó sẽ trở thành những giá trị ổn định, làm thành một trật tự và ổn định tương đối của xã hội.

Trong những năm gần đây, liên tiếp phát sinh những sự việc, những mâu thuẫn và xung đột lợi ích là những chỉ báo cho thấy tâm thái xã hội có phần bất ổn định. Quan sát thấy rằng, xã hội hiện đại đang phải đương đầu với muôn vàn những mâu thuẫn và xung đột, nhất là xung đột về lợi ích (lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần): lợi ích bản thân và lợi ích của người khác, lợi ích của cá nhân và lợi ích của cộng đồng, lợi ích cộng đồng-xã hội và lợi ích quốc gia. Rõ ràng, xã hội cần một sự ổn định, một sự chỉnh hợp và hài hòa. Muốn có nó thì không thể không đề cập đến sức mạnh “nội tâm” của con người, của cộng đồng. Điều này cần xây dựng những hệ thang giá trị chuẩn mực là “tiếng nói chung” cho cộng đồng. Cần nhấn mạnh rằng, bất luận sự phát triển đến mấy của khoa học kỹ thuật, sự giàu có đến mấy của vật chất xã hội, khi tổ chức xã hội và xây dựng hệ thống pháp luật, pháp quy không thể thay thế được “nhân tâm” và các giá trị “nội tâm” mà các cá nhân trong xã hội cần phải nội tâm hóa.

Quản lý xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa đã và đang trở thành một trong những bài toán đa biến còn nhiều ẩn số mà những thách thức đến từ nhiều hiện tượng, nhiều vấn đề xã hội mới này sinh: mất niềm tin xã hội từ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hay các hàng hóa giả mạo, những quy tắc ngầm hay các nhóm lợi ích đang nổi lên như một thách thức, những vụ án mang tính dã tâm phi nhân tích ngày càng nhiều, các quy phạm đạo đức ngày càng bị xâm phạm nghiệm trọng thậm chí bị thách thức,…Tất cả những biểu hiện đó đã nói lên một điều, tinh thần xã hội đã và đang có vấn đề và mang trong mình nhiều biểu hiện không lành mạnh nếu không muốn nói là bệnh tật.

Đương nhiên phải thừa nhận rằng, việc xây dựng tư tưởng đạo đức, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần văn minh trong quản lý xã hội đã được các nhà quản lý “để ý” từ lâu. Thế nhưng trên thực tế, dường như vấn đề xây dựng hệ giá trị chung, niềm tin chung của xã hội vẫn rơi vào tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, ai cũng biết nhưng không ai làm, ai cũng quản lý nhưng không có cơ quan chủ quản nào trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm, thậm chí rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Đời sống văn hóa tinh thần xét cho cùng đó chính là thuộc về lĩnh vực giáo dục và xã hội hóa cá nhân. Thực tế cho thấy, từ giáo dục gia đình đến giáo dục nhà trường và xã hội đều tồn tại những khiếm khuyết nhất định: niềm tin xã hội, hệ giá trị, hệ tư tưởng đôi khi bị các giá trị kim tiền, quyền lực, danh lợi “định đoạt” và dần biến thành những “thang đo giá trị” cho xã hội. Chính điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn và thách thức không nhỏ cho công tác quản lý xã hội hiện nay.

Thành thật mà nói, xã hội hiện đại luôn là một hệ thống mở nên sự “lai dẫn” và du nhập những nét văn hóa tư tưởng không phù hợp, thậm chí có khả năng phương hại đến văn hóa truyền thống dân tộc là điều tất yếu. Thế nhưng, sự du nhập văn hóa ngoại lai không đồng nghĩa với việc “thị phi bất phân, thiện ác bất minh, đẹp xấu bất biện”. Do đó, về phương diện văn hóa tinh thần, quản lý xã hội cần phải xây dựng hệ giá trị mang tính chuẩn mực chung là một yêu cầu trọng yếu.

Người xưa có câu “đắc nhân tâm tắc đắc thiên hạ”, ngày nay nói đến quản lý xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trên phương diện văn hóa tinh thần cần phải loại bỏ ý nghĩ ấu trĩ là giáo dục pháp luật sẽ loại bỏ hoặc “loại suy” giáo dục đạo đức, tư tưởng; xây dựng hệ thống pháp luật pháp quy mà “quên” đi nhiệm vụ xây dựng và kiến tạo đời sống văn hóa tinh thần. Bởi mục đích cuối cùng của quản lý xã hội cũng là vì con người, do con người, là “dĩ nhân vi bản”.

Tóm lại, từ giác độ quản lý xã hội mà nói, quản lý và khuất phục “nhân tâm” là then chốt nhất và cũng khó khăn nhất. Để làm được điều đó, ngoài việc kiện toàn hệ thống pháp luật pháp quy và các biện pháp hành chính, pháp luật, kinh tế,… thì điều quan trọng hơn là cần phải dùng những phương thức khác như chế ước về đạo đức, hệ chuẩn mực xã hội, dư luận xã hội, yếu tố tâm lý xã hội,…Có như vậy, quản lý xã hội mới đạt được hiệu quả cao nhất và mang tính bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.



[1] Nếu lấy mốc là năm 1838, xã hội học được công nhận như là một ngành khoa học thực thụ.

[2] Ralf G.Dahrendorf (1929-2009), nhà xã hội học người Đức

[3] George Casper Homans (1910-1989), nhà xã hội học người Mỹ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ