QUẢNG NAM: THỰC HIỆN AN SINH XÃ HỘI GẮN VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP VỀ XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN HỆ THỐNG AN SINH XÃ HỘI GẮN VỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
TS. Phạm Đi
1. Đặt vấn đề
An sinh xã hội là một trong những trụ cột quan trọng của
phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh con người, giảm thiểu bất bình đẳng,
và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tại Việt Nam, chủ trương xây dựng hệ thống an
sinh xã hội toàn diện, mang tính đặc thù đã được xác định trong các chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững,
“không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.
Quảng Nam một tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam, sở hữu
nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng đối mặt với những thách thức đáng kể. Các
vấn đề như tỷ lệ hộ nghèo, biến đổi khí hậu, thiên tai, và cơ cấu dân số ngày
càng già hóa đang đặt áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội. Dù đã đạt được một
số kết quả tích cực thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và địa phương,
nhưng việc triển khai vẫn còn gặp nhiều bất cập, như tính bền vững của nguồn lực,
khả năng tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội của người dân vùng sâu, vùng xa,
và chất lượng hỗ trợ chưa đồng đều.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, đề xuất các giải
pháp gắn kết hệ thống an sinh xã hội với nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
tại Quảng Nam không chỉ mang ý nghĩa lý luận mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc.
Đặc biệt, với sự chuyển mình mạnh mẽ của Quảng Nam trong việc phát triển kinh tế-xã
hội và xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, cần
thiết phải xây dựng một mô hình an sinh xã hội đặc thù, đáp ứng được yêu cầu hiện
đại hóa và bền vững, đảm bảo phúc lợi cho mọi người dân.
Bài viết hướng đến việc làm rõ các yếu tố tác động,
đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp khả thi, trong đó gợi ý mô hình an
sinh xã hội đặc trưng, gắn với tình hình thực tiễn của địa phương nhằm hoàn thiện
hệ thống chính sách xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân Quảng
Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước nói chung, phát triển khu vực
miền Trung và tỉnh Quảng Nam nói riêng.
2. Thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong thực hiện chính
sách an sinh xã hội ở Quảng Nam
Trong những năm qua, nhất là sau đại dịch COVID-19,
tốc độ phục hồi và phát triển kinh tế của Quảng Nam rất lạc
quan, tổng thu
ngân sách nhà nước năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt 32.144 tỷ đồng, bằng 135,6% dự
toán và tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2021[1].
Thế nhưng, mặc dù có sự phục hồi trong năm 2022, nhưng đến năm 2023, Quảng Nam
đối mặt với nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng như thuế, giải ngân và xuất
khẩu đều giảm sút, khiến việc đạt được các mục tiêu kinh tế trở nên thách thức[2]. Điều đáng mừng, 6 tháng đầu
năm 2024, kinh tế Quảng
Nam có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng trưởng dương. Tổng sản phẩm trên địa bàn
(GRDP) ước tính tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, chấm dứt đà tăng trưởng âm
kéo dài[3]. Cùng với vấn đề phát triển
kinh tế, an sinh xã hội cũng đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng đối mặt với
không ít thách thức. Những điếm sáng trong công tác an sinh xã hội ở Quảng Nam
thời gian qua có thể kể đến: (i) Giảm nghèo
bền vững: Tỷ lệ hộ nghèo tại Quảng Nam đã giảm đáng kể trong những
năm gần đây nhờ các chính sách giảm nghèo hiệu quả như hỗ trợ sinh kế, vay vốn
ưu đãi, và chương trình xây dựng nông thôn mới[4]; (ii) Hỗ trợ đối
tượng chính sách: Quảng Nam thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ người
có công với cách mạng, gia đình chính sách, và người nghèo. Tỉnh có nhiều chính
sách ưu đãi cho các gia đình liệt sĩ, thương binh và bệnh binh; (iii) Phát
triển giáo dục và y tế: Quảng Nm đã đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục
và dịch vụ y tế, đặc biệt tại các khu vực nông thôn và miền núi. Các chính sách
miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh nghèo được áp dụng rộng rãi; (iv) Bảo hiểm
xã hội: Số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tăng dần qua từng
năm, góp phần đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân[5]. Tuy nhiên, bên cạnh những
thành quả đó, công tác an sinh xã hội ở Quảng Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách
thức trong đó có thể kể đến:
Thứ nhất, vấn
đề chênh lệch vùng miền, phân hóa, phân tầng trong tiếp cận các chính
sách an sinh xã hội: Quảng Nam là một tỉnh có sự phân
hóa sâu sắc giữa các khu vực đồng bằng và miền núi, dẫn đến những khác biệt rõ
rệt về tiếp cận và thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Các huyện miền núi
phía Tây Quảng Nam, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Xơ Đăng,
và Bh’noong, vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, và tiếp cận
các chính sách an sinh xã hội. Nguyên nhân của sự chênh lệch này có từ yếu tổ
khách quan cả chủ quan như địa hình phức tạp, giao thông khó khăn ở các huyện
miền núi dẫn đến gia tăng chi phí triển khai chính sách; trình độ, năng lực của
đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở mà cụ thể là cán bộ trực tiếp tham mưu và
triển khai các chính sách xã hội, an sinh xã hội còn hạn chế nhất định; nguồn lực đầu tư dành cho các khu vực vùng
sâu, vùng xa trong những trường hợp cụ thể còn hạn chế so với các khu vực đồng
bằng; chênh
lệch kinh tế - xã hội truyền thống giữa đồng bằng và miền núi khó được thu hẹp
trong thời gian ngắn. Chính điều này sẽ dẫn đến những hệ lụy khi thực hiện
chính sách an sinh xã hội ở Quảng Nam: (i) Gia tăng bất bình đẳng xã hội. Người dân miền
núi không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản như giáo dục và y tế; (ii) Rủi ro tái nghèo cao: Các chương trình hỗ trợ giảm nghèo chưa bền vững,
đặc biệt ở các huyện nghèo thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai; (iii) Mất
cân bằng lao động: Người dân miền núi phải di cư xuống đồng bằng để tìm việc làm, tăng thu
nhập, tạo sinh kế. Điều này vừa gây áp lực cho các đô thị và khu công nghiệp, vừa
thiếu hụt nguồn lao động tại chỗ khi triển khai các chính sách phát triển chung
của Tỉnh, và trong những điều kiện nhất định lại là “lỗ hổng” về quốc phòng, an
ninh trong điều kiện và tình hình hiện nay. Thực tế này chính là “đơn đặt
hàng”, là gợi mở cho lãnh đạo Quảng Nam trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
và đưa ra các giải pháp chính sách đặc thù về an sinh cho từng nhóm đối tượng,
từng khu vực đặc thù trên địa bàn, tránh hiện tượng “cào bằng”, “duy ý chí”
trong ban hành và thực thi chính sách có liên quan.
Thứ hai, nhân tố tác động từ thiên tai, biến
đổi khí khậu. Là một tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ, sạt
lở đất các hiện tượng cực đoan của thời tiết và biến đổi khí hậu, Quảng Nam gặp
khó khăn trong việc duy trì và mở rộng các chương trình an sinh xã hội, đặc biệt
sau những đợt thiên tai lớn. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của
các nhóm cư dân khác nhau trên địa bàn. Lũ lụt, sạt lở đất và bão thường xuyên gây thiệt hại nặng nề về nhà ở, đất
sản xuất, và tài sản của người dân, đặc biệt ở các huyện miền núi như Nam Trà
My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang, theo đó một phần đất nông nghiệp bị rửa
trôi hoặc hư hại, khiến người dân mất nguồn thu nhập chính. Các
hộ vừa thoát nghèo dễ dàng rơi vào tình trạng tái nghèo khi bị thiên tai làm mất
nhà cửa, đất canh tác, hoặc gia súc, gia cầm. Hơn nữa, sau thiên tai, các vùng
bị ảnh hưởng dễ bùng phát dịch bệnh (sốt xuất huyết, bệnh đường tiêu hóa),
nhưng cơ sở y tế lại bị hư hỏng, gây khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe người
dân. Riêng, các địa phương ven biển lại phải gánh hậu quả của tình trạng nước
biển dâng khiến cho tình
trạng xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất
nông nghiệp, đặc biệt tại các huyện ven biển như Thăng Bình và Núi Thành. Các
sông lớn như Thu Bồn và Vu Gia bị nhiễm mặn nặng vào mùa khô, gây khó khăn cho
cấp nước tưới tiêu. Các bờ biển ở Cửa Đại (Hội An) và Tam Hải (Núi Thành) đang
chịu tình trạng sạt lở nghiêm trọng, mất đi hàng chục hecta đất mỗi năm. Đặc biệt,
biển Cửa Đại từng ghi nhận tốc độ xói lở lên đến 150-200 m/năm trong những năm
gần đây. Hiện tượng biến đổi hệ sinh thái ngày càng rõ nét, các vùng rừng ngập
mặn, bãi triều và hệ sinh thái ven biển bị đe dọa, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học
và nguồn lợi thủy sản. các rạn san hô, cỏ biển tại các khu vực ven đảo Cù Lao
Chàm cũng suy giảm nghiêm trọng do thay đổi môi trường sống. Biến đổi khí hậu,
nước biển dâng và xâm nhập mặng tác động trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp,
nuôi trồng thủy hải sản; tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch (các bãi biển nổi tiếng như Cửa Đại và An Bàng
bị xói lở, ảnh hưởng đến ngành du lịch và dịch vụ tại Hội An; làm mất đi các cảnh quan tự nhiên, khiến các
điểm đến du lịch kém hấp dẫn); làm ảnh hưởng đến hạ tầng và bất động sản ven biển (các khu vực đô thị ven biển, đường giao thông,
và công trình dân dụng đối mặt với nguy cơ ngập lụt và hư hại, làm tăng
chi phí bảo trì và sửa chữa). Tất
cả những điều đó, ít nhiều tác động đến sinh kế và việc làm của cư dân ở những
nơi chịu tác động. Điều này đặt ra cho các cấp quản lý, các nhà hoạch định
chính sách của tỉnh Quảng Nam những “biến số” trong xây dựng chính sách an sinh
xã hội mang tính đặc thù của địa phương.
Thứ ba, sự thiếu hụt các nguồn lực trong thực
thi chính sách an sinh xã hội. Quảng Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong
việc triển khai chính sách an sinh xã hội, trong đó vấn đề thiếu hụt nguồn lực
là một trong những thách thức lớn. Nguồn lực ở đây không chỉ giới hạn ở tài
chính mà còn bao gồm nhân lực, cơ sở hạ tầng và các yếu tố hỗ trợ thực thi
chính sách. Về nguồn lực tài chính: (i) Hạn chế ngân sách địa
phương. Là tỉnh có diện
tích rộng và dân số đông nhưng thu ngân sách của Quảng Nam, mặc dù có cải thiện
nhưng vẫn chưa ổn định, còn có tính rủi ro, nhất là trong những tình huống bất
thường, do đó, trong điều kiện đặc thù, cũng còn phụ thuộc vào hỗ trợ từ Trung
ương; các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đông Giang gặp
khó khăn trong việc huy động vốn (nhất là nguồn xã hội hóa) để thực hiện các
chính sách giảm nghèo, hỗ trợ y tế, giáo dục. (ii) Phân bổ không đồng đều. Nguồn
lực tập trung nhiều hơn cho các khu vực phát triển như Tam Kỳ, Hội An, ven biển
Núi Thành[6],… dẫn đến thiếu hụt tại
các vùng sâu, vùng xa. Về nguồn nhân lực thực thi: (i) Cán bộ an
sinh xã hội thiếu về số lượng, không cao về chất lượng, chưa cân đối về cơ cấu. Tại các huyện
miền núi, đội ngũ cán bộ phụ trách các chương trình an sinh xã hội còn hạn chế,
thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên môn. Tỷ lệ cán bộ phụ trách công tác xã hội
trên dân số vẫn thấp, không đáp ứng được khối lượng công việc ngày càng tăng;
(ii) Khó khăn trong thu hút nhân tài. Do điều kiện sống và làm việc khó khăn,
các vùng miền núi và vùng sâu, vùng xa khó thu hút cán bộ trẻ, có trình độ cao,
có năng lực triển khai các dự án, đề án, kế hoạch (kể cả Chương trình mục tiêu
quốc gia) để tham gia vào các chương trình an sinh xã hội; (iii) Cơ sở
hạ tầng thiếu đồng bộ. Trong đó hạ tầng giao thông thì yếu kém, nhiều
khu vực miền núi giao thông khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, gây trở ngại cho việc
tiếp cận và hỗ trợ các đối tượng cần giúp đỡ. Hạ tầng cơ sở vật chất y tế và
giáo dục thiếu thốn, các trạm y tế tuyến xã, trường học ở vùng sâu, vùng xa còn
thiếu trang thiết bị, thuốc men và cơ sở vật chất tối thiểu để phục vụ người
dân; (iv) Thiếu cơ sở dữ liệu và công nghệ hỗ trợ. Hiện cơ sở dữ
liệu chưa đầy đủ và chính xác, trong khi đó việc cập nhật và quản lý thông tin
về các đối tượng hưởng chính sách còn thủ công, chồng chéo, dẫn đến khó khăn
trong xác định đối tượng ưu tiên. Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ hạn chế cũng
là một trở lực trong quá trình chuyển đổi số về an sinh xã hội. Các hệ thống
công nghệ quản lý và giám sát an sinh xã hội chưa được triển khai đồng bộ, khiến
việc phân bổ và theo dõi nguồn lực gặp khó khăn.
Sự thiếu hụt các nguồn lực sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy
trong ban hành và thực thi chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Quảng Nam.
Trước hết là thực hiện chính sách hiện hữu sẽ không hiệu quả như kỳ vọng. Cụ thể
là các chương trình hỗ trợ như giảm nghèo, bảo hiểm y tế, hỗ trợ sinh kế không
đạt được mục tiêu đề ra. Kế đến, trong những điều kiện nhất định, sẽ làm gia tăng
khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Đương nhiên, các khu vực đồng
bằng như Tam Kỳ, Hội An nhận được nhiều nguồn lực hơn so với các huyện miền
núi, làm gia tăng chênh lệch kinh tế - xã hội. Hơn thế nữa, hệ lụy lớn nhất là suy
giảm niềm tin của người dân, trong đó việc chậm trễ hoặc không đủ hỗ trợ (theo
quy định) sẽ khiến người dân, đặc biệt ở các vùng khó khăn, mất niềm tin vào
chính sách của chính quyền.
Thứ tư, chất
lượng lao động thấp, cơ cấu lao động còn tồn tại nhiều bất cập.
Chất lượng lao động và chính sách an sinh xã hội có mối liên hệ liên đới, mật
thiết trong đó, liên quan trực tiếp đến giáo dục, đào tạo, với vấn đề việc làm
và bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội. Trong những năm qua, mặc dù
đã có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, nhưng chất lượng lao động tại tỉnh
còn thấp, đặc biệt ở khu vực nông thôn và miền núi, gây khó khăn trong việc tạo
việc làm bền vững. Cần phải có số liệu thống kê (một cách chính xác và cập nhật)
tỷ lệ lao động trên địa bàn tỉnh về các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; công
nghiệp và xây dựng; dịch vụ và ngành nghề mới. Tính toán cụ thể cơ cấu lao động
(theo ngành, độ tuổi, giới tính; theo trình độ chuyên môn và so sánh giữa lao động
ở các khu vực nông thôn, đô thị, vùng kinh tế trọng điểm, vùng miền núi,..).
Theo số liệu thống kê, năm 2023, tỷ lệ lao động của Quảng Nam đã qua đào tạo đạt
72,2%; trong đó có bằng, chứng chỉ 34,7%. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch mạnh
mẽ, theo hướng tích cực; tỷ trọng lao động tham gia hoạt động kinh tế trong
lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và lĩnh vực thương mại dịch vụ tăng đều. Tỷ trọng lao động tham gia hoạt động kinh tế
trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm từ 40,34% năm 2019 xuống còn 33,91% năm
2023, tỷ lệ này phù hợp với cơ cấu nền kinh tế và mục tiêu của Nghị quyết số 39
ngày 15/1/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng
và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. (Nghị quyết 39 đặt mục tiêu đến năm
2025, tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản còn dưới
33% tổng số lao động) [7].
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số thuần túy về số học, điều quan trọng hơn
là phải tính đến chất lượng lao động, năng suất lao động (nhất là nguy cơ mất
việc làm khi chúng ta tiến hành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh) và cơ cấu lao động
(phù hợp với điều kiện và tình hình mới).
3. Một số giải pháp nâng thực hiện và xây dựng chính sách an
sinh xã hội gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân trong thời gian đến
Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ
trương, chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhanh và bền vững,
không để ai bị bỏ lại phía sau mà cụ thể là từng bước nâng cao đời sống vật chất
và tinh thần cho nhân dân. Cùng với đó, Quảng Nam cũng là địa phương có những
quyết sách để vừa triển khai các chính sách chung của Trung ương, vừa gắn với
tình hình thực tiễn của địa phương trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội,
góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân. Để đạt được các mục tiêu phát triển
chung, giải quyết tốt các vấn đề xã hội nảy sinh, vừa đảm bảo nâng cao đời sống
cho nhân dân, nhất là đối tượng yếu thế và nhóm đối tượng “nghèo mới” do quá
trình biến đổi xã hội, rủi ro xã hội, thiết nghĩ Quảng Nam cần tiến hành nhiều
giải pháp đồng bộ, trong đó có thể kể đến một số biện pháp cụ thể sau:
Một là, quán triệt thực hiện tốt các chính sách xã hội, an
sinh xã hội của Trung ương. Trên bình diện chung nhìn
nhận, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta là khá bao quát từ bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội, xóa đói giảm nghèo gắn với các Chương
trình Mục tiêu quốc gia và các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch mang tầm
chiến lược. Trong thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai thực hiện tốt các chủ
trương chung đó và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng. Tuy nhiên, nghiêm
túc nhìn nhận thì không phải không còn những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm và
quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện. Chẳng hạn, công tác tuyên tuyền,
nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh về các chủ trương lớn của
Đảng, Nhà nước về an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú ý đến công tác truyền
thông về chính sách bảo hiểm xã hội toàn dân, chính sách giảm nghèo bền vững
(giai đoạn 2021-2025), chính sách hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế cho đối tượng yếu
thế. Đặc biệt, khi triển khai các chính sách của Trung ương không nên máy móc,
rập khuôn và duy ý chí mà cần phải có kế hoạch lồng ghép với chương trình phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phải tích hợp các chương trình an sinh xã hội
với các kế hoạch phát triển kinh tế tại địa phương, đặc biệt trong các khu vực
nông thôn, miền núi.
Kinh nghiệm của một số địa phương cho thấy, bám sát
các chủ trương của Đảng, thực hiện thật tốt các chính sách của Trung ương, phát
huy nội lực của địa phương, có kế hoạch đánh và tiêu chí giá hiệu quả một cách
khoa học, tỉ mỉ cho từng hoạt động, kêu gọi sự tham gia chủ động của nhân dân,…
thì các nội dung của an sinh xã hội được thực hiện tốt, nhân dân phấn khởi và
tin tưởng, đời sống các nhóm cư dân được cải thiện[8]. Do đó, tỉnh Quảng Nam cần phối hợp chặt chẽ với
Trung ương, huy động toàn bộ hệ thống chính trị và các nguồn lực xã hội để triển
khai hiệu quả chính sách an sinh xã hội hiện hữu. Việc cụ thể hóa, hiện thực
hóa các chính sách phù hợp với thực tế địa phương không chỉ đảm bảo đời sống
người dân mà còn góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hai là, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu
quốc gia gắn với tái cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cần phải nhấn
mạnh rằng, phát triển kinh tế là điều kiện tiến quyết, là nền tảng vật chất để thực
hiện các chính sách an sinh xã hội. Nói cách khác, an sinh xã hội và phát triển
kinh tế là hai mặt của cùng một vấn đề, có mối quan hệ hữu cơ, gắn kết mật thiết
nhau và không thể tách rời nhau. Trên ý nghĩa này mà nói, chúng ta nên dùng
khái niệm “tái cơ cấu kinh tế-xã hội” thay vì khái niệm “tái cơ cấu kinh tế”
đơn thuần. Bởi xét đến cùng con người luôn là mục tiêu, là động lực của sự phát
triển, tái cơ cấu kinh tế, mục tiêu cuối cùng của nó không phải là để tăng trưởng
kinh tế đơn thuần mà là “tăng trưởng về chất lượng sống” của con người.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam cần xác định
lại mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “độc lập, tự chủ”,
nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền
kinh tế. Về mô hình tăng trưởng, xác định được lợi thế và tiềm năng của mình,
Quảng Năm có thể áp dụng mô hình tăng trưởng kinh tế cân bằng giữa
công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp, đồng thời hướng đến phát triển bền vững. (1)
Công nghiệp làm động lực tăng trưởng chính, phát triển mạnh mẽ các khu
công nghiệp và khu kinh tế trọng điểm, trong đó đầu tư mở rộng Khu
Kinh tế mở Chu Lai; Các khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, Nam
Hội An, phát triển ngành dệt may, giày dép, và công nghiệp chế biến. (2) Thu
hút đầu tư FDI và tư nhân. Có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư quốc
tế trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chế tạo và năng lượng sạch; (3) Du
lịch và dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Chú ý đến du lịch di sản và
biển đảo (Hội An là trung tâm du lịch văn hóa và di sản, kết hợp với Cù Lao Chàm
phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Các bãi biển như Hà My, Tam Thanh trở
thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế), Dịch vụ liên kết với
công nghiệp và nông nghiệp (phát triển hệ thống logistics hỗ trợ khu công nghiệp;
dịch vụ thương mại, tài chính và công nghệ thông tin đang được mở rộng, đặc biệt
tại các đô thị như Tam Kỳ); (4) Nông nghiệp hiện đại hóa và bền vững. Chú trọng
chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp (chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang
nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các sản phẩm đặc sản địa phương như sâm Ngọc
Linh, cây ăn quả, và chăn nuôi hữu cơ; Liên kết sản xuất và tiêu thụ, hợp tác với
các doanh nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến
xuất khẩu. (5) Định hướng phát triển kinh tế xanh và bền vững. Trong đó
chú ý phát triển năng lượng tái tạo (khai thác tiềm năng năng lượng mặt
trời, năng lượng gió tại các vùng miền núi; các dự án điện gió, điện mặt trời tại
Núi Thành và Thăng Bình đã được triển khai. Chú trọng đến bảo vệ môi trường như
lồng ghép các tiêu chí bảo vệ môi trường vào quá trình cấp phép đầu tư, phát
triển du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ để bảo tồn tài nguyên thiên nhiên,…
Song song với đó cần phải “nhìn thấy được” những rủi
ro, thách thức để khắc phục trong mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh như phụ
thuộc vào ngành công nghiệp nặng (rủi ro từ biến động kinh tế toàn cầu, đặc biệt
trong lĩnh vực lắp ráp ô tô và dệt may, kể cả xu hướng chuyển đổi năng lượng
xanh thì chủng loại xe dùng năng lượng hóa thạch cũng gặp thách thức); cân bằng
phát triển vùng miền (miền núi còn khó khăn về hạ tầng, cần ưu tiên hơn trong
các chính sách phát triển); Chất lượng lao động (cần nâng cao tay nghề để đáp ứng
nhu cầu công nghiệp và dịch vụ hiện đại, kể cả lĩnh vực nông nghiệp cũng hướng
đến nông nghiệp công nghiệp, nông nghiệp xanh, sản phẩm Halal,…)
Ba là, cần mạnh dạn nghiên
cứu đưa ra mô hình chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù của Quảng Nam. Nói
đến thành phố Đà Nẵng không ai không biết đến chính sách mang tính “đặc sản” về
an sinh xã hội là “05 Không, 03 Có, 04 An”, thậm chí được mệnh danh là “thành
phố đáng sống”. Đó là “sản phẩm” trí tuệ của nhiều thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng vừa
hợp “Ý Đảng”, vừa hợp với “Lòng dân”. Nói đến
Quảng Ninh người ta nghĩ ngay đến chính sách an sinh cho nhóm ngư dân đặc
thù trong đó có hỗ trợ hạ tầng nghề các, chợ hải sản, chuyển đổi sinh kế cho
ngư dân. Với Nghệ An và Hà Tĩnh thì nổi lên với chín sách với lao động
hồi hương (cung cấp vốn vay ưu đãi để các hộ gia đình tái đầu tư vào sản
xuất nông nghiệp hoặc kinh doanh). Còn với Đồng Tháo gắn với mô hình “Ngôi
nhà trí tuệ” là không gian cộng đồng giúp người dân tiếp cận giáo dục,
công nghệ, và thông tin để tự vươn lên thoát nghèo. Qua đó, có chính sách hỗ trợ
nông dân liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho các sản phẩm
nông nghiệp như lúa gạo, trái cây. Với các địa phương này, điểm chung của các
“chính sách đặc thù” là dựa vào thế mạnh của địa phương để xây dựng các chương
trình phù hợp, tập trung vào các nhóm yếu thế, như người nghèo, đồng bào dân tộc
thiểu số, lao động nhập cư, và người khuyết tật, đặc biệt huy động nguồn lực xã
hội hóa, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước để phát huy sức mạnh tổng hợp trong
thực thi an sinh xã hội.
Từ thành công và cảm hứng của một số địa phương về xây
dựng mô hình an sinh xã hội đặc thù cho địa phương, chúng tôi mạnh dạn đề xuất
mô hình an sinh xã hội cho Quảng Nam có tên “03 tăng, 03 giảm, 04 duy trì”.
Trong đó:
- “03 tăng”: gồm (1) “Tăng đầu tư vào hạ tầng và dịch vụ an sinh xã hội” (trong đó: (i)
tăng đầu tư vào các công
trình y tế, giáo dục và nhà ở xã hội, đặc biệt ở các huyện miền núi và khu vực
khó khăn; (ii) tăng đầu tư phát triển hệ thống giao thông, điện nước, và các
công trình phòng chống thiên tai ở vùng chịu nhiều ảnh hưởng bởi bão lũ. (2) “Tăng cơ hội việc làm và sinh kế bền vững”
(trong đó: (i) Phát triển
các ngành nghề phù hợp với đặc thù của địa phương như: trồng sâm Ngọc Linh, dệt
thổ cẩm, du lịch cộng đồng và nuôi trồng thủy sản; (i) Hỗ trợ
đào tạo nghề và kỹ năng cho lao động trẻ, đặc biệt là con em hộ nghèo và đồng
bào dân tộc thiểu số). (3) “Tăng độ bao phủ của các chính sách
bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế” (trong đó:
(i) Đẩy mạnh bảo
hiểm y tế toàn dân, đảm bảo người dân đều được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản với
chi phí thấp; (ii) Tăng cường bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người lao động tự
do và lao động phi chính thức; (iii) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng và
doanh nghiệp theo phương thức xã hội hóa)
- “03 giảm”: gồm (1) Giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo (trong đó: (i) thực hiện
chương trình giảm nghèo đa chiều, tập trung vào các yếu tố như giáo dục, y tế,
nhà ở, và việc làm; (ii) hỗ
trợ sinh kế để các hộ vừa thoát nghèo không tái nghèo, đặc biệt ở các vùng chịu
nhiều tác động bởi thiên tai; (2) Giảm bất
bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội (trong
đó: (i) Xóa bỏ khoảng
cách giữa các vùng nông thôn, miền núi và đô thị trong việc tiếp cận giáo dục,
y tế và dịch vụ xã hội; (ii) Ưu tiên đầu tư cho các đối tượng yếu thế như người
khuyết tật, trẻ em mồ côi, và đồng bào dân tộc thiểu số); (3) Giảm thiểu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến đời sống
người dân (trong đó: (i) Xây dựng các khu tái định cư an toàn, hỗ trợ sinh
kế bền vững cho người dân tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi sạt lở, lũ quét;
(ii) Nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó thiên tai cho cộng đồng).
Mô
hình an sinh xã hội của Quảng Nam
- “04 duy trì”: gồm (1) Duy trì chính sách hỗ trợ người có công
(trong đó: (i) duy trì trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các
gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công; (ii) tiếp tục thực hiện đầy đủ
các chính sách hỗ trợ về tài chính, nhà ở, và chăm sóc y tế cho người có công
và gia đình liệt sĩ); (2) Duy trì chính
sách giảm nghèo bền vững (trong đó: (i) tích hợp các chính sách giảm nghèo với phát triển
kinh tế, đảm bảo người dân thoát nghèo một cách bền vững; (ii) Tăng cường sự tham gia của cộng đồng và doanh
nghiệp trong các chương trình giảm nghèo nói riêng, an sinh nói chung); (3) Duy trì mô hình phát triển giáo dục và đào
tạo nghề (trong đó: (i) bảo đảm mọi trẻ em đều được đi học, không để trẻ em
nào bỏ học vì khó khăn kinh tế; (ii) mở rộng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường
lao động, đặc biệt ở các ngành như sản xuất công nghiệp và du lịch); (4) Duy trì các chính sách y tế toàn dân
(trong đó: (i) phát triển hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
cho người dân vùng sâu, vùng xa; (ii) tiếp tục cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí
cho hộ nghèo và cận nghèo)
Thiết nghĩ, việc nghiên cứu và xây dựng một mô hình an
sinh “3 Tăng, 3 Giảm, 4 Duy trì” cho Quảng Nam là hoàn toàn phù hợp và cần thiết,
không chỉ giúp nâng cao chất lượng an sinh xã hội mà còn tạo nền tảng cho sự
phát triển bền vững của tỉnh. Mô hình này mang tính toàn diện, vừa đảm bảo các
yếu tố tích cực được phát triển, vừa xử lý các thách thức hiện tại và bảo vệ những
thành quả đã đạt được trong an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh và tình hình
mới.
Đà Nẵng,
ngày 18 tháng 01 năm 2025
[1] Ngô Anh Văn,
Kinh tế Quảng Nam năm 2022 phục hồi mạnh, đạt
tốc độ tăng trưởng cao, tham kiến: https://vneconomy.vn/kinh-te-quang-nam-nam-2022-phuc-hoi-manh-dat-toc-do-tang-truong-cao.htm?utm_source=chatgpt.com
[2] Trịnh Dũng, Phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam năm 2023: Chặng
cuối gian nan, tham kiến: https://baoquangnam.vn/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-quang-nam-nam-2023-chang-cuoi-gian-nan-3049453.html?utm_source=chatgpt.com
[3] N.Đoan, Kinh tế Quảng Nam đạt mức tăng trưởng dương, chấm dứt
2 năm tăng trưởng âm, tham kiến: https://baoquangnam.vn/kinh-te-quang-nam-dat-muc-tang-truong-duong-cham-dut-2-nam-tang-truong-am-3137680.html?utm_source=chatgpt.com
[4] Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn khoảng 4,8% (so với
trên 10% vào năm 2016). Đặc biệt, các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà
My, Tây Giang... tuy vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao nhưng đã có sự cải thiện rõ rệt.
[5] Tính đến tháng 7 năm 2023, số người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) do
BHXH tỉnh Quảng Nam quản lý là 210.754 người, giảm 4.887 người so với cuối năm
2022. Đặc biệt, tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 96,55%. Công tác cấp sổ
BHXH, thẻ BHYT được thực hiện kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Tham kiến: https://nhadautu.vn/ong-nguyen-van-hung-pho-giam-doc-bhxh-quang-nam-ty-le-bao-phu-bao-hiem-y-te-o-quang-nam-dat-gan-97-d79091.html?utm_source=chatgpt.com
[6] Thực tế cho thấy, các khu vực này được ưu tiên đầu tư
hơn về hạ tầng, dịch vụ y tế, giáo dục và hỗ trợ an
sinh do, các địa phương này thường có khả năng tự cân đối nguồn lực
cao hơn, nhờ vào nguồn thu từ công nghiệp, dịch vụ, và du lịch.
[7] Tham kiến: https://baoquangnam.vn/nam-2023-ty-le-lao-dong-cua-quang-nam-da-qua-dao-tao-dat-72-2-3127988.html
[8] Phạm Đi, Một số vấn đề đặt ra
trong thực thi chính sách an sinh xã hội ở Tây Nguyên, Tạp chí Khoa học, Đại
học Tây Nguyên, số 28 (tháng 2/2018)
Nhận xét
Đăng nhận xét