ĐỂ NGHỊ QUYẾT 57 THỰC SỰ LÀ "KHOÁN 10" TRONG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
PHÁ
BỎ TÂM LÝ E DÈ, NGẠI ĐỔI MỚI ĐỂ BỨT PHÁ TRONG PHÁT TRIỂN KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ
Tóm tắt: Tư duy
do dự và sợ đổi mới thường bắt nguồn từ mối lo ngại về việc mất quyền lực, an
ninh hoặc địa vị, điều này có thể cản trở tiến trình áp dụng các phương pháp,
công nghệ hoặc ý tưởng mới. Để thúc đẩy văn hóa đổi mới, các tổ chức phải khuyến
khích chấp nhận rủi ro, hỗ trợ thử nghiệm và coi thất bại là bước đệm để thành
công chứ không phải là trở ngại. Bằng cách tạo ra một môi trường coi trọng sự
sáng tạo và học hỏi từ sai lầm, các cá nhân và tổ chức có thể phát huy hết tiềm
năng của mình, dẫn đến phát triển bền vững và tăng cường khả năng cạnh tranh
toàn cầu.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của
Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi
số quốc gia (sau đây goi là Nghị quyết)
ra đời được ví như là “khoán 10” đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; là chất xúc tác mãnh liệt, là mũi nhọn đột
phá các điểm nghẽn, rào cản hiện hữu để giải phóng sức lao động, sự sáng tạo
cũng như nguồn lực đầu tư. Một trong những rào cản, điểm nghẽn đó chính là tâm
lý e dè, sợ sai, ngại đổi mới sáng tạo.
Như nhận định của Nghị quyết: “Phát triển
khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định
phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước
ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của
Dân tộc”. Đặc biệt, trong bối cảnh và làn sáng khoa học công nghệ như hiện nay,
khoa học công nghệ không chỉ đóng vai trò cốt lõi trong thúc đẩy sự phát triển
kinh tế-xã hội mà còn nâng cao vị thế, tầm vóc, thương hiệu của quốc gia trên
trường quốc tế.
Để hiện thực hóa và đưa Nghị quyết vào cuộc sống không chỉ dựa
vào nguồn lực tài chính, hạ tầng công nghệ, thể chế chính sách mà còn, một nhân
tố không kém phần quan trọng, phải thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, văn hóa làm
việc; phá bỏ những rào cản, tâm lý trì trệ, e dè, ngại đổi mới (thậm chí không
muốn, không chịu đổi mới) của một bộ phận cán bộ - đó là sự kháng cự vô hình
nhưng đầy sức mạnh, có thể làm chậm bước tiến của những nỗ lực đột phá về đổi mới,
sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ.
Để phá bỏ tâm lý này không đơn giản và đơn thuần là vấn đề nhận
thức, nó còn là chìa khóa mở ra cánh cửa mới, là năng lược sáng tạo, kích hoạt
sức mạnh nội sinh của mỗi cá nhân (nhất là người đứng đầu), tổ chức (nhất là
các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ trực tiếp về lĩnh vực khoa học công nghệ) và
toàn xã hội (tâm thức và tâm thế xã hội về cái mới, về sẵn sàng thay đổi để áp
dụng khoa học công nghệ). Do đó, vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để chuyển hóa sự
“ngần ngại”, e dè thành động lực hành động để thực hiện Nghị quyết? Làm thế nào
để xây dựng một bầu không khí và môi trường đổi mới sáng tạo; dám chấp nhận rủi
ro và dám thất bại để thành công?
Tâm lý e dè đối với đổi mới sáng tạo và
chuyển đổi số là một rào cản tâm lý phổ biến trong quá trình thực hiện chiến lược
đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh buột phải thay đổi để “chuyển mình”, “cất
cánh” như hiện nay. Dạng thức tâm lý này được biểu hiện với tâm lý sợ thất bại,
ngại thay đổi và lo lắng rằng việc áp dụng đổi mới sáng tạo có thể không mang lại
kết quả như kỳ vọng mà bản thân (người lãnh đạo, quản lý đó) buộc phải “hi
sinh” nhiều hơn về thời gian, công sức; bên cạnh đó, thiếu văn hóa chấp nhận thất
bại, chấp nhận rủi ro cũng là rào cản lớn. Hiện tại, trong suy nghĩ của nhiều
người thì thất bại bị xem như là tiêu cực (thay vì là cơ hội để học hỏi), từ đó
làm suy giảm tâm thế sẵn sàn thử nghiệm và đổi mới.
Thêm nữa, thiếu kiến thức, kỹ năng và
thái độ tích cực về khoa học công nghệ dẫn đến sự nghi ngờ và không đặt niềm
tin vào hiệu quả của “dư lợi” về khoa học công nghệ; trong nhiều trường hợp cảm
thấy khó khăn, thậm chí là áp lực khi buộc phải thay đổi phương thức, cách thức
từ mô-tuýt truyền thống. Từ đó, sinh ra tâm lý “bảo thủ” để được “an toàn”.
Không ít tổ chức, cơ quan, đơn vị thường “ưu tiên” chọn cách làm cũ bởi lẽ “đã
quen và ít rủi ro” thay vì phải “cực khổ và lăn lộn” với cái mới. Cần phải khẳng
định rằng, đổi mới sáng tạo luôn đòi hỏi phải thay đổi phương thức tư duy, quy
trình làm việc, cách thức đánh giá, phương pháp thẩm định tính hiệu quả,…nếu
không như thế, tâm thế e dè sẽ hình thành tâm lý “kháng cự từ bên trong” mà biểu
hiện là “nói mà không làm” hoặc phát ngôn kiểu “cái cũ, cách cũ, công nghệ cũ vẫn
còn hoạt động được thì không cần đổi mới”.
Một khía cạnh nữa phái sinh từ tâm lý e dè, ngại đổi mới, ngại
áp dụng khoa học công nghệ vào trong từng lĩnh vực, vị trí việc làm chính là sợ,…
mất quyền lợi và quyền lực. Một cá nhân (hay tổ chức) thường có tâm lý lo ngại
sự thay đổi (đổi mới công nghệ, quy trình làm việc công khai, minh bạch,…) sẽ
có nguy cơ dẫn đến giảm và mất đi các quyền lợi mà họ đang hưởng. Ví dụ: Một
nhân viên quen với cách làm cũ (truyền thống, thủ công) có thể lo ngại rằng việc
đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa sẽ làm giảm vai trò, vị thế,
quyền lực của họ, thậm chí có thể mất việc. Hơn nữa, sự thay đổi trong tổ chức
thường đi kèm với tái cấu trúc bộ máy hoặc phân nhiệm, phân quyền. Điều này sẽ
khiến cho một số cá nhân khó chịu và lo sợ rằng họ sẽ mất quyền kiểm soát, quyền
ảnh hưởng của mình đối với cá nhân khác hay đối với tổ chức. Ví dụ: Các lãnh đạo trung gian trong tổ chức có thể
phản đối việc triển khai hệ thống quản lý công trực tuyến, vì nó làm giảm vai
trò giám sát truyền thống của họ.
Biểu
hiện của tâm lý e dè, ngại đổi mới sáng tạo là đa dạng và “khu trú” trong nhiều
lĩnh vực khác nhau nhưng hậu quả của nó là rất lớn. Đầu tiên, nó là nguyên nhân
gây lãng phí cơ hội phát triển, gây chậm trễ trong áp dụng khoa học công nghệ
khiến cho địa phương và ngành, lĩnh vực không khai thác được tiềm năng phát triển;
nó làm giảm năng lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh và tình hình mới; nó
kìm hãm động lực đổi mới, sáng tạo. Tâm lý sợ rủi ro hình thành nên sự trì trệ,
làm việc đối phó và trở lực cho quá trình đổi mới sáng tạo.
Do đó, để Nghị quyết thực sự
đi vào cuộc sống, để “,…tạo xung lực mới, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi
mới sáng tạo và chuyển đổi số, để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ
nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, hùng cường, thực hiện thắng lợi mục tiêu đến
năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu
nhập trung bình cao, đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao”
chúng ta cần sự quyết tâm lớn với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhưng
không thể không “xóa bỏ” tâm lý e dè, rụt rè, sợ đổi mới, sự rủi ro của một bộ
phận cán bộ. Muốn vậy, cần một số biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, cần tay đổi mạnh mẽ trong tư duy lãnh đạo, người đứng đầu phải thực sự
tiên phong, làm gương trong áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng
cho mọi người về phong cách “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo”; có năng
lực vượt qua rào cản tâm lý e dè để bứt phá trong phát triển khoa học công nghệ
và động viên, khiến khích mọi cá nhân trong tổ chức sở hữu tinh thần “nhật nhật
tân, hựu nhật tân”.
Thứ hai, có chính sách hỗ
trợ đủ mạnh, khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ. Ngoài những chủ
trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ
chức cần xây dựng cơ chế hỗ trợ (môi trường, tài chính, thời gian,…) và các điều
kiện pháp lý để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo; mạnh dạn áp dụng
những thành quả nghiên cứu có tính khả thi vào từng lĩnh vực cụ thể của địa
phương, tổ chức để nâng cao tính hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng văn hóa
đổi mới và chấp nhận rủi ro, thất bại. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi
số mạnh mẽ, mỗi địa phương, tổ chức muốn phát triển bền vững cần phải xây dựng
văn hóa đổi mới và chấp nhận thất bại. Đây không chỉ là việc khuyến khích sáng
tạo mà còn là thay đổi tư duy, cơ chế và môi trường làm việc để mỗi cá nhân và
nhóm đều sẵn sàng thử nghiệm, học hỏi từ thất bại và tiến bộ. Theo đó, cần tạo
môi trường khuyến khích sáng tạo và thử nghiệm những cái mới; luôn tìm kiếm những
giải pháp mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Việc chấp nhận thất bại
và rủi ro để mỗi tổ chức, cá nhân dám học hỏi và thích nghi nhanh với sự thay đổi
để bứt phá.
Phá bỏ tâm lý e dè, ngại đổi mới là một trong những yếu tố
then chốt để thúc đẩy sự bứt phá trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới
sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Điều này
đòi hỏi sự thay đổi tư duy ở mọi cấp độ, từ cá nhân đến tổ chức, cùng với việc
xây dựng một môi trường khuyến khích sáng tạo, chấp nhận rủi ro và học hỏi từ
thất bại. Chỉ khi sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử nghiệm và đổi mới,
chúng ta mới có thể khai mở tiềm năng, tạo ra những đột phá lớn, góp phần xây dựng
một xã hội tiên tiến, bền vững và giàu sức cạnh tranh trong kỷ nguyên số, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đà
Nẵng, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Nhận xét
Đăng nhận xét