THÀNH TÍCH VÀ HIỆU QUẢ LÃNH ĐẠO
THÀNH TÍCH VÀ HIỆU QUẢ LÃNH ĐẠO
Trong bất kỳ tổ chức, cơ quan hay quốc gia nào, năng lực
lãnh đạo đóng vai trò cốt lõi quyết định đến sự thành công và phát triển bền vững.
Thành tích lãnh đạo không chỉ là những kết quả cụ thể đạt được trong một giai
đoạn nhất định mà còn phản ánh sự sáng tạo, khả năng định hướng và quản lý hiệu
quả các nguồn lực. Đồng thời, hiệu quả lãnh đạo là thước đo giá trị lâu dài mà
các nhà lãnh đạo mang lại, thông qua việc hiện thực hóa tầm nhìn, thúc đẩy sự
tiến bộ xã hội, và tạo dựng niềm tin từ cộng đồng.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự biến đổi không ngừng
của môi trường kinh tế - xã hội hiện nay, việc đánh giá và nâng cao thành tích
cũng như hiệu quả lãnh đạo càng trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ giúp xác
định những thành tựu đáng tự hào, mà còn là cơ sở để cải tiến, xây dựng chiến
lược phù hợp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định
1. Khái niệm
"Thành tích và hiệu quả lãnh đạo" là một chủ
đề quan trọng, thường được xem xét trong bối cảnh đánh giá năng lực quản lý,
lãnh đạo và phát triển của các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
Thành tích
lãnh đạo: Kết quả cụ thể mà một tổ chức hoặc cá nhân lãnh đạo đạt
được trong quá trình thực hiện mục tiêu. Thành tích có thể đo lường thông qua
các chỉ số cụ thể như kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường hoặc tiến bộ trong cải
cách hành chính.
Hiệu quả lãnh đạo: Mức độ mà
quá trình lãnh đạo tạo ra giá trị và tác động tích cực lâu dài, không chỉ ở kết
quả mà còn ở cách đạt được, tính bền vững, và sự phù hợp với mục tiêu chung.
Thành tích
không phải là một khái niệm mới mà đã có từ lâu trong lịch sử phát triển của
nhân loại, nội hàm của chữ “thành tích” thường mang ý nghĩa tích cực, chỉ sự cố
gắng, phấn đấu để đạt được kết quả trong học tập, nghiên cứu, công tác và các
lĩnh vực của đời sống xã hội như văn hóa, thể thao, nghệ thuật cũng như các hoạt
động như nông nghiệp, công nhiệp, dịch vụ; hành chính, chính trị,...
Trong tiếng
Anh, thành tích (performance) có hàm nghĩa ban đầu là: “chấp hành”, “biểu hiện”,
“hành vi”, “hoàn thành” mà dẫn đến, đạt được “thành tựu”, “thành quả” hay “chiến
tích”. Đối với một tổ chức mà nói, thành tích là kết quả đạt được của một quá
trình tổ chức, nó phản ánh sự phấn đấu của các thành viên thông qua trí tuệ,
năng lực, thái độ; đó là sự quy thuộc và xuất phát điểm của hoạt động quản lý.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ
Chí Minh (bút danh X.Y.Z) đã đề cập đến chữ “thành tích” 9 lần, cụ thể có đoạn
chỉ có 54 chữ mà Bác đã sử dụng 3 từ “thành tích”: “Nhưng, nếu mỗi cán bộ, mỗi đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành
tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán
bộ và đảng viên làm
việc
không đúng, không khéo, thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích
ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều”[1]. Theo đó, Bác sử dụng nhiều cụm từ “thành tích ít”, “thành tích nhiều”,
“thành tích khá”, “thành tích rất khá”, “thành tích vẻ vang” trong những trường
hợp cụ thể, cán bộ cụ thể, nhiệm vụ cụ thể. Như vậy, trên một bình diện nào đó
mà nói, thành tích là kết quả của một quá trình phấn đấu, đạt được của mỗi cán
bộ, đảng viên; của cá nhân nhà lãnh đạo, quản lý và của tập thể, tổ chức và cả
cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Lãnh đạo tốt hay xấu có liên quan đến thành tích
đạt được ít hay nhiều, khá hay giỏi, bình thường hay vẻ vang,...
Về nội hàm của “thành tích lãnh đạo”, hiện tại vẫn chưa có quan điểm thống
nhất nhưng chủ yếu tập trung ở một số khía cạnh và cách tiếp cận: (i) Xuất phát
từ quá trình hình thành nhìn nhận, thành tích lãnh đạo là kết quả cá nhân của
người lãnh đạo, là sự thống nhất giữa quá trình vận dụng, phát huy năng lực cá
nhân với kết quả đạt được; đó là sự “kết tinh” giữa trí tuệ, tố chất và sự năng
động của cá nhân chủ thể lãnh đạo được áp dụng trong môi trường lãnh đạo cụ thể.
Từ đó nhấn mạnh đến việc đánh giá thành tích lãnh đạo chủ yếu tiến hành lượng
giá, bình xét kết quả hoạt động lãnh đạo, quản lý của chủ thể tương ứng, đồng
thời cũng xem xét biểu hiện hành vi của cá nhân lãnh đạo trong môi trường công
việc, hoàn cảnh lãnh đạo như một tiêu chuẩn đánh giá; (ii) Xuất phát từ kết quả
của hành vi lãnh đạo nhìn nhận, thành tích lãnh đạo chính là “lượng lao động hiệu
quả” được kết tinh trong kết quả công việc của cá nhân lãnh đạo và tập thể, tổ
chức mà cá nhân đó phụ trách; (iii) Xuất phát từ mục tiêu để nhìn nhận, thành
tích lãnh đạo là quá trình đạt được mục tiêu đã được xác định và dự định, dự
báo, từ đó muốn đánh giá thành tích lãnh đạo chỉ cần căn cứ vào mức độ, tính chất,
phạm vi đạt được mục tiêu của nhà lãnh đạo để “cân, đong, đo, đếm”.
Những quan điểm và cách nhìn nhận về thành tích, thành tích lãnh đạo ở trên
tựu trung ở hiệu quả thực tế mà nhà lãnh đạo đạt được khi tiến hành tổ chức thực
hiện các mục tiêu trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Đương nhiên, thành tích
lãnh đạo là sự phản ánh khách quan, toàn diện của hoạt động lãnh đạo; đánh giá
thành tích lãnh đạo cũng là hoạt động khách quan, khoa học, hệ thống, vừa nhìn
nhận ở kết quả vừa xem xét cả quá trình.
2. Tiêu
chí đánh giá
- Kết quả cụ thể: Số lượng
hoặc chất lượng công việc được hoàn thành. Ví dụ: GDP, tỷ lệ xóa đói giảm
nghèo, cải cách hành chính, tăng trưởng giáo dục.
- Tác động xã hội: Sự cải thiện về đời sống
nhân dân, môi trường, an sinh xã hội hoặc công bằng xã hội.
- Sự đổi mới: Mức độ
sáng tạo trong giải pháp và cách thức lãnh đạo.
- Sự hài lòng của người
dân: Chỉ số phản ánh ý kiến,
lòng tin, và sự đồng thuận từ các bên liên quan.
- Khả năng thích ứng và
bền vững: Mức độ phù hợp với bối cảnh,
khả năng đối phó với thách thức, và đảm bảo phát triển lâu dài.
3. Các
yếu tố ảnh hưởng đến thành tích và hiệu quả lãnh đạo
- Tầm nhìn và chiến lược: Nhà lãnh đạo
cần xác định rõ mục tiêu dài hạn và cách thức đạt được.
- Phẩm chất cá nhân: Năng lực chuyên môn, đạo đức, tư duy đổi mới, và sự quyết
đoán.
- Hệ thống và cơ chế vận hành: Cơ cấu tổ chức, chính sách, quy trình, và sự phối hợp
giữa các bên.
- Sự tham gia của cộng đồng: Hiệu quả lãnh đạo thường cao hơn khi có sự đồng thuận
và tham gia từ người dân, các tổ chức xã hội và đội ngũ cán bộ.
- Ứng dụng công nghệ: Các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả quản
lý và tối ưu hóa nguồn lực.
Một số ví dụ về thành tích
lãnh đạo tiêu biểu: (i) Thành công trong việc giảm
nghèo, nâng cao mức sống nhân dân thông qua các chính sách xã hội; (ii) Thúc đẩy
chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh tại các đô thị lớn; (iii) Cải
thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước.
Như vậy, thành tích và hiệu quả lãnh đạo cần được đánh
giá thường xuyên, khách quan và toàn diện để phát hiện điểm mạnh, yếu. Cần tiếp
tục đổi mới phương pháp lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, trách nhiệm.
Tăng cường minh bạch, lắng nghe và phản hồi các ý kiến từ cộng đồng.
4. Mối liên hệ giữa thành tích lãnh đạo hiệu quả quản trị
công
Bất luận trên phương diện lý luận
hay thực tiễn, thành tích lãnh đạo có mối liên hệ mật thiết với hiệu quả của hoạt
động chính trị-hành chính (quản trị công) với tư cách là quan hệ giữa “cái bộ
phận” và “cái tổng thể”. Bất cứ chính phủ nào cũng mong muốn cung cấp dịch vụ
công tốt nhất cho cộng đồng, nhân dân của mình và hướng đến nhiều phương diện,
lĩnh vực, nhất là yếu tố ổn định, phát triển kinh tế-xã hội. Đương nhiên, muốn
đạt được mục tiêu đó thì phải dựa vào đội ngũ và cơ cấu tổ chức đặc thù của
mình, trong đó có nhân tố lãnh đạo và hiệu quả lãnh đạo của cá nhân phụ trách từng
lĩnh vực. Do đó, trong hoạt động đánh giá thành tích lãnh của cá nhân người
lãnh đạo thì cũng góp phần hoàn thiện, điều chỉnh, xây dựng một chính phủ liêm
chính, kiến tạo, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo phấn đấu.
Tuy vậy, giữa thành tích lãnh đạo (của cá nhân với tư cách là chủ thể lãnh đạo)
với hiệu quả quản trị công (với tư cách là một hệ thống lớn của một chính quyền nhà nước) cũng có sự khác
biệt nhất định: (i) Khác nhau về mục tiêu. Thành tích lãnh đạo của cá nhân chỉ
là một khía cạnh, thành tố, thậm chí là “điểm hạt” tạo nên “khối vật chất” rộng
lớn của nền hành chính công, quản trị công. Hiệu quả quản trị công chú ý đến yếu
tố tập thể, tổ chức; hiệu quả lãnh đạo chú ý đến cá nhân nhà lãnh đạo; hiệu quả
quản trị công biểu hiện trình độ tổ chức hành chính, ban hành hệ thống luật
pháp và chấp hành nên mang tính chất hợp pháp, quy phạm và lý tính còn hiệu quả
lãnh đạo chú ý đến sự năng động chủ quan của cá nhân người lãnh đạo, nhấn mạnh
đến tố chất, hành vi, sự sáng tạo, khả năng dẫn dắt quần chúng và tổ chức thực
hiện của người lãnh đạo cụ thể; (ii) Khác nhau về hệ thống chỉ số đánh giá. Khi
thiết kế hệ thống chỉ tiêu đánh giá thành tích lãnh đạo và hiệu quả quản trị
công, về cơ bản có một số nội dung giống nhau nhưng khi đánh giá thành tích
lãnh đạo thường xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong một năm hay nhiệm kỳ
còn đối với đánh giá hiệu quả quản trị công thì chú ý đến chức năng quản lý và
khả năng hoàn thành mục tiêu chung; (iii) Khác nhau về kết quả. Đến thời điểm
hiện tại, hệ thống công vụ của chúng ta đang chuyển từ chế độ “chức nghiệp”
sang “vị trí việc làm”; kết hợp giữa “chức vị” và “phẩm vị”, do vậy, đánh giá
thành tích lãnh đạo thường gắn với chức vụ (chức vị) của từng “vị trí” lãnh đạo
và quyết định đến quá trình “thăng chức” tương ứng; còn đánh giá hiệu quả quản
trị công chủ yếu hướng đến trình độ, tính chất, hiệu quả tổ chức bộ máy và thực
thi nhiệm vụ của chính phủ và các cơ quan chức năng trong bộ máy.
Nhận xét
Đăng nhận xét