HIỂU ĐÚNG VỀ CHỦ TRƯƠNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC
HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG VỀ CHỦ TRƯƠNG
XÃ
HỘI HÓA GIÁO DỤC?
Việc một giáo viên tại Trường tiểu học Chương Dương, quận 1,
TP.HCM - người xin phụ huynh hỗ trợ laptop với lý do “vì nghĩ rằng đây là xã hội hóa giáo dục” đã tạo nên những ý
kiến, luồng dư luận trái chiều, thậm chí có những lời chỉ trích nặng nề đến hệ
thống giáo dục, đạo đức nhà giáo. Gạt qua những yếu tố “tự tư, tự lợi”của vị
giáo viên đó và xem lý do mà cô giáo đưa ra là “chính đáng” (vì theo chủ trương
xã hội hóa giáo dục) thì chúng ta có quyền nhận thấy một điều: nhiều người,
trong đó có những người quản lý giáo dục, hiểu chưa thật chính xác chủ trương
xã hội hóa của Đảng và Nhà nước ta. Việc hiểu sai, thậm chí đánh đồng “xã hội
hóa” với “đóng góp tiền bạc”, với “tư nhân hóa” với “tự do hóa” là nhận thức cần
được chấn chỉnh. Vậy chủ trương xã hội hóa các hoạt động xã hội nói chung, xã hội
hóa giáo dục nói riêng cần phải được hiểu thế nào cho đúng?
Trước tiên, theo chúng tôi, không nên xem
chủ trương xã hội hóa giáo dục là một giải pháp (và càng không phải là một giải
pháp tình thế) trong sự nghiệp giáo dục của nước ta. Bởi lẽ, giáo dục là sự
nghiệp của toàn dân mà mỗi chủ thể xã hội (cá nhân, nhóm, cộng đồng, tổ chức)
phải có vị trí, vai trò hiện hữu trong đó. Nếu nhận thức được điều này thì các
chủ thể xã hội không dửng dưng đứng ngoài cuộc và chúng ta không phải huy động nguồn vật chất và trí tuệ của
xã hội nữa, mà thay vào đó là, phát huy
các nguồn lực đồng thời nâng cao vai trò của các chủ thể trong xã hội hóa hoạt
động giáo dục. Nếu dùng từ phát huy,
chúng ta thấy rõ được bản chất của xã hội hóa giáo dục là của mọi người dân và
toàn xã hội (mà trước đây, có thể do nhận thức chưa đúng mà các chủ thể này bị
gạt sang một bên dẫn đến những nguồn lực trong xã hội chưa được phát huy). Trong những năm qua (đặc biệt
là từ khi có chủ trương xã hội hóa các hoạt động xã hội, chúng ta đã huy động
nguồn vật chất và trí tuệ của xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục. Có thể
nói, những nguồn lực chúng ta đã huy động cho hoạt động giáo dục là không nhỏ, góp
phần làm thay đổi diện mạo cho hoạt động giáo dục. Tuy thế, vì huy động nên nhiều lúc, nhiều nơi còn
chạy theo thành tích; đó đây còn có sự áp đặt trong cách thức huy động, và đặc biệt lợi dụng từ “huy động” để “buộc” mọi người phải “đóng góp” để sử
dụng vào mục đích cá nhân.
Thứ hai, xã hội hóa giáo dục phải đi đôi
và gắn liền với việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân trong giáo dục,
bảo đảm tính công bằng trong giáo dục, xã hội hóa giáo dục có nghĩa là làm sao
cho người dân không chỉ là khách thể (người được hưởng thụ) mà còn là chủ thể của
hoạt động này. Trước đây chúng ta quá chú trọng đến tính khách thể của người
dân, do đó, sự hiện hữu của người dân trong hoạt động mờ nhạt, điều đó cũng đồng
nghĩa với việc đánh mất đi một số quyền, nghĩa vụ và tính công bằng xã hội
trong hoạt động giáo dục. Bởi lẽ, công bằng xã hội không chỉ hiểu về mặt hưởng
thụ mà còn biểu hiện cả về mặt đóng góp, cống hiến theo khả năng của từng người,
từng địa phương, từng tổ chức xã hội. Thông qua đó, người dân mới thể hiện được
nghĩa vụ của mình, các nhóm xã hội mới có điều kiện tham gia và thể hiện trách
nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động giáo dục. Như thế, xã hội hóa giáo dục,
hiểu theo đúng bản chất của nó, cũng đã bao hàm việc công bằng trong giáo dục. Nói
khác đi, xã hội hóa giáo dục tự bản thân nó cũng đã nói lên được việc phải đổi
mới cơ chế quản lý giáo dục và khắc phục tính bất bình đẳng, “đếm đầu chia xôi”
trong đóng góp vật chất.
Thứ ba, việc tăng cường thanh tra, kiểm
tra, giám sát các hoạt động giáo dục không nằm trong nội hàm của xã hội hóa
giáo dục. Khi chủ trương xã hội hóa với việc mở rộng nhiều hình thức, đa dạng
hóa các loại hình, nguồn lực… chắc chắn sẽ tạo nên sự cạnh tranh gay gắt theo
các quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường. Điều
này dễ dẫn đến những hiện tượng lệch lạc trong hoạt động giáo dục. Do đó, bài
toán quản lý phải được đặt ra là Nhà nước cần thanh tra, kiểm tra, giám sát các
hoạt động giáo dục chứ bản thân việc thanh tra, kiểm tra này không nói lên được
bản chất của xã hội hóa giáo dục. Những lệch lạc có thể có là thương mại hóa,
phi chính trị hóa, tự do hóa… Từ đó, đòi hỏi nhà Nước phải nắm bắt được những
hiện tượng lệch lạc để điều chỉnh, định hướng kịp thời.
Trong trường hợp này, Hội đồng
trường, Ban giám hiệu nhà trường mà trực tiếp là Hiệu trưởng cần phải quán xuyết
cho tất cả đội ngũ giáo viên và hàm nghĩa, ý nghĩa của chủ trương “xã hội hóa
giáo dục”; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và uốn nắn những
hành vi lệch lạc, gây nên hiệu ứng không tốt đối với nhà trường. Cái “đúng” của
cô giáo này, phải chăng là do hiểu “chưa đúng” về chủ trương xã hội hóa giáo dục,
một chủ trương có ý nghĩa to lớn trong huy động các nguồn lực (nhân lực, vật lực,
tài lực, trí lực) của các chủ thể xã hội cùng tham gia vào hoạt động giáo dục trên
tinh thần “cộng đồng hóa trách nhiệm”, “thể chế hóa vai trò” và “hiệu quả hóa
giáo dục”, góp phần thúc đẩy nền giáo dục nước ta phát triển bền vững.
TS. Phạm Đi
Nhận xét
Đăng nhận xét