CHỨC NĂNG CƠ BẢN CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI HỌC
CHỨC NĂNG CƠ BẢN CỦA KHOA HỌC XÃ HỘI HỌC
Bất cứ một ngành khoa học nào
cũng có những chức năng nhất định và chính chức năng này khẳng định vị thế, vai
trò của khoa học đó trong hệ thống tri thức của nhân loại. Xã hội học không là
ngoại lệ. Tùy theo cách tiếp cận khác nhau mà có cách xác định và phân chia
theo các nhóm chức năng của một ngành khoa học. Theo cách phân chia tương đối
phổ biến hiện nay, xã hội học được xác định các nhóm chức năng chủ yếu: chức
năng nhận thức, chức năng thực tiễn, chức năng giáo dục[1].
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận, cách xác định nhóm chức năng như vậy là đúng
nhưng chưa thấy được “tính đặc trưng” của khoa học xã hội học, chí ít là dễ “nhầm
lẫn” với các ngành khoa học khác về chức năng. Nói cách khác, chưa khu biệt được
chức năng của xã hội học với các khoa học khác. Do đó, có thể xác định chức
năng của xã hội học ở những phương diện cụ thể sau:
- Thứ nhất, cung cấp tri thức thực chứng, cứ liệu khoa học cho chính phủ và
các nhà hoạch định chính sách.
Trong những năm gần đây, các vấn
đề về chiến lược phát triển xã hội đã thu hút nhiều sự chú ý của giới khoa học
và chính phủ các nước. Chiến lược phát triển xã hội chính là phương hướng căn bản,
là con đường và bước đi về phát triển của một quốc gia. Nhiều nước trên thế giới
đã hình thành nên các ban cố vấn, chuyên gia, nguồn dữ liệu, kho dữ liệu lớn[2] cũng là chỉ báo cho thấy một chiến lược nghiên cứu phát triển xã hội. Đến
lượt mình, với tư cách là ngành khoa học thiêng về thực chứng, xã hội học đóng
góp cho tiến trình phát triển xã hội những phương pháp nghiên cứu thu thập
thông tin, phân tích và xử lý thông tin, cung cấp cho nhà hoạch định chính sách
những cứ liệu thực chứng để có cái nhìn đúng đắn đối với các vấn đề xã hội, đưa
ra đối sách giải quyết hợp lý.
Đối với chúng ta, trong tiến
trình thực hiện mục tiêu Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh thì
vấn đề giải quyết hài hòa các mối quan hệ, các nhân tố xã hội, lợi ích giữa các
nhóm xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa các địa phương trong cả nước,
các thành phần kinh tế....là vấn đề trọng yếu mang tầm chiến lược. Để giải quyết
tốt những mối quan hệ và vấn đề này thì không thể không vận dụng tri thức xã hội
học mà chí ít là cách tiếp cận, phương pháp của nó để tiến hành nghiên cứu, nắm
bắt các nhân tố có tác động (thậm chí tác động ở mức độ nào, tương quan ra sao,
hệ số tương quan như thế nào, nhân tố nào là trọng yếu….) đối với chiến lược
phát triển xã hội. Từ giác độ xã hội học nhìn nhận, xã hội là một hệ thống chỉnh
thể[3] mà bên trong là các bộ phận với tư cách là những tiểu hệ thống. Muốn tối
ưu hóa các bộ phận, thành tố của xã hội không đồng nghĩa với việc tối ưu hóa xã
hội chỉnh thể. Nói cách khác, chỉ khi nào các bộ phận, nhân tố, thành tố bên
trong xã hội có mối liên hệ hài hòa, hoạt động nhịp nhàng thì lúc đó xã hội chỉnh
thể mới có thể tối ưu hóa và phát triển. Kết quả nhiên cứu của xã hội học có thể
dùng để xử lý và giải quyết các mối quan hệ này, chỉ khi nào các mối quan hệ
này được xử lý tốt thì xã hội tổng thể mới có thể phát triển một cách hài hòa, gia
tốc phát triển mới được duy trì, cổ máy xã hội mới phát triển bền vững.
Từ giác độ xã hội học nhìn nhận,
bất kỳ một bộ phận nào trong xã hội cũng không thể phát triển một cách độc lập
mà nó bị chế ước, chi phối, tác động bởi những nhân tố khác. Nghiên cứu xã hội
học không những tìm ra các nhân tố tác động mà còn phân tích và chỉ ra mối
tương quan giữa các nhân tố đó. Chính điều này là căn cứ đáng tin cậy cho chính
phủ, các nhà hoạch định chính sách những đúng đắn, khả thi, sát với tình hình
thực tiễn.
Cần phải nhấn mạnh rằng, xã hội học
và kết quả nghiên cứu của nó không là những “cải cách xã hội” như nhiều người
quá đề cao. Thế nhưng, những phương pháp và kết quả nghiên cứu xã hội học sẽ
cung cấp cho nhà quản lý, hoạch định chính sách những số liệu thực chứng như một
chứng cứ làm cơ sở chính yếu để ban hành những chính sách, dự án, chương trình,
giải pháp có liên quan. Lưu ý, xã hội và các sự thật xã hội luôn biến đổi (thậm
chí biến đổi một cách nhanh chóng) nên không có giải pháp nào mang tính vĩnh cửu,
không thể đúng trong mọi thời điểm và hoàn cảnh.
Thứ hai, giải thích và định hướng hành vi, hành động xã hội.
Hệ thống lý thuyết của xã hội học
rất phong phú và mỗi lý thuyết nhằm hướng đến luận giải những hành vi, hành động
của con người trong các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với
tự nhiên, con người với cộng đồng. Những giải thích này giúp cho con người có
nhãn quan mới khi xem xét, đánh giá, nhận chân các hệ thống giá trị, chuẩn mực
xã hội, hướng đến những hành động phù hợp, giảm thiểu những hành vi lệch lạc.
Có thể nói rằng, thỏa mãn các nhu
cầu vật chất và tinh thần của con người chính là mục tiêu cuối cùng của việc
phát triển kinh tế. Nói cách khác, chỉ khi nào mục đích kinh tế chuyển biến
thành lợi ích xã hội thì mục đích kinh tế đó mới thật sự có ý nghĩa. Cũng có
nghĩa rằng, việc nâng cao chỉ số GDP một cách đơn thuần bản thân nó không nói
lên được chất lượng sống của người dân.
Với tư cách là một bộ môn khoa học
độc lập, xã hội học phát huy được những ưu thế của mình trong cách nhìn nhận,
đánh giá các vấn đề xã hội. Trong đó, khi nghiên cứu xã hội mà cụ thể là các sự
kiện, hiện tượng, vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống thì xã hội học đi tìm các
nhân tố tác động và tiến hành phân tích để lượng giá nó, chỉ ra những nhân tố
quyết định đến chất lượng sống của con người ở mỗi thời điểm, mỗi không gian và
nhóm xã hội. Từ đó đưa ra một mô thức của phương thức sống một cách khoa học và
có tính tổng hợp cao. Trong những điều kiện và tiền đề về kinh tế thì con người
biết định hướng hành vi của mình để có được chất lượng sống tốt nhất.
Thứ ba, cung cấp những tri thức cần thiết để giải thích các sự kiện, hiện
tượng, vấn đề xã hội, thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Không như trong xã hội phong kiến
với kiểu xã hội khép kín, ít có sự di động xã hội và tự cung tự cấp. Trong xã hội
hiện đại, từ ăn, mặc, ở, đi lại cũng như các vấn đề liên quan đến sinh, lão, bệnh,
tử không còn phải bó gọn và chỉ dựa vào người thân trong gia đình đảm nhận mà
đã có hình thức “xã hội hóa” hết sức rộng rãi. Nói cách khác, các dịch vụ xã hội
gần như đã thay thế những chức năng mà trước đó chỉ có gia đình đảm nhận và tầm
“phủ sóng” của nó trên tất cả lĩnh vực từ vật chất đến tinh thần. Cùng với việc
nâng cao mức sống, con người chẳng những được thỏa mãn các nhu cầu cơ bản mà
còn đòi hỏi những nhu cầu cao hơn về các dịch vụ xã hội. Từ đó xuất hiện rất
nhiều loại dịch vụ mà trước đó không ai có thể tưởng tượng: bảo hiểm xã hội, dịch
vụ công, công tác xã hội, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ nghe nhìn…Trong
đó, lĩnh vực bảo đảm xã hội và công tác xã hội là 2 lĩnh vực mà xã hội học (với
cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu) có những đóng góp nhất định. Không phải
ngẫu nhiên mà ở nhiều quốc gia, khoa xã hội học, công tác xã hội là một bộ môn
không thể khuyết thiếu (thậm chí là môn học bắt buộc)[4]. Nhiều trường đại học nổi tiếng ở các quốc gia phát triển trên thế giới đã
hình thành các viện công tác xã hội. Chẳng hạn như Mỹ và Canada là các quốc gia
có viện Công tác xã hội có quy mô cực lớn[5]. Các chuyên ngành được đào tạo có Phúc lợi xã hội, Đoàn thể xã hội, Lao động
xã hội…
Xã hội học chẳng những cung cấp
những tri thức về quản lý xã hội, phúc lợi xã hội mà còn bồi dưỡng cho xã hội
những con người có tri thức về lĩnh vực công, công tác xã hội. Nhiều quốc gia
phát triển khi tiến hành tuyển dụng nhân viên hành chính đã yêu cầu ứng viên phải
có nghiệp vụ và chuyên ngành xã hội học.
Đối với nước ta, trong thời kỳ hội
nhập kinh tế quốc tế và tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện
nay, ngoài những kiến thức từ các chuyên ngành khoa học khác, tri thức và
phương pháp xã hội học cũng đã dần được khẳng định vì cách giải thích và đưa ra
các giải pháp để giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong tình hình mới. Những
nghiên cứu xã hội học trên quy mô quốc gia đã được tiến hành và thu nhận được
nhiều kết quả có độ tin cập cao đã góp phần cho việc nhìn nhận đúng đắn các vấn
đề xã hội, hoạch định các chính sách có liên quan một cách đúng đắn đã chứng
minh vai trò, chức năng quan trọng của khoa học xã hội học.
Thứ tư, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa một cách thuận lợi.
Quy hoạch, dự báo, tầm nhìn là một
trong những yêu cầu không thể thiếu đối với người lãnh đạo, quản lý; là một
trong những yêu cầu, đặc điểm của xã hội hiện đại. Tất cả các dự án, đề án,
chương trình, chiến lược, chính sách đều cần phải có những nghiên cứu để nắm bắt
tình hình, cứ liệu để phân tích, đánh giá và đưa ra những tiên liệu. Bất kỳ một
hoạch định nào trong xã hội hiện đại, bất luận là hoạch định về công nghiệp hay
nông nghiệp; nông thôn hay đô thị, cũng đều xuất phát từ quy hoạch xã hội, tức
là cần phải có cái nhìn tổng thể về các vấn đề, phương diện xã hội[6]. Do đó, trước khi xác lập một chương trình, dự án, đề án thì trước tiên phải
tiến hành điều tra để nắm bắt các thông tin xã hội, điều kiện xã hội, nhân tố
xã hội và hơn thế nữa thông qua những cứ liệu thực chứng đó, cần dự đoán, tiên
liệu một cách khoa học về hiệu quả, hệ quả cũng như những tác động xã hội của
nó. Trong quá trình thực thi các dự án, kế hoạch còn cần phải nắm được các biến
động của các nhân tố xã hội từ đó mà có những điều chỉnh cho phù hợp, tránh phát
sinh những tác động tiêu cực không mong muốn. Sau khi hình thành những đề án, dự
án, chương trình, muốn đảm bảo thực thi một cách có hiệu quả cũng cần có những
lưu ý về tác động xã hội của nó, nhất là những tác động mà trước đó người hoạch
định chưa tiên liệu hết.
Tất cả những vấn đề trên cần có sự
vào cuộc của các nhà xã hội học. Đặc biệt trong tình huống sau thì vai trò của
xã hội học thể hiện rất rõ:
- Một kế hoạch, chương trình nào
đó khi nhìn ở một mô đun (khoảng) thời gian ngắn thì hoàn toàn có lợi nhưng khi
đặt nó trong một khoảng thời gian đủ lớn thì bắt đầu thấy nhiều bất cập, thậm
chí có hại[7]; tương tự, một kế hoạch, chương trình nào đó khi nhìn ở
một khoảng thời gian ngắn thì chỉ thấy hệ quả tiêu cực nhưng khi đặt nó trong một
mô đun thời gian đủ lớn và ở tầm chiến lược lại thấy những giá trị tích cực mà
nó mang lại[8]. Muốn có được điều này thì cần phải tiến hành nghiên cứu
xã hội học với những minh thức bằng số liệu thực chứng để phân tích.
- Một chính sách, dự án, kế hoạch
nào đó có thể có lợi cho một hoặc vài lĩnh vực, phương diện nhưng lại gây
phương hại, tác động tiêu cực đến một hoặc nhiều phương diện khác[9]. Trong trường hợp này, cần có những
nghiên cứu xã hội học để đánh giá những mặt được, chưa được; ưu điểm, hạn chế;
các tác động phái sinh để điều chỉnh lại chính sách cho phù hợp. Những đánh giá
chính xác và dự báo chuẩn xác có những giá trị lớn lao, lường trước những hậu
quả có thể phát sinh để từ đó có thể khẳng định tính chính xác của chính sách,
quyết định nên duy trì hay bãi bỏ một dự án, chương trình. Để làm được điều đó
không thể không sử dụng các công cụ và phương pháp nghiên cứu của xã hội học.
Thứ năm, kết nối và sử dụng tri thức của các ngành khoa học có liên quan
trong nhìn nhận, đánh giá các vấn đề xã hội.
Trong những năm gần đây, tốc độ
phát triển của khoa học kỹ thuật đã đạt được gia tốc vô cùng lớn làm cho xã hội
chuyển biến nhanh chóng và mối quan hệ giữa các phương diện trong đời sống xã hội
cũng ngày càng gắn bó hơn, mật thiết hơn[10]. Bất cứ vấn đề gì trong xã hội không thể chỉ dựa vào một ngành khoa học độc
lập để nghiên cứu và giải quyết. Việc ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ
thuật vào đời sống xã hội cũng không thể tách rời các nhân tố của đời sống con
người, và do vậy không thể không đề cập đến các yếu tố xã hội[11]. Nói cách khác, việc vận dụng tri thức của khoa học tự nhiên vào trong
nghiên cứu xã hội là cần thiết, xã hội học là khoa học như vậy. Một số nghiên cứu
hiện nay thiên về hướng tiếp cận liên ngành, đa ngành mà xã hội học đóng vai
trò không thể khuyết thiếu. Một trong những đối tượng nghiên cứu của xã hội học
là mối liên hệ giữa các bộ phận tổ thành của xã hội, do đó có vai trò như là cầu
nối, kết dính các khoa học có liên quan. Đến lượt mình, các nhà xã hội học luôn
ý thức được việc kết nối các tri thức của một số chuyên ngành liên quan để tiến
hành nghiên cứu xã hội. Chẳng hạn khi tiến hành nghiên cứu đô thị (xã hội học
đô thị), nhà xã hội học cần phải hiểu và vận dụng một số kiến thức thuộc chuyên
ngành khác như địa lý, môi trường, quản lý hành chính, nhân khẩu học, giao
thông, kiến trúc và phải hiểu được mối quan hệ giữa nông thôn-đô thị, cấu trúc
kinh tế, tổ chức xã hội, hệ thống dịch vụ…Với những phương diện được liệt kê,
có lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên, có lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và cả
lĩnh vực khoa học phân kỳ khác, thế nhưng khi tiến hành nghiên cứu đô thị thì
các nhà xã hội học cần phải có kiến thức tổng hợp từ nhiều chuyên ngành khoa học
đó. Do vậy, trong các bộ môn quy hoạch đô thị ở các nước phát triển thì chuyên
gia xã hội học là một trong những thành viên cốt cán không thể thiếu.
Trong quan hệ giữa luật pháp và
xã hội, giữa luật học và xã hội học thì các nghiên cứu xã hội học góp phần thúc
đẩy cho việc sản sinh ra các khoa học có tính chất liên ngành như xã hội học
pháp luật, xã hội học tội phạm. Chính lẽ đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu xã hội học
đồng thời kết hợp tri thức liên ngành trong nghiên cứu, nhất là nghiên cứu xã hội
sẽ góp phần thúc đẩy nền khoa học nước ta phát triển và theo kịp với trình độ của
thế giới.
Thứ sáu, giúp cho con người có cái nhìn mới mẻ về bản thân, cộng đồng và xã
hội.
Trong xã hội truyền thống, đời sống
tương đối đơn giản, tiết tấu chậm và đôi khi đơn điệu; các lễ tục và tập quán
trở thành công cụ định hướng hành vi và đời sống của con người, dư địa tự do cá
nhân tương đối hẹp. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, cùng với năng lực sản xuất
và của cải xã hội gia tăng nhanh chóng, khoa học kỹ thuật cũng có bước phát triển
hết sức thần tốc và nhanh chóng được áp dụng vào trong lĩnh vực sản xuất và đời
sống xã hội. Từ đó làm thay đổi cấu trúc xã hội, quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội,
làm chuyển biến một cách sâu sắc đến đời sống xã hội trên mọi phương diện. Nếu
làm phép so sánh, xã hội hiện đại khác với xã hội truyền thống ở những phương
diện nổi bật sau: (1). Tính phức tạp, xã hội hiện đại đã làm cho diện mạo xã hội
hết sức đa dạng, phong phú, nhiều góc cạnh: phức tạp trong mối quan hệ xã hội,
phức tạp trong phương thức sống, trong các hoạt động sống, hoạt động giải trí;
phức tạp trong các loại hình và kiểu thiết chế như gia đình, trường học… (2)
Tính đa biến, trong xã hội truyền thống, tốc độ biến đổi xã hội tương đối chậm
và thông thường phải trải qua một khoảng thời gian hàng trăm năm, thậm chí hàng
ngàn năm mới thấy được sự thay đổi một cách rõ nét. Thế nhưng trong xã hội hiện
đại, tốc độ chuyển biến xã hội là rất lớn và thường xuyên gia tốc đã tác động đến
đời sống của con người trên nhiều lĩnh vực. Trong một xã hội có nhiều biến chuyển
và chuyển biến với tốc độ nhanh như vậy, nếu chỉ dựa vào những tri thức thường
thức, vụn vặt, đơn lẻ chắc chắn sẽ không thể nhìn nhận đúng vấn đề. Nói cách
khác, cần phải có tri thức khoa học và khoa học liên ngành để nghiên cứu, xem
xét, đánh giá…Có thể nói, hơn ai hết, xã hội học cung cấp những tri thức cơ bản
mang tính tổng hợp nhưng không quá cao siêu giúp cho con người có cái nhìn mới
mẻ và chính xác về bản thân, gia đình, cộng đồng và mối quan hệ giữa chúng.
Đúng như nhận định: “Sức quyến rũ của xã
hội học chính là ở chỗ: bằng cách giải thích của nó khiến cho chúng ta có thể
nhìn thế giới mà chúng ta đã và đang sống suốt cả cuộc đời dưới một ánh sáng mới”[12].
Khi có được những tri thức thường thức về xã hội học, khi tham giai vào các hoạt
động xã hội, con người có thể xác định được những hệ giá trị, chuẩn mực, niềm
tin, quy ước xã hội để kiểm soát hành vi và hành động của bản thân, trở thành một
công dân “hợp cách” trong một xã hội nhất định một cách hợp thức nhất khi thông
qua quá trình xã hội hóa cá nhân.
Tóm lại, các lĩnh vực nghiên cứu của xã hội
học rất rộng lớn, bao trùm lên tất cả các phương diện của đời sống xã hội.
Trong quá trình phát triển đất nước nói chung, quá trình đổi mới một cách triệt
để trên nhiều lĩnh vực cụ thể nói riêng, nếu quan sát một cách tỉ mỉ và khoa học
cho thấy, thành quả mà chúng ta đạt được là rất lớn. Tuy vậy, bên cạnh đó lại
phát sinh không ít những vấn đề cần được nghiên cứu, giải quyết để “bốc ra toa
thuốc và phác đồ điều trị” đúng đắn, hợp lý, kịp thời nhất, giúp cho cơ thể xã
hội lành mạnh. Muốn vậy cần phát triển mạnh mẽ các ngành khoa học nói chung,
khoa học xã hội học nói riêng. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta cho thấy, khoa học
xã hội học vẫn chưa được phát triển xứng tầm; vị thế của xã hội học vẫn chưa được
đánh giá đúng mực và vai trò của xã hội vẫn chưa đặt đúng vào vị trí vốn có nó.
Không phải ngẫu nhiên mà Tony Bilton đã nhấn mạnh: “Xã hội học sẽ là công cụ hữu hiệu để cho con người có thể xây dựng cho
mình một xã hội tốt đẹp hơn”.
TS. PHẠM ĐI
(Tham kiến: Xã hội học với lãnh đạo, quản lý, Nxb. CTQG-ST –
Phạm Đi)
[1] Xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh, Giáo trình Xã hội học trong lãnh đạo,
quản lý. Nxb Lý luận chính trị. H.2018, tr17-20.
[2] Còn gọi là “Big Data”. Big Data có thể
giúp các tổ chức, chính phủ dự đoán được tỉ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp
của tương lai để đầu tư cho những hạng mục đó, hoặc cắt giảm chi tiêu, kích
thích tăng trưởng kinh tế….
[3] Xem phần Lý thuyết tiếp cận hệ thống ở trên.
[4] Ở một số trường đại học có 2 nhóm
môn: nhóm tự chọn và nhóm bắt buộc. Nhóm tự chọn là lựa chọn một trong những
môn mà nhà trường liệt kê; nhóm bắt buộc là yêu cầu người học phải tích lũy đủ
số tín chỉ của môn học đó.
[5] Số lượng giáo viên, học viên của các Viện
công tác xã hội vượt qua cả Viện pháp luật.
[6] Theo quy định, bất cứ một dự án, chương
trình dân sinh nào cũng cần có đánh giá tác động môi trường và đánh giá tác động
xã hội. Thế nhưng trên thực tế, công tác và quy trình đánh giá tác động này dễ
bị bỏ qua (hoặc làm đối phó). Một trong những yêu cầu cơ bản của đánh giá tác động
xã hội là phải lựa chọn được những chỉ tiêu đúng, thiết thực và phù hợp với bối
cảnh xã hội, hay nói khác là các chỉ tiêu đó phải phản ánh đúng, đủ “tính xã hội”
(tính thời sự, cấp thiết) của một xã hội tại một thời điểm cụ thể, nhưng phải
khả thi và phải “thật”. Thực tế cho thấy, khi xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh
giá (và cả chỉ tiêu theo dõi) rất “đồ sộ”, “hoành tráng”, “đúng quy trình” nhưng
lại không đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về tính khả thi, tính thực tiễn,
tính liên kết, tính mục tiêu, tính định lượng (đo lường), tính thời điểm…
nên chất lượng thông tin/đánh giá không cao, không phản ánh được đúng và đầy đủ
bản chất của nội dung cần đánh giá, không đáp ứng được yêu cầu quản lý và phát
triển. Dẫn đến nhiều dự án, chương trình đáng lẽ ra phải phục vụ cho đời sống
dân sinh, nâng cao chất lượng sống cho đối tượng thụ hưởng thì lại có nhiều tác
động tiêu cực, bị nhân dân phản đối, ca thán.
[7] Ví dụ: Chính sách hạn chế mức sinh để duy
trì sự tăng trưởng kinh tế. Nếu trong một khoảng thời gian nhất định thì tính
“ưu việt” của nó thể hiện rất rõ. Tuy nhiên, nếu kéo dài quá mức và không cần
thiết thì sẽ dẫn đến bài toán về nguồn nhân lực, dân số già, vấn đề di cư. Chính
sách một con của Trung Quốc kéo dài suốt 35 năm (1980-2015) cùng với nhiều hệ lụy
là một ví dụ minh chứng.
[8] Ví dụ: Sau khi lên cầm quyền, Lý Quang Diệu
đã quyết định chính sách song ngữ và chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính (hành
chính, giáo dục). Nhiều người lúc đó (nhất là cộng đồng người Hoa – chiếm khoảng
77% dân số Singapore, đã có những phản ứng dữ dội bởi họ cho rằng, nếu như thế
sẽ làm mai một các giá trị văn hóa, mất tính kết nối giữa các thế hệ. Thế
nhưng, ngược lại với ý kiến đó, Lý Quang Diệu cho rằng: “Ngôn ngữ là chìa khóa
để tiếp thu kiến thức. Nếu học sinh không thể hiểu một ngôn ngữ, thì sẽ không
thể tiếp nhận thông tin hay kiến thức bằng chính ngôn ngữ đó. Do đó quan trọng
là một bước đột phá phải được thực hiện bằng tiếng Anh càng sớm càng tốt”; Nếu
các “tiếng mẹ đẻ” kết nối người dân Singapore với nguồn gốc, văn hóa và di sản
tinh thần của từng dân tộc thì tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ làm việc, giúp họ kết nối
với nhau và với thế giới. Nhìn một cách rộng hơn, song ngữ đã giúp xây dựng khối
đoàn kết quốc gia và tăng cường bản sắc văn hóa của Singapore. Rõ ràng, nếu có
một cái nhìn dài hạn, chiến lược sẽ thấy được tác dụng tích cực nhiều hơn là
tiêu cực của chính sách này.
[9] Chẳng hạn, Nghị định số 141/2013/NĐ-CP
ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều
của Luật Giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2013. Theo đó,
giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ
đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ
khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học nếu có đủ các điều kiện
theo quy định. Xét ở bình diện hẹp thì đây là chính sách rất hợp lý và nhân văn
nhằm tiếp tục khai thác, sử dụng nguồn lực chất xám của các giảng viên có trình
độ, năng lực. Nhưng khi đặt nó trong bối cảnh hiện nay và nhất là chiến lược
tinh giảm biên chế hiện nay thì thấy những bất cập; đặt trong bối cảnh nhiều
sinh viên ra trường không có việc làm và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao thì cũng
cho thấy nhiều “nút thắt”. Đó là chưa kể những xung đột lợi ích giữa các giảng
viên trẻ (giờ lên lớp, tiền lương) với các đối tượng thu hưởng từ Nghị định số
141 này.
[10] Mạng lưới "Vạn vật kết nối" (Internet
of Things) được dự báo có thể thay đổi hoàn toàn công việc, cuộc sống và xã hội
con người trong tương lai; có khả năng gắn kết con người với con người, con người
với các đồ vật mà trước đây chỉ có trong khoa học viễn tưởng. Ước tính, đến
năm 2020 sẽ có khoảng 50 tỷ vật thể được kết nối Internet trên toàn thế giới.
Nó sẽ tạo ra một mạng lưới vạn vật kết nối vô cùng khổng lồ. Đó là thế giới mà
mọi thứ sẽ thay đổi liên tục nhờ cảm biến và Internet. Mạng lưới "Vạn vật
kết nối" không đơn thuần là một cuộc cách mạng, tạo ra những sản phẩm tốt
hơn, thông minh hơn với chi phí thấp hơn hay khiến cuộc sống trở nên dễ thở
hơn, mạng lưới "Vạn vật kết nối" có thể sẽ mang đến sự bùng nổ kinh tế
mới khi thay đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp từ việc tạo ra sản phẩm
mới cho đến việc tương tác với khách hàng. Công nghệ này thực sự có thể thay đổi
cuộc sống, công việc và thế giới của chúng ta theo hàng triệu cách.
[11] Chẳng hạn các sản phẩm biến đổi gen, tác
động đến cấu trúc AND hay nhân bản vô tính đều có tác động đến xã hội, thậm chí
làm đảo lộn các giá trị, trật tự xã hội.
[12]
Perter Berger (1966), Instation to
Sociology, Harmondoworth, Panguim p.33
Nhận xét
Đăng nhận xét