HỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, BẢO ĐẢM AN NINH XÃ HỘI, AN NINH CON NGƯỜI NHẰM QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI CÓ HIỆU QUẢ
THỰC HIỆN TỐT CHÍNH SÁCH XÃ HỘI, BẢO ĐẢM AN NINH XÃ HỘI, AN NINH CON
NGƯỜI NHẰM QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI
CÓ HIỆU QUẢ
1. Đặt vấn đề
Trên cơ sở của các nguyên tắc “kế
thừa và phát triển”, “kiên định và đổi mới”, “thực tiễn và lý luận” một cách thống
nhất, xuyên suốt; với tinh thần và phương châm phát triển bền vững, lấy con người
làm trung tâm, giải quyết tốt và hài hòa các vấn đề xã hội và các mối quan hệ
trong quá trình phát triển, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã kết thừa và
phát triển nhiệm vụ, mục tiêu “quản lý phát triển xã hội” trong bối cảnh, tình
hình mới. Theo đó, quản lý phát triển xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, thường
xuyên nhưng phải nhấn mạnh đến tính “hiệu quả” và “nghiêm minh” – gắn kết nhiệm
vụ về “an ninh xã hội” với “an ninh con
người”, tiến bộ và công bằng, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; tư tưởng xuyên
suốt của chủ trương về chính
sách xã hội là bảo đảm tiến bộ và công bằng xã
hội, bảo đảm hài hòa các lợi ích, với
mục đích tối thượng là vì con người, vì nhân dân đã thể hiện bằng chủ
trương, quan điểm hết sức cụ thể, rõ ràng: “Tăng
cường quản lý phát triển xã hội,
bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất
là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”[1].
Theo đó, khi vạch ra “Định hướng phát triển đất nước 2021-2030”, Đảng ta đã xác
định: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo
đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;
xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng
cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan
tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực
hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời
sống vật chất và tinh thần của nhân dân”[2]. Vấn đề
đặt ra là, cần phải thể chế hóa, luật pháp hóa những chủ trương, đường lối này
thành những chính sách mang tính khả thi, khoa học để hiện thực hóa một cách có
hiệu quả. Song song với đó, cần phải đảm bảo những điều kiện con người, vật
chất và các nguồn lực khác để thực thi như thế nào; dự báo những khó khăn, rào
cản, vướng mắc, những nhân tố tác động, xu hướng biến đổi để kiện toàn bộ máy
và đảm bảo tính khả thi; tăng cường nhận thức của các cơ quan hữu quan và đội
ngũ cán bộ thực thi về công tác bảo đảm xã hội, an ninh xã hội, an ninh con
người,…Đó là những câu hỏi đặt ra và cũng là nhiệm vụ cần phải triển khai để
góp phần xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế,
chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hoà.
2. Một số yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện chính
sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người trong tình hình mới
Đối với “Định hướng phát triển đất
nước giai đoạn 2021-2030”, Đảng ta xác định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội
chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh
con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương,..”[3].
Để thực hiện tốt mục tiêu mang tính chiến lược này mà cụ thể là “bảo đảm trật tự,
an toàn xã hội, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ
cương” cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ cụ thể sau:
Thứ nhất, xây dựng hệ
thống chính sách xã hội, bảo đảm xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người phải
phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Chính sách xã hội nói chung là một
bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính sách của một chính quyền nhà
nước. Mục tiêu của hệ thống chính sách xã hội, an ninh con người không phải là
để “giải quyết” các vấn đề xã hội nảy sinh mà còn là công cụ, cơ chế, căn cứ
pháp lý để phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro trong quá
trình vận hành xã hội. Trong điều kiện ở nước ta, nhất là trong bối cảnh và
tình hình hiện nay, bên cạnh ban hành cách chính sách nhằm điều chỉnh, giải quyết
các vấn đề nảy sinh còn cần phải tiến hành nghiên cứu, đúc kết thực tiễn, vận dụng
những nguyên tắc phổ biến trong tình hình cụ thể ở Việt Nam để khắc phục các
“căn bệnh”, khuyết tật xã hội, giúp cơ thể xã hội phát triển lành mạnh.
Thứ hai, xây dựng và vận hành hệ thống
chính sách xã hội, bảo đảm xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người phải phù hợp
với tình hình kinh tế xã hội ở nước ta.
Hệ thống chính sách xã hội, an
sinh xã hội phải có tính “tương thích” với điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi quốc
gia, trong từng thời kỳ phát triển, ở mỗi lĩnh vực cụ thể. Trong điều kiện và
tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay; trong bối cảnh vận dụng
và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong tiến
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị thị nhanh và mạnh như hiện nay
thì vấn đề lớn đặt ra không chỉ đảm bảo “tăng trưởng” kinh tế đơn thuần mà còn
phải bám lấy mục tiêu cốt lõi, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo
khía cạnh môi trường và xã hội, nhất là bình đẳng và công bằng xã hội. Kinh tế
thị trường có tính ưu việt của nó nhưng không phải không có những “khuyết tật”
và “điểm mù” nhất định. Chính những khuyết tật và điểm mù ấy có thể là nguyên
nhân hình thành các vấn đề xã hội, trong đó có phân tầng xã hội, phân hóa xã hội,
thậm chí phân cực xã hội, bất công xã hội. Điều này sẽ là các “lực cản” nếu
không muốn nói là đi ngược với tôn chỉ mục đích của phát triển bền vững, của
con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cần phải bình tĩnh để thấy rằng,
kinh tế là điều kiện, nền tảng vật chất để thực hiện các mục tiêu an sinh và an
sinh xã hội, bảo đảm xã hội sẽ tạo điều kiện ổn định về an ninh để phát triển
kinh tế. Nói cách khác, mặc dù các chính sách an sinh xã hội không “trực tiếp”
hình thành các nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng, tất yếu và đương nhiên,
góp phần rất lớn tạo ổn định xã hội, ổn định chính trị, an toàn xã hội. Và
chính sự ổn định chính trị, ổn định xã hội sẽ tạo điều kiện và tác động mạnh mẽ
đến quá trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, vùng miền, địa phương.
Thứ ba, nắm vững và làm rõ đặc điểm an
sinh xã hội ở nước ta trong điều kiện hiện nay, nhất là tác động của đại dịch
COVID-19.
Kể từ khi đất nước tiến hành công
cuộc đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được vận hành
và phát huy những giá trị tích cực rõ nét. Có thể nói, công cuộc đổi mới (bắt đầu
từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI) đã thực sự áp dụng, vận hành nền kinh tế
kinh tế thị trường như một cuộc cách mạng về tư duy, thể chế và góp phần làm
cho đất nước ngày càng lớn mạnh. Với việc vận hành nền kinh tế thị trường, đòi
hỏi tất cả các lĩnh vực, trong đó có hệ thống chính sách xã hội, chính sách an
sinh, an ninh con người phải được thay đổi để phù hợp với sự vận hành của nền
kinh tế. Trong vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động
không nhỏ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, trong đó có các vấn đề
về việc làm, thu nhập, an ninh trật tự, văn hóa, lối sống; tâm tư, tình cảm, dư
luận và niềm tin xã hội. Điều đáng mừng là, đến thời điểm hiện tại, ít nhiều
chúng ta đã khống chế được tình trạng lây lan của dịch bệnh, từng bước phục hồi
nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, mang lại niềm tin trong xã hội. Tuy
nhiên, chính điều này cũng cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt
ra trong thực thi các chính sách liên quan, trong đó có hệ thống chính sách an
sinh xã hội, an ninh con người. Cơ sở để xây dựng và vận hành hệ thống chính
sách an sinh xã hội phải phù hợp với điều kiện nền kih tế thị trường và tình
hình thực tiễn để đảm bảo tính công bằng ngay trong từng bước và trong từng
chính sách; hệ thống chính sách phải được kiến tạo và triển khai thực hiện trên
cơ sở thúc đẩy cạnh tranh công bằng và cùng chia sẻ trách nhiệm rủi ro xã hội.
Nền kinh tế thị trường càng phát triển thì yếu tố cạnh tranh càng quyết liệt,
gat gắt và đương nhiên, rủi ro xã hội càng lớn, tính “đào thải” càng “có cơ hội
phát huy”. Chính điều này là “đơn đặt hàng” cho nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước
các cấp về hình thành hệ thống chính sách an sinh đủ mạnh, đủ tính bao phủ để
phòng ngừa rủi ro, hạn chế rủi ro và khắc phục rủi ro. Nói cách khác, hệ thống
chính sách an sinh chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để Nhà nước khắc phục những
khuyết tật và bất bình đẳng xã hội của nền kinh tế thị trường cũng như những biến
cố trong tình huống bất thường như dịch bệnh, thiên tai,..
Thứ tư, nhận thức đúng đắn, đầy đủ vai
trò của hệ thống an sinh xã hội, an ninh con người trong điều kiện và bối cảnh
hiện tại.
Trong tiến trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, hệ thống chính sách nói
chung, chính sách xã hội, an sinh xã hội nói riêng của chúng ta từng bước được
hình thành và không ngừng hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới.
Tuy vậy, đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý mà đặc biệt là đội ngũ thực
thi chính sách cần phải nhận thức về vai trò, ý nghĩa của hệ thống chính sách một
cách đầy đủ hơn, khoa học hơn và hệ thống hơn. Đầu tiên, cần phải nhận thức rằng,
an sinh xã hội, an ninh con người là các chính sách xã hội cơ bản nhằm mục tiêu
phát triển con người, phát triển bền vững, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Nghĩa là, đảm bảo nhu cầu an sinh, an ninh chính là mục tiêu quan trọng trong
chiến lược phát triển đất nước. Nếu làm tốt các chính sách này cũng là thể hiện
tính ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính sách an sinh
cũng là công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện chính sách nhằm ổn định và
phát triển xã hội theo hướng hài hòa, bền vững; giúp đỡ các nhóm đối tượng khó
khăn, yếu thế để đảm bảo tính công bằng xã hội. Thứ đến, cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư mà biểu trưng là thời đại số, xã hội số, kinh tế số là cơ hội
lớn cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng là thách thức lớn
đối với chúng ta trong giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề an ninh (truyền thống
và phi truyền thống), vấn đề an sinh, đảm bảo tính công bằng xã hội. Trong đó,
các “vấn đề toàn cầu” như di dân quốc tế, tội phạm quốc tế, ô nhiễm môi trường,
cạnh tranh quốc tế,…khiến nguy cơ “mất lợi thế” và phát sinh nhóm yếu thế ngày
càng gia tăng. Chẳng hạn, phá sản của một doanh nghiệp FDI có số lượng công
nhân lớn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, việc làm, thu nhập và an ninh trật
tự xã hội. Đó là những vấn đề mang tính tất yêu theo “luật chơi tòan cầu” mà Việt
Nam chúng ta không thể là ngoại lệ. Do đó, nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan
trọng của chính sách an sinh để có những giải pháp phù hợp sẽ làm giảm những rủi
ro hay chí ít khi rủi ro nảy sinh thì cũng giảm thiểu được những tác động tiêu
cực của nó.
Thứ năm, xây dựng, hoàn thiện, thực thi
các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, an ninh con người phải đảm bảo
tính hệ thống, đảm bảo tính “tương thích” giữa các hợp phần của chính sách; đảm
bảo “nhịp nhàng” giữa chính sách và đội ngũ thực thi chính sách.
Đầu tiên, cần phải tăng cường hiệu
quả công tác quản lý nhà nước về vấn đề an ninh, trật tự, nhất là đẩy mạnh công
tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của
các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân, đảm bảo an toàn và an ninh con người. Thứ
đến cần chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch xử lý,
giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối
an toàn xã hội, tăng cường bảo đảm an ninh xã hội, giải quyết tốt vấn đề khiếu
kiện, không để hình thành “điểm nóng" về an ninh, trật tự. Để môi trường
xã hội an toàn cần kiên quyết đấu tranh
với các loại tội phạm, triệt phá các ổ nhóm tội phạm, các tụ điểm phức tạp về
trật tự xã hội. Cần phải hiểu rằng, an ninh xã hội là một bộ phận của an ninh
quốc gia, do đó, bảo vệ an ninh xã hội là phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống
những hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật gây mất ổn định chính trị xã hội, bảo
vệ an ninh xã hội phải gắn liền với việc thực hiện chính sách xã hội và là nhiệm
vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị và luôn mang tính hệ thống,
đồng bộ, nhất quán.
Thứ sáu, cần phải gắn với việc giải quyết
các vấn đề xã hội hiện tại với việc dự báo xu hướng bối đổi để không bị động, bất
ngờ.
Giải quyết các vấn đề xã hội, đảm
bảo xã hội phát triển nhanh và bền vững, thực hiện các chính sách xã hội, chính
sách an sinh xã hội và an ninh con người không chỉ dừng lại ở việc giải quyết
các vấn đề đã nảy sinh, hiện hữu mà cần phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược; có
khả năng nghiên cứu, dự báo các xu thế, xu hướng phát sinh các vấn đề xã hội xảy
ra trong tương lai, có chính sách “đi trước, đón đầu” để không rơi vào trạng
thái bị động và bất ngờ. Muốn vậy, cần tăng cường công tác nghiên cứu để có cơ
sở, luận chứng đưa ra các dự báo xu hướng biến đổi, trong đó trọng tâm là dự
báo đúng và trúng các xu hướng biến đổi về cơ cấu, biến đổi xã hội trong những
năm tới để xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan
hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro,
mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi
và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Muốn kiểm soát xã hội tốt mà cụ
thể là kiểm soát hiện tượng phân tầng xã hội, xử lý các rủi ro xã hội, đảm bảo
an toàn xã hội, an ninh con người; đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng
như chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thì cần phải làm tốt công tác dự báo,
thậm chí phát triển khoa học dự báo để xây dựng các chính sách phù hợp (tránh độ
trễ trong xây dựng và thực thi chính sách). Đó là điều kiện tiên quyết để quản
lý phát triển xã hội khoa học, hiện đại và là nền tảng để cần đối, hài hòa giữa
các chính sách kinh tế với chính sách xã
hội, an sinh xã hội, an ninh con người.
Thứ bảy, đối với các chính sách về an
ninh con người cần phải chú ý đến tính ổn định, an toàn và đảm bảo các quyền cơ
bản của con người.
Mục tiêu là bảo đảm mọi người dân
được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ
cương, an ninh, an toàn, lành mạnh. Muốn vậy, yêu cầu đặt ra trong hoạch định
và thực thi chính sách an ninh con người cần làm cho người dân “cảm giác an
toàn” và thực hiện các quyền cơ bản một cách thực chất. Lưu ý rằng, sự bất ổn định nơi sinh sống do
nhiều nhân tố tác động, kể cả di cư và tác động bởi việc thu hồi đất mà không
làm tốt công tác tái định cư cũng khiến cho người dân cảm thấy “bất an”; những
tác động từ thiên đai, dịch bệnh nếu không được kịp thời xử lý, giải quyết, tạo
điều kiện về vật chất và tinh thần cũng khiến tâm lý “bất an” có đấy nảy sinh;
khi các quyền con người bị xâm phạm, hiện tượng bạo lực (nhất là bạo lực xã hội,
bạo lực gia đình, bạo lực trường học, bạo lực “trên không gian mạng”,..) cũng
khiến cho con người cảm thấy “bất an”; các hành vi thiếu chuẩn mực, xâm hại đến
nhân phẩm con người (thực tế và không gian mạng) cũng là điều kiện hình thành
nên yếu tố mất an toàn; hiện tượng đói nghèo và đói nghèo cùng cực nhưng không
được hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, kịp thời cũng khiến cho nhóm xã hội
đó có tâm lý “bị bỏ rơi”,… Tất cả những biểu hiện đó, dù ở nhiều cấp độ khác
nhau, cần sự nhìn nhận một cách đúng đắn và thái độ trách nhiệm từ phía nhà quản
lý, trong đó có công tác quản lý nhà nước gắn với cơ chế, chính sách và biện
pháp thực thi tương ứng mới có thể mang lại sự an toàn, an ninh con người, góp
phần ổn định và phát triển xã hội theo hướng bền vững.
3. Kết luận
Chính sách xã hội, đảm bảo an
ninh xã hội, an ninh con người là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống
chính sách ở nước ta. Xây dựng, hoàn thiện và phát triển các chính sách này cho
phù hợp với yêu cầu thực tiễn là yêu cầu mang tính tất yếu, trong đó nhiệm vụ
thực thi chính sách và đội ngũ thực thi chính sách cần phải đồng bộ và đáp ứng
các yêu cầu về trình độ, năng lực, thái độ, tinh thần trách nhiệm. Nói cách
khác, có chính sách tốt nhưng cũng cần phải tổ chức thực thi chính sách phải kịp
thời, hiệu quả. Thực thi chính sách an sinh xã hội, an ninh con người hiệu quả
có ý nghĩa quan trọng đến sự đảm bảo ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh
tế, xây dựng xã hội hiện đại, dân chủ, văn minh.
Định hướng phát triển đất nước
giai đoạn 2021 - 2030 của Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ những nhiệm vụ, giải
pháp phát triển đất nước ta gắn với an ninh con người trong thời gian tới: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc
gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo
đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để
phát triển đất nước”[4].
Muốn thực hiện các mục tiêu lớn
mang tầm chiến lược này cần phải có sự quyết tâm lớn của toàn hệ thống chính trị,
cần phải có sự hỗ trợ, đồng thuận từ phía nhân dân. Từ giác độ lãnh đạo và quản
lý phát triển xã hội nhìn nhận cần phải kịp thời phát hiện, chủ động xử lý có
hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để xảy ra các “điểm
nóng”. Kịp thời đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm, nhất là tội phạm
có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao, băng nhóm
ma tuý….; cần tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí
tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát
triển đất nước của toàn dân tộc. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh
thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam. Phát huy tối đa nhân tố
con người, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của
sự phát triển; cần phải tạo ra được ngày càng nhiều hơn những điều kiện vật chất
và tinh thần để con người có được đời sống yên ổn và cơ hội phát triển; cần quản lý
phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con
người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo
đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất
lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm
chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh
xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân
dân, góp phần đáng kể thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh”.
TS. Phạm Đi
Tài liệu
tham khảo
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức
XIII, Nxb. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2.
Hội đồng lý luận Trung ương
(2021), Những điểm mới trong các văn
kiện đại hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3.
Nguyễn Hữu
Dũng, Quản lý phát triển
an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2030, (Tạp chí Cộng sản điện tử: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/823812/quan-ly-phat-trien-an-sinh-xa-hoi-ben-vung-giai-doan-2021---2030.aspx)
4.
Bùi Đình Thanh (1993), Chính sách xã hội: Một số vấn đề lý luận và
thực tiễn. Hà Nội: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.
5.
Trần Hoàng Hải, Lê Thị Thúy
Hương (2011), Pháp luật an sinh xã hội –
kin nghiệm của một số nước đối với Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội.
6.
Mai Ngọc Cường (2009), Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách
an sinh xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
7.
Phạm Đi (2019), Xã hội học với lãnh đạo, quản lý, Nxb.
Thông tin truyền thông, Hà Nội.
8.
Phạm Đi (2018), Vấn đề xã hội – lý thuyết và vận dụng,
Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII, Nxb. CTQG ST. H2021, tr.147-148.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr.331
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII, Nxb. CTQG ST. H.2021, tr.331.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII, Nxb. CTQG ST. H2021, tr.331
Nhận xét
Đăng nhận xét