GIẢI QUYẾT TỐT CÁC CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở VÙNG VEN BIỂN BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ
GIẢI QUYẾT
TỐT CÁC CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRONG QUẢN LÝ PHÁT TRIỂN XÃ HỘI Ở
VÙNG VEN BIỂN BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ TRONG BỐI CẢNH VÀ TÌNH HÌNH MỚI
1. Đặt vấn đề
Quản lý phát triển xã hội và giải
quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển là một trong những
nhiệm vụ hết sức cần thiết, song hành với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn
hóa, quốc phòng, an ninh,... nhằm góp phần hình thành một "bệ phóng vững
chắc" cho tiến trình hiện đại hóa đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà Đảng
ta đã vạch rõ: "Quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội
chưa được quan tâm đúng mức, chưa được kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá
trình phát triển kinh tế, văn hóa; thể chế quản lý xã hội còn nhiều hạn chế;
tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội... ở
một số nơi chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận nhân dân"[1].
Tuy nhiên, trên thực tế không phải
ai, cán bộ nào cũng hiểu một cách thấu đáo về nội hàm của vấn đề xã hội, mối
quan hệ giữa giải quyết các vấn đề xã hội với quản lý phát triển xã hội; sự tác
động của các vấn đề xã hội đến các lĩnh vực của đời sống xã hội (chẳng hạn vấn
đề xã hội gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, như già hóa dân số,
chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển,...). Vấn đề xã hội nếu nắm bắt
sớm và có biện pháp ngăn chặn, xử lý, giải quyết một cách khoa học sẽ góp phần
làm cho "cơ thể xã hội" được khỏe mạnh, vượt qua những khó khăn, rào
cản để phát triển bền vững và ngược lại. Trên cơ sở lý luận và nhận thức lại một
cách đầy đủ về vấn đề xã hội, quản lý phát triển xã hội, bài viết tiến hành
phân tích một số vấn đề xã hội ở vùng ven biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung
bộ[2] từ
đó đưa ra một số biện pháp giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao hiệu quả
trong quản lý phát triển xã hội ở Vùng trong bối cảnh và tình hình mới.
2. Một số vấn xã hội đề ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ
và Duyên hải Trung Bộ trong quá trình phát triển hiện nay
Vấn đề xã hội thường đề cập đến
tình trạng xã hội, tiến trình xã hội hoặc thái độ không mong đợi, tiêu cực và
có thể đe dọa đến một số giá trị hoặc lợi ích như tính cố kết xã hội, luật pháp
và trật tự xã hội, chuẩn mực đạo đức, sự bền vững của thiết chế xã hội, sự thịnh
vượng của nền kinh tế hoặc tự do cá nhân. Do đó, nếu các vấn đề xã hội nảy sinh
mà không được giải quyết sẽ sinh ra các rào cản đối với phát triển kinh tế, tạo
nên căng thẳng, bất ổn xã hội, làm giảm chất lượng sống của người dân và ảnh hưởng
đến mục tiêu phát triển bền vững. Hơn nữa, những vấn đề xã hội sẽ xuất hiện từng
lúc, từng nơi nếu không được giải quyết một cách hiệu quả sẽ dẫn đến sự “biến dạng”
xã hội và gây nên tình trạng bất ổn xã hội.
Qua 35
năm phát triển, khu vực ven biển Bắc Trung
bộ và Duyên hải Trung bộ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều khía cạnh
từ kinh tế, xã hội đến môi trường. Đến nay,
Vùng đã hình thành 11 khu kinh tế ven biển với nhiều kết cấu hạ tầng lớn;
tốc độ tăng trưởng 5,51% và cao hơn so với tăng trưởng chung cả nước (5,05%),
GRDP bình quân Vùng đạt 75,6 triệu đồng/người, tăng 8% so năm 2022. Bên cạnh
đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 5,5%, cao hơn so bình quân
cả nước (3,65%).[3]. Cả
vùng năm 2023 thu hút được 183 dự án cấp mới, tổng vốn đăng ký 2,13 tỷ USD[4].
Toàn vùng có 210 đô thị, trong đó có 6 đô thị loại I gồm ( Thanh Hóa, Vinh, Huế,
Đà Nẵng, Quy Nhơn và Nha Trang, trong đó có 1 đô thị thuộc Trung ương), 7 đô thị
loại II; 9 đô thị loại III và 23 đô thị loại IV. Trong đó, khu vực ven
biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ là một trong
những động lực chính cho sự phát triển của đất nước nói chung và vùng nói
riêng, nhờ sự phát triển các cảng biển gắn liền với các khu kinh tế, khu công
nghiệp; trung tâm du lịch; đô thị; nuôi trồng khai thác, chế biến hải sản, dịch
vụ hậu cần nghề cá. Cơ cấu việc làm ở các địa phương ven biển miền Trung đã có sự thay đổi
theo chiều hướng giảm việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, gia tăng
việc làm trong các lĩnh vực kinh doanh, buôn bán, dịch vụ. Một số ngành nghề dịch vụ thiết yếu như cắt tóc, may mặc
thủ công, sửa chữa xe đạp, xe máy, công nhân xây dựng hay buôn bán nhỏ được
phát triển mở rộng ở các vùng ven biển. Đặc biệt, với sự phát triển của các khu công nghiệp và du lịch tại Thanh
Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định… thu hút lực lượng lao động lao động trẻ có thể trở thành công nhân cho các
khu công nghiệp này. Bên cạnh những kết quả đó, khu vực này còn tồn tại, nảy
sinh một số vấn đề cụ thể sau:
Thứ nhất, mặc dù cơ cấu việc làm ở các địa
phương ven biển miền Trung đã có sự thay đổi theo chiều hướng giảm việc làm
trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản, gia tăng việc làm trong các lĩnh vực
kinh doanh, buôn bán, dịch vụ. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính
mùa vụ, thị trường bấp bênh cộng với chi phí vật tư đầu vào nông nghiệp tăng, hơn
nữa, việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và du lịch tại Thanh
Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định…giúp thu hút lực lượng
lao động cũng như các đô thị lớn Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội là điểm
hấp dẫn mang lại nhiều cơ hội việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Chính vì
thế người nông dân không mặn mà với đồng ruộng, khiến ruộng đất dần hoang hóa,
hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm. Không những vậy, thiếu hụt lao động
còn gia tăng chi phí, tăng tổn thất và giá trị sản phẩm bị giảm đi rất nhiều.
Thứ hai, cũng với những lực đẩy từ khu vực nông
thôn ven biển và lực hút từ thị trường lao động tại nước ngoài cũng là miền đất
hứa cho người lao động nơi đây, nhưng mức độ
tập trung và lan tỏa của hiện tượng này có sự phân hóa khác biệt giữa Bắc Trung
Bộ và Nam Trung Bộ. Sự hạn chế của
lao động người Việt Nam nói chung và các địa phương miền Trung nói riêng là ở
tính kỷ luật kém, thường xuyên bỏ trốn ra ngoài, hành vi ăn cắp vặt, yếu kém về
ngoại ngữ tạo nên một số quan ngại nhất định cho các quốc gia sở tại, dẫn đến
nguy cơ mất thị trường lao động ở Nhật Bản và các nước khác (Hoàng Vọng Thanh,
2004). Việc lao động bỏ trốn tại nước sở tại đã ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh
quốc gia và cơ hội việc làm cho nhiều người lao động có ý định tham gia xuất khẩu
lao động. Chẳng hạn, năm 2022, có 34 trong tổng số 41 lao động tỉnh Quảng Bình
được tuyển chọn sang Hàn Quốc bỏ trốn[5], đã khiến chính quyền thành phố này dừng, không tiếp nhận
thêm lao động đợt 2 của tỉnh, điều này thu hẹp cơ hội việc làm của người lao động nghèo.
Thứ ba, số hộ nghèo trên địa bàn các xã,
phường trong khu vực chủ yếu thuộc chính sách bảo trợ xã hội, hộ người cao tuổi,
bệnh hiểm nghèo, … không có lao động, do vậy không có khả năng thoát nghèo. Bên
cạnh đó còn một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa thực sự có ý thức phấn đấu
tự vươn lên để thoát nghèo, nhiều hộ còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà
nước, của cộng đồng và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Xu hướng nghèo hóa
cũng đang diễn ra, thể hiện tính chất thiếu bền vững trong phát triển kinh tế hộ
gia đình. Hiện tượng nghèo hóa này liên quan mật thiết đến yếu tố thu nhập và
khả năng thích ứng của hộ gia đình trước thay đổi của môi trường sản xuất và
hoàn cảnh sống, sức khỏe của bản thân.
Thứ tư, lao động ở các địa phương ven biển
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ sau khi được học nghề chủ yếu tự tạo việc làm, vận dụng
kiến thức đã học vào phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, công tác đào tạo
chưa được quan tâm thường xuyên, mang tính gián đoạn, hơn nữa thời gian đào tạo
ngắn (3 tháng) nên học viên chưa đáp ứng kỹ năng để đi xin việc. Ngoài ra, công
tác phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, địa phương và doanh nghiệp chưa
chặt chẽ.
Thứ năm, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, tốc độ đô thị
hóa nhanh chóng, gia tăng dân số trong khu vực đã và đang đặt ra nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường cần phải giải quyết. Hiện nay, phần
lớn bãi chôn lấp rác ở các địa phương tronh Vùng vẫn xử lý theo phương thức
chôn lấp hở, do đó vấn đề phát tán mùi hôi gây ảnh hưởng đến dân cư xung quanh
là điều khó tránh, nhất là trong những thời điểm nắng nóng vào mùa hè, điều này
rất dễ dẫn đến những xung đột xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động
chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khai thác, chế biến thủy sản...dẫn đến khiếu
kiện, tập trung đông người có nguy cơ tạo điểm nóng về môi trường vẫn còn xảy
ra ở nơi và chưa được xử lý triệt để, đồng thời công tác thu gom chất thải rắn
nguy hại trên đồng ruộng chưa thường xuyên. Một số tuyến đường giao thông còn
chật hẹp, chưa thuận lợi cho công tác thu gôm và vận chuyển rác thải, phải
trung chuyển rác đến điểm tập kết trên đường lớn tạo ra những điểm đen về môi
trường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, loa kẹo
kéo với độ tiện dụng cao và giá thành rẻ được nhiều gia đình trang bị làm
phương tiện giải trí. Nhiều hộ dân tổ chức hát karaoke khi có đám tiệc bằng loa
kéo không đúng giờ quy định xảy ra thường xuyên gây bức xúc trong dân cư.
3. Một số biện pháp giải quyết các vấn
đề xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội ở vùng ven biển Bắc Trung Bộ và
Duyên hải Trung Bộ trong bối cảnh và tình hình mới
Thứ nhất, giải quyết
các vấn đề xã hội cần phải gắn với
hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế và nhất là hệ thống các chính sách xã hội
tương ứng, do đó, cần phải xây dựng hệ thống chính sách xã hội, bảo đảm xã hội,
an ninh xã hội, an ninh con người phải phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.
Chính sách xã hội nói chung là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống
chính sách của một chính quyền nhà nước. Mục tiêu của hệ thống chính sách xã hội,
an ninh con người không phải chỉ để “giải quyết” các vấn đề xã hội nảy sinh mà
còn là công cụ, cơ chế, căn cứ pháp lý để phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro
và khắc phục rủi ro trong quá trình vận hành xã hội và hướng đến mục tiêu phát
triển nhanh và bền vững. Nói cách khác, hoàn thiện chính sách xã hội là giải
quyết vấn đề xã hội trước một bước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội là nâng
cao hiệu quả trong quản lý phát triển xã hội trước một bước.
Trong
điều kiện các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, mà nhất là
trong bối cảnh và tình hình hiện nay, bên cạnh ban hành cách chính sách nhằm điều
chỉnh, giải quyết các vấn đề nảy sinh còn cần phải tiến hành nghiên cứu, đúc kết
thực tiễn, vận dụng những nguyên tắc phổ biến trong tình hình cụ thể ở Việt Nam
nói chung và vùng nói riêng để khắc phục các “căn bệnh”, khuyết tật xã hội,
giúp cơ thể xã hội phát triển lành mạnh.
Thứ
hai, xây dựng và vận hành hệ thống chính sách xã hội, bảo đảm xã hội, an ninh xã
hội, an ninh con người phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở nước ta và
tình hình thực tiễn ở các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Hệ
thống chính sách xã hội, an sinh xã hội phải có tính “tương thích” với điều kiện
kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, trong từng thời kỳ phát triển, ở mỗi lĩnh vực
cụ thể. Vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế, làm
nảy sinh các vấn đề xã hội, hình thành các nhóm xã hội yếu thế mới, có khả năng
gia tăng đối tượng chịu tác động của chính sách xã hội như mất đất (do xâm nhập
mặn), đói nghèo (do nước biển dâng, sạt lở đất,…) cần phải chỉ rõ sự “biến đổi
xã hội” trong đó nhất là biến đổi trong phương thức sống, quan niệm sống,
phương thức mua sắm, phương thức tiêu dùng, phương thức canh tác,… là nhân tố
tác động không nhỏ đến kế hoạch hoạch định chính sách xã hội; vấn đề năng suất
lao động, bạo lực xã hội, lệch lạc xã hội (hình thành tâm lý hưởng thụ, tâm lý
thụ động, trông chờ,…). Do đó, trong điều kiện và tiến trình hội nhập kinh tế
quốc tế sâu rộng như hiện nay; trong bối cảnh vận dụng và phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và đô thị nhanh và mạnh như hiện nay thì vấn đề lớn đặt ra không chỉ đảm
bảo “tăng trưởng” kinh tế đơn thuần mà còn phải bám lấy mục tiêu cốt lõi, gắn với
mục tiêu phát triển bền vững, đảm bảo khía cạnh môi trường và xã hội, nhất là
bình đẳng và công bằng xã hội. Kinh tế thị trường có tính ưu việt của nó nhưng cũng
có những “khuyết tật” và “điểm mù” nhất định. Chính những khuyết tật và điểm mù
ấy có thể là nguyên nhân hình thành các vấn đề xã hội, trong đó có phân tầng xã
hội, phân hóa xã hội, thậm chí phân cực xã hội, bất công xã hội. Điều này sẽ là
các “lực cản” nếu không muốn nói là đi ngược với tôn chỉ mục đích của phát triển
bền vững, của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Cần phải
bình tĩnh để thấy được rằng, kinh tế là điều kiện, nền tảng vật chất để thực hiện
các mục tiêu an sinh và an sinh xã hội, bảo đảm xã hội sẽ tạo điều kiện ổn định
về an ninh để phát triển kinh tế. Nói cách khác, mặc dù các chính sách an sinh
xã hội không “trực tiếp” hình thành các nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng,
tất yếu và đương nhiên, góp phần rất lớn tạo ổn định xã hội, ổn định chính trị,
an toàn xã hội. Và chính sự ổn định chính trị, ổn định xã hội sẽ tạo điều kiện
và tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, vùng miền,
địa phương.
Thứ ba, nắm vững
và làm rõ đặc điểm an sinh xã hội ở nước ta và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải
Trung Bộ trong điều kiện hiện nay, nhất là tác động của đại dịch Covid-19. Kể từ
khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa được vận hành và phát huy những giá trị tích cực rõ nét. Có thể
nói, công cuộc đổi mới (bắt đầu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI) đã thực sự
áp dụng, vận hành nền kinh tế kinh tế thị trường như một cuộc cách mạng về tư
duy, thể chế và góp phần làm cho đất nước ngày càng lớn mạnh. Với việc vận hành
nền kinh tế thị trường, đòi hỏi tất cả các lĩnh vực, trong đó có hệ thống chính
sách xã hội, chính sách an sinh, an ninh con người phải được thay đổi để phù hợp
với sự vận hành của nền kinh tế. Trong vài năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh
Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội,
trong đó có các vấn đề về việc làm, thu nhập, an ninh trật tự, văn hóa, lối sống;
tâm tư, tình cảm, dư luận và niềm tin xã hội. Điều đáng mừng là, đến thời điểm
hiện tại, đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát và từng bước đi vào phục hồi
nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, mang lại niềm tin trong xã hội.
Tuy
nhiên, chính điều này cũng cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm và yêu cầu đặt
ra trong thực thi các chính sách liên quan, trong đó có hệ thống chính sách an
sinh xã hội, an ninh con người. Cơ sở để xây dựng và vận hành hệ thống chính sách
an sinh xã hội phải phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường và tình hình
thực tiễn để đảm bảo tính công bằng ngay trong từng bước và trong từng chính
sách; hệ thống chính sách phải được kiến tạo và triển khai thực hiện trên cơ sở
thúc đẩy cạnh tranh công bằng và cùng chia sẻ trách nhiệm rủi ro xã hội. Nền
kinh tế thị trường càng phát triển thì yếu tố cạnh tranh càng quyết liệt, gat gắt
và đương nhiên, rủi ro xã hội càng lớn, tính “đào thải” càng “có cơ hội phát
huy”. Chính điều này là “đơn đặt hàng” cho nhà lãnh đạo, quản lý nhà nước các cấp
về hình thành hệ thống chính sách an sinh đủ mạnh, đủ tính bao phủ để phòng ngừa
rủi ro, hạn chế rủi ro và khắc phục rủi ro. Nói cách khác, hệ thống chính sách
an sinh chính là công cụ pháp lý hữu hiệu để Nhà nước khắc phục những khuyết tật
và bất bình đẳng xã hội của nền kinh tế thị trường cũng như những biến cố trong
tình huống bất thường như dịch bệnh, thiên tai,..
Thứ tư, nhận thức đúng
đắn, đầy đủ vai trò của hệ thống an sinh xã hội, an ninh con người trong điều
kiện và bối cảnh hiện tại để “không bị động, bất ngờ” trong quản lý và giải quyết
các vấn đề xã hội. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập
kinh tế quốc tế của đất nước, hệ thống chính sách nói chung, chính sách xã hội,
an sinh xã hội nói riêng của chúng ta từng bước được hình thành và không ngừng
hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu và tình hình mới. Tuy vậy, đối với đội ngũ
cán bộ lãnh đạo, quản lý mà đặc biệt là đội ngũ thực thi chính sách cần phải nhận
thức về vai trò, ý nghĩa của hệ thống chính sách một cách đầy đủ hơn, khoa học
hơn và hệ thống hơn. Đầu tiên, cần phải nhận thức rằng, an sinh xã hội, an ninh
con người là các chính sách xã hội cơ bản nhằm mục tiêu phát triển con người,
phát triển bền vững, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Nghĩa là, đảm bảo nhu cầu
an sinh, an ninh chính là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển đất
nước. Nếu làm tốt các chính sách này cũng là thể hiện tính ưu việt của chế độ
xã hội xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính sách an sinh cũng là công cụ quan trọng
để Nhà nước thực hiện chính sách nhằm ổn định và phát triển xã hội theo hướng
hài hòa, bền vững; giúp đỡ các nhóm đối tượng khó khăn, yếu thế để đảm bảo tính
công bằng xã hội. Thứ đến, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà biểu trưng
là thời đại số, xã hội số, kinh tế số là cơ hội lớn cho Việt Nam thúc đẩy tăng
trưởng kinh tế, tuy nhiên cũng là thách thức lớn đối với chúng ta trong giải
quyết các vấn đề xã hội, vấn đề an ninh (truyền thống và phi truyền thống), vấn
đề an sinh, đảm bảo tính công bằng xã hội. Trong đó, các “vấn đề toàn cầu” như
di dân quốc tế, tội phạm quốc tế, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh quốc tế,…khiến
nguy cơ “mất lợi thế” và phát sinh nhóm yếu thế ngày càng gia tăng. Chẳng hạn,
phá sản của một doanh nghiệp FDI có số lượng công nhân lớn sẽ kéo theo nhiều hệ
lụy về kinh tế, việc làm, thu nhập và an ninh trật tự xã hội. Đó là những vấn đề
mang tính tất yếu theo “luật chơi tòan cầu” mà Việt Nam chúng ta không thể là
ngoại lệ. Do đó, nhận thức đúng đắn, đầy đủ tầm quan trọng của chính sách an
sinh để có những giải pháp phù hợp sẽ làm giảm những rủi ro hay chí ít khi rủi
ro nảy sinh thì cũng giảm thiểu được những tác động tiêu cực của nó.
Thứ năm, xây dựng,
hoàn thiện, thực thi các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã hội, an ninh
con người phải đảm bảo tính hệ thống, đảm bảo tính “tương thích” giữa các hợp
phần của chính sách; đảm bảo “nhịp nhàng” giữa chính sách và đội ngũ thực thi
chính sách; đảm bảo tính tương thích giữa chính sách xã hội với giải quyết các
vấn đề xã hội. Đầu tiên, cần phải tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước
về vấn đề an ninh, trật tự, nhất là đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải
cách thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp
và Nhân dân, đảm bảo an toàn và an ninh con người. Thứ đến cần chủ động xây dựng,
triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch xử lý, giải quyết kịp thời các
tình huống phức tạp về an ninh, trật tự, bảo vệ tuyệt đối an toàn xã hội, tăng
cường bảo đảm an ninh xã hội, giải quyết tốt vấn đề khiếu kiện, không để hình
thành “điểm nóng" về an ninh, trật tự. Để môi trường xã hội an toàn cần
kiên quyết đấu tranh với các loại tội phạm,
triệt phá các ổ nhóm tội phạm, các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Cần phải
hiểu rằng, an ninh xã hội là một bộ phận của an ninh quốc gia, do đó, bảo vệ an
ninh xã hội là phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống những hành vi phạm tội và
vi phạm pháp luật gây mất ổn định chính trị xã hội, bảo vệ an ninh xã hội phải
gắn liền với việc thực hiện chính sách xã hội và là nhiệm vụ của toàn Đảng,
toàn dân và toàn hệ thống chính trị và luôn mang tính hệ thống, đồng bộ, nhất
quán.
Thứ
sáu, giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo xã hội phát
triển nhanh và bền vững, thực hiện các chính sách xã hội, chính sách an sinh xã
hội và an ninh con người không chỉ dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề đã nảy
sinh, hiện hữu mà cần phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược; có khả năng nghiên cứu,
dự báo các xu thế, xu hướng phát sinh các vấn đề xã hội xảy ra trong tương lai,
có chính sách “đi trước, đón đầu” để không rơi vào trạng thái bị động và bất ngờ.
Muốn vậy, cần tăng cường công tác nghiên cứu để có cơ sở, luận chứng đưa ra các
dự báo xu hướng biến đổi, trong đó trọng tâm là dự báo đúng và trúng các xu hướng
biến đổi về cơ cấu, biến đổi xã hội trong những năm tới để xây dựng các chính
sách xã hội và quản
lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát
phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã
hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của nhân dân. Muốn kiểm soát xã hội tốt mà cụ thể là kiểm soát hiện
tượng phân tầng xã hội, xử lý các rủi ro xã hội, đảm bảo an toàn xã hội, an
ninh con người; đảm bảo lợi ích hợp pháp, chính đáng cũng như chống tham nhũng,
tiêu cực, lãng phí thì cần phải làm tốt công tác dự báo, thậm chí phát triển
khoa học dự báo để xây dựng các chính sách phù hợp (tránh độ trễ trong xây dựng
và thực thi chính sách). Đó là điều kiện tiên quyết để quản lý phát triển xã hội
khoa học, hiện đại và là nền tảng để cần đối, hài hòa giữa các chính sách kinh
tế với chính sách xã hội, an sinh xã hội, an
ninh con người.
Thứ bảy, quản lý tốt
các thiết chế truyền thông (nhất là truyền thông xã hội) về công tác tuyên truyền,
định hướng dư luận xã hội; hạn chế tối đa các thông tin xuyên tạc, chống phá
các thành quả về thực hiện chính sách xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người
cũng như giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh. Song song với đó, chú trọng
công tác hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề xã hội, nghiên cứu và hoàn
thiện hệ thống chính sách xã hội, kinh nghiệm triển khai thực thi các chính
sách an sinh xã hội liên quan của một số quốc gia. Thực tiễn cho thấy, trong thời
gian qua, thế lực thù địch và các phần tử chống phá không những “nhắm vào” các
tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập của chúng ta trong tổ chức triển khai các
chính sách an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội mà còn “hướng đến” bôi
nhọ, làm méo mó các thành quả của chúng ta trong các lĩnh vực, khía cạnh này.
Do đó, thời gian đến một mặt cần phải tăng cường công tác tuyền thông nhằm định
hướng dư luận và tăng cường nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong
vùng, mặt khác cần tranh thủ các nguồn lực quốc tế, tăng cường hợp tác để dần
xóa bỏ những “rào cản” về nhận thức và tìm kiếm, học hỏi các phương thức giải
quyết các vấn đề xã hội một cách có hệ thống, có tính khoa học và tính hiệu quả.
Từ đó, góp phần củng cố và phát triển niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo
của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội cũng như
giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong khu vực.
Tóm lại, quản lý phát triển xã hội và giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế của các quốc
gia nói chung và khu vực ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói riêng
là nhiệm vụ quan trọng. Để đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thì việc
quản lý các vấn đề xã hội phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội ở các địa
phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Hệ thống chính sách xã hội, an
sinh xã hội phải có tính “tương thích” với điều kiện kinh tế-xã hội của các địa
phương trong từng thời kỳ phát triển, ở mỗi lĩnh vực cụ thể. Có như thế mới thực
sự thúc đẩy vùng ven biển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ phát triển theo hướng
bao trùm, bền vững; góp phần xây dựng đất nước “giàu mạnh, văn minh, văn hiến
và anh hùng" như lời của Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng[6]
TS. Phạm Đi
[1] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thức XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật. H.2021, t1, tr.85
[2] Sau đây trong những
trường hợp cụ thể gọi tắt là “Vùng“
hoặc "khu vực“.
[3] https://kinhtevadubao.vn/da-tham-dinh-va-trinh-thu-tuong-phe-duyet-quy-hoach-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-28013.html
[4] https://dangcongsan.vn/kinh-te/lien-ket-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-de-phat-trien-ben-vung-657821.html#:~:text=Nh%E1%BB%9D%20%C4%91%C3%B3%2C%20c%C3%A1c%20ch%E1%BB%89%20ti%C3%AAu,t%C4%83ng%208%25%20so%20n%C4%83m%202022.
[5] https://nld.com.vn/cong-doan/lao-dao-mat-uy-tin-vi-lao-dong-bo-tron-20220915205435411.htm
[6] Xem: Bài viết của
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam.
Nhận xét
Đăng nhận xét