HỖ TRỢ ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH CHO NGƯỜI NGHÈO: CHÚ Ý TÍNH HIỆU DỤNG, HIỆU QUẢ

 

HỖ TRỢ ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH CHO NGƯỜI NGHÈO: CẦN CHÚ Ý HƠN TÍNH HIỆU DỤNG VÀ HIỆU QUẢ

Nhằm hiện thực hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, thúc đẩy và nâng cao chất lượng từ Chương trình “05 không, 03 có, 04 an”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong xúc tiến hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo, cận nghèo để trang bị điện thoại thông minh, mức hỗ trợ đã được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua là 2 triệu đồng/thiết bị/hộ (PLO, 30/7/2024).

Có thể nói, đây là động thái tích cực của chính quyền thành phố Đà Nẵng, thể hiện sự quyết tâm lớn nhằm hiện thực hóa việc xây dựng thành phố “đáng đến và đáng sống”, thành phố thông minh, thành phố an sinh xã hội. Theo đó, với khoảng 1.800 hộ gia đình (nghèo, cận nghèo) chưa có điện thoại thông minh sẽ có cơ hội tiếp cận phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, nhận được các thông tin hữu ích từ chính quyền địa phương, tiếp cận tốt các dịch vụ công và các công cụ hỗ trợ khác khi Đà Nẵng thực hiện thành phố thông minh ở giai đoạn cao hơn.

Thế nhưng, vấn đề cần phải suy nghĩ thêm là, không phải tất cả các hộ nghèo, cận nghèo (và thành viên trong các hộ đó) đều có khả năng, năng lực sử dụng thật hiệu quả phương tiện này. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều hộ nghèo có người cao tuổi, người khuyết tật thì khả năng sử dụng “thông thạo” điện thoại thông minh là một trở ngại. Do đó, cũng cần nghĩ đến việc hỗ trợ về mặt kỹ thuật để họ tiếp cận, sử dụng hiệu quả (điều này có thể thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng). Thêm mữa, trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng còn có một số địa điểm chưa có sóng 4G (nhất là khu vực huyện Hòa Vang), điều này là “rào cản” với điện thoại thông minh. Do đó, cũng cần tính đến việc “nuôi” điện thoại bằng các gói cước (3G, 4G, 5G) để đảm bảo điện thoại được kết nối, người dân mới có thể tiếp cận thông tin từ phía chính quyền và thực hiện được các giao dịch công khi cần.

Một vấn đề nữa đó là, hình thức hỗ trợ là tiền mặt (không quá 2 triệu/thiết bị/hộ) nghĩa là người nghèo phải tự đi mua điện thoại và hoàn tất các thủ tục (biên lai mua hàng để làm minh chứng), điều này đối với một số hộ nghèo (nhất là hộ đơn thân, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người không còn sức lao động, người khuyết tật,…) thật sự khó khăn. Do đó, thiết nghĩ trong những trường hợp cụ thể, UBND phường phải có phương án giúp đỡ, hướng dẫn để tất cả hộ nghèo trong diện hỗ trợ được tiếp cận một cách tốt nhất với chính sách nhân văn này.

Ông bà ta thường nói “của cho không bằng cách cho”, trong trường hợp này hoàn toàn đúng. Một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhưng tính hiệu quả không cao trong và sau quá trình triển khai sẽ, vừa gây lãng phí, vừa mất niềm tin trong nhân dân. Việc ban hành một chính sách đã khó, việc thực thi và thực thi một cách hiệu quả còn khó hơn nhiều. Do đó, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí trang bị điện thoại thông minh cho người nghèo, cận nghèo ở thành phố Đà Nẵng cần phải chú trọng nhiều hơn tính hiệu dụng (khi trang bị điện thoại), tính hiệu quả (sử dụng đúng mục đích) và tính duy trì (sử dụng được thời gian dài, chứ không phải trang bị cho có). Làm được điều này, chắc chắn sẽ mang lại niềm tin cho nhân dân, góp phần thực hiện chiến lược “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển”.

Đà Nẵng, ngày 02 tháng 8 năm 22024

TS. Phạm Đi

 

 

 

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ