QUẢN LÝ VĂN HÓA ĐÔ THỊ, KHAI THÁC NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐÔ THỊ TRONG BỐI CẢNH MỚI

 

QUẢN LÝ VĂN HÓA ĐÔ THỊ, KHAI THÁC SỨC MẠNH NỘI SINH VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐÔ THỊ TRONG TÌNH HÌNH MỚI

1. Đặt vấn đề

Đối với một quốc gia, một dân tộc cũng như một đô thị cụ thể thì văn hóa không chỉ là một hiện tượng mang tính xã hội mà là một lực lượng sản xuất. Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa thể hiện cốt cách của một cộng đồng người, vừa là nhân tố vô cùng quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội[1]. Gần đây chúng ta nói nhiều về văn hóa, công nghiệp văn hóa nhưng làm thế nào để văn hóa nói chung, văn hóa đô thị nói riêng thực sự là sức mạnh nội sinh, là nhân tố “hồn cốt” và là bộ phận tổ thành quan trọng góp phần vào năng lực cạnh tranh, tạo nên hình ảnh của một đô thị thì quả thật không phải là công việc dễ dàng, nếu không muốn nói là hết sức khó khăn.

Bởi lẽ, ngay trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng thẳng thắn thừa nhận: “Giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ[2]. Vì sao “chưa được phát huy đầy đủ” thì có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó không thể không nói đến công tác quản lý văn hóa nói chung, văn hóa đô thị nói riêng: “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn nhiều lúng túng, chậm trễ trong việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa. Đầu tư cho văn hóa, chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội[3]. Đương nhiên, nói đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trước hết là nói đến chủ thể lãnh đạo, quản lý về văn hóa. Người lãnh đạo, quản lý về văn hóa đô thị mà nhận thức chưa đúng, chưa dầy đủ về giá trị, nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa thì sẽ khó có những hành động tương ứng để bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa để “chạm khảm” vào trong từng kế hoạch, đề án, chiến lược phát triển của đô thị; khó có thể tạo nên thương hiệu cho một thành phố. Bởi xét đến cùng, cái làm nên “sức sống”, “thương hiệu”, “sức cạnh tranh” của một thành phố chính là các lớp trầm tích, bề dầy văn hóa của chính đô thị đó.

2. Hàm nghĩa và vai trò, chức năng của văn hóa đối với một đô thị

2.1. Hàm nghĩa của văn hóa đô thị

Đô thị, với tư cách là một kiểu tổ chức không gian vật chất và không gian xã hội, những cá nhân hay cộng đồng trong đó có mối liên hệ, lối sống, văn hóa theo một hình thức nhất định. Theo đó hình thành nên một kết cấu xã hội mang tính đặc thù trong một không gian đặc thù. Nói cách khác, đô thị là sản phẩm văn minh nhân loại và cũng là một trung tâm văn hóa của vùng, quốc gia, thậm chí toàn cầu.

Nói đến văn minh thường đề cập đến văn minh vật chất và văn minh tinh thần; văn minh tinh thần gồm có các sản phẩm phục vụ cho đời sống tinh thần và các hoạt động tương ứng. Cùng với sự phát triển xã hội, sau khi con người thỏa mãn các nhu cầu của đời sống vật chất thì nhu cầu tinh thần cũng theo đó mà yêu cầu cao hơn. Ví dụ các sản phẩm tri thức, sản phẩm văn học nghệ thuật, giải trí,…Đồng thời cũng đòi hỏi các nhu cầu cao hơn về phục vụ văn hóa như thể thao, điện ảnh, truyền thông. Nói tóm tại, văn hóa là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của cư dân đô thị. Vậy, văn hóa là gì, nội hàm của nó như thế nào, vai trò và chức năng đối với một đô thị ra sao? Đó là những vấn đề cần được làm rõ.

Hiện có nhiều khái niệm khác nhau về văn hóa, để dễ tiếp cận người ta phân chia thành hai tầng nghĩa. Theo nghĩa hẹp, văn hoá được giới hạn theo chiều sâu hoặc theo chiều rộng, theo không gian hoặc theo thời gian… Giới hạn theo chiều sâu, văn hóa được hiểu là những giá trị tinh hoa của nó (nếp sống văn hoá, văn hoá nghệ thuật…). Giới hạn theo chiều rộng, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng lĩnh vực (văn hoá giao tiếp, văn hoá kinh doanh…). Giới hạn theo không gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị đặc thù của từng vùng (văn hoá Tây Nguyên, văn hoá Trung Bộ…). Giới hạn theo thời gian, văn hoá được dùng để chỉ những giá trị trong từng giai đoạn (văn hóa Hòa Bình, văn hóa Đông Sơn…),… Theo nghĩa rộng, văn hóa thường được xem là bao gồm tất cả những gì do con người sáng tạo ra. Năm 1940, Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về ăn, mặc, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[4]. Tổng giám đốc UNESCO, Federico Mayor, cho rằng: “Đối với một số người, văn hóa chỉ bao gồm những kiệt tác tuyệt vời trong các lĩnh vực tư duy và sáng tạo; đối với những người khác, văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động…”[5].

Từ những cách tiếp cận trên có thể hiểu, văn hóa là sự sáng tạo của con người thông qua hoạt động thực tiễn gồm hệ thống các giá trị (vật chất và tinh thần, tĩnh và động, vật thể và phi vật thể…) thể hiện cụ thể bởi các nội dung sau:

Thứ nhất, văn hóa chứa đựng một hệ thống giá trị, chuẩn mực, ý nghĩa, biểu tượng. Con người tương tác với nhau thông qua hệ thống các biểu tượng, các biểu tượng này thể hiện ở phương thức hành vi và các thực thể vật chất. Các hành vi của con người được cho là đúng, là tốt, là nên, là phải, bởi nó quy chiếu đến hệ thống giá trị, chuẩn mực đã được mọi người trong xã hội chấp nhận. Ngược lại sẽ cho là “thiếu văn hóa”, “vô văn hóa” hay lệch lạc xã hội.

Thứ hai, văn hóa là sự sáng tạo của con người và biểu hiện qua các hoạt động sống, phương thức sống của con người. Thông qua hoạt động thực tiễn và cùng với đó là sự tương tác giữa con người với con người, con người với tự nhiên, con người với cộng đồng mà hình thành nên văn hóa. Nói cách khác, đối với một con người cụ thể, trong một không gian cụ thể, một thời điểm cụ thể thì văn hóa được thể hiện chủ yếu trong khuôn khổ hoạt động của anh ta, thể hiện qua phương thức sống gắn với hoạt động sống cụ thể.

Thứ ba, trong những không gian khác nhau, thời điểm khác nhau, cộng đồng xã hội khác nhau xuất hiện những nét khác biệt về văn hóa, thậm chí hình thành nên các nền văn hóa khác nhau[6]. Từ hàm nghĩa văn hóa đã phân tích ở trên chúng ta xác định nội hàm của văn hóa đô thị thể hiện trên một số bình diện sau:

Một là, văn hóa đô thị là sự kết hợp, hòa nguyện giữa truyền thống văn hóa dân tộc với lịch sử của đô thị và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đô thị. Đô thị gắn với sự phát sinh, tồn tại, phát triển trong một chiều dài lịch sử nhất định và những trầm tích được lắng đọng lại cùng với dòng chảy của quốc gia, dân tộc. Toàn bộ những hoạt động từ công tác quy hoạch, phân bố dân cư, môi trường sinh thái, kết cấu hạ tầng, kiến trúc nghệ thuật, lối sống dân cư,…hợp thành phân hệ cấu trúc của văn hóa đô thị. Hơn nữa, những thành tố trên của văn hóa không phải nhất thành bất biến mà luôn giao thoa, biến chuyển cùng với quá trình lịch sử của đô thị.

Hai là, văn hóa đô thị phản ánh kết quả của các sản phẩm văn hóa và quá trình xây dựng văn hóa gắn với cơ sở vật chất văn hóa. Các sản phẩm văn hóa của đô thị như thư viện, bảo tàng, công viên, khu thể thao, nhà hát, các cơ sở giáo dục-khoa học gắn với các hoạt động của nó như hoạt động văn học nghệ thuật, hoạt động thông tin truyền thông, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động sinh hoạt đoàn thể, cộng đồng. Thước đo của nó thể hiện ở số lượng, chất lượng, giá trị, phong cách và sự tham gia của các chủ thể và người dân (cư dân đô thị, khách tham quan, du lịch,…).

Ba là, văn hóa đô thị phản ánh trình độ tổ chức, quản lý và kết cấu xã hội đô thị. Cơ cấu quyền lực trong đời sống chính trị đô thị, mức độ tự giác, tự chủ của các chủ thể, sự phân công xã hội và vai trò của các tổ chức tại đô thị,… đều là hình thức thể hiện của văn hóa đô thị.

Bốn là, văn hóa đô thị thể hiện kết cấu nhân khẩu và tố chất-trình độ văn hóa của cư dân đô thị. Cơ cấu ngành nghề, tôn giáo, tín ngưỡng, lứa tuổi, trình độ học vấn, ý thức thị dân,…là tiêu chí quan trọng và bộ phận tổ thành trọng yếu của văn hóa đô thị.

Năm là, cốt cách sâu xa của văn hóa đô thị thể hiện lối sống, chất lượng sống của cư dân đô thị. Mối quan hệ giữa con người với con người, con người với cộng đồng, xã hội; các đặc điểm hành vi, quan niệm giá trị; hình thức và mô thức giải trí cũng như sử dụng thời gian rỗi; cách ứng xử với môi trường cũng như các vấn đề xã hội,… thể hiện chiều sâu của văn hóa đô thị. Đó cũng là một phần lối sống đặc trưng của cư dân trong một đô thị nhất định.

2.1. Vai trò, chức năng của văn hóa đô thị

Văn hóa đô thị là một thành tố hết sức cơ bản của một đô thị, là cái “tinh”, cái “linh” và cái “hồn” của đô thị gắn với chủ thể của nó. Do đó, trong chiến lược phát triển thành phố, văn hóa đóng một vai trò, vị trí cực kỳ quan trọng. Đối với một thành phố cụ thể, văn hóa đô thị nâng cao vị thế, sức cạnh tranh về kinh tế-xã hội; tăng cường sự cố kết cộng đồng; hình thành tính nhân văn, “dĩ nhân vi bản”. Chính vì thế, hầu như tất cả các đô thị trên thế giới đều coi trọng vấn đề củng cố, bảo tồn và phát triển văn hóa đô thị.

Chức năng của văn hóa rất phong phú, đa chiều[7], ở đây chỉ bàn đến một số chức năng cơ bản gắn với chiến lược phát triển và bài toán quản lý đô thị. Đó là: (1) chức năng giáo dục-giáo hóa con người. Thông qua công tác bồi dưỡng nghề nghiệp, bồi dưỡng nâng cao tố chất thị dân, giáo dục tư tưởng,... từng bước làm thay đổi quan niệm giá trị và phương thức hành vi của con người. Cư dân đô thị, qua dòng chảy lịch sử, hình thành và hun đúc các giá trị văn hóa của đô thị. Ngược lại, văn hóa đô thị giáo hóa con người bằng những khuôn mẫu, chuẩn mực, giá trị, từ đó thúc đẩy đô thị phát triển; (2) chức năng cố kết cộng đồng. Thông qua các hoạt động của con người, quan niệm giá trị được nội tâm hóa và hình thành nên giá trị cộng đồng, tình cảm cộng đồng, tính quy thuộc (còn gọi là cảm giác thuộc về - sense of belonging). Con người có xu hướng xích lại gần nhau hơn khi cùng chung hệ giá trị, quan niệm sống, quan niệm giá trị; (3) chức năng khích lệ, động viên. Văn hóa là chất xúc tác giúp con người phát huy tính tích cực, hành vi tập thể. Ví dụ: khi một thành phố đưa ra chương trình, đề án phát triển một “thành phố văn hóa, văn minh”, lúc đó “nhãn văn hóa” sẽ chi phối hành động tích cực của cư dân, các hành vi tập thể sẽ được phát huy tối đa; (4) chức năng chế ước các hành vi lệch lạc và điều hòa các mối quan hệ xã hội. Văn hóa đô thị gắn với một hệ giá trị, quy chuẩn, chuẩn tắc; con người biết và hiểu cái nào có thể hành động, là tốt, là nên và ngược lại. Từ đó, điều chỉnh hành vi con người theo hướng tích cực, hướng đến “chân, thiện, mỹ”, hình thành các tiêu chuẩn đạo đức[8], điều chỉnh các hành vi lệch lạc; (5) chức năng tạo hình tượng, biểu tượng. Thành phố gồm không gian vật chất và không gian xã hội. Không gian xã hội gồm con người, các hoạt động, lối sống và văn hóa. Có thể nói, văn hóa là “diện mạo tinh thần” của một thành phố. Hình tượng của một thành phố không chỉ các kiến trúc mà song song với đó là biểu tượng văn hóa gắn với chủ thể của nó[9].

Như vậy, văn hóa đô thị là tiêu chí quan trọng đánh giá trình độ phát triển của một thành phố; là nhân tố tăng cường sức ảnh hưởng, sức hấp dẫn, lực hút đối với du khách, nhà đầu tư; là nhân tố thúc đẩy sức sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội; là chất keo kết dính các cá nhân, cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, thách thức lớn nhất đối với văn hóa đô thị là mai một giá trị cốt lõi, truyền thống; thành phố có “cốt” mà không có “hồn” bởi những khối bê tông khổng lồ,...

3. Quản lý văn hóa đô thị, khai thác sức mạnh nội dung của đô thị

Định hướng phát triển và bài toán quản lý văn hóa đô thị là trách nhiệm của chính quyền đô thị và cư dân toàn thành phố. Do đó, các nhà quản lý đô thị cần phải có chiến lược phát triển văn hóa đô thị một cách bài bản, khoa học. Văn hóa là hiện trưng của một đô thị, khẳng định giá trị và đẳng cấp của thành phố. Thế nhưng, trên thực tế, không ít nhà quản lý đô thị chỉ chú trọng đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà “bỏ quên” yếu tố văn hóa-xã hội. Việc nắm bắt cơ cấu văn hóa để xác định mô thức, mục tiêu, phương hướng bảo tồn, phát triển văn hóa là điều rất quan trọng. Một thành phố có bản sắc cần phải biết kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, giữa không gian vật chất và không gian xã hội, giữa kiến trúc và con người. Muốn vậy, cần phải có chiến lược phát triển văn hóa đô thị.

Trong điều kiện hiện nay mà đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng thì công tác quản lý văn hóa cần phải có tính “thích ứng”. Nếu như trước kia, các khái niệm “thị trường văn hóa” , “công nghiệp văn hóa” còn khá xa lạ thì hiện nay trở thành “khái niệm thời thượng”. Điều đó cũng có nghĩa, nhà quản lý đô thị nói chung, quản lý văn hóa đô thị nói riêng cần phải có tư duy mới, tư duy khoa học, thức thời khi tiếp cận văn hóa để quản lý văn hóa tốt hơn.

Đối với các đô thị Việt Nam, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để củng cố, xây dựng, phát triển văn hóa là rất đa dạng, tuy nhiên chủ yếu tập trung ở các nội dung:

Thứ nhất, nâng cao tố chất thị dân. Người dân – thị dân của một đô thị, chính là chủ thể (xây dựng, bảo tồn, duy trì, hưởng thụ, phát triển, sáng tạo,…) của một thành phố. Cư dân đô thị, qua dòng chảy lịch sử, hình thành và hun đúc các giá trị văn hóa của đô thị. Ngược lại, văn hóa đô thị giáo hóa con người bằng những khuôn mẫu, chuẩn mực, giá trị, từ đó thúc đẩy đô thị phát triển. Chính vì thế, đối với chính quyền đô thị nhìn nhận, cần phải hình thành lối sống tích cực, văn minh, văn hóa, từ đó góp phần nâng cao tố chất thị dân. Tố chất thị dân không chỉ dừng lại ở khía cạnh văn hóa, kinh tế, xã hội mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ an ninh, chính trị, quốc phòng cho chính thành phố mà mình đang sinh sống, học tập, làm việc.

Ngoài ra, cần phải ý thức được rằng, một đô thị có sức hấp dẫn hay không, hình tượng đô thị có đẹp hay không, năng lực cạnh tranh cao hay thấp phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng trong đó không thể không nói đến nguồn nhân lực chất lượng cao và khả năng thu hút nhân tài của chính quyền đô thị. Trong thời đại số, xã hội số như hiện nay thì hạt nhân của sức cạnh tranh đô thị chính là cạnh tranh nguồn nhân lực – nhân tài. Sức mạnh tổng hợp của đô thị do chính con người hình thành và phát huy, trong đó vai trò của người tài (kể cả lãnh đạo giỏi và đội ngũ chuyên gia) là cực kỳ quan trọng. Trong một đô thị, tố chất con người (tố chất thị dân) mà biểu hiện là tố chất khoa học, tố chất văn minh, quan niệm lý tưởng, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn giá trị, tri thức-kỹ năng, năng lực sáng tạo, diện mạo tinh thần, hành vi-lối sống,... hình thành mạng lưới và tính cố kết xã hội quan trọng. Do đó, chính quyền đô thị mà cụ thể là người quản lý đô thị cần phải biết phát huy, nâng cao tố chất thị dân, góp phần hình thành nguồn lực, “sức mạnh mềm” của đô thị[10].

Thứ hai, xây dựng cơ sở vật chất văn hóa như công viên, công trình kiến trúc, thư viện. Một đô thị sẽ mất đi sức hấp dẫn, thậm chí “mất cốt cách” khi tách các yếu tố vật chất văn hóa như hệ thống thư viện, công viên, bảo tàng, nhà hát kịch gắn với các hoạt động khoa học-kỹ thuật, thông tin truyền thông, vui chơi giải trí, hoạt động sinh hoạt động đồng,…Ở đó, không chỉ người dân bản địa, cư dân đô thị thể hiện một phần trong hoạt động sống, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động lễ thức mang tính truyền thống mà, thông qua đó, thể hiện các giá trị văn hóa bản địa để khách du lịch tương tác, chiêm ngưỡng; nghỉ ngơi, thư giãn, học tập,...

Thế những, trên bình diện quốc gia nhìn nhận, không có nhiều đô thị (nhất là các đô thị mới, trẻ) sở hữu (hay có chiến lược xây dựng, kiến tạo) công trình kiến trúc xứng tầm, có hệ thống thư viện thành phố “đủ lớn” để thể hiện tầm vóc văn hóa, văn minh của một đô thị; thiếu vắng những công viên “đủ bề thế” và đầy đủ công năng để thị dân và khách vãng vai nghỉ ngơi, giải trí. Cao hơn thế nữa, cần phải nhận thức rằng, đô thị là để phục vụ con người và nâng cao giá trị văn hóa của con người chứ không phải “hy sinh sức khỏe để được công trình kiến trúc”. Thực tế cho thấy, cái giá phải trả cho ô nhiễm môi trường, cho sức khỏe của con người là quá đắt. Vì sự phát triển bền vững của mỗi đô thị và nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, bắt buộc phải nâng cao tỷ lệ cây xanh, công viên trên đầu người theo quy chuẩn của đô thị. Muốn vậy, kiến tạo và quản lý công viên văn hóa, hệ thống cây xanh cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học; tránh thấy lợi trước mắt mà quên đi các mục tiêu lâu dài; tránh tư duy thiển cận trong quy hoạch và phát triển đô thị.

 

Thứ ba, xây dựng và phát huy các yếu tố văn hóa cộng đồng. Theo đó, người đứng đầu thành phố và các cơ quan hữu quan thuộc chính quyền đô thị cần có kế hoạch để thúc đẩy văn hóa cộng đồng, phát triển và khai thác tốt công nghiệp văn hóa bản địa[11]. Với một quốc gia có nhiều tiềm năng, giàu bản sắc văn hóa như Việt Nam thì phát huy các yếu tố cộng đồng không phải là việc khó. Vấn đề là ở chỗ, đầu tư cho văn hóa nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao hiệu quả kinh tế-xã hội và góp phần thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng bền vững. Muốn vậy, cần phải huy động ý thức cộng đồng và trách nhiệm của nhiều chủ thể như cá nhân, nhóm, cộng đồng; giúp văn hóa thẩm thấu vào trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội và các công trình kiến trúc của thành phố, tạo sức hấp dẫn cho đô thị.

Chính phủ và chính quyền thành phố cần ban hành cơ chế, chính sách hợp lý, kịp thời để thúc đẩy văn hóa phát triển. Trước hết, cần có chế tài đủ nghiêm cho các hành vi phi văn hóa, xâm hại đến văn hóa tại các đô thị; có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; có quy định rõ ràng để mọi chủ thể tham gia vào hoạt động văn hóa, sáng tạo văn hóa đều công bằng (trong cống hiến và hưởng thụ). Đối với thành phố giàu truyền thống văn hóa, cần phải có ý thức bảo tồn, phát huy, phát triển một cách có chiến lược. Ngay trong công tác cải tạo, quy hoạch, phát triển đô thị cũng hết sức chú ý đến vấn đề bảo tồn giá trị văn hóa đô thị, tránh trường hợp hình thành các đô thị mới thật khang trang nhưng thật sự là đô thị “vô hồn”, “đô thị ma” mà trên thực tế không phải là hiếm[12].

Tóm lại, quản lý văn hóa đô thị, khai thác sức mạnh nội sinh và năng lực cạnh tranh đô thị là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, của chính quyền đô thị và mỗi cư dân đô thị. Trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, quản lý văn hóa đô thị không chỉ biết “nhìn về quá khứ”, “khai quật” những giá trị, lớp trầm tích văn hóa ở địa phương, ở mỗi đô thị để chạm khắc vào trong từng dự án phát triển đô thị, mà quan trọng hơn cả, người lãnh đạo, quản lý cần phải có tư duy chiến lược, biết “nhìn xa trông rộng”, “hướng về phía trước” để xây dựng hình tượng văn hóa của một đô thị, hơn thế nữa, phải có tư duy hệ thống để “kết nối”, “xâu chuỗi” các giá trị văn hóa trong lịch sử, hiện tại, hình thành bức tranh văn hóa đô thị đầy màu sắc, có sức quyến rũ, có sự cạnh tranh, từng bước góp phần phát triển đô thị bao trùm, bản sắc, bền vững, thông minh.

TS. Phạm Đi

Tài liệu tham khảo chính

1.     Võ Kim Cương, Quản lý đô thị - Thời kỳ chuyển đổi, Nxb. Xây dựng. Hà nội, 2004.

2.     Phạm Đi, Quản lý đô thị - một góc nhìn, Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, 2016.

3.     Phạm Đi, Xã hội học với lãnh đạo, quản lý, Nxb. Thông tin truyền thông, Hà Nội, 2020.

4.     Lê Như Hoa, Quản lý văn hóa đô thị trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nxb. Văn hóa-Thông tin. Hà Nội, 2000.

5.     Nguyễn Minh Hòa, Đô thị học – Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, 2012.

6.     Nguyễn Tố  Lăng, Quản lý đô thị ở các nước phát triển. Nxb. Xây dựng, Hà Nội, 2017.

7.     Nguyễn Văn Thành, Xây dựng và quản trị thành phố thông minh, bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong cách mạng công nghiệp 4.0. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020

8.     Quỳnh Trân, Phát triển đô thị bền vững. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.



[1] Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08 tháng 09 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo Điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. Như vậy, phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trên thực tế, công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, H.2021, tập 1, trang 32.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, H.2021, tập 1, trang 84-85.

[4] Hồ Chí Minh , Toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tập 3, tr.431.

[5] UNESCO , Tạp chí “Người đưa tin UNESCO”, số 11-1989, tr.5.

[6] Phạm Đi, Xã hội học với lãnh đạo, quản lý. Nxb. Thông tin truyền thông, 2020, tr.131-135.

[7] Xem thêm: Phạm Đi, Xã hội học với lãnh đạo, quản lý. Nxb. Thông tin truyền thông, 2020, tr.140-141.

[8] Khi đã “thẩm thấu” các giá trị văn hóa đô thị, con người tự hỏi “mình là người của thành phố,... sao lại làm như vậy”; sống trong thành phố “đáng sống” nên phải làm như thế;  thành phố “nghĩa tình” nên phải sống thật sự tình nghĩa,..

[9] Nhiều lần bàn về giá trị của đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) trên các diễn đàn và hội thảo, tác giả đã khẳng định: cái “na ná” như Hội An trên thế giới không thiếu, nếu không muốn nói là khá nhiều. Ví dụ:  Chẳng hạn thành phố Malacca của Malaysia; cổ trấn Đồng Lý (Tongli), Nguyệt Hà (Yuehe) tỉnh Giang Tô; phố cổ Tân Xương (Xinchang), Phong Kinh (Fengjing) thuộc thành phố Thượng Hải, Trung Quốc,... Thế nhưng, thế giới chỉ có một Hội An bởi nó gắn với con người Hội An, văn hóa Hội An, lối sống Hội An. Do đó, xây dựng và phát triển một thành phố, ngoài giữ gìn, trùng tu, kiến tạo, phát triển các giá trị vật chất, cơ sở hạ tầng thì điều cốt yếu và quan trọng là giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đô thị.

[10] Xem: Phạm Đi, Quản lý đô thị - một góc nhìn, Nxb. Đại học quốc gia TP.HCM, 2016, tr.27-29.

[11] Theo đánh giá, Việt Nam là đất nước có nhiều điểm lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa: (1) Một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ; (2) Tài năng sáng tạo của con người Việt Nam là rất lớn; (3) Một lịch sử quyết liệt của sự thích ứng và cải tổ; (4) Giá trị gia tăng đối với du lịch, sản xuất, đầu tư hướng đến trong nước và cạnh tranh khu vực; (5) Sự tận tâm chiến lược từ Thủ tướng Chính phủ, từ khắp các cơ quan nhà nước và các đối tác chính. Do đó, phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là mục tiêu và động lực phát triển kinh tế mà trên thực tế, công nghiệp văn hóa đã được thừa nhận như một ngành sản xuất, như lực lượng sản xuất văn hóa, có khả năng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt đẹp cho xã hội, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo đảm cho sự phát triển bền vững của quốc gia, vùng và đô thị.

[12] Tham kiến: Những khu đô thị 'ma': https://vnexpress.net/nhung-khu-do-thi-ma-4055525.html ; “Trái đắng” từ những dự án đô thị “ma”: https://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/trai-dang-tu-nhung-du-an-do-thi-ma-310374.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ