CHÍNH SÁCH DÂN SỐ TRONG TÌNH HÌNH VÀ BỐI CẢNH MỚI
CHÍNH SÁCH DÂN SỐ TRONG CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM THỜI KỲ ĐỔI MỚI
Cũng như các chính
sách khác, chính sách dân số không phải “nhất thành bất biến” và, đương nhiên,
không “rập khuôn”, “cứng nhắc” trong mọi tình huống, mọi giai đoạn phát triển. Nói
cách khác, trong những điều kiện lịch sử, điều kiện kinh tế và bối cảnh xã hội,
tình hình thực tế của dân số (quy mô, số lượng, chất lượng, phân bố, cơ cấu) mà
chính sách dân số cũng có sự thay đổi một cách linh hoạt, tạo điều kiện và động
lực cho tiến trình phát triển. Bởi lẽ “dân số” và “phát triển” là hai biến số
đi liền với nhau, gắn bó hữu cơ và thúc đẩy lẫn nhau: một chính sách dân số hợp
lý, mang tính khoa học sẽ là điều kiện cho kinh tế phát triển và ngược lại, khi
kinh tế phát triển ở một trình độ nhất định sẽ tác động đến dân số ở các chiều
tích khác nhau từ cá nhân đến cộng đồng, dân tộc, quốc gia. Do đó, trong bối cảnh
và tình hình mới, để phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững cần phải nhìn
nhận chính sách dân số là nhân tố quan trọng, là “chất xúc tác” thúc đẩy nguồn
lực xã hội phát triển.
Theo thống kê, dân số trung bình của Việt
Nam đến tháng 7 năm 2024 đã vượt ngưỡng 100,3 triệu người (ước chiếm 1,23% dân
số thế giới), đứng thứ 15 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 ở khu vực Đông
Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Mật độ dân số của Việt Nam là 321 người/km2;
ước tính gần 40% dân số sống ở thành thị, 60% dân số ở nông thôn. Độ tuổi trung
bình là 33,2 tuổi[1].
Về quy mô, Việt Nam đã trở thành “cường quốc
dân số” ở khu vực cũng như bình diện thế giới. Cũng cần nói thêm rằng, từ giữa
thế kỷ trước đến nay, dân số thế giới chỉ tăng 3,2 lần còn Việt Nam, mặc dù có
thời gian dài chiến tranh ác liệt, đời sống khó khăn, thực hiện chính sách kế
hoạch hóa gia đình từ năm 1961, dân số vẫn tăng lên 4 lần. Theo dự báo,
dân số nước ta tiếp tục tăng, đạt quy mô lớn nhất khoảng 117 triệu người vào
năm 2066[2]; sau
đó giảm dần, đến năm 2079 mới xuống dưới 100 triệu[3]. Tuy nhiên, nếu tiếp cận qua lăng kính cơ cấu dân số, phân bố dân cư,
chất lượng dân số thì “bài toán dân số”
cần phải được nhìn nhận thấu đáo hơn và “có lời giải” bằng những chính sách cụ
thể hơn.
Từ cách tiếp cận dân số
học nhìn nhận, cùng với sự phát triển của xã hội, mô hình dân số cũng “thay đổi”
theo 03 giai đoạn tương ứng là “mô thức sinh tồn”, “mô thức tăng trưởng” và “mô
thức phát triển”. Nhìn nhận xuyên suốt chiều dài lịch sử phát triển của nước
ta, mô hình dân số của Việt Nam cũng trải qua 03 mô thức trên. Mỗi giai đoạn gắn
với các chính sách khác nhau, hướng đến giải quyết các vấn đề khác nhau về dân
số. Đương nhiên, để đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh
và tình hình mới, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực thì các
chính sách dân số phải thay đổi: “chuyển trục” từ chính sách dân số thiêng về
“dân số kế hoạch hóa gia đình” sang “dân số và phát triển”. Lúc này, vấn đề dân
số chủ yếu được xem xét và đặt trên nền tảng của trục “phát triển” và đương
nhiên, phải được đồng bộ với sự phát triển kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường,
quốc phòng, an ninh,…
Nếu như trước đây, chiến
lược dân số[4]
chủ yếu hướng đến khống chế mức sinh, bằng những chương trình dân số và kế hoạch
hóa gia đình[5]
một cách quyết liệt mà thành quả to lớn là đã hạn chế tối đa hiện tượng “bùng nổ
dân số”, góp phần ổn định quy mô dân số, bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường,
ổn định tăng tưởng kinh tế, thì chiến lược dân số hiện nay hướng đến việc nâng
cao chất lượng dân số, hình thành một cơ cấu dân số phù hợp, và đặc biệt là “gắn
dân số với phát triển”.
Như vậy, chúng ta
đã nhận thức “đúng và trúng” về vai trò, ý nghĩa của yếu tố dân số đối với sự
phát triển của đất nước; đã chuyển đổi cách nhìn nhận về dân số: từ “dân số kế
hoạch hóa gia đình” sang “dân số trong phát triển” và “dân số và phát triển” gắn
với các hoạt động bao trùm: đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề về
dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt
trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế -xã hội, an sinh xã hội,
an ninh con người và bảo đảm quốc phòng an ninh. Toàn bộ được đặt trong “hệ trục”
của phát triển bao trùm, nhanh và bền vững.
Trước bối cảnh và
tình hình mới, cần phải nhìn nhận một cách toàn diện, khoa học, có hệ thống về
bài toán dân số Việt Nam với những đặc trưng hiện hữu như: mức sinh có xu hướng
giảm nhẹ khiến cho tốc độ tăng trưởng dân số trung bình giảm theo (tốc độ tăng
dân số trung bình năm 2022 là 0,98%, năm 2023 là 0,84%); tuổi thọ trung bình
tăng nhưng tuổi sống khỏe mạnh chưa được cải thiện như kỳ vọng; đang bước vào
thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số khá cao; cơ cấu dân số đang
chuyển dịch theo hướng tăng tỷ lệ người cao tuổi và giảm tỷ lệ dân số trẻ; phân
bố dân số không đều giữa các vùng miền; chênh lệch giới tính khi sinh; chất lượng
dân số và tỷ lệ lao động qua đào tạo không cao,… Từ đó rà soát, ban hành các
chính sách dân số mới để vừa phát huy tối đa nguồn lực dân số, dư lợi dân số; vừa
khắc phục, hạn chế, bất cập, giải quyết bài toán “dân số và phát triển” một
cách hài hòa. Thiết nghĩ, trong thời gian đến cần xúc tiến một số biện pháp cụ
thể sau:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số, có kế hoạch lồng ghép
chính sách dân số vào trong từng chính sách phát triển. Tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đúc kết thực tiễn và rút ra các
bài học về triển khai chính sách dân số ở từng thời kỳ, từng vùng miền, từng địa
phương. Đã đến lúc cũng cần nghiên cứu ban hành “Chiến lược dân số trong tình
hình mới”, giải quyết tốt các vấn đề dân số, phát huy tối đa dư lợi từ cơ cấu
dân số vàng, tạo động lực cho sự phát triển chung của đất nước và từng địa phương
theo hướng bao trùm, bền vững.
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy,
chính quyền các cấp. Thực tiễn cho thấy, không phải lúc nào, nơi nào nhận thức của chúng ta
về công tác dân số, chính sách dân số cũng “đúng và trúng”. Sự “hài lòng” và
“say sưa” với thành quả của việc “khống chế mức sinh” để đạt được mức sinh thay
thế trong chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình trước đây đã khiến cho
không ít địa phương buông lỏng công tác dân số. Trong giai đoạn hiện nay, cần
có sự “nhận thức lại” và đi đến thống nhất của cả hệ thống chính trị về vai
trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách dân số với chính sách phát
triển kinh tế-xã hội; nhận thức đúng về mối quan hệ hữu cơ giữa dân số với đảm
bảo quốc phòng, an ninh. Do đó, mỗi địa phương cần phải có kế hoạch lồng ghép
chính sách dân số với thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, kể cả các
Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó phải đặc biệt coi trọng về chất lượng
dân số, chỉ số phát triển con người (HDI) và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm
trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp úy, chính quyền các cấp.
Thứ ba,
tăng cường hoạt động
truyền thông, đổi mới nội
dung, phương thức tuyên truyền, vận động về công tác dân số trong tình hình mới. Truyền thông dân số là một trong những nhiệm vụ
trọng yếu trong các chương trình dân số, thực hiện chính sách dân số. Chú trọng
đổi mới nội dung, phương thức truyền thông theo xu thế và tình hình mới. Vận dụng
tốt các kênh đa phương tiện và truyền thông xã hội để thay đổi nhận thức, hành
vi dân số. Nội dung truyền thông phải chú trọng và nhấn mạnh đến chất lượng dân
số và gắn dân số với phát triển. Bên cạnh đó, hết sức chú ý đến việc nhận thức
và thực hành về bình đẳng giới, trong đó làm thay đổi hành vi lựa chọn giới
tính thai nhi, làm mất cân bằng giới tính sau sinh, đảm bảo cơ cấu dân số hợp
lý, lành mạnh. Hoạt động truyền thông cũng chú ý hơn đến vấn nạn bạo lực trên
cơ sở giới, góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực, hình thành ý thức
tôn trọng con người, phát huy tiềm năng, quyền năng của các nhóm xã hội, nhất
là nhóm yếu thế.
Thứ tư, nâng cao chất lượng dịch
vụ về dân số, đáp ứng tốt các yêu cầu, thỏa mãn nhu cầu thiết thân của người
dân. Trong điều kiện mà nền
y học có nhiều bước tiến bộ cộng với mạng lưới Internet phát triển như hiện
nay, cần đổi mới phương thức, nội dung, cơ cấu về dịch vụ dân số cả về trực tiếp
và gián tiếp (qua mạng Internet). Chú trọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt
động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện về quy mô, cơ cấu, chất lượng
và phân bố dân số. Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.
Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước
sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn
nhân. Tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập
theo tinh thần xã hội hóa. Đương nhiên, cũng cần có chính sách ưu tiên cho việc
cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm các nhóm dân số đặc thù như trẻ em,
người khuyết tật, người bị di chứng chiến tranh, người cao tuổi, đồng bào dân tộc
ít người, người di cư... đều thực sự bình đẳng về cơ hội tham gia, thụ hưởng
thành quả phát triển.
Thứ năm, tiếp tục nâng cao năng lực đội
ngũ cán bộ dân số đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trước mắt cần kiện toàn bộ máy và cán bộ
làm công tác dân số theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đảm bảo tính khoa học,
tính thống nhất. Đương nhiên, cũng cần phải có chính sách đãi ngộ một cách thoả
đáng cho cán bộ dân số và đội ngũ cộng tác viên dân số, nhất là ở tổ dân phố,
thôn, bản, ấp,... Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, thực hiện
chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng
sang chính sách dân số và phát triển. Nghiên cứu đưa nội dung dân số và phát
triển vào chương trình bồi dưỡng, đào tạo cho cán bộ, đảng viên nhất là các lớp
trung cấp, cao cấp lý luận chính trị để nâng cao nhận thức về công tác dân số;
có kiến thức, kỹ năng lồng ghép các chính sách dân số vào kế hoạch phát triển
kinh tế-xã hội ở địa phương.
[1] Nguồn:
Tổng Cục thống kê
[2] Tổng cục Thống kê: Dự báo dân số
Việt Nam, giai đoạn 2019-2069, H, 11/2020.
[3] UN. World Population Prospects 2019. (https://population.un.org/wpp/)
[4]
Các chiến lược dân số của Chính phủ đã ban hành: “Chiến lược dân số và kế
hoạch hoá gia đình đến năm 2000”; “Chiến lược Dân số Việt Nam, giai đoạn
2001-2010”; “Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam, giai đoạn
2011-2020” và gần đây là “Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030”.
[5] Điều
40 Hiến pháp 1992 quy định: “Nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có
trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em; thực hiện chương trình dân số và
kế hoạch hoá gia đình”.
Nhận xét
Đăng nhận xét