XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI CỦA GIA ĐÌNH HIỆN ĐẠI
XU HƯỚNG BIẾN ĐỔI CỦA GIA ĐÌNH HIỆN ĐẠI
Thế hệ thanh niên hiện nay, đặc biệt tại các quốc gia
phát triển đã xuất hiện các luồng tư tưởng làm ảnh hưởng đến cấu trúc gia đình.
Ví dụ: tôn thờ chủ nghĩa
độc thân; muốn có con mà không muốn lập gia đình; lập gia đình nhưng không muốn
sinh con[1].
Các kiểu gia đình chưa từng có trong quá khứ đã xuất hiện làm “ngỡ ngàng” cho
nhiều nhà nghiên cứu như “mô hình 4C”: kiểu gia đình đoàn thể (Corporate
family), kiểu gia đình ráp nối (Concatenated family), kiểu gia đình tập hợp
(Collectied family), kiểu gia đình chu kỳ (Cyclical family)[2].
Những quan điểm
mới mẻ, cởi mở, thậm chí khá dễ dãi trong quan hệ tình dục (trước và sau hôn
nhân; trong và ngoài hôn nhân). Các quan điểm như: “tách tình dục khỏi tình
yêu”, “tách hôn nhân khỏi tình yêu”, “tách sinh sản khỏi gia đình”, “tách hôn
nhân khỏi pháp luật”, “tách sinh đẻ ra khỏi phụ nữ” đã dần lan sang các nước
châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo quan sát, mặc dù có phần “dè dặt” nhưng lớp
thanh niên Việt Nam đã bắt đầu “tiếp nhận” những quan niệm này như một sự đồng
tình.
Gia đình không phải nhất thành bất biến, thực tế cho thấy
kết cấu, chức năng, quy mô, tính chất của nó đã có những biến đổi theo thời
gian. Chính lẽ đó: “Các nhà nghiên cứu lại
một lần nữa cúi đầu xuống trên vấn đề gia đình để xem thử có cái gì bên dưới lớp
sơn phủ bên ngoài gồm những ý niệm có sẵn”. Quả đúng như vậy, đối với gia
đình chúng ta không chỉ một lần mà còn phải nhiều lần nữa cúi xuống để xem xét,
bởi vì không chỉ trong quá khứ, hiện tại, mà còn mai sau, hôn nhân và gia đình
là đề tài đầy sức quyến rũ nhưng cũng chứa đựng quá nhiều mâu thuẫn với những
cuộc tranh cãi không bao giờ dức[3].
Tại các nước phương Tây, gia đình đã có những biến hóa lớn
và được nhận thấy trực quan:
(1) Số lượng nhân khẩu trong gia đình giảm xuống ở mức thấp
(số lượng thành viên giảm);
(2) Số lượng gia đình đơn thân gia tăng, khuynh hướng chọn
lối sống độc thân gia tăng;
(3) Tỷ lệ ly hôn cao, kiểu gia đình không hoàn chỉnh gia
tăng về số lượng;
(4) Các kiểu (loại) gia đình mới xuất hiện, xu hướng chấp
nhận quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, hôn nhân đồng tính đang gia tăng. Chức
năng cơ bản của gia đình bắt đầu có những biến đổi: chức năng sản xuất giảm suốt,
chức năng tiêu dùng gia tăng. Chúc năng chăm sóc sức khỏe cho các thành viên dần
thu hẹp, xu hướng sinh đẻ và nuôi dưỡng dần chuyển giao cho các thiết chế khác.
Tại Việt Nam, biến đổi gia đình cũng không ngừng diễn ra: quy mô gia đình nhỏ,
ít sinh đẻ, chuyển biến trong quan hệ vợ chồng về vai trò, vị thế; chức năng
tiêu dùng ngày càng rõ nét,…
Nghiên cứu xu hướng phát triển của gia đình trong tương
lai hiện cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Trong cuốn “Cú sốc tương lai”,
Alvin Toffler còn dự báo về sự tiêu vong của gia đình, tính hồi quy của gia
đình và quan niệm mới về gia đình[4]. Với những
gì mà chúng ta đang trải qua, với những gì mà các nhà nghiên cứu đã chứng minh,
chúng ta có thể liệt kê một số đặc điểm và xu hướng biến đổi của gia đình trong
tương lai:
(1) Tuổi kết hôn sẽ muộn hơn các thế hệ trước, theo đó tuổi
sinh con đầu lòng cũng muộn hơn;
(2) Việc sinh đẻ (thời gian sinh con, số lượng con, khoảng
cảnh giữa hai lần sinh; thậm chí sinh hay không sinh con; tự sinh con hay dùng
các biện pháp tiến bộ của khoa học kỹ thuật để sinh con, kể cả mang thai hộ,…)
được giới hạn với sự thống nhất của cả hai vợ chồng và xu thế là gia đình ít
con;
(3) Quan hệ vợ chồng theo xu hướng bình đẳng (về quan hệ,
về kinh tế, về trách nhiệm, về quyết đinh các vấn đề trong gia đình, về mua sắm,
thậm chí về tình dục), tính gia trưởng này có xu hướng giảm thiểu;
(4) Xu hướng chia sẻ các công việc (trong gia đình và
ngoài xã hội), tỷ lệ phụ nữ tham chính có xu hướng gia tăng, người đàn ông làm
“nội trướng” không phải là hiếm thấy;
(5) Việc giáo dục con cái trở nên khó khăn do tác động của
các phương tiện truyền thông (nhất là mạng xã hội); thời gian mà cha mẹ dành
cho con cái ít hơn; phương pháp giáo dục chủ yếu là nêu gương, thuyết phục và
tôn trọng ý kiến của con cái;
(6) Quan niệm và quan hệ tình dục ngày càng cởi mở và
bình đẳng hơn. Xu hướng tách tình dục ra khỏi sinh sản; tính tích cực và chủ động
trong quan hệ tình dục của người phụ nữ gia tăng;
(7) Xung đột giữa các thành viên trong gia đình có xu hướng
gia tăng, người phụ nữ chủ động hơn trong giải quyết mâu thuẫn, tỷ lệ phụ nữ đứng
đơn ly hôn có xu hướng tăng.
TS. Phạm Đi
[1] Kiểu
gia đình DISK tế (Double Income, No
Kids) đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới: Cả hai vợ chồng đều có thu
nhập nhưng sau khi kết hôn tự “hợp đồng” là không sinh con, bởi chính quá trình
sinh con đã “lấy” đi của họ cơ hội thanh xuân, gây phiền hà và cản trở đời sống
cá nhân của mỗi người.
[2] Charles L. Jones và các tác giả, Tương lai của gia đình (Vũ Quang Hà dịch),
Nxb Đại học Quốc gia Hà nội. H2002, tr296-304.
[3] Nguyễn Minh Hòa, Hôn nhân gia đình trong xã hội hiện đại, Nxb Trẻ, năm 2000, tr11.
[4] Tham kiến: Alvin Toffler, Cú sốc tương lai. Nbx Thông tin lý luận,
H.1992 (Nguyễn Văn Trung dịch).
Nhận xét
Đăng nhận xét