NGHỆ THUẬT “ĐỐI NHÂN” VÀ “XỬ THẾ” TRONG LÃNH ĐẠO
NGHỆ THUẬT “ĐỐI NHÂN” VÀ “XỬ THẾ” TRONG LÃNH ĐẠO
Quan hệ lãnh đạo
rất phức tạp bao hàm toàn bộ sự liên hệ, tương tác giữa giữa người lãnh đạo và
người bị lãnh đạo thể hiện qua các lát cắt ngang-dọc, trên -dưới, trong-ngoài,...Trong
đó, “đối nhân” và “xử thế” chính là nội dung cơ bản của quan
hệ lãnh đạo, cho nên nghệ thuật “đối nhân, xử thế” (còn gọi là nghệ thuật ứng xử,
nghệ thuật giao tiếp) được đặt lên hành đầu và yêu cần nhà lãnh đạo phải rèn
luyện, phát triển.
Trong “đối nhân,
xử thế” chủ yếu là giải quyết một cách hài hòa, hướng đến giá trị “chân, thiện,
mỹ” trong giao tiếp giữa con người với con người, con người với tổ chức, cộng đồng.
Thực chất của “ứng xử” chính là thái độ, hành vi đối với mình (ứng xử với bản
thân), đối với người (ứng xử với tha nhân) trong hoạt động “nói”, “nghe” và
“hành động” để thiết lập mối quan hệ xã hội tốt, mang lại niềm tin cho mọi người.
1. Triết lý và nguyên tắc trong đối nhân, xử thế
Một vài câu hỏi
tưởng chừng đơn giản nhưng câu trả lời không hề giản đơn đó là, một ngày nào đó
khi ta gặp khó khăn, thất thế thì ai là người (hay người đầu tiên) chìa bàn tay
giúp đỡ (bằng sự chân thành, nhiệt tình, vô vị lợi)? Nếu một ngày nào đó ta “hết
quyền lực” thì còn ai nể nang, cung phụng, quỳ lạy, chiều chuộng, nịnh hót, cúc
cung, kề cận và “sẵn sàng hi sinh” hay “gọi đâu có đó”? Những người gọi điện
thoại cho ta hằng ngày (vì những mục đích khác nhau) liệu có còn “lưu số điện
thoại” của mình hay chờ ngày “qua cầu rút sim”? Nếu một ngày ta nằm trên giường
bệnh thì những người mà thường ngày họ ca tụng, xúm xít, vỗ về ta có chìa bàn
tay cho ta nắm, có “ở lại” bên giường bệnh với ta để “nâng khăn sửa gối”?,….
Câu trả lời này
khó (thậm chí rất khó) bởi lẽ nó ở thì tương lai, nhưng có thể khẳng định rằng:
Bất cứ ai cũng có thể trở thành “quý nhân” của ta (có thể là cấp trên, đồng cấp
hay cấp dưới; có thể là đồng nghiệp, đồng môn hay đồng hương, đồng niên; thậm
chí có thể là một người nào đó xa lạ mà chúng ta chưa biết) và bất cứ ai cũng
có thể trở thành lạnh nhạt, thờ ơ, thậm chí quay lưng, phản bội nếu ta không
còn “giá trị sử dụng”, hoặc “giá trị lợi dụng”.
Từ giác độ khoa học
lãnh đạo nhìn nhận, mối quan hệ xã hội (một thành tố cơ bản của vốn xã hội -
Social Capital) là tài sản cũng là nguồn lực giúp chủ thể lãnh đạo đi đến thành
công và ngược lại. Nói cách khác, phạm vi kết giao càng lớn thì tỷ lệ thành
công càng cao. Do đó, là một lãnh đạo thì nên cố gắng tăng cường “vốn xã hội”
và rèn luyện nghệ thuật giao tiếp như là “phẩm chất vàng” của nhà lãnh đạo.
Để trở thành nghệ
thuật, trước hết phải có triết lý và nguyên tắc của nó. Như đã phân tích ở
trên, nghệ thuật không có nghĩa là tùy hứng, bất chấp quy củ, nguyên tắc mà ngược
lại, phải dựa trên nền tảng khoa học, phương pháp khoa học gắn với các nguyên tắc
tương ứng. Trong “đối nhân, xử thế” trước hết phải giữ nguyên tắc “tìm điểm chung, gác lại bất đồng”. Trong
thế giới hòa nhập như hiện nay, không thể quá nhấn mạnh đến cái tôi khác biệt,
thậm chí cá biệt mà không bàn đến cái chúng tôi, chúng ta rộng lớn. Chỉ quá nhấn
mạnh đến lợi ích của mình, của tổ chức mình thì khó có thể hòa hợp được với thế
giới xung quanh, thậm chí càng làm “hố chênh lệch” khác biệt càng lớn, và cuối
cùng trong nhiều trường hợp đi đến sự xung đột. Ví dụ: (1) Trong một tập thể mà
người lãnh đạo luôn “ưu ái” cho bản thân mình bằng những “phần thưởng” vật chất
và tinh thần với hàm ý mình là lãnh đạo nên mình phải được “hưởng” quyền lợi
nhiều hơn. Trong khi đó, người khác (cả cấp phó và thuộc cấp) còn nhiều khó
khăn, điều kiện làm việc thiếu thốn; nhiều năm phấn đấu nhưng chưa bao giờ dám
nghĩ đến danh hiệu thi đua nào,… Lúc đó sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, mất động lực
phấn đấu bởi cách “ứng xử” của lãnh đạo; (2) Trong một cơ quan gồm nhiều đơn vị
nhưng không đơn vị nào “chịu thua”, “chịu thiệt” và luôn cho mình là “có công”
nhiều nhất đối với cơ quan. Đương nhiên, đi liền với đó là sự đòi hỏi “quyền lợi”
nhiều hơn, tạo sự bất đồng với các đơn vị khác. Lúc này lãnh đạo các đơn vị phải
ngồi lại tìm tiếng nói chung, vì cái đại cục và cũng không nên phủ nhận vai trò
của đơn vị khác; (3) Trong bối cảnh và tình hình hiện nay, vấn đề tranh chấp và
xung đột giữa một số quốc gia đã và đang diễn ra với số lượng, tính chất, quy
mô ngày càng phức tạp. Đương nhiên, trong tranh chấp thì ai cũng muốn phần thắng
về mình nên có thể nảy sinh các mâu thuẫn, bất đồng. Vấn đề là phải tìm ra điểm
chung để đi đến một sự thống nhất nào đó bằng cách tạm gác các bất đồng, xung đột.
Nếu ai cũng muốn thắng thì sẽ có bên thua, nhưng nếu quan điểm “hai bên cùng thắng”
sẽ giảm bớt căng thẳng. Tuy nhiên, để giảm bớt bất đồng thì phải đặt mình vào vị
trí của đối phương để suy nghĩ, lúc đó mới có tiếng nói chung. Nghĩ cho người
khác bằng cách “hoán đổi vai trò, vị thế” mới thấy được đồng cảm, từ đó “vùng bất
đồng” sẽ giảm thiểu, quan hệ đôi bên sẽ trở nên khăng khít hơn.
Tiếp theo, trong
đối nhân, xử thế thì “kiên nhẫn lắng nghe
và trở thành người biết lắng nghe”[1]
trở thành triết lý và nguyên tắc cần phải thực hiện. Phần trên, chúng ta đã
phân tích “kỹ năng lắng nghe” của nhà lãnh đạo nhưng từ “kỹ năng” đến “nghệ thuật”
là một khoảng cách lớn. Lắng nghe là một kỹ năng nhưng biết lắng nghe, kiên nhẫn
lắng nghe lại là đức tính, tố chất, nhân cách của người lãnh đạo. Lắng nghe là
một nghệ thuật, chỉ khi hiểu và nắm vững môn nghệ thuật này mới dễ dàng tìm hiểu,
giao lưu và hợp tác với người khác. Khi lắng nghe giữa giữa nguyên tắc “không
phương hại” và “nghe bằng tâm” thì mới thật sự đạt được cảnh giới “chân, thiện,
mỹ” của nghệ thuật ứng xử.
Thứ ba, giữ nguyên tắc lời khen và phát huy sức mạnh
của lời khen. Lời khen là phần thưởng rẻ tiền nhất, dễ thực hiện nhất mà
chúng ta có thể dành cho nhau, lãnh đạo có thể dành cho cấp dưới nhưng trên thực
tế giá trị của lời khen là vô giá và không ai cũng có thể học được cách khen.
Đó chính là mâu thuẫn của lời khen, do đó trong giao tiếp, ứng xử thì lời khen
trở thành triết lý, nguyên tắc cần phải nắm và vận dụng. Trước hết phải nhớ rằng
“ranh giới” giữa lời khen với sự tâng bốc, nịnh bợ là rất mong manh. Mong manh
đến nỗi nhiều người nhầm lẫn và đánh đồng chúng. Thực ra, phân biệt giữa lời
khen (chân thành) với sự tâng bốc, nịnh hót, đùa cợt (giả đối) chính là ở chỗ:
lời khen chân thành đi ra từ trái tim còn “lời khen” giả đối xuất phát từ cái
miệng; lời khen thường “cho người khác” còn xu nịnh thì muốn “nhận về mình”.
Nghệ thuật để khen người khác là “trở thành người khen giấu mặt” và tùy tình huống
mà đưa ra lời khen “chết người”, đúng lúc, đúng chỗ, đúng tần số và đúng đối tượng.
Cuối cùng, đi đến thống nhất bằng hành động là nguyên tắc
trong nghệ thuật ứng xử. Chúng ta thường nói, cho đi cái gì thì nhận lại
cái đó, hay “gieo nhân nào giặt quả đó”. Trong phương diện ứng xử cũng thế, nếu
cho đi hay “gieo tình cảm và niềm yêu thương” thì chắn chắn sẽ gặt lại “niềm
yêu thương và tình cảm”. Trong giao tiếp, ứng xử cần phải thống nhất trong ngôn
ngữ (tìm tiếng nói chung) để có được sự thống nhất trong hành động. Người ta sẽ
nghi ngờ, thậm chí xóa sạch niềm tin khi “nói một đường, làm một nẻo”, hay “nói
không đi đôi với làm”. Do đó, nghệ thuật ứng xử là nghệ thuật gắn kết giữa nói
và làm, giữa lời hứa và thực hành, giữa lắng nghe và hành động.
2. Rèn luyện nghệ thuật ứng xử qua các mối quan hệ
Từ thực tiễn cuộc
sống cho thấy, phàm những người giao tiếp, ứng xử giỏi đều là những người thành
đạt và giàu có. Nghệ thuật ứng xử của người lãnh đạo được biểu hiện thông qua
các mối quan hệ sau đây[2]:
Thứ nhất, thuật ứng xử trong quan hệ công việc. Quan hệ trong công việc chiếm một dung
lượng khá lớn trong toàn bộ hoạt đống sống của một người lãnh đạo trong thời
gian lãnh đạo, quản lý. Trong đó, mối quan hệ trở thành mạng lưới xã hội của
người lãnh đạo và chủ yếu gồm quan hệ với cấp trên, với đồng cấp và với cấp dưới.
Khi giao tiếp, ứng xử cần phải định vị bản thân trước, trong và sau quá trình
giao tiếp mới hình thành được nghệ thuật
giao tiếp. Trong đó, khi trò chuyện với có địa vị cao hơn mình thì cần phải giữ
cá tính nhưng cũng đừng nên “ba phải”.
Khi trò chuyện với cấp trên nên chú ý mấy điểm sau: (1) Thể hiện thái
độ tôn trọng, đúng mực trong giao tiếp; (2) Tuyệt đối chú ý lắng nghe, không cắt
lời nếu không cần thiết; (3) Không được tùy tiện phát ngôn, trừ phi có sự yêu cầu
của lãnh đạo. Tất nhiên, trong những trường hợp cụ thể cũng cần thể hiện sự
chân thành, thẳng thắn nhưng khiêm tốn lắng nghe là chủ đạo; (4) Nếu trả lời
thì câu trả lời cần ngắn ngọn, rõ ràng, không lan man, lạc đề; (5) Cần phải giữ
thái độ bình tĩnh, tự nhiên, không nên quá căng thẳng; (6) Tôn trọng cấp trên
nhưng cũng cần thể hiện lòng tự trọng của mình; (7) Nếu cấp trên là phụ nữ thì
phải luôn phải nắm rõ “văn hóa giới”. Với phụ nữ thì khẩu khí, thái độ và
phương thức trò chuyện cần phải đúng mực. Ngoài ra, tâm lý chung thì phụ nữ thường
thích nói về bản thân, gia đình và sở thích do đó, cũng cần chú ý để ứng xử
đúng mực và không tiếc những lời khen nếu thấy cần thiết.
Khi trò chuyện với đồng cấp, hãy tỏ ra thân thiện và giữ nguyên tắc
“không lên lớp”, “không cạnh tranh”. Thực ra, quan hệ giữa người với người xét
đến cùng thì, hoặc là quan hệ hợp tác hoặc là quan hệ cạnh tranh chỉ có điều là
đậm nhạt khác nhau mà thôi. Quan hệ đồng cấp là ví dụ điển hình cho “hợp tác và
cạnh tranh”. Người đồng cấp thì thông thường luôn có suy nghĩ rằng, mình nhất định
phải làm tốt hơn anh ta, như vậy mình mới có hy vọng thăng chức. Muốn xử lý mối
quan hệ đồng cấp thì người lãnh đạo cần phải mở rộng tư duy và tầm nhìn của
mình. Nên nhớ “cao nhân tất hữu cao nhân trị”, “núi cao còn có núi cao hơn” nên
cạnh tranh phải lành mạnh, không ngừng tiếp thu cái tốt của đồng cấp ở nơi này
để thích ứng với nơi khác. Sự hợp tác giữa các lãnh đạo là đồng cấp cũng là cơ
hội để ta bồi dưỡng năng lực phối hợp với người khác, học hỏi lẫn nhau để cùng
tiến bộ. Cũng cần lưu ý rằng, tình cảm chính là chiếc “máy điều hòa” trong quan
hệ giữa con người với con người, cho nên quan hệ đồng cấp cần phải hài hòa, đừng
thiết lập “phòng tuyến tâm lý” với nhau, có như vậy khi làm việc mới suôn sẻ, bản
thân cũng thấy thoải mái. Sự thành bại của công việc bản thân không liên quan
trực tiếp đến lợi ích của người đồng cấp trong tổ chức, do vậy trong thuật ứng
xử với người đồng cấp tựu trung lại ở từ “tình cảm”. Muốn vậy, cần phải chủ động
tìm hiểu người đồng cấp, mở rộng tấm lòng, khơi thông mối giao lưu tình cảm, có
như vậy thì đối phương mới hé mở “cánh cửa tâm lý” của mình để đón nhận tình cảm.
Tình cảm cũng là thứ có qua có lại, “có gieo có gặt”. Thực ra, nụ cười đúng
lúc, đúng chỗ và chân tình khi gặp nhau cũng thể hiện “thuật giao tiếp” trong mối
quan hệ đồng cấp. Trong cuộc sống hiện thực và trong công việc, giữa đồng cấp với
nhau khó tránh khỏi bất đồng, xô xát, mâu thuẫn, xung đột, nhưng nó sẽ biến mất
sau những tiếng cười, lời khen chân thành, thân thiện[3].
Trong quan hệ với cấp dưới, vừa phải giữ được khoảng cách, vừa phải
xóa đi khoảng trống tâm lý khi giao tiếp với cấp dưới và giữ nguyên tắc “tương
nhường”. Người lãnh đạo và quản lý trong khu vực công có tính gián tiếp và kết
quả đạt được phần lớn là thông qua cấp dưới. Chính vì thế, hiệu quả công tác
lãnh đạo phụ thuộc rất nhiều vào cách ứng xử của người lãnh đạo đối với cấp dưới.
Để có cách ứng xử phù hợp, có hiệu quả đối với cấp dưới đòi hỏi người lãnh đạo
phải hiểu cấp dưới, nắm được sở trường, sở đoản, nhu cầu, nguyện vọng, hoàn cảnh
của họ. Thực tiễn cho thấy, tâm lý cấp dưới rất phong phú, phức tạp và đa dạng[4]. Do đó, trong ứng xử, giao tiếp với cấp
dưới thì người lãnh đạo cần lưu ý một số điểm sau: (1) Nhìn vào ưu điểm, sở trường
hơn là khuyết điểm hay sở đoản. Ai cũng có sở trường, điểm mạnh và đó không chỉ
là “tài sản” của cá nhân, trong mối quan hệ với tổ chức, nó còn là “tài sản
chung” cần được phát huy. Ngược lại, nếu không là thánh nhân, thì ai cũng có
khuyết điểm, sở đoản, thậm chí là “bất kham”, ngang bướng. Lúc đó, trong quan hệ
giao tiếp, ứng xử nhà lãnh đạo phải “yêu” cả sở trưởng, điểm mạnh và sở đoản,
điểm yếu của cấp dưới. Tất nhiên, không phải dung túng cho cái sai, cái ngang
bướng mà tìm cách phát huy sở trường để khắc chế sở đoản; (2) Luôn lắng nghe cấp
dưới trình bày, chia sẻ; có kế hoạch thăm hỏi, động viên khi cần, luôn phải đặt
mình vào vị trí của cấp dưới để xem xét, đánh giá. Lắng nghe vừa là kỹ năng vừa
là nghệ thuật khi hoạt động lắng nghe của lãnh đạo đánh thức tiềm năng, năng lực
và phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm, là hạt nhân gắn kết các thành viên của
tổ chức, phát triển niềm tin cho con người. Khi nghe, nhà lãnh đạo nên đặt mình
vào vị trí của cấp dưới để không thể hiện sự gia trưởng, “cả vú lấp miệng em”.
Nên nhớ rằng, “nghe” là hoạt động “đối thoại” vô cùng hiệu quả, bởi “nói là bản
năng nhưng nghe mới là bản lĩnh”, nghe lời trung ngôn, điều “nghịch nhĩ” thì
càng thể hiện tâm thế cầu thị, khiêm nhường của chủ thể lãnh đạo, bởi lúc đó đã
đạt được cảnh giới “chân, thiện, mỹ”; (3) Tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của cấp
dưới và các thành viên trong tổ chức. Toàn bộ hoạt động lãnh đạo, quản lý, xét
về bản chất, cũng đều xoay quanh hai phạm trù lớn đó là “nhu cầu” và “lợi ích”.
Trước hết là thỏa mãn các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con người, của mọi
tầng lớp trong xã hội. Trong mối quan hệ giữa con người với con người thì nhu cầu
cao nhất của con người là “được tôn trọng” và “được thể hiện cái tôi mình”[5], do đó, đối với hoạt động giao tiếp cũng
cần chú ý đến nhu cầu này. Giao tiếp, ứng xử sẽ thất bại nếu đối phương cảm thấy
bị xúc phạm, càng thất bại hơn khi hoạt động giao tiếp mà người lãnh đạo chỉ
“dành” phần “nói” về mình mà không cho cơ hội để đối phương thể hiện, khẳng định
mình. Thứ nữa, hoạt động của con người không tách rời với lợi ích (vật chất và
tinh thần), hoạt động đối nhân xử thế,
xét đến cùng, là điều hòa các lợi ích một cách tốt nhất, công bằng nhất. Sau một
cuộc giao tiếp, con người cảm thấy bị xúc phạm (lợi ích tinh thần) hay thua thiệt
(lợi ích vật chất) thì chắc chắn không có tư cách để nói đến “nghệ thuật ứng xử”.
Do đó, nhà lãnh đạo cần phải hết sức chú ý đến lợi ích của cấp dưới để họ an
tâm lao động, học tập, cống hiến, gắn bó với tổ chức. Câu tục ngữ “đất lành
chim đậu”, xét trên bình diện ứng xử và giao tiếp, hoàn toàn phù hợp và có ý
nghĩa sâu sắc. Chữ “lành” thể hiện một phần của nghệ thuật ứng xử trong giao tiếp:
có thể là “lành mạnh”, cũng có thể là “an lành”, “tốt lành” hay “thiện lành”,
Thứ hai, thuật ứng xử hài hòa giữa công việc và
quan hệ gia đình. Người
lãnh đạo thành công là người xử lý tốt mối quan hệ giữa sự nghiệp và gia đình,
giữa trách nhiệm và tình yêu, giữa “công” và “tư”. Không còn nghi ngờ gì nữa,
gia đình, tình yêu luôn là động lực cho sự nghiệp và sự nghiệp là sự kết tinh bởi
tình yêu, trách nhiệm.
Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là nơi chúng ta được yêu thương và chia sẻ tình yêu
thương, có vai trò quan trọng,
từ định hướng, nuôi dưỡng nhân cách cũng như giáo dục con người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, trở thành những
công dân có ích đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Đối với lãnh đạo, gia đình trở thành nơi
“điều hòa” mối quan hệ và là một phần của động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống
hiến, thậm chí là sự hy sinh. Không phải ngẫu nhiên mà “Bát điều mục” của Tứ
Thư nên ra là: “Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ”. Điều này cho thấy, nhân tố “gia đình” đóng vai trò quan trọng đối
với một con người, thậm chí muốn thay đổi thế giới, muốn “bình thiên hạ” phải bắt
đầu từ nhận thức cá nhân (cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm) và gia đình (tề
gia: xếp đặt mọi việc trong gia đình cho hài hòa, yên ấm). Thế nhưng, thực tế
cho thấy, không ít lãnh đạo lấy lý do công việc quá bận rộn nên không có thời
gian chăm lo gia đình, không dành tình yêu thương cho các thành viên của tổ ấm.
Nên nhớ rằng, người đã có tình yêu thương thì bất luận trong trường hợp nào
cũng không để người thân, người mình yêu thương phải cô đơn, đau khổ, tủi thân.
Trong điều kiện của “xã hội số” như hiện nay thì sự quan tâm không nhất thiết
phải “kề vai sát cánh”, “mặt đối mặt” mà đôi khi chỉ cần một cuộc điện thoại, một
tin nhắn. Không quá để nói rằng, nếu không có chữ “tình” thì khó có thể làm
lãnh đạo và trở thành một người lãnh đạo tốt, bởi lãnh đạo ngoài yêu cầu về trí
tuệ, thông minh (chỉ số IQ – chỉ số thông minh) còn rất cần yếu tố tình cảm, cảm
xúc (chỉ số EQ – chỉ số cảm xúc), nhưng có lẽ thiếu lòng trắc ẩn và tình yêu
thương con người (chỉ số LQ – chỉ số tình yêu) thì không thể xả thân vì công việc
chung, giúp mọi người thăng hoa và thực hiện ước mơ của mình.
Tất nhiên, chữ “TÌNH” của người lãnh đạo không chỉ gói gọn ở phạm vi gia
đình mà còn mở rộng ra ngoài xã hội và trong công việc chung của tổ chức. Chúng
ta không thể đánh đổi công việc cho gia đình hay ngược lại, vấn đề là phải điều
hòa được mối quan hệ này một cách khoa học, hiệu quả. Có người “vùi đầu” với
công việc nhưng lại “bỏ quên” gia đình mà đến một ngày nào đó, “quay đầu nhìn lại”
thì thứ quý giá nhất đã không bao giờ còn nữa: cha mẹ, vợ chồng, con cái, người
thân; có người “ăn cơm xong, chùi mép” là đi ngay vì công việc quá bận thì đến
một ngày muốn trở về, nán lại chút nữa cũng không còn cơ hội; có người muốn có
địa vị và tiền bạc mà quên đi những giá trị từ gia đình và một ngày nào đó, địa
vị hết, tiền mang về cũng không còn ý nghĩa nhiều[6].
Ngày nay gia đình càng ngày càng cần sự dân chủ, vì vậy muốn kiếm tiền nuôi
gia đình, theo đuổi sự nghiệp là “quyền” của mỗi người nhưng cũng cần có “nghĩa
vụ” quan tâm đến từng thành viên trong gia đình, chí ít là tình cảm. Con người
hoàn thiện là con người có đầy đủ cung bậc tình cảm, có sức sống và được sự yêu
mến của nhiều người trong đó có các thành viên gia đình và nơi làm việc. Do đó,
với tư cách là người lãnh đạo thì phải ý thức một cách đầy đủ, rõ ràng về vai
trò, trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức, với gia đình, gia tộc để không
ngừng rèn luyện, phát triển mối quan hệ, đối nhân xử thế đến tầm nghĩa của nghệ
thuật, của “chân, thiện, mỹ”.
TS. PHẠM ĐI
[1]
Trong cuộc sống cũng như trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, nhiều người (có cả
lãnh đạo) chỉ biết nghe nhưng chưa biết lắng nghe; chỉ biết nhìn nhưng chưa biết
quan sát; chỉ biết để ý nhưng chưa biết quan tâm; chỉ biết hiểu nhưng chưa biết
“ngộ”; chỉ có kỹ năng nhưng chưa đạt tầm nghệ thuật,…
[2]
Nguyễn Bá Dương, Khoa học lãnh đạo – lý
thuyết và kỹ năng, Nxb.
Lý luận chính trị. H.2015, tr.378.
[3] Hòa Thân, Tứ thư lãnh đạo (Thuật lãnh đạo, quyển hạ), Trần Thu Hiên (và nhiều
dịch giả khác) dịch, Nxb. Lao động-Xã hội, H. 2016, tr.331-332.
[4] Nguyễn Bá Dương, Khoa học lãnh đạo – lý thuyết và kỹ năng, Nxb. Lý luận chính trị.
H.2015, tr.378-379
[5] Xem “Thuyết nhu cầu” của Abraham Maslow (1908-1970) đã trình bày ở phần trên.
[6] Lời nói sau cùng của bị cáo Đinh La
Thăng: mình là người con bất hiếu, không có mặt khi bố mất, và không thể đưa
ông về nơi an nghỉ cuối cùng (https://vietnamnet.vn/ong-dinh-la-thang-noi-loi-sau-cung-bi-cao-la-nguoi-con-bat-hieu-437652.html); Nói lời sau cùng, bị cáo Nguyễn Đức
Chung nhận tội, nhận trách nhiệm để xảy ra vụ án: Tôi còn bố, mẹ già nên rất
mong muốn HĐXX cho tôi được hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về đoàn tụ với gia
đình, người thân; Nói lời sau cùng, bị cáo Lê
Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Đông Kinh) mong cho bị cáo được hưởng mức
án nhẹ nhất để bị cáo sớm trở về với gia đình, phụng dưỡng người thân…; Nói lời
sau cùng, bị cáo Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hà Nội) tâm tư: Bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật để bị cáo sớm
trở về gia đình trong thời gian sớm nhất…; Nói lời sau cùng, bị cáo Võ Việt
Hùng (Giám đốc Công ty Đông Kinh): Bị cáo mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt
cho bị cáo để bị cáo sớm được trở về với gia đình (https://cand.com.vn/Ban-tin-113/noi-loi-sau-cung-bi-cao-nguyen-duc-chung-nhan-toi-nhan-trach-nhiem-de-xay-ra-vu-an-i639898/). Đủ thấy, “mẫu số
chung” của những lời nói sau cùng đó là “người thân và gia đình”.
Nhận xét
Đăng nhận xét