KỸ NĂNG QUẢN TRỊ XUNG ĐỘT TRONG TỔ CHỨC

 

NGƯỜI LÃNH ĐẠO VÀ KỸ NĂNG QUẢN TRỊ XUNG ĐỘT

Xung đột là một hiện tượng xã hội nảy sinh trong đời sống xã hội do tính tất yếu khách quan quy định trong quá trình phát triển xã hội. Nguyên nhân nảy sinh, tồn tại, phát triển xung đột có thể từ yếu tố chủ quan, ngẫu nhiên từ các chủ thể xã hội nhưng cũng có thể do nhân tố khách quan. Lĩnh vực xung đột bao trùm lên nhiều hiện tượng xã hội như giai cấp, tôn giáo, chủng tộc… và nhiều lĩnh vực cụ thể như kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh, …. Đương nhiên, cần được giải quyết để ổn định tổ chức, phát triển xã hội. Nói cách khác, trong hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội, nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra một cách hiệu quả, nhanh chóng buộc nhà lãnh đạo phải giải quyết tốt các hiện tượng lệch lạc xã hội, mâu thuẫn và xung đột xã hội để tạo sự đồng thuận và tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài tổ chức. Muốn vậy, cần phải bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng giải quyết xung đột. Kỹ năng quản lý xung đột là khả năng phát hiện, giải quyết, ngăn chặn hoặc vận dụng điểm tích cực của xung đột. Quản lý xung đột một cách khéo léo và mang tính xây dựng là điều cần thiết và quan trọng để có thể kích thích được sự thay đổi tích cực của nhân viên và phát triển môi trường làm việc trong một tổ chức, nhóm và cộng đồng.

Trong khoa học lãnh đạo, vấn đề mâu thuẫn và xung đột là một chủ để nghiên cứu chuyên sâu giúp nhà lãnh đạo hiểu, nắm bắt bản chất, nội dung, vai trò, phương pháp, mô hình hóa giải xung đột, các kỹ thuật và nguyên tắc xử lý xung đột; Từ đó rèn luyện kỹ năng quản trị xung đột để ổn định, phát triển tổ chức.

Về hình thức xung đột, theo nhiều nghiên cứu hiện có nhiều cách phân loại xung đột nhưng chủ yếu thể hiện ở một số kiểu loại: xung đột về giá trị, xung đột vai trò, xung đột quan hệ, xung đột nhóm, xung đột về phân phối, xung đột về tổ chức và cơ cấu. Về vai trò của xung đột thể hiện ở một số phương diện: giúp nhà lãnh đạo ý thức được (và chấp nhận) sự khác biệt; thông qua xung đột sẽ là kênh điều chỉnh hành vi cá nhân, nhóm; xung đột tạo ra sự phức hợp và hình thành tính đa dạng về nhu cầu, lợi ích; xung đột góp phần tạo ra sự tương đồng trong cuộc sống chung; xung đột mang lại sự thay đổi và xung đột là điều kiện để nhà lãnh đạo củng cố, ổn định những gì đang tồn tại[1].

Về cách tiếp cận vấn đề xung đột, hiện có nhiều “cách nhìn” khác nhau về xung đột theo từng giác độ của mỗi nhà nghiên cứu và lăng kính của mỗi khoa học. Tuy nhiên, một số cách tiếp cận sau mang tính phổ biến: (i) Tiếp cận hệ thống. Tiếp cận hệ thống được sử dụng phù hợp với nghiên cứu xung đột xã hội trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, môi trường. Xung đột xã hội là một hệ thống với nhiều mối liên hệ khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống. Các lĩnh vực của đời sống đều có mối liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau, trong đó, xung đột xã hội có thể đan kết giữa những lĩnh vực này, trong một xung đột xã hội có thể bao hàm nguyên nhân kinh tế (lợi ích), chính trị (quyền lực), văn hóa - xã hội (khác biệt giá trị, định kiến), pháp luật (thiếu cơ sở pháp lý). Vì vậy, các nguyên nhân và hợp phần cấu thành nên xung đột xã hội rất khó chia tách mà cần phải nhìn nhận dưới góc nhìn tổng hợp, hệ thống theo chiều dọc (các lĩnh vực) và chiều ngang (các mối liên hệ đan xen xuyên lĩnh vực); (ii) Tiếp cận toàn thể. Tiếp cận toàn thể cung cấp một góc nhìn toàn diện và tổng hợp, giúp ích cho việc phân tích đánh giá xung đột xã hội và đề xuất giải pháp ngăn ngừa xung đột xã hội phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Để quá trình đề xuất giải pháp có tính khả thi và hiệu quả, tiếp cận toàn thể nhìn nhận xung đột xã hội là một quá trình mang tính chất bao trùm. Về khía cạnh thực tiễn, gồm có nhận diện đặc điểm xung đột xã hội, phân tích nguyên nhân nảy sinh xung đột xã hội, dự báo xu hướng xung đột xã hội, tìm kiếm giải pháp ngăn ngừa và cơ chế xử lý xung đột phù hợp với tình huống cụ thể. Về khía cạnh lý luận, góc nhìn toàn diện về xung đột xã hội thể hiện ở việc phân tích khái niệm, loại hình, cơ cấu, động lực của xung đột xã hội, bao gồm yếu tố nội tại của xung đột xã hội và yếu tố tác động đến xung đột xã hội. Như vậy, tiếp cận toàn thể mang lại nhận thức đầy đủ, phù hợp và cần thiết trong việc nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý và ngăn ngừa xung đột xã hội; (iii) Tiếp cận cấu trúc-chức năng. Sự phù hợp của tiếp cận cấu trúc-chức năng thể hiện ở việc nhìn nhận xã hội với trạng thái ổn định, trong đó xung đột xã hội có chức năng tạo động lực cho sự phát triển của xã hội. Việc đánh giá vai trò của xung đột xã hội là cơ sở để nhận diện những mối liên hệ đa chiều giữa các thành tố cấu thành nên xung đột xã hội, và những yếu tố tác động đến xung đột xã hội. Tiếp cận chức năng giúp cho việc đánh giá xung đột xã hội trong góc nhìn đa chiều của những chủ thể khác nhau trên địa bàn nghiên cứu; (iv) Tiếp cận xung đột xã hội. Tiếp cận xung đột xã hội cung cấp một góc nhìn vừa trái ngược và vừa đồng thuận với tiếp cận chức năng, phù hợp với mục đích nghiên cứu về một xã hội năng động, luôn biến đổi và đầy mâu thuẫn - xung đột. Tiếp cận này mang lại nhận thức về tính khác biệt của cá nhân và nhóm trong xã hội vì lý do địa lý, tầng lớp, tôn giáo, quyền lực, từ đó tạo nên sự khác biệt về tài sản, sở hữu, địa vị xã hội, dẫn đến phân tầng xã hội, chênh lệch giàu nghèo và thậm chí là bất công xã hội. Với tiếp cận xung đột xã hội, nhiệm vụ nghiên cứu này nhìn nhận vấn đề nghiên cứu trên chiều kích của tính khác biệt xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo và những hệ quả nảy sinh từ những khác biệt trên. Đây là cơ sở nền tảng để nhận diện chính xác và đầy đủ về xung đột xã hội nhằm hướng tới xây dựng hệ thống giải pháp và kiến nghị phù hợp đối với công tác quản lý và ngăn ngừa xung đột xã hội.

Về nguyên nhân xung đột, có nhiều cách phân chia các nhóm nguyên nhân về xung đột xã hội như: nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài; nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan; nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân không chủ yếu; nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân gián tiếp; nguyên nhân kinh tế (những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, lao động, việc làm…), nguyên nhân chính trị (những mâu thuẫn về quan điểm chính trị, tư tưởng chính trị, về quyền lực chính trị, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố), nguyên nhân văn hóa (sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, tư tưởng, quan điểm, nhận thức, tệ phân biệt chủng tộc), nguyên nhân tâm lý (stress, căng thẳng, áp lực tâm lý, khủng hoảng tâm lý, bạo lực tình dục, bất bình đẳng về giới), nguyên nhân môi trường (thiên tai, hạn hán, sóng thần, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên), nguyên nhân xã hội (bất bình đẳng xã hội, phân hóa, phân tầng xã hội).

Nguyên nhân chung nhất của xung đột xã hội là mâu thuẫn không thể điều hòa về lợi ích (lợi ích theo nghĩa rộng bao gồm lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị, lợi ích văn hóa, lợi ích tinh thần). Bên cạnh mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về văn hóa cũng là nguyên nhân khá phổ biến. Đó là nguyên nhân do những khác biệt về văn hóa, lối sống, quan điểm, giá trị, tôn giáo, v.v.. Mỗi loại xung đột xã hội có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó mâu thuẫn không thể điều hòa về mặt lợi ích đóng vai trò như là nguyên nhân sâu xa, còn các nguyên nhân cụ thể khác đóng vai trò như những nguyên nhân trực tiếp. Xác định đúng nguyên nhân của xung đột xã hội là một yêu cầu quan trọng, bởi có xác định đúng đắn nguyên nhân của xung đột xã hội thì chúng ta mới có thể đưa ra cách giải quyết đúng đắn.

Trong một tổ chức cụ thể thì nguyên nhân xung đột có thể được liệt kê dưới một số phương diện, lĩnh vực cụ thể sau: Do chuyên môn hóa; do thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc dẫn đến căng thẳng; do sự phụ thuộc lẫn nhau quá mức nên không còn “dư địa” cho sự tự do, sáng tạo; do nhiệm vụ không được phân công rõ ràng dẫn đến chồng chéo và “dẫm chân lên nhau”; do sự khác nhau giữa cá nhân và nhóm; do khan hiếm nguồn lực; do những thay đổi xảy ra quá đột ngột; do nhiệm vụ, tổ chức, lãnh đạo; do chế độ thưởng phạt thiếu công bằng; do thiếu thông tin; do thiếu các nội quy và quy định chặt chẽ trong tổ chức; do phương thức lãnh đạo quản lý không thích hợp v.v…

Rèn luyện năng lực quản trị và giải quyết xung đột, trong thực tế không có một cách giải quyết xung đột tốt nhất nào cho mọi xung đột. Cách giải quyết phụ thuộc rất nhiều vào khả năng, uy tín và kinh nghiệm của người lãnh đạo và người quản lý. Một nguyên tắc quan trọng trong giải quyết xung đột là: Tạo nên môi trường tổng hợp thuận lợi để giải quyết xung đột. Có hai chiến lược quản lý quan trọng để phòng xung đột: (i) Quản lý chặt chẽ các sự kiện xảy ra bất ngờ theo các mức độ khác nhau. Muốn vậy, người lãnh đạo phải luôn tiến hành công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh và có biện pháp hóa giải xung đột từ sớm, từ xa, từ “trong trứng nước”; (ii) Quản lý bằng mục tiêu. Quá trình mà những người lãnh đạo, quản lý giám sát và cấp dưới cùng tham gia xác định mục tiêu, xác định các lĩnh vực theo trách nhiệm cá nhân, lập kế hoạch chiến lược, thiết kế nhiệm vụ để đạt mục tiêu, thực hiện và đánh giá kết quả là một chiến lược có thể sử dụng để thu hút sự tham gia của mọi người trong tổ chức, tránh được các xung đột có thể xảy ra do bất đồng và thiếu dân chủ; (iii) Tăng cường công tác đối thoại, lắng nghe. Thực ra, có những xung đột do thiếu cơ chế hoặc cơ hội để được trình bày, giải bày, phân bua; chia sẻ ý kiến, chính kiến, quan điểm; hiểu được vì sao lợi ích của bản thân, tổ chức chưa được đáp ứng hoặc đáp ứng chưa đầy đủ theo nguyện vọng,…Trên thực tế, nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp, xét đến cùng thì nguyên nhân của nó là người dân chưa “thông đạt”, chưa hiểu và chưa được lãnh đạo quan tâm gặp gỡ, trao đổi. Từ đó “đẩy mâu thuẫn” lên cao và tính chất trở nên phức tạp, thậm chí dẫn đến mất trật tự, bạo loạn. Do đó, người lãnh đạo phải biết kết hợp với kỹ năng lắng nghe, kỹ năng nói trước công chúng, kỹ năng duy trì các mối quan hệ, kỹ năng tạo dựng lòng tin,… để hóa giải mâu thuẫn, quản trị tốt các xung đột xã hội. Trong điều kiện và bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ nhà lãnh đạo cũng cần thay đổi nội dung, hình thức, phương thức tiếp dân hiệu quả hơn, thực chất hơn. Nhất thiết phải tránh hình thức, qua loa, chiếu lệ; chỉ chú ý số lượng mà không trọng thị vấn đề chất lượng các cuộc đối thoại, trao đổi, lắng nghe. Thứ nữa và cũng là điều cực kỳ quan trọng là, gần dân hơn, sát dân hơn để lắng nghe hơi thở của cuộc sống, cảm nhận được bầu không khí xã hội trong tổ chức, ngoài tổ chức, trong nhân dân, toàn xã hội để hiểu được cần làm gì. Nếu nhận được sự đồng thuận cao của mọi người thì chắc chắn xung đột, mâu thuẫn sẽ bị đẩy lùi và ngược lại; (iv) Khi giải quyết xung đột nhà lãnh đạo phải trung thực, chính trực, công bằng và cố gắng đưa về trạng thái “hai bên cùng có lợi” theo cơ chế win-win. Có 3 cách tiếp cận chủ yếu trong hóa giải mâu thuẫn, xung đột chủ yếu. Thứ nhất là “thắng-thua”, kết quả là có một bên chiến thắng vượt trội hơn, và bên còn lại bị chèn ép[2]. Tuy nhiên, bên thất bại lại thườngchuẩn bị rất kỹ lưỡng cho lần xung đột tiếp theo. Cách tiếp cận này về lâu dài, sẽ không có bên nào đạt được mục đích của mình do xung đột tiếp tục được sinh ra. Thứ hai là “thua-thua”, thể hiện bằng cách làm dịu xung đột hoặc bằng cách đạt được những thỏa hiệp đơn giản nhất do không tìm ra được một giải pháp tốt hơn hoặc để ngăn chặn sự leo thang và kết quả thắng-thua. Mỗi bên đều có được một số thứ mình muốn và tự cam kết với sự hài lòng một phần. Thứ ba là “thắng-thắng”, tức là đôi bên cùng có lợi, là một nỗ lực có ý thức và có hệ thống nhằm tối đa hóa các mục tiêu của cả hai bên thông qua hợp tác giải quyết vấn đề. Phương pháp này tập trung vào nhu cầu và ràng buộc của cả hai bên hơn là nhấn mạnh vào các chiến lược được thiết kế để chiến thắng áp đảo. Xác định vấn đề đầy đủ phân tích và phát triển các giải pháp thay thế trước các quyết định đồng thuận về các giải pháp được cả hai đồng ý. Các bên xung đột sẽ tiến hành làm việc để hướng tới các mục tiêu chung. Có sự nhấn mạnh vào chất lượng của các mối quan hệ lâu dài giữa các bên, hơn là sự thích nghi ngắn hạn. Giao tiếp cởi mở và trực tiếp hơn. Đe dọa và ép buộc bị cấm. Giả định được đưa ra rằng các thỏa thuận tích hợp có thể thực hiện được với đầy đủ các nguồn lực hiện có trong mối quan hệ. Thái độ và hành vi hướng tới sự gia tăng lòng tin và sự chấp nhận hơn là sự leo thang của sự nghi ngờ và thù địch. Phương pháp đôi bên cùng có lợi đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng rất cao trong quan hệ con người và giải quyết vấn đề và tài khéo léo của người lãnh đạo với tư cách là người “điều khiển trò chơi” để hóa giải mâu thuẫn, xung đột trong tổ chức, ngoài xã hội.

Như vậy giải quyết xung đột có vai trò vô cùng quan trọng đối với tổ chức và nhất là trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Nếu giải quyết không đúng đắn có thể làm xung đột phát triển ở giai đoạn mới và tạo ra mâu thuẫn nặng hơn. Nếu có kỹ năng, năng lực quản trị xung đột một cách khoa học, hợp lý thì sẽ tạo ra nguồn “năng lượng” mới cho tổ chức, càng làm cho mọi thành viên hiểu nhau hơn, đoàn kết hơn và phối hợp hiệu quả hơn. Vì thế, việc phát hiện và tìm giải pháp hợp lý để giải quyết xung đột thể hiện năng lực của người lãnh đạo.



[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính trị học, Các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Nxb. Chính trị-hành chính, H.2013, tr, 207-208.

[2] Xem thêm: Lê Hồng Nhật, Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị-kinh doanh. Nxb. Thanh niên. H. 2018.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ