QUẢN LÝ RỦI RO ĐÔ THỊ: KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM
QUẢN LÝ RỦI RO ĐÔ THỊ: KINH NGHIỆM CỦA
MỘT SỐ QUỐC GIA VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM
1.
Đặt vấn đề
Đô thị là vấn đề không mới, nhưng nghiên cứu về quản lý đô thị
nói chung, quản lý rủi ro đô thị nói riêng chưa bao giờ là lạc hậu, thậm chí
càng mang tích cấp bách. Không phải ngẫu nhiên mà “đột phá chiến lược” mà Đảng
ta đã xác định trong mục tiêu phát triển cho giai đoạn 2021-2030 là: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng
yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ
thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ
tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa
phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội
số”[1].
Như vậy, phát triển đô thị, phát triển đô thị thông minh bền vững thực sự là
yêu cầu, nhiệm vụ mang tính chiến lược của đất nước. Xã hội càng phát triển thì
hoạt động quản lý xã hội phải càng được chú trọng, chuyên nghiệp hơn, khoa học
hơn. Hoạt động quản trị đô thị không phải là ngoại lệ.
Quản trị đô thị là quá trình phức
hợp, mang tính hệ thống, sử dụng các công cụ chính trị, hành chính, kinh tế,
pháp luật, xã hội và truyền thông để quản lý các công việc chung, giải quyết vấn
đề công, cung ứng dịch vụ công trong phạm vi của một đô thị nhất định, qua đó
nhằm tối đa hóa lợi ích công và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Để
kiến tạo những “đô thị lớn”, “đô thị thông minh” trước tiên cần phải hình thành
triết lý về quản trị đô thị. Tức là, vừa phải đảm bảo sự gắn kết hữu cơ giữa
tăng trưởng kinh tế, quản trị môi trường và công bằng xã hội trong suốt quá
trình phát triển của đô thị; vừa phải nhận diện, dự báo các rủi ro có thể nảy
sinh để có giải pháp khắc phục, hạn chế tác động tiêu cực đến tiến trình phát
triển bền vững của đô thị. Trong bài viết này, thông qua phân tích các kinh
nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về quản lý rủi ro đô thị, tìm hiểu những
thế mạnh, rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra một số kiến nghị mang tính
giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý đô thị, giảm thiểu các rủi ro đô thị,
hướng đến phát triển đô thị một cách bền vững.
2. Kinh nghiệm quản lý rủi ro đô thị ở một
số quốc gia trên thế giới
2.1. Quản lý rủi ro đô thị của Mỹ
Cho đến thời điểm hiện tại, có thể
nhận định Mỹ là một trong nhóm quốc gia có hệ thống thể chế quản lý rủi ro đô
thị khá hoàn thiện. Hệ thống chính sách, thể chế được xây dựng trên nền tảng
năng lực quản trị chỉnh thể, thông qua quá trình pháp chế hóa, cơ quan chức
năng quản lý đô thị của Mỹ đã hình thành các chính sách đối phó với các nguy
cơ, khủng hoảng, rủi ro đô thị một cách hoàn chỉnh, mang tính hệ thống cao. Cụ
thể, chính quyền các cấp của Mỹ đã thực hiện nhiều biện pháp như sau:
Thứ nhất,
hình thành cơ cấu và bộ máy lãnh đạo thống nhất, phối hợp hài hòa trong quản
lý, xử lý các rủi ro đô thị. Tại Mỹ, Cơ quan quản lý khẩn cấp Liên bang (FEMA)[2] là tổ
chức cao nhất có chức năng, nhiệm vụ quản lý khủng hoảng, rủi ro cũng như các vấn
đề xã hội nảy sinh. Cơ quan này có quyền chế định cơ chế quản lý tình trạng khẩn
cấp trên phạm vi toàn quốc, chế định và quy phạm hóa các tiêu chuẩn; bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng về ứng phó với rủi ro, tình trạng khẩn cấp; cung cấp nguồn lực
tài chính cho các bang phục vụ cho công tác ứng phó rủi ro, khủng hoảng; cho
phép các bang chế định các quy định, chính sách phù hợp với luật liên bang về ứng
phó rủi ro,… Trong những năm trở lại đây, FEMA đã phát triển thành một hệ thống
quản lý ứng cứu mang tính tổng hợp để có khả năng ứng phó với các tình trạng khẩn
cấp trên nhiều quy mô khác nhau từ thiên tai đến nhân tai: từ cảnh sách phòng
cháy chữa cháy, các lực lượng chuyên biệt ứng phó với động đất đến biệt đội chống
bạo động, khủng bố,...Cơ quan FEMA có trách nhiệm trực tiếp báo cáo với tổng thống
tình trạng và cách xử lý các rủi ro, khủng hoảng. Ngoài ra, Cơ quan quản lý khẩn
cấp Liên bang có quyền chỉ huy và huy động các lực lượng tại các bang (địa bàn
xảy ra vấn đề cần giải quyết) để tiến hành ứng phó với các rủi ro, thảm họa.
Thứ hai,
hình thành cơ chế phân cấp để tiến hành quản lý rủi ro đô thị hiệu quả.
Theo kinh nghiệp xử lý các rủi ro và các vấn đề nảy sinh, tùy theo tính chất, mức
độ, phạm vi ảnh hưởng mà FEMA chia rủi ro thành 3 cấp khác nhau. Cụ thể, Mức độ rủi ro cấp 1: những sự kiện, sự
việc khẩn cấp mang tính địa phương, khu vực. Đương nhiên, cơ quan chức năng có
nhiệm vụ xử lý, ứng phó là cấp thành phố và tương đương; Mức độ rủi ro cấp 2: là các sự kiện xảy ra trên quy mô một bang và
thông thường chính quyền của bang có quyền phát ngôn, cung cấp thông tin, họp
báo và có phương án xử lý tình trạng khẩn cấp đó. Nếu sự kiện, rủi ro xảy ra
trên địa bàn giáp ranh hoặc liên đới đến nhiều bang lân cận thì có cơ chế phối
hợp giải quyết; Mức độ rủi ro cấp 3:
là cấp chỉ có tổng thống mới có quyền công bố tình trạng. Tổng thống có thể huy
động nguồn lực và lực lượng hỗ trợ trên tất cả các bang nếu thấy cần thiết. Thế
nhưng, các biện pháp hay phương tiện cụ thể thì phải thông qua luật định. Đương
nhiên, từ cấp độ liên bang đến bang, địa phương đến cấp thấp hơn thì chính phủ
Mỹ đã chế định hệ thống pháp quy, pháp luật khá hoàn chỉnh về công tác phối hợp,
xử lý, ứng phó với tình trạng khẩn cấp.
Thứ ba, có cơ chế,
chính sách để thị dân, cộng cồng và tổ chức phi chính phủ tham gia trong quản
lý rủi ro đô thị. Trên bình diện chung mà nói, ý thức tham gia của người dân
(và thể hiện quyền được tham gia) trên nhiều đô thị ở các nước tương đối cao. Đối
với công tác quản lý rủi ro đô thị, chính phủ không chỉ phát huy vai trò chủ đạo
của mình mà còn cần phải có cơ chế để cổ vũ cho người dân, cộng động, các tổ chức
phi chính phủ tham gia, hình thành mạng lưới đa chủ thể trong công tác quản lý
đô thị nói chung, quản lý rủi ro đô thị nói riêng. Điều này thể hiện trong công
tác nghiên cứu điều tra để nắm bắt thông tin, công tác chuẩn bị để ứng phó với
các sự kiện khẩn cấp, công tác giải quyết hậu quả do khủng hoảng từ thiên tai
và nhân tai,... Tại Mỹ, cơ chế hợp tác công-tư gần như có mặt trên nhiều lĩnh vực.
Trong khi thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ thì hầu như các cơ quan thông tấn
(bất luận là công hay tư) đều dồn nguồn lực để đưa tin phục vụ. FEMA ban hành
cơ chế để toàn dân tham gia ứng phó với các rủi ro, khủng hoảng, bao gồm cả đội
ngũ tự ứng cứu ở cơ sở; hằng năm đều có các lớp huấn luyện cho cộng đồng, doanh
nghiệp, tổ chức phi chính phủ để nâng cao kiến thức, kỹ năng về ứng phó với các
vấn đề nảy sinh.
Thứ tư, cung cấp
các thông tin kịp thời và minh bạch hóa thông tin liên quan. Nhằm giúp công
chúng nắm, hiểu đúng về các sự việc liên quan đến thảm họa, rủi ro thì cần phải
cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác cho người dân, tránh hiện tượng tò
mò, suy đoán mà nảy sinh các tin đồn bất lợi. Đương nhiên, trong hệ thống pháp
luật của Mỹ có quy định chính quyền phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho
người dân; các cơ quan truyền thông và các nền tảng thông tin khác có quyền độc
lập trong quá trình đưa tin liên quan. Điều đáng nói là, cơ quan thông tin Mỹ
luôn mong muốn cung cấp thông tin nhanh nhất, có giá trị nhất nên “không tiếc
công sức, máu xương” để tìm kiếm thông tin “nóng” có liên quan. Điều này vô
hình trung là lực lượng tăng cường giám sát hành vi của chính phủ. Về phía
mình, để tranh thủ sự ủng hộ của người dân, xây dựng hình tượng, chấp hành pháp
quy,... nên chính phủ luôn có thái độ trọng thị và hợp tác với giới truyền
thông. Chính cơ chế này đã ít nhiều tạo sự “cân bằng thông tin” và người dân
nhanh chóng nhận được thông tin chính xác từ các vấn đề nảy sinh.
Thứ năm,
tăng cường công tác nghiên cứu quản lý rủi ro đô thị. Tại Mỹ, quản lý rủi
ro là một khoa học, một ngành nghề. Từ đó cũng đòi hỏi những nghiên cứu một
cách tỉ mỉ, nghiêm túc về các khía cạnh của rủi ro đô thị; cần có những nguồn lực
tương ứng như nhân lực, vật lực, tài lực để phục vụ và tiến hành các nhiệm vụ
quản lý rủi ro. Sự kiện 11-9 càng làm cho giới lãnh đạo Mỹ chú trọng đến khoa học
về quản lý rủi ro; càng tăng thêm quỹ cho công tác xử lý tình trạng khẩn cấp;
càng gia tăng đội ngũ làm công tác nghiên cứu, quản lý rủi ro. Trung tâm kiểm soát
và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC) của
Mỹ có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quy mô ảnh hưởng rất lớn. Nhiều thành phố lớn
trên thế giới có trụ sở của CDC, nhiệm vụ là nghiên cứu và ứng phó với các rủi
ro, khủng hoảng y tế công (bao gồm các hoạt động khủng bố bằng vũ khí sinh học).
2.2. Quản lý rủi ro đô thị của Anh
Những năm cuối thập niên 80 của
thế kỷ XX, xuất phát từ một số vấn đề xã hội nảy sinh cũng rủi ro tại các đô thị
lớn ở Vương quốc Anh, Bộ Nội chính của quốc gia này đã ban hành cuốn “Sổ tay xử
lý rủi ro” như là một kim chỉ nam cho việc quản lý các rủi ro xã hội. Chính phủ
Anh đã ý thức được rằng, cơ chế phối hợp giữa các bộ phận chức năng là mấu chốt
để phòng ngừa, xử lý rủi ro. Do đó, chính phủ Anh không những kiến lập cơ chế hợp
tác trực tiếp mà còn thành lập cơ quan hữu quan mang tính liên đới, thống nhất
để quản lý rủi ro. Cụ thể bao gồm một số chính sách sau:
Thứ nhất,
thành lập cơ quan trường trực về điều phối phòng chống rủi ro. Chính phủ
Anh tiến hành thành lập cơ quan phòng chống rủi ro mà cụ thể là chức danh “thủ
trưởng tình trạng khẩn cấp” có chức năng dự báo, cảnh báo cáo rủi ro, khủng hoảng;
chế định các kế hoạch, chính sách liên quan; tiến hành các hoạt động đào tạo,
huấn luyện, tuyên truyền về rủi ro xã hội. Khi rủi ro, khủng hoảng nảy sinh,
thì người phụ trách (thủ trưởng cơ quan tình trạng khẩn cấp) có thẩm quyền điều
động các nguồn lực để xử lý, đồng thời phối hợp các cơ quan hữu quan của chính
phủ (y tế, quốc phòng, cảnh sát) để tăng cường lực lượng và nguồn lực xử lý.
Khi vấn đề nảy sinh tại đô thị thì chính quyền đô thị phối hợp với cơ quan
trung ưng để ứng chiến. Chẳng hạn, khi phát sinh vấn đề y tế (dịch bệnh, bệnh
truyền nhiễm,...) thì phải hợp tác với cơ quan y tế; khi phát sinh vấn đề ô nhiễm,
thiên tai thì cần phối hợp với cơ quan về môi trường, nông nghiệp để xử lý;
phát sinh vấn đề về giao thông thì phối hợp với cơ quan giao thông, vận tải để
giải quyết,... Tại thủ đô Luân Đôn, Cục Chính sách ứng cứu và chữa cháy Luân
Đôn là lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết vấn đề cháy nổ, động đất, tai họa,...
Mỗi quận của Luân Đôn đều có trạm ứng cứu phòng cháy tương ứng, trong đó có
nhân viên quản lý, chuyên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, nhân viên đại diện
quận và các lực lượng khác để ứng phó (nhân viên cứu hỏa, nhân viên cứu hạn,...).
Các trạm này hoạt động theo phương thức 24/7, người dân có thể xem trạm là nơi
trú ẩn khi xảy ra thảm kịch, cũng có thể đến đây để tham vấn các vấn đề phòng
cháy chữa cháy hoặc tư vấn một số vấn đề liên quan. Bắt đầu từ năm 2004, Cục
này đã thành lập đường dây nóng về ứng phó với thảm họa cho công dân trên 60 tuổi
cần có sự trợ giúp. Ngoài ra, Cục còn có nhiệm vụ ứng phó các vấn đề về y tế
công cộng, bất cứ người dân cần trợ giúp đều có thể gọi điện thoại đề nghị cơ
quan này hỗ trợ.
Thứ hai,
ban hành chính sách và các biện pháp cụ thể để tiến hành quản lý rủi ro đô
thị. Trong cơ cấu tổ chức của chính phủ Anh có rất nhiều cơ quan có chức năng
thực hiện quản lý rủi ro, khủng hoảng và các vấn đề xã hội nảy sinh, mỗi một cơ
quan. Tùy theo cấp độ (trung ương hay địa phương), đặc điểm ngành nghề mà mỗi bộ
phận thực hiện những biện pháp, nhiệm vụ cụ thể được quy định một cách rõ ràng.
Chẳng hạn, cơ quan bảo đảm sức khỏe công cộng, phòng chống khủng bố, đội ứng
phó với đình công, bãi công, biểu tình và bạo loạn, lực lượng phòng cháy chữa
cháy, cơ quan xử lý các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, cơ quan phòng ngừa
và xử lý các dịch bệnh đột phát, cơ quan về an toàn vệ sinh thực phẩm, đội
phòng chống ô nhiễm hóa học, cơ quan giải quyết các vấn đề về du lịch, cơ quan
phòng chống và xử lý hacker máy tính ,… Một khi phát sinh sự việc, sự kiện thì
các cơ quan hữu quan (tùy lĩnh vực chuyên ngành đã quy định) sẽ lập tức khởi động
cơ chế ứng phó; các bộ phận liên quan sẵn sàng cơ chế phối hợp.
Thứ ba, coi trọng
công tác giao lưu, hợp tác và tổng kết hoạt động quản lý rủi ro. Một điều có thể
khẳng định rằng, mô thức, tính chất, tần số, sức ảnh hưởng của nguy cơ khủng hoảng
hay rủi ro là không cố định, giống nhau hay “tuần hoàn”. Có nghĩa là, căn cứ
vào các tính chất, sức ảnh hưởng của các rủi ro xảy ra mà có cách ứng phó một
cách linh hoạt, đặc thù. Đương nhiên, bất cứ ứng phó với rủi ro nào cũng cần có
tổ chức và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận hữu quan, đồng thời cần tìm ra
điểm “tương đồng” nhất định nào đó giữa các rủi ro để rút ra kinh nghiệm xử lý
cho các lần tiếp theo. Chẳng hạn, các tổ hợp ứng phó cần phải hướng đến các mục
tiêu cơ bản với những vấn đề cụ thể, tình huống cụ thể, hiệu quả cụ thể để rút
kinh nghiệm. Một khung chỉ đạo, mô thức điều hành đối với từng nhóm vấn đề rủi
ro cần phải được rút ra trong mỗi lần ứng phó rủi ro. Muốn vậy, sau mỗi lần họp
báo, tổng kết rút kinh nghiệm hoặc các báo cáo khoa học sau mỗi sự vụ chính là
bài học quý giá cho hoạt động quản lý rủi ro nói chung, rủi ro đô thị nói
riêng.
2.3. Quản lý rủi ro đô thị Nhật Bản
Quản lý rủi ro nói chung, rủi ro
thiên tai nói riêng là hoạt động rất được chú trọng ở Nhật Bản. Đặc biệt, đối với
một quốc gia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương” nên thiên tai xảy ra với tần
suất khá cao, trong đó hiện tượng bão nhiệt đới, nước biển dân do mưa bão, sạt
lỡ đất, động đất,[3]… rất được
chính phủ Nhật Bản chú ý phòng ngừa và khắc phục hậu quả. Có thể nói, Nhật Bản
với công tác quản lý rủi ro là bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều đô thị
trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta.
Thứ nhất, không
ngừng kiện toàn, hoàn thiện hệ thống luật pháp về quản lý, ứng cứu rủi ro và khủng
hoảng. Với tư cách là trong những một quốc gia đầu tiên ban hành luật liên quan
đến quản lý rủi ro do thiên tai, hệ thống luật pháp của Nhật Bản về lĩnh vực
này luôn được bổ sung, hoàn thiện và hình thành những bộ luật liên ngành. Luật ứng
phó với thiên tai của Nhật quy định hết sức cụ thể, rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ
của Nhà nước, chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội,
của công dân và các nhóm xã hội[4]. Ngoài
ra, Nhật Bản có hơn 50 luật liên quan đến công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên
tai các loại như: các luật về dự báo, dự phòng thiên tai; luật ứng cứu thiên
tai; các luật về phục hồi và xây dựng sau thảm họa, thiên tai; luật tổ chức quản
lý thiên tai,… Tất cả nhưng luật, bộ luật đó hình thành nên mạng lưới luật pháp
và căn cứu pháp lý cho việc quản lý, chỉ đạo phòng chống, giảm nhẹ thiên tai
cũng như các sự cố, rủi ro khác xảy ra.
Thứ hai, hình
thành hệ thống quản lý thông tin đồng bộ, thống nhất. Như đã đề cập ở trên, với
một đất nước chiếm khoảng 20% số trận động đất hơn 6 độ rích-te của thế giới
thì Nhật Bản quả là một quốc gia gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đặc biệt, với trận động đất gây thiệt hại nặng là trận động đất mạnh 7,2 độ
rích-te, xảy ra ngày 17-1-1995, tại thành phố Kô-bê. Ðây cũng được coi là một
trong những vụ động đất tàn phá nghiêm trọng nhất trong lịch sử Nhật Bản, với
khoảng 6.430 người chết, hơn 40 nghìn người bị thương và gần 400 nghìn ngôi nhà
bị sập hoặc hư hại. Cũng trong thập niên 90 của thế kỷ trước, một số vụ động đất
lớn đã xảy ra ở khu vực Hốc-kai-đô và Tô-hô-ku. Trong đó, mạnh nhất là vụ động
đất ngoài khơi phía Tây - Nam Hốc-kai-đô vào tháng 12-1993, có cường độ 7,9 độ
rích-te[5]. Từ những
thực tế đó, chính phủ và người dân Nhật đã có những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt,
mạnh mẽ về công tác nghiệp vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, đồng thời mức đầu
tư của chính phủ cho hoạt động này được gia tăng hơn nhiều. Các trung tâm phòng
chống và giảm nhẹ thiên tai luôn có những màn hình cỡ lớn cung cấp thông tin từ
phía ngoài trụ sở; bất cứ lúc nào cũng có thể cung cấp các thông tin liên quan
như động đất, núi lửa, sóng thần, lũ lụt, gió bão, sạt lỡ đất,….) từ thông tin
dự báo đến các cảnh báo tương quan; cung cấp các hoạt động và thực trạng phòng
chống, giảm nhẹ thiên tai của cơ quan quản lý rủi ro; có thể cung cấp hình ảnh
trực tiếp truyền từ hoạt động của máy bay trực thăng đang hoạt động về phòng ngừa
rủi ro. Trong hoạt động của chính phủ thì nhiệm vụ phòng chống thiên tai được
coi trọng và chiếm một vị trí đặc biệt[6].
Thứ ba, cơ cơ
chế cung cấp và minh bạch hóa thông tin. Nhu cầu và yêu cầu thông tin phục vụ
cho công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai của Nhật Bản đã trở thành thiết yếu
và ở một trình độ khá cao. Từ người dân, doanh nghiệp cho đến chính phủ đều rất
coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng chống rủi ro. Chính phủ và
cơ quan hữu quan thường xuyên cung cấp thông tin cho người dân để nâng cao nhận
thức và ý thức cảnh giác. Hằng năm, vào ngày Thiên tai (ngày 1 tháng 9), toàn đất
nước Nhật triển khai công tác huấn luyện phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong
vòng 1 tuần; thông qua mô phỏng các vụ thiên tai xảy ra để người dân và cơ quan
chức năng đưa ra phương án xử lý, ứng phó và rút ra bài học kinh nghiệm. Hoạt động
này có tầm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ tư, thường
thức hóa công tác phòng chống rủi ro thiên tai. Năm 1961, Nhật Bản đã chế định
“Luật cơ bản về chính sách phòng chống thiên tai” và quy định một cách rõ ràng
về phạm vi trách nhiệm của cơ quan hữu quan về phòng chống rủi ro từ thiên
nhiên; quy định “Hội nghị phòng chống thiên tai Trung ương” và “Hội nghị phòng
chống thiên tai địa phương”. Các cơ quan phòng chống thiên đều phải tham gia
vào “Hội nghị phòng chống thiên tai” đồng cấp; Hội nghị phòng chống thiên tai
có thể điều động các nguồn lực khác nhau để dự phòng, giảm nhẹ, xử lý và cứu trợ
khi xảy ra sự cố. Thông qua cơ chế Hội nghị phòng chống thiên tai, Nhật Bản đã
đưa hoạt động quản lý rủ ro như một hoạt động thường xuyên, liên tục và kiến thức
về phòng chống thiên tai được xem là kiến thức thường thức. Nói cách khác,
không một quan chức nào đứng ngoài hoạt động phòng chống thiên tai; không một
người dân nào không nắm rõ hay “vô ý thức” về phòng chống thiên tai hoặc các sự
cố rủi ro khác.
3. Bài học kinh nghiệm cho hoạt động quản
lý rủi ro đô thị ở nước ta
Từ việc phân tích kinh nghiệm về
quản lý rủi ro từ thiên tai và nhân tai của một số quốc gia, có thể thấy, phòng
ngừa và xử lý rủ ro là một vấn đề nghiêm túc, hệ trọng mang tính hệ thống, tính
khoa học; nó ảnh hưởng đến sự sống còn của cộng đồng, dân tộc hay quốc gia. Mỗi
quốc gia (hay đô thị) có điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử, văn hóa và cơ chế chính
sách không giống nhau nên những chính sách và cách thức ứng phó với vấn đề rủi
ro cũng không hoàn toàn giống nhau. Thế nhưng, những việc làm của chính phủ các
nước cũng ít nhiều cho chúng ta một số gợi ý có giá trị nhất định trong hoạt động
quản lý rủi ro đô thị.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thống nhất
về cơ cấu điều hành. Có thể là sáo rỗng khi nói rằng giải pháp đầu tiên và
cuối cùng trong quản lý rủi ro chính là luật pháp nhưng cần phải ý thức rằng,
khi tiến hành giải quyết một vấn đề nảy sinh cần có căn cứ pháp lý tương ứng.
Hơn nữa, một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh không phải một sớm một chiều mà phải
thông qua một quá trình thực tiễn, quyết tâm chính trị lớn của cơ quan hữu quan
mới hình thành và vận hành được trong đời sống thực tế. Về điều này, trong công
tác quản lý rủi ro mà nói, coi trọng yếu tố luật pháp chính là kinh nghiệm thật
điển hình, quý báu đối với chúng ta. Đặc biệt khi Việt Nam đang xây dựng Nhà nước
Pháp quyền xã hội chủ nghĩa; các đô thị ngày càng mở rộng về quy mô và tính chất;
cải cách hành chính và thí điểm mô hình “thành phố trong thành phố”[7], “thành
phố thông minh”, “chính quyền đô thị”[8] thì hệ
thống pháp luật chính là giải pháp căn cơ để thực hiện. Bởi qua đó, các cơ quan
hữu quan mới đủ căn cứ pháp lý thực hiện; bộ máy thực thi mới đủ cơ sở áp dụng
chế tài; người dân mới có căn cứ tham gia, giám sát các hoạt động của chính quyền,…
Chẳng hạn, với việc thành lập FEMA, thì Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp
Liên bang mới thực sự là tổ chức có quyền lực và trách nhiệm điều hành, xử lý,
huy động các nguồn lực trong ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Ngay trong cơ
quan này cũng từng bước hình thành cơ cấu tổ chức, phân chia các chức năng để đảm
bảo xử lý tất cả các vấn đề liên quan đến an ninh xã hội, an sinh xã hội và an
ninh con người. Cơ quan này còn quy định vai trò, trách nhiệm của các bang và
liên bang khi xảy ra sự cố (bao gồm 12 lĩnh vực, 27 nhiệm vụ). Chúng ta không
quá xa lạ với Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC) bởi những
phản ứng, hoạt động của họ đối với tình trạng dịch bệnh (nhất là trong đợt ứng
phó với COVID-19 vừa qua), hầu như trong tất cả các thành phố của nước Mỹ, đều
có sự hiện diện của cơ cấu tổ chức này.
Thứ hai, mở rộng sự tham gia của người dân, cộng đồng
vào hoạt động quản lý rủi ro. Một khi rủi ro, khủng hoảng phát sinh thì chỉ
sử dụng duy nhất lực lượng “của nhà nước” là không đủ, cần phải có sự tham gia
của người dân, cộng đồng và cả các tổ chức ngoài nhà nước. Chí ít cũng phải
hình thành cơ chế đa chủ thể, cộng đồng hóa trách nhiệm trong phòng tránh, xử
lý và khắc phục rủi ro: chính phủ, người dân và các tổ chức phi chính phủ. Trách nhiệm của nhà nước,
chính phủ là hình thành hệ thống luật pháp, bộ máy chuyên nghiệp; lãnh đạo, chỉ
đạo, huy động các nguồn lực để phối hợp; thị dân là lực lượng tham gia nhưng
cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong phòng ngừa rủi ro (kể cả di
tản); các tổ chức phi chính phủ (NGOs) là tham gia ứng phó, tự giải cứu mình
trong trường hợp nguy cấp, có trách nhiệm tham gia cùng chính phủ và người dân
trong phối hợp xử lý rủi ro.
Thứ ba,
làm tốt công tác thông tin, truyền thông. Các thông tin
liên quan đến phòng ngừa, xử lý rủi ro cần phải được cập nhật một cách chính
xác, nhanh chóng và cung cấp cho người dân những thông tin hữu ích, cơ bản để
nâng cao ý thức cảnh giác và kiến thức phòng ngừa rủi ro. Điểm “tương đồng” của
các quốc gia phát triển khi xử lý rủi ro là cung cấp thông tin của sự việc một
cách nhanh chóng, chân thực. Đây là điều đã được quy định trong luật pháp của
các quốc gia này, trong đó có trách nhiệm của truyền thông đại chúng và các nền
tảng truyền thông khác trong việc cung cấp tin cho người dân. Trên thực tế,
chính phủ các nước phối hợp và chỉ đạo với các lực lượng truyền thông để kịp thời
cung cấp thông tin và định hướng tâm lý, dư luận cho người dân; vừa nâng cao
vai trò, trách nhiệm của chính phủ nhưng cũng vừa xây dựng hình tượng tốt đẹp
trong mắt người dân.
Thứ tư, tăng cường công tác nghiên chuyên sâu, gia
tăng nguồn tài chính cho hoạt động quản lý rủi ro. Các nước phát triển rất
chú ý đến nghiên cứu chuyên sâu về quản lý rủi ro đô thị, do đó đã hình thành một
hệ thống nghiên cứu khá chặt chẽ và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực
khủng hoảng xã hội, rủi ro xã hội. Chẳng hạn tại Nhật Bản, nghiên cứu vấn đề ứng
phó với thảm họa thiên nhiên đã trở thành một lĩnh cần thiết và có nhiều chuyên
ngành khác nhau, không chỉ nghiên cứu rủi ro ở bình diện chung mà còn ở từng
lĩnh vực, địa phương, tính chất vấn đề đặc thù. Trung tâm CDC của Mỹ không chỉ
có tổng bộ ở thành phố Atlanta với một lực lượng quản lý, nghiên cứu hết sức đồ
sộ mà còn hình thành các cơ cấu chi nhánh trên hầu hết các bang của nước Mỹ.
Sau sự kiện 11-9 , Trung tâm này thành lập mới cơ sở nghiên cứu thích ứng với vấn
đề hiện đại, có đội ngũ nghiên cứu khá lớn, có phòng thực nghiệm trên nhiều
bang và các thành phố lớn ở nước Mỹ, nhiệm vụ mới là nghiên cứu tính hiệu quả
trong tiến hành ứng phó với rủi ro ở đô thị cũng như các loại dịch bệnh xảy ra.
4. Giải pháp tăng ường hiệu quả với hoạt động
ứng phó với rủi ro đô thị trong tình hình mới
Hội chứng hô hấp cấp tính nặng
(còn gọi là dịch SARS) đã trở thành đại dịch lấy đi sinh mạng của nhiều người;
đại dịch COVID-19 cũng đã khiến cả thế giới lao đao trong một thời gian khá dài
và con số người mắc phải, người chết không ngừng gia tăng[9];
trong những năm gần đây, chúng ta bắt đầu chứng kiến những sự cố bất thường từ
thiên nhiên như mưa bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lỡ đất,…
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống thiên tai, trong năm 2020, ở nước ta đã xảy ra 16 loại hình thiên
tai, cụ thể: 13 cơn bão trên biển Đông; 264 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh,
thành phố, trong đó 9 đợt có diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố Bắc Bộ và Trung Bộ;
120 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; đặc biệt là đợt mưa lũ lớn lịch sử từ ngày 6
đến 22 tháng 10 năm 2020 tại khu vực Trung Bộ; 86 trận động đất, trong đó có 2
trận động đất với rủi ro thiên tai cấp 4 (tại Mường Tè, Lai Châu ngày 16 tháng
6 năm 2020 với độ lớn 4.9; tại Mộc Châu, Sơn La ngày 27 tháng 7 với độ lớn
5.3); hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê
biển tại Đồng bằng sông Cửu Long…[10]
Tất cả những điều đó, dù chưa phải
là bức tranh đầy đủ, nhưng cũng đủ để mỗi người chúng ta cảm nhận được sự khốc
liệt của thiên tai cũng như những rủi ro mà con người phải hứng chịu. Nói cách
khác, chúng ta đang sống trong một thế giới không phải lúc nào cũng yên bình,
mà ngược lại, con người bắt đầu phải ý thức được các rủi ro để phòng ngừa, ứng
phó một cách hiệu quả. Con người ngày càng nhận thấy, trong thế giới phẳng, thế
giới số như hiện nay chúng ta không nên “trốn tránh” hay “che đậy” hiện thực mà
phải “nhìn thẳng vào hiện thực” để có phương án, chính sách phù hợp hóa giải
các vấn đề nảy sinh. Đối diện với nhiều vấn đề, sự cố, hiện tượng thiên nhiên
thì các cấp lãnh đạo và nhà quản lý đô thị cần phải coi trọng, thận trọng và
thái độ khoa học để nhìn nhận, xử lý rủi ro một cách hiệu quả, mang lại sự bình
yên và tạo điều kiện thuận lợi để xã hội phát triển. Trong phần này, chúng tôi
chỉ bàn đến một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực quản lý rủi ro đô
thị thời gian đến.
Có thể nói, từ rất sớm chúng ta
đã hình thành ý thức và bộ máy phòng ngừa các rủi ro đô thị như lực lượng phòng
cháy chữa cháy, lực lượng phản ứng nhanh tại các đô thị xử lý các vấn đề tội phạm,...
Trong vài năm trở lại đây đặc biệt là cách chúng ta ứng phó với đại dịch
COVID-19 đã cho thấy sự quyết tâm chính trị của toàn hệ thống và nhân dân trong
xử lý tình huống khẩn cấp phát sinh. Tuy vậy, cũng qua đó chúng ta mới thực sự
“nhìn thấy” được những mặt được, điểm chưa được để khắc phục, hoàn thiện, nâng
cao trình độ, năng lực xử lý các tình huống rủi ro trong tương lai.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ
thống luật pháp và cơ chế quản lý rủi ro. Hoàn thiện hệ
thống quản lý rủi ro đô thị gồm: hệ thống luật pháp, cơ chế trách nhiệm và cơ
chế động viên, huy động các nguồn lực phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, dự báo,
ứng phó, xử lý với các rủi ro. Đối với cơ
chế động viên, cần phải nhận thức rằng, đối với các vấn đề rủi ro đô thị
thì chỉ có toàn xã hội mới có thể giải quyết một cách triệt để. Do đó, trong
quá trình hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro đô thị cần phải động viên mọi lực lượng,
nguồn lực trong xã hội (chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp
và người dân), đồng thời giảm thiểu sự tác động tiêu cực của rủi ro đối với đời
sống xã hội đô thị. Chỉ khi hình thành cơ chế động viên (bằng thể chế) mới có
căn cứ pháp lý để chính quyền thực hiện vai trò quản lý của mình; mới động viên
được các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực) vào hoạt động quản lý
rủi ro; tránh có những “lỗ hổng” về luật pháp. Đối với cơ chế trách nhiệm, như đã phân tích ở trên, quản lý và ứng
phó với rủi ro đô thị không chỉ có cơ quan nhà nước, chính phủ hay chính quyền
đô thị mà các tổ chức phi chính phủ, thị dân cũng là lực lượng không thể thiếu;
có trách nhiệm cùng với cơ quan nhà nước để quản lý, phòng ngừa, xử lý các rủi
ro đô thị. Đương nhiên, cơ chế trách nhiệm không phải là “vịn dây ăn phần” hay
“trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” theo kiểu “mạnh ai nấy làm” mà phải được phân
định, quy định rõ ràng. Chính phủ có trách nhiệm chế định hệ thống pháp luật và
các quy định liên quan; thị dân cần phải tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao
ý thức phòng tránh và ứng phó rủi ro khi cần thiết, từng bước nâng cao ý thức
văn minh, trách nhiệm của công dân đô thị. Việc quản lý rủi ro, giải quyết các
vấn đề này sinh luôn phải đảm bảo yếu tố đoàn kết, trách nhiệm, hợp tác và ủng
hộ. Đó là ý thức trách nhiệm chứ không phải “nghĩa vụ” phải “đóng góp”. Thông
qua việc xử lý các rủi ro trong thực tiễn, cơ quan chức năng không ngừng hoàn
thiện hệ thống pháp luật về quản lý rủi ro, hình thành hành lang pháp lý cho
các chủ thể đóng đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan
truyền thông cũng cần có trách nhiệm trong tuyên truyền, định hướng, từng bước
nâng cao ý thức về phòng chống rủi ro cho người dân; nâng cao năng lực “tự ứng
cứu” và ý thức bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng của mình, cộng đồng. Về hệ thống pháp luật, cần có luật (bộ
luật) mang tính thống nhất, chỉnh thể, bao trùm về quản lý rủi ro xã hội. Đối với
quản lý rủi ro đô thị, hiện dường như chưa có một luật (bộ luật) chuyên biệt đối
với khu vực mang tính đặc thù này. Do đó, việc hình thành một hệ thống luật
pháp một cách hoàn chỉnh về quản lý rủi ro đô thị là vô cùng cần thiết trong bối
cảnh và yêu cầu hiện tại. Đầu tiên, cần thống nhất hóa các luật (kể cả các quy
định, nghị định, thông tư,…) liên quan như phòng cháy chữa cháy, luật đê điều,
luật phòng chống thiên tai, luật an toàn thực phẩm, luật phòng chống khủng bố,
luật dự phòng và kiểm soát bệnh tật,…thành một bộ luật về quản lý rủi ro xã hội.
Cần tham chiếu kinh nghiệm của các quốc gia phát triển về hoàn thiện pháp luật;
cơ chế phối hợp, động viên; cơ chế quản lý và cung cấp thông tin liên quan;
phát động và tuyên bố tình trạng khẩn cấp; đào tạo, huấn luyện đội ngũ thực thi
chuyên nghiệp; nâng cao ý thức người dân trong phòng, chống, ứng phó, xử lý các
rủi ro; công tác định hướng dư luận của cơ quan truyền thông,…Nên lưu ý, thông
thường rủi ro đô thị có quy mô, tính chất và sức tác động cao hơn ở khu vực
khác nên luật quản lý rủi ro, nếu có, sẽ phải có những quy định đặc thù đối với
khu vực đô thị. Chẳng hạn, cũng một người bị nhiễm virut Corona (Covid-19)
nhưng ở đô thị thì khả năng lây nhiễm cao hơn ở khu vực nông thôn, miền núi; do
đó, khả năng truy vết sẽ khó khăn hơn nhiều. Ví dụ khác, một vụ hỏa hoạn xảy ra
ở khu vực thành phố (nơi đông dân cư, mật đô xây dựng cao) thì vấn đề chữa
cháy, cứu nạn cứu hộ phải có phương án đặc thù, cách xử lý phải nhanh mới có thể
hạn chế những thiệt hại liên đới về tài sản và người,…
Thứ hai, hoàn thiện cơ chế giám
sát, cảnh báo rủi ro. Hệ thống quan trắc, giám sát rất cần
thiết đối với quản lý rủi ro. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, thành
phố mà tiến hành khảo sát, đánh giá, tập hợp các luận cứ khoa học để hình thành
nên một kho dữ liệu liên quan; từ đó tiến hành phân tích, đánh giá để tìm kiếm
những mối tương quan, giá trị khoa học để phục vụ cho hoạt động quản lý rủi ro.
Song song với đó, cần lắp đặt hệ thống quan trắc, camera giám sát, các máy móc
hiện đại để phát hiện, phân tích, đưa ra cảnh báo dự phòng hoặc phương án ứng
phó. Xin nhắc lại, rủi ro đô thị chính là rủi ro xã hội, và do đó, xử lý các vấn
đề về rủi ro xã hội muốn đạt hiệu quả thì phải nhận được sự đồng tình, ủng hộ của
cộng đồng, xã hội.
Thứ ba, tăng cường công tác phối
hợp, liên kết giữa các lực lượng trong ứng phó với rủi ro. Nhiệm vụ
ứng phó với các rủi ro, khủng hoảng tại đô thị dường như không ai có thể đứng
ngoài cuộc: từ người dân đến các lực lượng chức năng như công an, cứu nạn cứu hộ,
cấp cứu, dân phòng,… đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình. Từ những
tình huống thực tế nhìn nhận, khi xảy ra các rủi ro trong đô thị thì lực lượng
nòng cốt nhất vẫn là công an, y tế và cứu nạn cứu hộ, tuy nhiên hiện nay 3 lực
lượng này lại có 3 số điện thoại khẩn cấp khá “độc lập” nhau (cảnh sát trật tự
là 113; 114 là cơ quan phòng cháy, chữa cháy-cứu hỏa; 115 là cấp cứu y tế-cứu
thương,…). Đây cũng là vấn đề cần phải suy nghĩ khi kiến lập một lực lượng thống
nhất trong quản lý rủi ro đô thị trong thời gian đến (thống nhất số điện thoại
chuyên dụng; thống nhất chỉ huy; thống nhất lực lượng; thống nhất hành động)[11].
Thứ tư, kiện toàn cơ chế và nguồn
lực tài chính. Một khi phát sinh một vấn đề rủi ro thì, trên một
phương diện nào đó, dù ở mức độ khác nhau, luôn khiến cho đô thị chịu ảnh hưởng
về kinh tế, xã hội, môi trường, thậm chí an ninh, chính trị và trật tự an toàn
đô thị. Trong đó, tài sản và sinh mạng của nhà nước, người dân là rất quan trọng.
Do vậy, cần phải có tư duy và kế hoạch thành lập “quỹ dự phòng về quản lý rủi
ro đô thị”. Nói cách khác, cần phải có cơ chế đảm bảo tài chính cho hoạt động
quản lý rủi ro (ngân sách dành cho quản lý rủi ro), tức là cần phải dự toán nhà
nước về chi phí quản lý rủi ro[12].
Thực tế nhìn nhận, đây là “nút thắt cổ chai” đối với hoạt động phòng ngừa, ứng
phó rủi ro. Đương nhiên, khi đã có dự toán ngân sách về quản lý rủi ro thì nhà
nước phải đóng vai trò chủ đạo, phương thức xã hội hóa sẽ bổ sung thêm. Vấn đề
đặt ra là, quản lý sử dụng nguồn vốn này cần phải chính xác, minh bạch và hiệu
quả vì đây là vấn đề an toàn công cộng và gắn với niềm tin của nhân dân đối với
chính quyền. Ngồn vốn này có thể sử dụng cho hoạt động nghiên cứu, hoạt động
truyền thông, hoạt động bồi dưỡng và dự báo, xử lý khi tình huống khẩn cấp xảy
ra.
Thứ năm, tăng cường công tác truyền
thông và quản lý thông tin. Hiện chúng ta đang bước vào xã hội số,
xã hội “vạn vật kết nối”, xã hội thông tin. Do đó, thông tin được xem là chất dầu
nhờn bôi trơn cỗ máy xã hội và là một trong những nguồn lực để phát triển xã hội.
Trong hoạt động quản lý xã hội nói chung, quản lý rủi ro nói riêng không là ngoại
lệ. Thông tin luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng: chính xác, kịp thời, minh bạch.
Do đó, chính quyền đô thị cần phải tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin
để cung cấp cho hoạt động quản lý và cung cấp cho người dân. Nên nhớ, cung cấp
thông tin liên quan đến rủi ro nhưng không chuẩn xác dễ dẫn đến hoang mang, mất
niềm tin nhưng cung cấp không kịp thời sẽ dẫn đến tin đồn thất thiệt. Do vậy,
cơ quan chức năng nhà nước cần phải nắm quyền thu thập, xử lý thông tin và
nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhân dân và báo giới theo quy định của pháp luật.
Đương nhiên, truyền thông đại chúng và các nền tảng thông tin khác cũng phải có
trách nhiệm trong đưa tin liên quan; không “ăn theo” những thông tin để trục lợi
nhưng cũng không “cầm đèn chạy trước ô tô” mà qua mặt cơ quan chức trách về
thông tin, gây nên những xáo trộn xã hội không cần thiết.
[1] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021,
tr222.
[2] Còn gọi là “Cục quản lý tình trạng khẩn cấp
liên bang” hay “Cục quản lý thảm họa” (Federal Emergency Management Agency)
[3] Trong vòng một thế kỷ qua, ở Nhật Bản đã
có 24 vụ động đất mạnh từ 6 độ rích-te trở lên, chiếm khoảng 20% số trận động đất
hơn 6 độ rích-te của thế giới. Gần 10% năng lượng thoát ra trên toàn thế giới mỗi
năm do các vụ động đất tập trung ở quần đảo Nhật Bản. Tham kiến: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/Nh%E1%BB%AFng-tr%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BA%A5t-t%E1%BA%A1i-Nh%E1%BA%ADt-B%E1%BA%A3n-531478
[4]
Sách trắng về phòng chống thiên tai là một trong những sáng kiến đáng chú ý nhất
của xứ sở hoa anh đào, trong đó báo cáo toàn diện và thường xuyên về vấn đề này
mỗi năm. Sách trắng lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1963 theo Luật Cơ bản về
phòng chống thiên tai.
[5] Tham kiến “Những trận động đất tại
Nhật Bản”, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/Nh%E1%BB%AFng-tr%E1%BA%ADn-%C4%91%E1%BB%99ng-%C4%91%E1%BA%A5t-t%E1%BA%A1i-Nh%E1%BA%ADt-B%E1%BA%A3n-531478
[6]
Năm 2015, chúng tôi có dịp đến thăm và làm việc tại Cơ quan nhân sự quốc gia Nhật Bản (National
Personnel Authority – NPA) và được thăm thư viện của một cơ sở đào tạo trực thuộc.
Điều đặc biệt là, trong thư viện có dành riêng cho một tầng để trưng bày các thảm
họa cũng như hệ thống sách báo nghiên cứu về phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.
Trong đó, các luật và bộ luật tương ứng cũng được trưng bày để học viên có thể
mượn đọc. Trong hệ thống kiến thức để đào tạo cán bộ thì phòng chống, giảm nhẹ
thiên tai và các rủi ro là môn học bắt buộc.
[7]
Thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.
[8]
Thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận và xã
theo Nghị quyết 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội Về thí điểm
tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát
triển thành phố Đà Nẵng
[9] Tính đến ngày 8 tháng 7 năm 2021, số ca nhiễm, ca đang điều trị, ca khỏi và ca tử vong lần lượt là: (1)
Thế giới:
185.822.570; 11.727.537;
170.077.825; 4.017.208; (2) Việt Nam: 21.560; 13.432; 8.022;
102. Nguồn: Bộ Y tế,
Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp covid-19. Tham kiến:
https://ncov.moh.gov.vn/
[10] Tham kiến: https://thanhphohaiphong.gov.vn/nhin-lai-nam-2020-mot-nam-thien-tai-khoc-liet-va-di-thuong.html
[11] Chúng tôi tạm gọi là “Phương án 4 thống
nhất” ( Mô hình 4 “Thống”)
[12] Hiện chúng ta đã có Quỹ Phòng chống thiên
tai theo tinh thần của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của
Chính phủ về Quy định về thành lập và quản
lý quỹ phòng, chống thiên tai. Đây là khoản đóng bắt buộc theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng và hiệu
quả sử dụng vẫn còn bất cập. Hơn nữa, phòng chống thiên tai cũng chỉ là một hoạt
động bộ phận của toàn bộ quá trình quản lý rủi ro. Do đó, hình thành quỹ và chế
định ngân sách về quản lý rủi ro cần phải mang tính hệ thống, chiến lược.
Nhận xét
Đăng nhận xét