NHÂN VÔ ĐỨC BẤT LẬP, QUỐC VÔ ĐỨC BẤT HỨNG
NHÂN VÔ ĐỨC BẤT LẬP, QUỐC VÔ
ĐỨC BẤT HỨNG
Trên một bình diện rộng nhìn nhận, bất cứ lĩnh vực nào, nghề nghiệp nào đều có những quy phạm về đạo đức cả:
hành nghề y có “y đức”, làm nghề giáo có “sư đức” (đạo đức sư phạm), làm nghề kinh doanh có “thương đức” (đạo đức trong kinh doanh), người tùng chính hay “làm quan” (làm
chính trị) thì có “chính đức”. Chính đạo đức nghề nghiệp này là một thành tố quan
trọng trong tố chất của mỗi con người và là thang đo giá trị của mỗi người, mỗi
ngành nghề, đồng thời khẳng định sự thành bại của chính chủ thể mà nó phục
tùng.
Từ một giác độ nào đó nhìn nhận thì lãnh đạo là một nghề,
đương nhiên là nghề đặc thù, có tính chất công việc, vị trí, vai trò, mục tiêu,
kỳ vọng xã hội cũng hết sức đặc thù. Mà đã là một nghề thì yêu cầu cơ bản là phải
có “kỹ năng nghề nghiệp” và “đạo đức nghề nghiệp”. Gọi là “đạo đức nghề nghiệp”
hàm chỉ, trong hoạt động lãnh đạo của mình, người lãnh đạo cần phải học tập, tu
dưỡng rèn luyện để đạt được một số yêu cầu cơ bản về chuẩn mực đạo đức tương ứng.
Chính lẽ đó mới
có câu “nhân vô đức bất lập, quốc vô đức bất hứng”. Từ đó có thể hiểu rộng ra rằng
khi mà nhà giáo không đề cập đến đạo đức sư phạm, người hành nghề y không đặt y
đức lên trên, người làm chính trị (“làm quan” theo quan niệm xưa) không nói đến
chính đức thì cá nhân đó không thể (và không có tư cách) để đứng vào hàng ngũ
nghề nghiệp mà họ theo đuổi với tư cách là một thành viên, xã hội đó sẽ bất ổn
định, “bất hứng”, và niềm tin xã hội bị lung lay.
Cũng phải thừa nhận
rằng bất cứ nghề nào đều phải theo đuổi và mưu cầu quyền lợi (vật chất và tinh
thần, cá nhân và nhóm, xã hội và nhà nước) và thực hiện một chức năng nào đó
trong xã hội, giúp xã hội phát triển đi lên. Thế nhưng vấn đề là ở chỗ những
mưu cầu đó phải hợp thức, phải chính đáng, phải hợp pháp và hợp với lòng người,
với truyền thống văn hóa và hệ giá trị mà xã hội đang kiến tạo chứ tuyệt nhiên
không phải (và không thể) mưu cầu lợi ích cá nhân mà chà đạp lên lợi ích của
người khác, của nhân dân thông qua quyền lực mà mình sở hữu. Dư luận sẽ căm phẫn
và lên án những biểu hiện “khuyết đức” trong cách hành xử của người làm quan, bởi
“chính đức” – tức đạo đức người làm quan – của các “công bộc” nhân dân, trên
bình diện nào đó mà nói, nó còn quan trọng và nguy hiểm (nếu xảy ra hiện tượng
“thất đức” trong chính đức) hơn nhiều so với lĩnh vực khác. Do vậy, người làm
lãnh đạo trong bộ máy chính trị-hành chính cần phải ý thức rõ ràng về vị trí và
yêu cầu nghề nghiệp và không ngừng tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp trên một số
phương diện chủ yếu sau:
Thứ nhất, tính phục vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn:
“Chế độ ta
là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là đảng lãnh đạo, nghĩa
là tất cả các cán bộ, từ Trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ
ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất
cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân”[1]. Nhiều nhà nghiên cứu về
khoa học lãnh đạo hiện đại cũng đã khẳng định “Lãnh đạo là phục vụ”[2],
vì vậy, tinh thần phục vụ, “một lòng một dạ” phục vụ nhân dân là yêu cầu hết sức
quan trọng trong các hệ thống thành tố tạo nên đạo đức nghề nghiệp của người
lãnh đạo. Yêu cầu này được thể hiện trên một số bình diện: (1) Xây dựng ý thức
phục vụ. Mỗi một người lãnh đạo cần phải xác định được ý thức phục vụ của mình,
thậm chí có thể xem “phục vụ là một thiên chức”, là một cơ hội để “phụng sự” Tổ
quốc, phụng sự cách mạng, phụng sự nhân dân, phụng sự tổ chức. Đây là tố chất đạo
đức mang tính hạt nhân của người lãnh đạo. Bỡi lẽ, thông qua ý thức (và hành động)
phục vụ thì người lãnh đạo mới có thể đặt người dân vào vị trí “trung tâm”, người
dân mới cảm nhận được mình thực sự là người làm chủ; cán bộ mà mình “cử ra” mới
thực sự là người đại diện lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ. Chính điều đó sẽ
củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ; nâng cao niềm tự
hào dân tộc và phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận. Không phải ngẫu nhiên mà
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việc gì
có lợi cho dân, ta phải hết sức làm; Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”[3].
Có lẽ, ý nghĩa sâu xa của câu nói chính là ý thức “vì nhân dân phục vụ”, bảo vệ
quyền lợi chính đáng cho nhân dân. (2) Hình thức ý thức sáng tạo, lấy hiệu quả
công việc, sự hài lòng của nhân dân làm thước đo. Lãnh đạo là hoạt động phức tạp
nên đòi hỏi người lãnh đạo phải không ngừng học tập để nâng cao năng lực, tìm
kiếm và áp dụng những sáng tạo vào trong từng hoạt động để nâng cao hiệu quả
công việc. Nhân dân luôn mong đợi vào tính hiệu quả, thiết thực của nhà lãnh đạo,
đặc biệt là không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của họ; thỏa
mãn những nhu cầu ngày càng cao trong xã hội. Do đó, tinh thần phục vụ phải lấy
sự hài lòng của nhân dân làm thước đo, làm mục tiêu phấn đấu. Trong trường hợp
này, đạo đức phải gắn với hiệu quả công việc ở từng vị trí lãnh đạo. Muốn “tạo
phúc” cho nhân dân thì phải làm cho nhân dân cảm nhận được hạnh phúc thật sự chứ
không phải chỉ nói suông, càng không phải là cái “bánh vẽ”. (3) Tận tâm, tận lực
giải quyết những vấn đề nảy sinh trên thực tiễn, hóa giải những khó khăn vướng
phải cho nhân dân, mang lại lợi ích xã hội, niềm tin xã hội. Cái thiên liêng của
“thiên chức lãnh đạo” là thỏa mãn các cầu cơ bản (như y, thực, trú, hành,...)
và nhu cầu nâng cao (hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật; học tập, vui chơi, giải trí;
đổi mới, sáng tạo,..) cũng như giải quyết những khó khăn hiện hữu của các tầng
lớp nhân dân để họ có điều kiện phát triển, cảm nhận hạnh phúc. Nói một cách dễ
hiểu, lãnh đạo là mưu cầu lợi ích cho nhân dân. Xuất phát từ nhu cầu và lợi ích
của nhân dân, người lãnh đạo phải cần cù, tiết kiệm, liêm chính, nỗ lực, vượt
khó, cảm thông, khơi dậy niềm tin và sức mạnh cộng đồng để họ vượt qua được những
khó khăn, thách thức trước mắt; tìm kiếm cơ hội phát triển trong tương lai.
Thứ hai, sự liêm chính. Trong bất cứ tình huống nào, ở địa vị nào, cấp bậc nào thì
người lãnh đạo cũng gắn với những vai trò, vị trí nhất định và thực hiện các
nhiệm vụ, chức trách cụ thể. Gắn liền với chức trách đó là các quyền lực (quyền
quyết định) trong huy động, sử dụng các nguồn lực cụ thể như nhân lực, vật lực,
tài lực. Trong quá trình đó, khả năng “vượt quyền”, “tiếm quyền”, “lạm quyền”
luôn tiềm ẩn và hiện hữu, do đó, vấn đề liêm chính và “tố chất” liêm khiết là
yêu cầu cần phải được bồi dưỡng và kiểm soát (cả về mặt thể chế, cấp trên và
chính người lãnh đạo). Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng;
điều kiện kinh tế thị trường và “thế giới phẳng” như hiện nay thì vấn đề liêm
chính càng cần phải được đặt ra trong cấu trúc nhân cách của người lãnh đạo.
Nói cách khác, liêm chính là nội dung quan trọng trong hệ quy chuẩn đạo đức nghề
nghiệp của người lãnh đạo. Nội dung cụ thể của liêm chính rất phong phú nhưng
then chốt là đức tính thanh bạch, tiết kiệm; không tham lam, không tự tư, tự lợi;
không “chủ nghĩa cá nhân”; không lừa gạt, kiêu ngạo, hách dịch; không tự tâng bốc
mình, luôn cho mình là “chân lý”; không tham sung sướng, tham quyền cố vị; phải
biết “vị công vong tư” và “lòng ham muốn về vật chất”[4].
Để rèn đức “liêm chính” cần phải quyết tâm và nỗ lực không ngừng: “Những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu… Mình là người làm
việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ
đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì
tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những
người tài năng, làm được việc… Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”[5].
Thứ ba, đảm bảo tính công bằng. Trong hoạt động lãnh đạo, người lãnh đạo cần phải
xử lý rất nhiều mối quan hệ, giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, điều hòa
các lợi ích,... Từ thực tiễn trong hoạt động lãnh đạo, quản lý cho thấy, vấn đề
“bất công bằng” luôn có nguy cơ nảy sinh và đã tồn tại trong nhiều lĩnh vực,
nhiều tổ chức cả lát cắt thời gian và không gian. Chính lẽ đó, “đức công bằng”
trở thành yêu cầu quan trọng mà người lãnh đạo phải ý thức để tu dưỡng, hành động,
ứng xử. Công bằng, công chính, hợp lý, chính xác, phù hợp, cân bằng, hài hòa là
các thuật ngữ thường đề cập như là thành tố từ “đạo đức” công vụ. Điều này thể
hiện ở một số lĩnh vực cụ thể: (1) Công bằng trong hoạch định cơ chế, chính
sách. Có không ít trường hợp, với quyền lực sẵn có (nhưng không bị giám sát một
cách chặt chẽ), người lãnh đạo đã “chế định” chính sách chỉ có lợi cho mình hoặc
nhóm lợi ích của mình, cái mà chúng ta thường gọi là “lợi ích nhóm” hay “tham
nhũng chính sách”[6].
Bản chất của các chính sách, đặc biệt là chính sách xã hội, là phân phối, điều
hòa lợi ích hướng đến sự công bằng, bền vững; phát huy tối đa các nguồn lực và
tính tích cực xã hội. Do đó, nếu không đảm bảo tính công bằng sẽ kéo theo nhiều
hệ lụy trên nhiều phương diện, nhất là niềm tin xã hội.
Trong hoạt động
điều tiết, phân phối các nguồn lực, người lãnh đạo cần phải xem công bằng, hài
hòa là nguyên tắc tối thượng. Cụ thể, phân phối lợi ích, tiền bạc, quyền lực, vật
lực, cơ hội cần phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, vừa tránh kiểu “cào
bằng”, vừa tránh được “trọng-khinh”, “yêu ghét”. Có như thế mới thực sự tạo được
niềm tin, đồng thuận của các thành viên trong tổ chức. Ngoài ra, đức tính công
bằng của người lãnh đạo còn thể hiện ở việc hóa giải các mâu thuẫn trong tổ chức,
trong xử lý các trường hợp vi phạm nội quy, quy chế và luật pháp nói chung. Hóa
giải mâu thuẫn không nên thiên lệch, bè cánh; xử lý vi phạm cần nghiêm minh,
nghiêm khắc và không bản vị, bệnh cánh hẩu.
Thứ tư, đảm bảo tính dân chủ. Để thực hiện tốt vai trò “công bộc” của nhân dân,
người lãnh đạo cần không ngừng học tập để nâng cao năng lực lãnh đạo của bản
thân. Đương nhiên, đối với một người lãnh đạo cụ thể mà nói, dù sao cũng có những
hạn chế nhất định về thời gian, sức khỏe, năng lực (năng lực nhận thức, năng lực
tư duy, năng lực thực tiễn,…), đó là điều tất yếu. Do đó, để “bổ khuyết” những
hạn chế cá nhân, đồng thời phát huy sức mạnh tập thể thì người lãnh đạo cần phải
ý thức được và không ngừng thực hành dân chủ. Thậm chí, ý thức dân chủ, tinh thần
dân chủ, thực hiện nguyên tắc dân chủ là một trong những nội dung quan trọng, cần
thiết, bắt buộc và là thành tố không thể khuyết thiếu trong cấu trúc, quy phạm
đạo đức của người lãnh đạo trong hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội. Yêu cầu, nội
dung về tính dân chủ có nhiều nhưng chủ yếu thể hiện ở một số bình diện, hoạt động
chủ yếu sau: (1) Xây dựng ý thức dân chủ. Hơn ai hết, bản thân người lãnh đạo phải
ý thức rõ ràng, đúng đắn về vấn đề dân chủ và vai trò của dân chủ trong hoạt động
lãnh đạo của mình. Trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, khi chúng ta tiến hành
xây dựng một xã hội của dân, do dân, vì dân thì dân chủ đã thực sự trở thành đặc
trưng, bản chất của chế độ ta. Nếu không quá để nói rằng, bất kỳ hành động nào
của người lãnh đạo cũng cần phải đặt vấn đề nghiêm túc là, hành động đó, quyết
định đó đã thật sự khoa học chưa, dân chủ chưa, đạo đức chưa và công bằng chưa?
Khi người lãnh đạo “tự vấn” điều này cũng đã tự ý thức được vai trò, ý nghĩa của
dân chủ trong hoạt động lãnh đạo của mình. (2) Tôn trọng quyền làm chủ của nhân
dân. (3) Không ngừng phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nhấn mạnh: “Nước lấy dân làm gốc”, “Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên
nền nhân dân”[7]. Do đó, người lãnh đạo cần phải
nhận thức đúng bản chất dân chủ để phát huy vai trò làm chủ thật sự của nhân
dân. Vừa phải tôn trọng “quyền làm chủ” của nhân dân, vừa phải tạo điều kiện để
nhân dân phát huy sức mạnh nội sinh của mình. Để thực hiện được điều đó không
phải chỉ dựa vào “lời nói suông” hoặc “hô khẩu hiệu” mà cần phải ban hành cơ chế,
điều chỉnh thể chế, chế định pháp chế để làm cơ sở cho nhân dân thể hiện quyền
làm chủ của mình, chí ít là trong từng hoạt động cụ thể để “dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” được chạm khảm vào các lĩnh vực như chính
trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong các hoạt động cụ thể như quản lý xã hội, ra
quyết định,…(4) Người lãnh đạo
phải rèn luyện tác phong dân chủ và thực hành dân chủ trong các hoạt động cụ thể.
Trước tiên cần phải liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng tai nghe ý kiến của
nhân dân (nhất là ý kiến mang tính xây dựng, tính phản biện). Thường xuyên đối
thoại (bằng nhiều hình thức khác nhau) với nhân dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện
vọng và tiếng nói chung, sự đồng thuận từ các giai tầng trong xã hội. Đặc biệt,
trong công việc (nhất là công việc liên quan đến lợi ích thiết thân của dân
nhân, động chạm đến lợi ích của nhiều người như khiếu kiện, khiếu nại; hoạt động
đền bù, giải tỏa, tái định cư,..) thì người lãnh đạo cần phải tiếp xúc trực tiếp
để lắng nghe ý kiến phản hồi, nắm bắt một cách chính xác, kịp thời những vấn đề
nảy sinh, thậm chí sẵn sàng nhận lời phê bình từ phía nhân dân nếu thật sự mình
chưa đúng. Tinh thần cầu thị của người lãnh đạo, trên một phương diện nào đó,
cũng thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, qua đó tăng cường niềm tin của nhân
dân với Đảng, chính quyền mà cụ thể và trực tiếp là người lãnh đạo.
Thứ năm, tính thực tiễn, hướng đến giải quyết các vấn đề cụ thể. Tinh thần và cũng
là phương châm chỉ đạo “phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”, “vì nhân dân phục
vụ” đòi hỏi người lãnh đạo phải “chạm khảm” vào trong từng hoạt động cụ thể để
vừa giải quyết các vấn đề nảy sinh, vừa tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền
lợi chính đáng của mình, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Do đó, tính thực tiễn
và hướng đến giải quyết vấn đề cụ thể của nhân dân cũng là yêu cầu mang tính bắt
buộc, thuộc quy phạm đạo đức mà người lãnh đạo cần phải rèn luyện, thực hành. Đầu
tiên, cần phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, các vấn đề đang tồn tại và nảy
sinh để giải quyết. Muốn vậy, người lãnh đạo phải chú ý đến công tác điều tra,
khảo sát, nắm bắt tình hình. Hiện có rất nhiều phương tiện, phương pháp mà người
lãnh đạo có thể sử dụng để nắm thông tin thực chứng[8], tiến hành thu thập, phân tích, đánh giá
số liệu để nắm bắt bản chất vấn đề, dự báo các xu hướng biến đổi để có phương
hướng giải quyết. Không sai để nói rằng, trong thời kỳ của cuộc cách mạng công
nghiệp lần thứ tư, trong xu thế của xã hội số, kinh tế số như hiện nay thì số
liệu thực chứng chính là nguồn “tư liệu” chủ yếu, là “cứ liệu” quan trọng để định
hướng chính sách phát triển. Do đó, điều tra nghiên cứu nắm bắt thực chứng
chính là mắt xích quan trọng, nhiệm vụ then chốt, yêu cầu bắt buộc đối với tác
phong lãnh đạo trong kỷ nguyên số.
Như vậy, người
lãnh đạo phải luôn ý thức được vai trò của “nghề lãnh đạo” mà không ngừng bổ
sung, bồi dưỡng, củng cố, nâng cao “đạo đức nghề nghiệp”. Muốn vậy, chủ thể
lãnh đạo vừa phải học tập các phương pháp lý luận về luân lý, đạo đức, nhận thức
và lý giải các quy phạm cơ bản về nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp; vừa phải nỗ lực
tu dưỡng nhân cách, đạo đức thông qua các hoạt động cụ thể; đồng thời cũng vượt
qua những rào cản, thách thức (cả khách quan và chủ quan) trong thực hiện các
nhiệm vụ được giao, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, không phạm phải những
quy định mang tính nguyên tắc như điều lệ Đảng, những điều đảng viên không được
làm,…; cuối cùng xem việc tu dưỡng và thực hành đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu
tự thân, thậm chí như một “phản xạ tự nhiên”, “phản xạ vô điều kiện” trong hoạt
động lãnh đạo của bản thân.
TS. Phạm Đi
[1] Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1996, tr. 323.
[2] Tham kiến: Ken Blanchard và Renee Broadwell, Lãnh đạo phục vụ, Nhà xuất bản Công
thương, H.2021, tr.38-42.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập
4. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65
[4] Nguyễn Ái Quốc, Đường Cách Mệnh, Nxb. Chính trị quốc
gia, H.2012, tr.8.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb.
Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.123
[6] Ngày 3 tháng 11 năm 2021, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc
triển khai Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị và đề án định hướng chương trình
xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thường trực Ban bí thư Võ
Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị: “Phải chống tiêu cực ngay trong công tác xây
dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của
bất cứ tổ chức, cá nhân nào; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “tham
nhũng chính sách”; không được lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ
quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi
cho cơ quan quản lý nhà nước, mà thiếu đồng hành với người dân, doanh nghiệp”. Tham kiến: https://plo.vn/thoi-su/khong-de-xay-ra-tinh-trang-tham-nhung-chinh-sach-1025763.html
[7] Hồ Chí Minh, Toàn
tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật,
Hà Nội, 2011, tr. 501 - 502
[8] Xem thêm: Phạm Đi, Xã hội học với Xã hội học với lãnh đạo, quản lý. Nxb.
Thông tin và truyền thông, H.2020. Chương “Phương pháp điều tra xã hội học”.
Nhận xét
Đăng nhận xét