KỸ NĂNG NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG
KỸ NĂNG NÓI TRƯỚC CÔNG CHÚNG
Khi tiến hành thực
hiện các nhiệm vụ của tổ chức, nhà lãnh đạo cần sử dụng nhiều phương tiện, công
cụ, phương pháp, kỹ năng để tương tác với khách thể lãnh đạo nhằm đạt được mục
tiêu đặt ra. Nếu cho rằng “lãnh đạo là truyền cảm hứng” thì một trong những
cách tuyền cảm hứng, khơi dậy niềm tin cho mọi người chính là nói trước công
chúng (trong nhiều trường hợp có tên gọi khác nhau như “thuyết phục”, “thuyết trình”, “hùng biện”, “diễn thuyết”, “đàm phán”, “nói trước đám đông”, “xã giao”, “giao tiếp”,…
và đương nhiên, tùy cách tiếp cận và lý giải mà nội hàm của chúng cũng có những
điểm khác biệt nhất định). Nói trước công chúng hay hùng biện là kỹ năng quan
trọng của người lãnh đạo. Chuyên gia quản trị Peter Drucker cho rằng: “Nếu bạn
là người pha rượu, bạn không cần nhiều khéo léo để phát biểu. Nếu bạn làm việc
với một cỗ máy, khả năng phát biểu của bạn không quan trọng lắm. Nhưng khi bạn
tiến được một bước, sự thành công của bạn tùy thuộc nơi khả năng sử dụng lời
nói và chữ viết để trao đổi với người khác. Công việc của bạn càng xa lĩnh vực
thủ công, cơ sở bạn làm việc càng rộng lớn, thì việc bạn có khả năng truyền đạt
tư tưởng của bạn bằng chữ viết hay lời nói càng quan trọng”. Tài hùng biện là một
sự kết hợp giữa khả năng thiên bẩm và sự rèn luyện[1].
Hành động quan trọng
hơn lời nói nhưng lời nói lại có khả năng truyền tải thông điệp của nhà lãnh đạo
đến được với nhiều người. Vì vậy, nói trước công chúng là một kỹ năng quan trọng
mà nhà lãnh đạo cần rèn luyện để có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người, để truyền
cảm hứng về tầm nhìn, để thuyết phục người khác[2].
Vì vậy, người lãnh đạo cần phải ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của “lời nói”
và phải có kế hoạch rèn luyện kỹ năng giao tiếp cũng như kỹ năng nói trước công chúng một cách thuần thục, hiệu quả.
Cần phải nói thêm
rằng, bất luận ở vị trí công tác nào, cán bộ thuộc bộ phận có chức năng “diễn
thuyết”, “thuyết trình” như cơ quan tuyên giáo, tuyên huấn, tuyền thông, dân vận
hay các bộ phận tưởng chừng như “không cần” khả năng nói trước công chúng như
công tác tổ chức-cán bộ, kế hoạch-tài chính thì kỹ năng giao tiếp nói chung, kỹ
năng thuyết trình nói chung vẫn phải được bồi dưỡng, rèn luyện[3].
Muốn rèn luyện kỹ năng nói trước công chúng nhà lãnh đạo cần chú ý một số điểm
sau:
Thứ nhất, muốn có bài phát biểu hay phải có bài viết tốt.
Bài viết là chất liệu quan trọng cho hoạt động phát biểu trước công chúng. Trên
thực tế của hoạt động lãnh đạo cho thấy, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội
đều có liên quan đến hoạt động lãnh đạo, quản lý và như vậy, khi phát biểu trước
một vấn đề nào, lĩnh vực gì, đối tượng người nghe là ai, thời gian phát biểu
bao lâu, tính chất là bài phát biểu là “định hướng” chỉ đạo, “hiệu triệu” mọi
người hay triển khai một dự án, vấn đề,... thì nội dung, dung lượng bài phát biểu
cũng cần phải có tính tương thích. Lãnh đạo bận rộn trăm công nghìn việc và
đương nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng am tường, chắc chắn (nhất là vấn đề
liên quan đến cứ liệu, số liệu thực tế) nên thường có đội ngũ tham mưa “biên soạn”
nội dung. Điều này hoàn toàn phù hợp và chẳng có vấn đề gì để bàn cả. Nhưng, mấu
chốt chính là ở chỗ, khả năng, trình độ, cách diễn đạt của người tham mưu biên
soạn đến đâu; người lãnh đạo có “quen” với lối diễn đạt (hành văn) của người
tham mưu hay không. Dân gian có câu “văn mình, vợ người” không phải là không có
lý do. Khi câu văn và lối hành văn của chính mình thì chủ thể đọc rất thông suốt
và ngược lại. Do đó, một người lãnh đạo cẩn thận thường không được nguyên văn
bài viết của người khác mà phải sửa theo lối hành văn của mình. Thậm chí, khi
đã thành thạo kỹ năng và biết cách sử dụng các công cụ hỗ trợ (ví dụ công cụ
Mind Map –sơ đồ tư duy; hỗ trợ bằng máy tính,...) thì chỉ cần “lấy ý” chứ không
“lấy văn” của người khác. Do đó, muốn phát biểu trước công chúng tốt thì phải
chuẩn bị tốt về nội dung, có “sườn bài” một cách khoa học, logic mới mang tính
thuyết phục.
Thứ hai, phải rèn giọng nói, lời nói; cách sử dụng ngôn từ một cách thuần thục. Học
cách thu hút người nghe bằng phong cách biểu cảm qua “ngôn ngữ có lời” và “ngôn
ngữ không lời” (tức ngôn ngữ cơ thể): giọng nói, ngữ điệu, âm lượng, cung bậc;
ánh mắt, nụ cười, nét mặt, tác phong, dáng đi-đứng, điệu bộ,... sẽ làm tăng hoặc
giảm khả năng chú ý của người nghe gấp nhiều lần vì nó tác động vào nhiều giác
quan của họ. Chỉ khi nào người nghe có cảm xúc tích cực, hứng thú với bài nói
thì mới tập trung chú ý lắng nghe. Cảm xúc cũng đóng vai trò mạnh mẽ hơn trong
việc ra quyết định, thúc đẩy hành vi con người so với các sự kiện, số liệu và
tư duy logic của họ. Vì vậy, tạo ra cảm xúc tích cực ở người nghe là mối quan
tâm đầu tiên của diễn giả khi nói trước công chúng và thuyết phục họ[4].
Thứ ba, trong những bài diễn thuyết luôn thể hiện sự chân thành, mộc mạc và phải
“lời nói đi đôi với việc làm”. Có hai cách “giáo dục” con người tốt nhất đó là
“thân giáo” (dùng thân mình để giáo dục người khác bằng cách làm gương, nêu
gương - mình làm trước để mọi người noi theo, làm theo) và “thuyết giáo” (dùng
lời nói để đả thông tư tưởng người khác, để người khác hiểu mình, tin mình, đi
theo mình để cùng mình thực hiện mục tiêu đặt ra). Không phải ngẫu nhiên mà nhà
thơ Nga Pushkin đã nói: “Hãy dùng lời nói để thắp sáng lòng người!”. Làm thế
nào chúng ta có thể dùng lời nói để thắp sáng lòng người? Có lẽ trước hết và
xuyên suốt là phải nói điều thật, sự thật với một thái độ thẳng thắn, mộc mạc,
chân thành. Một nhà lãnh đạo thành công thường không che giấu quan điểm và hiểu
biết của mình về những điều cụ thể, và luôn có thể tạo ấn tượng về sự chân
thành và thẳng thắn trong các bài phát biểu của mình trước cấp dưới, trước đám
đông, trước quần chúng nhân dân. Nếu mọi người phát hiện ra rằng bạn nói một đằng
và làm một nẻo thì họ sẽ không còn tin tưởng bạn nữa. Người lãnh đạo càng nói cụ
thể, chân thành và thẳng thắn thì càng thu phục được sự tin tưởng của quần
chúng; người nói càng trừu tượng và càng xa rời những điều cụ thể thì người đó
càng ít để lại ấn tượng trong lòng quần chúng và độ tín nhiệm càng thấp[5].
Đặc biệt, lời nói phải đi đôi với hành động và việc làm cụ thể. Sẽ là phản tác
dụng thậm chí là phản cảm nếu người diễn thuyết rất “xảo ngôn” mà trong hoạt động
thực tiễn thì xảo trá, gian lận, chủ nghĩa cá nhân. Nên nhớ rằng, diễn thuyết
hay nói trước công chúng của một người lãnh đạo không giống với một diễn giả
thông thường hay một nhân viên bán hàng muốn thuyết phục người mua bằng lời
“ngon ngọt”. Người lãnh đạo công gắn với mục tiêu công, vì nhân dân phục vụ và
vì mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc, địa phương, tổ chức. Do đó, “ngôn” và
“hành” cần phải được thống nhất và chịu sự giám sát của nhân dân. Do đó, với một
người lãnh đạo, một bài diễn thuyết hay, có tính thuyết phục và khả năng thay đổi
hành vi con người khi nó gắn với những việc làm của chính người lãnh đạo đó.
Thứ tư, luôn quan tâm đến người nghe và khơi gợi sự chú ý của họ bằng nhiều giác
quan. Một buổi thuyết trình thất bại nếu không ai nghe (hay muốn nghe) bạn nói
gì. Người nghe cảm thấy lạc lỏng, cô đơn khi không được sự quan tâm nhất là diễn
giả. Do đó, trong suốt quá trình thuyết trình, người nói phải khơi gợi sự yêu mến,
sự chú ý lắng nghe của mọi người. Trước hết, phải cố gắng không dán mắt vào văn
bản để “niệm”, điều này dễ làm người khác mệt mỏi[6].
Bởi lẽ, như đã nói ở trên, ngoài ngôn ngữ có lời còn có cả ngôn ngữ cơ thể như
cử chỉ, ánh mắt, nụ cười. Khi dán mắt vào đọc văn bản thì đương nhiên ánh mắt sẽ
không đến được với người nghe, lúc đó, nụ cười nếu có, cũng khó có thể đến được
với tất cả mọi người ở mọi góc độ. Chính lẽ đó, rèn kỹ năng nói trước công
chúng thực sự là rèn khả năng “thoát ly văn bản”. Một khi đã thoát ly được văn
bản thì khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể để cuốn hút người nghe sẽ rất cao.
Ngoài ra, muốn “hút” được người nghe thì người diễn thuyết phải học cách điều
chỉnh âm lượng từ lời nói (nếu nhỏ quá hay to đến mức chói tai sẽ gây buồn ngủ
hoặc phản cảm), tiết tấu lời nói (phải biết tăng giảm tiết tấu phù hợp, thậm chí
cần phải có lúc ngừng nghỉ trong khi nói; sự thay đổi tiết tấu giúp tránh nhàm
chán, đơn điệu), tốc độ lời nói (nếu quá nhanh người nghe không nghe kịp và
đương nhiên không hiểu bạn nói gì, nhiều trường hợp gây căng thẳng, lo lắng; nếu
nói quá chậm sẽ ức chế tâm lý người nghe, gây chán nản; trong nhiều trường hợp
cần nói “nhanh” hoặc “chậm” để gây hiệu ứng và tạo hứng khởi). Điều đặc biệt,
trong tất cả mọi trường hợp thì người thuyết trình phải quan sát hành vi, cử chỉ,
thái độ của người nghe. Nếu phát hiện những vấn đề không mong muốn (như nhiều
người làm việc riêng, nhiều người bỏ ra ngoài, nhiều người biểu hiện buồn ngủ,
nhiều người “thì thầm”,...) thì phải điều chỉnh ngôn ngữ, âm lượng, tiết tấu,
thậm chí pha một chút hài hước nếu có thể để thu hút sự chú ý, mang lại năng lượng
tích cực.
TS. Phạm Đi
[1] Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Chính trị học, Các kỹ năng lãnh đạo, quản lý, Nxb. Chính trị-hành chính, H.2013,
tr, 73.
[2] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tập tài liệu Cao cấp lý luận chính trị môn
Khoa học lãnh đạo, Nxb. Lý luận chính trị, H.2016, tr.129.
[3] Trong nhiều trường hợp, khi tham
mưu với lãnh đạo cấp trên về một vấn đề nào đó, cán bộ phải có khả năng trình
bày bằng văn bản nhưng vẫn phải có năng lực trình bày bằng ngôn ngữ thuyết
trình. Do vậy, trong thi tuyển công chức, viên chức nhiều địa phương còn tổ chức
cho ứng viên thuyết minh, ,thuyết trình trước một dự án, đề án, chương trình
nào đó. Đây là việc làm đúng và trúng, cần phải phát huy, nhân rộng. Đối với
người lãnh đạo, chính những bài phát biểu, bài nói chuyện, buổi thuyết trình
đôi khi có sức mạnh truyền cảm hứng thật sự mãnh liệt. Ví dụ những bài nói chuyện
của cố Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã thực sự thấm vào suy nghĩ của
nhiều người dân, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo từ đó định hướng cho hành động cụ
thể.
[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí
Minh, Tập tài liệu Cao cấp lý luận chính
trị môn Khoa học lãnh đạo, Nxb. Lý luận chính trị, H.2016, tr.130-131.
[5] Còn nhớ những câu nói “để đời” của
đồng chí Nguyễn Bá Thanh không phải nó mang tính “hàn lâm”, “trừu tượng” mà mộc
mạc, giản dị, chân phương. Chẳng hạn: Khi nói về việc đấu thầu các công trình:
“Xem mấy ông yếu kém không có đủ năng lực thì kiên quyết không cho đấu thầu. Mấy
ông yếu về mặt tài chính mà cứ cho đấu thầu, nhận xong làm ầu ơ ví dầu biết đến
bao giờ mới xong. Tốt nhất là nên loại ngay. Yếu thì đừng cho ra gió”; Với
cương vị của một tân bí thư Thành ủy, ông đã có cuộc đối thoại ấn tượng với
hàng ngàn cán bộ và người dân Đà Nẵng, trong buổi nói chuyện ông nhấn mạnh đến
đạo đức, trách nhiệm của cán bộ đối với người dân: “Người dân ngứa sau lưng, gãi không tới nên họ mới nhờ mình gãi. Nếu
mình gãi không trúng, cứ nhè trước bụng mà gãi, coi chừng họ gai mắt, đạp xuống
sông Hàn uống nước như chơi. Phải bắt cho trúng mạch, gãi cho đúng chỗ ngứa của
người dân. Đừng cứ ngồi nói lý luận với nhau mà không chịu làm”; trong buổi
nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông
Nguyễn Bá Thanh chia sẻ, ở đời không ai không có sai lầm, nhưng dũng khí
không phải là vung nắm đấm hay vác dao ra xử. Ông nhắn nhủ: “Rồi các em sẽ
thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng
cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”.
[6] Lưu ý, những việc “cần tránh”
trong thuyết trình để người nghe không cảm thấy mệt mỏi, nhàm chán: Không chuẩn bị hoặc chuẩn bị không kỹ càng
trước khi thuyết trình; đứng yên hoặc ít di chuyển trong quá trình thuyết
trình; ngữ điệu nói đều đều, nói lẩm bẩm, nói lắp; không sử dụng ánh mắt; không
quan tâm đến người nghe; sa vào tiểu tiết, lạc đề; nói lê thê, quá giờ; không
có phần kết thúc hoặc kết thúc không thống nhất với chủ đề thuyết trình; thiếu
yếu tố hài hước, dí dỏm.
Nhận xét
Đăng nhận xét