BÀN VỀ CÁCH VẬN DỤNG NGHỊ QUYẾT SỐ 35-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VÀO TIẾP CẬN CÁC NỘI DUNG CỦA “BIẾN ĐỔI XÃ HỘI” TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY
TS. Phạm Đi
1. Đặt
vấn đề
Xã hội loài người
luôn là một hệ thống động, hệ thống động này không chỉ biểu hiện ở cơ chế vận
hành từ nội bộ của các thành tố, thiết chế xã hội mà còn biểu hiện ở sự biến đổi,
phát triển của toàn hệ thống xã hội. Từ cách tiếp cận xã hội học, khi nghiên cứu,
quan sát xã hội cần phải tiếp cận ở giác độ “tĩnh” nhưng cũng cần phải nhìn ở
góc độ “động” để nhìn thấy cái biến đổi, phát triển trong cơ cấu xã hội. Điều
quan trọng hơn là, nghiên cứu sự biến đổi xã hội không chỉ dừng lại ở việc nhìn
thấy sự biến thiên, chuyển đổi của xã hội mà quan trọng hơn cả là tìm kiếm và nắm
bắt được các quy luật của sự biến đổi, giúp định hướng phát triển xã hội một
cách khoa học.
2. Nội
cốt lõi của nội dung "Biến đổi xã hội trong bối cảnh hiện nay"
Cũng giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã, đang và sẽ
trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử, trong mỗi giai đoạn phát triển
khác nhau sự biến đổi xã hội cũng có sự khác nhau. Biến đổi xã hội ở Việt Nam
là kết quả trực tiếp của quá trình đổi mới xã hội nói chung trên các lĩnh vực
kinh tế, chính trị, xã hội. Sự biến đổi này nó phong phú đa dạng biểu hiện trên
nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo nghiên cứu, thực tiễn đổi mới ở Việt Nam, gắn liền với hoàn
cảnh lịch sử đặc thù, còn cho thấy 10 vấn đề cần phải quan tâm giải quyết trong
tầm nhìn quản lý và hoạch định chính sách. Đó là: 1) giải quyết hậu quả xã hội
của chiến tranh; 2) sự di chuyển dân cư từ nông thôn ra đô thị và hiện tượng
nhân khẩu thường trú ở nông thôn, làm việc tại các khu công nghiệp; 3) người
Việt Nam kết hôn với người nước ngoài; 4) người nước ngoài làm ăn sinh sống tại
Việt Nam; 5) nhà ở và giải quyết nhà ở cho người nghèo; 6) giao thông đô thị và
trật tự an toàn giao thông; 7) an toàn lương thực thựcphẩm trong một nền nông
nghiệp bẩn (do ô nhiễm môi trường, do sử dụng các hoá chất kích thích sinh
trưởng ở thực vật, động vật); 8) mê tín dị đoan - một biến thái tiêu cực của
đời sống tâm linh; 9) các bệnh xã hội trong xã hội công nghiệp và trong điều
kiện kinh tế thị trường; 10) hiện tượng lệch lạc về cơ cấu xã hội, kèm theo
những biến đổi của phân tầng xã hội... và nhiều vấn đề khác. Do dó, khi xem xét biến
đổi xã hội cần phải làm rõ những biến đổi từ những vấn đề đó. Tuy nhiên, để làm
nổi bật những vấn đề xã hội cốt yếu nhất trong phát triển, nhằm giải quyết
những vấn đề vừa bức xúc trước mắt vừa cơ bản lâu dài, liên quan tới hoạch định
và thực thi các chính sách xã hội trong phát triển, có thể tập trung vào những
vấn đề sau đây trong vô số nhiều các vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội. Những vấn đề
đó là: Cơ cấu xã hội, các thiết chế xã hội, các nhu cầu của đời sống con người
trong xã hội và các quan hệ xã hội của con người.
3. Vận
dụng tinh thần Nghị quyết 35 vào tiếp cận nội dung "Biến đổi xã hội trong
bối cảnh hiện nay"
Thứ nhất, sự hình thành nhận thức mới về lĩnh vực
xã hội và chính sách xã hội trong quản lý. Bước tiến này trong nhận thức xã hội
và phát triển xã hội được tạo ra từ thực tiễn đổi mới kinh tế. Trước đổi mới
(từ 1985 trở về trước), ở Việt Nam chỉ có kinh tế kế hoạch hoá tập trung với
vai trò tuyệt đối của Nhà nước trong quản lý kinh tế mà thực chất là Nhà nước
can thiệp sâu vào các hoạt động sản xuất, kinh tế, từ Trung ương tới địa
phương, bằng phương thức mệnh lệnh hành chính. Đó là nền kinh tế hiện vật và
bao cấp, đi liền với phương thức phân phối bình quân, không thể hiện tính khách
quan của quy luật giá trị, quy luật thị trường. Trên thực tế, Nhà nước độc
quyền sản xuất - kinh doanh. Trong quan hệ sở hữu chỉ có sở hữu Nhà nước (đại
diện cho sở hữu xã hội) và sở hữu tập thể. Không có kinh tế tư nhân, không có
thị trường và càng không có cạnh tranh. Cơ cấu kinh tế biểu hiện tập trung ở
công nghiệp và nông nghiệp do Nhà nước chi phối. Mô hình kinh tế này cùng với
phương thức phân phối bình quân chia đều đã không thể phát triển trong điều
kiện bình thường, nó thiếu hụt động lực nội tại để phát triển. Sau chiến tranh,
sự trì trệ, lạm phát và khủng hoảng đã xảy ra như một tất yếu. Đổi mới đã tìm
thấy lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng ở giữa thập kỷ
80. Với việc phát triển mạnh mẽ nền sản xuất hàng hoá và kinh tế hàng hoá, thừa
nhận sự tồn tại lâu dài của nhiều thành phần kinh tế, chú trọng phát triển mạnh
mẽ kinh tế tư nhân, chú trọng lợi ích cá nhân của người lao động, xã hội đã nhanh
chóng chuyển trạng thái từ trì trệ sang năng động. Khoán sản phẩm và khoán tới
hộ gia đình nông dân ở nông thôn là một đột phá quan trọng của đổi mới kinh tế.
Đòn bẩy lợi ích kinh tế và sự thừa nhận lợi ích cá nhân là cơ sở để thực hiện
lợi ích xã hội đã nhanh chóng tỏ rõ tác dụng tích cực, đóng vai trò là động lực
của phát triển. Nhờ đó, kinh tế không biệt lập, tách rời khỏi xã hội, trái lại
gắn liền với xã hội. Những quan niệm trừu tượng về xã hội được khắc phục nhường
chỗ cho những quan tâm cụ thể, thiết thực về lợi ích thường nhật, nhu cầu
thường nhật, hợp lý, chính đáng của con người với tư cách là chủ thể sản xuất -
kinh doanh, vị trí, vị thế của cá nhân, cá thể được coi trọng, nhất là khi đi
vào kinh tế thị trường. Quan tâm tới các vấn đề xã hội trong phát triển kinh tế
đã dẫn đến một bước tiến tiếp theo là đặt đúng vị trí của các vấn đề xã hội
trong phát triển và thấy rõ sự cần thiết phải đầu tư cho việc giải quyết các
vấn đề xã hội, làm thay đổi quan niệm về chính sách xã hội. Đây là đầu tư cho
phát triển kinh tế, vì mục đích trực tiếp phát triển kinh tế và mục đích sâu xa
là phát triển con người - nguồn lực quan trọng và quyết định nhất của phát
triển xã hội. Đầu tư cho các vấn đề xã hội để giải quyết việc làm, nâng cao mức
sống dân cư, phát triển giáo 8 dục, y tế, các dịch vụ xã hội và phúc lợi công
cộng... chính là đầu tư theo chiều sâu, đầu tư cho phát triển. Nó không còn là
một thứ "phụ gia" đi kèm theo kinh tế, coi như đầu tư cho không,
không sinh lợi, chỉ đầu tư sau khi đã đầu tư cho kinh tế như quan niệm trước
đây. Chính sách xã hội không thụ động đi sau chính sách kinh tế, trái lại nó
gắn liền với kinh tế, thúc đẩy kinh tế trong khi vẫn chịu sự chi phối từ tiềm
lực vật chất của kinh tế. Với đổi mới và kinh tế thị trường, chính sách kinh tế
và chính sách xã hội gắn liền với nhau trong một thể thống nhất, tạo ra sự
thống nhất kinh tế - xã hội với xã hội - kinh tế vì mục tiêu phát triển con
người và xã hội, cá nhân và cộng đồng. Biến đổi xã hội này có tầm quan trọng
chiến lược, bởi nó làm thay đổi nhận thức từ chủ thể lãnh đạo, quản lý, có thẩm
quyền ra các quyết sách, đường lối và chính sách. Chú trọng tới lợi ích và nhu
cầu trong đời sống của con người là chú trọng tới nhân tố quan trọng hàng đầu
của lực lượng sản xuất và của phát triển xã hội nói chung. Biến đổi xã hội này
còn có ý nghĩa sâu xa và to lớn hơn nữa, ở chỗ, mọi chính sách phải hướng tới
phục vụ lợi ích và phát triển các tiềm năng sáng tạo của con người, coi con
người là mục tiêu và động lực của đổi mới và phát triển, do đó con người trở
thành tiêu điểm của mọi chính sách. Đây là định hướng nhân văn của phát triển
xã hội.
Thứ hai, biến đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế
thị trường dẫn đến biến đổi cơ cấu xã hội. Đi vào kinh tế thị trường và áp dụng
cơ chế thị trường trong quản lý kinh tế đã tạo ra sự thay đổi căn bản không chỉ
mô hình phát triển kinh tế và quản lý kinh tế mà còn tạo ra cái giá đỡ vật chất
cho những biến đổi xã hội, trong đó có biến đổi cơ cấu xã hội. Do phát triển
sản xuất hàng hoá và kinh tế hàng hoá nên hoạt động sản xuất - kinh doanh, hoạt
động kinh tế tất yếu phải tuân theo quy luật giá trị, quy luật cung - cầu, quy
luật thị trường. Đây là phương thức cần thiết và là động lực mạnh mẽ để phát
triển lực lượng sản xuất, giải phóng sức sản xuất, đẩy mạnh phân công lao động,
vị thế và vai trò của người lao động, các chủ hộ lao động, của doanh nghiệp và
doanh nhân được khẳng định. Với tư cách chủ thể, họ có quyền chủ động trong sản
xuất - kinh doanh, quyền đó đi liền với quyền tự chịu trách nhiệm trước kết quả
sản xuất và hiệu quả kinh doanh, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhà nước
trong nền kinh tế thị trường chỉ thực hiện quyền quản lý hành chính trong kinh
tế, theo luật pháp hiện hành, không can thiệp tùy tiện vào hoạt động sản xuất
kinh doanh vốn là thẩm quyền của người lao động (cá thể, tư nhân), của các
doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp (doanh nhân). Vai trò của nhà nước là tạo ra
khung khổ luật pháp như một hành lang pháp lý và sử dụng kế hoạch ở tầm vĩ mô
để điều tiết, cùng với những điều tiết bằng luật pháp, chính sách, cơ chế và
các chế tài. Với kinh tế thị trường, nền kinh tế quốc dân là một chỉnh thể
thống nhất các thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước
pháp luật, đa dạng hoá các hình thức sở hữu (nhà nước, tập thể, tư nhân) dẫn đến
đa dạng hoá các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh, đa dạng hoá các hình
thức phân phối. Mọi công dân có quyền làm tất cả những gì mà pháp luật không
cấm, trong khi công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Đây là
dấu hiệu căn bản của dân chủ hoá kinh tế, tạo ra cơ sở xã hội - pháp lý để phát
triển kinh tế 9 thị trường. Tập trung quan liêu bao cấp được xoá bỏ, thay thế
bằng cơ chế thị trường, thừa nhận cạnh tranh, phân hoá và sự phát triển vượt
trội của những người có lợi thế so sánh về năng lực, trình độ, nguồn vốn, cơ
hội làm ăn. Do đó Nhà nước khuyến khích mọi người làm giàu chính đáng theo luật
pháp. Chính sách của nhà nước bao quát nhiều đối tượng, có chú ý thích đáng sự
quan tâm của Nhà nước và cộng đồng tới các đối tượng yếu thế, thua thiệt trong
phát triển, bằng các biện pháp điều tiết lợi ích, các chính sách thuế, kể cả
thuế thu nhập từ bộ phận có thu nhập cao. Các thể chế pháp lý đảm bảo cho sự
phát triển kinh tế định hướng vào phát triển một xã hội có tăng trưởng cao đi
liền với công bằng xã hội: Luật Lao động, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật thuế
và nhiều luật khác. Cơ cấu kinh tế cũng thay đổi mà Việt Nam gọi là
"chuyển dịch". Trong cơ cấu đó, nông nghiệp giảm đáng kể tỷ trọng,
công nghiệp hướng nhiều vào các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, lao
động trí óc, chất xám gia tăng tỷ lệ, hàm lượng của nó trong các sản phẩm, hàng
hoá sản xuất ra. Thương mại, dịch vụ ngày càng được chú trọng. Đã diễn ra sự
biến đổi cơ cấu tổng thể nền kinh tế và cơ cấu trong nội bộ một ngành kinh tế,
cơ cấu vùng, miền, địa phương, phù hợp với khả năng, thế mạnh từng nơi, từng
loại hình đồng thời chú trọng đến cả tiềm lực của sản xuất - kinh doanh ở nước
ngoài do những cá nhân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện. Cơ
cấu lao động, bố trí nguồn lực lao động cũng thay đổi trên cơ sở phân công lao
động xã hội mới.
Thứ ba, sự chuyển biến xã hội vừa mang tính toàn cầu (cái chung) nhưng cũng mang
tính đặc thù (cái riêng). Do đó, bất cứ luận điều nào xuyên tạc, bóp méo thành
quả phát triển hay buộc phải "hòa tan" trong sự phát triển cần phải đấu
tranh, phê phán bằng quan điểm phát triển. Con đường hiện đại hóa của mỗi quốc gia đều dựa vào
tính đặc thù của quốc gia đó để thực hiện. Hiện đại hóa mang tính toàn cầu
nhưng nó không có “công thức chung” cho tất cả các quốc gia. Tức là, một quốc
gia thực hiện con đường hiện đại hóa không thể “sao chép” cách thức mà các nước
châu Âu đã thực hiện mà phải dựa vào điều kiện (lịch sử, văn hóa, điều kiện sống,
thể chế chính trị,…) đặc thù của mình để hiện thực hóa. Nói cách khác, các quốc
gia đang phát triển có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các nước đi trước nhưng
không thể rập khuôn mô thức mà các nước phương Tây đã thực hiện. Hiện đại hóa
là một quá trình hết sức phức tạp, căn cứ vào trình độ sản xuất, tình trạng
nhân khẩu, lịch sử-văn hóa truyền thống, thể chế chính trị,… mà mỗi quốc gia có
thể lựa chọn và quyết định con đường phát triển. Truyền thống văn hóa giữa các
dân tộc; hiện thực đời sống của mỗi quốc gia; tiến trình lịch sử của mỗi đất nước
đều có sự khác biệt, do đó, con đường hiện đại hóa cũng đa dạng, vì thế có thể
nói, một quốc gia cụ thể nào đó cần có con đường cụ thể để hiện thực hóa ước mơ
của mình. Đối với Việt Nam, cần phát huy các tiềm năng của mình dựa trên điều
kiện lịch sử-thực tiễn để hiện đại hóa đất nước. Sao chép “công thức” hiện đại
hóa của các quốc gia khác một cách duy ý chí, nóng vội, thiếu tính khoa học
chưa chắc mang lại kết quả mong muốn, thậm chí phải trả giá.
Xem Hoàng Chí Bảo, Phát triển xã hội và
quản lý phát triển xã hội trong tiến trình đổi mới, Lý luận chính trị,
10/08, tr.26.
Phạm Xuân Nam, Xã hội, phát triển xã hội
và quản lý phát triển xã hội, Lý luận chính trị, 9-2008, tr.30-31.
Nhận xét
Đăng nhận xét