VAI TRÒ LỰC LƯỢNG CÔNG AN TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ NÔNG THÔN MỚI

PHÁT HUY VAI TRÒ LỰC LƯỢNG CÔNG AN TRONG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ NÔNG THÔN MỚI Ở HUYỆN HÒA VANG, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1. Đặt vấn đề

Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn[1] và gần 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới[2], các địa phương trong cả nước nói chung thành phố Đà Nẵng nói riêng và huyện Hòa Vang nói riêng nữa đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng ghi nhận. Thành quả đó thể hiện trên nhiều khía cạnh và bình diện hết sức cụ thể như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhiều vùng nông thôn được ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp và từng bước hoàn thiện; kinh tế nông thôn trong vùng chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đóng góp của các ngành phi nông nghiệp, nhiều mô hình phát triển kinh tế nông thôn có hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được cải thiện đáng kể; hệ thống chính trị ở nông thôn, nhất là cấp cơ sở được củng cố; dân chủ cơ sở ở nông thôn được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương mà cụ thể là huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng, mặc dù đã đạt chuẩn “Huyện nông thôn mới”[3] nhưng vẫn còn những tồn tại, yếu kém, bất cập và nhiều vấn đề nảy sinh. Nói cách khác, chất lượng các tiêu chí cần được nâng cao và đảm bảo, nhất là các “tiêu chí mềm”. Kinh nghiệm từ Hòa Vang cho thấy, trong xây dựng nông thôn mới, nếu như các tiêu chí về cơ sở hạ tầng cần số vốn lớn hoặc một số tiêu chí khác sau khi hoàn thành là có thể “thảnh thơi” thì tiêu chí về an ninh trật tự mặc dù không đòi hỏi phải đầu tư vốn nhưng luôn tiềm ẩn những thách thức, cần sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân địa phương nhất là lực lượng Công an.

Đối với nhiệm vụ “Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn” trong bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là tiêu chí “mềm” và “khó”, nhất là trong bối cảnh của những năm gần đây thì tình trạng tranh chấp, khiếu kiện còn diễn biến phức tạp; tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn diễn biến khó lường, tình hình tai nạn giao thông giảm về số vụ, số người chết nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn còn ở mức cao mà nguyên nhân chính là do ý thức của người dân tham gia giao thông (phóng nhanh, vượt ẩu, sử dụng rượu, bia, chất kích thích…), tình hình cháy nổ, tai nạn lao động cũng khá phức tạp,... Tất cả các khía cạnh, vấn đề trên cần có sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an với tư cách là một chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn của tiến trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng thời gian qua đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm trong phát huy vai trò của các chủ thể trong từng nhóm nhiệm vụ cụ thể, trong đó sự tham gia và vai trò của lực lượng Công an trong đảm bảo an ninh trật tự cần phải được đánh giá một cách khoa học, có hệ thống để trong thời gian đến tiếp tục phát huy những thế mạnh, mặt đạt được; hạn chế những khiếm khuyết và tồn tại để tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Hòa Vang bền vững hơn.

2. Sự tham gia của lực lượng Công an trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới ở huyện Hòa Vang và những vấn đề đặt ra

2.1. Một số thành công, kết quả nổi bật

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, thực hiện tiêu chí số 19 về "Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn" nói riêng là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và người dân. Đương nhiên, với vai trò, chức năng của mình, lực lượng Công an là chủ thể nòng cốt trong tổ chức thực hiện, trong tham mưu cho chính quyền sở tại các đề án, kế hoạch, cách thức thực hiện và đánh giá tiêu chí số 19. Trong thời gian qua, Công an Thành phố Đà Nẵng mà trực tiếp là Công an huyện Hòa Vang[4] đã đảm nhận nhiệm vụ này một cách "tự thân-tự chủ" và thực hiện rất có hiệu quả. Theo đó, Công an 11/11 xã trên địa bàn đã chủ động quán triệt, triển khai thực hiện, xây dựng chương trình phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương và đã đảm bảo tình hình an ninh trật tự nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên toàn địa bàn Huyện.

Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 19/3/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến nay, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đều được quán triệt, nhận thức đầy đủ về Chương trình xây dựng dựng nông thôn mới và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí 19.2 về “An ninh, trật tự xã hội được giữ vững” đã tạo được không khí phấn khởi và lòng tin của người dân; việc thực hiện tiêu chí số 19.2 được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các đoàn thể từ thành phố đến địa phương. Lực lượng Công an đã nỗ lực tuyên truyền kết hợp với tấn công trấn áp tội phạm, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đã mang lại hiệu quả tích cực. Điều này được thể hiện ở những điểm cụ thể sau :

 - Công an các đơn vị thuộc Công an thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công an huyện Hòa Vang thường xuyên hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc triển khai nhiều biện pháp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự gắn liền với các phong trào hành động cách mạng, phong trào sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông thôn nên đã tạo được sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Công an 11/11 xã đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, Chính quyền cùng cấp tổ chức quán triệt, triển khai nhiều biện pháp nên đã huy động được cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn và sức mạnh toàn dân vào công tác đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

- Lực lượng Công an xã đã có nhiều cố gắng, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm xây dựng kế hoạch phối hợp, trao đổi thông tin, nắm tình hình, tham gia công tác vận động quần chúng, tuần tra, canh gác, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống cháy nổ... giữ gìn an ninh trật tự, thể hiện là lực lượng nòng cốt trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" và phòng, chống tội phạm.

- Từ kết quả đạt được nêu trên nên 11/11 xã thuộc huyện Hòa Vang đã về đích nông thôn mới từ năm 2017. Tính đến tháng 12/2022, đã có 05/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phước) và phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ duy trì 100% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về "Quốc phòng và an ninh" trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; phấn đấu có 70% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và an ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao[5].

2.2. Một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc

Ngoài những thành quả đạt được như đã phân tich ở trên, thời gian qua, lực lượng công an Hòa Vang trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ về an ninh trật tự nông thôn mà cụ thể là tiêu chí 19.2 cũng đã nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, khó khăn, tồn tại, hạn chế cụ thể sau :

- Công an ở một số đơn vị, địa phương cơ sở có lúc chưa chủ động và kịp thời tham mưu cho cấp ủy chính quyền những biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. Sự phối hợp của các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự còn chưa chủ động, thống nhất, thường xuyên; phát động phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở một số địa bàn còn hạn chế, chưa được đồng đều.

- Một số xã trên địa bàn huyện Hòa Vang chưa thường xuyên liên hệ, phối hợp với các Phòng, Ban được phân công giúp đỡ, hỗ trợ đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền và công tác xây dựng "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Việc thực hiện chế độ chính sách đối với lực lượng làm công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở, nhất là lực lượng Công an xã vẫn còn những mặt hạn chế nhất định nên ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh trật tự.

- Chưa có quy định một cách cụ thể về nguồn kinh phí hỗ trợ cho lực lượng Công an tham gia bảo đảm an ninh trật tự để thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Huyện. Cơ sở vật chất, phương tiện, công cụ hỗ trợ... cho lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại các xã còn thiếu, đã cũ hoặc hư hỏng cần được trang bị mới, thay thế nhưng việc đầu tư tài chính có lúc chưa kịp thời.

2.3. Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, việc đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức và hành vi của nhân dân về xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an ninh trật tự xã hội nông thôn còn chậm đổi mới, thiếu tính sinh động. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân là giải pháp hàng đầu, từ đó nhân dân nắm rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công tác xây dựng nông thôn mới, vai trò của tiêu chí an ninh trật tự. Qua tuyên truyền vận động nhân dân thấy được vai trò, tầm quan trọng của mình trong công cuộc cùng Nhà nước chung tay xây dựng nông thôn mới để nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động như "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc". Do đó, để nhân dân tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Hòa Vang thì thời gian đến cần phải đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, tránh rập khuôn, xơ cứng và "phong trào hóa" mà không đạt được chất lượng, hiệu quả một cách thực chất.

Thứ hai, chất lượng và hiệu quả của nhiệm vụ "đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn" có lúc, có nơi còn chưa đồng đều. Việc thực hiện mục tiêu "Xã không có khiếu kiện đông người, kéo dài trái pháp luật thì cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, không buông lỏng, lơ là. Muốn vậy thì lực lượng Công an phải thực hiện tốt công tác nắm địa bàn, kịp thời phát hiện và phối hợp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả ; không để hình thành điểm nóng, phức tạp ; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ; xử lý nghiêm các đối tượng xâm phạm các khách thể liên quan đến an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, chống người thi hành công vụ để răn đe, làm gương. Phải thực hiện tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, tranh thủ người có uy tín, lực lượng nòng cốt trong đảm bảo an ninh trật tự nông thôn.

Thứ ba, phải hướng đến cải thiện và nâng cao đời sống vật chất - tinh thần của cư dân nông thôn và tạo tiền đề để phát triển kinh tế, từ đó giảm thiểu các vấn đề xã hội, tệ nạn xã hội do thiếu việc làm, thiếu sinh kế. Muốn vậy cần phải tập trung ưu tiên chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất để không ngừng nâng cao mức sống cho người dân, thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững; liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo bước phát triển mạnh về phát triển kinh tế nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, tổ chức tốt việc đào tạo nghề, nhất là những ngành nghề đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp và thực hiện tốt công tác chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn. Tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ xã có đủ trình độ, năng lực để tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở từng địa bàn. Bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã cùng "Chung tay xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn, thực hiện "an dân" làm cơ sở để đảm bảo "an ninh" nông thôn.

Thứ tư, phát huy vai trò của lực lượng Công an xã chính quy trong xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh trật tự cơ sở. Lực lượng Công an xã chính quy được thực hiện theo Nghị định số 42/2021 ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ đã thực sự phát huy vai trò của mình, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ an ninh trật tự xã hội nông thôn. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình nhất là trong công tác vận động quần chúng tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Thứ năm, công tác phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận trong lực lượng Công an ; giữa lực lực lượng Công an với các bộ phận, ban ngành chức năng khác của địa phương có lúc chưa nhịp nhàng, có lúc chồng chéo. Trong đó, có việc phối hợp giữa lực lượng Công an xã với lực lượng Dân quân tự vệ trong công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội nông thôn, nhất là trong tuần tra phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhiệm vụ quốc phòng trên địa bàn cần được phối kết hợp nhịp nhàng. Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án một cách hiệu quả, đúng luật, đáp ứng nhiệm vụ chính trị địa phương trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, còn phải tiến hành phối hợp với các cơ quan chức năng một cách nhịp nhàng trong thực hiện phong trào "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị". Đồng thời cũng thường xuyên tiến hành các hoạt động rà soát, đánh giá kết quả phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh trật tự địa bàn cơ sở giữa các đơn vị liên quan, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nội dung, phương thức phối hợp nhằm đạt hiệu quả về an ninh trật tự xã hội nông thôn một cách cao nhất.

3. Một số giải pháp tăng cường sự tham gia và phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng Công an Hòa Vang trong thực hiện nông nông mới trên địa bàn

Thứ nhất, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách.

Để xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả tích cực thì cần phát huy tối đa vai trò của hệ thống chính trị và các chủ thể có liên quan, trong đó có lực lượng Công an. Mục tiêu then chốt của xây dựng nông thôn mới là rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, xây dựng bộ mặt nông thôn hiện đại, đem lại lợi ích cho đông đảo nông dân. Trong thực thi nông thôn mới, điều kiện tiên quyết là các căn cứ chính trị-pháp lý phải được hoàn thiện và không được chồng chéo. Đặc biệt, trong đó, tùy theo yêu cầu, tính chất, mức độ, cấp độ (xã, huyện, tỉnh) nông thôn mới mà tiêu chí về an ninh trật tự cũng có những thay đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, như đã đề cập, tiêu chí 19 là một trong những “tiêu chí mềm” và “khó giữ” bởi, một khi đã đạt được (đạt chuẩn) mà “thỏa mãn”, “lơ là” thì có nguy cơ tuột hạng hoặc “mất”. Đó chính là kinh nghiệm Hòa Vang cho thấy, cần có “độ mở” và tính linh hoạt cho việc đánh giá tiêu chí về  “Hệ thống chính trị cơ sở” hay “An ninh trật tự xã hội nông thôn”[6]. Do đó, về cơ chế chính sách cần: (1) tiến hành rà soát, nghiên cứu thật tỉ mỉ và đề xuất phương hướng tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia. Để đảm bảo không xảy ra chồng chéo trong hoạt động và triển khai các nội dung gần giống nhau (trùng lắp về nội dung, đối tượng thụ hưởng) từ các chương trình (như Chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cần kịp thời ban hành những chính sách, cơ chế lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình theo quy định để định hướng, hướng dẫn các địa phương vừa vận dụng đúng mục đích các nguồn vốn của nhà nước, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, không đúng hướng các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia khác nhau; vừa tạo điều kiện, cơ chế cho các địa phương phát huy nội lực và huy động các nguồn vốn xã hội hóa cho xây dựng nông thôn mới ở địa phương; (2) chú trọng củng cố và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Trước hết, cần hoàn thiện và thực thi chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp về nông thôn trong một số lĩnh vực, nhằm giải quyết được việc làm cho cư dân nông thôn, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa tạo lực hút các nguồn lực (nhân lực trẻ) về lại địa phương vừa ổn định tình hình an ninh trật tự. Qua đó, cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp có ngành nghề liên quan đến nông nghiệp, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm đầu ra cho cho các sản phẩm nông nghiệp, hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp để giúp người nông dân cải thiện sinh kế, tăng thu nhập.

Thứ hai, nhóm giải pháp về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Tăng cường công tác lãnh đạo được thể hiện ở một số việc cụ thể : (1) tăng cường sự tập trung chỉ đạo cụ thể, thường xuyên, liên tục, đồng bộ, thống nhất, và huy động được sự tham gia của toàn hệ thống chính trị ; có sự phân công, phân cấp, thể chế hóa vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, ngành hữu quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát từ cơ quan chức năng đối với các hoạt động triển khai các nội dung thực thi nông thôn mới (nhất là cơ chế tài chính, đầu tư); có kế hoạch và chương trình sơ kết, tổng kết một cách chặt chẽ, nghiêm túc để đúc rút những kinh nghiệm tốt (và cả những bài học tày liếp) từ các địa phương nhằm thúc đẩy công tác tuyên truyền một cách có hiệu quả, chất lượng, đúng hướng, đúng mục tiêu, đúng đối tượng; (2) tăng cường quán triệt tổ chức thực hiện Chỉ thị 09/CT-TW ngày 01 tháng 12 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Chỉ thị 06/CT-BCA-C41 ngày 12 tháng 5 năm 2016 của Bộ Công an về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay; (3) làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để triển khai tốt nhất và đạt hiệu quả cao đối với tiêu chí về an ninh trật tự. Tham mưu tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị ( khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”.

Thứ ba, nhóm giải pháp tăng cường sự tham gia và phối hợp trong quản lý nhà nước về an ninh trật tự nông thôn.

Muốn làm tốt điều này cần thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu : (1) chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp, kế hoạch, chuyên đề về quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký, quản lý các các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, tổ chức vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thường xuyên phối hợp kiểm tra công tác đăng ký lưu trú, tạm trú trên địa bàn nhất là tại các khu vực công trình đang thi công, khu vực dân cư, các cơ quan doanh nghiệp đóng trên địa bàn, các điểm tạm trú có dấu hiệu phức tạp về an ninh trật tự. Thường xuyên vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phòng ngừa đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án ; (2) thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo trật tự an toàn giao thông, xử lý người vi phạm luật giao thông đường bộ, tuần tra kiểm soát xử lý tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị ; (3) thực hiện quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra phòng cháy chữa cháy các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn xã, kịp thời phát hiện những yếu kém, thiếu sót gây nguy cơ mất an toàn phòng cháy, chữa cháy để khắc phục nhanh chóng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy ; (4) thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực kinh tế, môi trường, đảm bảo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động đúng pháp luật, phòng ngừa và xử lý các sai phạm phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự.

Thứ tư, nhóm giải pháp tăng cường vai trò của lực lượng Công an xã.

Diện mạo nông thôn ở Hòa Vang đã có những bước chuyển ngoạn mục từ nhiều chiều cạnh khác nhau, trong đó vấn đề về an ninh trật tự xã hội. Nhất là khi có chủ trương bố trí lực lượng Công an chính quy về xã. Lực lượng Công an xã chính quy đã góp phần đảm bảo sự ổn định an ninh trật tự xã hội và bình yên cuộc sống cho nhân dân nông thôn. Để tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng này trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hòa Vang thời gian đến cần thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu : (1) tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trên địa bàn Huyện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới; (2) Làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Thông tư số 124/2021/TT-BCA ngày 28/12/2021 của Bộ Công an "Quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn về an toàn về an ninh, trật tự"; (3) đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, internet và các nền tảng mạng xã hội với các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình địa bàn với những nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ vận dụng; (4) phối hợp với các ban, ngành hữu quan để chủ động tham mưu, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh trật tự. Gia tăng tính hiệu quả các phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; (5) mắm chắc tình hình an ninh trật tự trên địa bàn toàn Huyện, kịp thời tham mưu cấp ủy, chính quyền có các chủ trương, biện pháp đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới để đạt các tiêu chí 19.2; (6) tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trên địa bàn, lực lượng Công an xã phải thường xuyên tuần tra mật phục, phát hiện, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực an ninh trật tự, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân ngay từ cơ sở, không để hình thành những điểm nóng về xã hội.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

         1.         Phạm Đi, Một số giải pháp đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay, Nxb. Thông tin và Truyền thông, H.2018

         2.         Lê Quốc Lý (chủ biên), Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, vấn đề và giải pháp, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội 2012.

         3.        Đặng Kim Sơn, Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa,  Nxb Chính trị quốc gia – Hà Nội 2008.

         4.        Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025

         5.        Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Về ban hành bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.

         6.        Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về  ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mớigiai đoạn 2021 – 2025.

         7.        Quyết định 1680/QĐ-BNN-VPĐP ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Về hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao và huyện NTM, huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.



(*) Học viện chính trị khu vực III; (**) Công an Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng

[1] Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban chấp hành Trung ương về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

[2] Quyết định số 800-QĐ/TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020

[3] Tham kiến: https://danang.gov.vn/chinh-quyen/chi-tiet?id=6983&_c=3

[4] Hiện trên toàn thành phố Đà Nẵng. do tính chất đặc thù nên chỉ có Hòa Vang là huyện duy nhất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

[5] Công an thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch số 95/KH-CATP-PXDPT ngày 15 tháng 03 năm 2023 về Công tác Công an thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023

[6] Kể cả việc thống kê theo các quy định tại Giữa Thông tư 41 và Chỉ thị số 05/BCA-V28 ngày 30/3/2011, Kế hoạch số 194/KH-BCA-V28 ngày 11/11/2010 của Bộ Công an về thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ