BÀN VỀ VẤN ĐỀ VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở NƯỚC TA

 

BÀN VỀ VẤN ĐỀ VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BÌNH ĐẲNG GIỚI TRÊN MỘT SỐ LĨNH VỰC CHỦ YẾU Ở NƯỚC TA

 

Tóm tắt:

Một xã hội được gọi là bình đẳng, tất nhiên (và tất yếu) mỗi cá nhân trong đó phải được tiếp cận những cơ hội như nhau và hưởng thụ thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Đương nhiên, không thể đề cập đến vấn đề công bằng xã hội mà không nói đến bình đẳng nam nữ hay bình đẳng giới. Nói cách khác, công bằng xã hội và bình đẳng giới là hai yếu tố song hành, có mối quan hệ hữu cơ. Bởi công bằng xã hội sẽ thúc đẩy sự bình đẳng xã hội (bao gồm bình đẳng giới) và ngược lại, bình đẳng xã xã hội là nguồn năng lượng thúc đẩy công bằng xã hội, phát triển xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng Chủ nghĩa xã hội một nửa[1].

Từ khóa: Bình đẳng giới, vai trò phụ nữ, chính sách về giới

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia sớm nhận thức được vấn đề bình đẳng giới và xem bình đẳng giới là động lực cũng là mục tiêu của tiến trình phát triển xã hội, bởi bình đẳng giới là quyền lợi cơ bản cũng là giá trị hết sức cơ bản của con người. Tuy vậy, từ nhận thức đến hành động là một quá trình không đơn giản, nó đòi hỏi phải có một cơ chế vận hành để thúc đẩy, xúc tiến để thực thi, giám sát để thực thi đúng luật. Nói cách khác, cần phải có một hệ thống chính sách, giải pháp và những nhiệm vụ cần phải tiến hành và đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn nhất định. Nếu không, bình đẳng giới chỉ là một khẩu hiệu, một lời “tuyên ngôn” sáo rỗng, và khi đó cái gọi là bình đẳng giới sẽ đi vào thực chất hơn.

Nếu làm một phép tính giản đơn thì chúng ta cũng có thể suy ra rằng, Việt Nam hiện nay có hơn 48 triệu người là nữ giới[2]. Rõ ràng, một nữa dân số này không thể đứng ngoài sự phát triển của xã hội, càng không thể đứng ngoài “tầm phủ sóng” của các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, những chính sách liên quan đến giới và phụ nữ nói riêng.

Như đã nói ở trên, Việt Nam sớm nhận thức được vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển xã hội, xem đây là nguồn lực to lớn cần phải phát huy và tôn trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, chính sách liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới mà bằng chứng là ngày 29/10/2006, Quốc Hội đã thông qua và ban hành Luật bình đẳng giới, Luật này nhằm quy định những nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Tuy vậy, trong quá trình kiến lập và hoàn thiện chế độ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tồn tại và phát sinh những vấn đề liên quan đến sự phát triển của phụ nữ cũng như thực hiện bình đẳng giới: sự phân tầng xã hội trong các nhóm phụ nữ ngày càng phức tạp, sự đa dạng hóa trong nhu cầu về đảm bảo lợi ích, quyền lợi, phát triển, sinh tồn của các nhóm; sự bất bình đẳng (đúng hơn là sự mất cân bằng) dần hiện rõ trong chính những nhóm phụ nữ khác nhau, khu vực địa lí khác nhau, những giai tầng khác nhau; vẫn còn tồn tại những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ, phong kiến về trọng nam khi nữ, hiện tượng xâm hại quyền lợi của phụ nữ vẫn còn tồn tại trên không ít lĩnh vực và khu vực; nạn bạo hành đối với phụ nữ (nhất là bạo lực gia đình) đang có chiều hướng gia tăng và biến trướng một cách phức tạp.

Việt Nam đã “nhìn thấy” và chú trọng giải quyết đến những vấn đề này. Chúng ta không khó để kiểm chứng sự từng bước khắc phục và giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước ta trong sự lồng ghép vào các chính sách kinh tế, pháp luật, chính trị và cả dư luận xã hội, góp phần bảo đảm quyền lợi bình đẳng nam nữ và hưởng thụ quyền lợi này trong gia đình và ngoài xã hội trên các lĩnh vực như văn hóa, kinh tế, chính trị. Không ngừng thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nữ giới. Tuy vậy, như đã nói, bình đẳng giới không phải là khẩu hiệu, một lời tuyên ngôn mà là một giá trị xã hội thực sự, một động lực để phát triển xã hội. Chính lẽ đó, thực hiện bình đẳng giới không chỉ “gói ngọn” trong nhận thực mà phải cả trong hành động; không chỉ thực hiện trong một thời gian mà phải được thực hiện xuyên suốt, lâu dài; không chỉ chuyện lập pháp và cả vấn đề hành pháp, tư pháp; không chỉ dừng ở tầm vĩ mô mà phải có những hành động và chính sách hết sức cụ thể trong từng lĩnh vực cụ thể. Cũng như thế, nó không thể “đạt được” trong một sớm một chiều mà phải trải qua một quá trình lâu dài, có kế hoạch, có định hướng và có cả sự quyết tâm. Kết quả “đạt được” của bình đẳng giới không phải là cái gì đó mơ hồ mà phải là những thành tựu lượng giá được, cân đo đong đếm được, tức là phải “thấy được”. Chẳng hạn như tỉ lệ phụ nữ có việc làm, mức độ bảo hiểm xã hội đối với phụ nữ, tỉ lệ phụ nữ tham chính, điều kiện hoàn cảnh việc làm của phụ nữ, quyền lợi hợp pháp của phụ nữ đã được bảo đảm ở mức độ nào? Kết quả này phải được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, giáo dục, sức khỏe, pháp luật, môi trường... Để đạt được những chỉ số này, thiết nghĩ cần phải có những chính sách đúng đắn, những giải pháp khả thi để từng bước thực thi. Trong bài viết này, chúng tôi muốn bàn đến vấn đề hoạch định và thực thi chính sách bình đẳng giới trong một số lĩnh vực chủ yếu sau đây:

2. Một số vấn đề về thực hiện chính sách bình đẳng giới trên một số lĩnh vực chủ yếu

2.1. Vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế

Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế là đảm bảo cho phụ nữ đạt được sự bình đẳng trong việc tham gia vào hoạt động kinh tế cũng như bình đẳng trong cơ hội, quyền lợi khi thụ hưởng các thành quả kinh tế - xã hội; chống kì thị giới trong việc làm, đảm bảo quyền lợi lao động cho phụ nữ. Để đảm bảo bình đẳng trong cơ hội việc làm giữa nam và nữ, đảm bảo sự công bằng trong hưởng thụ những thành quả phát triển xã hội thì phải có hệ thống chính sách tương ứng thúc đẩy sự phát triển năng lực của phụ nữ, cải thiện và nâng cao địa vị kinh tế cho người phụ nữ. Làm được điều này, cần chú trọng đến vấn đề sau:

Thứ nhất, về chính sách việc làm. Nhà nước cần có những chế định cụ thể để hỗ trợ cho phụ nữ tiềm kiếm việc làm cũng như tự tạo việc làm. Chẳng hạn hỗ trợ để đào tạo việc làm, miễn giảm thuế khi phụ nữ tự tạo việc làm (tức là cung cấp những điều kiện có lợi để phụ nữ tự tạo việc làm), đồng thời chính quyền các cấp (nhất là cấp cơ sở) phải phải có những động thái tích cực tạo việc làm cho phụ nữ, chẳng hạn chống kì thị về giới trong nghề nghiệp, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho phụ nữ, thiết kế những “cửa sổ phụ vụ” về nghề nghiệp, kiến lập và ưu tiên những chỗ làm có thể cho phụ nữ, giúp đỡ những đối tượng thất nghiệp hoặc khó tìm kiếm việc làm để họ có được việc làm; chỉ đạo và kết hợp với những tổ chức như phụ nữ, thanh niên, công đoàn, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ… giúp đỡ phụ nữ tìm kiếm việc làm, cải thiện thu nhập.

Thứ hai, cải thiện kết cấu việc làm của phụ nữ. Trong quá trình bồi dưỡng, đào tạo, chiêu mộ... cần chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới, tạo điều kiện cho những phụ nữ có năng lực có điệu kiện cống hiến cho xã hội. Trên thực tế, những ngành nghề có thu nhập cao và được coi là “nghề của nam giới” như điện lực, viễn thông, bưu chính, điện tử, tài chính, bảo hiểm. Do đó, chính sách cần phải hướng đến sự tham gia của phụ nữ vào các công việc nói trên, cải thiện kết cấu việc làm của phụ nữ như hiện nay.

Thứ ba, nâng cao mức độ bảo hiểm xã hội cho phụ nữ. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chú ý đến chính sách bảo hiểm xã hội (bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm cho người già...), tuy vậy chế độ bảo hiểm của chúng ta còn mang tính “cào bằng” (ngang nhau giữa nam và nữ trong cùng một điều kiện). Nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng chế độ bảo hiểm “lưỡng cực”, tức là giữa nữ giới và nam giới có chế độ bảo hiểm khác nhau trong cùng một điều kiện. Trong những trường hợp cụ thể, phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi nhiều hơn nếu được hưởng chính sách bảo hiểm như nam giới. Chính điều này mới là bất bình đẳng trong hưởng thụ chính sách bảo hiểm xã hội. Do vậy, chúng ta cũng phải cần xem xét áp dụng chế độ bảo hiểm “lưỡng cực” để người phụ nữ được thụ hưởng “công bằng” hơn trong chế độ bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, ủng hộ quyền lợi hợp pháp của nhóm phụ nữ di cư đến thành phố mưu sinh. Trước tiên chúng ta cần phải thừa nhận rằng, những năm trở lại đây, tỉ lệ phụ nữ di cư đến thành phố ngày một đông (di cư theo mùa vụ hoặc di cư không xác định thời gian), đây là một thực tế mà chúng ta không thể ngăn cản và cần chấp nhận nó như một tất yếu của sự phát triển. Nhóm phụ nữ này thường có tay nghề thấp, lao động phổ thông. Nhiều trường hợp đến thành phố thường mang theo cả gia đình và con cái. Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận tính hợp pháp của nhóm này khi họ di cư đến thành phố và xem đây là nhóm yếu thế cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền (như vấn đề hộ tịch, vấn đề việc làm, vấn đề học hành của con cái họ...), đồng thời có chính sách giúp họ nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, ý thức về quyền lợi hợp pháp cũng như tìm kiếm việc làm ổn định cuộc sống[3].

2.2. Vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là một trong những lĩnh vực hết sức nhạy cảm và mang tính lịch sử. Đối với những quốc gia phát triển như Na-uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ thì vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị sớm được đưa ra và thực tế đã đạt được những thành tựu hết sức thuyết phục[4]. Việt Nam cũng đã nhận thức được vấn đề này mà bằng chứng là tỉ lệ phụ nữ tham chính của chúng ta ngày càng được nâng cao[5]. Tuy nhiên, khoảng cách giới về chính trị của chúng ta vẫn còn lớn, do đó cần phải tăng cường sự nhận thức của xã hội về vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị; từng bước nâng cao tỉ lệ phụ nữ tham chính, tham gia vào đội ngũ lãnh đạo quản lí nhà nước và nhất là tham gia vào quá trình ra quyết định. Để làm được điều này, cần phải:

Thứ nhất, quán triệt nguyên tắc “công khai, công bằng, cạnh tranh, ưu tiên” trong quá trình tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Tuyển chọn, sử dụng, đề bạt cán bộ cần phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh bình đẳng nhưng cũng chú ý đến nguyên tắc ưu tiên cho cán bộ nữ, nhất là những đối tượng ưu tú, tài năng, suất sắc tham gia vào đội ngũ lãnh đạo. Có chính sách hợp lý để tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để phát huy năng lực của phụ nữ, dần từng bước xóa bỏ “khoảng cách giới” trong lĩnh vực chính trị.

Thứ hai, bồi dưỡng nâng cao tố chất nghiệp vụ chính trị của đội ngũ cán bộ nữ. Có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ nữ về học tập lí luận, nghiệp vụ thực tiễn, luân lưu cán bộ nữ ở các cấp. Các cấp ủy đảng và chính quyền cần có kế hoạch nâng cao tỉ lệ phụ nữ trong đội ngũ của mình.

Thứ ba, trong quá trình biên soạn và chế định những chính sách pháp luật có liên quan đến lợi ích, quyền lợi thiết thân của phụ nữ, cần phải lắng nghe những góp ý của đại biểu nữ từ các cấp, đồng thời nếu cần thiết thì phải lấy ý kiến, kiến nghị của các tầng lớp phụ nữ. Điều này vừa thể hiện tính dân chủ, vừa tranh thủ được các ý kiến của các giới mà đặc biệt là phụ nữ liên quan đến nhu cầu giới, đặc trưng giới để chính sách ra đời giải quyết đúng và “trúng” vấn đề đặt ra.

Thứ tư, tăng cường ý thức cạnh tranh, năng lực của phụ nữ khi tham gia và nguồn máy quản lí xã hội. Động viên, khích lệ phụ nữ tham gia thảo luận đưa ra những quyết sách về các lĩnh vực xã hội, đảm bảo quyền lợi dân chủ trực tiếp và gián tiếp của phụ nữ. Từng bước nâng cao tỉ lệ phụ nữ trong các cơ quan đơn vị hành chính.

2.3. Vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở nước ta đang tồn tại vấn đề bất bình đẳng về giới trong giáo dục. Tỉ lệ trẻ em gái vào các trường THPT luôn thấp hơn tỉ lệ các em nam, tỉ lệ em giá từ 15 tuổi trở lên thụ hưởng giáo dục (số năm học) ít hơn nam, tỉ lệ giáo viên nữ cấp 3 trở lên luôn thấp hơn giáo viên nam…[6] Chung qui là tỉ lệ trẻ em gái thụ giáo thấp hơn tỉ lệ nam giới đồng lứa tuổi. Đó là thực trạng về bất bình đẳng giới trong giáo dục ở Việt Nam. Từ thực trạng đó, chúng ta cần phải từng bước ban hành và thực thi chính sách bình đẳng giới trong giáo dục. Để làm được điều này thiết nghĩ cần phải:

Thứ nhất, trong chiến lược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng con người nói chung, bồi dưỡng nhân tài nói riêng, Nhà Nước cần phải có cái nhìn về bình đẳng giới, song song với đó cần tránh những “khuôn mẫu giới” trong giáo dục (nhất là giáo dục nhà trường), chính lối tiếp cận khuôn mẫu giới sẽ là nguyên nhân làm sâu sắc thêm khoản cảnh giới trong giáo dục[7]. Thêm nữa, trong qui hoạch tổng thể về phát triển giáo dục của từng địa phương cũng như của quốc gia cần phải chú ý đến vấn đề bất bình đẳng trong thụ giáo (thời gian tiếp nhận giáo dục) giữa nam và nữ, dần từng bước thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đảm bảo quyền lợi và cơ hội tiếp nhận giáo dục ngang nhau giữa hai giới.

Thứ hai, chế định và hoàn thiện chính sách pháp luật tương quan về giáo dục theo hướng bình đẳng về giới để nữ giới có điều kiện như nam giới trong việc tiếp cận giáo dục. Tạo môi trường giáo dục có lợi hơn cho phụ nữ (nhất là trẻ em nữ); nghiêm cấm việc định kiến giới, kì thị giới trong giáo dục

Thứ ba, đối với phổ cập giáo dục đảm bảo 100% trẻ em gái được đến trường, chú ý đến các em vùng vùng vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (vì chính những nơi này khoảng cách giới càng hiện rõ).

2.4. Vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe

Có thể nói rằng, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực y tế, mạng lưới y tế dần hoàn thiện và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nói chung; nam nữ đều có cơ hội như nhau khi tiếp cận các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, đó chưa phải là hoàn hảo càng chưa đạt được “bình đẳng” nếu nhìn dưới lăng kính giới. Nói cách khác, về lĩnh vực bảo đảm vấn đề chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ chúng ta chưa đạt được. Nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận thức được rằng, bảo bảo về chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ là lĩnh vực ưu tiên để cho phụ nữ phát triển và thực hiện bình đẳng giới. Có thể nói ngay rằng, Việt Nam chúng ta chưa có cái nhìn đúng về vấn đề này. Xét về mặt nhu cầu giới mà nói, nhu cầu khám chữa bệnh của phụ nữ không hoàn toàn giống nhu cầu khám chữa bệnh của nam giới, cũng có nghĩa rằng cơ cở vật chất kĩ thuật để phục vụ khám chữa bệnh cho nữ giới phải mang tính đặc thù và tính phổ biến. Đặc biệt là công tác dự phòng còn có ý nghĩa đối với phụ nữ. Nhiều nước trên thế giới đưa công tác dự phòng bệnh cho nữ giới đến từng trường học, cộng đồng nhằm tuyên tuyền về các bệnh về giới, HIV/AIDS, nâng cao tầm hiểu biết của phụ nữ (nhất là nữ thanh thiếu niên) về kiến thức sức khỏe giới tính, tăng cường năng lực tự bảo vệ của chính nhóm phụ nữ này. Đối với những phụ nữ lớn tuổi thì lựa chọn nhiều kênh tuyên tuyền khác nhau, nhiều phương thức khác nhau, có những trung tâm tư vấn chuyên khoa để phục vụ nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh của họ. Từ đó đề cao chất lượng sống của nhóm phụ nữ này. Việc chăm sóc y tế cho phụ nữ còn chú ý đến nhóm đối tượng thai sản, đặc biệt là phụ nữ nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Tuyên truyền nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và thai nhi trong thời kì thai sản, giảm thiểu tỉ lệ trẻ em tử vong trước, trong và sau khi sinh. Do vậy, để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế cần phải:

Thứ nhất, trong việc bảo đảm quyền lợi được chăm sóc tế thì phụ nữ và trẻ em phải được đặc ở vị trí trọng yếu. Điều này được cụ thể hóa bằng sự đầu tư các dịch vụ khám chữa bệnh cho phụ nữ. Trong quá trình thực hiện chính sách bình đẳng giới trong y tế, nhiều nước trên thế giới thực hiện chính sách “bất bình đẳng”, nghĩa là ưu tiên đầu tư cho phụ nữ nhiều hơn, chẳng hạn chính sách đầu tư về y tế sẽ tính đến tỉ lệ phụ nữ trên 18 tuổi và tăng nguồn kinh phí đầu tư, đảm bảo nhu cầu đặc thù của phụ nữ trong việc chăm sóc y tế.

Thứ hai, kiện toàn mạng lưới phụ vụ y tế cho phụ nữ nhất là những đối tượng thai sản, nâng cao chất lượng bệnh viện phụ khoa[8]. Xây dựng quỹ chuyên dụng về bảo đảm sức khỏe cho phụ nữ, từ quỹ này có thể đầu tư thiết bị máy móc, cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu đặc thù của phụ nữ mà cụ thể là công tác phục vụ sức khỏe sinh sản.

Thứ ba, tăng cường công tác giáo dục sức khỏe sinh sản cho phụ nữ (nhất là những đối tượng trong độ tuổi sinh sản), bao gồm biện pháp phòng tránh thai, sức khỏe sinh sản, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Từng bước nâng cao nhận thức của phụ nữ về tự ý thức trong công tác chăm sóc sức khỏe, tự chủ trong kế hoạch hóa gia đình, có quyền quyết định những vấn đề liên quan đến lĩnh vực sức khỏe bản thân và gia đình.

Thứ tư, về lĩnh vực chăm sóc y tế tâm lí cho phụ nữ[9], từng bước nâng cao sức khỏe về sinh lí, sức khỏe tâm lí cho phụ nữ, đặc biệt chú ý đến việc dự phòng những trở ngại tâm lí mà tạo thành những nguy cơ. Từng bước hình thành và hoàn thiện mạng lưới tư vấn tâm lí cho phụ nữ mà cụ thể là những trung tâm tư vấn “sức khỏe tâm lí” cho phụ nữ.

2.5. Vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực pháp luật

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đó là điều hiển nhiên, giới và giới tính không là ngoại lệ. Bình đẳng giới trong lĩnh vực pháp luật không phải là thiên vị pháp luật mà xuất phát từ nhận thức và thực tiễn: năng lực và ý thức nhận thức pháp luật của phụ nữ “lạc hậu” hơn so với nam giới; những hành vi tội phạm nhắm vào phụ nữ ngày càng nhiều hơn, quyết liệt hơn, tinh vi hơn (nhất là nạn lợi dụng tình dụng, hiếp dâm, buôn bán phụ nữ…). Trong khi đó thì số lượng (và chất lượng) của phụ nữ là hội thẩm nhân dân, thẩm phán, tòa án (nói chung là trong lĩnh vực tư pháp và hành pháp) còn quá khiêm tốn, điều đó đã tạo nên một bất bình đẳng về giới trong lĩnh vực pháp luật. Để khắc phụ tình trạng này cần phải có những biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường năng lực và ý thức về nhận thức pháp luật cho phụ nữ bằng cách thông qua các phương tiện truyền thông tuyên truyền giáo dục pháp luật, giúp họ nhận thức được quyền lợi hợp pháp của bản thân. Trong quá trình lập pháp, chấp pháp và tư pháp cần đảm bảo thực hiện quyền lợi cho người phụ nữ và có ý thức đến vấn đề bình đẳng giới.

Thứ hai, tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực chấp pháp cũng như tư pháp. Có chế tài đủ mạnh đối với những hành vi xâm hại đến quyền lợi của phụ nữ như xâm hại tình dục, hiếp dâm, mua bán phụ nữ, tổ chức mua bán dâm.

Thứ ba, kiến lập và hoàn thiện hệ thống trợ giúp pháp lí nhằm hỗ trợ pháp lí và trợ giúp xã hội cho phụ nữ bị hại. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Công đoàn, Ủy ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Các tổ chức này là người đại diện pháp lí cho đương sự trong những trường hợp cần thiết.

Thứ tư, phát hiện và ngăn chặn hiện tượng bạo lực gia đình đối với phụ nữ, thiết lập các đường dây nóng để phụ nữ có thể liên hệ nếu cần (nên chăng mỗi UBND các phường, xã có một đường dây nóng hoặc áp dụng các phầm mền, ứng dụng trên điện thoại thông minh, ứng dụng mạng xã hội như facebook, zalo….) . Cần thiết lập những mô hình như “gia đình bình an”, “gia đình hạnh phúc”, “cộng đồng không bạo lực” đến từng khu phố, thôn/ấp. Bên cạnh đó thành lập những trung tâm giám định (nhiều nước đặt các trung tâm giám định này ngay trong bệnh viện địa phương) tổn thương khi bị hành hung làm cơ sở pháp lí cho việc khởi tố bị can. Có những trợ giúp hữu hiệu và thiết thực cho những trường hợp bị bạo lực cần có sự trợ giúp (nhất là các đối tượng phụ nữ di dân đến đô thị, phụ nữ nghèo, trình độ văn hóa thấp)

Thứ năm, bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình phải được đảm bảo bằng luật pháp. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành luật bình đẳng giới, Việt Nam chúng ta cũng nằm trong số này. Luật quy định “Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó” (khoản 3 điều 5 Luật bình đẳng giới Việt Nam). Tuy vậy việc cụ thể hóa luật bằng những việc làm cụ thể vẫn chưa được tiến hành. Đơn giản, nhiều quốc gia trên thế giới đã cụ thể hóa việc bình đẳng giới trong hôn nhân và gia đình như sau: giấy đăng kí kết hôn luôn được in ra 2 bản mỗi bên đương sự một bản; giấy tờ liên quan đến tài sản (nhất là nhà đất) thì một mặt ghi tên của hai người nhưng đồng thời cũng gồm có 2 bản cho mỗi bên một bản; khi người vợ sinh đẻ thì người chồng cũng có quyền “nghỉ sinh” để chăm sóc, phục vụ vợ con (nhưng vẫn hưởng nguyên lương trong vòng 1 tháng, 80% lương trong tháng thứ 2). Nói như thế để thấy rằng, việc ban hành luật là cần thiết, việc thực thi pháp luật là cần thiết hơn. Hơn thế nữa, luật pháp không thể qui định hết sức chung chung mà không có những “chỉ tiêu, chỉ báo” để thực hiện và đo lường thì khó có thể thực hiện, việc bình đẳng giới chỉ là khẩu hiệu, một lời hô hào mà thôi.

2.6. Vấn đề về bình đẳng giới về xã hội

Cần tạo ra một môi trường xã hội có lợi cho sự phát triển toàn diện mà đặc biệt là môi trường làm việc và môi trường sống thích hợp cho sự phát triển cũng như sáng tạo cho phụ nữ, từng bước nâng cao mức độ phúc lợi xã hội cho nhóm đối tượng này. Trong những năm gần đây, chúng ta đã nhìn nhận vấn đề này và từng bước cải thiện môi trường thuận lợi cho sự phát triển của phụ nữ, tuy vậy vẫn còn những khiếm khuyết chưa đạt được, nhất là điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của nữ công nhân, nữ nông dân và nhóm phụ nữ nghèo. Để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực môi trường, cần phải có những chính sách căn cơ, lâu dài và có tính khả thi.

Thứ nhất, cần có những nghiên cứu bài bản để nắm bắt thực trạng về môi trường làm việc, môi trường sống… của phụ nữ hiện nay, nhất là nữ công nhân, nữ lao động nghèo, vùng sâu vùng xa từ đó tăng cường giáo dục và tuyên truyền về bình đẳng giới[10], tăng cường nhận thức giới, từng bước xóa bỏ định kiến xã hội, kì thị xã hội về giới. Tạo ra một môi trường xã hội tốt cho sự phát triển, sáng tạo và cống hiến của phụ nữ.

Thứ hai, có cơ chế nhằm biểu dương những tấm gương phụ nữ điển hình tiên tiến, khẳng định sự cống hiến của phụ nữ cho sự tiến bộ và phát triển xã hội, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nhân rộng các tấm gương phụ nữ suất sắc, điển hình, hình thành sự tôn trọng xã hội đối với phụ nữ.

Thứ ba, kiến lập cơ cấu phúc lợi xã hội để đảm bảo cuộc sống cho nhóm phụ nữ nghèo, nhóm phụ nữ có thu nhập thấp, nhóm phụ nữ môi trường làm việc có ảnh hưởng (hoặc có nguy cơ ảnh hưởng) đến sức khỏe. Có chế độ đãi ngộ cho cho các nhóm phụ nữ này về y tế, dưỡng lão, thất nghiệp; đảm bảo lợi ích cơ bản khi phụ nữ trong thời kì thai nghén và sinh đẻ.

Thứ tư, có chính sách cụ thể nhằm xây dựng môi trường gia đình lành mạnh không bạo lực, không khói thuốc, dân chủ, bình đẳng; phụ nữ được tôn trọng; quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được bảo đảm dân chủ và bình đẳng. Môi trường gia đình lành mạnh sẽ là yếu tố làm cho môi trường xã hội lành mạnh, có lợi cho sự phát triển của phụ nữ và cũng có lợi cho sự phát triển xã hội nói chung.

2.7. Vấn đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo

An sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo là những thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia[11]. Thời gian qua chúng ta đã được được những thành tựu to lớn trong vấn đề xóa đói giảm nghèo, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp, nhiều kênh khác nhau để tiến hành xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình ban hành và thực thi chính sách chúng ta ít (khoặc không) chú trọng lắm đến vấn đề giới trong lĩnh vực này. Nói khác đi, chúng ta không có “chính sách riêng” cho nhóm phụ nữ (nhất là phụ nữ nông thôn vùng sâu vùng xa, phụ nữ nghèo đô thị..). Bởi về bản chất, họ là “nhóm yếu thế trong nhóm yếu thế” cần được bảo vệ và có chính sách hỗ trợ để họ thoát nghèo. Để làm được điều này, theo chúng tôi cần phải có chính sách ưu ái cho nhóm này, cụ thể là.

Thứ nhất, chế định chính sách có lợi hơn cho phụ nữ nghèo để họ thoát nghèo. Như đã nói, trong chính sách xóa đói giảm nghèo chúng ta không “phân biệt” là nhóm nghèo nào miễn là có thu nhập dưới mức qui định (dưới đường nghèo đói Poverty Line)[12] thì cho là nghèo. Đây là chỉ báo nói rằng, chúng ta chưa có cái nhìn về giới khi ban hành (và thực thi) chính sách có liên quan. Do vậy, cần có chính sách có lợi hơn cho phụ nữ nghèo để họ có thể tự thoát nghèo bằng chính năng lực của mình. Nói khác đi, chính sách xóa đói giảm nghèo phải được đặc trên nguyên tắc ưu tiên.

Thứ hai, kêu gọi và ủng hộ các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ phụ nữ (nhất là phụ nữ nghèo nông thôn) thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ (nhất là các tổ chức đến từ các nước phát triển) họ rất chú ý quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới trong xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là nhóm phụ nữ nghèo. Được biết, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ phía các tổ chức này. Các tổ chức này thường lấy tiêu chí “ thoát nghèo bền vững” làm mục tiên và sự tác động của họ thường mang lại những hiệu quả bền vững giúp cho nhóm phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững. Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có chính sách hợp lí, thông thoáng để nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức này, bởi trên thực tế, nhiều lúc, còn hành chính hóa, “chính trị hóa” lĩnh vực này khiến nhiều tổ chức “ngại” hỗ trợ cho Việt Nam. Đây cũng là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ.

3. Kết luận

Bình đẳng giới không phải là một khẩu hiệu, một lời tuyên ngôn mà là một phương thức sống, lối sống, một phương thức tư duy, một giá trị xã hội thực sự. Thúc đẩy sự bình đẳng giới chính là thúc đẩy sự phát triển xã hội. Bình đẳng giới không phải là một ý đồ chiến thuật hay một giải pháp tình thế mà nó là một chiến lược lâu dài trong quá trình phát triển và bình ổn xã hội. Chính vì thế, thực hiện bình đẳng giới không thể là công việc ngày một ngày hai, nhất thời mà là xuyên suốt trong các lĩnh vực, quá trình; trong quá trình lập pháp, tư pháp và hành pháp. Để thực hiện bình đẳng giới ngoài công tác tuyên tuyền, giáo dục, truyền thông thì công tác luật pháp hóa cũng cần được đề ra và thực hiện. Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới phải được lồng ghép vào trong các chính sách pháp luật, phải được đưa vào trong giáo dục nhà trường xem đây là kiến thức cơ bản và đồng thời phải được các cơ quan, tổ chức, ban ngành, cộng đồng hưởng ứng, thực hiện. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giám sát việc thực thi các chính sách liên quan đến bình đẳng giới, có chế tài đủ mạnh đối với hành vi vi phạm Luật bình đẳng giới… Có như thế, nhận thức về giới và thực hiện bình đẳng giới mới đạt được những kết quả như mong muốn, bình đẳng giới mới thực sự là động lực phát triển xã hội.

Tài liệu trích dẫn

 

1.      Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, Tập 3.

2.      Phạm Đi, Vấn đề xã hội – lý thuyết và vận dụng, Nxb CTQG-ST, H.2018.

3.      https://danso.org/viet-nam/

http://www.baogiaothong.vn/bao-dong-bat-binh-dang-gioi-trong-giao-duc-d144345.html


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t3, tr. 523.

[2] Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, số lượng nữ giới có 48.996.442 trên tổng số 95.963.958 người (tương đương 51,06% tổng dân số). Tham kiến: https://danso.org/viet-nam/

[3] Chương trình “5 không, 3 có” và đặc biệt là chính sách hướng đến phụ nữ nghèo của thành phố Đà Nẵng về việc làm, nhà ở đã mang lạ những thành công lớn. Có thể nói đây là chính sách của một địa phương/thành phố có sức ảnh hưởng lớn và cần nghiên cứu nhân rộng. 

[4] Đến thời điểm hiện nay, tỉ lệ phụ nữ tham chính các cấp của Thụy Điển là 45%.

[5] Theo PGS.TS Lê Thị Quý, Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu Giới và phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) tỉ lệ phụ nữ là đại biểu tỉ lệ phụ nữ là đại biểu quốc hội từ nhiệm kì 9 đến nhiệm kì 11 đã tăng thêm 8,7% nâng tỷ lệ phụ nữ tham gia chính quyền lên 27,3% - tỉ lệ cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ phụ nữ tham gia hội đồng nhân dân ba cấp: xã, phường; quận, huyện và tỉnh thành đều tăng

[6] Số liệu điều tra mới nhất về hiện trạng mù chữ theo độ tuổi ở phụ nữ của 63 tỉnh, thành trong cả nước cho biết: Với độ tuổi từ 15-25, toàn quốc có hơn 128.000 người mù chữ, trong đó có hơn 61.000 nữ; Trong độ tuổi 26-35 tuổi có 278.000 người mù chữ thì 150.000 là nữ. Đáng nói, đối tượng nữ là người dân tộc thiểu số bị mù chữ chiếm đa số. Tham kiến: http://www.baogiaothong.vn/bao-dong-bat-binh-dang-gioi-trong-giao-duc-d144345.html

[7] Xem: Phạm Đi, Vấn đề xã hội – lý thuyết và vận dụng (Mục: Cần có cái nhìn bình đẳng trong sách giáo khoa), Nxb CTQG-ST, H.2018, tr.117.

[8] Hiện nay nhiều tỉnh/thành chưa có bệnh viện phụ khoa. Hơn thế nữa, hầu hết các biện viện sản-nhi, phụ khoa ở một số địa phương đều trong tình trạng quá tải. Điều đó cho thấy, nhu cầu khám chữa bệnh mang tính đặc thù giới là có thật.

[9] Tổ chức y tế thế giới cho rằng, tình trạng bệnh tật bao gồm cả vấn đề tâm lí. Một người được cho là khỏe mạnh thì phải có một cơ thể khỏe mạnh và cả một trạng thái tâm lí khỏe mạnh. Do đó, việc chăm sóc y tế về tâm lí được đặc ra. Đối với nước ta, vấn đề này còn mới mẽ, tuy vậy cũng cần phải từng bước thực hiện.

[10] Nhiều quốc gia trên thế giới thành lập các trung tâm nghiên cứu giới và phát triển để nghiên cứu nắm bắt tình trạng bất bình đẳng giới, từ đó có kế hoạch tuyên truyền chính sách về bình đẳng giới đến sâu rộng trong quần chúng nhân dân cũng như đến các cấp lãnh đạo.

[11] Trong đó chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới là hai chương trình lớn, chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta.

[12] Ngay cả Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 và  Quyết định Số 1722/QĐ-TTg về Phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 cũng không có điều khoản này đề cập đến vấn đề này.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ