VÌ SAO THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LẠI “RA SỨC” PHỦ NHẬN THÀNH QUẢ CHỐNG DỊCH COVID-19 CỦA CHÚNG TA?

 

VÌ SAO THẾ LỰC THÙ ĐỊCH LẠI “RA SỨC” PHỦ NHẬN THÀNH QUẢ CHỐNG DỊCH COVID-19 CỦA CHÚNG TA?

Tóm tắt:

Có thể nói Đại dịch COVID-19 về cơ bản đã được khống chế, đó là điều đáng tự hào! Thế nhưng, việc ứng phó với “Hậu COVID” về bảo vệ những thành quả đạt được trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 để phản bác quan điểm sai trái, thu địch; mang lại niềm tin cho nhân dân là nhiệm vụ mới cần phải thực hiện.

Thành thật mà nói, khó ai có thể đoán định đại dịch COVID-19 còn có thể phát sinh bao nhiêu biến thể[1], diễn biến của nó sẽ theo chiều hướng nào, tác động về mặt y tế cũng như các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ ra sao,… nhưng một điều mà mọi người đều có để khẳng định (và có cơ sở để nói điều đó: ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cơ bản khống chế được dịch, số ca khỏi bệnh ngày càng gia tăng; chúng ta cũng đã cơ bản “phủ sóng” vác-xin một cách bài bản, chuyên nghiệp, khoa học và chủ động) là đại dịch sẽ qua đi, cuộc sống sẽ trở lại với quỹ đạo của nó. Thế nhưng, sẽ là “ngổn ngang” và bị động, lúng túng nếu chúng ta không có động thái chuẩn bị để ứng phó với vấn đề phát sinh, nhất là lĩnh vực xã hội cho thời “hậu COVID” và những “cơn đại dịch” về các thông tin giả mạo, tin đồn[2] cũng như các luận điểm phủ nhận thành quả phòng chống dịch của chúng ta.

Thời gian qua chúng ta đã “hy sinh lợi ích kinh tế để phòng chống dịch” như tinh thần “Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan điểm nhất quán của Đảng và Chính phủ. Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”[3]. Như thế, việc chuẩn bị các phương án phục hồi, phát triển kinh tế (ở tầm vĩ mô, trung mô và vi mô) là việc làm cần thiết nhất và chúng ta đã “tiên liệu trước”, “chuẩn bị trước”. Trong đó, vấn đề việc làm cho người lao động đóng vai trò xuyên suốt bởi không chỉ liên quan đến vấn đề thu nhập, chi tiêu và còn tác động đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Hiện chưa thể thống kê một cách đầy đủ số lượng người thất nghiệp, bán thất nghiệp và chịu ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm do đại dịch COVID-19 nhưng chắc chắn là con số không nhỏ, phạm vi ảnh hưởng không hẹp, ngành nghề tác động không chỉ giới hạn ở lĩnh vực giao thông, du lịch,... mà là toàn xã hội. Chuẩn bị giải quyết vấn đề việc làm không chỉ là “phục công” (trở lại làm việc như cũ ở đơn vị cũ) mà còn tính đến cả những người chuyển đổi việc làm mới (dẫn đến công tác đào tạo lại), số người thất nghiệp vì bị sa thải (tìm kiến việc làm mới), số người tìm kiếm việc làm mới (sinh viên ra trường).

Thứ đến, phải lường trước phương án giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh, trong đó có các loại tệ nạn xã hội, nạn trộm cắp hoành hành; các hiện tượng lừa đảo (nhất là lừa đảo bằng công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng), chiếm đoạt tài sản; vấn đề nghèo đói và phân tầng xã hội (trong đó, nhóm nghèo do tác động từ mất việc làm, mất nguồn thu nhập); vấn đề tranh chấp, kiện tụng liên quan đến gói hỗ trợ cho các đối tượng (nếu các địa phương làm không đến nơi, đến chốn, cán bộ không công tâm,...); vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần đối với nhóm công nhân (hệ lụy không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, nhất là rủi khi khi tuổi già)[4]; vấn đề tin đồn cũng như đưa thông tin méo mó nhằm làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành chống dịch và giải quyết các vấn đề nêu trên. Tất cả  các khía cạnh này cần phải được chú trọng, nhất là các cơ quan hành pháp, tư pháp; cơ quan truyền thông, dân vận,… cần phải có phương án cụ thể phù hợp với tính chất, điều kiện của mỗi địa phương, tránh bị động hoặc rơi vào tình thế “giải quyết tình huống”.

Thời gian gần đây, dư luận đã rất đồng tình, ủng hộ với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng ta. Có thể nói rằng, đây cũng là một trong những điểm nhấn quan trọng đối với nhiệm vụ làm trong sạch bộ máy, mang lại niềm tin cho nhân dân. Thế nhưng, dù bình tĩnh bao nhiêu thì cũng không ít người cũng thể hiện sự đau xót cho không ít cán bộ nhúng chàm vào vụ Việt Á[5] và xem đó là “phép thử đau đớn với công tác cán bộ”[6] và trên một bình diện nào đó mà nói, đây cũng là lời tuyên chiến của Đảng ta đối với các phần tử cán bộ bị thoái hóa, biến chất. Thế nhưng, điều đáng chú ý là đây cũng là “điểm nóng” để các thế lực thù địch “xoáy” vào chống phá, bôi nhọ, bóp méo, hình thành các luồng dư luận xã hội xấu, ít nhiều gây nên tâm lý bất an trong nhân dân.

Một số khía cạnh phân tích trên không phản ánh tất cả các khía cạnh nhưng chí ít cũng là “đơn đặt hàng” cho nhà lãnh đạo, quản lý cần có động thái “chuẩn bị” những phương án để thực hiện và giải quyết các vấn đề liên quan đến “hậu COVID”, nhất là khía cạnh xã hội, khía cạnh chính trị, vấn đề định hướng dư luận, lĩnh vực tuyên truyền và truyền thông,…. nhằm góp phần ổn định một cách nhanh chóng nhất, giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội, vấn đề chính trị-xã hội một cách hiệu quả nhất; bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững nền tảng tư tưởng-chính trị, củng cố và phát triển niềm tin xã hội cho nhân dân và toàn xã hội.

PHẠM ĐI

[1] Hiện đã xuất hiện biến thể BA.4 và BA.5 rất nguy hiểm. Tham kiến: https://danang.gov.vn/viruscorona/chi-tiet?id=49301&_c=100000181

[2] Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về biến thể Omicron mới gây dịch COVID-19 độc hơn biến thể Delta gấp 5 lần và có tỉ lệ tử vong cao hơn, Bộ Y tế khẳng định đây là tin giả. Tham kiến: https://tuoitre.vn/bo-y-te-bien-the-ba-4-va-ba-5-doc-gap-5-lan-tu-vong-cao-hon-la-tin-gia-20220629084504759.htm

[3] Mạnh Hùng, Chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham kiến: https://dangcongsan.vn/thoi-su/chap-nhan-hy-sinh-mot-so-loi-ich-kinh-te-de-bao-ve-suc-khoe-tinh-mang-cua-nhan-dan-548033.html

[4] Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 200.000 lượt người đã rút bảo hiểm xã hội một lần trong ba tháng đầu năm 2022 sau khi dịch bệnh COVID-19 tạm lắng xuống để giải quyết khó khăn trước mắt, song đã có những khuyến cáo về vấn đề này. Nếu chúng ta không lường trước rủi ro và tăng cường công tác tuyên truyền thì hệ lụy xã hội là rất lớn và phức tạp về sau này đối với hệ thống an sinh xã hội, an ninh con người.

[5] Nhiều lãnh đạo CDC 'nhúng chàm' Việt Á dù trước đó tuyên bố không nhận đồng nào. Tham kiến: https://tuoitre.vn/nhieu-lanh-dao-cdc-nhung-cham-viet-a-du-truoc-do-tuyen-bo-khong-nhan-dong-nao-20220508074020198.htm

[6] "Vụ án Việt Á là phép thử đau đớn đối với công tác cán bộ". Tham kiến: https://vov.vn/chinh-tri/vu-an-viet-a-la-phep-thu-dau-don-doi-voi-cong-tac-can-bo-post950884.vov

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ