VẤN ĐỀ TỘI PHẠM CÓ YẾU TỐ GIỚI TÍNH: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
VẤN ĐỀ TỘI PHẠM CÓ YẾU TỐ GIỚI TÍNH: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ
VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Tóm tắt:
Vấn đề tội phạm
nói chung, tội phạm có yếu giới tính nói riêng không phải là vấn đề mới mẻ nhưng
chưa bao giờ “lỗi thời”, thậm chí ngày càng mang tính thời sự, bởi trong bối cảnh
và tình hình mới như hiện nay, nhất là xu thế toàn cầu hóa, số hóa và phát triển
nhanh chóng các hình thức truyền thông mà cụ thể là truyền thông xã hội thì tội
phạm có yếu tố giới có xu thế gia tăng ở trên thực tế, cả trên không gian mạng;
về số lượng, cả về hình thức và tính chất phức tạp của nó. Thực tế đó đòi hỏi
phải tiến hành nhận diện một cách thấu đáo, khoa học, có hệ thống về vấn đề tội
phạm có yếu tố giới, tìm ra nguyên nhân, hệ thống giải pháp tương ứng để từng
bước khắc phục, hạn chế, đẩy lùi vấn nạn này. Trên cơ sở phân tích một số thực
trạng và nguyên nhân, bài viết đưa ra một số khiến nghị mang tính giải pháp
trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa, tăng cường các
hoạt động giáo dục, tuyên truyền để nâng cao kiến thức về giới, hình thành lăng
kính giới về tiếp cận tội phạm, góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về
bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Từ khóa: Vấn đề tội phạm; Giới tính; Nghiên cứu tội
phạm.
1.
Đặt vấn
đề
Trong nghiên cứu
tội phạm thông thường có nhiều cách tiếp cận, cách phân chia và mô hình
nghiên cứu chủ yếu dựa vào lĩnh vực của đời sống (tội phạm kinh tế, tội phạm về
môi trường, tội phạm lĩnh vực công nghệ cao...), theo tính chất và mức độ nguy
hiểm cho xã hội (tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc
biệt nghiêm trọng) hay nhóm chủ thể mà hành vi tội phạm gây tổn hại (tội phạm
xâm hại an ninh quốc gia, xâm phạm quyền tự do dân chủ của công dân, xâm phạm
trật tự, tội phạm ma túy…) nhưng cách tiếp cận mô hình tội phạm theo yếu tố giới
tính còn khá hạn chế nếu không muốn nói là còn ít ỏi và nhiều “khoảng trống”.
Tội phạm liên
quan đến giới, giới tính (gọi tắt là tội phạm giới) là khái niệm chỉ các loại tội
phạm liên quan đến hành vi giới tính và được sử dụng trên 2 tầng nghĩa. Theo
nghĩa rộng, tội phạm giới là toàn bộ những hành vi giới tính liên quan đến các
quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán bị ngăn cấm, khiển
trách và trừng phạt. Theo nghĩa hẹp, tội phạm giới là những hành vi giới tính bị
nghiêm cấm bởi pháp luật với những chế tài tương ứng. Theo Luật hình sự của nước
ta, tội phạm giới theo nghĩa hẹp gồm các hành vi sau: tội hiếp dâm, tội cưỡng
dâm, tội giao cấu với trẻ em, tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm…
Vấn đề tội phạm
giới có tính lan truyền và có thể dẫn đến các loại tội phạm khác, chẳng hạn,
khi thực hiện hành vi hiếp dâm hay cưỡng dâm thì hung thủ thường chịu những phản
ứng, đôi khi rất quyết liệt một mất một còn khiến cho những kẻ ra tay càng hung
bạo và đôi khi dẫn đến hành vi giết người (tránh bị người khác phát hiện, người
bị hại tố giác, diệt khẩu…); hành vi mua bán dâm (nhất là người mua dâm) khi muốn
có tiền để thực hiện hành vi của mình thường dẫn đến các hành vi tội phạm như lừa
gạt, trộm, cướp..; những nhóm môi giới, chứa chấp mại dâm thường có hành vi ẩu
đả, thậm chí sát hại lẫn nhau để tranh giành “địa bàn”, quyền điều kiển, bảo
kê… Do đó, tội phạm về giới tác động trực tiếp đến an ninh trật tự, ổn định xã
hội và cần có những nghiên cứu, những giải pháp thích hợp để ngăn ngừa, khống
chế. Đặc biệt, trong bối cảnh, tình hình và yêu cầu mới về công tác phòng chống
tội phạm, bạo lực trên cơ sở giới; thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia về
bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 với nhiệm vụ: “Xây dựng và triển khai các chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng
giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Truyền thông nâng cao
nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đưa nội dung về bình đẳng giới
vào hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học; phòng ngừa và ứng phó với
bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao năng lực về bình đẳng giới cho cán bộ làm
công tác pháp chế, tăng cường lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật; tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo
và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách”, thì việc nghiên cứu, nắm bắt,
có thái độ tích cực, đúng đắn về các loại tội phạm có yếu tố giới là yêu cầu có
tính quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển xã hội bền vững.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu có liên quan
Nghiên cứu vấn đề
tội phạm, tùy theo cách nhìn của mỗi chuyên ngành khoa học, mỗi trường phái hay
thậm chí là mỗi học giả mà có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tại Việt Nam, các
công trình nghiên cứu về vấn đề tội phạm rất phong phú, đặc biệt là cách tiếp cận
tội phạm học. Nhóm nghiên cứu này chủ yếu tập trung nghiên cứu thực trạng vấn đề
tội phạm, tìm hiểu các nguyên nhân và đưa ra giải pháp cũng như những chiến lược
để phòng ngừa hạn chế, khống chế và đẩy lùi vấn nạn tội phạm (Nguyễn Khắc Khải,
2021). Cũng nhằm hướng đến kiểm soát xã hội đối với tội phạm, cách tiếp cận xã
hội học cũng là một hướng nghiên cứu về “xã hội học tội phạm”. Tiếp cận kiểm
soát xã hội đối với tội phạm tương đối mới mẽ ở nước ta. Với góc nhìn tội phạm
như là một kiểu lệch chuẩn xã hội ở mức độ cao nhất và được giải thích bởi nhiều
nguyên nhân, trong đó có yếu tố từ hoạch định chính sách, triển khai thực thiện
và kiểm soát hành vi của con người trong gia đình, ngoài xã hội (Trịnh Tiến Việt,
2016). Song song với đó, nghiên cứu vấn đề tội phạm còn tiếp cận theo nhóm tuổi,
lứa tuổi, vùng miền, giới tính, trình độ học vấn, nơi cư trú và tính chất của từng
nhóm tội phạm. Với tiêu đề “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa thanh thiếu niên
vie phạm pháp luật ở thành phố Đà Nẵng”, tác giả nhóm nghiên cứu đã có cách tiếp
cận đa chiều để nhìn nhận nắm bắt thực trạng tội phạm của nhóm thanh thiếu niên
trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua đó dự báo các xu thế “trẻ hóa”, “có tổ chức
hóa” và hệ thống các giải pháp cho công tác hoàn thiện pháp luật, kết hợp với
các thiết chế như trường học, nhà trường trong giáo dục trẻ vị thành niên (Nguyễn
Viết Lợi, 2013). Cùng với các chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống
bạo lực trên cơ sở giới được chú trọng thì công tác nghiên cứu tội phạm có yếu
tố giới cũng là một hướng nghiên cứu đáng chú ý. Tuy nhiên, do hạn chế về số liệu
tách biệt giới nên hướng nghiên cứu này cũng ở mức “sơ khởi” (Phạm Đi, 2018). Do
đó, với cách tiếp cận xã hội học tội phạm, xã hội học về giới gắn với các vấn đề
xã hội, bài viết này hướng đến phân tích vấn đề tội phạm trên lăng kính giới, từ
đó đưa ra một số khuyến nghị mang tính giải pháp để giảm thiểu vấn nạn bạo lực
có yếu tố giới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng giới, phát triển
xã hội bền vững trong thời gian đến.
3. Phương pháp tiếp cận và kỹ thuật nghiên cứu
Nghiên cứu này chủ yếu sử dụng phương pháp diễn
dịch và quy nạp, phân tích từ các nguồn tài liệu thứ cấp sẵn có, từ đó rút ra
những yếu tố hợp lý để làm cơ sở cho các nhận định. Trong đó, một số cứ liệu của
Tổng cục thống kê cũng là cơ sở thực chứng để nghiên cứu nắm bắt thực trạng,
làm minh chứng và cứ liệu cho việc phân tích, đưa ra nhận định.
4. Thực trạng và nguyên nhân nảy sinh tội phạm có yếu tố giới
Khi đất nước bước
vào giai đoạn đổi mới mà đặc biệt là những chuyển biến xã hội trong thời gian gần
đây mà cụ thể là chuyển biến từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ
xã hội tương đối khép kín sang xã hội mở cửa, từ xã hội truyền thống sang xã hội
công nghiệp. Những nội dung cụ thể trong thời kỳ xã hội có chuyển biến lớn đó
là những thay đổi về cơ cấu xã hội, đổi mới cơ chế, chính sách, điều chỉnh kết
cấu ngành nghề, chuyển biến những giá trị, quan niệm… Trong thời kỳ này, cơ cấu
xã hội, cơ chế vận hành xã hội đã có những chuyển biến mạnh mẽ; các khuôn mẫu,
thang bậc giá trị có những giao thoa thậm chí va đập nhau; phương thức hành vi,
phương thức sống, hệ thống giá trị đều phát sinh những biến đổi nhất định và
đôi khi mạnh mẽ. Do đó, phát sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan đến những chuyển
biến xã hội này mà tội phạm về giới cũng là một trong những vấn đề đó. Khi xem
xét vấn đề tội phạm liên quan đến giới chúng ta đặt nó trong bối cảnh của thời
đại để tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của nó. Để nắm bắt các nguyên nhân nảy
sinh các tội phạm liên quan đến yếu tố giới thì chúng ta mới có những biện pháp
giải quyết và phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hợp lý, căn cơ. Cụ
thể mà nói, nguyên nhân của loại tội phạm liên quan đến yếu tố giới, giới tính
chủ yếu gồm:
Thứ nhất, mất cân bằng về phát triển kinh tế. Tội phạm liên quan đến yếu tố giới có
nguyên nhân sâu xa liên quan đến nguồn gốc kinh tế. Tình trạng mất cân bằng
trong phát triển kinh tế giữa các tỉnh, các vùng, giữa nông thôn và miền núi,
giữa đô thị và nông thôn hình thành chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Thực tiễn ở nước ta cho thấy, hiện tượng mất cân bằng trong phát triển ngày
càng gia tăng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng.
Theo số liệu của
Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng
khá đạt mức bình quân 6,78% trong giai đoạn 2016-2019, năm 2020 do ảnh hưởng của
đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới các lĩnh vực kinh tế – xã hội, nước ta
vẫn đạt mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới với mức tăng 2,91%. Những
thành tựu về kinh tế đã lan tỏa đến đời sống các tầng lớp dân cư trong xã hội.
Thu nhập của các nhóm dân cư tăng từ 3,1 triệu đồng/tháng/người năm 2016 lên
4,2 triệu năm 2020 nhưng tốc độ tăng thu nhập của nhóm nghèo nhất luôn thấp hơn
nhóm giàu nhất, do vậy khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, bất
bình đẳng thu nhập trong các tầng lớp dân cư ngày càng giảm khi hệ số GINI giảm
từ 0,431 năm 2016 xuống còn 0,373 năm 2020.
Thông qua hệ số
GINI trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy, bất bình đẳng thu nhập tại nước ta biến
động không nhiều, giảm từ 0,431 xuống 0,373 và nằm trong ngưỡng an toàn, hiệu
quả, phù hợp cho mục tiêu tăng trưởng cao. Tại khu vực thành thị, người dân
bình đẳng và dễ dàng hơn trong tiếp cận các cơ hội phát triển về trình độ học vấn,
kỹ năng làm việc thông qua giáo dục nên bất bình đẳng về thu nhập luôn thấp hơn
khu vực nông thôn. Năm 2016 hệ số GINI ở khu vực thành thị là 0,391 giảm còn
0,325 năm 2020, chỉ số này tương ứng ở khu vực nông thôn là 0,408 và 0,373.
Tại các vùng miền
do có sự khác nhau về điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, trình độ sản xuất,
kết cấu hạ tầng và trình độ dân trí, lợi thế so sánh…, những đặc điểm đó làm
cho sự phát triển của các vùng miền có sự khác biệt làm cho sự chênh lệch về
thu nhập cũng như bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư tại các vùng miền khác
nhau rõ rệt. Hệ số GINI ở tất cả các vùng kinh tế có xu hướng giảm dần, khoảng
cách bất bình đẳng ngày càng được thu hẹp. Hai vùng kinh tế lớn của cả nước là
Đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam Bộ là khu vực kinh tế phát triển có tốc độ phát
triển cao so với các khu vực còn lại, hệ số GINI có tốc độ giảm mạnh và thấp so
với các khu vực khác. Mất cân bằng trong phát triển kinh tế sẽ khiến cho một bộ
phận phụ nữ rơi vào tình trạng nghèo đói (nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối). Bên
cạnh đó, do vị trí của phụ nữ trong thị trường
lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi các bất lợi về kinh tế- xã hội xuất phát từ
phân biệt đối xử trên cơ sở giới. Phụ nữ Việt Nam thường ít được tiếp cận đến
các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so
với nam giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do xã hội gán cho người
phụ nữ địa vị thấp hơn và đặt gánh nặng làm công việc nhà không lương lên vai
người phụ nữ, nhưng vẫn mong muốn họ tham gia sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp
và nền kinh tế thị trường. Để thoát được nghèo, nhiều phụ nữ lựa chọn
con đường lao động chân chính để thoát nghèo nhưng cũng không ít phụ nữ, vì những
lý do khác nhau, lựa chọn con đường bất chính (kể cả mại dâm). Mặt khác, một bộ
phận nào đó trong xã hội còn tổ chức các hoạt động ăn chơi sa ngã và tiến hành
các hoạt động mua bán dâm.
Thứ hai, “lợi nhuận” kiếm được từ hành vi tội phạm cao[1].
Theo quan niệm của xã hội học, khi đứng trước sự lựa chọn về hành vi hoặc là phạm
tội hoặc là không phạm tội thì nếu người ta quyết định lựa chọn hành vi phạm tội
khi người ta cho rằng, khi thực hiện hành vi đó nó sẽ mang lại lợi ích lớn (hiệu
quả do phạm tội mà có) và dễ dàng (so với sự lựa chọn khác – sự lựa chọn hợp
lý). Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở nước ta đã rất quyết liệt đối
với các loại tội phạm liên quan đến yếu tố giới như hành vi hiếp dâm, buôn bán
phụ nữ, mua bán dâm, thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn những lỗ hổng nhất định,
các chế tài ở một số loại tội phạm chưa nghiêm, thậm chí các loại tội phạm liên
quan đến hành vi mua bán, chứa chấp, tổ chức bán dâm có xu hướng gia tăng. Một
trong những nguyên nhân tồn tại hiện tượng này là “lợi nhuận” cao nhưng chế tài
(hình sự và hành chính) còn tương có tính răng đe; xử lý người bán, người mua,
người tổ chức hay môi giới mại dâm còn quá nhẹ.
Thứ ba, nội dung, phương thức giáo dục giới tính còn lạc hậu, yếu kém, chậm đổi mới.
Giáo dục giới tính liên quan đến nội dung và tính chất về ý thức giới tính,
liên quan đến sức khỏe vị thành niên và tâm lý giới tính của mỗi cá nhân. Lịch
sử phát triển ý thức giới tính của cá nhân là một quá trình tích lũy từ không đến
có, từ ít đến nhiều, từ tự phát đến tự giác. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện
nay, vấn đề giáo dục giới tính ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, thậm
chí lạc hậu. Trong gia đình, kiến thức của các bậc cha mẹ về giới tính còn thiếu
và yếu, thường có thái độ né tránh khi nói đến các vấn đề “nhạy cảm” về giới
tính. Trong trường học, mặc dù trong những năm gần đây đã có những cố gắng nhất
định nhằm đưa giáo dục giới tính vào các cấp học nhưng thực tế vẫn còn hình thức,
chung chung, chưa gắn với lứa tuổi. Chẳng hạn, nhiều trường học có tiến hành
giáo dục giới tính nhưng chỉ làm cho có, giáo viên phụ trách cũng chỉ kiêm nhiệm,
thậm chí “ngại” khi nói đến các vấn đề giới tính chuyên sâu nên hiệu quả không
cao. Ngoài xã hội, khó có thể thông qua một kênh chính quy để học hỏi những kiến
thức về giới tính một cách khoa học, hợp thời đại; xã hội cũng không có những định
hướng giá trị đích thực về phương diện đạo đức liên quan đến giới tính để dẫn dắt
hành động cho con người, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Hơn 2 năm nay, nhiều
trường học trên toàn quốc tiến hành dạy và học trực tuyến nhưng cũng chưa thấy
một “bộ quy tắc ứng xử” phù hợp với tình hình dịch bệnh liên quan đến giáo dục
giới tính,… Chính những thực trạng đó khiến cho vấn đề giáo dục giới tính cho
thanh thiếu niên ngày càng cấp bách và đòi hỏi phải có tư duy đổi mới mạnh mẽ
hơn nữa.
Vấn đề là ở chỗ,
vì sao giáo dục giới tính lạc hậu lại là nguyên nhân của tội phạm về giới? Khi
xã hội có những chuyển biến, nhất là những chuyển biến lớn trong quá trình công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và các rủi ro, bất thường xã hội nảy sinh (có
cả dịch bệnh như Covid-19). Những rủi ro và biến chuyển xã hội đó sẽ tác động đến
các giá trị văn hóa truyền thống và nếu đủ lớn nó sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng
vốn có và hình thành một trạng thái cân bằng mới. Một số mắt xích trong hệ thống
văn hóa trước đó có thể bị xô lệch nhưng không phải lúc nào cũng nhanh chóng
tìm được vị trí mới, cái mới thay thế và vì thế phát sinh hiện tượng mất cân bằng
văn hóa. Thông thường, yếu tố vật chất của văn hóa sẽ biến chuyển trước tiên và
sau đó là yếu tố tinh thần và cuối cùng là phong tục, tập quán sẽ có những biến
đổi liên đới. Từ mối quan hệ giữa giáo dục giới tính và tội phạm nhìn nhận, vấn
đề trưởng thành sớm, dậy thì sớm, quan hệ tình dục lần đầu của lứa tuổi vị
thành niên là các yếu tố phá vỡ trạng thái cân bằng cũ của văn hóa, và do đó cần
sự điều chỉnh của xã hội để tìm kiếm điểm cân bằng mới. Tức là, cha mẹ, nhà trường,
xã hội cần tiến hành giáo dục giới tính cho đối tượng này một cách kịp thời, khoa
học, giúp cho họ đối diện với những “sự thật” và xử lý tốt những vấn đề liên
quan đến giới tính. Thế nhưng trên thực tế, gia đình, nhà trường và cả xã hội vẫn
chưa theo kịp với sự chuyển biến của thời đại, của văn hóa mà đôi khi còn có
thái độ né tránh, úp mở, sợ “vẽ đường cho hưu chạy”. Chính lẽ đó càng làm cho
thanh thiếu niên thiếu hụt những kiến thức thiết yếu về giới tính, thậm chí từ
đây lại dẫn đến tính hiếu kỳ, tò mò. Kết quả là năng lực kiểm soát cá nhân về
lĩnh vực giới tính kém, và đó là điều kiện để hình thành các hành vi tội phạm
giới tính. Thực tiễn cho thấy, hiện tượng này đã trở thành một vấn đề xã hội hết
sức cấp bách, là vấn đề liên quan đến sức khỏe, sự phát triển bình thường của cả
một thế hệ thanh thiếu niên.
Thứ tư, quản lý văn hóa, mạng xã hội và tình trạng văn hóa phẩm đồi trụy ngày càng
tràn lan. Dưới cách nhìn của lý thuyết xung đột văn hóa thì tỷ lệ tội phạm và
xung đột giá trị văn hóa có mối tương quan nhau. Nói cách khác, xung đột về các
quy chuẩn văn hóa sẽ dẫn đến xung đột hành vi mà tội phạm chính là xung đột giữa
quy phạm và hành vi. Trong một xã hội hiện đại, sự giao lưu, tiếp biến, chỉnh hợp,
xâm thực văn hóa luôn diễn ra; cơ cấu xã hội ngày càng phức tạp hơn, giá trị xã
hội ngày càng đa dạng hơn. Chính vì thế, xung đột văn hóa ngày càng có xu thế
gia tăng khiến cho tâm lý và hành động của con người đôi khi khó thích ứng với
những chuyển biến nhanh chóng của văn hóa xã hội. Con người khó tiếp nhận những
nét, yếu tố văn hóa ngoại lai và từ đó dễ dẫn đến những hành vi lệch lạc mà biểu
hiện cao nhất là hành vi tội phạm.
Văn hóa phẩm đồi
trụy dẫn đến hành vi tội phạm như thế nào? Từ những năm sau giải phóng đến trước
đổi mới, và Nhà nước ta đã có những động thái tích cực đấu tranh với các loại
văn hóa phẩm đồi trụy; chúng ta luôn phủ định và tìm cách loại trừ các loại tội
phạm liên quan đến giới như hiếp dâm, cưỡng dâm, mại dâm; dư luận xã hội cũng
lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm này. Chính lẽ đó, loại tội phạm này ở thời
điểm đó bị miệt thị ghê gớm, thậm chí những ai có hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm,
bán dâm sau khi đã thụ án không dám trở về bản quán vì những dè bỉu của cộng đồng
và phán xét từ “búa rìu dư luận”. Sau thời
kỳ đổi mới đất nước, cùng với xu thế mở cửa hội nhập, nhất là phổ cập mạng
Internet, mạng xã hội, các loại văn hóa phẩm đồi trụy cũng theo đó mà phát
sinh, phát tán, tác động đến hành vi, tư tưởng, lối sống của mọi người. Có thể
nói, đây là hiện tượng xung đột văn hóa điển hình, xung đột này khiến cho quan
niệm giới tính, hành vi giới tính của con người khó lòng thích ứng kịp với những
chuyển biến nhanh chóng của thời đại, phát sinh xung đột giữa văn hóa truyền thống
với “văn hóa sắc tình” của phương Tây. Điều này tác động không tốt đến lối sống
lành mạnh của cộng đồng. Điều cần nhấn mạnh là, hiện nay mạng Internet là kênh
lưu truyền “văn hóa sắc tình” nhanh nhất, “phong phú” nhất, phổ biến nhất. Chỉ
cần một máy tính nối mạng là người ta có thể tìm thấy vô số các trang web đen với
“đầy đủ” thể loại, chủng loại, cách thức.
Đương nhiên, nếu
thường xuyên tiếp xúc với các nguồn văn hóa phẩm đồi trụy này một cách không kiểm
soát sẽ là nguồn cơn dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, nhất là lứa tuổi thanh
thiếu niên. Nhiều minh chứng cho thấy, thiếu niên phạm tội do xem phim “đen”
không phải là hiếm.
Thứ năm, lệch lạc trong quan niệm về giới tính. Quan niệm sẽ định hướng cho hành
vi, quan niệm về giới tính bị lệch lạc sẽ dẫn đến hành vi giới tính bị lệch lạc,
thậm chí là phạm tội. Hành vi của con người và hành vi mang tính bản năng của động
vật khác nhau ở chỗ, con người có tính xã hội và có ý thức. Ngày nay, vẫn có
nhiều người quan niệm về giới tính khác lệch lạc, chẳng hạn, muốn thỏa mãn các
nhu cầu tình dục của mình thì bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Họ có
thể dùng các biện pháp bạo lực để cưỡng bức đối tượng. Ngoài ra, một số người
còn coi chuyện tình dục như một loại hàng hóa nên “mua bán” là bình thường. Tuy
nhiên, không thể nhìn nhận vấn đề này một chiều và giản đơn theo kiểu “họ cho
phép mình cũng cho phép” mà cần đặt nó trong bối cảnh lịch sử, kinh tế-xã hội
và hình thái ý thức để xem xét. Hiện nay, mua bán dâm vẫn bị pháp luật Việt Nam
ngăn cấm và đó là hành vi phi pháp nhưng vì những lý do khác nhau mà nó vẫn tồn
tại.
Ngoài ra, hiện
nhiều người vẫn xem hành vi giới tính là chuyện cá nhân thuần túy nên có ý nghĩ
đơn giản là “tôi muốn thì tôi làm”, “tôi có tiền thì tôi mua”. Bằng chứng là hiện
tượng làm tình tập thể, “hoán đổi vợ chồng” được nhiều người “công khai” và cho
đó là “tự do tình dục”. Những quan niệm lệch lạc về giới tính, lệch lạc về tình
dục như thế sẽ tác động không nhỏ đến lối sống của một bộ phận người nhất định
và đó là một trong những nguyên nhân hình thành một số loại tội phạm liên quan.
Thứ bảy, yếu kém trong quản lý xã hội về vấn đề mua bán dâm và các hoạt động trá
hình. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội cũng có những bước
chuyển với tốc độ, gia tốc lớn. Hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước (nhất
là các đô thị lớn) không khó để tìm một quán massage, quán karaoke, thậm chí tiệm
cắt tóc gội đầu… nhưng bên trong là các hoạt động trá hình. Có thể nói, một
trong những nguyên nhân mà các hoạt động trá hình này tồn tại và phát triển là
do hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn yếu kém. Thậm chí, một số người
còn nhận thức sai lệch về hiện tượng mại dâm và xem đó là những “đặc sản” vốn
có, là “tiêu chí” phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình. Từ đó, các hoạt
động quản lý nhà nước về vấn đề mại dâm (cùng các hoạt động trá hình) ở trạng
thái kiểu “nhắm một con mắt, mở một con mắt”, chỉ nhìn thấy khía cạnh thu hút
khách du lịch, nhà đầu tư mà bỏ qua những tác động tiêu cực của mại dâm đối với
xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo đức. Thậm chí, có hiện tượng bao che, dung túng
của chính những người quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động tội phạm;
các hoạt động “truy quét” chỉ làm theo mùa vụ, xong đâu lại vào đấy, khiến cho
các hoạt động trá hình về mại dâm ngày càng có xu hướng thích ứng, thích nghi.
5. Một số khuyến nghị mang tính giải pháp nhằm kéo giảm tội phạm có yếu tố giới
Bản chất của loại
tội phạm liên quan đến giới tính không phải là yếu tố giới tính mà là các quyền
lợi của người bị hại và hơn thế nữa là lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tội phạm liên quan đến giới là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác, tác
động không nhỏ đến cá nhân, gia đình và xã hội. Chẳng hạn, hiếp dâm sẽ tác động
đến thân thể và tinh thần của người bị hại; mại dâm là kênh lây lan các bệnh xã
hội và AIDS và đồng thời tác động tiêu cực đến chuẩn mực, giá trị xã hội, ảnh
hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để ngăn ngừa loại
tội phạm liên quan đến giới một cách có hiệu quả và căn cơ? Thông qua phân tích
các nguyên nhân ở trên, chúng ta không khó để nói rằng, muốn ngăn chặn và đẩy
lùi loại tội phạm này cần có những giải pháp đồng bộ, quyết tâm của hệ thống
chính trị và toàn nhân dân. Cụ thể cần thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, coi trọng công tác giáo dục về giới tính. Nội
dung giáo dục giới tính là giáo dục tri thức về giới tính và khoa học về giới
tính, bao gồm các nhận thức lý tính và tri thức đạo đức về giới tính. Giáo dục
giới tính sẽ cung cấp cho con người tri thức liên quan đến tâm sinh lý, nhận thức
được mối quan hệ giữa tình cảm, cảm giác với vấn đề giới tính; hiểu được các
hành vi phù hợp, được pháp luật và đạo đức cho phép; những hành vi nào cần phải
kiểm soát và phương thức kiểm soát bản thân đối với hành vi giới. Do bởi có rất
nhiều tội phạm về giới liên quan đến tầng lớp thanh thiếu niên, do đó việc giáo
dục giới tính đối với lứa tuổi này là vô cùng cần thiết. Khi tiến hành giáo dục
giới tính cần chú trọng nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức, giúp nhận thức được các
hành vi giới tính nào là đúng, là tốt, là nên; hành vi nào là xấu, là không
đúng, là không nên làm.
Thứ hai, tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa, không ngừng làm trong sạch
môi trường văn hóa-xã hội. Các văn hóa phẩm đồi trụy và tội phạm liên quan về giới có mối liên hệ
liên đới nhau. Trong điều kiện Internet và các nền tảng truyền thông xã hội phát
triển mạnh mẽ nhưng thiếu kiểm soát như hiện nay, chỉ cần một cái “bấm chuột”
thì nhiều loại phim ảnh khiêu dâm, kích dục sẽ được “mục sở thị” thì vấn đề đặt
ra trong quản lý mạng Internet, mạng xã hội mà cụ thể là làm trong sạch môi trường
văn hóa là điều vô cùng cần thiết và cấp bách. Cụ thể, tiến hành quản lý và kiểm
soát chặt chẽ các trang web đen, có chế tài nghiêm khắc và kiên quyết xử lý các
hành vi tạo lập, phát tán, lưu trữ các trang mạng đồi trụy; các trang mua bán
dâm trực tuyến,… Đồng thời gia đình, nhà trường, xã hội phải có sự kết hợp chặt
chẽ hơn nữa trong giáo dục, quản lý con người, nhất là thanh thiếu niên; tạo
nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Đặc biệt
là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì “trực tuyến” và “mạng xã hội” là
các nhu cầu, kênh thông tin không thể thiếu thì bài toán quản lý càng cần phải
nhìn nhận một cách khoa học, hệ thống. Đối với toàn xã hội, cần tăng cường giáo
dục niềm tin và lý tưởng, trách nhiệm xã hội của mỗi công dân, từng bước nâng cao
tính tự giác và sức đề kháng của mỗi cá nhân về các loại văn hóa phẩm đồi trụy.
Tăng cường tuyên truyền và giáo dục văn hóa tinh thần, tạo môi trường văn hóa
trong lành, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, tăng cường công tác dự báo, dự phòng và công tác truyền thông. Vận dụng
các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội và dư luận xã hội để
tạo sự đồng thuận xã hội trong công tác phòng chống các loại tội phạm liên quan
đến giới. Không ngừng đổi mới phương thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh
ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong
công tác bình đẳng giới nói chung, trong lĩnh vực tội phạm có yếu tố giới nói
riêng. Song song với đó, cần có những nghiên cứu tỉ mỉ, chuyên sâu để đúc kết
các số liệu thực chứng ở mỗi địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc từ đó
có cái nhìn toàn cục và đưa ra những dự báo xu hướng trong tương lai. Có phương
thức gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình xã hội hóa cá
nhân, nâng cao nhận thức về giới tính, nhận thức về các hành vi xâm hại tình dục,
từng bước hình thành các quan niệm giá trị đúng đắn và có ý thức bảo vệ chính bản
thân khi có những hành vi xâm hại tình dục cũng như tội phạm có yếu tố giới.
Tài liệu trích dẫn
1. Chính phủ. Nghị quyết số 28 /NQ-CP ngày 3
tháng 3 năm 2021 về Chiến lược quốc
gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
2.
Lê
Nguyễn. 2021. Bình đẳng giới để hướng đến
phát triển bền vững. https://baochinhphu.vn/binh-dang-gioi-de-huong-den-phat-trien-ben-vung-102304145.htm.
3. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định 1790 ngày
23 tháng 10 năm 2021 về Phê duyệt
Chương trình Tuyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.
4.
Tổng
cục Thống kê. Xu hướng bất bình đẳng
trong phân phối thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/xu-huong-bat-binh-dang-trong-phan-phoi-thu-nhap-o-viet-nam-giai-doan-2016-2020/.
5.
Tổ chức
lao động quốc tế. Bình đẳng và phân biệt
đối xử. https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/equality-and-discrimination/lang--vi/index.htm.
6. Nguyễn Hưng. 2021. Nghiện phim “đen”, ba thanh niên phải vào tù. https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nghien-phim-den-ba-thanh-nien-phai-vao-tu--i631414/.
7. Nguyễn Khắc Khải. 2021. Chiến lược phòng ngừa tội phạm
– Lý luận và ứng dụng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật.
8. Nguyễn Viết Lợi, 2013. Thực trạng và giải pháp phòng ngừa thanh thiếu
niên vie phạm pháp luật ở thành phố Đà Nẵng, đề tài cấp thành phố Đà Nẵng..
9. Duy Chiến. 2013. Phạm tội vì xem phim đen. https://tienphong.vn/pham-toi-vi-xem-phim-den-post647048.tpo.
10.
Phạm Đi. 2018. Vấn đề xã hội – lý thuyết và vận dụng. Nxb. Chính trị Quốc gia sự
thật.
11.
Phạm Đi. 2020. Xã hội học
với lãnh đạo, quản lý. Nxb. Thông tin và truyền thông.
12.
Trịnh
Tiến Việt. 2016. Lý thuyết kiểm soát xã hội đối với tội phạm và ứng
dụng ở Việt Nam, Nxb. Chính
trị quốc gia Sự thật.
[1]
Theo nhận định của tác giả Nguyễn Thị Minh thì một trong những động cơ của tội
phạm chính là yếu tối “lợi nhuận siêu ngạch” (xem Nguyễn Thị Minh, Động cơ của
người phạm tội ma túy ở Việt Nam: http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/hvta/27676662/27676768?pers_id=&item_id=136303964&p_details=1
. Còn theo tác giả Nguyễn Khắc Giang trong bài báo “Ai đang hưởng
lợi nhuận khổng lồ từ kinh tế ngầm mại dâm?” đã cho rằng, ngành “kinh tế ngầm”
này (ý chỉ mại dâm) được ước tính có giá trị lên đến gần 200 tỷ USD mỗi năm và
đó hoạt hoạt động “siêu lợi nhuận”: https://vietnamnet.vn/ai-dang-huong-loi-nhuan-khong-lo-tu-kinh-te-ngam-mai-dam-475824.html
Nhận xét
Đăng nhận xét