BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở QUẢNG NGÃI - THÀNH TỰU VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN BÌNH ĐẲNG GIỚI
TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ Ở TỈNH QUẢNG NGÃI HIỆN NAY
1. Khái quát về đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh Quảng Ngãi
Quảng Ngãi là một tỉnh duyên hải
miền Trung, có diện tích tự nhiên 5.135,2 km2, trong đó miền núi 3.225,32 km2,
chiếm 62,81% diện tích của tỉnh. Toàn tỉnh có 14 đơn vị hành chính (01 thành phố, 01 huyện đảo, 06
huyện miền núi và 06 huyện đồng bằng) gồm 184 xã, phường, thị trấn, 1.081 thôn, tổ dân
phố, 3.018 khu dân cư. Dân số gần 1,3 triệu người, trong đó phụ nữ có 392.798
người, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh.
Các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh
luôn phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua lao
động, sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc... đạt
nhiều thành tích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhận thức về phụ nữ,
bình đẳng giới trong các cấp, các ngành và xã hội chuyển biến tích cực; phụ nữ
được tôn trọng, vị thế của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội được khẳng định.
1.1.
Về số lượng,
chất lượng
cán bộ, công chức,
viên chức nữ cấp tỉnh
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng
Ngãi, tính đến tháng 11 năm 2018, tổng số cán bộ, công chức, viên chức khối
nhà nước cấp tỉnh là[1]
7.714 người, trong đó cán bộ công chức là 1.089 người với 402 nữ, tỉ lệ
36,91%; 6.625 viên chức với 3.987 nữ, tỉ
lệ 60,18%. Chia theo trình độ chuyên môn: trong số 4.389
nữ, có 07 tiến sĩ, 07 chuyên khoa II, 370 thạc sĩ, 77 chuyên khoa I, 2.326 đại
học, 435 cao đẳng, 1149 trung cấp, còn lại là 18 người có trình độ dưới trung
cấp.
- Về trình độ lý luận chính trị: cán bộ, công chức, viên chức nữ có trình độ cao
cấp và cử nhân là 88 người; trung cấp là 274 người; sơ cấp là 1.780 người.
- Về trình
độ quản lý nhà nước: Số cán bộ, công chức, viên chức là nữ có trình độ Quản lý
nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch: Chuyên viên cao cấp và tương đương 05 người,
Chuyên viên chính và tương đương 146 người, Chuyên viên và tương đương 430
người.
- Về cơ cấu
theo ngạch và chức danh nghề nghiệp: chuyên viên cao cấp và tương đương 02
người; chuyên viên chính và tương đương 53 người; chuyên viên và tương đương
413 người; cán sự và tương đương 40 người; nhân viên 9 người; chức danh nghề
nghiệp hạng I: 03 người; chức danh nghề nghiệp hạng II: 57 người; chức danh
nghề nghiệp hạng III: 2.130 người; chức danh nghề nghiệp hạng IV: 1.682 người.
1.2.
Về số lượng,
chất lượng
cán bộ, công chức,
viên chức nữ cấp
huyện
- Tổng số cán bộ, công chức, viên
chức khối nhà nước cấp huyện hiện nay là: 15.656 người, trong đó 1.006 cán bộ,
công chức với 381 nữ, tỉ lệ 37,87%;
14.650 viên chức với 8.819 nữ, tỉ lệ 60,19%.
- Về trình độ chuyên môn: trong số 9200 nữ, có 07 Tiến sĩ, 02 chuyên khoa
II, 55 thạc sĩ, 01 chuyên khoa I, 4.777 đại học, 2.906 cao đẳng, 1458 trung
cấp, còn lại là 01 người.
- Về trình độ lý luận chính trị: cán bộ, công chức, viên chức nữ có trình độ cao
cấp và cử nhân là 77 người; trung cấp là 784 người; sơ cấp là 2.306 người.
- Về trình
độ quản lý nhà nước: Số cán bộ, công chức viên chức là nữ có trình độ Quản lý
nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch: Chuyên viên cao cấp và tương đương 04 người,
Chuyên viên chính và tương đương 45 người, Chuyên viên và tương đương 280
người.
- Về cơ cấu
theo ngạch và chức danh nghề nghiệp: chuyên viên chính và tương đương 11 người;
chuyên viên và tương đương 464 người; cán sự và tương đương 190 người; nhân
viên 271 người; chức danh nghề nghiệp hạng II: 1.762 người; chức danh nghề
nghiệp hạng III: 3388 người; chức danh nghề nghiệp hạng IV: 3114 người.
1.3.
Về số lượng,
chất lượng
cán bộ công chức cấp
xã
Tổng số cán
bộ, công chức xã có 3.832 người, trong đó có 1.055 nữ (chiếm tỷ lệ 27,53%).
- Về trình
độ chuyên môn: trong số 1.055 nữ cán bộ công chức cấp xã có 8 Thạc sĩ, 754 Đại
học, 50 Cao đẳng, 233 Trung cấp và 10 Sơ cấp.
- Về trình
độ lý luận chính trị: Cán bộ, công chức xã nữ có trình độ lý luận chính trị:
Cao cấp 5 người, Trung cấp 651 người, Sơ cấp 288 người.
- Về trình
độ quản lý nhà nước: Số cán bộ, công chức cấp xã là nữ có trình độ Quản lý nhà
nước theo tiêu chuẩn ngạch: Chuyên viên chính 4 người, Chuyên viên 144 người.
- Về cơ cấu
theo ngạch: Chuyên viên chính 4 người, Chuyên viên 773 người, Cán sự 272 người,
Nhân viên 6 người.
2. Về triển khai thực hiện
các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ
2.1. Công tác tổ chức
quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan
Hoạt động
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
được lồng ghép vào hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm
tại các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh với nhiều hình thức
phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng. Các sở,
ngành, hội, đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh hoạt động tuyên
truyền, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về giới.
Các cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt trong toàn thể cán
bộ, công chức, viên chức các nghị quyết, văn bản của Đảng và nhà nước về công
tác cán bộ nữ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến rõ nét
về hiệu quả công tác phụ nữ và bình đẳng giới; tạo điều kiện thuận lợi cho nữ
cán bộ công chức viên chức tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng
bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
2.2. Việc cụ thể hóa các văn bản liên quan và
triển khai thực hiện
Triển khai
thực hiện các Nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ
nữ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành một số văn bản
để triển khai thực hiện như sau:
- Chương
trình hành động số 17- CTr/TU ngày 10/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng
Ngãi thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TW về “Công
tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
- Kế hoạch số 71-KH/TU,
ngày 22/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc thực hiện Kết luận số 55-KL/TW
ngày 18/01/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số
11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Khóa X “Về công tác phụ nữ
thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”;
- Chương trình hành động số
01/CTHD-ĐĐ, ngày 11/01/2012 của Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh thực hiện Nghị quyết
05-NQ/TU của Tỉnh uỷ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015
và định hướng đến năm 2020.
- Quyết định
số 144/QĐ-UBND ngày 07/7/2011 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực
hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn năm 2011 đến năm 2020;
- Quyết định
số 18/2013/QĐ-UBND ngày 17/4/2013 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm của các
sở, ban, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp hội liên hiệp phụ
nữ tham gia quản lý nhà nước và một số chủ trương, chính sách khác liên quan
đến phụ nữ;
- Quyết định
số 125/QĐ-UBND ngày 18/01/2013 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực
hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015;
- Công văn
số 5281/UBND-VX ngày 14/10/2015 của UBND tỉnh về việc thực hiện Quyết định số
1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành
động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020;
- Quyết định
số 408/QĐ-UBND ngày 10/03/2017 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án
“Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” tại tỉnh Quảng Ngãi giai
đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
- Kế hoạch
số 58/KH-UBND ngày 13/4/2018 của UBND tỉnh thực hiện công tác bình đẳng giới và
vì sự tiến bộ của phụ nữ;
- Kế hoạch
số 130/KH-UBND ngày 29/10/2018 của UBND tỉnh thực hiện biện pháp bảo đảm bình
đẳng giới đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Quảng Ngãi.
3. Một số kết quả về thực
hiện bình đẳng giới trong công tác cán bộ tỉnh Quảng Ngãi
3.1. Bình đẳng giới trong
công tác cán bộ
a)
Tỉ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng
- Số lượng nữ tham gia các cấp ủy Đảng
nhiệm kỳ 2010 - 2015: cấp tỉnh có 55 người, trong đó 07 nữ, tỉ lệ 12,73%; cấp huyện có 561 người, trong đó 69 nữ, tỉ
lệ 12,3; cấp xã có
2.568 người, trong đó có 412 nữ, tỉ lệ 16,04%.
- Số lượng nữ tham gia các cấp ủy Đảng
nhiệm kỳ 2015 - 2020: cấp tỉnh có 56 người, trong đó 06 nữ, tỉ lệ 10,7%; cấp huyện có 546 người, trong đó 82 nữ, tỉ lệ
15%; cấp xã có 2.401 người, trong đó có 500
nữ, tỉ lệ 20,8%.
b)
Tỉ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp
- Tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016: tổng số đại biểu Quốc
hội là 07 người, trong đó có 01 nữ, chiếm tỷ lệ 14,2%; tổng số đại biểu Hội
đồng nhân dân cấp tỉnh là 55 người, trong đó có 11 nữ, chiếm tỷ lệ 20%; tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện có
466 người, trong đó có 74 nữ, chiếm tỷ lệ 15,87%;
số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 4.690 người, trong đó có 832 nữ, chiếm
tỷ lệ 17,7%.
- Số lượng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: tổng số đại biểu Quốc
hội là 07 người, trong đó có 04 nữ, tỷ lệ 57%; tổng số đại biểu Hội đồng nhân
dân cấp tỉnh là 55 người, trong đó có 13 nữ, tỷ lệ 23,63%; tổng số đại biểu Hội
đồng nhân dân cấp huyện có 466 người, trong đó có 96 nữ, tỷ lệ 20,6%; số đại
biểu Hội đồng nhân dân cấp xã có 4.708 người, trong đó có 1.037 nữ, tỷ lệ
22,02%.
Qua kết quả trên cho thấy, tỉ lệ nữ đại
biểu Quốc hội, tỉ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021
cao hơn nhiệm kỳ 2011-2016.
c)
Số lượng nữ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý
- Cấp tỉnh: có 02 đồng chí nữ tham gia
Ban Thường vụ Tỉnh ủy (01 đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng - Chủ tịch
Hội đồng nhân dân tỉnh, 01 đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh); 01 đồng chí Phó trưởng
Đoàn đại biểu Quốc hội; nữ Phó giám đốc sở, ngành và tương đương 06 người (tính cả 02 người ở đơn vị sự nghiệp trực
thuộc UBND tỉnh).
- Cấp huyện: Có 08 đồng chí nữ giữ vị trí
cán bộ chủ chốt cấp huyện (Bí thư Huyện ủy: 02; Chủ tịch HĐND huyện: 02; Phó
Chủ tịch HĐND cấp huyện: 02; Chủ tịch UBND huyện: 01; Phó Chủ tịch UBND cấp
huyện: 01).
- Cấp xã: có 05 đồng chí là Bí thư, 24
đồng chí Phó Bí thư; 02 Chủ tịch và 25 Phó Chủ tịch HĐND; 11 Chủ tịch và 24 Phó
Chủ tịch UBND cấp xã.
- Lãnh đạo nữ giữ chức vụ
Trưởng phòng và tương đương ở cấp sở, ban, ngành 20/119 (chiếm 16,81%), Phó
Trưởng phòng và tương đương ở cấp sở, ban, ngành 66/175 (chiếm 37,71%).
- Lãnh đạo nữ giữ chức vụ phó
trưởng phòng ở cấp huyện: Trưởng phòng 23/129 (chiếm 17,83%); Phó Trưởng phòng
64/174 (chiếm 36,78%).
d)
Số cơ quan, đơn vị có tỉ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức và
người lao động có lãnh đạo chủ chốt là nữ
Theo
Báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, tính đến tháng 11 năm 2018, toàn tỉnh có
4/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh có từ 30% nữ trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ;
có 06/14 huyện có từ 30% nữ trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ; có 20/184 xã có
từ 30% nữ trở lên có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
3.2. Bình đẳng giới trong
công tác đào tạo, bồi dưỡng
Trong những
năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh Quảng Ngãi được quan
tâm đào tạo cả về chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước,
tin học và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ công tác theo hướng lồng
ghép vào kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chung. Trong năm 2018, UBND tỉnh đã phê
duyệt Kế hoạch bồi dưỡng 01 lớp kỹ năng lãnh đạo quản lý cho nữ cấp tỉnh, cấp
huyện, đối tượng là Giám đốc, Phó Giám đốc các sở, ban, ngành, cơ quan Đảng,
đoàn thể cấp tinh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, cơ quan đảng,
đoàn thể cấp huyện và cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng 100 người); 04
lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ cho Ủy viên Ban Chấp hành phụ nữ cấp
xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó, hội viên nồng cốt của Hội liên hiệp phụ nữ cơ
sở.
- Về công
tác đào tạo: từ năm 2016 đến nay, cử 288 cán bộ, công chức, viên chức đi đào
tạo trình độ sau đại học, trong đó có 100 cán bộ, công chức viên chức là nữ,
chiếm tỷ lệ 34,7%, cụ thể: 04 tiến sĩ , 02 thạc sĩ nước ngoài, 56 thạc sĩ , 10
bác sĩ chuyên khoa II, 25 bác sĩ chuyên khoa I, 02 bác sĩ đi học định hướng
chuyên khoa, 01 bác sĩ nội trú. Đồng thời, mở 04 lớp trung cấp lý luận chính
trị - hành chính cho gần 438 cán bộ công chức cấp xã, trong đó 190 nữ cán bộ
công chức cấp xã tham gia.
- Về công tác bồi dưỡng: Từ 2016 đến nay, thực hiện nhiệm
vụ bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức và cán bộ công chức cấp xã, hàng năm
UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức và cán bộ
công chức cấp xã, giao cho Sở Nội vụ phối hợp với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng
mở 120 lớp bồi dưỡng với các nội dung:
quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, quản lý nhà nước ngạch chuyên
viên, bồi dưỡng ngạch kế toán viên, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cho giáo
viên THPT, THCS, tiểu học và mầm non, bồi dưỡng lãnh đạo quản lý cấp phòng, bồi
dưỡng cập nhật kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, bồi
dưỡng cho công chức thực hiện công tác cải cách hành chính, bồi dưỡng nghiệp vụ
cho công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một
cửa, một cửa liên thông.., bồi dưỡng nghiệp vụ công tác phụ nữ, bồi dưỡng theo
tiêu chuẩn chức danh công chức cấp xã (công chức tư pháp-hộ tịch, văn phòng-
thống kê, văn hóa-xã hội, địa chính-nông nghiệp-tài nguyên-môi tường...), bồi dưỡng
kiến thức, kỹ năng xây dựng, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội cấp xã, bồi dưỡng
kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho Chủ tịch, PCT UBND cấp xã; bồi dưỡng kỹ năng lãnh
đạo, quản lý cho Bí thư, Phó Bí thư và Trưởng đoàn thể chính trị - xã hội cấp
xã..... với 12.736 lượt cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp
xã, người hoạt động không chuyên trách ở xã tham gia, trong đó có 4.240 lượt nữ
cán bộ công chức viên chức.
Ngoài kế
hoạch bồi dưỡng của tỉnh, UBND tỉnh đã cử 07 nữ cán bộ công chức viên chức tham
gia các lớp: bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp, bồi dưỡng năng lực kỹ năng lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp huyện và
bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ở nước ngoài.
Năm 2016, tổ
chức mở 51 lớp tập huấn báo cáo viên và lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và
phương pháp hoạt động cho đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã nhiệm kỳ 2016 -
2021 theo kế hoạch. Số lượng đại biểu tham gia tập huấn, bồi dưỡng là
4.826/5095 người, đạt tỉ lệ 94,72%, trong đó hơn 1.000 nữ đại biểu HĐND cấp
huyện và cấp xã tham gia bồi dưỡng.
3.3. Bình đẳng giới trong
công tác quy hoạch, tạo nguồn
Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm
cán bộ nữ; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 08/5/2009
về khảo sát, đánh giá tình hình công tác cán bộ nữ và đội ngũ cán bộ nữ trong
tỉnh; thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch và dự nguồn cho giai đoạn tiếp
theo, chú trọng đến lực lượng cán bộ nữ trẻ, có phẩm chất đạo đức, trình độ
chuyên môn và năng lực công tác.
- Cấp tỉnh: nhiệm kỳ 2015-2020
quy hoạch Ban Chấp hành 18/111 người, tỉ lệ 16,2%; quy hoạch Ban Thường vụ
22,8%; quy hoạch các chức danh lãnh đạo tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021: Chủ tịch UBND
tỉnh 1/4 người, tỉ lệ 25%, Phó Chủ tịch UBND tỉnh 1/11 người, chiếm tỉ lệ 9,1%;
Giám đốc Sở và tương đương 2/50 người, tỉ lệ 4%, Phó Giám đốc Sở và tương đương
41/153 người, tỉ lệ 26,8%, trưởng phòng và tương đương 56/207 người, tỉ lệ
27,1%, phó trưởng phòng và tương đương 110/282 người, tỉ lệ 39%.
- Cấp huyện: quy hoạch Phó Chủ
tịch UBND huyện 17/79 người, tỉ lệ 21,5%, trưởng phòng và tương đương 91/419
người, tỉ lệ 21,7%, phó trưởng phòng và tương đương 186/539 người, tỉ lệ 34,5%.
- Cấp xã: quy hoạch chức danh Chủ
tịch UBND cấp xã 33/431 người, tỉ lệ 7,7%, Phó Chủ tịch UBND cấp xã 143/688
người, tỉ lệ 20,8%.
3.4. Bình đẳng giới trong
công tác bố trí, sử dụng
Công tác bổ nhiệm, luân chuyển,
điều động cán bộ nữ được các cấp ủy, các ngành quan tâm chú trọng. Các cấp ủy
đã mạnh dạn bố trí cán bộ nữ trẻ có năng lực vào các vị trí lãnh đạo. Việc đề
bạt, bố trí thực hiện đúng quy trình công tác cán bộ. Thực hiện công tác quy
hoạch đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt và bố trí sử dụng cán bộ, cụ
thể:
- Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện
bổ nhiệm mới cho 530 cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý,
trong đó có 268 nữ (chiếm tỷ lệ 50,75%), cụ thể: 01 nữ Phó Giám đốc Sở và tương
đương; 12 nữ trưởng phòng, trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành; 19 nữ
phó trưởng phòng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành và tương đương;
03 nữ trưởng phòng, 10 nữ phó phòng chuyên môn, đơn vị thuộc UBND cấp huyện;
223 nữ Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, trung học
cơ sở, tiểu học và mầm non. Luân chuyển 02 nữ Giám đốc Sở về làm Bí thư Huyện
ủy, điều động 857 người, trong đó có 379 nữ, tỉ lệ 44,22%.
3.5. Bình đẳng giới trong
công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch, thi thăng hạng
- Về tuyển
dụng công chức: trong năm 2017 và 2018, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức 02 kỳ thi tuyển
công chức cho các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện, với gần 2000 thí
sinh tham gia dự thi. Kết quả, tuyển dụng được 144 công chức, trong đó có 81
nữ, tỉ lệ: 56,25%.
- Về tuyển
dụng viên chức: trong năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các
huyện, thành phố tổ chức kỳ thi tuyển giáo viên cho các trường mầm non, phổ
thông công lập, với 5200 thí sinh tham gia dự thi. Kết quả, tuyển dụng được
1.556 giáo viên, trong đó có 1.215 nữ, tỉ lệ: 78,08%.
- Về thi
nâng ngạch công chức: trong năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức thi nâng ngạch
công chức từ chuyên viên lên chuyên viên chính, với 140 công chức tham gia dự
thi. Kết quả đạt 76 người, trong đó có 23 nữ, tỉ lệ 30,26%.
- Về thi
thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên: trong năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi tổ
chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên từu hạng IV lên hạng III và
từ hạng III lên hạng II với 2782 giáo viên dự thi. Kết quả đạt 1.794 người,
trong đó có 1.489 nữ, tỉ lệ 82,99%.
4. Một số khó khăn và hạn
chế, nguyên nhân và các giải pháp trong thực hiện công tác cán bộ nữ thời gian
đến
4.1. Đánh giá chung
Nhìn chung đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm gần đây đã
trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, vai trò và vị trí của phụ nữ trong
gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định và đề cao. Tỷ lệ cán bộ nữ tham
gia vị trí quản lý, lãnh đạo ở các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt
sau khi Luật bình đẳng giới ra đời, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày
27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước, Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 10/7/2007 của
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thực hiện Nghị quyết số 11, xã hội nhìn nhận
và đánh giá vai trò, đóng góp của phụ nữ một cách thực chất và đúng đắn hơn.
Nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm giao giữ những trọng trách quan trọng trên
cương vị lãnh đạo, quản lý và qua thực tiễn công tác đã thể hiện được năng lực
trong điều hành, quản lý, xây dựng và tập hợp quần chúng; làm nòng cốt trong
các phong trào ở đơn vị, địa phương; phát huy và khẳng định vai trò giới nữ
trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội các
cấp. Chính sách đối với cán bộ nữ nói chung và chính sách đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ nữ nói riêng được các cấp, các ngành chú trọng hơn. Việc lựa chọn, quy
hoạch, đào tạo, dự nguồn cán bộ nữ tham gia vào các cấp ủy Đảng, đoàn thể và
tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được quan tâm chú
trọng. Trong công tác chuẩn bị cho nhân sự bầu cử HĐND, UBND và đại hội Đảng
các cấp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức đánh giá cán bộ, rà soát bổ sung
quy hoạch cán bộ, xem xét cơ cấu, bố trí cán bộ nữ ở các ngành và các lĩnh vực,
đảm bảo số lượng lẫn chất lượng. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ được
các cơ quan, đơn vị quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ trực tiếp tham gia
vào các vị trí lãnh đạo bằng năng lực của bản thân họ. Cán bộ, công chức nữ của
tỉnh được quan tâm cử đi đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận
chính trị. Bên cạnh đó, các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, trợ cấp cho
cán bộ, công chức đi học của tỉnh, trong đó có chính sách ưu tiên đối với cán
bộ công chức nữ, đã góp phần tích cực trong việc hỗ trợ cho cán bộ nữ có cơ hội
tiếp cận nhiều hơn các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đã không
ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên; mặt khác, sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng
và Nhà nước đã tạo môi trường thuận lợi để chị em có cơ hội phát triển toàn
diện và tham gia trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Những đóng góp
tích cực và cụ thể của phụ nữ vào thành quả của công cuộc đổi mới đã dần làm
thay đổi những định kiến về vai trò của phụ nữ trong xã hội, thừa nhận phụ nữ
có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không thua kém nam giới và nhìn nhận,
đánh giá đúng hơn về vai trò, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động kinh tế -
chính trị - xã hội của đất nước.
4.2. Khó khăn, hạn chế và
nguyên nhân
Mặc dù tỷ lệ
cán bộ, công chức, viên chức nữ của tỉnh Quảng
Ngãi tham gia các vị trí quản lý, lãnh
đạo có tăng lên, song so với các chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2011 – 2020
trong kế hoạch hành động về bình đẳng giới thì tỷ lệ này vẫn còn thấp. Nhận thức về bình đẳng giới tuy có
chuyển biến tích cực, nhưng trên thực tế xã hội và một bộ phận gia đình vẫn còn
nhiều rào cản đối với sự tiến bộ và phát triển của phụ nữ; khoảng cách
về giới vẫn còn tồn tại, những định kiến giới,
sự phân công vai trò giới mang tính truyền thống ở một số nơi vẫn chưa được
thay đổi kịp thời, đã tác động tới sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính
trị. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị chưa
đạt, thiếu tính ổn định và bền vững; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ
nhiệm cán bộ nữ vẫn còn có những bất cập, đa số cán bộ công chức viên chức nữ
lãnh đạo, quản lý được bố trí chủ yếu là cấp phó, chưa xây dựng được cơ chế
chính sách đặc thù cho phụ nữ, phụ nữ có con nhỏ, phụ nữ vùng sâu, vùng xa,
vùng đặc biệt khó khăn. Một số cấp ủy, chính quyền các cấp chưa quan đến công
tác cán bộ nữ, còn biểu hiện thiếu tin tưởng vào khả năng của cán bộ nữ, đánh
giá cán bộ nữ còn khắt khe.
Các chính
sách về độ tuổi, chỉ tiêu, quy trình quy hoạch… không tính đến đặc thù giới nên
ít thuận lợi hơn với phụ nữ. Trong cơ quan, phụ nữ thường bị nhìn nhận xét nét
hơn, những định kiến về năng lực quản lý của phụ nữ, sự thiếu tin tưởng vào khả
năng của cán bộ nữ, cũng như việc lựa chọn, đánh giá, sử dụng cán bộ nữ đôi lúc
còn thiếu khách quan. Một số ngành như y tế, giáo dục có tỉ lệ nữ đông nhưng
cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ rất ít. Nguồn cán bộ nữ đưa vào quy hoạch còn
thấp, chưa có chiến lược tạo nguồn lâu dài. Nhiều
phụ nữ chưa mạnh dạn tham gia vào quá trình quản lý xã hội và cộng đồng, đặc
biệt là phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Rào cản chính trong việc
phụ nữ tham gia chính trị không phải do bất cập về năng lực hay động cơ mà là
các yếu tố về gia đình, quan niệm về vai trò giới. Phụ nữ vẫn đang phải chịu những định kiến như: tư
duy phụ nữ hạn chế so với tư duy nam giới, phụ nữ phải dành nhiều thời gian cho
gia đình nên ít có điều kiện tham gia hoạt động chính trị, tâm lý tự ti của phụ
nữ hạn chế sự phát huy năng lực và sở trường… Chừng nào những định kiến đó chưa
được gạt bỏ thì điều kiện tham gia hoạt động chính trị của phụ nữ vẫn còn bị
hạn chế.
4.3. Một số giải pháp nâng
cao chất lượng công tác cán bộ nữ thời gian đến
Thứ nhất, tăng cường giáo dục, tuyên
truyền hơn nữa nhằm nâng cao trình độ nhận thức của người dân trong việc nhận
thức vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội. Quán
triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác cán bộ nữ trong tình hình mới
nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ
chức chính trị - xã hội; tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công
tác cán bộ nữ ở từng ngành, địa phương, đơn vị.
Thứ hai, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh
Quảng Ngãi cần tăng cường trách nhiệm lãnh đạo đối với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ ở từng cấp, từng ngành, từng cơ
quan, đơn vị; gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và bố trí sử dụng
cán bộ nữ, đảm bảo yêu cầu phát triển liên tục bền vững đội ngũ cán bộ nữ thời
kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tránh tình trạng khi đại
hội, bầu cử mới tìm nhân sự đủ tiêu chuẩn. Thực hiện luân chuyển cán bộ nữ theo
quy hoạch, kết hợp luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đổi mới quy trình giới thiệu cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch các chức danh lãnh
đạo quản lý các cấp để bảo đảm cơ cấu ngay từ trong quy hoạch.
Thứ ba, để thực hiện tốt chủ trương, quan
điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ, các tổ chức Đảng và Nhà nước phải đặt vấn
đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành nhiệm vụ xuyên suốt. Đồng thời quy định
trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương, đơn
vị về xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ nữ của ngành mình, cấp mình.
Thứ tư, tỉnh Quảng Ngãi cần
có kế hoạch cụ thể và quyết liệt hơn nữa nhằm thực hiện đạt 03 chỉ tiêu mục
tiêu 1 của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới
giai đoạn 2011 đến năm 2020: tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí
quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực
chính trị.
Đà Nẵng,
15/8/2019
Điện
thoại: 0918110850
Email: phamdivn@gmail.com
[1]
Báo cáo Tình hình thực hiện công tác cán bộ nữ của tỉnh Quảng Ngãi năm 2018 của
UBND tỉnh Quảng Ngãi.
Nhận xét
Đăng nhận xét