NGƯỜI LÃNH ĐẠO: TỪ TRI THỨC ĐẾN KIẾN THỨC

 

NGƯỜI LÃNH ĐẠO: TỪ TRI THỨC ĐẾN KIẾN THỨC

Nói đến lãnh đạo không thể không đề cập đến kiến thức, tri thức của người lãnh đạo. Vấn đề là ở chỗ, kiến thức lãnh đạo không phải tự nhiên mà có, phần lớn phải do quá trình học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng, bồi bổ, đúc kết mà nên. Tuy nhiên, tri thức nhân loại là vô cùng tận, do đó, người lãnh đạo phải biết chắt lọc, định hướng để hình thành kết cấu tri thức, hệ thống hóa kiến thức phù hợp, phục vụ cho quá trình và hoạt động lãnh đạo của mình, mang lại hiệu quả cao nhất. Từ yêu cầu khách quan của hoạt động lãnh đạo, người lãnh đạo cần phải hội đủ hệ thống tri thức cần thiết, hợp lý để điều hành, quản trị. Từ vai trò, vị thế, địa vị, nhiệm vụ của người lãnh đạo nhìn nhận, chủ thể lãnh đạo cần phải không ngừng vận dụng thành quả phát triển và hệ thống tri thức của nhân loại, áp dụng phù hợp vào điều kiện hiện hữu để thực hiện mục tiêu của tổ chức. Từ giác độ đặc điểm nghề nghiệp nhìn nhận, các hoạt động như quản lý con người, ra quyết định, huy động nguồn lực xã hội là rất phức tạp, khó khăn, liên quan đến nhiều vấn đề, phương diện, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng,… Do đó, đòi hỏi người lãnh đạo phải có kết cấu tri thức hợp lý mới có thể vận dụng, ứng dụng vào công việc để xử lý các vấn đề, các mối quan hệ xã hội. Nói cách khác, hoạt động lãnh đạo mang tính hệ thống, khoa học nên phải hành động theo khoa học, tránh cảm tính, sa vào chủ nghĩa kinh nghiệm. Từ giác độ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tốc độ phát triển khoa học, kỹ thuật ngày càng nhanh chóng như hiện nay nhìn nhận, tốc độ phát triển thông tin và truyền thông với mức độ tiếp nhận của chủ thể lãnh đạo luôn tồn tại mâu thuẫn và bất cập: dòng tri thức mới “tuôn chảy” không ngừng nghỉ với một gia tốc lớn, trong khi đó năng lực, thời gian, sức khỏe của người lãnh đạo lại có hạn nên phát sinh mâu thuẫn; trình độ chuyên môn hóa cao gắn với các lĩnh vực mới, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông thường mâu thuẫn với phương diện hiểu biết của người lãnh đạo,… Tất cả những mâu thuẫn đó cũng là điều tất yếu nhưng không phải là “bất lực” và không có hướng giải quyết. Thông qua xác định và hình thành kết cấu tri thức một cách hợp lý người lãnh đạo có thể “làm chủ” được kiến thức, tiến hành các hoạt động lãnh đạo một cách thuận lợi, hiệu quả. Người lãnh đạo trong xã hội hiện đại có kết cấu tri thức hợp lý cần phải thiết lập và rèn luyện tri thức theo một số gợi ý sau:

Một là, phải mở rộng tầm hiểu biết. Nói cách khác, cơ cấu tri thức phải rộng, mang tính liên ngành. Đầu tiên, người lãnh đạo phải có tri thức cơ bản về cả khoa học xã hội và khoa học tự nhiên như toán học, vật lý học, hóa học, văn học, lịch sử, logic học, ngoại ngữ. Trong quá trình lãnh đạo thì “nói và viết” là hoạt động không thể thiếu, do đó phải có nền tảng trình độ văn hóa nói chung mới có thể biểu đạt một cách khoa học, trôi chảy. Tiếp theo, người lãnh đạo phải có tri thức, trình độ lý luận, chính trị cơ bản. Trong điều kiện ở Việt Nam, trước tiên là lý luận của chủ nghĩa Mác-Lê nin mà cụ thể là hệ thống triết học Mác-xít, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học; hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh trong tất cả các lĩnh vực; sau đó là các khoa học liên quan như tâm lý học, xã hội học, luật học. Thứ nữa là phải có tri thức chuyên ngành, đây là tri thức chuyên ngành phục vụ trực tiếp cho hoạt động lãnh đạo của chủ thể lãnh đạo, trong đó có thể kể đến là khoa học lãnh đạo-quản lý, hành chính học, đạo đức học, quản lý kinh tế. Đây là kiến thức mang tính tiền đề để người lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức, nâng cao hiệu quả công việc.

Hai là, phải hệ thống hóa tri thức. Tri thức lãnh đạo không phải là mớ “hỗn độn” mà phải được tập hợp, kết nối và hệ thống hóa một cách khoa học. Trước hết phải “trật tự hóa tri thức”: giữa cái mới và cái cũ, giữa cái hạt nhân với cái ngoại biên, giữa cái bao quát và cái cụ thể. Nói cách khác, phải kết hợp để hình thành mạng lưới tri thức phù hợp để “chạm khảm” vào công việc cụ thể. Thứ nữa cần phải chắt lọc tri thức để trở thành “tri thức tinh túy” phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý. Cần mở rộng tri thức nhưng không phải thứ gì cũng dung nạp. Người lãnh đạo phải xác định được “tri thức ưu tiên”, “tri thức cần thiết” để có kế hoạch đào tạo, phát triển.

Ba là, đảm bảo tính “động” của tri thức lãnh đạo. Cái mới luôn sản sinh, tri thức mới không ngừng gia tăng và phát triển. Do đó, với người lãnh đạo cần phải có kỹ năng lãnh đạo tổ chức học tập, không ngừng học hỏi để cập nhật tri thức, bổ sung kiến thức, điều chỉnh hành vi, rèn luyện nhân cách. Để đáp ứng với sự thay đổi, biến đổi của xã hội thì nhà lãnh đạo phải học cách thay đổi, trong đó có thay đổi, bổ sung tri thức. Không thỏa mãn với những gì mình đang có, không tự mãn với kiến thức mình sở hữu mà phải luôn luôn bổ khuyết, cập nhật kiến thức. Xã hội luôn “vận động” cho nên kiến thức phải “vận động” theo, đương nhiên, tri thức của nhà lãnh đạo phải mang tính “động” mới có thể “theo kịp” với xu thế phát triển xã hội, mới có thể lãnh đạo một cách hiệu quả.

TS. PHẠM ĐI

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ