CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO - MÔ HÌNH VÀ VẬN DỤNG
MÔ HÌNH “CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO, PHỤC VỤ” CỦA TRUNG QUỐC VÀ GỢI Ý ĐỐI VỚI
VIỆT NAM VỀ XÂY DỰNG “CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO, VÌ NHÂN DÂN PHỤC VỤ”
Tóm tắt
Chính phủ là cơ
quan quản lý, vận hành toàn bộ nền hành chính; thống nhất trong quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường,
thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an
toàn xã hội và các mặt trong đời sống xã hội. Cùng với sự phát triển về
kinh tế và các lĩnh vực trong đời sống xã hội, chính phủ với bộ máy, chức năng,
vai trò của mình cũng phải có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới, yêu
cầu mới; để nâng cao hiểu quả phục vụ của mình, góp phần tạo động lực thúc đẩy
phát triển kinh tế-xã hội.
Người đứng đầu
chính phủ Việt Nam đã từng đề cập đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ[1]
như một thông điệp về cải cách bộ máy; lời hiệu triệu cho toàn hệ thống hành
chính; là “đơn đặt hàng” cho các nhà khoa học,…
Bài viết này nghiêm
cứu mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc, phân tích những thành công, hạn
chế cũng như một số rào cản khi vận dụng mô hình để cải cách bộ máy, từ đó đưa
ra một số kiến nghị, gợi ý cho vấn đề xây dựng, vận hành mô hình Chính phủ kiến
tạo, vì nhân dân phục vụ của Việt Nam.
Từ khóa: Chính phủ phục vụ, Chính phủ kiến tạo, tiêu chí đánh giá
1. Đặt vấn đề
Trong những thể
chế chính trị khác nhau, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính phủ cũng được
hiến định khác nhau. Tuy nhiên, dù thể chế chính trị nào thì chính phủ cũng là
cơ quan quản lý nền hành chính nhà nước và thống nhất trong quản lý về kinh tế,
văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin,
truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội
và các mặt trong đời sống xã hội.
Xã hội ngày càng
phát triển, thế giới ngày càng “phẳng” hơn, đặc biệt là thành tựu của các cuộc
cách mạng công nghiệp mà điểm nhấn là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã
làm thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội từ phương thức sản xuất, phương thức
tiêu dùng đến văn hóa, lối sống, niềm tin (Phạm Đi, 2018). Điều này, xét ở một
khía cạnh nào đó, là phương diện tích cực, nhất là áp dụng thành tựu của khoa học
công nghệ vào sản xuất, giao tiếp, đi lại; nhưng mặt khác cũng gây nên những áp
lực lớn cho các quốc gia đang phát triển, nhất là cải cách nền hành chính theo
hướng hiện đại, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Nói cách khác, với
tư cách là cơ quan quản lý nền hành chính nhà nước, Chính phủ cần phải thay đổi
về phương thức tư duy, cách thức quản lý, điều hành, tạo điều kiện thuận lợi
cho doanh nghiệp và người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong các
lĩnh vực hành chính.
Do đó, không phải
ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực luôn quyết tâm cải
cách nền hành chính; chuyển hóa chức năng của chính phủ từ “ban phát” sang “phục
vụ”, từ “mệnh lệnh” sang “kiến tạo”; từ “giấy tờ” sang “số hóa”; từ “can thiệp”
sang “định hướng”, từ “quan liêu” sang “đầy tớ”, từ “đối phó” sang “đối thoại”,
từ “công chức” sang “công bộc”,... Sự “chuyển hóa” này, trên thực tế, nhiều nước
đã thành công nhưng không ít quốc gia thất bại, thậm chí loay hoay đi tìm câu
trả lời: một chính phủ với mô hình vận hành và triết lý chỉ đạo ra sao để mang
lại hiệu quả cao nhất? Câu trả lời không hề giản đơn và không bao giờ dừng lại ở
một vài biến số.
Chẳng hạn, với mô
hình Chính phủ kiến tạo phát triển ở
Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác, bên cạnh những thành
công cũng gặp không ít khó khăn, không ít những thăng trầm[2],
thậm chí là xáo trộn nhất định. Điều đáng ghi nhận là, cho dù có những khó
khăn, vướng mắc, trở ngại (về con người, thể chế, đời sống dân chủ, sự thống nhất
về nhận thức, quyết tâm chính trị...) nhưng hầu hết các quốc gia đều có kế hoạch
chiến lược về xây dựng một chính phủ hoạt động hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, trong
đó Trung Quốc với mô hình Chính phủ phục
vụ và Việt Nam với ý tưởng về xây dựng mô hình Chính phủ kiến tạo như lời gợi mở của người đứng đầu Chính phủ.
Trong nghiên cứu
này, chúng tôi tìm hiểu mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc từ
chủ trương đến tổ chức thực hiện, từ nội dung đến quy trình, từ các tiêu chí
đánh giá đến các chế tài liên quan, từ thuận lợi đến khó khăn khi tiến hành xây
dựng và triển khai mô hình. Qua việc phân tích mô hình Chính phủ phục vụ của
Trung Quốc sẽ gợi mở cho việc kiến tạo mô hình Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ của Chính phủ Việt Nam
trong thời gian đến.
2. Mô hình chính phủ phục vục của
Trung Quốc
2.1. Chủ trương xây dựng chính
phủ kiến tạo, phục vụ của Trung Quốc
Chính phủ và người
đứng đầu chính phủ phải có quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, chấp nhận cái mới nhưng đồng
thời phải lường trước những rủi ro có thể xảy ra để ứng phó, xử lý. Từ ý kiến
chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, bắt đầu từ năm 2001, tại
Trung Quốc hình thành các ý kiến về xây dựng một Chính phủ phục vụ, lấy sự hài
lòng của nhân dân làm thước đo về hiệu quả. Đến 21 tháng 2 năm 2004, tại lớp Tập
huấn dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh về “Kiến tạo và thực hiện quan điểm phát
triển khoa học” do Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức, trong bài phát
biểu bế mạc có tiêu đề “Nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, kiên quyết xây
dựng và thực hiện quan điểm phát triển khoa học”, nguyên Thủ tướng Ôn Gia Bảo lần
đầu tiên đề cập đến khái niệm “nỗ lực xây dựng một Chính phủ phục vụ”.
Ngày 8 tháng 3
năm 2004, tại buổi tọa đàm với đoàn Đại biểu tỉnh Thiểm Tây (trong thời gian Đại
Hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc – Quốc Vụ viện), thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh:
“Quản lý tức là phục vụ, chúng ta cần kiến tạo một chính phủ phục vụ, vụ phục
thị trường, phục vụ xã hội và cuối cùng là phục vụ nhân dân”. Lời phát biểu này
chính là “cơ sở lý luận và pháp lý” đầu tiên cho việc hình thành một Chính phủ
phục vụ. Tiếp sau đó, ngày 5 tháng 3 năm 2005,
tại kỳ họp thứ III Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Khóa X), thủ tướng
Ôn Gia Bảo lại đưa khái niệm Chính phủ phục vụ vào báo cáo Chính phủ và xem đây
là một trong những công tác trọng yếu của Chính phủ. Ngày 15 tháng 10 năm 2007,
tại Đại hội Đại biểu Toàn Quốc lần thứ XVII, trong Báo cáo của mình (đọc tại Đại
hội), nguyên Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh “Tăng cường cải cách thể chế
quản lý hành chính, xây dựng một Chính phủ phục vụ”. Chính phủ phục vụ đã thực
sự trở thành một chủ trương lớn khi Hội nghị Trung ương 2 (Khóa XVII) Đảng cộng
sản Trung Quốc đã tái khẳng định và ban hành Nghị quyết về Xây dựng Chính phủ
phục vụ[3].
Như vậy, chủ
trương kiến tạo và vận hành Chính phủ phục vụ của Trung Quốc đã được hình thành
trên cơ sở lý luận và thực tiễn. Xã hội luôn vận hành và chuyển biến hết sức
nhanh chóng và mạnh mẽ buộc các nhà lãnh đạo phải có tư duy đổi mới, trong đó
có đổi mới phương thức điều hành của chính phủ. Sự đổi mới này không có mục
đích tự thân mà nó nhằm hướng đến nâng cao năng lực phục vụ công, dịch vụ công;
xây dựng và kiện toàn cơ chế để nắm bắt dân tình, dân ý, dân trí, dân lực (sức
dân); đưa ra những quyết sách chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện
cơ chế đánh giá bộ máy hành chính một cách khoa học; thực hành công khai, dân
chủ.
Về phía chính phủ,
mô thức Chính phủ phục vụ nhằm tăng cường chức năng phục vụ công và quản lý xã
hội của mình; tăng cường trách nhiệm với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân
dân, mang lại hạnh phúc cho nhân dân, làm cho nhân dân hài lòng. Mô hình Chính
phủ phục vụ của Trung Quốc hướng đến “4 trung tâm phục vụ”: phục vụ nhân dân,
phục vụ xúc tiến đầu tư (doanh nghiệp), quản lý hiệu quả, thực hành liêm chính.
Hơn thế nữa, việc kiến tạo và vận hành mô hình Chính phủ phục vụ không phải là
ý kiến chủ quan của một cá nhân hay của nhà cầm quyền mà đây là “sản phẩm” của
sự kết hợp yêu cầu từ lý luận và thực tiễn. Nói cách khác, đó là một tất yếu lịch
sử, thể hiện trên các phương diện: (1) Về phương diện chính trị: chuyển từ “thống
trị” sang phục vụ; (2) Về phương diện kinh tế: từ cào bằng sang công bằng, khắc
phục những khiếm khuyết của cơ chế thị trường; (3) Về phương diện xã hội: hạn
chế bất bình đẳng giữa các nhóm, vùng miền, đối tượng...
Thực tiễn ở Trung Quốc cho thấy, hiện mô hình chính phủ
phục vụ đã được vận dụng và đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Cách thức
triển khai của từng địa phương có sự sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn
của mình và chủ yếu thể hiện qua 4 mô hình cụ thể, đó là mô hình phát triển, mô
hình tham gia, mô hình bảo đảm và mô hình cạnh tranh (Phạm Đi, 2019):
PHƯƠNG DIỆN HẠT NHÂN |
MỘT SỐ MÔ HÌNH CHỦ YẾU |
|||
Phát triển |
Bảo đảm |
Tham gia |
Cạnh tranh |
|
Mục tiêu hướng đến |
Thúc đẩy phát
triển kinh tế |
Bảo đảm ổn định
xã hội |
Mở rộng chủ
thể gia gia |
Nâng cao chất
lượng nền hành chính |
Đối tượng phục vụ |
Doanh nghiệp, xí nghiệp |
Nhóm yếu thế |
Công dân |
Khách hàng |
Phương thức thực hiện |
Giảm thiểu thủ
tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư |
Tăng cường bảo
đảm xã hội, an sinh xã hội |
Tạo điều kiện
để các chủ thể tham gia vào quản lý, giám sát hoạt động hành chính |
Thị trường
hóa, tăng yếu tố cạnh tranh |
Giá trị cốt lõi |
Hiệu quả |
Công bằng |
Tương tác |
Khánh hàng là trên hết |
2.2. Nội dung cơ bản mô hình Chính
phủ phục vụ của Trung Quốc
Chủ trương xây dựng
và vận hành Chính phủ phục vụ, ngay từ biểu hiện ngữ nghĩa hay trực quan, đã
cho thấy nội dung cơ bản là hướng đến phục
vụ mà nhiệm vụ của chính phủ là cung cấp các giá trị, dịch vụ, điều kiện nhằm
thỏa mãn các nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp, xã hội. Nội
dung cụ thể gồm:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ
công, nâng cao ý thức hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức (công vụ viên). Đây
là nội dung hạt nhân và tiền đề quan trọng của mô hình Chính phủ phục vụ.
Hệ thống dịch vụ
công bao gồm các dịch vụ công cộng cơ bản quyết định đến hầu hết các mặt trong
đời sống xã hội. Nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức khác trong xã
hội không ai “đứng ngoài” các sản phẩm và dịch vụ công cộng. Hệ thống dịch vụ
công hoàn thiện, tiến bộ, thân thiện, bao trùm, dễ tiếp cận, nhiều tầng nấc (thỏa
mãn các nhu cầu khác nhau của các nhóm, tầng lớp khác nhau) trên các lĩnh vực từ
y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, an sinh, hành chính,… đáp ứng đầy đủ và nhanh
chóng các nhu cầu của cộng đồng sẽ là tiêu chí hết sức quan trọng đánh giá một
xã hội tiến bộ, văn minh, vì nhân dân.
Đối với vấn đề
nâng cao ý thức hành chính cho đội ngũ công vụ viên, mô hình Chính phủ phục vụ của
Trung Quốc xác định gồm 6 khía cạnh: (1) Ý thức công bộc. Xác định dựa vào nhân
dân, vì nhân dân phục vụ là tôn chỉ của nền hành chính phục vụ, kiến tạo, liêm
chính. Cán bộ, công chức, viên chức chính là công bộc phục vụ nhân dân, giải
quyết các vấn đề mà nhân dân có nhu cầu theo đúng quy định, đảm bảo lợi ích căn
bản của nhân dân. Đó là trách nhiệm cơ bản của mỗi công vụ viên. (2) Ý thức
pháp quyền. “Ai nắm được quyền lực công” chính là vấn đề “dân chủ” hay chuyên
chế; “Quyền lực công vận hành như thế nào” là vấn đề “pháp trị” hay “nhân trị”.
Công vụ viên chính là người chấp hành các quy định của pháp luật, duy trì sự vận
hành của bộ máy hành chính thì đương nhiên cần phải ý thức rõ nhất về pháp quyền,
từ quan niệm tư tưởng đến phương thức hành vi phải tuân thủ các quy định của
pháp luật. Trong mô hình phủ phục vụ, người công vụ viên cần phải nhớ nguyên tắc:
“Có quyền lực phải có trách nhiệm, sử dụng
quyền lực phải chịu sự giám sát, vi phạm pháp luật phải bị truy cứu, xâm hại
quyền lợi phải bồi thường” (Tiêu Trần Quân, 2007). (3) Ý thức phát triển. Phát
triển là “yêu cầu cứng”, là nhiệm vụ trọng yếu của một bộ máy hành chính, của
chính phủ. Không có phát triển thì không có hiện đại hóa. Nói cách khác, một
chính phủ phục vụ phải luôn học tập, áp dụng cái mới, cải thiện điều kiện làm
việc nhằm nâng cao hiệu quả công việc; áp dụng thành quả phát triển (nhất là
thành tựu khoa học công nghệ) vào công việc, vào hệ thống dịch vụ công để nâng
cao hiệu suất và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. (4) Ý thức sáng tạo.
Sáng tạo, đổi mới không còn là sự lựa chọn (hay không) mà là yêu cầu bắt buộc đối
với mỗi “công bộc” khi thực hiện Chính phủ phục vụ. Sáng tạo là linh hồn, là động
lực phát triển của quốc gia, dân tộc nói chung, thực thi công vụ, thực hiện mô
hình Chính phủ phục vụ không là ngoại lệ. Nói cách khác, sáng tạo một một phẩm
chất quan trọng của mỗi công vụ viên trong thực thi công vụ. Không tự mãn,
không ỷ lại, không thụ động; thực sự cầu thị, thực sự cầu tiến, thực sự đổi mới
là các yêu cầu cụ thể để sáng tạo. (5) Ý thức trách nhiệm. “Lo trước thiên hạ,
vui sau thiên hạ” là khẩu hiệu mà mỗi công vụ viên phải ghi nhớ. Trách nhiệm và
ý thức trách nhiệm với chính mình, với nhân dân, với công việc, với các vấn đề
nảy sinh cần phải được mỗi “công bộc” nhận thức và thực hành đúng. (6) Ý thức
phục vụ. Mô hình Chính phủ phục vụ là một trong những mục tiêu cải cách hành
chính của Trung Quốc. Vai trò “công bộc” của mỗi công vụ viên luôn được nhân
dân, doanh nghiệp mong đợi, do vậy, cần phải xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của
bản thân, đặt mình vào đúng vi trí công việc, chuyển từ “quan vi bản”, “quan bản
vị”, “mệnh lệnh vi bản” sang “dân vi bản”, “dân bản vị”, “phục vụ vi bản”. Theo
đó, mô hình chính phủ phục vụ đã xác lập “quan niệm vinh nhục” là: “phục vụ
nhân dân là vinh, xa cách nhân dân là nhục”. Hơn nữa, trong thực hành công vụ,
toàn thể công vụ viên cần chuyển hóa “phục vụ bị động” sang “phục vụ chủ động”;
“phục vụ tiêu cực” sang “phục vụ tích cực”; nhớ lấy triết lý “đối với phục vụ
nhân dân không có việc gì là việc nhỏ”, do đó phải thành ý phục vụ, tận tâm phục
vụ nhân dân.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống tài chính công, đảm bảo
“bôi trơn cổ máy” hành chính hành chính nhà nước.
Hoàn thiện hệ thống
tài chính công bao gồm đầu tư tài chính (cho các cơ sở hạ tầng về hành chính
như xã/phường; tỉnh/thành phố; quốc gia điện tử), cải thiện và hoàn thiện
phương thức thu chi tài chính, bình đẳng hóa (tiếp cận) các dịch vụ công , giảm
thiểu các chi phí hành chính (cho nhân dân và doanh nghiệp). Ví dụ: muốn “tạo
điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp” trong các dịch vụ công, cần
phải áp dụng khoa học công nghệ để hình thành nên một “nền hành chính từ xa” (người
dân và doanh nghiệp chỉ cần sử dụng máy tính để làm các thủ tục hành chính mà
không cần phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước) thì cần phải đầu tư tài chính để
thiết lập hệ thống hành chính điện tử đầy đủ, hiện đại, dễ tiếp cận.
Thứ ba, có sự tương tác qua lại giữa chính phủ và
các chủ thể khác khi tham gia vào các hoạt động hành chính công; có cơ chế nhằm
đa dạng hóa các chủ thể trong quản lý công.
Nhà nước và chính
phủ là chủ thể chủ yếu có vai trò định
hướng, chủ đạo nhưng cần phải tạo điều kiện cho các chủ thể khác (trong đó có cộng
đồng nhân dân) tham gia vào quá trình hình thành, kiến tạo, tham gia, giám sát
các quá trình hành chính. Một chính phủ phục vụ thì đối tượng phục vụ chính là
người dân, tổ chức, doanh nghiệp nhưng đến lượt mình, người dân cũng phải có
vai trò (thậm chí là quyền) được tham gia, giám sát. Chính sự tham gia, giám
sát này góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ công. Vấn đề là ở chỗ,
cơ chế nào và bằng cách nào để người dân và doanh nghiệp có thể giám sát cả một
quá trình cung cấp dịch vụ công của chính phủ; chính phủ tương tác với “khách
hàng” thông qua các kênh nào? Nói cách khác, tính pháp lý và quyền lợi của người
dân khi tham gia vào quá trình giám sát cần được thể chế hóa, luật hóa trong mô
hình chính phủ phục vụ.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, nâng cao trình độ quản
lý của chính phủ và đội ngũ cán bộ, công chức hành chính. Đây là điều kiện cơ bản
để vận hành mô hình Chính phủ phục vụ có hiệu quả.
Trọng tâm của cải
cách công vụ trong mô hình chính phủ phục vụ của Trung Quốc là quản lý tốt 3 mắc
xích “tiến, quản, xuất”[4].
“Tiến” tức là quản lý chặt đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức bằng nhiều
hình thức từ thi cạnh tranh, tuyển chọn người tài; “quản” tức là quản lý và
giám sát chặt chẽ công việc, hiệu quả của công vụ viên trong quá trình công
tác; “xuất” tức là có cơ chế đào thải những công vụ viên không đủ trình độ,
năng lực, tâm huyết, phẩm chất ra khỏi bộ máy, thực hiện phương châm “có lên có
xuống, có vào có ra”. Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế vận hành bộ máy nhằm từng
bước khắc phục tình trạng (cũng là hiện trạng) về quan liêu hành chính, mệnh lệnh
hành chính, “quan hành chính”,....đó là cái khó của Trung Quốc khi xây dựng mô
hình Chính phủ phục vụ. Để có được một nền hành chính tích cực, năng động, kiến
tạo, liêm khiết và lấy chất lượng phục vụ, hiệu quả công việc làm thước đo đánh
giá năng lực, hiệu quả thì, một mặt cần nâng cao trình độ quản lý của chính phủ,
mặt khác cần phải nhìn nhận, nắm bắt được các rào cản, khó khăn, tồn tại về các
“bệnh tật” của nền hành chính theo kiểu quan liêu. Đây là nội dung (cũng là vấn
đề) cực kỳ khó khăn khi kiến tạo mô hình Chính phủ phục vụ. Bản chất của “phục vụ”
là con người, vì con người, do đó, khi mà con người (chính phủ mà cụ thể là đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính – chủ thể chính) còn mang trong
mình tư tưởng “công thần”, “ông quan hành chính” thì hàm nghĩa của “phục vụ” sẽ
khó được thực hiện. Nói cách khác, trình độ, năng lực, thái độ của đội ngũ hành
chính nhà nước chính là linh hồn của chính phủ phục vụ. Có thể có một phường/thành
phố hay chính phủ điện tử bằng những công nghệ tiên tiến nhưng sẽ không bao giờ
phục vụ, kiến tạo được khi mà chính những người vận hành nó thiếu tinh thần
trách nhiệm, thái độ không đúng mực, thậm chí kèn cựa với khách hàng. Nói cách
khác, khoa học, kỹ thuật, máy móc hiện đại chỉ là phương tiện; con người – người
làm công tác hành chính trong bộ máy nhà nước, mới là hạt nhân đạt được sự hài
lòng của người dân và doanh nghiệp khi tiếp cận dịch vụ công.
Thứ năm, xây dựng hệ thống quản lý và đánh giá chất
lượng phục vụ, từng bước hoàn thiện bộ công cụ, hệ thống thang đo gắn với bộ
tiêu chí đánh giá. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự
hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Từ giác độ ngành
nghề nhìn nhận, phục vụ, kiến tạo là chức năng chính của chính phủ. Thực tiễn
cho thấy, nhân tố quyết định đến thành công của một tổ chức mang tính phục vụ
chủ yếu gồm: trách nhiệm quản lý; quản lý nguồn lực; quá trình phục vụ; đo lường,
phân tích và cải tiến trong công việc. Sự hài lòng của người dân với tư cách là
khách hàng chính là xuất phát điểm và tiêu chí quy thuộc của một chính phủ phục
vụ. Đương nhiên, chỉ khi nào chính phủ quản lý được trách nhiệm, quản lý được
các nguồn lực, thực hiện tốt quá trình phục vụ, xác lập bộ tiêu chí và tiến
hành đánh giá chất lượng một cách tỉ mỉ, khoa học thì mới đảm bảo mức độ hài
lòng của nhân dân ở mức cao. Quản lý của chính phủ (quản lý công) và quản lý
trong khu vực tư nhân có sự khác nhau cơ bản chính là ở chỗ: quá trình phục vụ
được tiến hành trong không gian công (khu vực hành chính công, tài sản công,
công vụ viên, quyền lực công,…) nhằm thỏa mãn các nhu cầu công (và yêu cầu
chung) từ phía người dân. Để “cân, đong, đo, đếm” được mức độ thõa mãn các nhu
cầu, không còn cách nào khác, phải xây dựng được hệ thống quản lý và đánh giá
chất lượng phục vụ. Nói cách khác, nhằm “tự hoàn thiện” mình, chính phủ cần phải
lượng giá tính chất, mức độ phục vụ của mình thông qua sự hài lòng của người
dân, từng bước khắc phục những khiếm khuyết, yếu kém, tồn tại, vướng mắc trong
quá trình thực hiện công vụ. Cơ chế “tự hoàn thiện” này sẽ góp phần tích cực hướng
đến nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Đánh giá chất lượng phục vụ trong
mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc gồm các khía cạnh: (1) Thẩm định hệ thống
quản lý chất lượng phục vụ. Đối tượng thẩm định, đánh giá chính là đội ngũ công
vụ viên và quá trình phục vụ theo chức năng chuyên môn của từng bộ phận; (2) Thẩm
định quá trình phục vụ. Thông thường là hệ tiêu chí để đánh giá quá trình thực
hiện các bộ phận trong bộ máy, gồm các quy trình, mắc xích, chi tiết rất cụ thể.
(3) Thẩm định chất lượng phục vụ. Chủ yếu dựa vào ý kiến đánh giá, phản hồi từ
phía khách hàng (người dân) và phản ánh từ phía công vụ viên để phát hiện các mắc
xích, chi tiết có vấn đề từ đó có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.
Để xây dựng hệ thống
quản lý và đánh giá chất lượng cần phải tuân thủ nhiều quy tắc, quy chuẩn
nghiêm ngặt. Trong đó gồm sáu phương diện: (1) Hệ thống tiêu chí quản lý chất
lượng; (2) Cơ cấu lãnh đạo, quản lý chuyên nghiệp; (3) Xác lập các cam kết và
hành động của chính phủ về cung cấp dịch vụ; (4) Hình thành hệ thống trách nhiệm
và chế tài xử lý; (5) Hình thành văn hóa làm việc, văn hóa công sở; (6) Xây dựng
hệ thống phản hồi, phản ánh từ phía người dân nhằm thu thập các thông tin phản
ánh về chất lượng phục vụ.
2.3. Hiệu quả và một số trở ngại
khi xây dựng và vận hành chính phủ phục vụ của Trung Quốc
Cải cách chính phủ,
đổi mới phương thức vận hành, xác lập triết lý về vai trò, chức năng của chính
phủ là yêu cầu nhằm thực hiện nhiệm vụ lịch sử trong xây dựng một Xã hội hài
hòa của Trung Quốc. Trong đó, xây dựng mô hình Chính phủ phục vụ là một trong
những nhiệm vụ trọng yếu. Điều này phản ánh nhận thức mới về xây dựng và phát
triển Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc (Tiêu Trần Quân, 2007). Trong
quá trình xây dựng và vận hành mô hình Chính phủ phục vụ, Trung Quốc đã gặt hái
được nhiều thành tựa đáng ghi nhận nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề mới, thậm
chí là trở ngại, rào cản nhất định.
a). Một số thành tựu
Quan niệm hạt
nhân của mô hình chính phủ phục vụ chính là “dĩ nhân vi bản”, “vì nhân dân phục
vụ”. Chính phủ là người hoạch định các dịch vụ công nhằm thỏa mãn nhu cầu và
yêu cầu của nhân dân. Với quan niệm và triết lý đó, Trung Quốc đã kiến tạo và
thực hiện mô hình chính phủ phục vụ. Trong thời gian vận hành mô hình này đã
cho thấy những thành công cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và vận hành mô hình Chính phủ phục vụ, về
căn bản đã xác định tính chất của một chính phủ của nhân dân, vì nhân dân. Quan
niệm “chính phủ nhân dân” đã xác lập quan hệ “khế ước” giữa chính phủ và nhân
dân: quyền lực của chính phủ do nhân dân giao phó, do đó, toàn tâm toàn ý phục
vụ nhân dân không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu hay phong trào mà đã trở thành tiêu
chuẩn đánh giá, là “thiên chức” của mỗi công vụ viên. Nói cách khác, thành tựu
lớn nhất trong vận hành Chính phủ phục vụ chính là chuyển biến trong tư duy,
phương pháp, cách thức hành động của cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính.
“Vì nhân dân phục vụ”, “nhân dân hài lòng” đã thực sự trở thành trách nhiệm của
mỗi địa phương[5]
và mỗi công vụ viên. Theo đó, chuyển biến lớn nhất, rõ nhất thể hiện trên các
bình diện: (1) Chuyển biến về quan niệm quản lý, các quá trình và cách thức quản
lý từng bước chuyển từ chủ nghĩa kinh nghiệm sang khoa học, từ cảm tính sáng lý
tính; (2) Chuyển biến về phạm vi quản lý, chức năng của chính phủ chuyển biến theo
hướng hợp lý hơn hơn, cái gì (lĩnh vực công nào) mà xã hội có thể đảm nhận một
cách chắc chắn, hiệu quả thì chính phủ có thể “ủy quyền” theo phương thức đa dạng
hóa chủ thể, phương thức xã hội hóa nguồn lực; (3) Chuyển biến về phương thức
hành chính, phương tiện và công cụ quản lý không ngừng hoàn thiện. Trong đó, việc
vận dụng tiến bộ của khoa học, công nghệ vào quá trình quản lý được phát huy,
các mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” được hình thành; (4) Chuyển biến về
nền tảng hành chính, hành vi hành chính của chính phủ dần quy phạm hơn, chính
quy hơn; (5) Chuyển biến về tố chất cán bộ, năng lực hành chính của công vụ
viên ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Thứ hai, áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ vào xây dựng chính phủ điện tử đã
có bước tiến lớn và mang lại hiệu quả phục vụ tốt. Một trong những yêu cầu của
mô hình chính phủ phục vụ là hình thành chính phủ điện tử. Đương nhiên, chính
phủ điện tử không phải là mục tiêu của Chính phủ phục vụ nhưng đó là công cụ,
phương tiện tốt để vận hành chính phủ phục vụ một cách hiệu quả, hiệu lực, năng
suất, khoa học. Hiệu quả của chính phủ điện tử thể hiện ở các phương diện: (1)
Công khai, minh bạch hóa các thủ tục hành chính. Hầu hết các tỉnh/thành phố của
Trung Quốc đều xúc tiến kiến tạo chính quyền điện tử nhằm từng bước công khai
hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Chẳng hạn, Quảng Châu
đã ban hành “Điều lệ công khai thông tin” đã xây dựng mạng lưới thông tin đến từng
người dân và đã được chính phủ Trung Quốc ghi nhận là mô hình kiểu mẫu nhân rộng
ra toàn quốc. Theo đó, ngày 1 tháng 5 năm 2008, Chính phủ đã bàn hành “Điều lệ
công khai thông tin của chính phủ” như là một căn cứ pháp lý để các địa phương
triển khai công khai hóa thông tin. Đến thời điểm hiện tại, các bộ/ngành, cấp tỉnh/thành
phố, cấp quận/huyện, cấp cơ sở đã triển khai thực hiện lần lược là 96%, 100%,
98,5% và 83% (Mã Bảo Thành, 2012). Với động thái này của chính quyền các cấp,
tính công khai, minh bạch trong bộ máy hành chính cũng như trong từng công việc
đã được nâng cao rõ rệt, mang lại hiệu quả cao mà điều đặc biệt là niềm tin của
nhân dân đối với bộ máy hành chính ngày càng được cải thiện. (2) Là kênh mới để
người dân “tham chính, nghị chính”. Đến thời điểm hiện tại, tuyệt đại đa số cán
bộ lãnh đạo các cấp đều công khai địa chỉ thư điện tử và số điện thoại của
mình; nhiều địa phương còn thiết kế phần đánh giá ngay trong trang thông tin điện
tử của chính quyền; không ít cơ quan/địa phương còn mở chuyên mục “lãnh đạo phỏng
vấn trực tiếp người dân”,... Những cách làm này đã trở thành cầu nối giữa người
dân, doanh nghiệp với chính quyền và những người thực thi công vụ, giúp người
dân có điều kiện trình bày những ý tưởng, chính kiến, quan điểm của mình với
công vụ viên và lãnh đạo các cấp; phản ánh những vấn đề bất cập, tồn tại trong
quá trình giao dịch. Có thể nói đây cũng là cách để người dân “tham chính, nghị
chính”, thực hiện quyền làm chủ của mình.
Thứ ba, từng bước tối ưu hóa cơ cấu tổ chức của chính phủ và bộ máy hành chính nhà
nước. Trong những năm gần đây, cơ cấu xã hội Trung Quốc chuyển biến với một gia
tốc lớn. Đó là những chuyển biến rõ nét về kinh tế, xã hội, kết cấu xã hội ngày
càng đa dạng hóa. Đời sống kinh tế ngày càng thị trường hóa; đời sống chính trị
ngày càng dân chủ hóa, pháp trị hóa; ý thức công dân ngày càng thể hiện rõ nét,…Vấn
đề ở chỗ, mô thức vận hành của chính phủ ngày càng tỏ ra “lạc hậu” hơn so với tốc
độ chuyển biến của xã hội, chế ước sự tiến bộ của xã hội, sự phát triển của
kinh tế. Do đó, chính phủ phải điều chỉnh kết cấu, chuyển biến về chức năng,
chuyển đổi mô hình vận hành của mình. Thực hiện thể chế kinh tế thị trường xã hội
chủ nghĩa, Trung Quốc đã xác định và định vị chức năng của chính phủ trong giai
đoạn mới là: điều tiết kinh tế, giám sát
thị trường, quản lý xã hội và phục vụ công. Đối với chức năng phục vụ công,
gồm có “phục vụ công cộng” và “sản phẩm công cộng” mà nhiệm vụ cụ thể là xây dựng
cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị, giải quyết việc làm cho cư dân, bảo đảm xã hội
và các sự nghiệp công khác. Từ việc coi trọng chức năng kinh tế trước đó, mô
hình chính phủ phục vụ đã nhấn mạnh và chuyển biến chức năng của chính phủ vào
lĩnh vực quản lý xã hội, dịch vụ công và giải quyết các vấn đề xã hội mới nảy
sinh. Do đó, ngoài chức năng điều tiết nền kinh tế, giám sát vận hành của thị
trường thì chức năng của chính phủ hướng vào các dịch vụ công, đến quản lý và định
hướng xã hội, giải quyết bài toán dân sinh, làm cho nhân dân “thấy được” và “thụ
hưởng được” thành quả của sự phát triển.
b). Một số trở ngại, tồn tại, vướng mắc
Như trên đã đề cập,
mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc là sự kết hợp từ lý luận và thực tiễn,
từ nhận thức và hành động của nhà lãnh đạo đến yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống.
Vận hành của nó đã mang lại nhiều thành công nhất định nhưng cũng không ít trở
ngại, tồn tại cần được nhìn nhận, điều chỉnh. Theo đó, theo giới nghiên cứu
Trung Quốc, những vấn đề tồn tại mang tính phổ biến khi vận hành mô hình trên
phạm vi toàn quốc tựu trung ở các phương diện:
Thứ nhất, ý thức phục vụ của nhiều công vụ viên còn hạn chế,
nhiều nơi còn biểu hiện đối phó, “mờ nhạt”; hiện tượng “chủ nghĩa quan liêu mới”
còn diễn ra. Chính phủ “truyền thống” thuộc loại “toàn năng” và “vô hạn”, chính
phủ khống chế toàn bộ các nguồn lực xã hội, người dân chỉ tuân theo chính phủ,
không có dư địa cho bất cứ một sự lựa chọn nào. Đây chính là rào cản lớn khi thực
hiện mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc (Lý Hồng Thái, Lý Nghiêm Xướng, 2007),.
Cùng với sự phát triển của yếu tố vật chất, tinh thần thì đời sống chính trị và
ý thức dân chủ của người dân cũng được nâng lên. Thế nhưng, nhiều công vụ viên
khi phục vụ nhân dân, doanh nghiệp vẫn còn rập khuôn cách làm cũ, thậm chí còn
có biểu hiện trì trệ, quan liêu, hách dịch làm cho chất lượng phục vụ không được
cải thiện. Nhận thức về chức năng phục vụ của chính phủ trong bộ máy chưa được
chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Lãnh đạo của nhiều địa phương/thành phố,
cũng vì thế, mà đầu tư tài chính cho việc chuyển đổi mô hình không được xem trọng;
phân phối các sản phẩm công thiếu sự công bằng, mô thức phục vụ bị xơ cứng, chất
lượng phục vụ không cao; hiện tượng loạn thu, lạm thu, tận thu trong giao dịch
công còn diễn ra nghiêm trọng,…
Thứ hai, sức ỳ tâm lý và tư tưởng “quan bản vị” trở thành rào cản lớn khi thực hiện
mô hình Chính phủ phục vụ. Một trong những “di sản” của thời kỳ phong kiến để lại
chính là tư tưởng “quan bản vị” và nó đã trở thành “thâm căn cố đế” trong suy
nghĩ của nhiều công vụ viên hiện nay. Mặc dù tôn chỉ của Chính phủ phục vụ là
“dân vi bản”, “dân bản vị” nhưng thực tế tại Trung Quốc cho thấy, không ít cán
bộ miệng thì nói “công bộc” của nhân dân như tư tưởng và hành vi lại đóng vai một
“chủ tể của bá tánh”, làm “quan phụ mẫu” của nhân dân. Một số công vụ viên cho
rằng chức vị, đẳng cấp chính là quyền lực và lợi lộc, do đó hiện tượng mua quan
bán tước vẫn còn diễn ra (Trần Hồng Thái, Lý Nghiêm Xướng, 2007),. Mô hình Chính
phủ phục vụ xem “phục vụ” là thiên chức, là trách nhiệm, là “chuẩn tắc cơ bản”
của cán bộ, công chức, viên chức nhưng trên thực tế sức ỳ tâm lý (khách quan và
chủ quan) chính là vấn đề lớn làm cản trở quá trình vận hành mô hình này.
Thứ ba, thể chế và hệ thống pháp luật liên quan chưa được hoàn thiện. Mặc dù đã có
cố gắng nhằm từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan để
đẩy mạnh việc áp dụng mô hình chính phủ phục vụ nhưng, cho đến thời điểm hiện tại,
từ những phát sinh trong thực tiễn chỉ đạo thực hiện ở nhiều địa phương cho thấy,
luật pháp và chế tài tương ứng chưa theo kịp với đòi hỏi thực tiễn. Từ cơ chế
tuyển dụng, đề bạt, cất nhắc, đánh giá công vụ viên đến việc kiểm tra, giám sát
việc thực thi công vụ; từ nhận thức của từng công vụ viên đến tư tưởng “quan bản
vị” của một số lãnh đạo[6]; từ việc “trên có chính sách, dưới có đối
sách” đến vấn đề cố ý làm sai các quy định, các quy trình của mô hình chính phủ
phục vụ ở một số địa phương,… đều cần có một đánh giá đúng mực và hoàn thiện một
số chính sách, chế tài để điều chỉnh hành vi.
3. Một số gợi ý đối với Việt Nam
trong xây dựng mô hình chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ
3.1. Gợi ý về mặt quyết tâm
chính trị khi tiến hành xây dựng chính phủ kiến tạo
Xây dựng một
chính phủ kiến tạo, hành động, vì nhân dân phục vụ không phải là ý tưởng hoàn
toàn mới nhưng đó là yêu cầu mới trong tình hình mới. Khi chúng ta tiến hành hội
nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng như hiện nay thì việc định vị lại chức
năng của chính phủ và các bộ phận trong bộ máy hành chính là việc làm cần thiết,
vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân
dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo đảm xã hội, an sinh xã
hội, khởi nghiệp,... Hơn nữa, một nền hành chính công “kiến tạo” phải xem sự
hài lòng của “khách hàng” (người dân, doanh nghiệp) là tiêu chuẩn đánh giá, phải
xem nhu cầu của “khách hàng” là động lực thay đổi, phải lấy niền tin của “khánh
hàng” làm tôn chỉ, mục đích. Tuy vậy, sự “chuyển đổi” mô hình cần nhiều yếu tố
nhưng cần nhất là sự quyết tâm chính trị của người đứng đầu chính phủ và toàn hệ
thống. Bởi “sức ỳ” chính là lực cản lớn khi thực hiện mô hình Chính phủ kiến tạo.
Sức ỳ ở đây biểu hiện đầu tiên bởi bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
trong bộ máy hành chính[7]
bởi ngại thay đổi, ngại đổi mới. Như đã phân tích, khi vận hành Chính phủ phục
vụ Trung Quốc cũng vướng phải sức ỳ này. Nguyên nhân của nó có thể có nhiều
nhưng có thể liệt kê một số nguyên nhân chủ yếu: thoái quen “quan bản vị”, ngại
thay đổi (sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của mình và tổ chức mình quản lý), chế tài
chưa nghiêm,... nhưng chủ yếu cũng là do người đứng đầu tổ chức thiếu sự quyết
tâm chính trị. Bất cứ sự thay đổi nào, dù nhỏ, cũng cần có sự thích ứng và hơn
thế nữa, luôn mang trong mình những rủi ro nhất định. Thay đổi mô hình và vận
hành bộ máy hành chính hướng đến phục vụ, hành động, kiến tạo không là ngoại lệ.
Nói cách khác, với một quyết tâm chính trị đủ mạnh, tạo sự đồng thuận trong bộ
máy đủ lớn, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ vững chắc,...
thì chính phủ kiến tạo của chúng ta nhất định sẽ thành công.
3.2. Gợi ý về hình thành cơ chế,
chính sách, thực thi chính sách liên quan
Khi nghiên cứu,
xây dựng, vận hành mô hình Chính phủ phục vụ, các nhà lãnh đạo và quy hoạch
chính sách của Trung Quốc cũng đã tiến hành nghiên cứu hết sức tỉ mỉ, khoa học.
Trong đó có việc nghiên cứu công tác cải cách hành chính ở một số quốc gia trên
thế giới, đặc biệt là các nước Anh, Mỹ, Nhật và triết lý, lý luận về cải cách
hành chính của họ. Chẳng hạn, khi nghiên cứu mô hình cải cách hành chính ở Anh
về Hệ thống thông tin quản lý bộ trưởng (Management Information Systems for
Ministers – MISM) và Chiến dịch cạnh tranh về chất lượng (Competing for Quality
– CQ) đã giúp Trung Quốc “Tha sơn chi thạch, khả dĩ công ngọc”[8],
theo đó rút ra bài học: (1) Phương án cải cách hành chính cần có hệ thống, lộ
trình và không nóng vội; (2) Phương án cải cách hành chính phải bắt đầu từ nội
bộ của nền hành chính, sau đó tiến hành cải cách và lan tỏa ra bên ngoài và cuối
cùng là nhận thức chung, đồng bộ từ bên trong đến bên ngoài, từ trên xuống dưới,
từ cán bộ đến người dân; (3) Đánh giá hiệu quả quản lý của bộ máy phải được đưa
vào nội hàm của cải cách hành chính, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo.
Khi nghiên cứu mô
hình cải cách chính phủ của Mỹ gắn với chương trình “Rereinventing government”[9]
và khẩu hiệu “chi tiêu ít, làm việc nhiều” đã gợi mở cho Trung Quốc bài học về
sáng tạo chính sách: (1) Phải kết hợp sức mạnh của chính phủ với sức mạnh của
thị trường trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ công; (2) Trình độ, tính chất của
phúc lợi xã hội phải phù hợp với trình độ, tính chất của nền kinh tế quốc dân
và mức sống dân cư.
Khi nghiên cứu
chương trình “Tứ hóa” trong cải cách hành chính của Nhật Bản là “thị trường
hóa” (tái cơ cấu chức năng chính phủ theo hướng thị trường hóa), “xã hội hóa”
(điều tiết quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ), tự do hóa (điều tiết quan hệ
giữa thị trường và chính phủ) và “phân cấp hóa” (điều tiết quan hệ giữa trung
ương và địa phương), chính phủ Trung Quốc đã rút ra bài học: (1) Cải cách hành
chính không thể là bài toán có ngay lời giải và nhìn thấy kết quả trong một thời
gian ngắn mà đòi hỏi một quá trình bền bỉ, lâu dài, chiến lược; (2) Cải cách
hành chính cần chú ý đến trình độ dân trí, cần tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp
nhân dân; (3) Cải cách hành chính cần gắn liền với xây dựng các thể chế, chính
sách, chế tài; chế tài của pháp luật đảm
bảo cho việc vận hành bộ máy hành chính đi đúng hướng và hiệu quả, củng cố
thành quả của tiến trình cải cách hành chính.
Như vậy, khi
nghiên cứu và xây dựng mô hình Chính phủ phục vụ, Trung Quốc đã thận trọng tìm
hiểu các mô hình đã có ở một số quốc gia để “chắc lọc” vào điều kiện của mình.
Việt Nam và Trung Quốc có điểm tương đồng nhất định về văn hóa, thể chế và một
số phương diện khác. Do đó, xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, vì nhân dân
phục vụ, đầu tiên cần phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, các chế tài nghiêm
khắc để điều chỉnh hành vi; cần phát huy yếu tố thị trường kết hợp với xã hội
hóa để phát huy các nguồn lực; cần phải gắn với tình hình và điều kiện hiện có
như nguồn lực tài chính, trình độ dân trí, năng lực cán bộ, sự đồng thuận của
nhân dân, sự quyết tâm của người đứng đầu,...; xây dựng Chính phủ kiến tạo cần
phải có lộ trình về thời gian, nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) và cần phải
xem là mục tiêu chiến lược, tránh nóng vội nhưng cũng tránh tâm lý chủ quan,
trì trệ hay “trên nóng dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”,…
3.3. Gợi ý về xây dựng và phát
huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong bộ máy chính trị
Một trong những
rào cản tạo nên sức ỳ lớn nhất khi vận hành mô thức Chính phủ phục của Trung Quốc
chính là đội ngũ công vụ viên. Như đã phân tích ở trên, tư tưởng “quan bản vị”,
“quan phụ mẫu” đã phá vỡ nguyên tắc “phục vụ” của mô hình Chính phủ phục vụ.
Nói cách khác, chính con người mà cụ thể là đội ngũ cán bộ trong mộ máy hành
chính sẽ quyết định đến vấn đề thành bại, hiệu quả của mô hình Chính phủ phục vụ
ở Trung Quốc. Điều này gợi ý tốt cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và vận
hành mô hình Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ. Muốn có được sự “kiến tạo”
thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải chuyển đổi suy nghĩ, hành động.
Không thể “ngồi đủ tám tiếng” càng không thể “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”
theo “mô thức con lắc”. Họ phải vận động, tư duy, thay đổi, sáng tạo; muốn “phục
vụ” thì cần phải nhận thức đúng về vị trí, vai trò của mình trong bộ máy hành
chính. Cần phải thấy được “vai trò công bộc” của mình; cần phải lấy sự hài lòng
của nhân dân, với tư cách là khách hành, làm thước đo hiệu quả. Khi vận hành
Chính phủ phục vụ, Trung Quốc đã nhận thấy nhân tố “công vụ viên” tác động đến
hiệu quả, hiệu suất và thành bại của mô hình này (Tiêu Trần Quân, 2007). Đây là
gợi ý có giá trị khi chúng ta vận hành Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân.
Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng, thái độ cho đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức trong bộ máy hành chính cần phải được xác định như là
một nhân tố cốt lõi, quyết định đến thành bại của bộ máy[10].
3.4. Gợi ý trong giải quyết các
vấn đề và mối quan hệ then chốt trong xây dựng chính phủ kiến tạo
Khi xây dựng và vận
hành mô hình Chính phủ phục vụ, Trung Quốc đã tiến hành cải cách, đổi mới kinh
tế gắn với đổi mới chính trị; đổi mới bên trong (đối nội) và đổi mới về đối ngoại;
điều chỉnh chức năng của chính phủ theo hướng tinh ngọn, hướng về phục vụ nhân
dân; đồng thời giải quyết hàng loạt các mối quan hệ tồn tại và phát sinh. Trong
đó, việc nắm bắt và giải quyết các mối quan hệ được cho là hết sức quan trọng,
nhằm củng cố vai trò của chính phủ, vừa phát huy các nguồn lực và chủ thể khác
khi tham gia vào hệ thống dịch vụ công.
Thứ nhất, điều tiết
và giải quyết quan hệ giữa chính phủ và người dân. Về bản chất, quyền lực của
chính phủ do nhân dân trao cho, nhưng trên thực tế, với tư cách là chủ thể quản
lý các nguồn lực xã hội, chính phủ có xu hướng “vượt qua quyền lực ban đầu”.
Công dân với tư cách là một cá nhân (hoặc là thành viên của một nhóm) thường
không đối trọng quyền lực với chính phủ và dễ dần đến “người có quyền lực nhưng
không hưởng được nghĩa vụ” nếu chính phủ không có cơ chế để họ giám sát, thực
hiện quyền làm chủ của mình. Chúng ta đều biết, dân chủ chính là một trong những
đặc trưng của thể chế xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Do đó, khi vận hành mô hình chính phủ kiến tạo, điều cốt lõi là đảm bảo mục
tiêu dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Nếu không, cho dù có phát họa
nên một bức tranh toàn mỹ thì mô hình Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ
cũng sẽ không hướng đến nhu cầu và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giữa chính phủ
và thị trường. Một trong những xung đột vai trò đó là vai trò của chính phủ
và vai trò của thị trường trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong kiến tạo và vận hành mô hình Chính phủ phục vụ Trung Quốc xác định phát
huy yếu tố thị trường và chủ trương xã hội hóa cung cấp dịch vụ công làm động lực
thúc đẩy hiệu quả, năng lực hành chính công; xác định chính phủ có vai trò “bổ
khuyết các khuyết tật của thị trường” chứ không phải làm thay thị trường. Vấn đề
là ở chỗ, giải quyết mối quan hệ này là việc làm không đơn giản (đối với chính
phủ). Nếu bao biện, làm thay, nghĩ thay thị trường thì mất vai trò của thị trường
nhưng nếu “thả lỏng” cho thị trường (nhất là dịch vụ công) thì mất vai trò của
chính phủ, thậm chí mất đi tính công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ công của
nhân dân.
Thứ ba, điều tiết mối quan hệ giữa chính phủ
và xã hội. Trong quản lý xã hội nói chung, trong lĩnh vực công cộng nói
riêng, vai trò của chính phủ, thị trường, các tổ chức xã hội đều được phát huy.
Thế nhưng, do lịch sử để lại, tư tưởng “quan nhà nước” vẫn còn “lưu giữ” trong
tâm thức của nhiều cán bộ, công chức, viên chức chúng ta; quyền lực chính phủ
chi phối tất cả các hoạt động xã hội còn tồn tại. Thực tế Trung Quốc cho thấy,
quyền lực của chính phủ càng lũng đoạn, chức năng của chính phủ càng bao trùm
thì yếu tố phục vụ xã hội càng ít được đảm bảo; ngược lại, chức năng tự quản, yếu
tố dân chủ cơ sở ít được phát huy; xã hội mà cụ thể là các tổ chức xã hội ít có
cơ hội tham gia vào quá trình quản lý, giám sát, phản biện. Nói cách khác, khi
vận hành Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ thì vấn đề giải quyết mối quan
hệ (quyền, nghĩa vụ) của chính phủ và xã hội cần phải đặt ra và có cơ chế để phối
hợp, phát huy sức mạnh của xã hội.
Thứ tư, quan hệ giữa cải cách bên trong bộ
máy với vấn đề mở cửa, hội nhập quốc tế. Mở cửa, hội nhập quốc tế không còn
là vấn đề lựa chọn hay không mà là xu thế tất yếu của một “thế giới phẳng”. Tuy
nhiên, mở cửa và cải cách bộ máy là biến số có liên quan nhất định: làm sao vừa
phát huy được nguồn lực trong nước, vừa tận dụng được các nguồn lực nước ngoài;
vừa vận dụng các mô hình, thành tựu phát triển của quốc tế, vừa đảm bảo tính độc
lập, tự chủ thậm chí quốc phòng, an ninh nội địa; vừa áp dụng các thành tựu
khoa học của thế giới, vừa phát huy nguồn lực khoa học trong nước,… chính là
bài toán cần lời giải khi xây dựng và vận hành chính phủ kiến tạo, vì nhân dân
phục vụ của chúng ta. Khi giải quyết mối quan hệ này cần chú ý: một mặt, chúng
ta cần mạnh dạn mở cửa, hội nhập và phát huy tính tích cực của hội nhập quốc tế,
tăng cường sức cạnh tranh trên trường quốc tế, nhưng mặt khác, chúng ta cũng
không xao nhãn vấn đề an toàn của nền kinh tế, nền hành chính, quốc phòng và an
ninh; cần “nhìn thấy” được những rủi ro và tác động tiêu cực khi hội nhập. Nói
cách khác, mục đích của cải cách, mở cửa (kể cả cải cách hành chính) là thúc đẩy
sự phát triển, hướng đến lợi ích của toàn xã hội và người dân. Học tập nước
ngoài là tốt nhưng cần phải “tự lực cánh sinh”, độc lập tự chủ. Đó không chỉ là
bài học lịch sử mà là bài học cho hiện tại và tương lai, nhất là trong quá
trình đổi mới, phát triển.
Thứ năm, giải quyết hài hòa quan
hệ giữa trung ương và địa phương. Cụ thể là quyền lực và vai trò của trung
ương với quyền lực, vai trò của địa phương. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy,
nơi nào có sự đồng thuận của nhân dân, có sự thống nhất từ trên xuống thì vấn đề
thực hành mô hình chính phủ phục vụ tiến hành thuận lợi và đạt được nhiều thành
công. Ngược lại, nơi nào biểu hiện “trên có chính sách, dưới có đối sách” thì
chẳng những không thực hiện được mà còn gây nên sự nhiễu loạn, mất đoàn kết,
nhân dân mất niềm tin vào hệ thống chính quyền. Xây dựng và vận hành mô thức
hành chính mới, một chính phủ kiến tạo không thể không nói đến vai trò “kiến tạo”
của các địa phương. Khi tập trung quyền lực quá lớn gây nên tính “ỷ lại”, “chờ
chỉ đạo”; nhưng khi phân quyền đủ mạnh thì nguy cơ “làm trái”, “vận dụng” chính
sách một cách tùy tiện. Chính lẽ đó, mô hình Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục
vụ cần xác định rõ vai trò trách nhiệm của các cấp, người đứng đầu. Có như thế
mới giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên
cơ sở với cấp cơ sở, giữa cán bộ và người dân.
3.5. Gợi ý trong xây dựng bộ
tiêu chí đánh giá một chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ
Một chương trình,
dự án, đề án, mô hình dù hoàn thiện đến đâu nhưng thiếu cơ chế thẩm tra, đánh
giá, lượng giá thì khó có thể thực hiện được (hoặc nếu thực hiện được thì cũng
khó phân loại, thẩm định tính hiệu quả). Đối với mô hình chính phủ kiến tạo, vì
nhân dân phục vụ cần phải xác lập bộ tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của nó đến
từng chi tiết có thể “cân, đong, đo, đếm” được[11]
như là một hệ thống quản lý chất lượng phục vụ và sáng tạo của chính phủ; khách
thể đánh giá chính là người dân, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác và cần
phải được tiến hành thường xuyên (ít nhất là hằng năm) để thẩm định chất lượng,
phong cách phục vụ. Đây cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của chính phủ[12]
bởi “phục vụ là nhiệm vụ”. Khi chúng ta xây dựng và vận hành mô hình Chính phủ kiến
tạo mà không tính đến (hoặc thiếu) hệ thống đánh giá chất lượng sẽ dễ dẫn đến
tâm lý cào bằng, ỷ lại, làm cầm chừng, thậm chí mất đi tính tích cực. Do đó,
thiết yếu phải hình thành bộ tiêu chí cụ thể có tính định lượng để “đo, đếm” hiệu
quả của mô hình khi vận hành vào thực tiễn ở từng cấp/ngành/địa phương; tính
tích cực, tính sáng tạo của từng cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm
vụ của mình. Khi đó, nhiệm vụ kiến tạo
và phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu
mà chính là phương tiện để đạt được sự hài lòng của người dân, để nâng cao hiệu
quả của nền hành chính.
4. Kết luận
Sau hơn 40 năm đất
nước thống nhất và hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được
nhiều thành quả trên tất cả lĩnh vực, trong đó có cải cách hành chính. Gần đây,
với sự quyết tâm của người đứng đầu chính phủ, công cuộc cải cách hành chính đã
bước sáng một trang mới, gắn với mục tiêu “xây dựng một chính phủ kiến tạo,
hành động, liêm chính, vì nhân dân phục vụ”. Tuy nhiên, từ ý tưởng đến hành động
là cả một quá trình lâu dài bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ khách quan đến
chủ quan, từ quyết tâm chính trị của người đứng đầu đến cả hệ thống; từ cán bộ
đến người dân,…
Với những gì
chúng ta đã làm được trong thời gian qua, với tinh thần khoa học và sự cầu thị
tin chắc mô hình Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ sẽ được hình thành (bằng
chế định luật pháp) và vận hành vào cuộc sống. Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy,
đổi mới mô hình, chuyển đổi chức năng của chính phủ cho phù hợp với tình hình mới
nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của xã hội là đòi hỏi tất yếu. Tuy nhiên, kinh
nghiệm vận hành mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc cũng chỉ ra cho chúng
ta nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị. Trong đó, thể chế và con người là quan
trọng; quyết tâm chính trị là cần thiết; áp dụng khoa học, công nghệ là xu hướng;
chuyển đổi tư duy và phương thức phục vụ cho đội ngũ cán bộ là then chốt; xây dựng
hệ thống quản lý và đánh giá chất lượng là công cụ; giải quyết các vấn đề phát
sinh trong quá trình vận hành là nhiệm vụ thường xuyên.
Với quyết tâm của
người đứng đầu Chính phủ; với sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị nói
chung, của chính phủ nói riêng; với sự ủng hộ của giới khoa học và người dân; với
nền tảng chính trị vững chắc như hiện nay,…
chắc chắn mô hình Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ sẽ được định
hình và vận hành, tạo động lực mới cho nền hành chính, thúc đẩy phát triển kinh
tế-xã hội của đất nước.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Đi (2018), Vấn đề xã hội – Lý thuyết và vận dụng, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật.
Hà Nội.
2. Phạm Đi (2018), Chính sách và thực thi chính sách trong quá trình đô thị hóa ở Việt Nam
– nghiên cứu chính sách bồi thường, giải tỏa, tái định cư ở Thành phố Hồ Chí
Minh. NXB Đại học Thượng
Hải, Trung Quốc (tiếng Trung).
3. Phạm Đi (2019). Sự
biến đổi trong đời sống xã hội Trung Quốc, NXB Lý luận chính trị. Hà Nội (sách
dịch).
4. Phạm Đi (2019). Từ phân tán đến trật tự - Biến đổi xã hội Trung Quốc dưới góc nhìn của
“chế độ và đời sống” (1921-2011).
NXB Lý luận chính trị. Hà
Nội.
5. Tiêu Trần Quân (2007), Khái luận về chính phủ phục vụ, NXB Đại
Học Mậu dịch kinh tế đối ngoại. Trung Quốc.
6. Mã Bảo Thành (2012), “Mười năm xây dựng
chính phủ phục vụ của Trung Quốc: Thành tựu và triển vọng”. Tạp chí Học viện Hành chính
Quốc gia, số 05. Trung Quốc.
7. Trần Hồng Thái, Lý Nghiêm Xướng (2007), “Bốn
mô thức Chính phủ phục vụ Trung Quốc”, Tạp
chí Quản lý hành chính Trung Quốc, số 7. Trung Quốc.
TS. Phạm Đi
[1] Hồng Trà, “Chính phủ kiến tạo” tại Việt Nam qua định nghĩa của Thủ tướng. Tham kiến: http://vneconomy.vn/chinh-phu-kien-tao-tai-viet-nam-qua-dinh-nghia-cua-thu-tuong-2017111816395712.htm
[2] Mô hình chính phủ kiến tạo được một số nước châu Á xây dựng và vận
hành từ rất sớm: Chính phủ của Thủ tướng Ikeda Hayato của Nhật Bản (1960 – 1964);
Chính phủ của Park Chung-hee của Hàn Quốc (1961 - 1979); Chính phủ Trung Quốc
thời Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế (1978 - 1987).
[3] Trước khi có chủ trương kiến tạo Chính phủ phục vụ của Trung ương, một
số địa phương của Trung Quốc đã xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình cải
cách hành chính theo “hơi thở” của một nền hành chính phục vụ. Trong đó, từ năm
2001, Thượng Hải là thành phố tiên trong về xây dựng và thực hiện mô hình chính
phủ phục vụ. Sau đó, tháng 2 năm 2002, thành phố Thành Đô tổ chức thí điểm thực
hiện mô hình chính phủ phục vụ; Cuối năm 2002, chính quyền Nam Kinh đề xuất đưa
ra mục tiên “chuyến biến chức năng của chính phủ, xây dựng nền hành chính phủ vụ;
Ngày 19 tháng 6 năm 2003, thành phố Trùng Khánh đã ban hành nghị quyết “Công
tác xây dựng mô hình chính quyền phục vụ”, và “Trọng điểm về mô hình chính phủ
phục vụ năm 2003 ”; Năm 2004, thành phố Bắc Kinh tiến hành xây dựng hệ thống
chính quyền vì nhân dân phục vụ; Năm 2004, Thạch Gia Trang ra khẩu hiệu: “nỗ lực
xây dựng nhà nước pháp quyền, một chính phủ trách nhiệm, liêm chính và phục vụ”,….
[4] Tức là “đầu vào” (tuyển dụng), “quá trình” (quá trình công tác) và “đầu
ra” (cơ chế đào thải).
[5] Thành phố Thượng Hải thành công với mô hình “một cửa”; thành phố Nam
Kinh với “Sáu chiến lược lớn để phát triển” (thị trường hóa, tiêu chuẩn hóa, quốc
tế hóa, quy phạm hóa, điện tử hóa và pháp trị hóa ; thành phố Thành Đô với
chương trình “Quy hóa hóa công tác phục vụ”; Thâm Quyến với chủ trương “Chính
phủ không có vách ngăn”,...
[6] Thực tế cho thấy, còn nhiều địa phương thì đối tượng phục vụ không phải
là nhân dân và doanh nghiệp mà chính là “cấp trên”, là “lãnh đạo”.
[7] Không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân
Phúc nhấn mạnh đến hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, hay “trên nóng dưới lạnh”,...
[8] Hòn đá trên núi khác có thể giúp mình luyện thành ngọc, nghĩa là cái
đáng để mình học tập.
[9] Tạm dịch: “Đổi mới chính phủ”, “trùng tu chính phủ”, “tái cơ cấu chính
phủ”. Chươn g trình này gồm các nhiệm vụ: Thị trường hóa trong định vị chức
năng của chính phủ; thị trường hóa đầu ra dịch vụ công.
[10] Song với với việc vận hành Chính
phủ phục vụ, Trung Quốc chú trong đến đào tạo, bồi dưỡng đạo đức công vụ
cho đội ngũ công vụ viên. Trong đó, có chương trình bồi dưỡng “nhân cách hành
chính” (là sự thống nhất giữa nhân cách cá nhân và nhân cách nhóm; giữa cái tôi
và cái chúng ta; giữa cái riêng và cái chung. Là sự thống nhất giữa “cái tôi
chân thực, cái tôi hiện thực và cái tôi lý tưởng).
[11] Tương tự hệ thống quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp ISO. Cách
thức lượng giá và thẩm định gồm các tiêu chí, thang đo, chỉ số như việc đánh
giá Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
[12] Tháng 1 năm 2005, Trung Quốc cũng đã ban hành bộ Tiêu chuẩn đánh giá thành tích vượt trội trong bộ máy hành chính và được áp dụng rộng rãi.
Nhận xét
Đăng nhận xét