XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ ĐOÀN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1. Đặt vấn đề
Cùng với sự phát
triển kinh tế-xã hội, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong thời gian qua, đất
nước ta nhanh chóng tăng tốc và thích ứng với những biến đổi không ngừng của thế
giới, đặc biệt là phục hồi sự phát triển sau đại địch Covid-19; chủ trương hoàn
thiện bộ máy, cải cách thể chế và hệ thống chính trị để củng cố và nâng cao vai
trò, vị thế, sức ảnh hưởng và tiền đồ của đất nước, dân tộc. Muốn vậy, việc xây
dựng, kiện toàn, phát triển đội ngũ cán bộ tinh anh, có năng lực, phẩm chất, uy
tín, tố chất phù hợp là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Tuổi trẻ nói chung, Thanh
niên nói riêng là lực lượng trọng yếu, là “xương sống”, là trụ cột của nước
nhà. Thế nhưng, đối với đội ngũ cán bộ Đoàn thanh niên mà nói, không phải lúc
nào cũng “xứng tầm” để thực hiện đúng vai trò trọng trách của mình. Thậm chí có
biểu hiện “già hóa” (cả về mặt tuổi tác lẫn hành vi, lối sống); biểu hiện “nhạt
hóa, khô hóa” (về niềm tin, lý tưởng, sự phấn đấu). Chính lẽ đó, việc thu hút
và kiện toàn đội ngũ cán bộ Đoàn “đóng đúng vai và thuộc bài” nhằm kích hoạt sức
sống và hoàn nguyên giá trị của tổ chức Đoàn thanh niên, từng bước nâng cao
năng lực tổng hợp cho cán bộ Đoàn trong tình hình mới là hết sức quan trọng và
cần thiết, nếu không muốn nói là “sống còn”.
2. Một số khía cạnh cần quan tâm
Nhìn một cách tổng
thể không khó để nhận thấy rằng, trong cơ cấu tổ chức của đội ngũ cán bộ Đoàn cốt
cán ở nước ta chủ yếu rơi vào độ tuổi trung niên và cả “cao tuổi” (có xu hướng
“lão hóa cán bộ Đoàn)[1].
Do đó, việc tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ và “trẻ hóa” cán bộ Đoàn
trong tình hình mới là cấp thiết và tất yếu. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, không
phải để đảm bảo được tiêu chí “trẻ hóa” mà hạ thấp các tiêu chuẩn khác của đội
ngũ, cơ cấu cán bộ Đoàn như năng lực, kinh nghiệm; phẩm chất đạo đức, tinh thần
trách nhiệm, tố chất chính trị,... Nói cách khác, xây dựng và phát triển đội
ngũ cán bộ Đoàn phải gắn với nhiệm vụ chuyên môn, với chức năng, nhiệm vụ được
giao; người cán bộ Đoàn phải có năng lực ra quyết định và thực thi chính sách,
chủ trương, phải có tư duy khoa học và vì mục tiêu chung. Muốn vậy, thiết nghĩ
cần thực hiện một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, có chính sách và cơ chế đãi ngộ thích.
Nói đến chính sách đãi ngộ người ta nghĩ ngay đến yếu tố vật chất mà cụ thể là
các khoản thu nhập và cốt yếu là tiền lương, điều này đúng nhưng chưa đủ. Đãi
ngộ, xét về mặt tổng thể và cơ cấu chung, còn có điều kiện làm việc, khả năng cống
hiến (góp ý) và phát triển (kể cả cơ chế bố trí công việc tiếp theo cho cán bộ
Đoàn đã “quá tuổi”, “hết tuổi”). Ai cũng thừa nhận rằng, công tác cán bộ đoàn
có tính đặc thù về độ tuổi, về thời gian đảm nhận chức vụ cũng như tính năng động
để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ, nhưng chắc chắn không nhiều người đồng tình (hoặc
chí ít là không mấy dễ chịu) khi có cơ chế đặc thù, đãi ngộ riêng cho lực lượng
này. Đó là nút thắt cổ chai về cơ chế khuyến khích.
Thứ hai, làm thay đổi nhận
thức của xã hội về tổ chức đoàn và cán bộ đoàn. Công tác cán bộ đoàn là một bộ phận tổ thành hết sức
quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, do đó, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đoàn
cũng đồng thời là chuẩn bị nguồn lực bổ sung cho hệ thống chính trị. Thế nhưng,
từ trong nhận thức và thái độ của không ít người, tổ chức đoàn nói chung, cán bộ
đoàn nói riêng chỉ là lực lượng “ăn chơi nhảy múa” hoặc chí ít cũng chỉ là “hoạt
động phong trào” như dọn vệ sinh đường phố hay các địa điểm công cộng, xóa các
bảng quảng cáo-rao vặt,... Thậm chí không sợ sai để nói rằng, trong tâm thức của
không ít nhà lãnh đạo, khi bàn đến và cần lực lượng để xử lý các vấn đề về môi
trường, xóa bảng quảng cáo,.. thì nghĩ ngay đến “lực lượng thanh niên” và “chỉ
đạo” cho cán bộ đoàn phải “lên kế hoạch thực hiện”. Điều này không sai nhưng nếu
chỉ dừng lại ở đó thì chưa chính xác, chưa thấy được vai trò, vị trí, chức năng
nhiệm vụ trọng yếu của tổ chức đoàn. Có cán bộ đoàn tâm sự, không biết mình có
phải là “cán bộ” hay không và trong con mắt, cách nghĩ của người dân, cộng đồng
về cán bộ đoàn sẽ là gì. Đó là suy nghĩ nhưng cũng là “đơn đặt hàng” từ thực tiễn.
Thứ ba, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến
thức, kỹ năng, hành vi thái độ. Lẽ đương nhiên, bất cứ một tổ chức nào
cũng vậy, muốn kiện toàn, phát triển thì cần phải tăng cường công tác đào tạo,
bồi dưỡng để hoàn thiện năng lực, tố chất tương ứng. Cùng với tiến trình toàn cầu
hóa ngày càng sâu rộng, các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp, sức cạnh tranh và
rủi ro xã hội ngày phức tạp; mạng lưới Internet toàn cầu và gắn với đó là các nền
tảng truyền thông (nhất là truyền thông xã hội) ngày càng nở rộ. Điều này vừa
có tính tích cực nhưng mặt tiêu cực là khôn lường, nếu không định hướng đúng.
Đoàn viên thành niên rất nhạy bén về công nghệ và cũng rất dễ bị công nghệ
“chinh phục”. Từ thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch đang lợi dụng các nền
tảng truyền thông để “rửa não” và truyền bá các ý tưởng với mưu đồ xấu, nhằm phủ
nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên
(đã có bài báo phản động yêu cầu bãi bỏ tổ chức Đoàn) vì xem đây chỉ tổ chức là
“ăn chơi nhảy múa” [2].
Do đó, hơn ai hết, cán bộ đoàn, với vai trò là đầu tàu, là “máy cái” vận hành
và gia tốc cho toàn bộ máy đoàn, người thủ lĩnh đoàn cần phải vững về tư tưởng,
lập trường, thái độ chính trị; chắc về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ; tinh
thông về kỹ năng xử lý tình huống và ra quyết định; quyết liệt trong triển khai
các nhiệm vụ chính trị mà cấp trên giao phó; không ngừng học tập và tổ chức học
tập cho đoàn viên thanh niên. Có kế hoạch phối với với các tổ chức chính trị ở
địa phương để triển khai các nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch, đề án nhằm phát
triển kinh tế-xã hội.
Tóm lại, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đoàn trong tình hình mới là nhiệm vụ
hết sức hệ trọng, đòi hỏi nhiều công sức, sự kiên nhẫn và phải tiến hành bài bản,
khoa học, có hệ thống, có tính chiến lược. Đây là nhiệm vụ nhưng cũng là quá
trình được tiến hành liên tục, có tính định hướng, tính kế thừa và tính thời đại.
Trong quá trình này, trước hết cần phải được sự chỉ đạo, định hướng sát xao, kịp
thời của Đảng, của các tổ chức chính trị liên quan và nhất là sự đồng thuận của
nhân dân, của cộng đồng. Tuy nhiên, bản thân tổ chức đoàn cũng như cán bộ đoàn
cần phải không ngừng học tập, tự nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng các yêu
cầu và nhiệm vụ mới; không chủ quan, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Năng lực thực
thi công vụ, năng lực công tác quyết định đến sự tồn tại và phát triển của
chính tổ chức đoàn và cán bộ đoàn. Người cán bộ đoàn phải cầu tiến, dám xả thân
và là tấm gương thật tốt cho đoàn viên, thanh niên noi theo. Sự cống hiến (tuổi
trẻ, lòng nhiệt huyết) với một thái độ rõ ràng (trung thành, trung thực, ý chí
phấn đấu) chính là chiếc bùa hộ mệnh để người cán bộ đoàn thực hiện thắng lợi
các nhiệm vụ, chức trách của mình, góp phần củng cố, phát triển tổ chức đoàn
phát triển toàn diện.
TS. Phạm Đi
Đà Nẵng, ngày 28 tháng 12 năm
2022
[1]
Theo báo cáo số liệu về công
tác cán bộ Đoàn trong toàn quốc tại thời điểm cuối năm 2020, độ tuổi bình quân
uỷ viên BCH đoàn cấp cơ sở là 29,7 tuổi; độ tuổi bình quân uỷ viên BCH Đoàn cấp
huyện là 30,5 tuổi; độ tuổi bình quân uỷ viên BCH Đoàn cấp tỉnh là 31,8 tuổi; độ
tuổi bình quân uỷ viên BCH T.Ư Đoàn là 37,5 tuổi. Do vậy Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề xuất Ban thường vụ T.Ư Đoàn
xem xét nâng độ tuổi bình quân BCH Đoàn từ cấp huyện trở lên. Tham kiến tại: https://thanhnien.vn/tang-do-tuoi-binh-quan-bch-doan-de-thao-go-kho-khan-ve-nhan-su-post1059700.html
Nhận xét
Đăng nhận xét