QUYỀN BIẾN LÃNH ĐẠO
QUYỀN BIẾN LÃNH ĐẠO LÀ GÌ?
Nhiều nghiên cứu
đã chỉ ra mối tương quan giữa biến số “hành vi lãnh đạo” và “hiệu quả công việc”
của đội nhóm và tổ chức mà người lãnh đạo đó đóng vai trò chủ thể. Tuy nhiên, vấn đề đáng tiếc là, quan điểm về
mối tương quan này không làm rõ toàn bộ vấn đề và “đúng” trong mọi người hợp.
Cùng một phong cách lãnh đạo (hoặc độc đoán, hoặc dân chủ,…) nhưng trong những
môi trường khác nhau, công việc (tính chất, loại hình,…) khác nhau sẽ cho những
kết quả khác nhau, thậm chí tương phản nhau. Chẳng hạn, cùng một phong cách
lãnh đạo nhưng quản lý trong lĩnh vực mà thuộc cấp chủ yếu thực hiện bằng lao động
chân tay với nhóm lao động trí óc thì hiệu quả lại khác nhau; một phong cách
lãnh đạo này có thể phù hợp và mang lại hiệu quả cao ở quốc gia này, vùng miền
này, đặc trưng văn hóa này nhưng lại chưa chắc phù hợp và hiệu quả đối với một
quốc gia khác, vùng miền khác, văn hóa khác. Chính lẽ đó, không ít nhà nghiên cứu
còn chỉ ra rằng, khi mà môi trường văn hóa thay đổi thì phong cách lãnh đạo
cũng phải có những thay đổi để phù hợp, tương thích. Do đó, từ thập niêm 60 của
thế kỷ XX trở đi, các nghiên cứu về khoa học lãnh đạo nói chung, hành vi lãnh đạo
nói riêng đã bắt đầu chú ý đến yếu tổ thay đổi của một số nhân tố khác, từ đó
lý thuyết về quyền biến lãnh đạo ra đời và thu hút được nhiều quan tâm của giới
học giả cũng như người lãnh đạo trên thực tiễn.
Lý luận về quyền
biến lãnh đạo (Contingency Theory) có nghĩa là tùy tình hình cụ thể, môi trường
cụ thể, công việc cụ thể, đối tượng cụ thể mà có thể “biến hóa”, thay đổi về
phong cách, tư duy, phương pháp lãnh đạo cho phù hợp nhằm đạt được mục tiêu cao
nhất có thể, do đó, “lý luận quyền biến lãnh đạo” còn được gọi một cái tên khác
là “lý luận tình cảnh lãnh đạo” hay “lý thuyết về tình huống lãnh đạo” (Leadership
Situation Theory) hay “mô hình lãnh đạo theo tình huống”. Đặc trưng mang tính bản
chất của lý thuyết này là nhấn mạnh đến sự tác động của yếu tố môi trường (hoàn
cảnh) đối với hiệu quả của hành vi lãnh đạo. Theo quan điểm của lý thuyết quyền
biến lãnh đạo, không tồn tại một phương thức (hay phong cách) lãnh đạo tốt nhất
mang tính phổ quát mà lãnh đạo là một quá trình “động” và “mở”. Người lãnh đạo
cần phải “biến hóa” trước những sự thay đổi về hoàn cảnh, tính chất công việc,
đối tượng lãnh đạo, khách thể lãnh đạo. Nói cách khác, để đạt được mục tiêu
lãnh đạo đòi hỏi người lãnh đạo cần điều chỉnh hành vi lãnh đạo của mình cho
phù hợp với những biến đổi bên ngoài. Hiệu quả lãnh đạo phụ thuộc vào nhiều yếu
tố như chính bản thân người lãnh đạo, người bị lãnh đạo, nhân tố môi trường và
các nhân tố khác. Các điều kiện hay nhân tố tác động đến hiệu quả lãnh đạo gồm:
tính chất, kết cấu, nhiệm vụ của công việc; quyền lực và phong cách người lãnh
đạo; phạm vi, cơ cấu nhóm và vai trò của các thành viên trong tổ chức; mức độ
tiếp cận thông tin, mối quan hệ giữa lãnh đạo với các thành viên trong tổ chức;
sự tham gia và mức độ ủng hộ của thuộc cấp đối với lãnh đạo về mục tiêu, các
quyết sách; bầu không khí trong tập thể; tinh thần dân chủ và các nhân tố khen
thưởng,...
TS. Phạm Đi
Nhận xét
Đăng nhận xét