MỘT SỐ KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

 

MỘT SỐ KỸ NĂNG CƠ BẢN CỦA NGƯỜI LÃNH ĐẠO

Kỹ năng lãnh đạo là một quy trình hành động của người lãnh đạo (chủ thể lãnh đạo) gây ảnh hưởng đến khách thể lãnh đạo, biểu hiện ở khả năng vận dụng tri thức, kỹ xảo hành động để đạt được kết quả trong những điều kiện nhất định[1]. Tùy theo cách tiếp cận có thể phân chia các kỹ năng lãnh đạo thành các loại (kiểu) khác nhau. Hiện có một số cách phân loại kỹ năng như sau:

- Căn cứ vào nội dung của kỹ năng, người ta chia làm ba loại kỹ năng lãnh đạo: kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng làm việc với con người, kỹ năng lý luận[2]. Kỹ năng kỹ thuật là khả năng sử dụng tri thức, các phương pháp và công cụ lãnh đạo cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ nhất định có được từ giáo dục, đào tạo và huấn luyện; Kỹ năng làm việc với con người là khả năng hoạt động trí tuệ của con người, thiết lập các mối quan hệ và thông qua con người để thực hiện các mục tiêu của tổ chức; Kỹ năng lý luận là khả năng hoạt động trí tuệ của người lãnh đạo, cho phép người lãnh đạo hiểu được tính phức tạp, thách thức, đề ra tầm nhìn, chiến lược vận động và phát triển của tổ chức.

-  Căn cứ vào định hướng phát triển kỹ năng lãnh đạo, chia làm hai nhóm kỹ năng: nhóm kỹ năng cơ sở, nhóm kỹ năng cơ bản. Nhóm kỹ năng cơ sở là những kỹ năng nền tảng, cần thiết giúp người lãnh đạo phát triển bản thân, hình thành các phẩm chất tâm lý cơ bản của người lãnh đạo. Ví dụ: kỹ năng nhận thức (quan sát, ghi nhớ, tư duy logic, biện chứng, hệ thống...), kỹ năng định vị bản thân (hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, vai trò, vị trí của mình trong các mối quan hệ xã hội), quản lý bản thân (trên cơ sở định vị bản thân có kế hoạch phát triển bản thân và kiên trì, kiên quyết thực hiện biết tự kiểm soát bản thân để đạt mục tiêu cuộc sống)...; Nhóm kỹ năng cơ bản là các kỹ năng giúp người lãnh đạo thể hiện sự ảnh hưởng của mình đến đối tượng lãnh đạo nhằm thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo. Nhóm kỹ năng này, tùy vào đối tượng của việc giải quyết các nhiệm vụ mà tiếp tục chia làm 2 nhóm kỹ năng cụ thể, đó là nhóm kỹ năng làm việc với con người và nhóm kỹ năng giải quyết vấn đề.

+ Nhóm kỹ năng làm việc với con người: Là những kỹ năng giúp chủ thể lãnh gây dựng, củng cố và phát triển các mối quan hệ xã hội tích cực giữa bản thân và những người khác, khiến cho những người khác sẵn sàng hợp tác, ủng hộ chủ thể để cùng thực hiện các mục tiêu chung hoặc mục tiêu riêng của chủ thể đó. Đây là kỹ năng cần thiết đối với những người mà tính chất công việc của họ đòi hỏi phải thường xuyên làm việc, tiếp xúc với người khác. Vì vậy, đối với hoạt động lãnh đạo, muốn thành công chắc chắn phải rèn luyện các kỹ năng thuộc nhóm này vì nhà lãnh đạo chỉ có thể thành công thông qua những người khác. Các kỹ năng thuộc nhóm này có thể liệt kê: kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ, kỹ năng gây ảnh hưởng, kỹ năng huấn luyện và phát triển cộng sự, phát triển nhóm, đánh giá và sử dụng con người, động viên và khích lệ người khác, xây dựng văn hóa tổ chức, giao tiếp, nói trước công chúng...;

+ Nhóm kỹ năng giải quyết vấn đề: Là những kỹ năng giúp cho chủ thể lãnh đạo có hành động hợp lý và hiệu quả, mang lại lợi ích cho tổ chức, cộng đồng khi phải đối diện với hàng loạt vấn đề đã, đang và sẽ nảy sinh trong cuộc sống đòi hỏi nhà lãnh đạo và cộng sự phải giải quyết. Các kỹ năng thuộc nhóm này như: nhận diện bối cảnh và dự báo xu hướng vận động của xã hội, xác định tầm nhìn tương lai của tổ chức, truyền cảm hứng về tầm nhìn, lập kế hoạch chiến lược, tổ chức thực hiện chiến lược, hoạch định và thực thi chính sách, ra quyết định, xử lý tình huống khẩn cấp/khủng hoảng...[3].

-  Căn cứ vào tính chất của kỹ năng mà người lãnh đạo sử dụng, có thể chia thành nhóm kỹ năng lãnh đạo cứng và nhóm kỹ năng lãnh đạo mềm. Nhóm kỹ năng lãnh đạo cứng là khả năng chuyên môn, kỹ thuật gắn với một nghề nghiệp nhất định; các phương pháp và kỹ thuật được sử dụng trong quản lý theo một quy trình (ra quyết định, tổ chức, giám sát, kiểm tra). Kỹ năng cứng thường gắn liền với quá trình đào tạo chuyên môn, kỹ thuật ở trường; quá trình thực hiện gắn liền với một quy trình đòi hỏi độ chính xác cao và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt. Nhóm kỹ năng lãnh đạo mềm là khả năng của người lãnh đạo thực hiện sự kiểm soát làm chủ và phát triển bản thân; thiết lập và duy trì sự ảnh hưởng lên người khác nhằm thực hiện các mục tiêu của tổ chức. Kỹ năng mềm thường gắn liền với quá trình tự đào tạo, tự rèn luyện của cá nhân người lãnh đạo; quá trình thực hiện kỹ năng mềm gắn liền với kinh nghiệm và thái độ của cá nhân trong môi trường lãnh đạo.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, người lãnh đạo không những có kiến thức, thái độ, tố chất mà còn phải có những kỹ năng để điều hành, chỉ đạo, quản lý một cách tốt nhất, mang lại hiệu quả công việc cao nhất, phù hợp với điều kiện thực tế và vị trí công việc của mình nhất. Tất cả những kỹ năng đề cập ở trên đều rất cần thiết đối với người lãnh đạo,quản lý. Tuy nhiên, đối với một người lãnh đạo, tùy theo tính chất công việc, lĩnh vực công tác, đặc thù vùng miền, yêu cầu thực tiễn, vấn đề mới phát sinh... mà mỗi kỹ năng hay nhóm kỹ năng có ý nghĩa, vai trò khác nhau; tính chất quan trọng cũng khác nhau[4].

Cho đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều học giả đã tiến hành nghiên cứu về kỹ năng lãnh đạo và đưa ra khá nhiều mô hình mang tính phổ quát. Chẳng hạn, mô hình năng lực của Robert Katz; mô hình kỹ năng lãnh đạo của Mumford, Zaccaro, Harding, Jacobs và Fleishman; mô hình “5 thực tiễn” của Peter Drucker; mô hình khung năng lực lãnh đạo từ thực tiễn các quốc gia phát triển,... Trong đó mô hình năng lực của Robert Katz được nhiều quốc gia và tổ chức doanh nghiệp áp dụng. Ông cho ràng, có 3 loại kỹ năng cơ bản là kỹ năng kỹ thuật (Technical Skills), kỹ năng nhân sự (Human or Interpersonal Managerial Skills) và kỹ năng tư duy (Conceptual Skills)[5].

Thứ nhất, nhóm kỹ năng kỹ thuật. Thông thường khi nói đến khái niệm “kỹ thuật” người ta nghĩ ngay đến khả năng sử dụng công cụ hỗ trợ như máy mọc, công cụ điện tử, máy tính,... Tuy nhiên, cần phải hiểu “kỹ năng kỹ thuật” bao hàm cả kỹ thuật và phương pháp cần thiết mà người lãnh đạo cần phải có để thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý của mình, bao gồm: (1) Các kỹ thuật mang tính chuyên môn như kỹ năng dự toán chi tiêu ngân sách, kỹ năng xây dựng đề án, kỹ năng sử dụng và vận hành các thiết bị máy móc phục vụ công việc chuyên môn, kỹ năng xây dựng các bộ tiêu chí, công cụ và thang đo để đánh giá hiệu quả công việc và nhân sự; (2) Nắm và vận dụng được quy trình, phương thức thực thi công việc như phương pháp chấp hành các nhiệm vụ cấp trên giao, trình tự và thủ tục tiếp nhận công văn và ban hành các văn bản liên quan, phương pháp nắm bắt ý kiến người dân và vận hành bộ máy do mình lãnh đạo, quản lý; (3) Nắm rõ, vững các thể chế, chính sách có liên quan trong hệ thống hành chính-chính trị như chính sách thuế, quy định kế toán-tài chính, cơ chế thanh quyết toán, chính sách và chế độ nhân sự,…

Theo nhận thức thông thường, lãnh đạo cấp cơ sở không cần nhiều về kỹ năng kỹ thuật nhưng trên thực tế (và yêu cầu công việc) thì ngược lại, lãnh đạo cơ sở cần phải thành thạo các kỹ năng kỹ thuật. Chẳng hạn thực tiễn ở nước ta cho thấy, cơ sở vừa là cấp cuối cùng trong quản lý xét theo cấp độ của hệ thống chính trị, nhưng nó là cấp đầu tiên và trực tiếp nhất, là nền tảng xây dựng chế độ dân chủ trong toàn bộ hệ thống chính trị của nước ta; cơ sở là nơi diễn ra mọi hoạt động và cuộc sống của nhân dân, nơi chính quyền gần dân nhất; nơi tổ chức và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mọi đường lối, chủ trương có được thực hiện tốt hay không phụ thuộc vào chất lượng hoạt động  của hệ thống chính trị cơ sở, mà nhất là phụ thuộc vào phẩm chất, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên trong các tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở có ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, thái độ, niềm tin, sự ủng hộ của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước[6]. Chính lẽ đó, muốn nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, cán bộ cơ sở cần phải nắm chắc, thành thạo các kỹ năng kỹ thuật. Đương nhiên, cán bộ trên cơ sở cũng cần phải “sở hữu” các kỹ năng cơ sở, vừa đảm bảo công tác lãnh đạo, vừa có sức lan tỏa, định hướng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở nâng cao kỹ năng trong bối cảnh lãnh đạo hiện nay.

Thứ hai, nhóm kỹ năng nhân sự, nhân tế. Hoạt động lãnh đạo không thể tách rời với quá trình tương tác giữa người với người, trên một bình diện nào đó nhìn nhận, đối tượng chủ yếu của lãnh đạo chính là con người với mạng lưới xã hội, vai trò xã hội, lợi ích xã hội. Do đó, kỹ năng nhân sự, nhân tế xét đến cùng là “đối với người”[7]. Theo đó, nhóm kỹ năng “đối với người” gồm một số kỹ năng cụ thể sau: (1) Kỹ năng xử lý quan hệ nhân tế (giao lưu, tương tác và điều hòa các mối quan hệ)[8]. Trong mạng lưới của một tổ chức thì người lãnh đạo, dù ở cương vị hay vị trí nào cũng có rất nhiều mối quan hệ (cấp trên, đồng cấp, cấp dưới; đối nội, đối ngoại), do đó cần phải củng cố, phát triển kỹ năng để mở rộng, phát triển mạng lưới xã hội, vừa tạo sự thân thiện, môi trường làm việc hài hòa, vừa gia tăng tính hợp tác, hỗ trợ, tạo động lực cho mỗi thành viên. Trên một bình diện nhất định, có được mối quan hệ nhân tế tốt (bên trong và bên ngoài tổ chức) cũng là điều kiện để tạo dựng hình ảnh tổ chức; (2) Kỹ năng nhận thức đúng, khoa học và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn nhân lực. Lãnh đạo, xét đến cùng là đạt được mục tiêu thông qua người khác, do đó, người lãnh đạo cần phải hiểu thấu đáo về con người nói chung, “người khác” nói riêng để động viên, cổ vũ, khích lệ, tạo cảm hứng, giao việc cho họ. Hiểu được người mới có thể dùng người hiệu quả. Thực tế không phải ai cũng có năng lực như nhau, tức là “sở trường, sở đoản” của mỗi cá nhân là khác nhau. Do đó, dùng người phải nhận thức điểm mạnh, điểm yếu của từng cá nhân trong tổ chức với phương châm, dùng sở trường và tránh sở đoản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương pháp dùng người là “khéo dùng cán bộ”: thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công[9]; (3) Kỹ năng kích lệ, động viên nhân viên, thuộc cấp. Thông thường, niềm say mê, cảm hứng, tính tích cực, tinh thần sáng tạo của cá nhân trong tổ chức ít khi mang tính tự phát mà đa phần xuất phát từ môi trường làm việc, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, sự khích lệ, khen thưởng, kích hoạt nguồn cảm hứng của cấp trên,... Do đó, người lãnh đạo phải nắm được và vận dụng tốt kỹ năng tạo nguồn cảm hứng thông qua động viên, khen thưởng, đánh giá, cỗ vũ để “lên dây cót tinh thần” cho mọi người, nâng cao hiệu quả công việc.

Kỹ năng nhân sự, nhân tế - kỹ năng “đối với người” có tầm quan trọng đối với hầu hết cấp bậc lãnh đạo, đồng thời, xã hội càng phát triển theo hướng chuyên  môn hóa cao thì yêu cầu người lãnh đạo phải nắm và sử dụng kỹ năng dùng người phải chuyên nghiệp hơn, khoa học hơn, công bằng hơn, hiệu quả hơn. Từ lý luận và cả thực tiễn đã chứng minh, trong cùng một điều kiện như nhau thì người lãnh đạo nào càng có kỹ năng dùng người tốt thì khả năng thành công (của bản thân), hiệu quả (đối với công việc) và phát triển (đối với tổ chức) sẽ cao hơn, bền vững hơn. Điều đáng tiếc là, trên thực tế không phải người lãnh đạo nào cũng nhận thức đúng và thực hành đúng về vai trò, ý nghĩa của kỹ năng này. Dẫu biết rằng, cán bộ và công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” nhưng có lúc, có nơi vẫn xảy ra tình trạng “khép kín”, “lợi ích nhóm” mà biểu hiện cụ thể là “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội…, trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”; “Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực. Chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách phù hợp; kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao chưa đạt yêu cầu” [10].

Thứ ba, nhóm kỹ năng tư duy. Kỹ năng tư duy chính là kỹ năng “đối với tự mình”[11] của người lãnh đạo, bao hàm nhiều yếu tố, tố chất, yêu cầu, kỹ năng khác nhau như tư duy phán đoán, tư duy logic, tư duy khái quát, tư duy phân tích, tư duy tổng hợp,… Đối với người lãnh đạo cấp trung, cao cấp thì nhóm kỹ năng này là hết sức cần thiết, gắn với tầm chiến lược, tầm nhìn. Kỹ năng tư duy bao hàm các kỹ năng sau: (1) Kỹ năng dự báo. Trong một tổ chức có nhiều bộ phận tổ thành và luôn đặt trong môi trường có nhiều biến đổi, không ngừng thay đổi, người lãnh đạo không chỉ nắm bắt các bộ phận tổ thành trong tổ chức và mối liên hệ giữa chúng trong cơ cấu, mà đồng thời cần phải xem xét sự tác động qua lại giữa chúng trong hệ thống tổ chức, dự đoán (bằng phương pháp khoa học) những biến đổi (dù nhỏ), xu thế chuyển biến cũng như khả năng tác động, ảnh hưởng của chúng đối với hệ thống tổ chức. Dự báo khác với phán đoán theo cảm tính. Dự báo cần phải có tư duy khoa học và sử dụng các công cụ, biện pháp để đúc kết thực tiễn, nắm bắt cứ liệu thực chứng, tiến hành phân tích để đưa ra “bức tranh của tổ chức trong tương lai” cũng như khả năng (về mặt thống kê) nảy sinh các vấn đề xã hội để có đối sách giải quyết, giảm thiểu rủi ro. Do đó, nhiệm vụ của người lãnh đạo không chỉ giải quyết những vấn đề của lịch sử, hiện tại mà còn phải định hướng các vấn đề của tương lai; không chỉ đi “chứng minh” thiên nga trắng mà còn phải đi tìm “xác suất thiên nga đen” để ứng phó, giảm nhẹ rủi ro; (2) Kỹ năng nắm bắt, đánh giá vấn đề. Trong một tổ chức, không phải lúc nào cũng “êm chèo, mát mái” và cũng không phải tất cả những biến đổi đều “hiển hiện” ra bên ngoài để nhà lãnh đạo “nhận thấy”. Trong nhiều trường hợp, sự biến đổi “đủ nhỏ” khiến người lãnh đạo, nếu không tinh ý (và có con mắt tinh tường, trái tim tinh tế, phương pháp khoa học) thì khó có thể phát hiện, nhận diện; (3) Kỹ năng khái quát. Muốn có đủ căn cứ (lý luận và thực tiễn) để đưa ra các quyết định thì người lãnh đạo phải có tư duy, kỹ năng khái quát vấn đề (từ những thông tin đa dạng, đa chiều, đa biến; trừu tượng và phức tạp). Kỹ năng khái quát-tổng hợp cần phải có tư duy khoa học, hệ thống, tư duy phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn; xâu chuỗi vấn đề từ những sự kiện, hiện tượng và số liệu thực chứng. Có thể nói, khái quát và khái quát hóa là khả năng rất khó và không phải “tự nhiên mà có” mà cần phải có sự rèn luyện của chính người lãnh đạo.

Đối với người lãnh đạo mà nói, củng cố và phát triển nhóm kỹ năng “THC” là yêu cầu bắt buộc và nền tảng. Vấn đề là ở chỗ, đối với mỗi tầng nấc lãnh đạo, tính chất, phạm vi, đối tượng lãnh đạo mà yêu cầu này có tính “đậm, nhạt” khác nhau. Trong đó, “kỹ năng khái niệm/tư duy” là yếu tố tác động rất lớn (nếu không muốn nói là tối quan trọng) đến quá trình ra quyết định của người lãnh đạo; đối với tầng lãnh đạo cấp cao thì kỹ năng khái niệm/tư duy càng có ý nghĩa tiên quyết. Đương nhiên, lãnh đạo cấp trung và cấp cơ sở cũng cần phải “sở hữu” kỹ năng khái niệm để làm cơ sở cho việc “hiểu” được các quyết sách của cấp trên và tiến hành ra các quyết định theo quyền hạn mỗi cấp.

TS. Phạm Đi

 



[1] Nguyễn Đình Phong, Khoa học lãnh đạo, những kỹ năng và công cụ, Nxb Lý luận Chính trị, H.2015, tr.15

[2] Nguyễn Đình Phong,  Sđd, tr.16-18.

[3] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tập tài liệu Cao cấp lý luận Chính trị môn Khoa học lãnh đạo, Nxb Lý luận Chính trị, H.2016, trang 104-105.

[4] Phạm Đi, Phát triển kỹ năng lãnh đạo – một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb. Lý luận chính trị. H.2019, tr.11-14.

[5] Cho nên còn gọi là kỹ năng THC (lấy 3 chữ cái đầu của 3 nhóm kỹ năng)

[6] Phạm Đi, Phát triển kỹ năng lãnh đạo – một số vấn đề lý thuyết và thực tiễn, Nxb. Lý luận chính trị. H.2019, tr.19.

[7] Trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra “tư cách người Cách mệnh” theo 3 nhóm: “đối với tự mình”, “đối với người” và “đối với việc” (xem Nguyễn Ái Quốc, Đường Cách Mệnh, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2012, tr.8-9. Lấy cảm hứng và cách tiếp cận này, chúng tôi cho rằng kỹ năng lãnh đạo có thể phân chia theo 3 nhóm: Nhóm kỹ năng với mình (kỹ năng tư duy), nhóm kỹ năng với người (kỹ năng nhân sự, nhân tế) và nhóm kỹ năng với việc (kỹ năng kỹ thuật).

[8] Trong Đường Cách Mạng (sđd), Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh đến các khía cạnh: đối với từng người thì phải khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho mọi người, trực mà không táo bạo, hay xem xét người.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, tập 5, tr.274.

[10] Tạp chí Cộng sản, Về những hạn chế, yếu kém trong đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ. Tham kiến: https://dangcongsan.vn/dua-nghi-quyet-trung-uong-6-trung-uong-7-vao-cuoc-song/hoi-dap/ve-nhung-han-che-yeu-kem-trong-doi-ngu-can-bo-va-cong-tac-can-bo-497750.html

[11] Trong tác phẩm Đường Cách Mệnh (sđd) với “tự mình” thì Nguyễn Ái Quốc chỉ ra: Cần kiệm; Hòa mà không tư; Cả quyết sửa lỗi mình; Cẩn thận mà không nhút nhát; Hay hỏi; Nhẫn nại (chịu khó); Hay nghiên cứu, xem xét; Vị công vong tư; Không hiếu danh, không kiêu ngạo; Nói thì phải làm; Giữ chủ nghĩa cho vững; Hy sinh; Ít lòng ham muốn về vật chất; Bí mật. Điều đáng nói là “đối với tự mình” chiếm đến 14/23 các yêu cầu (kỹ năng) mà Bác Hồ đã chỉ ra trong các yêu cầu của “tư cách người cách mệnh”. Điều này, trên phương diện thống kê, cho thấy vai trò, tầm quan trọng của kỹ năng tư duy, nhận thức (đối với mình) với hoạt động lãnh đạo nói chung, với người lãnh đạo, quản lý nói riêng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ