THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG HỖ TRỢ VIỆC LÀM CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BẢN THÀNH PHỐ ĐÀ NĂNG

 

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG HỖ TRỢ VIỆC LÀM CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BẢN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG – KẾT QUẢ VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

1. Đặt vấn đề

Thành phố Đà Nẵng được biết đến với nhiều “thương hiệu” và cách “danh xưng” như “thành phố xanh”, “thành phố môi trường”, “thành phố của 5 không, 3 có”, “thành phố của những câu cầu”, “thành phố đáng sống”,... bởi lẽ không chỉ hiện hữu ở môi trường sạch đẹp, con người thân thiện mà còn được thể hiện bằng các quyết sách cụ thể của chính quyền sở tại như chính sách “văn hóa, văn minh đô thị”, chính sách “5 không 3 có”, chính sách “4 an”,... Trong đó, các chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách giải quyết việc làm cho cư dân nói riêng đã được lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ hết sức chú trọng. Ngay trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XXII của Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã chỉ rõ: “Nâng cao hiệu quả các chính sách xã hội trên địa bàn, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả hơn các chương trình thành phố “5 không, 3 có, 4 an. Tiếp tục thực hiện tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng. Hoàn thiện hệ thống các chính sách giúp người nghèo, người yếu thế tiếp cận với các dịch vụ xã hội, phát triển hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội,...[1].

Trong bối cảnh và tình hình hiện tại, với sự tác động của đại dịch Covid-19 đối với đời sống xã hội mà cụ thể là vấn đề việc làm và thu nhập của cư dân đã và đang là vấn đề mà chính quyền thành phố Đà Nẵng chú trọng giải quyết. Trên thực tế, tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, ảnh hưởng nặng nề của cả các đợt dịch Covid-19, tác động tiêu cực đến việc khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động do phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng. Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế năm 2020 cũng giảm đáng kể, khoảng 534,4 nghìn người, giảm 51,8 nghìn người so với năm 2019. Cơ cấu lao động phân theo khu vực ngành kinh tế đã có sự thay đổi nhẹ, lao động thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 5,3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 30,4%; khu vực dịch vụ chiếm 64,3%. (Năm 2019 tỷ trọng lần lượt là: 4,9%; 28,8% và 66,3%). Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 9,41%, cao nhất trong cả giai đoạn 2010-2020. Trong đó, khu vực thành thị là 10,09%; khu vực nông thôn là 5,42%; tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về lao động nhóm 15-24 tuổi, tập trung vào nhóm lao động phổ thông, do thời gian giãn cách không tìm được việc làm phù hợp, nhu cầu tìm việc tăng cao. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2020 là 3,32%, trong đó khu vực thành thị là 3,28%; khu vực nông thôn là 3,52%[2].

Đứng trước bối cảnh và tình hình đó, nhiệm vụ đảm bảo  an sinh xã hội  nói chung, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập cho cư dân Thanh phố vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài của lãnh đạo và cơ quan hữu quan thành phố Đà Nẵng. Để đạt được mục tiêu “Giải quyết việc làm cho 170.000-175.000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết cho 34.000-35.000 lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2025 hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3%, tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm bình quân 4,5-5%/năm”[3], thành phố Đà Nẵng cần phát huy và tăng cường thực hiện tốt các chính sách, chương trình việc làm hiện có; vừa phải phối hợp và định hướng chỉ đạo cho các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng cùng chung tay giải quyết vấn đề việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố, trong đó có vai trò của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Đà Nẵng[4].

2. Thực trạng triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế của Ngân hàng Chính sách trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

2.1. Về nguồn vốn, cơ cấu vốn và hoạt động sử dụng vốn vay

Là một định chế tài chính đặc thù, không giống như các Ngân hàng thương mại khác, Ngân hàng chính sách xã hội hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có chức năng tập hợp mọi nguồn lực tài chính của toàn xã hội để cấp tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội luôn gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng không là ngoại lệ.

Thực hiện nhiệm vụ chung, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, Chương trình vay vốn Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội Đà Nẵng ngày càng phát huy hiệu quả tích cực, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ vốn vay cho người lao động, từ đó tạo đòn bẩy cho người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.

Với sự chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính quyền cũng như các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn Thành phố, trong những năm qua, nhiều lao động đã có việc làm, hàng ngàn hộ gia đình đã phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần không nhỏ vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội ở Thành phố. Theo kết quả khảo sát có đến 85,9% số người được hỏi cho rằng “nhờ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội mà tôi có được việc làm mới”; 95,6% khẳng định “nhờ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội mà tôi đã duy trì được việc làm”; só người “Nhờ vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội mà đã chuyển đổi được việc làm” do tác động của đại dịch Covid-19 chiếm tỷ lệ 66,7% trong tổng số người được hỏi[5]. Đây là chỉ báo tích cực cho thấy tính hiệu quả của Chương trình tín dụng hỗ trợ việc làm[6], duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng.

Theo thống kê, nguồn vốn tín dụng việc làm liên tục tăng theo các năm để giải quyết nhu cầu vay vốn cho cư dân Thành phố. Tính đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn vay của Ngân hàng đạt 2.866,929 triệu đồng, tăng 1.365,322 triệu so với năm 2016. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 1.617,241 chiếm 56,41% tổng nguồn vốn;  nguồn vốn nhận ủy thác địa phương đạt 1.249,688 triệu, chiếm 43,59% tổng nguồn vốn.  Ngoài nguồn vốn Trung ương điều chuyển, UBND Thành phố và UBND quận, huyện đã có sự quan tâm hỗ trợ chuyển vốn sang Ngân hàng để cho vay chương trình tín dụng của địa phương (gọi là Vốn nhận ủy thác địa phương), mặc dù năm 2016 nguồn vốn nhận ủy thác địa phương chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn 12,02% song được thực hiện 100% so với kế hoạch. Qua các năm (2016-2020) nguồn vốn nhận ủy thác địa phương tăng cao vượt bậc từ  chiếm tỷ lệ 12,02%/tổng nguồn vốn năm 2016 tăng lên 43,59%/tổng nguồn vốn năm 2020, chủ yếu là nguồn vốn  UBND thành phố ủy thác hàng năm bình quân tăng lên 253.000 triệu.

Bảng 1:  Số liệu nguồn vốn vay giai đoạn 2016-2020

ĐVT: triệu đồng, %

STT

Chỉ tiêu

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Số tiền

Tỷ trọng (%)

Số tiền

Tỷ trọng (%)

Số tiền

Tỷ trọng (%)

Số tiền

Tỷ trọng (%)

Số tiền

Tỷ trọng (%)

 

NGUỒN VỐN

1.501.607

100,00

1.676.262

100,00

2.032.260

100,00

2.402.427

100,00

2.866.929

100,00

A

NGUỒN VỐN TW

1.321.160

87,98

1.348.578

80,45

1.415.320

69,64

1.519.948

63,27

1.617.241

56,41

I

TW chuyển

1.190.771

79,30

1.169.713

69,78

1.194.448

58,77

1.244.108

51,79

1.254.267

43,75

II

Huy động cấp bù

130.389

8,68

178.865

10,67

220.872

10,87

275.840

11,48

362.974

12,66

1

Tổ chức-cá nhân

12.450

0,83

37.750

2,25

53.404

2,63

82.702

3,44

131.542

4,59

2

Tổ TK&VV

117.938

7,85

141.114

8,42

167.468

8,24

193.138

8,04

231.432

8,07

B

NHẬN ỦY THÁC ĐỊA PHƯƠNG

180.447

12,02

327.685

19,55

616.940

30,36

882.479

36,73

1.249.688

43,59

1

Ngân sách thành phố

170.097

11,33

310.097

18,50

586.856

28,88

834.257

34,73

1.182.145

41,23

2

Ngân sách quận, huyện

10.350

0,69

17.588

1,05

30.084

1,48

48.222

2,01

67.543

2,36

Nguồn: Thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng

Qua số liệu thống kê trên cho thấy, tổng nguồn vốn cho vay đều tăng qua các năm (năm 2017 tăng 174,656 triệu so với năm 2016, năm 2018 tăng 355,998 triệu so với năm 2017, năm 2019 tăng 370,167 triệu so với năm 2018, năm 2020 tăng 464,502 triệu so với năm 2019);  Nguồn vốn Trung ương chuyển về qua các năm tăng trưởng thấp hơn so với nguồn vốn nhận ủy thác địa phương. Điều này cũng cho thấy sự chú trọng của chính quyền Thành phố trong thực hiện công tác an sinh xã hội nói chung, tăng cường vốn tín dụng nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân trên địa bàn thành phố nói riêng.

Bên cạnh đó, kết quả thống kê còn cho thấy, hoạt động tín dụng trong giai đoạn 2016- 2020 của Ngân hàng đã có sự tăng trưởng vượt bậc, từ 3 chương trình nhận bàn giao ban đầu khi mới thành lập, đến cuối năm 2020 Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng đã thực hiện 14 chương trình tín dụng từ nguồn vốn Trung ương và 6 chương trình tín dụng từ nguồn vốn nhận ủy thác địa phương. Đối tượng thu hưởng chính sách đa dạng hơn; khối lượng tín dụng hàng năm tăng trưởng cao. Qua 5 năm (2016-2020) đã cho vay 4.390 tỷ, doanh số cho vay năm sau cao hơn năm trước, với mức bình quân/khách hàng 39 triệu; doanh số thu nợ qua 5 năm 2.830 tỷ, năm 2020 doanh số thu nợ tăng 108% so với năm 2016; cho thấy ngân hàng thực hiện tốt công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả. Tổng dư nợ đến 31/12/2020 đạt 2.861 tỷ, tăng 1.363 tỷ so với năm 2016, trên 70.812 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách có quan hệ vay vốn ở tất cả các xã, phường trong thành phố; quy mô dư nợ tăng hàng năm do tang mức vay bình quân trên một khách hàng, cụ thể mức vay trên một khách hàng năm 2016 chỉ là 29 triệu đồng, năm 2017 là 32 triệu đồng, năm 2018 là 39 triệu đồng, năm 2019 là 43 triệu đồng, năm 2020 là 46 triệu đồng tang 17 triệu/khách hang so với năm 2016 (tăng 59%). Mức vay trên một khách hàng tăng tạo điều kiện cho các khách hàng đủ vốn mở rộng quy mô sản xuất-kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương.

Bảng  2: Tình hình hoạt động tín dụng của Ngân hàng giai đoạn 2016-2020

Đvt: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2020 so với năm 2016

(+/-)

%

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)=(6)-(2)

(8)=(7)/(2) x 100

Doanh số cho vay

585.530

607.401

903.422

1.076.988

1.217.638

632.108

108

Số lượt khách hàng vay  

20.308

19.096

23.275

24.781

26.498

6.190

30

Mức vay bình quân/khách hàng

29

32

39

43

46

17

59

Doanh số thu nợ

395.854

430.694

545.264

704.605

753.162

357.308

90

Dư nợ cho vay

1.498.331

1.672.912

2.028.293

2.397.743

2.861.424

1.363.093

91

Nợ quá hạn

4.604

4.629

4.093

3.037

2.574

-1.829

-40

Nợ khoanh

2.104

1.808

1.514

156

45

-2.059

-98

Tỷ lệ nợ quá hạn (%)

0,31

0,28

0,20

0,13

0,10

-0,13

-44

Tỷ lệ nợ xấu (%)

0,45

0,38

0,28

0,13

0,10

-0,29

-64

Nguồn: Thống kê của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng

Nhìn vào bảng số liệu trên cho thấy nợ quá hạn, nợ khoanh giảm dần qua các năm cả về số tuyệt đối và tương đối. Năm 2016 tỷ lệ nợ quá hạn quá cao 0,31%, nợ khoanh 0,45% đến cuối năm 2020 tỷ lệ nợ quá và nợ khoanh chỉ còn 0.1%. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác quản trị rủi ro cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi tại Chi nhánh.

Chỉ tính riêng kết quả hoạt động tín dụng năm 2020 thì dư nợ cho vay các chương trình là 2.861,424 tỷ, tăng 463,681 tỷ; trong đó tỷ lệ dư nợ từ nguồn vốn Trung ương/tổng dư nợ giảm từ 63,61% năm 2019 xuống còn 59,55% năm 2020; cơ cấu dư nợ các chương trình chủ yếu dư nợ cho vay giải quyết việc làm tăng lên chiếm 36,04; cho vay nhà ở xã hội 5,23%; cho vay Nước sạch vệ sinh và môi trường nông thôn 5,42%; Cho vay hộ nghèo, cho vay Hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh sinh viên dư nợ giảm so với năm 2019. Ngoài ra, dư nợ từ nguồn vốn địa phương tăng từ 36,39% năm 2019 lên 40,45% năm 2020, cơ cấu dư nợ các chương trình chủ yếu cho vay giải quyết việc làm tăng lên chiếm 23,86%; cho vay nhà ở xã hội tăng chiếm 4,05%; cho vay các chương trình chỉ định của địa phương chiếm  4,83%, cho vay hộ cận nghèo giảm chiếm 2,46%; cho vay hộ nghèo 2,52%;cho vay hộ mới thoát nghèo chiếm 2,64%.

Nhìn chung, qua 5 năm (2016-2020), doanh số cho vay, doanh số thu nợ, dư nợ đều có sự biến động tăng tương đối đồng đều, doanh số thu nợ năm 2020 tăng 90%, doanh số cho vay tăng 108%, dư nợ tăng 91% so năm 2016, cho thấy Ngân hàng thực hiện tốt công tác đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt hiệu quả.

2.2. Một số kết quả nổi bật

Với cơ chế quản trị, điều hành cũng như cơ cấu vốn, vơ cấu tổ chức phù hợp cộng với sự phối hợp, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền thành phố Đà Nẵng đã phát huy được vai trò lãnh đạo, quản lý tập trung các cấp ủy Đảng và chính quyền  trong công cuộc giảm nghèo, thực hiện chính sách an sinh trên địa bàn; đảm bảo đồng vốn phục vụ đúng đối tượng thụ hưởng và đúng mục đích, hướng đến đảm bảo sinh kế, phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thông qua phương thức ủy thác một số các tổ chức chính trị - xã hội, việc thành lập các tổ Tiết kiệm và Vay vốn[7] đến từng khu phố/thôn, khu vực, có sự tham gia giám sát của chính quyền địa phương, thực hiện giao dịch tại phường/xã đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị chăm lo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đã tạo điều kiện giải quyết vốn vay kịp thời cho người dân, việc quản lý vốn chặt chẽ, sâu sát hơn cùng với cơ cấu bộ máy điều hành tác nghiệp ngân hàng gọn nhẹ nên đã tiết kiệm chi phí quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và hội đoàn thể nhận ủy thác đã thay đổi một cách sâu sắc, quan tâm đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Nhờ vậy, hoạt động của Ngân hàng đã không ngừng phát triển và ngày càng ổn định, nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn, các thủ tục vay vốn thuộc Chương trình tín dụng việc mà đơn giản hơn. Kết quả khảo sát 1092 người vay vốn cho thấy: số người nhận định thủ tục là “đơn giản, dễ tiếp cận” chiếm 99/4%, chỉ có một tỷ lệ nhỏ cho rằng “phức tạp” (0.6%) là minh chứng cho vấn đề này.

Giai đoạn 2016-2020 Ngân hàng tập trung nguồn vốn cho vay các chương trình hộ nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng trên 53%/tổng dư nợ, chương trình học sinh sinh sinh viên chiếm 18%, chương trình hỗ trợ tạo việc làm chiếm 8% và các chương trình khác chiếm 21% và qua các năm có sự chuyển biến thay đổi cơ cấu dư nợ các chương trình, đến năm 2020 cơ cấu chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm chiếm tỷ trọng lớn 60%, chương trình nhà ở xã hội bắt đầu triển khai từ năm 2018 cũng chiếm tỷ trọng 9%, chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giảm chỉ còn chiếm 15%, cho vay học sinh sinh viên 5% và các chương trình khác chiếm 11%. Thông qua nguồn vốn vay của Ngân hàng đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương, đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn, tình trạng tín dụng đen[8], giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội cho Thành phố.  

Nhìn chung, hoạt động tín dụng nói chung, tín dụng việc làm và sinh kế cho người dân của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà nẵng đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, có sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng và việc tham gia trực tiếp của chính quyền cấp xã, phường; trưởng thôn (tổ dân phố) vào việc bình xét cho vay, từ đó đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, hầu hết các hộ vay vốn phát huy được hiệu quả đồng vốn vay, sử dụng vốn đúng mục đích, việc đôn đốc xử lý thu hồi nợ của các hội đoàn thể nhận ủy thác, tổ Tiết kiện và Vay vốn thực hiện kịp thời; công tác tổ chức sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ Tiết kiện và Vay vốn được chú trọng, tổ chức đối chiếu công khai đến từng hộ vay; công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm đúng mức, tăng cường công tác đi cơ sở, củng cố hoạt động tại các điểm giao dịch, phối hợp với Hội đoàn thể tổ chức họp giao ban định kỳ, tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ hội và tổ Tiết kiện và Vay vốn; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nhằm nâng cao ý thức trả nợ và chấp hành nghiêm túc quy định của Ngân hàng nên những hạn chế trong công tác tín dụng đã được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

2.3. Một số vấn đề đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận như đã phân tích, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc và có giải pháp tương ứng để khắc phục trong thời gian đến, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Một là, hoạt động kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Ngân hàng đối với cơ sở có lúc, có nơi còn hạn chế; công tác phối kết với với chính quyền có lúc chưa nhịp nhàng. Một số lãnh đạo địa phương (là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định) chưa quan tâm quan tâm đúng mức và chỉ đạo quyết liệt đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn phụ trách; còn tình trạng “giao khoán” hoặc đùn đẩy công việc cho cấp phó hoặc cán bộ giảm nghèo, đồng thời chưa sắp xếp thời gian một cách hợp lý để thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến toàn bộ tiến trình tín dụng việc làm cho cư dân, chí ít trên một bình diện nào đó mà nói, tạo nên sự chậm trễ đối với hoạt động vay vốn, hoạt động kiểm tra, giám sát.

Hai là, công tác phối hợp giữa Hội, đoàn thể và Ngâm hàng chính sách xã hội tại một số xã/phường chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đầy đủ các nội dung được ủy thác, chất lượng hoạt động Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở một vài nơi còn chưa tốt, chưa có hiệu quả tích cực[9]. Một số cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm thực hiện tín dụng chính sách xã hội là một nhiệm vụ chính trị nên công tác phối hợp giữa đoàn thể và Ngân hàng chính sách xã hội tại một số xã, phường chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên kiểm tra hoạt động của tổ Tiết kiệm và Vay vốn cũng như kiểm tra việc sử dụng vốn của hộ vay; công tác củng cố kiện toàn hoạt động của tổ Tiết kiệm và Vay vốn chưa kịp thời; chưa chủ động đôn đốc hộ vay trả nợ khi đến hạn, nhất là nợ đến hạn theo phân kỳ. Hạn chế tối đa hiện tượng “ôm vốn tín dụng chính sách rồi bỏ đi” như một số trường hợp vừa qua[10].

Ba là, một vài nơi, cán bộ Ngân hàng chính sách chưa thực hiện tốt công tác báo cáo, tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền, Ban điều  hành-Hội đồng quản trị (đặc biệt là vai trò tham mưu, giúp việc của cán bộ tín dụng đối với Chủ tịch UBND cấp xã). Chất lượng tín dụng tuy được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu ở mức tương đối thấp <0,1%, song vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn:vẫn còn đơn vị xã, phường và hội, đoàn thể nhận ủy thác xã, phường có nợ quá hạn trên 1%, chất lượng hoạt động của một số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn chưa ổn định nguyên nhân do tình hình kinh tế còn khó khăn, một số hộ dân không có nghề nghiệp ổn định hoặc sử dụng vốn không có hiệu quả dẫn đến làm ăn thua lỗ… nên có một bộ phận hộ dân đi nơi khác làm ăn, sinh sống không chịu trả nợ, trốn tránh gây khó khăn lớn trong quản lý đôn đốc thu hồi nợ; một số hộ vay có khả năng nhưng chây ỳ không trả nợ, hoạt động Tổ xử lý nợ khó đòi ở một số xã, phường chưa phát huy hiệu quả…

Bốn là, việc phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, các hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, chưa phát huy được hiệu quả. Hoạt động tín dụng chưa gắn và đi liền với hoạt động tuyên truyền, phổ biến các kiến thức liên quan như lập kế hoạch về tài chính, kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh, kiến thức về tiêu tụ sản phẩm; kiến thức về ngành nghề và chuyển đổi việc làm; kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với cá nhân/hộ vay vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Với thang đo từ 1 -5 tương ứng với mức độ tăng dần cho từng lĩnh vực thì kết quả cho thấy: nhận định “Tôi đã được phổ biến kiến thức về lập kế hoạch tài chính” có trị số trung bình cao nhất (M = 3.46); “Tôi đã được hỗ trợ các lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi” có giá trị thấp nhất (M = 2.59), đây là tín hiệu cho thấy hoạt động tuyên tuyền, hỗ trợ có điểm sáng, điểm mờ. Điểm sáng chính là người dân đã đánh giá nhận được các hoạt động, chương trình hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực ở mức tương đối khá (giá trị M đều lớn hơn mức trung bình). Trong đó, hoạt động “phổ biến kiến thức về lập kế hoạch tài chính” là tốt nhất, điểm sáng nhất; hoạt động “hỗ trợ các lớp kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi” là điểm mờ nhất; hoạt động “tham gia các lớp đào tạo, chuyển đổi nghề” cũng còn tương đối hạn chế (M=2,84). Đó là những chỉ báo, là cón số minh chứng để cơ quan chức năng và Ngân hàng chín sách xã hội nhìn nhận được hiện trạng vấn đề để có phương án giải quyết, tăng cường trong thời gian đến.

3. Kết luận

Chính sách an sinh xã hội nói chung, Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là “đòn bẩy” tiếp sức người lao động, nhất là đối tượng bị tác động bởi đại dịch Covid-19 về việc làm, sinh kế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Những thành quả đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận và phát huy nhưng các tồn tại, hạn chế cũng là “đơn đặt hàng” cho lãnh đạo các cấp mà đặc biệt là Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng cần nghiêm túc nhìn nhận để khắc phục, từng bước nâng cao tính hiệu quả của dòng vốn tín dụng việc làm, cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho cư dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an ninh con người, xứng đáng là thành phố “đáng sống”

Thời gian đến, cần nhiều giải pháp đồng bộ như tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách; rà soát nhu cầu vốn của chương trình hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, trong đó, quan tâm đến người lao động địa phương, người lao động quay về từ các địa phương khác do tác động của đại dịch Covid-19; mở rộng đối tượng là người lao động nhập cư có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh. Cơ quan chức năng cần rà soát, tổng hợp, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tiến hành triển khai Chương trình tín dụng việc làm, giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện tốt Chương trình “có việc làm” thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025[11], thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố theo hướng bền vững.

 

 

Tài liệu tham khảo chính

1.      Báo cáo Kết quả điều tra dư luận xã hội về “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, Ban Tuyên giáo, Số 08-BC/BTGTU.

2.      Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng năm 2020, Nxb Thống kê 2021.

3.      UBND thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 về Thực hiện Chương trình “có việc làm” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 202-2025

4.      UBND thành phố Đà Nẵng, Đề án thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

5.      Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng, Báo cáo Tình hình hoạt động tín dụng giai đoạn 2016-2020.

6.      Kết quả xử lý số liệu thuộc đề tài “Đánh giá hiệu quả Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng” do Sở Khoa học và Công nghệ giao, cơ quan tổ chức thực hiện là Ngân hàng chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng.

TS. Phạm Đi



[1]Thành ủy Đà Nẵng, Báo cáo số 530-BC/TU “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025”.

[2] Niên giám thống kê thành phố Đà Nẵng năm 2020, Nxb Thống kê 2021.

[3] UBND thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 về Thực hiện Chương trình “có việc làm” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 202-2025

[4] Sau đây, trong một số trường hợp cụ thể, gọi tắt là “Ngân hàng”

[5] Số liệu khảo sát từ 1092 mẫu đối với các cá nhân và hộ vay vốn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ Chương trình tín dụng hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của nhóm nghiên cứu thuộc Đề tài “Đánh giá hiệu quả Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng”.

[6] Sau đây gọi tắt là “Chương trình”

[7] Mô hình các Tiết kiệm và Vay vốn là mô hình mang tính đặc thù (thậm chí là duy nhất) của Ngân hàng chính sách xã hội. Cho đến thời điểm hiện tại, Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động rất hiệu quả, nhất là trong công tác bình xét đối tượng được tiếp cận vốn ở cơ cở. Theo kết quả sảo sát, đa số người được hỏi cho rằng việc bình xét của Tổ tiết kiệm và vay vốn là “đơn giản” và “rất đơn giản” (94.3%), chỉ có một tỷ lệ nhỏ cho rằng “phức tạp”  (5.7%), không có ai trong mẫu điều tra nhận định “rất phức tạp”. Điều này cho thấy các thủ tục hành chính, cách thức bình xét đối tượng vay được các Tổ vay vốn và tiết kiện thực hiện rất tốt.

[8] Có đến 36% số người được hỏi cho rằng, nếu không vay được vốn của Ngân hàng chính sách xã hội thì tôi và gia đình có thể vay nóng hoặc “tín dụng đen” để giải quyết vấn đề trong cuộc sống và duy trì việc làm.

[9] Theo kết quả khảo sát, với mức đánh giá từ thấp đến cao (tương ứng với 1 đến 5) về “thái độ của Tổ tiết kiệm và Vay vốn” ở từng địa bàn Quận của thành phố thì kết quả trung bình thứ tự các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang, Cẩm Lệ là 4,70; 4,41; 4,14; 4,48; 4,74; 4,33; 3,78. Khoảng cách điểm trung bình của Hải Châu và Cẩm lệ gần 1 điểm trung bình; kết quả kiểm định so sánh giữa hai địa phương này cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê (p=0.000).

[11] Tham kiến: UBND thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch 131/KH-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2021 Về thực hiện chương trình "có việc làm" trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ