KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VỀ ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH
KINH NGHIỆM CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO ĐỐI VỚI VIỆT NAM VỀ XÂY DỰNG VÀ ÁP DỤNG THỂ CHẾ, CƠ CHẾ ĐẤU TRANH NGĂN CHẶN CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG
1. Nội dung thể chế, cơ chế đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù
địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận ở một số quốc gia trên thế giới
1.1. Trung Quốc với việc ứng phó
với các quan điểm sai trái trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng
1.1.1. Vai trò quan trọng của mặt trận tư tưởng, lý luận
Đảng cộng sản
Trung Quốc đã xác định linh hồn và chủ thể của hình thái ý thức chính là giá trị
hạt nhân tư tưởng của Chủ
nghĩa xã hội, có vai trò chi phối, định hướng, dẫn dắt toàn bộ hệ thống giá trị
xã hội khác. Trong đó, hệ thống lý luận, tư tưởng, văn học, nghệ thuật là bộ phận
tổ thành quan trọng của hình thái ý thức xã hội[1].
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, trong quá trình vận hành xã hội mà đặc biệt là quá
trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên nhiều lĩnh vực thì hình thái ý thức sẽ (và
đã) không ngừng bị giao thoa, đan xen thậm chí là va đập. Đó chính là những
thách thức, trở lực nhưng cũng là môi trường, điều kiện để hoàn thiện, củng cố
và phát triển các luồng tư tưởng xã hội, lý luận xã hội, quan điểm xã hội ngày
càng tốt hơn, có sức “chống chịu” mãnh liệt hơn và bổ sung những giá trị mới,
phù hợp nhiều hơn.
Xây dựng, bảo vệ
hình thái ý thức trở thành nhiệm vụ trọng yếu để bảo vệ sự “an toàn quốc gia”,
do đó việc bảo vệ các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch được cho là việc
làm “không cho phép ngừng nghỉ dù chỉ một giây”. Ngay từ khi bước vào ngưỡng cửa
của thế kỷ XXI mà đặc biệt là sau công cuộc Cải cách mở cửa, xã hội Trung Quốc
đã hình thành những mâu thuẫn và các luồng tư tưởng, ý kiến không thuận chiều,
thậm chí trái chiều[2];
sự đấu tranh giữa các hình thái ý thức ngày càng phức tạp, căng thẳng.
Chính vì thế, Hội
nghị Trung ương 6 (Khóa XVII) Đảng cộng sản Trung Quốc đã xác định vấn đề an
toàn văn hóa, tư tưởng, lý luận là một nhiệm vụ trọng yếu. Trong đó, an toàn về
hình thái ý thức là một bộ phận tổ thành quan trọng. Từ góc độ nào đó mà nói, sự
giải thể một hình thái ý thức có thể làm hủy diệt toàn bộ một thời đại. Chỉ thị
của Hội nghị này chỉ rõ: nếu vận hành nền kinh tế không tốt có thể nảy sinh một
số vấn đề nhưng nến vận hành hình thái ý thức không khôn ngoan sẽ phát sinh nhiều
vấn đề hệ trọng. Trong phần Báo cáo Văn kiện Đại hội lần thức XVII của Trung Quốc
với tiêu đề “Đẩy mạnh xây dựng một cường quốc về văn hóa Xã hội chủ nghĩa” đã
nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng các hệ thống giá trị hạt nhân của chủ nghĩa xã
hội trong đó các nhiệm vụ cụ thể là “định hướng, tuyên truyền về xây dựng một
nhà nước phú cường, dân chủ, văn minh, hài hòa; tự do, bình đẳng, công chính,
pháp trị; yêu nước, yêu nghề, niềm tin và hữu hảo”[3].
Để làm được điều đó, cần phải nâng cao vai trò của mặt trận tư tưởng, lý luận;
không ngừng đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch, vu khống nhằm hình
thành các “giá đỡ”, “lưới an toàn” cho tư tưởng, lý luận và hình thái ý thức.
Nói cách khác, đấu tranh với các luận điểm sai trái đối với lĩnh vực văn học,
nghệ thuật, tư tưởng, lý luận nhằm định hướng và bảo vệ bản chất của hình thái
ý thức xã hội chủ nghĩa; đảm bảo một kết cấu vững chắc về kinh tế, văn hóa,
chính trị, tưởng tưởng; bảo đảm tính định hướng và vai trò quan trọng của kiến
trúc thượng tầng nhằm “chế độ hóa hệ thống tư tưởng”.
Muốn có những giá
trị xác thực thì phải tiến hành đấu tranh với cái sai trái, nói cách khác, các
giá trị xã hội có được chính là quá trình đấu tranh với những lệch lạc xã hội bởi
cái giả, cái ác, cái xấu luôn tồn tại, đấu tranh và phát triển cùng với với cái
chân, cái thiện, cái mỹ. Do đó, một mặt cần phải phát triển cái chân, thiện, mỹ
thì mặt khác, cần phải đấu tranh với cái giả, cái ác, cái xấu. Tư tưởng, lý luận
chính là nền tảng để ổn định chính trị và duy trì thể chế chính trị, là chất
keo kết dính, cố kết xã hội.
1.1.2. Một số thách thức trên mặt
trận lý luận, tư tưởng mà Trung Quốc đối diện
Từ sau công cuộc
Cải cách mở cửa trở đi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Trung Quốc
ngày một nâng cao. Song song với đó, nhiều vấn đề xã hội cũng nảy sinh. Thực tế
ở Trung Quốc cho thấy, cải cách sâu rộng về thể chế, các chính sách trong lĩnh
vực thị trường càng làm giải phóng thêm tiềm lực phát triển cho thị trường. Thế
nhưng, cũng chính vì thế, kinh tế thị trường với đặc điểm là theo đuổi tối đa
hóa lợi ích cá nhân cũng đã hình thành nên những vấn đề thâm nhập vào và làm
méo mó các giá trị trong đời sống xã hội mà biểu hiện của nó là mất cân đối
trong cơ cấu lợi ích, phân hóa giàu nghèo, chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị
và nông thôn và phân hóa giữa các khu vực: trong những năm gần đây, chênh lệch
trong phân phối thu nhập ở nước ta không ngừng gia tăng và đã tiếp cận đến mức
báo động theo quy chuẩn quốc tế[4].
Trong 30 năm Cải
cách mở cửa, bầu không khí xã hội ở Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến vô cùng
to lớn, môi trường chính trị ngày càng cởi mở, con người không còn bị trói buộc
bởi những quy định giáo điều. Quan hệ giữa con người với con người ngày càng
bình đẳng hơn, các thành viên xã hội đã có được nhiều quyền lợi trong đời sống
một cách tự chủ hơn, tính lợi ích của chủ thể cá nhân cũng ngày càng rõ nét
hơn; việc mở rộng các điều kiện ấy cũng đã làm thay đổi một cách tương đối về
thực trạng đơn nhất của hình thái ý thức, các tương tác và xung đột giữa các
nét văn hóa và các trào lưu tư tưởng xuất hiện ngày càng nhiều[5],
xuất hiện nhiều vấn đề trên mặt trận tư tưởng, chính trị. Cụ thể là:
Thứ nhất, sự
trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân (thực dụng, bản vị, tiêu dùng, bài nội,...). Tính tự
chủ cả thể không ngừng mạnh lên. Cùng với sự yếu đi về hình thái ý thức truyền
thống của nền chính trị thống soái là vấn đề giải thể chế độ đơn vị, chế độ
công xã nhân dân, chế độ phân loại giai cấp và sự cởi trói về chế độ hộ tịch
làm cho đời sống xã hội từng bước chế ước lại chế độ, tính tự chủ cá nhân không
ngừng được gia tăng. Đối với các lĩnh vực như giải trí, tiêu dùng, hôn nhân cho
đến các lĩnh vực như chọn nghề nghiệp, di cư, tư tưởng, quan niệm giá trị, văn
hóa nghệ thuật…; quyền lợi khác như sự lựa chọn mang tính cá nhân, tính tự thiết
kế của cá nhân cũng ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong sống cá nhân, đời sống
kinh tế và lĩnh tự tư tưởng cá nhân, không gian lựa chọn của cá nhân ngày càng
được mở rộng, “mọi người có thể cảm nhận được một cách rõ ràng, trên nhiều
phương diện, người Trung Quốc đã nắm giữ được vận mệnh của mình”[6].
Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân và chủ
nghĩa thực dụng không ngừng được mở rộng. Dưới
tác động của cơ chế thị trường hóa, lý luận về cái tôi trung tâm ngày càng đề
cao, chủ nghĩa thực dụng đã bước ra khỏi cấu trúc tư tưởng của bức tường đạo đức
“trọng nghĩa khinh lợi” đã tồn tại hơn hai ngàn năm trong lịch sử. Về tổng thể,
sự đồng cảm của con người đối chủ nghĩa tập quyền trung ương trên nền tảng gia
trưởng và phương thức sống theo chủ nghĩa tập thể liên tục bị giảm sút, vốn xã
hội truyền thống dần bị mất đi, cá nhân tự do thực hiện và tự do hành động đã
trở thành giá trị phổ biến mà thanh tiếu niên theo đuổi, đối với những thanh
niên Trung Quốc thuộc thế hệ “8x” thì tác động này là vô cùng sâu sắc.
Thứ ba, ý thức về quyền lợi của
công dân ngày càng mạnh mẽ. Khát vọng về “dân chủ” của con
người ngày càng rõ nét hơn, ý thức về “nhân quyền” cũng ngày càng nổi bật, những
nhu cầu về những quyền lợi hợp pháp như bảo vệ tài sản cá nhân, quyền tự do lập
hội, tự do ngôn luận cũng được nâng cao, thay vì chấp nhận những tiêu cực hay
nhận thức yếu kém, thiên lệch của cán bộ nhà nước trong thực thi pháp luật, chế
định chính sách thì người dân đã bắt đầu biết sử dụng vũ khí pháp luật để bảo vệ
quyền lợi hợp pháp của bản thân.
Thứ tư, các tổ chức xã hội phát
triển nhanh chóng và trở thành bộ phần tổ thành quan trọng của xã hội. Từ sau cải cách mở cửa, các tổ chức xã hội đã phát triển một cách nhanh
chóng, bao gồm sự phục hưng các tổ chức xã hội truyền thống và cả sự phát triển
các tổ chức xã hội mới. Cơ chế vận hành của các tổ chức xã hội này chủ yếu là tự
quản lý, tự phục vụ, tự chi trả, cố gắng duy trì tính độc lập của bản thân, thể
hiện rõ nét tính tích cực về phương diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các
thành viên xã hội. Ngày 24 tháng 04 năm 2007, mạng thông tin Trung quốc đã đưa
tin, theo số liệu thống kê của Bộ Dân chính, tính đến cuối tháng 12 năm 2006, số
lượng các tổ chức tự phát trên phạm vi toàn quốc ước tính hơn 32 vạn tổ chức;
theo tính toán của một số học giả, số lượng tổ chức dân gian tự phát của Trung
Quốc có thể đạt 3 triệu tổ chức.
Thứ năm, xuất hiện những trào lưu
mới, những quan điểm sai trái. Chẳng hạn các trào lưu “phi Mác” lý luận về đấu tranh
giai cấp, trào lưu về chủ nghĩa hư vô, tranh luận về “tả-hữu”; tranh luận về
văn hóa phổ thể, văn hóa đại chúng; các chiêu thức “thẩm thấu”, “ăn mòn”. Các
trào lưu này khiến dẫn đến “sự khốn cảnh của tính tự chủ”. Điều này biểu hiện rõ nhất trong phân hóa về kết cấu xã hội, các nhóm sẽ có
sự “đụng chạm” khi tiến hành truy cầu lợi ích bản thân, và do đó thiếu đi tính
liên kết, hài hòa[7], và
mâu thuẫn giữa các lực lượng xã hội khác nhau trong quá trình phân phối các nguồn
lực ngày càng khó hòa giải hơn. Nhìn ở chiều cạnh sâu hơn, do tốc độ thị trường
hóa nhanh chóng nên xã hội Trung Quốc đương đại phát sinh “khốn cảnh tính tự chủ”,
vấn đề là làm thế nào để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, xây dựng trật tự xã
hội[8]. Trước bối cảnh kinh tế thị trường và cải cách mở cửa, làm thế nào để kích
hoạt các nguồn lực xã hội, ứng phó một cách hữu hiệu với “khốn cảnh tính tự chủ”
và các “trào lưu tư tưởng” đã trở thành nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng
Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ mới của cải cách mở cửa.
1.1.3. Một số giải pháp đấu
tranh
Trước thực trạng
về các vấn đề liên quan đến tư tưởng, lý luận, văn học, nghệ thuật cũng như những
thách thức mà Trung Quốc phải đối diện đối với hình thái ý thức. Nhằm ứng phó,
Trung Quốc xác định vừa phải đảm bảo một cơ cấu xã hội vững chắc bên trong và
môi trường xã hội lành mạnh từ bên ngoài. Muốn làm được điều đó, Trung Quốc đã
thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, hình thành cơ chế đấu tranh nhằm đảm bảo sự
an toàn của hình thái ý thức. Như đã phân tích, các luồng tư tưởng, quan điểm mới ngày càng xuất hiện
nhiều về số lượng, phức tạp về quy mô, đa dạng về chiều cạnh. Do đó, việc
nghiên cứu một cách tỉ mỉ, khoa học để có những dự báo chính xác các tư tưởng,
quản điểm có thể hình thành, phát triển và những tác động của nó đến đời sống
xã hội trên bình diện hình thái ý thức. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc
còn chỉ đạo và ban hành các cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động
liên quan đến tư tưởng. Trong bối cảnh các trào lưu tư tưởng “trăm hoa đua nở”
thì việc kiểm tra, giám sát, định hướng, thậm chí cảnh cáo, loại trừ những tư
tưởng, quan điểm không phù hợp là một “loại vắc xin” đảm bảo cho cơ thể xã hội
lành mạnh. Muốn làm được điều đó, phải tiến hành việc đánh giá, phân loại các
luồng tư tưởng, kiểm soát chặt chẽ các thông tin trên mạng xã hội[9] nhằm định hướng các ý kiến, quan điểm
trên các lĩnh vực của hình thái ý thức.
Hai là, hình thành các quan điểm, tư tưởng chủ đạo
để dẫn dắt, định hướng. Dựa vào ngôn ngữ “cách mạng” để từng
bước hình thành hình thái ý thức của Đảng một cách có chủ đích; các quan điểm
văn hóa mới (so với giá trị văn hóa truyền thống) được hình thành và phát triển
trên cơ sở định hướng chung, tránh “lệch lạc” về quan điểm, tư tưởng. Để làm
được điều đó, Trung Quốc đã hình thành ý thức tổng thể, kết hợp các luồng ý kiến, tư tưởng trong và ngoài nước
theo hướng tích cực để dẫn dắt các luồng tư tưởng (kể cả tư tưởng văn học, nghệ
thuật); hình thành ý thức chính trị, xây dựng mạng lưới giám sát và quản lý chặt
chẽ theo chiều dọc và chiều ngang; hình thành ý thức khoa học, dẫn dắt các tư
tưởng quan điểm theo định hướng khoa học, “tiệm cận với khoa học”; hình thành ý
thức đổi mới, dùng phương pháp phát triển, phương pháp lịch sử để định hướng
các luồng tư tưởng, quan điểm; hình thành ý thức sáng tạo nhưng đảm bảo phải “nắm
được quyền phát ngôn”.
Thứ ba, chuyển hóa từ sự “ứng phó” bị động đối với
các luận điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, văn học sang thế chủ động. Một thời gian dài, Trung Quốc đã rơi vào
thế “bị động” khi ứng phó với các “trào lưu” tư tưởng phản động, tiêu cực, sai
trái theo kiểu “nóng đâu phủi đó”[10]. Do đó, việc chủ động “ứng phó” chính là
biện pháp tốt nhất để đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái trên lĩnh vực
hình thái ý thức (tư tưởng và lý luận). Sự chủ động thể hiện trên hai bình diện:
(1) Cần phải nghiên cứu và dự báo một cách chính xác các trào lưu, tư tưởng có
thể “du nhập” vào cơ thể xã hội mà chủ động đưa ra những loại vắc xin miễn dịch;
(2) Không né tránh, hay ngại “va đập” các tư tưởng, quan điểm phản động, tiêu cực
với các tư tưởng chính thống. Các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng, chính sự
“va đập” đó, cái nào “cứng hơn”, “phù hợp hơn” sẽ tồn tại và phát triển. Một
tác phẩm văn học hay nhưng không phù hợp (với văn hóa, lối sống, cách nhìn nhận,
bầu không khí chính trị-xã hội,...) thì chắc hẳn sẽ không tồn tại được.
Thứ tư, tăng cường công tác văn hóa tư tưởng; phát
huy vai trò của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước. Để ứng phó với các quan điểm sai trái, thù địch
trên mặt trận văn hóa tư tưởng, không cách nào tốt hơn là tăng cường công tác
văn hóa tư tưởng và phát huy nhân tố trí thức, vai trò của đội ngũ trí thức
trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật. Với khẩu hiệu “3 gắn bó” là “gắn bó với cuộc
sống, gắn bó với thực tiễn và gắn bó với quần chúng nhân dân”; tăng cường công
tác chính trị, luôn ở thế chủ động; tăng cường tuyên truyền ý thức đại cục, nắm
vững tính định hướng, củng cố địa vị chủ đạo về hình thái ý thức chủ nghĩa
Mác-Lê Nin; hình thành dư luận tích cực về xây dựng một xã hội tiểu khang (no đủ).
Từ sau Đại hội XVII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công tác tư tưởng và tuyên
truyền về tư tưởng, quan điểm của Đảng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng
đầu. Tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng nhằm định hướng giá trị hạt nhân của
chủ nghĩa xã hội, của xã hội tiểu khang. Cùng với đó là khôn ngừng cải cách các
thể chế văn hóa, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Muốn làm được điều đó không thể không nói đến vai trò của đội ngũ trí thức. Đội
ngũ trí thức là một bộ phận của quần chúng nhân dân nhưng làm sao để họ với “phần
còn lại của nhân dân” phải hợp thành một thể thống nhất, từ quần chúng nhân dân
mà ra và quay về phục vụ lại nhân dân. Hơn thế nữa, tầng lớp trí thức phải tạo
được uy tín với nhân dân để có tiếng nói định hướng về tư tưởng và các luồng ý
kiến. Trung Quốc cho rằng, tầng lớp trí thức là “chủ thể ngôn ngữ của hình thái
ý thức hiện đại” có sức hiệu triệu đối với quần chúng và tiếng nói cổ vũ cho
công cuộc cách mạng của Đảng.
1.2. Mỹ với việc ứng phó với các
quan điểm sai trái trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng
Với một cường quốc
về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật như Mỹ thì đương nhiên, so với các nước
Xã hội chủ nghĩa nói chung, Việt Nam nói riêng, Mỹ có lợi thế hơn khi dấu tranh
bảo về hình thái ý thức của quốc gia mình. Cùng với sự chuyển biến của cục diện
thế giới, Mỹ cũng có những điều chỉnh nhất định về đấu tranh với các luận điểm
sai trái, chống đối trong và ngoài nước. Cách thức mà Mỹ đấu tranh ngăn chặn
các quan điểm sai trái, không có lợi cho sự phát triển cũng như bầu không khí
xã hội trên các lĩnh vực của hình thái ý thức chủ yếu thể hiện trên những
phương diện sau:
Thứ nhất, tăng cường quản lý truyền thông đại
chúng. Chúng ta đều biết,
vai trò của truyền thông đại chúng đối với xã hội nói chung, đối với định hướng
các ý kiến, quan điểm, tư tưởng xã hội là vô cùng quan trọng. Truyền thông đại
chúng vừa có chức năng cung cấp thông tin, vừa định hướng dư luận xã hội, vừa
xã hội hóa con người để hình thành các giá trị quan, trong đó có quan niệm và
lý tưởng chính trị. Mỹ đã từng sử dụng vị thế và vai trò của truyền thông để khống
chế các trào lưu phản đối của thanh niên. “Các nhóm thanh niên này chỉ chú trọng
đến khía cạnh văn hóa mà quên đi các phương diện khác của đời sống xã hội, chỉ
chú trọng những nhân vật tinh anh mà quên đi những người khác trong xã hội… TV
có vai trò quan trọng và là sức mạnh để điều chỉnh văn hóa và xã hội hóa con
người[11].
Nhằm thực hiện chính sách bá quyền của mình, chính phủ Mỹ đã có chính sách
truyên truyền về cái gọi là “Vai trò cảnh sát thế giới của Mỹ” để mỗi người dân
Mỹ hiểu và có hành động ủng hộ những chính sách quân sự của họ. Đương nhiên,
chính phủ Mỹ đã dùng sức mạnh của mình để “gây áp lực” và buộc truyền thông đại
chúng phải “tuân thủ” theo chủ ý của họ, điều này người dân bình thường không
nhận thức được, thậm chí nếu cần, họ tạo những “thông tin” giả tạo, vu khống để
nhằm đạt được mục đích chính trị.
Không phải ngẫu
nhiên mà chính phủ Mỹ đã không tiếc nhân lực, vật lực, tài lực để đầu tư cho hệ
thống thông tin đại chúng trong nước mà đặc biệt là ở nước ngoài (như Đài tiếng
nói của Mỹ, Đài phát thanh châu Âu tự do, Đài phát thanh Tự do, Tiếng nói của Mỹ,…)
mà mục đích sâu xa chính là khuếch trương vị thế của Mỹ và định hướng các luồng
tư tưởng, lý luận của các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, núp bóng các hình thức dân tộc, tôn giáo
như một “van an toàn” về tư tưởng, quan điểm. Đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, tôn
giáo gắn bó mật thiết với chính trị, do đó, họ “mượn” hình thái ý thức tôn giáo
để định hướng yếu tố tinh thần, hình thái ý thức. Đương nhiên, tôn giáo luôn có
hệ thống giáo lý, giáo luật và hệ thống đạo đức nhất định, do đó, những luận điểm
sai trái, chống phá nếu “đụng” đến hệ giá trị tôn giáo thường bị phê phán kịch
liệt, thậm chí lập tức bị bài xích. Không phải ngẫu nhiên mà trong tác phẩm “Đất
nước của chúng ta” Valter a. Lateber đã viết: “Nước Mỹ, với tư cách là một nhà
nước thực hiện sứ mệnh của Thượng đế, trách nhiệm thành thánh của chúng ta là
đưa phúc âm của nước Mỹ ra bên ngoài châu Mỹ”[12].
Thứ ba, chú trọng giáo dục quốc dân. Nước Mỹ rất chú trọng giáo dục chủ nghĩa
yêu nước, tinh thần dân tộc cho học sinh, viên viên và toàn thể quốc dân. Thông
qua các hoạt động thực tiễn trong và ngoài nhà trường nhằm “thẩm thấu” các tố
chất đạo đức, tinh thần yêu nước; các quy phạm, chuẩn mực và niềm tin xã hội. Mỹ
cũng là quốc gia “mượn” hình thái ý thức tôn giáo trong giáo dục quốc dân, giúp
mỗi công dân “nội tâm hóa” tinh thần tôn giáo, thấm nhuần các giá trị đạo đức,
luân lý của nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà không ít trường học ở Mỹ còn xây
dựng các giáo đường bên trong trường học, cổ xúy cho học sinh tham gia các hoạt
động tôn giáo, gắn tinh thần tôn giáo vào các lĩnh vực như văn hóa, văn học,
nghệ thuật.
1.3. Hàn Quốc với việc ứng phó với
các quan điểm sai trái trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng
Giáo dục đạo đức
không chỉ là tiêu chuẩn giá trị quan trọng và văn hóa truyền thống của chúng ta
mà, đối với Hàn Quốc, việc giáo dục đạo đức để hình thành ý thức dân tộc, “miễn
dịch” với những tư tưởng, quan điểm sai trái, chia rẽ sự đoàn kết dân tộc là
nhiệm vụ cốt lõi trong giáo dục con người. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của
xã hội với công cuộc công nghiệp hóa nhanh chóng, chữ “hiếu” trong văn hóa hiếu
đạo của người Hàn Quốc cũng dần mất đi, hiện tượng lệch lạc trong đời sống xã hội
cũng tăng lên, các luồng tư tưởng, quan điểm trái sai trái cũng theo đó mà nảy
sinh. Để “miễn dịch” và chủ động đấu tranh với các luận điểm phản động, sai
trái, chính phủ Hàn Quốc đã cho biên soạn và phát hành rộng rãi các tác phẩm đạo
đức, văn hóa nhằm định hướng hành vi con người như “Hiếu và giáo dục xã hội”,
“Cha mẹ và giáo dục gia đình”, “Cách thức thực hiện chữ hiếu”, “Kéo dài chữ hiếu”,
“Khái luận về hiếu học”, “Kinh thánh và hiếu”. Tất cả những động thái trên nhằm
định hướng cho con người hình thành tư tưởng yêu người-kính Chúa, hiếu thảo với
cha mẹ và người lớn, yêu thương trẻ em , yêu thương gia đình, tinh thần ái quốc
và sẵn sàng lên tiếng đối với những trào lưu, tư tưởng “không phù hợp”.
Không dừng lại ở
đó, Hàn Quốc còn “luật hóa chữ hiếu” thông qua “Luật hỗ trợ tài chính đối với
hành vi hiếu thảo” (hiếu đối với cha mẹ, người lớn; hiếu đối với cộng đồng; hiếu
đối với quốc gia). Đây là gợi ý tốt cho quá trình bảo vệ hình thái ý thức của
chúng ta. Những hành vi có ảnh hưởng đến quốc gia, dân tộc; những luận điểm sai
trái, không có lợi và trái với luân thường đạo lý cần phải bị lên án bởi dư luận
xã hội và nếu có thể, bị trừng phạt với chế tài của luật pháp.
Ngoài ra, Hàn Quốc
rất chú trọng vai trò của truyền thông đại chúng gắn với các nội dung về phim ảnh
để định hướng hành vi con người. Hầu hết các phim của Hàn Quốc đều có nội dung
tích cực về tình yêu thương con người, tình yêu quê hương đất nước, yêu nền văn
học của mình. Có thể nói, đây là liều vác xin hữu dụng trong mặt trận phòng chống
các tư tưởng, quan điểm sai trái, nhằm lành mạnh hóa đời sống xã hội.
1.4. Bài học lịch sử trong bảo vệ
hình thái ý thức của Liên Xô (cũ) và ý nghĩa đối với Việt nam
Sau khi nhà nước
Liên Xô được thành lập, ngay lập tức
Liên xô đã xây dựng “phòng thủ an toàn” về hình thái ý thức Chủ nghĩa xã hội.
Trong suốt quá trình thăng trầm của lịch sử cũng đã có nhiều bài học kinh nghiệm
thành công và cả những bài học về sự thất bại. Nhiều phân tích cho thấy, Liên
Xô sụp đổ là do 3 nguyên nhân chính: lũng đoạn về hình thái ý thức; lũng đoạn về
quyền lực mà biểu hiện ở thể chế chính trị; lũng đoạn về lợi ích mà biểu hiện
các nhóm lợi ích đi ngược với lợi ích chung. Do đó, nghiêm túc nhìn nhận và tổng
kết những phương thức mà Liên Xô đã sử dụng để đấu tranh với các biểu hiện lệch
lạc cũng như đảm bảo sự an toàn về về hình thái ý thức sẽ là những gợi ý tốt
cho chúng ta trong quá trình xây dựng và áp dụng những thể chế, cơ chế đấu
tranh với những quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng,
nghệ thuật.
Quá trình hình
thành “bức tường an toàn” cho hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa của Liên Xô trải
qua 5 giai đoạn: Thời kỳ Lê-Nin, giai đoạn thống nhất của Stalin, giai đoạn “rả
đông” của Nikita Sergeyevich Khrushchyov, giai đoạn bắt đầu của sự biểu hiện
“khác thường” của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Illich Brezhnev và
giai đoạn kết thúc Mikhail Gorbachev. Mỗi thời kì đều có những nét riêng của
nó.
Trong thời kỳ Lê Nin: Có thể nói, Lê Nin là lãnh tụ đầu tiên xem hình
thái ý thức mà một biểu hiện đặc thù của con người, từ đó hình thành hình thái
ý thức của chủ nghĩa Mác. Theo đó, Lê Nin cũng là lãnh tụ hình thành “Hình thái
ý thức khoa học” và từ đây hình thành lòng tin về chủ nghĩa xã hội, tính ưu việt
của chủ nghĩa xã hội.Trong quá trình đấu tranh giữa “hình thái ý thức khoa học”
và “hình thái ý thức giả tạo”, Lê Nin nhấn mạnh đến giáo dục ý thức chính trị
và tính tích cực cho giai cấp công nhân nhằm duy trì chính quyền nhà nước,
tránh sự công kích các các thế lực đối địch trong và ngoài nước. Có thể nói,
đây cũng là gợi ý có giá trị trong công cuộc đấu tranh ngăn chặn các quan điểm
sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học và nghệ thuật của
nước ta hiện nay. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phá hoại thành quả
cách mạng, trong đó có việc “đánh” vào hệ tư tưởng, lý luận và vai trò lãnh đạo
của Đảng; từng bước gây nên sự “thức tỉnh” của một số phần tử cơ hội, phản động.
Do đó, con đường giáo dục tư tưởng chính trị, giữ vững lập trường chính trị và
đạo đức xã hội luôn là bài học có giá trị thực tiễn.
Trong thời kỳ Stalin: “Mô thức Stalin” đã dần thay thế cho “Chính sách
kinh tế mới” bằng những hoạt động phê phán để hướng sự chú ý và ý thức của công
chúng vào quỹ đạo của hình thái ý thức một cách thống nhất. Đó là sự phê án
quan niệm về chủ nghĩa xã hội của Bukharin và trường phái Chủ nghĩa duy vật của
Deborin; phê phán nhà lịch sử đảng Pokrovsky nhằm củng cố và tuyên truyền hình
thái ý thức chủ nghĩa xã hội đến với các nước Xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ Nikita
Sergeyevich Khrushchyov. Ngay sau khi lên nắm quyền Khrushchyov đã có những chính sách “rộng mở”
về hình thái ý thức gây nên những “tiếng nói” khác nhau của các tầng lớp trong
nước và đã có những phân hóa nhất định. Bằng quyền lực của mình, Khrushchyov đã áp chế tất cả những tư tưởng,
quan điểm được cho là “không chủ lưu”, “trái chiều” và đồng thời đưa ra tư tưởng
chiến lược là “Chung sống hòa bình, quá độ hòa bình và cạnh tranh hòa bình”[13].
Ông cho rằng, chủ nghĩa tư bản chính là khả năng của quá độ hòa bình cho các nước
xã hội chủ nghĩa. Lúc bấy giờ, sự tranh luận gây gắt giữa hình thái ý thức tư bản
và hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ Leonid
Illich Brezhnev. Các quốc gia phương Tây và Mỹ bắt đầu thực thi
chính sách “Diễn biến hòa bình” đối với các quốc gia xã hội chủ nghĩa, lúc này
sự đấu tranh gây gắt giữa phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa về hình thái
ý thức. Trên một bình diện nào đó mà nói, càng làm cho hình thái ý thức của
Liên Xô được củng cố. Brezhnev
đã trấn áp cái gọi là Mùa xuân Praha ở Tiệp Khắc và càng chú trọng hơn sự an
toàn của hình thái ý thức Xô Viết.
Thời kỳ Mikhail
Gorbachev. Gorbachev
là người lấy cái gọi là lý luận “nhân đạo, dân chủ” của chủ nghĩa tư bản lúc
thay thế cho chủ nghĩa Mác, và đồng nghĩa với việc không coi trọng hình thái ý
thức của chủ nghĩa Mác. Điều này giúp cho một số phần tử phản đảng, chống chủ
nghĩa xã hội có “cơ hội” trỗi dậy[14]
và nguy cơ sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội Liên Xô là rất lớn và thực tế đã là
như vậy.
Như vậy, những gì xảy ra ở Liên Xô liên quan đến khía cạnh
tư tưởng, quan điểm nói riêng, hình thái ý thức nói chung cho chúng ta một số gợi
ý trong vấn đề đấu tranh ngăn chặn
các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học và
nghệ thuật:
Một là, luôn coi
trọng xây dựng hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa gắn với hệ tư tưởng, lý luận của
chủ nghĩa Mác-Leenin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phương hướng của hình thái ý thức
đúng hay sai, có hiệu quả hay không liên quan trực tiếp đến đại cục về định hướng
tư tưởng của Đảng và Nhà nước bởi nó chẳng những định hướng tư tưởng mà còn
hình thành tin thần dân tộc, niềm tin xã hội. Thực tiễn cho thấy, địa vị của một
đảng chấp chính có được ổn định và duy trì hay không phụ thuộc rất lớn, thậm
chí tiên quyết đến việc củng cố, phát triển hình thái ý thức xã hội tương ứng.
Từ thực tế Liên Xô cho thấy, sự “biến động” và sụp đổ của Liên Xô bắt đầu từ
hình thái ý thức mà chính xác là từ “điểm yếu chết người” của hình thái ý thức.
Do đó, chúng ta cần phải có thái độ nhạy cảm chính trị cao độ, cần làm rõ và
cho nhân dân thấy được một cách tường minh bản chất của các kiểu tư tưởng, lý
luận bị che đậy bởi “lớp nhung”, được ngụy trang bởi những mỹ từ, bị sơn phủ bởi
những lớp sơn bóng nhoáng của “tiến bộ, dân chủ”.
Hai là, coi trọng
tính thời đại của hình thái ý thức, các kiểu tư tưởng, quan điểm mới. Chủ nghĩa
duy vật lịch sử cho chúng ta thấy rằng, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
Tức là, hình thái ý thức cần phải phát triển, biến chuyển cùng với tồn tại xã hội,
cần phải “theo kịp bước chân của thời đại”. Do đó, cần phải dùng những ngôn ngữ
mới nhất, ngôn từ chính xác nhất để truyền nguồn năng lượng thời đại, định hướng
các luồng tư tưởng mới cho nhân dân. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp
đổ của hình thái ý thức Liên Xô trước đây chính là sự “không tương thích” với
thời đại, với quốc tình; tức là làm cho khác xa giữa lý luận với thực tại xã hội,
là mất dần niềm tin của hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa.
Ba là, luôn chú đến
những xung đột và đấu tranh giữa các luồng tư tưởng, quan điểm và kịp thời định
hướng. Từ thực tiễn của Liên Xô cho thấy, chủ nghĩa tư bản luôn “dẫn dụ và công
kích” lĩnh vực tư tưởng, luôn khếch đại và tô đậm các mặt trái của đời sống xã
hội và các luồng tư tưởng xã hội, “khơi quật” nền tảng ý thức của nhà nước xã hội
chủ nghĩa, mượn vấn đề nhân quyền, môi trường, mạng internet và các mỹ từ như
“hòa bình, ổn định, bình đẳng, dân chủ” để “quạt” lên ngọn lửa phong trào phản
đối; công kích chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Tất cả nhằm
khiến cho các dòng tư tưởng chính thống bị lung lay, hình thành các “sự kiện”, “sự
biến” trong đời sống xã hội. Do đó, cần phải kịp thời và tỉnh táo phát hiện và
có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các tư tưởng, quan điểm sai trái,
không có lợi cho cách mạng nước nhà.
Chính lẽ đó, sự đấu tranh giữa các hình thái ý thức, các luồng
tư tưởng trong nước là không thể xem nhẹ. Cũng cần cảnh giác với các “giá trị
vĩnh hằng, giá trị phổ thế” mà các thế lực thù địch reo rao. Cần thận trọng với
cái vỏ bọc “phổ thế” mà cần hơn nữa, luôn gương cao ngọn cờ và thành quả của chủ
nghĩa xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đã lựa chọn, xây dựng; hình thành hệ giá trị
hạt nhân của chủ nghĩa xã hội, bảo vệ sự an toàn hình thái ý thức xã hội chủ
nghĩa ở nước ta thời gian đến.
2. Một số gợi ý về chính sách đối
với Việt Nam
Sau 44 năm đất nước
được thống nhất và 33 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều
thành quả trên tất cả lĩnh vực, trong đó lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật.
Tuy nhiên, con đường phát triển phía trước của đất nước không phải chỉ toàn những
thuận lợi mà có không ít những khó khăn; không phải có có cơ hội mà còn nhiều
thách thức. Trong đó, khó khăn và thách thức trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ
hình thái ý thức không phải là ít. Từ những kinh nghiệm của một số nước trong
lĩnh vực đấu tranh với các luận điểm, tư tưởng sai trái, phản động như đã phân
tích, chúng ta rút ra một số gợi ý sau:
2.1. Về cơ chế, chính sách
Xây dựng cơ chế dự
báo các luồng tư tưởng, các chủ thuyết, các trào lưu có thể hình thành và du nhập
vào nước ta. Trong xu thế toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ như hiện nay, cùng với
đó là sự phát triển với tốc độ chóng mặt của truyền thông xã hội thì việc xuất
hiện các quan điểm, tư tưởng, chủ thuyết mới, “lạ” luôn tiềm ẩn. Kinh nghiệm của
các nước cho thấy, cùng với việc “ngăn chặn”[15] các thông tin, chủ tuyết sai trái, thù địch
thì vấn đề dự báo và tiến hành giáo dục tư tưởng, chính trị để “miễn dịch” với
các vấn đề nói trên. Trong đó, chú trọng đến 3 yếu tố cốt yếu là quy phạm hóa,
khoa học hóa và thể chế hóa để hình thành “bức tường lửa an toàn cho hình thái
ý thức quốc gia.
Đứng trước thách
thức của vấn đề tư tưởng, quan điểm sai trái có nguy cơ đe dọa đến vấn đề lệch
lạc trong nhận thức, trong đó có những luận điểm xuyên tạc nhằm bóp méo giá trị
đích thực của chủ nghĩa Mác-Lê Nin, thực tế giúp chúng ta nhận thấy, không ít
người dân thậm chí cả đảng viên có những nhận thức sai lầm về quan điểm cốt lõi
của chủ nghĩa Mác-Lên nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều này cũng có một phần
nguyên nhân từ việc chúng ta chưa chú trọng đúng mức đến các nghiên cứu và
tuyên truyền giá trị của chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho các tầng
lớp nhân dân, cho đội ngũ cán bộ. Do đó, cần có chính sách thúc đẩy hơn nữa
nghiên cứu việc vận dụng hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác-Lê nin và vận dụng vào
cuộc sống thực tiễn. Vấn đề cốt lõi là, chúng ta dùng phương pháp nghiên cứu của
chủ nghĩa Mác-Lê nin đi nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê nin để ứng dụng vào đời sống
hiện thực chứ tuyệt nhiên không phải đi “tô đậm”, “vo tròn” hay tuyệt đối hóa
chủ nghĩa Mác-Lê nin, càng không thể giáo điều về chủ nghĩa Mác-Lê nin. Thực tiễn
ở các nước xã hội chủ nghĩa cho thấy, cần phải tìm kiếm tư tưởng chỉ đạo chân
chính, khoa học với sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê nin với sứ mệnh thời đại, với lịch
sử của từng quốc gia, dân tộc; đảm bảo sự thống nhất giữa tính khoa học và tính
thực tiễn mới có thể xác lập được niềm tin vào hình thái ý thức chủ nghĩa xã hội.
Một vấn đề nữa cần
quan tâm là, cần hình thành cơ chế, chính sách để định hướng các luồng dư luận,
giúp cho nhân dân biểu đạt ý tưởng, quan điểm của mình một cách “đúng luật”.
Các tư tưởng, quan điểm (chưa nói đến tính đúng - sai; tích cực - tiêu cực;
chính thống-phi chính thống; số ít hay đa số; mới hay cũ,…) đều có những “giá
trị” nhất định bởi đó là một biểu hiện của ý thức mang tính xã hội. Thông thường,
những vấn đề dễ gây nên những tranh cãi, xung đột là vấn đề gắn với lợi ích (vật
chất và tinh thần) của các nhóm xã hội. Do đó, các cơ quan hữu quan cần thiết lập
cơ chế và tạo khung pháp lý để người dân biểu đạt ý kiến của mình. Điều này vừa
giúp cho con người có “cơ hội” để trình bày ý kiến nhưng cũng chính là “van an
toàn” giảm tải áp suất xã hội, càng giúp gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước
và nhân dân.
2.2. Về nhận thức của cán bộ
Sinh thời Chủ tịch
Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ trên mặt trận
tư tưởng, văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Người nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc
của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc
kém”; “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là
có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn[16]. Do đó, từ việc xây dựng cơ chế chính
sách đến các hành động cụ thể để tiến hành đấu tranh ngăn chặn các quan điểm
sai trái, thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn học và nghệ thuật phụ
thuộc phần lớn vào đội ngũ cán bộ trên mặt trận này. Đầu tiên là cần có sự đồng
thuận, thống nhất trong nhận thức của đội ngũ làm công tác tư tưởng, văn hóa -
người “gác cổng” tâm hồn. Thực tiễn cho thấy, nếu chính những người làm công
tác tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật chưa có sự thống nhất, thậm chí còn đối lập về
quan điểm thì khó lòng định hướng đúng dư luận, khó lòng đấu tranh một cách triệt
để đối với các tư tưởng, quan điểm sai trái. Thứ đến, cần hoàn thiện (cả về số
lượng và chất lượng; trình độ và năng lực; kiến thức và kỹ năng; hành vi và
thái độ) đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng. Nghiêm túc mà nói, những người
làm công tác tư tưởng, văn hóa không thế “chắp vá”, “tạm thời” mà cần phải có
trình độ, kỹ năng nghiệp vụ.
2.3. Công tác tuyên truyền
Kinh nghiệm lịch
sử đã nói cho chúng ta một điều rằng, mặt trận tư tưởng, văn hóa gắn liền với
công tác tuyên truyền, định hướng là mặt trận sống còn và đóng vai trò hết sức
trọng yếu, một chính đảng giữ được sự lãnh đạo của mình khi nắm được, định hướng
được hình thái ý thức, nếu không chiếm giữ thì lực lượng khác sẽ chiếm giữ. Nói
cách khác, chúng ta cần phải đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền để định
hướng các luồng tư tưởng, quan điểm và các xu thế trong xã hội. Trong thức
thách về mạng xã hội hiện nay, cần phải quản lý và giám sát chặt chẽ các dạng
truyền thông xã hội, đồng thời lựa chọn kênh truyền thông phù hợp, có sự lựa chọn
của đa số người. Trong công tác tuyên truyền, tuyệt đối không cho phép sai lầm,
nhất là sai lầm, ngộ nhận về hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa. Do đó, cần phải
thay đổi nội dung, hình thức tuyên tuyền nhưng cũng đảm bảo tính khoa học, tính
thực tiễn, tính công chúng, tính định hướng, tính thời đại. Tuyên tuyền không
nên “tô hồng” nhưng cũng không nên “theo đuôi” các luồng dư luận. Trong bối cảnh
hiện nay, cần định hướng và quản lý tốt các phương tiện truyền thông nhất là
báo hình về nội dung, hình thức. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, truyền
thông xã hội “mạnh lên” một phần là do truyền thông đại chúng “yếu đi”, thậm
chí chậm đổi mới.
2.4. Về ý thức pháp luật, ý thức
khoa học
Kinh nghiệm của
một số nước cho thấy, một trong những biện pháp hữu hiệu và có tầm chiến lược
trong mặt trận đấu tranh ngăn chạn các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực
tư tưởng, lý luận, văn hóa, nghệ thuật,… chính là “ứng bó chủ động bằng hệ thống
pháp luật, trong đó có chế tài nghiêm khắc đối với những cá nhân, tổ chức có
hành vi vi phạm về lĩnh vực hình thái ý thức nêu trên. Trong đó, ngoài việc
hình thành và hoàn thiện các cơ chế, chính sách còn có việc nâng cao ý thức
pháp luật, ý thức khoa học cho nhân dân và tầng lớp trí thức. Trong điều hiện
hiện nay, chúng ta không chỉ tăng cường công tác giáo dục, định hướng giá trị
nhưng còn cần phải hình thành ý thức pháp luật, xây dựng thái độ bảo vệ sự an
toàn đối với hình thái ý thức cho các tầng lớp nhân dân.
Hình thái ý
thức, thông thường mà nói, thuộc phạm trù của tư tưởng, đạo đức, thế nhưng thực
tiễn đã chứng minh, trong quá trình xây dựng tư tưởng, đạo đức cần phải thống
nhất một cách biện chứng với lĩnh vực pháp luật, chính sách, kỷ luật, chế tài để
định hướng hành vi con người, tránh những hành vi lệch lạc xã hội, đi ngược với
lợi ích chung của cộng đồng.
Chúng ta đều
biết, khi thực hiện vai trò lãnh đạo xã hội, chính đảng cầm quyền chẳng những sử
dụng công cụ mang tính thực tiễn, tức là thông qua thể chế và thực thi chế tài
dể duy trì sự ổn định và trật tự xã hội, mà còn sử dụng những phương tiện mang
tính quan niệm, tức là thông qua hình thái ý thức và các chế ước trên lĩnh vực
tư tưởng để chế ước các quan niệm, tư tưởng theo một định hướng nhất định. Muốn
vậy, cần phải hình thành ý thức tuân thủ pháp luật, biết giữ gìn và phát huy
các giá trị mà cộng đồng cho là đúng, là tốt, là nên; biết phê phán, phản biện
đối với các tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch; biết phân biệt được đâu là
“hành vi mê muội” đâu là “hình vi khoa học”.
Vấn đề là, tư
tưởng, quan điểm là những thứ “vô hình” ở trong đầu óc con người, rất khó “giới
định” và “cân đo” một cách cụ thể; hơn thế nữa, giữa “tư tưởng” và “hành động”
của con người đôi khi là “ngôn hành bất nhất”, vì vậy còn cần có những chế ước
mang tính cưỡng chế đối với tư tưởng bằng công cụ pháp luật, nếu không những
hình thái ý thức chủ đạo dễ bị thay thế bởi những va đập bởi các “trào lưu mới”
nhưng phản khoa học, đi ngược lại với lợi ích chung của nhân dân, của dân tộc.
2.5. Về vai trò lãnh đạo của Đảng
về hình thái ý thức
Đảng ta là đảng cầm
quyền, là người đại diện và lãnh đạo trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội
trong đó có lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, sự đa dạng về văn
hóa, tư tưởng và các chủ thuyết là không thể tránh khỏi nhưng không thể không
nói đến vai trò định hướng hình thái ý thức của Đảng. Kinh nghiệm của Trung Quốc
cho thấy, vấn đề cốt lõi là tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối
với sự lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu
dài. Trong vấn đề xây dựng Đảng không chỉ cần định hướng ở tầm lý luận mà còn
còn kết hợp với thực tiễn, nói cách khác, cần phải khắc phục những hạn chế yếu
kém trong chính bộ máy của chúng ta như tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền vừa
phải không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Sự thật
bao giờ cũng chiến thắng bất cứ sự hùng biện nào. Nói cách khác, niềm tin xã hội
sẽ được củng cố và nâng cao; các tư tưởng chống đối, phản động sẽ khó lòng làm
lung lây ý thức của nhân dân khi chúng ta tiếp tục đảm bảo đời sống nhân dân
ngày một tốt hơn; công tác an sinh xã hội được chú trọng; các vấn đề xã hội được
giải quyết triệt để và nhanh chóng. Muốn vậy, Đảng cần lãnh đạo phát triển kinh
tế, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân; giảm thiểu hiện tượng phân tầng và
phân hóa xã hội; thực hiện công bằng xã hội. Công bằng mà nói, trong những năm
gần đây chúng ta đã phát triển mà đạt được nhiều thành quả ngoạn mục nhưng so với
các nước phát triển hãy còn một khoảng cách lớn. Bởi vậy, một mặt cần tăng cường
hơn nữa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nhưng, mặt khác
và quan trọng là, cần phải “chỉ ra” cho nhân dân thấy được những thành quả;
giúp nhân dân hiểu được giá trị đích thực của cuộc sống ngày hôm nay; định hướng
giá trị tính ưu việt của hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa để hình thành niềm
tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với hình thái ý thức xã hội
chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
TS. Phạm Đi
[1] Sau đây, trong những trường
hợp cụ thể gọi tắc là “hình thái ý thức”.
[2] Tạ Thành Vũ, China’s current social trend of thought and
the National ideology security research, Doctoral Dissertation, p.1-3
[3] Kiên định con đường chủ
nghĩa xã hội màu sắc Trung Quốc, phấn đấu vì một xã hội tiểu khang, Nhân dân nhật
báo, ngày 9 tháng 11 năm 2012.
[4] Phạm Đi (biên dịch), Sự biến đổi trong đời sống xã hội Trung Quốc,
Nxb Lý luận chính trị, H.2019, tr.636.
[5] Phạm Đi (biên dịch), Sự biến đổi trong đời sống xã hội Trung Quốc,
Nxb Lý luận chính trị, H.2019, tr.736-737.
[6] Deutsche Welle: “Học giả Đức bình luận về sự phát triển xã hội
Trung Quốc”, www.singtaonet.com, năm 2007.
[7] Một vài nghiên cứu đã chú
ý đến một điều, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, tập thể xã hội
khác nhau đều biểu đạt lợi ích bản thân theo các phương thức khác nhau, các tập
thể này đều có sự khác biệt khá lớn về nhận thức lợi nhuận, khả năng biểu đạt lợi
nhuận của các tập thể khác nhau cũng có sự khác biệt lớn. Điều này trực tiếp dẫn
đến vấn đề điều chỉnh lợi nhuận đang trở thành vấn đề có tính cơ cấu quan trọng
của xã hội đương đại Trung Quốc. Có thể xem đọc Tôn Lập Bình: “Phân hóa xã hội và biểu đạt lợi nhuận, Báo
cáo quan sát kinh tế” , ngày 22 tháng 03 năm 2003.
[8] Xem thêm Lý Hữu Mai: “Hình thành cơ chế hợp tác nhân loại trong bối
cảnh toàn cầu”, xem thêm Tô Quốc Huân (Tập 1) “Lý luận xã hội”, NXB Văn hiến
khoa học xã hội, xuất bản năm 2005.
[9] Cần phải nhắc lại rằng, hiện
Trung Quốc không cho phép các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo,….nhưng họ
có những công cụ hỗ trợ “tương tự” để người dân chia sẻ thông tin và nhà chức
trách dễ dàng quản lý các thông tin này.
[10] Tôn Dân, Thực
chất của lý luận quyền lãnh đạo về hình thái ý thức, Tạp chí Nhà khoa học
xã hội, 2016 (10).
[11] Quách Trác Minh, Nghiên cứu chuyên đề về tư tưởng xã hội, Nxb KHXH Trung Quốc, năm
2012, tr.155
[12] Valter a. Lateber, The
New Empire, California State University Press, 1963, p.77
[13] Tạ Thành Vũ, China’s
current social trend of thought and the National ideology security research,
Doctoral Dissertation, p.88.
[14] Tạ Thành Vũ, China’s
current social trend of thought and the National ideology security research,
Doctoral Dissertation, p.89.
[15] Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn
sẽ không có hiệu quả khi mà dòng thông tin khổng lồ như dòng thác đổ vào cuộc sống
hằng ngày trong đời sống người dân. Vấn đề lớn nữa là, những ngăn chặn nếu
không “tận gốc” sẽ làm tăng thêm tính tò mò, hiếu kỳ.
[16] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2004, tập 5, tr 240 và 296
Nhận xét
Đăng nhận xét