QUẢN LÝ LAO ĐỘNG NHẬP CƯ TẠI TP. ĐÀ NẴNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
QUẢN
LÝ VÀ PHÁT HUY NGUỒN LAO ĐỘNG NHẬP CƯ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
1. Đặt vấn đề
Đô thị là một thực thể mà nhân khẩu[1]
chính là yếu tố căn bản tạo nên “hồn cốt”, “cốt cách”, làm cho đô thị cụ thể đó có sức “sống” và tính “động”. Nói cách
khác, bất luận thế nào (đô thị có quy mô lớn hay nhỏ; tính chất đơn giản hay
phức tạp; đô thị kiểu truyền thống hay thông minh) thì con người là tiền để một
đô thị tồn tại, phát triển. Đến lượt mình, sự tồn tại và phát triển của dân số
đô thị tác động trở lại đến hàng loạt các thành tố khác của hệ thống đô thị. Do
đó, quản lý nhân khẩu đô thị là nhân tố hàng đầu đảm bảo trật tự, trị an và sự
vận hành bình thường của đô thị. Nhận thức được tầm quan trọng của nhân khẩu và
quản lý nhân khẩu có ý nghĩa đối với kinh tế-xã hội, đối với toàn bộ quá trình
tồn tại, phát triển của một đô thị. Trong đó, quản lý và phát huy nguồn lao
động nhập cư, một thành tố không thể thiếu đối với một đô thị, không phải ngoại
lệ đối với thành phố Đà Nẵng.
Theo thống kê, dân số trung bình năm 2021 toàn
thành phố Đà Nẵng ước đạt 1.195,5 nghìn người, tăng 26 nghìn người, tương đương
tăng 2,22% so với năm 2020, trong đó dân số thành thị 1.044,3 nghìn người,
chiếm 87,4%; dân số nông thôn 151,2 nghìn người, chiếm 12,6%. Thành phố Đà Nẵng
có lực lượng lao động dồi dào với số người trong độ tuổi lao động chiếm đến 70% dân số và 51% lao động có tay nghề[2];
đây cũng được xem là cơ cấu dân số
“vàng” với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động lớn, là cơ hội để phát triển kinh
tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thành phố vẫn thiếu những lao động lành nghề, kể cả công nhân kỹ thuật,
nhân sự quản lý điều hành, chuyên gia
cấp cao. Nguồn nhân lực tại chỗ chưa có khả năng đáp ứng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có hoạt động
thống kê một cách toàn diện trên toàn Thành phố về số lượng, cơ cấu (lứa tuổi,
ngành nghề, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, giới tính, nơi xuất cư, tình
trạng hôn nhân, tôn giáo-tín ngưỡng, số năm lưu trú, địa bàn lưu trú,…), cũng
như tính chất, đời sống của nhóm lao động nhập cư[3].
Tuy nhiên, xét về khía cạnh quản lý xã hội đô thị nói chung, quản lý nhân hộ
khẩu nói riêng mà cụ thể là quá trình di biến động và tình trạng xuất nhập cư
trên địa bàn thành phố mà nói thì, việc nắm bắt các thông tin về lao động nhập
cư là cần thiết, thậm chí trong nhiều trường hợp là tất yếu và vô cùng quan
trọng. Bởi xét đến cùng, một thành phố “đáng sống” luôn “động và mở”, luôn là
một “thỏi nam châm” thu hút lực lượng lao động đến tìm kiếm việc làm và cơ hội
định cư; hơn thế nữa, lực lượng lao động nhập cư là nguồn lực vừa mang tính “bổ
trợ” cho lao động tại chỗ, vừa là “chất kích hoạt” cho thị trường lao động của
Thành phố, gia tăng sức cạnh tranh và tính năng động của từng lĩnh vực trong
đời sống xã hội, tạo nên “sức quyến rũ”, sức sống của Thành phố.
Do đó, vấn đề quản lý nhà nước về nhân hộ khẩu
nói chung, quản lý nguồn lao động nhập cư nói riêng là hết sức cần thiết, vừa
đảm bảo cho yêu cầu chung về ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội;
vừa có cơ sở để các nhà lãnh đạo Thành phố có kế hoạch chiến lượng trong hoạch
định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo vấn đề lao động-việc làm
và ổn định đời sống cho cư dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố
theo hướng bền vững.
2. Vài nét về dân số và lao động nhập cư tại thành phố Đà Nẵng
So với các thành phố lớn khác như Hà Nội,
Thành Phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ người di cư nói chung, lao động nhập cư nói
riêng tại thành phố Đà Nẵng là không cao. Theo kết quả Tổng Điều tra dân số và
nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở
lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Trong đó, Đông Nam Bộ là
vùng có số người nhập cư đông nhất với hơn 1,3 triệu người và Đồng bằng sông
Cửu Long là khu vực có số người xuất cư đông nhất với hơn 724.000 người. Năm
2019, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có số người nhập cư cao nhất cả nước với
772.000 người, cao hơn gần 300.000 người so với Bình Dương là tỉnh xếp thứ 2.
Xếp sau đó là Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, Thái Nguyên và Bà
Rịa - Vũng Tàu. Đây chủ yếu là các tỉnh thành tập trung nhiều khu công nghiệp,
cơ hội việc làm cao.
Như vậy, mặc dù là một trong những thành phố
trẻ, năng động có sức bật lớn ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên và trong cả nước,
nhưng Đà Nẵng có tỷ suất nhập cư không cao lắm. Từ cứ liệu ở biểu đồ bên dưới
cho thấy, cứ 1000 dân thì có khoảng 83 người nhập cư (kém xa so với Bình Dương,
Bắc Ninh).
Nguồn: Tổng cục thống kê
Thế nhưng theo tính
toán và dự báo xu thế như đã phân tích thì khả năng gia tăng về người di cư là
xu thế của thành phố Đà Nẵng. Theo thống kê của Công an TP. Đà Nẵng, tính đến tháng
7/2020, tổng số hộ khẩu, nhân khẩu cư trú trên địa bàn thành phố là 280.961 hộ,
1.121.267 nhân khẩu. Trong đó đăng ký thường trú là 249.397 hộ, 985.239 khẩu;
đăng ký nhưng không ở tại TP là 4.171 hộ, 16.165 nhân khẩu; đăng ký tạm trú là
55.434 hộ, 223.004 nhân khẩu (trong đó ngoại tỉnh đến TP là 35.735 hộ, 152.187
nhân khẩu). Từ năm 2013 - 2020 số lượng nhân khẩu từ ngoài tỉnh nhập khẩu vào
TP Đà Nẵng có xu hướng tăng. Cụ thể, năm 2014 có 4.351 nhân khẩu; năm 2015 có
5.647 nhân khẩu; năm 2016 có 7.662 nhân khẩu; năm 2017 có 10.535 nhân khẩu; năm
2018 có 9.854 nhân khẩu; năm 2019 có 8.798 nhân khẩu[4].
Theo tính toán, lực lượng lao động của thành
phố Đà Nẵng tăng với tốc độ nhanh hơn dân số; trong giai đoạn 2010 – 2019 tăng
bình quân 2,46%; từ 467.090 người năm 2010 lên 581.400 người năm 2019[5].
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đà Nẵng cao hàng đầu cả nước. Số lượng lao động
có trình độ có sự chuyển biến lớn, năng suất lao động hiện tại của Đà Nẵng chỉ
cao gần 1,5 lần so với năng suất lao động bình quân chung của cả nước (126
triệu đồng/năm so với 84,5 triệu đồng/năm).
Cơ
cấu lao động đang làm việc theo loại hình kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ và
chuyển dịch theo hướng tăng số lượng lao động trong các ngành dịch vụ, giảm lao
động trong ngành nông nghiệp theo sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế thành phố. Cơ
cấu các ngành Dịch vụ - Công nghiệp xây dựng – Nông nghiệp năm 2013 là 62,94% -
24,13% - 2,28% thì cơ cấu lao động là: 66,45 – 29,61 – 3,94; đến năm 2019 cơ
cấu GRDP là: 64,35 – 22,41 – 1,88 thì cơ cấu lao động là: 68,20 – 28,48 – 3,32.
Một số ngành tốc độ tăng nhanh nên nhu cầu lao động cũng tăng nhanh chóng; cụ
thể như: (1) Ngành Du lịch tăng từ 21.108 lao động năm 2014 tăng lên 50.963 lao
động năm 2019 (tăng 2,4 lần); (2) Ngành Dịch vụ vận tải và logistics: tăng từ
17.740 lao động năm 2014 lên 25.420 lao động năm 2019 (tăng 1,43 lần); (3) Ngành
Công nghệ thông tin tăng từ 18.880 năm 2014 lên 35.050 lao động năm 2019 (tăng
1,86 lần)[6].
Theo dự báo, đến năm 2025 thành phố Đà Nẵng sẽ có khoảng 690.000 lao động, đến năm
2030 sẽ có khoảng 798.000 lao động hoạt động trong cơ cấu của các khu vực dịch
vụ, công nghiệp - xây dựng bình quân lần lượt là 75-80%; 20-25% và còn lại là
khu vực thủy sản - nông - lâm. Đặc biệt, lao động các ngành kinh tế mũi nhọn
phát triển nhanh, đến năm 2030, dự kiến ngành du lịch sẽ có khoảng 120.000 lao
động (bằng 2,3 lần năm 2019), ngành vận tải logistics sẽ có khoảng 66.000 lao
động (bằng 2,62 lần năm 2019), ngành công nghệ thông tin sẽ có khoảng 114.000
lao động (bằng 3,26 lần năm 2019)[7].
Trong điều kiện nguồn lao động tại chỗ không đáp ứng đầy đủ (về số lượng và
chất lượng) thì xu thế sử dụng nguồn lao động nhập cư là tất yếu. Nói cách
khác, trong tương lai gần, một làn sóng nhập cư để tìm kiếm việc làm và ổn định
cuộc sống tại thành phố Đà Nẵng là không thể tránh khỏi. Vấn đề đặt ra là, cần
làm gì để làm tốt công tác quản lý về nhân hộ khẩu cũng như vấn đề nắm bắt, xử
lý và vận dụng thật tốt, thật hiệu quả nguồn lực lao động tại chỗ và lao động
nhập cư.
3. Một số biện pháp về quản lý và nâng cao hiệu quả lao động
nhập cư tại thành phố Đà Nẵng thời gian đến
3.1. Tăng cường công tác quản lý người nhập cư
Dân số là yếu tố quyết định sự phát triển bền
vững của một đô thị[8].
Giữa dân số và phát triển có mối quan hệ khăng khít với nhau, vừa ràng buộc
nhau, hỗ trợ nhau và thúc đẩy lẫn nhau, vì vậy cần kịp thời cập nhật tình hình
phát triển dân số để chủ động điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
phù hợp. Trong trường hợp tốc độ tăng trưởng dân số chậm, cần có các giải pháp
tăng năng suất lao động để bù trừ cho lượng lao động bị sụt giảm do tình trạng
già hóa lao động hoặc gia tăng “sức hút từ nguồn lao động nhập cư” nhưng phải
gắn liền với công tác kiểm soát chặt chẽ tình hình nhập cư về số lượng, thành
phần, cơ cấu, tính chất, mức độ,..
Thực tiễn quản lý nhân khẩu đô thị ở nước ta
thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương và chính quyền đô thị có biểu hiện
buông lỏng quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Tại các vùng nông thôn, do không đảm bảo
đời sống nên phải di cư đến các đô thị lớn để tìm sinh kế; tại các đô thị, nếu
như trước đây thì “siết chặt” quản lý nhân khẩu đến mức cực đoan thì hiện nay
lại “thả lỏng” đến mức “tự do quá trớn”. Cụ thể là, chưa theo dõi sát các loại
nhân khẩu, hộ khẩu tạm trú trên địa bàn, nhất là những trường hợp xóa đăng ký
tạm trú, thông tin về nhân hộ khẩu tạm trú là “đối tượng”… Công tác kiểm tra,
xử lý còn thiếu kiên quyết, số lượt kiểm tra hàng năm còn chưa đáp ứng đủ so
với số nhân khẩu đang sống trên địa bàn. Việc kiểm tra còn nặng tính hình thức
và chưa gắn với công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Việc bổ
sung thông tin thay đổi nhân khẩu tạm trú, báo cáo thống kê nhân khẩu, hộ khẩu
tạm trú (định kỳ và đột xuất) thiếu tính kịp thời. Như vậy, vấn đề là thay hộ
khẩu bằng phương thức quản lý hợp lý hơn, tiện lợi hơn cho người dân đi lại,
sinh sống, học tập nhưng đồng thời phải có biện pháp không để gia tăng di dân
và cư trú tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến người sở tại không yên mà người
nhập cư cũng không ổn.
Bằng chứng cho thấy, công tác thống kê (của
cục thống kê Thành phố) ít thấy mục thống kê chuyên biệt về các di biến động,
phân loại đối tượng nhập cư theo trình độ, năng lực và sự tham gia của họ vào
guồng máy sản xuất ở địa phương. Đó là chưa nói đến việc tiến hành thống kê,
cập nhật, phân loại đối tượng, số lượng, chất lượng người nhập cư, lao động
nhập cư để có kế hoạch quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, phân bố, sử dụng; phát huy
trình độ, năng lực của các nhóm lao động nhập cư.
Theo cách phân loại hiện nay, nhân khẩu tạm
trú và nhân khẩu thuộc diện di cư (tạm thời, ngắn hạn) là những nhân khẩu không
có hộ khẩu thường trú. Từ nhiều lý do khác nhau mà mỗi thành phố đều có một
lượng người nhất định đến sinh sống, lao động, học tập, công tác, du lịch, tìm
sinh kế (kể cả đối tượng lang thang, xin ăn,…), trốn tránh (các phần tử vi phạm
pháp luật, phần tử trốn truy nã, người trốn tránh trách nhiệm vi phạm sinh đẻ
kế hoạch hóa gia đình ở nơi khác,…). Tại các đô thị ở Việt Nam, trên những bình
diện khác nhau, luôn tồn tại những vấn đề về quản lý nhân khẩu tạm trú, di trú[9].
Từ đó nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp như trộm cắp, mại dâm, buôn bán
người; vấn đề việc làm, an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã
hội. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, không ít đô thị có
lượng khách vãng lai (khách du lịch, người làm công tác nghiên cứu, người di cư
đến tìm kiếm việc làm,…) nhiều hơn cả dân số của thành phố như Macau[10],
Monaco[11];
Đà Nẵng, Hội An[12]
của Việt Nam cũng là những thành phố có lượng khách vãng lai rất lớn. Do đó,
bài toán quản lý nhân khẩu đô thị cần phải đặt ra một cách nghiêm túc, khoa học
để vừa đảm bảo sức hút của một thành phố (hướng đến một thành phố mở, năng
động); bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân nhưng cũng vừa điều chỉnh tính
“chịu tải” của một thành phố (nhất là cơ sở hạ tầng và không gian xã hội),
tránh những xung đột giá trị, xung đột văn hóa và xung đột lợi ích giữa các bộ
phận, nhóm cư dân trong đô thị.
Kinh nghiệm của nhiều quốc gia và đô thị trên
thế giới cho thấy, việc khống chế được số lượng, nâng cao tố chất, điều chỉnh
cơ cấu phù hợp, quản lý tốt công tác di cư (nhập cư và xuất cư) chính là những
nội dung cơ bản của quá trình quản lý nhân khẩu đô thị. Hợp lý hóa số lượng
nhân khẩu, tối ưu hóa tố chất thị dân, đa dạng hóa các ngành nghề để đáp ứng
nhu cầu tìm kiếm việc làm cho cư dân chính là những mục tiêu căn bản của quản
lý đô thị. Làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, duy trì và cũng cố nề nếp xã
hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát huy hiệu suất
phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi tầng lớp xã
hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với vấn đề phát triển bền vững đô thị.
3.2. Có chính sách thu hút nguồn lao động người nhập cư chất
lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố
Năm 1955, François Perroux[13]
nhà kinh tế học người Pháp đã đưa ra Lý thuyết “Cực tăng trưởng”[14],
chỉ ra vai trò to lớn của đô thị về sức mạnh kinh tế (như một cực tăng trưởng)
và theo đó, vai trò của một đô thị lớn đối với các đô thị nhỏ hơn về sức ảnh
hưởng và khả năng “dẫn dắt” về phát triển kinh tế-xã hội. F. Perroux cho rằng,
việc quy hoạch, bố trí hệ thống các đô thị (kể cả những thị trấn/thị xã) sẽ góp
phần định hướng phát triển kinh tế cho toàn khu vực và, sự phát triển kinh-xã
hội của khu vực chịu tác động mạnh mẽ của đô thị lớn như một “cực tăng trưởng”.
Do đó, gọi là “cực tăng trưởng” hàm chỉ sức mạnh to lớn, vai trò phát triển
kinh tế của các độ thị lớn, nó có thể mở rộng bán kính giao dịch, lưu thông
cũng như mật độ mạng lưới thị trường; nó có thể là thỏi nam châm thu hút nguồn
lao động và nó là chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế vùng. Và đương
nhiên, các đô thị lớn là nơi sáng tạo ra nhiều cái mới, tạo nên nhiều của cải
cho xã hội, nâng cao mức thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Chính lẽ
đó, theo quan điểm của F. Perroux, các vùng còn lạc hậu nên chú ý công tác quy
hoạch và đặc biệt nên hình thành và phát triển các đô thị lớn, hình thành “cực
tăng trưởng” cho toàn vùng.
Một đô thị muốn trở thành “cực tăng trưởng”
thì phải có nguồn lực lao động. Nói cách khác, chính quyền đô thị luôn phải tìm
lời giải cho bài toán bổ sung lực lượng lao động (chất lượng cao, phù hợp với
yêu cầu phát triển của đô thị). Đương nhiên, người nhập cư đóng góp vào nguồn
cung lao động cho các đô thị, là một trong những yếu tố đầu vào của quá trình
sản xuất. Trong quá trình phát triển, các thành phố không chỉ có nhu cầu về
nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động đã qua đào tạo, có trình độ cao mà bên
cạnh đó, các thành phố còn có nhu cầu về lao động phổ thông, giản đơn và dân
nhập cư sẽ đáp ứng nhu cầu này.
Với đặc thù của mình gắn với thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành
phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xác định phát triển 3 trụ
cột: du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và chú trọng phát triển 5
lĩnh vực mũi nhọn. Thực tế cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu của
Thành phố vẫn còn nhiều hạn chế; trong đó tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua
đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của
thị trường lao động và hội nhập. Theo dự báo, nhóm ngành dịch vụ đến năm 2025 tăng
hơn 160.000 lao động (riêng ngành dịch vụ - du lịch tăng khoảng 40.000) và đến
năm 2030 tăng 330.000 (riêng ngành dịch vụ - du lịch có thể tăng 70.000); nhóm
ngành công nghiệp - xây dựng đến năm 2025 tăng khoảng 67.000 (riêng ngành công
nghệ thông tin tăng khoảng 22.000), đến năm 2030 tăng khoảng 130.000.
Do đó, trong thời
gian tới, Đà Nẵng sẽ phải xây dựng và triển khai chương trình phát triển nguồn
nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, tập
trung vào các lĩnh vực mũi nhọn của thành phố. Thành phố cũng rà soát, hoàn
thiện các chính sách nhập cư bảo đảm hài hòa, nhân văn; nâng cao chất lượng đào
tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế; cũng như thực hiện liên thông,
minh bạch về thị trường lao động[15].
3.3. Có chính sách đào tạo, chính sách việc làm, chính sách
an sinh xã hội cho người di cư, lao động nhập cư
Trong bối
cảnh hội nhập quốc tế, lao động di cư từ nông thôn lên thành thị
hay lao động di cư tập trung tại các khu công nghiệp là xu thế
tất yếu. Di cư là một vấn đề kinh tế - xã hội, nó gắn liền với việc làm, giáo
dục, y tế, an sinh xã hội, cơ cấu dân số, môi trường, phát triển kinh tế. Di cư
vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của quá trình phát triển. Di cư đã và đang trở
thành sự lựa chọn của người dân nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm
ăn cho mình và nó trở thành một cấu thành không thể thiếu được của quá trình
phát triển đặc trưng cho mối quan hệ qua lại giữa vùng miền và lãnh thổ.
Theo thống kê, lao
động di cư hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng 70% lực lượng lao động tại các
thành phố, các khu công nghiệp lớn. Lao động di cư thường là
những người lao động nghèo, trình độ thấp, chủ yếu xuất thân từ
nông thôn nên trình độ tay nghề thấp, thậm chí chưa qua đào tạo nghề,
tác phong công nghiệp và kiến thức pháp luật hạn chế, công việc
không ổn định, lâu bền. Khi di cư lên thành phố hoặc các khu công
nghiệp làm việc, họ phải thuê nhà trọ và phải trả chi phí điện, nước
cao gấp 2-3 lần người dân thành phố, con cái phải để lại quê hoặc đi theo
bố mẹ mà không được vào học trường công, chịu rất nhiều thiệt thòi. Kết
quả của điều tra cho thấy diện tích ở trung bình của lao động di
cư nhỏ hơn so với người không di cư. Hơn 40% số người di cư ở diện tích
bình quân đầu người thấp hơn 10m2 trong khi đó tỷ lệ này ở người
không di cư là 16%[16].
Theo nhận định của Cục thống kê Đà Nẵng, mặc
dù lao động có việc làm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có chuyển biến tích cực nhưng
tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn còn ở mức
cao[17]. Tỷ
lệ lao động phi chính thức sơ bộ
quý II (năm 2022) khoảng 52,8% trong đó khu vực thành
thị là 52,2% và khu vực
nông thôn là
56,3%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ lao động phi chính thức
xấp xĩ 52 9% cao hơn tỷ lệ 51,5% của quý IV năm 2022 và tỷ
lệ 51,7% cùng kỳ năm 2021. Kinh tế dần
phục hồi theo đó tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao
động đã được cải thiện đáng kể, theo kết quả điều tra lao động
việc làm sơ bộ 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ thất
nghiệp chung là 2,11%, thấp hơn
rất nhiều so với tỷ lệ 7,27% cùng kỳ năm 2021 và tỷ lệ 7,24% của cùng kỳ năm
2020. Tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo 6 tháng đầu năm 2022 đạt 46,3%
cao hơn tỷ lệ 45,6% của quý I nhưng thấp hơn tỷ lệ 48,0% của quý IV năm 2021 .
Như vậy, vấn đề đặt ra là, cần phải có chính
sách để lao động di cư có điều kiện tiếp cận với dịch
vụ xã hội một cách căn bản nhất. Muốn vậy, chính quyền thành phố Đà Nẵng phải
đặt lao động nhập cư trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình.
Theo đó cần phải: (1) Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nhập cư. Người
lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao
động miễn phí tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại Thành phố; (2) Tạo điều kiện
để người lao động nhập cư vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm[18].
Nếu người lao động có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cư trú hợp pháp tại địa
phương có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động thì
được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm; (3) Thực hiện chương trình, dự án
hỗ trợ người lao động di cư. Tăng cường công tác hỗ trợ lao động di cư từ nông
thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên theo tinh thần của
Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm” trong Chương trình mục tiêu
Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020[19];
(4)
Tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình lao động di cư nhằm
nắm bắt thực trạng về lao động nhập cư trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để có
chính sách hỗ trợ, sử dụng một cách hiệu quả, linh hoạt. (5) Tăng cường vai trò
của các trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ lao động nhập cư
về các hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin lao động, việc làm; tư vấn nghề
nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tìm việc,
làm việc; (6) Cần hoàn thiện và thực hiện các
chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ những người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em là
người nhập cư; tăng cường công tác đào tạo nghề và tận dụng tối đa nguồn lực
lao động nhập cư có tay nghề và kỹ năng chuyên môn phù hợp với yêu cầu các
ngành nghề phát triển của Thành phố.
3.4. Mở rộng diện thụ hưởng chính sách tín dụng, chính sách
nhà ở và chương trình “5 không, 3 có” đối với lao động nhập cư có thu nhập thấp
Dưới điều kiện của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa
tập trung, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, chế độ hộ khẩu vừa là cơ chế
để quản lý nhân khẩu đô thị, vừa là “rào cản” đối với cư dân nông thôn di cư
đến các đô thị, hình thành nên kiểu “nhị nguyên” trong quản lý nhân khẩu: hoặc
hộ khẩu nông thôn hoặc hộ khẩu thành phố. Có thể nói, kiểu quản lý hộ khẩu này
phù hợp trong điều kiện của cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu,
bao cấp (người nào di cư đến nơi khác là coi như không được hưởng các quyền lợi
cơ bản về mua bán các nhu yếu phẩm hay lương thực). Bằng cách phân phối các
nguồn lực theo nhân khẩu, hộ khẩu gắn với nơi cư trú nhất định thì đây là
phương thức hạn chế tối đa sự rối loạn xã hội bằng hình thức di cư (nhất là
nông thôn đến đô thị).
Cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước
là chủ trương vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì
bài toán quản lý hộ khẩu của chúng ta cũng có nhiều bước tiến đáng kể, vừa khắc
phục những hạn chế của mô thức “nhị nguyên” vừa phát huy tính tích cực, năng
động và đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân. Đặc biệt, Luật cư trú (2013)
của Việt Nam đã nhấn mạnh đến quyền tự do cư trú của công dân cũng như nghiêm
cấm các hành vi cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú hay lạm dụng quy
định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân là những điểm
nhấn “đánh vào” thành trì “nhị nguyên” trong mô thức quản lý nhân khẩu đô thị
trước đây.
Trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng của
Việt Nam đang hoàn thiện Luật cư trú (sửa đổi) mà cụ thể là Quốc hội đã tiến
hành thảo luận và dự kiến bỏ sổ hộ khẩu và tiến hành quản lý đăng ký dân cư
bằng mã số định danh cá nhân. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua sẽ triển khai
thực hiện từ tháng 7-2021[20].
Tuy vậy, cần phải nói thêm rằng, trên thực tế
không ít người đánh đồng việc “bỏ hộ khẩu” với công tác quản lý nhân khẩu và
cho rằng, không cần thiết phải quản lý hộ khẩu như hiện nay. Lưu ý, mục tiêu
sửa đổi Luật cư trú là nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo phát
triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo quyền
tự do đi lại, tự do cư trú của công dân chứ tuyệt nhiên không phải là “thả
lỏng”, “buông lỏng” công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Nói cách khác, một đô
thị yếu kém về công tác quản lý nhân khẩu sẽ không có cơ sở để vạch ra tầm nhìn
chiến lược trong phát triển, ngược lại làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội phức
tạp, thậm chí là mất an toàn xã hội, bất ổn xã hội.
Kinh nghiệm quản lý nhân khẩu ở nhiều đô thị
lớn trên thế giới là, người ta không quản lý bằng hộ khẩu (giấy) nhưng không
phải ai muốn vào đó sống thế nào cũng được, bởi vì có những quy định như về an
ninh trật tự, an toàn xã hội, an sinh xã hội, bảo đảm xã hội (nhà ở, việc
làm,…) mà ai đến đó cũng phải tuân theo. Trong những điều kiện nhất định (thiên
tai, dịch bệnh,…) thì người ta sẽ chiếu theo “hộ khẩu” để ứng phó và trợ giúp.
Như vậy, vấn đề là ở chỗ, thay đổi mô thức, phương thức, hình thức quản lý nhân
khẩu đô thị trong tình hình mới nhằm áp dụng thành tựu của khoa học công nghệ
vào quản lý xã hội nhằm nâng cao hiệu suất, hiệu quả chứ không phải phủ nhận
hay buông lỏng quản lý nhân khẩu đô thị.
Thực tiễn quản lý nhân khẩu đô thị ở nước ta
thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương và chính quyền đô thị có biểu hiện
buông lỏng quản lý nhân khẩu, hộ khẩu. Tại các vùng nông thôn, do không đảm bảo
đời sống nên phải di cư đến các đô thị lớn để tìm sinh kế; tại các đô thị, nếu
như trước đây thì “siết chặt” quản lý nhân khẩu đến mức cực đoan thì hiện nay
lại “thả lỏng” đến mức “thoải mái”. Cụ thể là, chưa theo dõi sát các loại nhân
khẩu, hộ khẩu tạm trú trên địa bàn, nhất là những trường hợp xóa đăng ký tạm
trú, thông tin về nhân hộ khẩu tạm trú là “đối tượng”…
Công tác kiểm tra, xử lý còn thiếu kiên quyết,
số lượt kiểm tra hàng năm còn chưa đáp ứng đủ so với số nhân khẩu đang sống
trên địa bàn. Việc kiểm tra còn nặng tính hình thức và chưa gắn với công tác
tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân. Việc bổ sung thông tin thay đổi
nhân khẩu tạm trú, báo cáo thống kê nhân khẩu, hộ khẩu tạm trú (định kỳ và đột
xuất) thiếu tính kịp thời[21].
Như vậy, vấn đề là thay hộ khẩu bằng phương thức quản lý hợp lý hơn, tiện lợi
hơn cho người dân đi lại, sinh sống, học tập nhưng đồng thời phải có biện pháp
không để gia tăng di dân và cư trú tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến người
sở tại không yên mà người nhập cư cũng không ổn.
Chẳng hạn, đối với đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước, Đà Nẵng đã mở rộng đối
với diện công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và
các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; Hộ nghèo tại khu vực đô thị
nằm trong chuẩn nghèo (do Thủ tướng Chính phủ quy định mà có khó khăn về nhà ở);
người khuyết tật, người già cô đơn tại khu vực đô thị mà có khó khăn về nhà ở; Các
đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ; Hộ
gia đình, cá nhân thuộc diện tái định cư mà chưa được bố trí đất ở hoặc nhà ở
tái định cư; Đối tượng là người thu nhập thấp gồm những người đang làm việc tại
các tổ chức, các cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể hoặc đơn
vị sự nghiệp công lập; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; doanh nghiệp thuộc các
thành phần kinh tế; hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của
pháp luật hoặc là người đang nghỉ chế độ có hưởng lương hưu theo quy định,
người lao động tự do, kinh doanh cá thể mà không thuộc diện phải nộp thuế thu
nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Các đối tượng nêu trên đều phải có khó khăn,
bức xúc về nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình và chưa được thuê hoặc
thuê mua nhà ở xã hội, chưa được Nhà nước hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình
thức hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng nhà ở có diện tích bình quân hộ
gia đình dưới 8m2 sàn/người. Có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và có Hợp đồng
lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, có đóng BHXH tại Đà Nẵng. Đối với
các đối tượng đang thuê nhà ở xã hội (Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước),
có nhu cầu mua nhà thì phải có cam kết hoàn trả căn hộ đã được nhà nước cho
thuê. Trường hợp hộ gia đình đăng ký mua NƠXH thì chỉ cần một thành viên trong
gia đình đó thuộc một trong các đối tượng quy định trên là thuộc diện được xét
để được mua NƠXH thuộc sở hữu nhà nước.
Với mức tăng dân số như hiện nay thì sẽ không gây áp lực
lên cơ sở hạ tầng hiện tại và đảm bảo việc nhập cư được kiểm soát theo định
hướng của Nghị Quyết 43-NQ/TW. Đối tượng nhập cư hướng tới là những người có kỹ
năng trong các ngành du lịch và dịch vụ chất lượng cao, ngành công nghiệp công
nghệ cao, logistics và kinh tế biển. Việc tạo nên “sức hấp dẫn” từ công tác an
sinh (từ 4 an), thụ hưởng các chính sách từ nhà ở, việc làm (của 3 có) cho
người lao động nhập cư sẽ định hướng cho Đà Nẵng trở thành một thành phố “đáng
sống” không chỉ với “người Đà Nẵng mà còn là người các địa phương khác”, “không
chỉ người Việt Nam mà còn với người nước ngoài” với phong cách sống hội nhập
quốc tế để thu hút những cá nhân giàu có, tài năng và sáng tạo, có kỹ năng
nghề,… đến sống, làm việc, cống hiến và hưởng thụ.
Tóm lại, di cư trong những năm qua đã và đang trở thành sự lựa
chọn của người dân nhằm cải thiện kế sinh nhai và tạo cơ hội làm ăn cho
mình. Đặc biệt, trong và sau đại dịch Covid-19 càng cho chúng ta nhận thức
đúng, đầy đủ bức tranh chân thực của người di cư và lao động nhập cư đến các
thành phố lớn. Cần phải thừa nhận rằng, lao động nhập cư đến một thành phố
là một bộ phận tổ thành không thể thiếu,
càng rõ nét hơn khi đó là thành phố năng động, có “sức sống”. Di cư giúp phát
triển kinh tế bởi di cư sẽ giúp phân bổ lại nguồn lực lao động từ những nơi
thừa lao động sang những nơi cần lao động.
Lao động di
cư luôn đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, họ là những người lao
động và đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội chung. Thành phố Đà Nẵng
cần thực thi tốt các chính sách liên quan đến người di cư, lao động nhập cư và
đồng thời, trên cơ sở thực tiễn cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách
giúp lao động nhập cư tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ an sinh xã
hội. Có như thế mới có thể tận dụng tốt, hiệu quả nguồn lực từ lao động nhập
cư, góp phần thúc đẩy phát triển thành phố theo hướng bền vững, thực hiện tốt
Nghị quyết 43 của Bộ chính trị cũng như Nghị quyết Đại hội lần XXII của Thành
phố.
Đà Nẵng, ngày 20 tháng 7 năm 2022
[1] Trong những trường hợp cụ thể chúng tôi gọi
là “dân số”, “số dân”, “con người”.
[2] Cục
thống kê thành phố Đà Nẵng. Tham kiến tại: https://cucthongke.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?dinhdanh=171301&cat=3
[3]
Trao đổi với chúng tôi, một đồng chí lãnh đạo của Cục thống kê Đà Nẵng cũng đã
tâm sự và thừa nhận về vấn đề này. Nếu có thì hằng năm chỉ tính được tỷ suất nhập
cư trên toàn địa bàn (số lượng người nhập cư trên 1000 dân) chứ chưa có động
thái thống kê lực lượng lao động nhập cư bởi tính chất phức tạp và di biến động
của đối tượng này.
[4] Hải
Châu, Số
lượng người nhập cư vào Đà Nẵng có xu hướng tăng và sức ép vỡ cơ sở hạ tầng.
Tham kiến:
https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc-su-kien/so-luong-nguoi-nhap-cu-vao-da-nang-co-xu-huong-tang-va-suc-ep-vo-co-so-ha-tang/20201123030747005.
[5]
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Dẫn theo: Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng,
Thuyết minh điều chỉnh quy hoạch
chung thành phố đà nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[6] Ủy
ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Thuyết
minh điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đà nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến
năm 2045.
[7] Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng,
Thuyết minh điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đà nẵng đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045.
[8] Trước đây khi nghiên cứu đến vai trò của
dân số, người ta thường tiếp cận theo quan điểm “dân số và phát triển” (Population
In Development), nhưng hiện nay chủ yếu là quan điểm “dân số và phát triển”
(Population And Development), điều đó cho thấy, dân số không còn là nhân tố “chứa
trong” mà là yếu tố quan trọng, thúc đẩy và song hành, gắn chặt với sự phát triển
của một quốc gia, địa phương, thành phố.
[9] Đà Nẵng siết chặt kiểm tra người nước
ngoài nhập cảnh, Báo Nhân dân số ra ngày 26 tháng 7 năm 2020. Tham kiến:
https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/da-nang-siet-chat-kiem-tra-nguoi-nuoc-ngoai-nhap-canh-610063/
[10]
Macau là đặc khu hành chính của Trung Quốc, có diện tích 30,5 km2 và dân số khoảng
650.900 người. Macau nổi tiếng với những sòng bạc và được biết đến với cái
tên "Las Vegas của phương Đông". Ngoài ra, nơi đây còn có những địa
điểm vui chơi giải trí nổi tiếng, cùng nhiều di tích lịch sử thu hút khách du lịch.
Hơn 16 triệu du khách đã đến Macau trong năm 2014, có nghĩa là khoảng 25 khách
du lịch được chào đón bởi một người dân ở đây.
[11]
Monaco nằm ở Tây Âu, với diện tích hơn 2 km2 và có quy mô dân số khoảng
38.400 người. Monaco là một điểm du lịch nổi tiếng đắt đỏ. Nơi đây thu hút
du khách nhờ những sòng bạc lớn như Monte Carlo Bay, Le Grand và Sun. Mỗi năm,
một người dân Monaco đón khoảng 8,7 khách du lịch.
[12] Lượng khách du lịch đến Hội An năm 2019 ước
đạt 5,35 triệu lượt, tăng 5,24% so với cùng kỳ (khách quốc tế đạt 4 triệu lượt,
tăng 5,16%). Tham kiến: http://baoquangnam.vn/du-lich/nam-2019-hoi-an-don-535-trieu-luot-khach-du-lich-82873.html
[13] François Perroux (1903-1987), lý thuyết
“cực tăng trưởng” của ông ban đầu áp dụng trong lĩnh vực kinh tế sau đó là lĩnh
vực đô thị và quy hoạch đô thị. Các “cực tăng trưởng” hay các trung tâm tăng
trưởng thường được coi là đồng nghĩa với các thành phố hoặc các khu vực đô thị.
Điều đó là phổ biến vì trong hầu hết các trường hợp, các tiêu chuẩn được đưa ra
để xác định một trung tâm tăng trưởng đều là các đặc trưng của vùng đô thị.
[14] Growth Poles Theory (còn gọi là “hiệu
ứng lan tỏa” hay “hiệu ứng phân cực” : Lý thuyết này cho rằng, Một vùng không
có sự phát triển đồng đều ở mọi điểm trên lãnh thổ của nó theo cùng một thời
gian, mà có xu hướng phát triển mạnh ở một số điểm nào đó. Trong khi đó ở một số
nơi khác chậm phát triển hơn hoặc bị trì trệ. Các điểm phát triển mạnh và
nhanh này thường có ưu thế, lợi thế so với toàn vùng và được gọi là các cực
tăng trưởng (vị trí trung tâm).
[15]
Tham kiến: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/da-nang-tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-517784.html
[16]Tham
kiến: https://tapchigiaoduc.moet.gov.vn/vi/dao-tao-viec-lam/dao-tao-viec-lam/chinh-sach-viec-lam-cho-lao-dong-di-cu-55.html
[17] Tham kiến: https://cucthongke.danang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc?dinhdanh=179001&cat=3
[18] Theo tinh thần của Nghị định số
61/2015/NĐ-CP và Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH.
[19] Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của
Thủ tướng Chính phủ.
[20] Bỏ sổ hộ khẩu và quản lý đăng ký dân cư bằng mã số định danh, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tham kiến: http://dangcongsan.vn/thoi-su/de-xuat-bo-so-ho-khau-quan-ly-cong-dan-bang-ma-so-dinh-danh-555492.html
[21] Cổng
thông tin điện tử công an tỉnh Quảng Bình, Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả
công tác quản lý nhân khẩu tạm trú của Công an phường trên địa bàn tỉnh Quảng
Bình. Tham kiến: https://conganquangbinh.gov.vn/thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-hieu-qua-cong-tac-quan-ly-nhan-khau-tam-tru-cua-cong-an-phuong-tren-dia-ban-tinh-quang-binh/
Nhận xét
Đăng nhận xét