NGÔN NGỮ NÀO CHO HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP?

 

GIAO TIẾP XÃ HỘI: NGÔN NGỮ CÓ LỜI VÀ NGÔN NGỮ KHÔNG LỜI

Giao tiếp xã hội là quá trình mà chủ thể tương tác dựa vào các biểu tượng để tiến hành tương tác với người khác, đó là quá trình mà thông tin được truyền đi và nhận lại. Giao tiếp xã hội là quá trình cơ bản của tương tác xã hội, là nền tảng hình thành nên xã hội. Nói cách khác, bản chất của giao tiếp xã hội chính là quá trình trao đổi thông tin giữa con người với con người. Trong quá trình trao đổi thông tin, biểu tượng chính là phương tiện truyền dẫn. Tất cả những gì có thể truyền tải thông tin đều là một biểu tượng, tuy nhiên có hai loại chính là ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

1.      Giao tiếp đa ngôn ngữ

Năng lực sử dụng ngôn ngữ chính là sự khác biệt lớn giữa con người và loài vật. Theo quan điểm của K. Marx, sau lao động và cùng với lao động là ngôn ngữ, đó là hai nhân tố chủ yếu của sự chuyển biến bộ não loài vật thành bộ não loài người, từ tâm lý động vật thành ý thức xã hội. Nói cách khác, ngôn ngữ là một bộ phận trọng yếu trong văn hóa của nhân loại. Chính ngôn ngữ là công cụ chuyển tải thông tin hữu hiệu nhất, là kênh tích lũy kinh nghiệm và tri thức hữu dụng của con người. Trong giao tiếp ngôn ngữ có thể phân chia thành 3 dạng thức sau:

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ có thanh (có lời). Ngôn ngữ có thanh chủ yếu hàm chỉ ngôn ngữ miệng, cả hình thức trực tiếp và gián tiếp, cả hình thức nói và nghe, cả đối thoại và độc thoại. Đây là phương tiện để con người trao đổi thông tin, biểu đạt ý nghĩ, tư tưởng, sáng kiến. Đối với hình thức đối thoại đương nhiên phải có người nói, người nghe, người hỏi, người đáp, như vậy có tính tương tác, đối xứng giữa chủ thể và khách thể tương tác. Đối với hình thức độc thoại, không có tính đối xứng, chủ thể và khách thể không có sự tương tác, thậm chí không có môi trường rõ ràng.

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ không thanh (không lời). Giao tiếp bằng ngôn ngữ không thanh chủ yếu hàm chỉ thông qua các loại thư tịch, sách vở (trong thời đại ngày nay con người có sử dụng thành tựu của khoa học, công nghệ để số hóa) mà con người tiến hành giao tiếp, thu nhận tình cảm, thái độ, tư tưởng, kiến thức. Hình thức giao tiếp này gồm 2 loại chính là đối thoại và độc thoại. Đối thoại tức là thông tin thư tịch, sách vở mà con người tiến hành trao đổi thông tin, giao lưu. Hình thức đối thoại này ít bị hạn chế bởi không gian và thời gian, ít bị chế ước bởi yếu tố môi trường, hình thức này có thể biểu đạt những tư tưởng, tình cảm mà kiểu giao tiếp bằng lời khó có thể bộc lộ[1]. Kiểu giao tiếp độc thoại là một hình thức công khai trong giao tiếp xã hội, được chia thành hai nhóm đó là nhóm thông thường (công văn, tin tức, thời sự) và nhóm chuyên nghiệp (luận văn, luận án, các công trình nghiên cứu công bố trên tạp chí, sách). Cả hai loại này đều mang tính công chúng, công khai và mức độ “giao tiếp” của nó phụ thuộc vào trình độ, nhận thức, tâm thế của công chúng.

- Giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu (ám ngữ). Ngôn ngữ, nếu thể hiện ở các tiểu văn hóa, á văn hóa thì nó thường bị “mã hóa” thành những biểu tượng, hàm ý có ý nghĩa đặc thù nào đó, kiểu “mã hóa” này thường gọi là ám ngữ hay ẩn ngữ. Như đã nói, hình thức giao tiếp ám ngữ này chủ yếu thể hiện rõ nhất ở các á văn hóa hay hành vi lệch lạc trong các nhóm xã hội. Chẳng hạn, người bình thường sẽ không hiểu được các ám ngữ của nhóm phạm nhân, nhóm ăn xin, nhóm đánh bạc, nhóm giang hồ,... bởi nó được mã hóa thành những ký hiệu (có lời và không lời) mà “người ngoại đạo” không thể hiểu được. Đối với một nhóm nào đó, khi đã hình thành một hệ thống ám ngữ (mật hiệu) cũng là một “vỏ bọc” mang tính tự vệ, “tài sản” mang tính riêng tư, thậm chí thể hiện sức mạnh của “tổ chức”. Với tư cách là một ngôn ngữ trong giao tiếp, ám ngữ cũng có “sinh mệnh” của nó: phát sinh, phát triển, hoàn thiện, biến đổi, và có thể tiêu vong. Nhưng dù sao đây cũng là một hiện tượng xã hội trong đời sống xã hội, là một chủ đề nghiên cứu của nhiều khoa học, trong đó có xã hội học.

2.     Giao tiếp bằng ngôn ngữ không lời

Trong giao tiếp xã hội, ngoài loại ngôn ngữ còn có hình thức phi ngôn ngữ. Theo quan sát, nhiều trường hợp con người chỉ đối thoại bằng ngôn ngữ chiếm 10-15 phút, còn lại người ta sử dựng phương thức phi ngôn ngữ để giao tiếp chẳng hạn điệu bộ, ánh mắt, hiệu lệnh, tư thế. Thực tế cho thấy, không nhất thiết phải nói ra “hôm nay tôi buồn”, “hôm nay tôi vui”, “tôi không hài lòng cách hành xử đó của anh”, “tôi muốn anh phải làm lại điều này”,... nhưng chỉ cần thể hiện bằng ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ, là người khác cũng “hiểu” được trạng thái tâm lý và yêu cầu của đối phương.

Phi ngôn ngữ rất phong phú, đa dạng về hình thức biểu hiện nhưng chủ yếu quy về 3 loại: động thái, tĩnh thái và ngôn ngữ phụ trợ. Đối với hình thức động thái và tĩnh thái, chủ yếu thể hiện qua hình thức của cơ thể, lấy (ngôn ngữ) cơ thể để biểu đạt bằng những biểu tượng thay thế.

a). Trạng thái cơ thể (ngôn ngữ cơ thể)

Trong giao tiếp ngôn ngữ cơ thể (body language)[2] đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nó được biểu hiện bằng nhiều động thái và tĩnh thái khác nhau thông qua hệ thống biểu tượng. Ngôn ngữ cơ thể chủ yếu thể hiện thông qua một số bộ phận trên cơ thể:

Thứ nhất, thể hiện qua gương mặt. Mặt và những biểu hiện trên gương mặt là “công cụ” mà con người thường sử dụng để giao tiếp. Các trạng thái tình cảm như “hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ”[3] hay thái độ khi tiếp xúc với người khác, thông thường đều biểu hiện trên khuôn mặt. Dáng bộ của khuôn mặt là rất phong phú, đa dạng. Thông qua quá trình xã hội hóa, cá nhân có thể “đọc được” các biểu tượng trên khuôn mặt của người khác qua hành vi giao tiếp. Khi tiếp xúc với một nền văn hóa khác, ngoài ngôn ngữ có lời, ngôn ngữ không lời đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Thứ hai, thể hiện qua động tác tay chân. Theo các nghiên cứu lịch sử, động tác chân tay là “ngôn ngữ” được sử dụng rộng rãi trong các bộ lạc trước đây. Thậm chí, nhiều người khi giao lưu với người nước ngoài mà khả năng ngoại ngữ hạn chế còn sử dụng “thêm” các động tác chân tay để hỗ trợ[4]. Tác dụng của “ngôn ngữ” chân tay thể hiện ở một số trường hợp: (1) Thay thế cho ngôn ngữ có lời, chẳng hạn trường hợp người khiếm thính; (2) Có thể sử dụng hỗ trợ để nhấn mạnh một vấn đề nào đó trong giao tiếp; (3) Biểu thị tinh thần trong giao tiếp, cung cấp những thông điệp nhất định; (4) Làm sinh động hơn trong giao tiếp, nhất là nói trước công chúng, thuyết trình, hùng biện.

Thứ ba, thể hiện qua ánh mắt. Trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng “án mắt” đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Đôi mắt mà cụ thể là ánh mắt là công cụ truyền tải thông tin trong giao tiếp cho nên không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, thậm chí còn gọi là “nhãn thần”: một ánh mắt thể hiện niềm yêu thương, lòng nhân ái; một ánh mắt thể hiện sự căm ghét, sự thù hận; một ánh mắt truyền tải những thông điệp tình yêu[5] mà cần người đối diện phải đọc được biểu tượng của ánh mắt mới hiểu được. Cần nói thêm rằng, ý nghĩa xã hội của ngôn ngữ ánh mắt sẽ thay đổi và hàm ý khác nhau khi thời gian tiếp xúc, cường độ, vai trò, thời điểm, đối tượng khác nhau.

Thứ tư, thể hiện qua tiếp xúc. Hành vi tiếp xúc bao gồm cái bắt tay, vỗ vai, hôn, ôm,…Đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, văn hóa, dân tộc, giới tính, tôn giáo khác nhau thì ý nghĩa, phương thức thể hiện của ngôn ngữ tiếp xúc cũng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Chẳng hạn, cái vỗ vai của dân tộc này là sự động viên, khích lệ nhưng đối với dân tộc khác là sự xem thường, kích bác; cũng cái vỗ vai nhưng đối với người lớn vỗ vai người nhỏ tuổi thì xem là sự động viên, nhưng người nhỏ tuổi vỗ vai người lớn đôi khi bị xem là sự vô lễ; động tác ôm hôn ở quốc gia này là hành vi chào hỏi, nhưng ở quốc gia khác thể hiện tình yêu nam nữ; đối với một số tôn giáo, khi bắt tay (nhất là người khác giới) là điều cấm kỵ, nhưng đối với một số tôn giáo khác (hoặc không tôn giáo) thì đó chỉ là phép xã giao,…

Thứ năm, thể hiện qua hình dáng, điệu bộ cơ thể. Các tư thế của cơ thể như đứng thẳng, cúi lưng, cúi đầu, ngồi xổm, gật đầu, ngưỡng cổ đều là những ngôn ngữ có ý nghĩa nhất định. Chẳng hạn, trong giao tiếp hai bên có thể quan sát sự biểu hiện về tư thế cơ thể của nhau để hiểu được trạng thái tâm lý và ý nghĩ của đối phương. Rõ ràng, quá trình này cần thông qua một quá trình xã hội hóa cá nhân trong một môi trường xã hội nhất định mới có được. Một người rụt rè, tò mò, hiếu kỳ, e thẹn, dũng mãnh, chủ động, thụ động, nội tâm, ngoại hướng, hân hoan, cự tuyệt,… đều có thể “đọc được” thông qua điệu bộ, ngôn ngữ cơ thể của anh ta.

Thứ sáu, thể hiện qua khoảng cách lúc giao tiếp. Trong giao tiếp xã hội, khoảng cách cũng chính là một biểu tượng có ý nghĩa, thông điệp nhất định. Khoảng cách trong giao tiếp thể hiện mức độ thân-sơ, cấp bậc, thứ bậc của các cá nhân. Nghiên cứu về khoảng cách giao tiếp, thông thường người ta chia thành các loại: (1) Khoảng cách thân mật, là khoảng cách mà các đối tượng giao tiếp cách nhau khoảng 0-45cm. Đây là cự ly mà các đối tượng giao tiếp thể hiện sự thân mật nhằm an ủi, bảo vệ, ân ái,…Từ bản chất của giao tiếp mà nói, đây là hành vi giao tiếp thân mật nhất. (2) Khoảng cách cá nhân, là khoảng cách mà các đối tượng giao tiếp cách nhau từ 45-120. Đây là cự ly thích hợp đối với bạn bè, người thân, người yêu (trong trường hợp nơi công cộng). Trong trường hợp này, nếu sử dụng ngôn ngữ có lời thì chỉ ở mức nhỏ nhất. (3) Khoảng cách xã hội, khoảng 120-350 cm. Khoảng cách này thường sử dụng đối với đồng nghiệp, trong giao tiếp thông thường giữa người với người. (4) Khoảng cách công cộng, khoảng 350em trở lên. Thường ở các trường hợp giáo viên lên lớp (bục giảng), biểu diễn văn nghệ, các buổi họp đông người, nói trước công chúng. Thông thường đây là khoảng cách giao tiếp giữa người với cộng đồng, nhóm lớn.

Trong giao tiếp thực tế không phải lúc nào cũng “tuân thủ” các khoảng cách như trên mà tùy tình hình, trường hợp, bối cảnh; tùy khuôn mẫu xã hội, giới tính, địa vị xã hội mà có thể linh hoạt.

b). Ngôn ngữ phụ trợ

Trong giao tiếp, từ thanh điệu, âm lượng, tốc độ, tần suất đến cá ho khan, lời thở dài đều là những ngôn ngữ phụ trợ đắc lực, có ý nghĩa tu sức, nhấn mạnh, bổ sung và làm đa dạng hóa ngữ nghĩa. Trong thực tế, có lúc “nói cái gì” không quan trọng bằng “nói như thế nào”. Chẳng hạn, khi nói “em ghét anh” bằng một ngữ điệu nào đó lại thể hiện tình cảm thân thương; khi nói “cảm ơn” bằng một giọng lạnh lùng lại thể hiện sự giận dữ, oán ghét. Như vậy, các ngôn ngữ phụ trợ đã biến những câu nói có hàm ý tốt/xấu, khen/chê trở thành hàm ý xấu/tốt, chê/khen và ngược lại. Trong nhiều nghiên cứu, nắm bắt được ngôn ngữ phụ trợ chẳng những giúp ít cho người giao tiếp hiểu được thông điệp của đối phương mà còn áp dụng trong công tác nghiên cứu tâm lý, điều tra tội phạm. Chẳng hạn, cũng trình bày một vấn đề nhưng khi một cá nhân nói dối thường có ngữ điệu khác hơn, âm điệu cao hơn lúc nói bình thường.

TS. Phạm Đi

 



[1] Chẳng hạn: Trong một lá thư viết bằng tay, người ta có thể dễ dàng “bộc lộ” tình cảm, ý nghĩ hơn là “mặt đối mặt”; Khi “chat” trên mạng xã hội thì người ta có xu hướng “mạnh dạn” hơn khi trực tiếp tiếp xúc. Do đó, kiểu giao tiếp không lời này được nhiều người sử dụng, thậm chí yêu thích.

[2] Xem thêm: Allan và Barban Pease, Cuốn Sách Hoàn Hảo Về Ngôn Ngữ Cơ Thể - Body Language , Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tái bản năm 2018.

[3] Tức là: Mừng rỡ, giận dữ, yêu thương, căm ghét, buồn bã, vui vẻ, sợ hãi.

[4] Tác giả có thời gian đi du học nước ngoài, trong thời gian đó đã chứng kiến nhiều du học sinh Việt Nam, do ngoại ngữ chưa tốt (mới sang) nhưng phải giao tiếp, lúc đó việc sử dụng ngôn ngữ “chân tay” trở thành công cụ hữu hiệu. Có trường hợp, họ “nói chuyện” hàng giờ cũng chỉ bằng ngôn ngữ cơ thể.

[5] Trong bài thơ “Em bảo anh đi đi” có đoạn:

Em bảo: "Anh đi đi"

Sao anh không đứng lại?

Em bảo: "Anh đừng đợi"

Sao anh vội về ngay?

Lời nói thoảng gió bay

Đôi mắt huyền đẫm lệ

Mà sao anh dại thế

Không nhìn vào mắt em

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ