CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
XÁC LẬP CHỦ QUYỀN QUỐC GIA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG: CƠ SỞ PHÁP LÝ VỮNG CHẮC ĐỂ ĐẤU TRANH, PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI,
THÙ ĐỊCH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Establishing national sovereignty in cyberspace: A solid legal basis for
fighting and refuting wrong and hostile views in the new situation
Tóm tắt: Chủ quyền quốc gia luôn gắn với quá trình lịch sử và có tính lịch sử.
Cùng với sự tiến bộ và sự phát triển nhanh chóng các nền tảng công nghệ, nội
hàm của “chủ quyền quốc gia” cũng phải được bổ sung, hoàn thiện. Nếu như trước
đây “chủ quyền quốc gia” được giới định bằng vùng đất, vùng trời, vùng biển-hải
đảo và sau đó đến “không gian thứ tư”: không gian vũ trụ, thì ngày nay với xu
thế của kinh tế số, xã hội số,…chủ quyền quốc gia phải được bổ sung “không gian
thứ năm”: không gian mạng. Bài viết phân tích một số vấn đề lý luận-thực tiễn,
tính tất yếu, quan điểm, giải pháp để xác lập và tuyên bố chủ quyền quốc gia
trên không gian mạng làm căn cứ pháp lý cho việc đấu tranh phản bác các quan điểm
sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong bối cảnh mới.
Abstract: National sovereignty is always
associated with historical and historical processes. Along with the progress
and rapid development of technology platforms, the content of "national
sovereignty" must also be supplemented and perfected. If in the past
"national sovereignty" was defined by land, airspace, sea-island and
then "fourth space": outer space, today with the trend of economy
digital, digital society, etc., national sovereignty must be supplemented with
a "fifth space": cyberspace. The article analyzes a number of
theoretical-practical issues, inevitability, viewpoints, and solutions to
establish and declare national sovereignty in cyberspace as a legal basis for the
struggle against these views. wrong and hostile points, contributing to firmly
defending the Fatherland in the new context.
Từ khóa: Chủ quyền quốc gia, Không gian mạng, Không gian thứ năm
Key words: National Sovereignty, Cyberspace, Fifth
Space
1. Đặt vấn đề
Cùng với
sự phát triển của khoa học công nghệ, không gian mạng (Cyberspace) đã thực sự
trở thành nơi giao tiếp, kết nối, trao đổi[1]
(kể cả trao đổi, mua bán hàng hóa) không thể thiếu thiếu đối với mỗi người cũng
như cộng đồng. Mô thức tương tác này như một xung lực tác động trực tiếp đến hoạt
động sống của con người, chi phối mạnh mẽ hành vi của cá nhân, cộng động.
Trên
bình diện quốc gia với cách tiếp cận đa chiều nhìn nhận, không gian mạng và
tương tác trên không gian mạng là một xu thế tất yếu, vừa có tính tích cực, vừa
có tính tiêu cực. Vấn đề là ở chỗ, quyền xác lập các “hàng rào kỹ thuật” gắn với
đó là các nguyên tắc, quy tắc, luật pháp và quyền phát ngôn, tài phán của quốc
gia để hình thành “chủ quyền không gian mạng” cần phải được các nước và cộng đồng
quốc tế thừa nhận và tôn trọng. Hiện tại, “chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”
là một khái niệm, lĩnh vực tương đối mới mẽ. Khi xác lập được chủ quyền quốc
gia trên không gian mạng, mỗi quốc gia có quyền tài phán, quyền bình đẳng với
các quốc gia khác. Đó là căn cứ pháp lý-chính trị quan trọng để giải quyết một
số vấn đề có liên quan, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị; bảo vệ
hình thái ý thức, hệ tư tưởng của một thể chế chính trị; bảo vệ toàn vẹn lãnh
thổ quốc gia.
2. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ quyền
quốc gia trên không gian mạng
Có nhiều
cách hiểu khác nhau về “không gian mạng” nhưng theo chúng tôi, cách hiểu sau
đây mang tính bao quát và gắn với thực tiễn nhất: “Không gian mạng là mạng lưới kết nối
của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet,
mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở
dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi
không gian và thời gian”[2]. Mặc dù không gian mạng “không giới hạn bởi không gian và thời gian” nhưng
luôn phải gắn với sự quản lý và kiểm soát của chính phủ mỗi nước bởi không có
cái gọi là “không gian mạng” chung chung mà phải gắn với chủ thể được xác định
của nó tức là “không gian mạng quốc gia”[3].
Không gian mạng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống thường nhật
cũng như trong hoạt động sản xuất, trao đổi của con người. Đặc biệt, trong việc
xác lập “giới hạn” và chủ quyền của quốc gia, “không gian mạng” đã trở thành một
“không gian thứ năm” (sau “không gian trên đất liền”, “không gian vùng trời”, “không
gian vùng biển và hải đảo”, “không gian vũ trụ”[4]). Đối với các khái niệm “lãnh hải”, “lãnh thổ” thì đã quá quen thuộc với chúng
ta nhưng “không gian thứ năm” quả thực không phải ai cũng ý thức được đó là một
thứ “chủ quyền” cần phải xác lập bởi tính mới mẽ và phức tạp của nó. Muốn nhận
thức “chủ quyền quốc gian trên không gian mạng” thì trước hết phải tìm hiểu các
tính chất, đặc trưng của “không gian mạng”.
Thứ nhất, không gian mạng
có tính kỹ thuật, được xác lập trên những quy tắc
và tiêu chuẩn kỹ thuật đã được mã hóa (coding) bởi chương trình, phần mềm, tổ hợp
trên nền tảng của công nghệ thông tin và truyền thông (Information and
Communication Technology - ICT) và truyền tải bằng mạng lưới Internet theo các
bộ giao thức TCP/IP để trao đổi, lưu trữ dữ liệu. Như vậy, ai nắm được quyền kiểm
soát hệ mã hóa cũng đồng nghĩa với khống chế được nguồn tài nguyên mạng. Nói
cách khác, một quốc gia có quyền chế định và quản lý mã hóa (coding) và nền tảng
ICT tốt thì có đủ năng lực để bảo vệ tài
nguyên số của chính mình, thậm chí khống chế thông tin từ quốc gia khác. Như vậy,
tính kỹ thuật là tính chất cực kỳ quan trọng của không gian mạng thể hiện không
chỉ ở các chương trình mã hóa, giao thức, tiêu chuẩn kỹ thuật và trật tự hoạt động
của không gian mạng mà còn liên quan đến an ninh quốc gia, lợi ích kinh tế và
chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Thứ hai, không gian mạng
có tính ảo (còn gọi là “không gian ảo”). Các mô hình tham chiếu kết nối các hệ thống mở (Open Systems
Interconnection Reference Model – OSI) cũng không tồn tại trong xã hội “thực”,
do đó, khi tương tác trên mạng xã hội thì các vai trò, vị thế của mỗi cá nhân,
nhóm cũng có thể là những “con người ảo” và hình thành nên “thế giới ảo”. Chính
lẽ đó, không ít “con người thật” đã lợi dụng “tính ảo” của mạng xã hội để làm
sai lệch các dữ liệu, phá hoại hệ thống kết cấu dữ liệu bằng các hoạt động bất
hợp pháp, phạm tội mà luôn biện minh cho hành động của mình là “hợp lệ”, “hợp
pháp” hoặc chí ít là “không vi phạm chủ quyền của nước khác”. Do đó, không ít
cá nhân, tổ chức lợi dụng tính chất này của không gian mạng để đã kích, bôi nhọ,
phản bác, kích động, lôi kéo, nói xấu thậm chí đánh phá, tấn công mạng để làm sụp
đổ hệ thống thông tin của quốc gia khác. Nhìn lại diễn biến xung đột quân sự giữa
Nga và Ucraina thời gian qua cho thấy, cuộc chiến “thật” trên chiến trường và
cuộc chiến “ảo” trên không gian mạng đang “song hành” với nhau và không kém phần
ác liệt. Đương nhiên, tính sát thương của “cuộc chiến ảo” với cả những tin đồn,
thông tin định hướng dư luận xã hội không “thua kém” gì với cuộc chiến thực địa.
Thậm chí sự cáo buộc nhau giữa hai bên về động thái “phá họa” nền tảng truyền
thông như các trang Web chính thống; các thông tin mang tính nhiễu loạn trên “mặt
trận thứ năm” làm thui chột tinh thần, ý chí chiếu đấu của mỗi bên.
Thứ ba, không gian mạng
có tính mở (tính “vượt biên giới cứng”). Ngay trong
định nghĩa ở trên cũng đã cho thấy “tính không bị giới hạn” về thời gian và
không gian của không gian mạng. Con người có thể thoải mái tìm hiểu, tương tác,
trao đổi, mua sắm trên các nền tảng trực tuyến mà không bị hạn chế bởi giới
tính, tuổi tác, tín ngưỡng, quốc tịch,… Tính chất mở và không giới hạn của
không gian mạng vừa là một “thuận lợi” nhưng cũng là thách thức lớn, nhất là ở
giác độ quản lý xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người và an ninh mạng. Ngay
cả các quốc gia khởi nguồn mạng Internet cũng luôn lo lắng về quyền tự do và
“tính mở” của nó. Điều đáng nói, không ít quốc gia luôn tìm cách cổ xúy cho cái
quyền tự do trên không gian mạng để tìm cách khống chế, hạn chế quyền bình đẳng,
tự quyết, tài phán của quốc gia khác trên nền tảng ICT và TCP/IP và đi đến chủ
thuyết “phi chủ quyền hóa” (De-sovertization) trên các nền tảng truyền thông mạng
mà chúng ta thường gọi là “thế giới ảo”. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hình
thành các “hàng rào kỹ thuật” và các giải pháp mang tính pháp lý để bảo vệ
“không gian thứ năm”, giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề nảy sinh, góp
phần ổn định trật tự xã hội[5]. Việc ban hành Luật An ninh mạnh
là một động thái tích cực, kịp thời của chúng ta để vừa làm căn cư pháp lý xử
lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng, vừa là “hàng rào kỹ thuật” để bảo
vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.
Những phân tích trên có thấy, thiết lập để đi đến “đòi độc lập” giữa không
gian mạng (không gian ảo) và không gian xã hội (không gian thật); tách bạch
không gian truyền thống (vùng đất, vùng trời, vùng biển, vùng hải đảo,...) với
không gian phi truyền thống[6] (không gian mạng) là hoàn toàn phi lý và không có sở sở. Nói cách khác,
tách “không gian mạng” ra khỏi phạm vi quản lý của Nhà nước và Chính phủ là
hoàn toàn thiếu căn cứ lý luận và thực tiễn[7]. Bởi dù “xã hội ảo”, “thế giới ảo” thì cũng là các hành động, hành vi “có
thật” trong “xã hội hiện thực” của một “hiện thực xã hội” trong một thời gian
thật. Do đó, cần phải được xác lập và chịu chi phối bởi các quy tắc, chuẩn mực,
chuẩn tắc của luật pháp. Không gian mạng không thể (và không bao giờ) sẽ trở
thành một “xã hội độc lập”, “vương quốc độc lập” như một số “chủ thuyết” đã rêu
rao và “hợp thức hóa” cho các hành vi tội phạm mạng, tấn công mạng, khủng bố mạng,
gián điệp mạng,... mà (và chắc chắn phải là) luôn bị giới hạn và chế ước bởi một
nhà nước, một chính phủ nhất định gắn với quy định, luật pháp, chế tài và hình
thành một thứ chủ quyền được xác lập và thừa nhận: chủ quyền quốc gia trên
không gian mạng để xử lý các tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, bảo vệ không
gian mạng quốc gia[8].
3. Nhận diện quan điểm thiên lệch, méo mó nhằm phủ nhận chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng
Chúng ta
thừa nhận một điều hiển nhiên là, chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán
là quyền lực tối cao của một quốc gia. Trong đó, quyền độc lập (Right of
Independence) là một trong những “quyền tối cao” mà mỗi quốc gia có được để tự
giải quyết các vấn đề nảy sinh mà không chịu sự chi phối, khống chế, can dự của
bất cứ thế lực nào. Trong không gian mạng, quyền này được biểu hiện: (1) Hệ thống
mạng (bao gồm cả các nền tảng ICT) của mỗi quốc gia có thể hoạt động độc lập mà
không bị các quốc gia khác kiểm soát, can thiệp; (2) Mỗi quốc gia, tùy theo
tình hình thực tiễn và các quy định hiện hữu của thể chế, có thể quyết định một
cách độc lập việc duy trì kết nối với mạng quốc tế (hay không) mà không bị hạn
chế bởi bất cứ thế lực khác; (3) Trên cơ sở không ảnh hưởng đến kết nối quốc tế,
các quốc gia có quyền xây dựng, hình thành các chính sách an ninh mạng một cách
độc lập; cho phép hoặc không cho phép (cấm) những hành vi thực hiện trên không
gian mạng (ví dụ cấm tổ chức, hoạt động, xúi dục, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện,
người hay tổ chức chống lại Nhà nước; đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang
trong công chúng, gây thiệt hại về kinh tế-xã hội, gây suy giảm niềm tin xã hội,
chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,...).
Thực tế
cho thấy, thời gian qua các thế lực thù địch đã vi phạm một cách nghiêm trọng về
“quyền độc lập” của quốc gia trên không gian mạng. Khi chúng ta xây dựng và ban
hành Luật An ninh mạng thì không ít bài viết, luận điệu chống phá, cản trở thậm
chí “bôi đen”, vu khống nhằm tạo ra nhận thức sai lệch, “diễn biến” tình hình không có tự do nói chung, tự
do trên không gian mạng nói riêng[9]
và tự cho phép cho các phần tử xấu “hợp thức hóa” những hành vi sai trái của
mình như tấn công mạng, khủng bố mạng,...
Song
song với đó, các thế lực thù địch không ngừng vu khoát rằng, Việt Nam không tôn
trọng quyền tự do con người, quyền tự do phát ngôn trên không gian mạng và hình
thành “luật chơi riêng”[10].
Họ đã quên (và cố tình quên) rằng, quyền “độc lập” cho phép các quốc gia chế định
các chính sách nhằm đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia
trên không gian mạng. Đương nhiên, các chính sách này gắn với các quy định, chế
ước của luật pháp và Luật An ninh mạng chỉ là một trong nhiều biện pháp mà
thôi.
Bên cạnh
đó, chúng ta không khó để nhận ra rằng, với quan điểm không gian mạng là “sản vật
chung mang tính toàn cầu” (tài sản chung) mà tất cả những người sử dụng sẽ hình
thành một cộng đồng mạng toàn cầu, từ đó hình thành khái niệm (thậm chí là học
thuyết) về “Công dân toàn cầu”, “Cộng đồng toàn cầu” (Global Commons)[11] và nhấn
mạnh đến tính “tự do” (một cách tuyệt đối) trên không gian mạng. Quan điểm “cộng
đồng toàn cầu” cho rằng, không gian mạng cũng giống như đại dương, vũ trụ nên là
“của chung”; nhà nước và chính phủ của mỗi quốc gia không có quyền can thiệp
vào các hoạt động trên không gian mạng (tức không có “chủ quyền trên không gian
mạng”). Rõ ràng, “cái lý” trên không có giá trị và cơ sở để tồn tại. Vì sao”? Trước hết, không gian mạng và tất cả hạ
tầng mạng gắn với ICT là do con người nghiên cứu, phát minh, sáng tạo và sử dụng
để phục vụ cho tiến trình phát triển của nhân loại, nó không phải là “tài sản
chung” hay di sản mang tính quốc tế (common heritage or international
patrimony); thứ hai, do điều kiện và
trình độ phát triển của khoa học, kỹ thuật gắn với nền tảng ICT tiên tiến, một
số quốc gia phát triển có tính ưu trội trong kiểm soát không gian mạng quốc tế,
nhưng không phải vì thế mà không gian mạng không thuộc quyền tài phán của mỗi
quốc gia có chủ quyền. Thậm chí, trên phạm vi thế giới, đa số mạng toàn cầu do
các công ty tư nhân kiểm soát đi chăng nữa thì cũng không phải là cơ sở pháp lý
để phủ nhận quyền lực nhà nước trong việc điều hành không gian mạng, phủ nhận
chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Chỉ có những thế lực đi rêu rao và tự
cho mình sử dụng cái “tài sản chung” đó luôn muốn quốc gia khác là “thuộc địa số”
(Digital colony) của mình, nếu không nắm được chủ quyền quốc gia trên không
gian mạng cũng có thể mất kiểm soát trên một số lĩnh vực khác. Hơn thế nữa, do
tính chất phức tạp của hoạt động kiểm soát không gian mạng (kể cả khách quan và
chủ quan; tính chất và quy mô; trình độ và năng lực; luật pháp và đạo đức,...)
nên các thế lực thù địch không ngần ngại “khuyên” các quốc gia từ bỏ quyền tài
phán của mình trên không gian mạng.
Một mặt
phủ nhận vai trò, quyền hành xử của mỗi quốc gia trên không gian mạng với lý luận
“tài sản chung” nhưng đồng thời cũng tiến hành xác lập hệ thống luật pháp để quản
lý và tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng, tuyên bố “Chiến lược an ninh mạng”
và mở rộng quyền “bá chủ địa lý” không gian mạng để biến nhiều quốc gia trở
thành thuộc địa mạng và mất chủ quyền số[12].
Đó là điều hết sức nguy hiểm và là một kiểu “diễn biến” phức tạp, tinh xảo.
4. Một số biện pháp hoàn thiện khuôn
khổ pháp lý về chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng
4.1. Quan điểm, căn cứ về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng
Tất cả các nước (không tính đến quy mô lãnh thổ,
quy mô dân số hay chế độ xã hội) đều có chủ quyền quốc gia. Theo đó, trong thời
đại công nghệ số và mạng lưới Internet phủ sóng toàn cầu như hiện nay, mọi quốc
gia đều có chủ quyền của mình trên không gian mạng và được các quốc gia khác
tôn trọng. Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng bao gồm nhiều quyền khác
nhau nhưng chủ yếu tập trung vào các quyền cơ bản là: quyền độc lập (Right of
Independence); quyền bình đẳng (Right of Equality); quyền tài phán (Right of
Jurisdiction) và quyền tự vệ (Right of
Self-defence).
Thứ nhất,
quyền độc lập xác lập quyền tự quyết đối với
các vấn đề đối nội và đối ngoại của mỗi quốc gia mà không bị bất kỳ sự kiểm
soát và can thiệp nào từ các thế lực bên ngoài. Mạng Internet của quốc gia có
thể được vận hành một cách độc lập và thậm chí tự quyết có kết nối với mạng quốc
tế hay không. Quốc gia có quyền hình thành hệ thống phòng vệ nội bộ để kiểm
soát an ninh trên toàn bộ không gian mạng. Kể cả các hoạt động kinh tế đến văn
hóa, giải trí hay chính trị mà không chịu chi phối bởi bất kỳ thế lực nào.
Thứ hai,
quyền bình đẳng xác lập mỗi quốc gia có
đủ tư cách, vị thế trong quan hệ quốc tế một cách bình đẳng và đồng thời được
thụ hưởng quyền bình đẳng theo quy định của luật pháp quốc tế. Trên một phương
diện nào đó nhìn nhận, quyền bình đẳng là sự “mở rộng” của quyền độc lập dân tộc
và là biểu hiện trực tiếp của chủ quyền quốc gia. Trên không gian mạng, quyền
bình đẳng quốc gia được thể hiện: (1) Tất cả các quốc gia đều bình đẳng trên
không gian mạng. Quốc gia này có quyền chế định chính sách, luật pháp để đảm bảo
an ninh mạng thì không thể phủ nhận vai trò, vị thế của quốc gia khác về vấn đề
tương tự; (2) Tất cả các quốc gia trên thế giới không có quyền “quản lý” mạng
lưới Innernet toàn cầu và buộc quốc gia khác phải phục tùng. Ngược lại, các quốc
gia đều bình đẳng trong quản trị quốc tế về không gian mạng (kể cả tội phạm mạng
mang tính quốc tế) và thực hiện quyền quản lý của mình để bảo vệ chủ quyền quốc
gia của mình.
Thứ ba,
quyền tài phán đảm bảo cho quốc gia
thông qua các biện pháp khác nhau như lập pháp, hành pháp, tư pháp để kiểm soát
và xử lý các hành vi của cá nhân, nhóm, tổ chức (trong và ngoài lãnh thổ quốc
gia) khi xâm hại đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của quốc gia trên tất cả
các lĩnh vực của đời sống. Đương nhiên, bao gồm cả các hoạt động trên không gian
mạng có nguy cơ đe dọa đến an ninh mạng, an ninh con người, an ninh quốc gia.
Thứ tư,
quyền tự vệ xác lập quyền chống lại các
cuộc tấn công làm tổn hại đến sự an toàn, an ninh quốc gia. Thực hiện quyền tự
vệ trên không gian mạng là quốc gia có quyền đưa ra các biện pháp, công cụ để
chống lại các cuộc tấn công nhằm vào mạng lưới Internet và hạ tầng mạng của
mình; lực lượng an ninh mạng có quyền tự vệ, phòng thủ và hóa giải các “cuộc tấn công
mạng, khủng bố mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố, tấn công, xâm nhập,
chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại
hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”[13].
Như vậy,
việc xác lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vừa thể hiện các quyền “tự
nhiên” được thế giới công nhận, đồng thời thể hiện tính tự chủ, tính chính
đáng, tính tất yếu, tính thực tiễn, tính khả dụng, tính thông lệ và không có
rào cản hay thế lực nào có thể ngăn cản, chi phối.
Không phải
ngẫu nhiên mà các thế lực thù địch luôn lợi dụng không gian mạng để bôi nhọ,
nói xấu, bóp méo thậm chí công kích, chống phá nhằm từng bước phủ nhận thành quả
cách mạng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận thành quả đổi mới và
phát triển, phủ nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của Việt Nam. Bởi lẽ, chỉ
cần phủ nhận chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thì họ có thể phủ nhận vai
trò, vị trí và quyền kiểm soát của chúng ta về các phát ngôn, hành xử trên nền
tảng truyền thông số; phủ nhận quyền độc lập, tự chủ, quyền tài phán của quốc
gia về “không gian thứ năm” và từng bước biến quốc gia khác trở thành “thuộc địa
số” cho các cường quốc về công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, việc xác lập chủ
quyền quốc gia trên không gian mạng là rất cần thiết và mang tính cấp bách, tính
sống còn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
4.2. Một số biện pháp xác lập và bảo vệ quyền quốc gia
trên không gian mạng
Xác lập,
tuyên bố và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một quá trình hết
sức khó khăn nhưng dù khó mấy cũng phải tiến hành. Bởi trong thời đại công nghệ
số, xã hội số và kinh tế số như hiện nay thì an minh mạng, với tư cách là dạng
an ninh phi truyền thống, là lĩnh vực rất quan trọng. Không phải ngẫu nhiên mà
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ
vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ
Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính
trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh
mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến
tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất
lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại
mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”[14]. Điều đó có nghĩa là, để đấu tranh làm thất
bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thì cần phải đảm
bảo an ninh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có an ninh mạng.
Muốn đảm bảo an ninh mạng thì chắc chắn phải xác lập, củng cố, tuyên bố, bảo vệ
chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Để làm được điều đó, trước mắt cần
tiến hành một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục kiện toàn và hoàn thiện hệ
thống pháp luật, tăng cường quản lý không gian mạng. Muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không
gian mạng thì trước hết phải kiện toàn cơ sở chính trị-pháp lý. Cùng với sự
phát triển nhanh chóng của các nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông thì
bài toán quản lý cần phải xác lập và kiện toàn. Vấn đề là, phải căn cứ vào tình
hình thực tiễn và bảo đảm hài hòa lợi ích kinh tế với quốc phòng, an ninh; giữa
lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích của doanh nghiệp và những ngành
nghề có liên quan mà tiến hành chế định hệ thống luật pháp tương ứng[15],… Với nước ta, mặc dù Luật An ninh mạng đã
được ban hành nhưng chưa phải đã “phủ sóng” toàn bộ các hành vi trên không gian
mạng. Đặc biệt, đó chưa phải là “bản tuyên ngôn” về chủ quyền quốc gia trên
không gian mạng[16] mà ít nhất là phải khẳng định tính tự chủ, tính bình
đẳng; đảm bảo nguyên tắc về quyền độc lập, quyền tài phán, quyền tự vệ trên
không gian mạng[17]. Bên cạnh “công cụ chính trị” thì “công cụ
hành chính” cũng rất quan trọng đối với quản lý không gian mạng. Cơ quan nhà
nước tiến hành ngăn ngừa, kiểm soát các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết
tốt các vấn đề xã hội diễn ra trên không gian mạng (lừa đảo, mua bán người;
đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy; xâm hại đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng; làm
sai lệch các kết quả và thành quả phòng chống Covid-19 của chúng ta; tổ chức
hoạt động cấu kết, xúi giục, lôi kéo cá nhân, tổ chức chống phá Nhà nước,…).
Tất cả những hành vi đó, có thể điều chỉnh bằng công cụ hành chính. Nói cách
khác, hoạt động lập pháp và các biện pháp hành chính tương ứng là bộ phận không
thể thiếu trong xây dựng, kiện toàn hệ thống pháp luật nói chung, luật pháp về
không gian mạng nói riêng.
Hai là, tăng cường hợp tác quốc tế trong công
tác phòng, chống tội phạm mạng một cách hiệu quả. Cần phải lưu ý và ý thức rằng, một trong
những biện pháp để “tuyên bố chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” là hợp
tác quốc tế. Như đã phân tích, không gian mạng có tính “xuyên biên giới” và như
vậy, nếu chỉ “khu trú” trong nội tại của một quốc gia thì khó có thể thực hiện
quyền tài phán một cách đầy đủ. Chẳng hạn, tội phạm mạng có đặc điểm không
giống với các loại tội phạm xuyên quốc gia truyền thống nên nếu không có biện
pháp đặc thù và hợp tác quốc tế thì khó có thể ngăn chặn, xử lý một cách kịp
thời, hiệu quả.
Song song với việc tăng cường hợp tác quốc tế
cần phải điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về an
ninh mạng từng bước phù hợp, tương thích với các tuyên bố quốc tế về phòng
chống tội phạm mạng. Nói cách khác, tăng cường hợp tác quốc tế, ngoài việc tiến
hành xây dựng cơ chế, chính sách để đẩy mạnh hợp tác giữa tổ chức, cá nhân Việt
Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài, các tổ chức quốc tế về an ninh mạng,… thì
cũng cần nghiên cứu hình thành các cơ quan tư pháp tương ứng (thậm chí đề xuất
tham gia vào các tổ chức quốc tế về phòng chống tội phạm mạng) để xử lý các
hành vi xâm phạm an ninh mạng quốc gia. Động thái đó cũng góp phần khẳng định
chủ quyền quốc gia trên “không gian thứ năm” của một quốc gia độc lập như Việt
Nam.
Ba là, xác lập và thực hiện quyền tài phán
quốc gia đối với nguồn thông tin, không gian số và nguồn tài nguyên số. Thời đại số gắn với các khái niệm mới như
“dữ liệu lớn”, “thành phố thông minh”, “trí tuệ nhân tạo”, “thương mại điện
tử”, “Internet kết nối vạn vật”, “kết nối thực tế-ảo”,… Tất cả những lĩnh vực
này có nhiều điểm khác nhau nhưng mẫu số chung là “thông tin” (được mã hóa
coding). “Thông tin” được ví như “chất dầu nhớt” bôi trơn toàn bộ “cỗ máy số”,
do đó, vấn đề an ninh, an toàn thông tin đã thực sự trở thành một bộ phận cấu
thành quan trọng trong an ninh quốc gia. Thực tế cho thấy, một sự “rò rỉ” về
thông tin trên mạng có thể kéo theo sự sụp đỗ của cả hệ thống tài chính, có thể
gây nên sự bất ổn xã hội, thậm chí làm suy yếu khả năng phòng vệ quốc phòng của
của một quốc gia. Do đó, xác lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian
mạng cần phải, một mặt, Nhà nước tiến hành quản lý chặt chẽ thông tin, nguồn
tài nguyên số để đảm bảo an toàn, an ninh số nhưng đồng thời, phải khẳng định
quyền tài phán quốc gia đối với nguồn tài nguyên này. Bất kỳ thế lực nào, xâm
hại đến “tài nguyên số” quốc gia như gây ra những sự cố, tấn công, xâm nhập,
chiếm quyền điều khiển; làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ; phá hoại, xóa bỏ hệ
thống thông tin, dữ liệu quốc gia đều phải xử lý một cách nghiêm khắc. Bởi đó
là nguồn “tài nguyên” đã được tuyên bố chủ quyền; quốc gia hoàn toàn có quyền
quản lý, quyền định đoạt và quyền tài phán.
Thứ tư, giới định rõ giữa hành vi “tấn công
mạng” với “tấn công vũ trang” để làm căn cứ phòng, chống và xử lý. Hành vi tấn công mạng được xác định là:
“Hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ
thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng
viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và
điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử”[18] nhưng
chưa đưa ra các chế tài tương ứng cho hành vi này ở từng cấp độ tác động. Nếu dừng
ở biện pháp “ngăn chặn, loại trừ” sẽ chưa đủ tính răn đe và chưa
nhìn nhận được mức độ nguy hiểm đối với hành vi xâm phạm “chủ quyền thứ năm”.
Do đó, thiết nghĩ cần nghiên cứu đưa vào luật hành vi “tấn công mạng” nếu xâm hại, làm tổn
hại đến tài sản, sức khỏe của nhiều người; tổn hại đến văn hóa, đạo đức, tín
ngưỡng; gây tổn hại đến trật tự, an toàn xã hội; đến chủ quyền, lợi ích, an
ninh và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia thì quy đến hành vi “tấn công vũ trang”.
Thực tế cho thấy, có
những cuộc “tấn công mạng” nhưng không mang tính chất của cuộc “tấn công vũ
trang”, ngược lại, không phải cuộc “tấn công vũ trang” nào cũng sử dụng phương
thức “tấn công mạng”. Thế nhưng, trong kỷ nguyên số, xã hội số như hiện nay
cũng không loại trừ tội phạm mạng (và các thế lực thù địch) sử dụng “phương
tiện mạng” để đạt được mục đích “tấn công vũ trang” hay “tấn công mạng” như một
thành phần, biện pháp hỗ trợ để tiến hành tấn công vũ trang. Lúc đó “tấn công
mạng” đã trở thành “tấn công vũ trang”. Như vậy, đối với các cuộc “tấn công
mạng” nhưng mang tính chất, mục tiêu, động cơ “vũ trang” thì cũng cần phải được
dự báo, xác định một cách rõ ràng và có chế tài tương ứng, chí ít là hình thành
các “điều kiện tự vệ” trước các cuộc tấn công mạng, khủng bố mạng. Điều đó cho
thấy, việc giới định hành vi “tấn công mạng” và “tấn công vũ trang” cũng là
biện pháp bảo vệ chủ quyền quốc gia từ xa một cách chủ động.
5. Kết
luận
Cùng với xu thế toàn
cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay thì vấn đề thiết lập
mạng lưới toàn cầu với kết nối Internet, sử dụng sự tiến bộ của khoa học công
nghệ thông tin và truyền thông trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống là một
xu thế không thể đi ngược. Chúng ta đang tận dụng tối đa thành quả của cuộc
cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cũng đang tiến hành các bước đi thận
trọng để chuyển đổi số hướng đến thực hiện “Chiến
lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến
năm 2030” theo tinh thần của Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3
năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó đã đặt ra vấn đề mang tính chiến lược
là vừa phát huy được lợi thế của kinh tế số, xã hội số với những dư địa vô cùng
lớn nhưng vừa phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nói chung,
quản lý các rủi ro trong quá trình “hội nhập số” ở “không gian thứ năm”. Cơ hội
luôn đi đôi với thách thức, các yếu tố tích cực có thể đi liền với nhân tố tiêu
cực, cái mới tạo điều kiện và động lực cho sự phát triển nhưng thường xuất hiện
những nguy cơ, rủi ro. Với sự nhận thức đúng đắn và hành động quyết liệt nhưng
thận trọng, có tính hệ thống của toàn hệ thống chính trị như hiện nay, chúng ta
tin tưởng và và cơ sở để đặt niềm tin vào vấn đề toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện
chủ quyền quốc gia gắn với “chủ quyền số”, chủ quyền trên không gian mạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1) Ban
tuyên giáo Trung ương (2021), Tài liệu hỏi - đáp về các văn kiện Đại hội Đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc
gia sự thật.
2) Đảng Cộng
sản Việt Nam (2021), Văn
kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính
trị quốc gia sự thật.
3) Hội
đồng Lý luận Trung ương (2021), Những điểm
mới trong các văn kiện Đại Hội XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật.
4) Quốc
Hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật An ninh mạng (2018)
5)
Lê Thế Cương, Luận điệu “diễn biến” để chống phá Luật
An ninh mạng. Tham kiến: http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Luan-dieu-dien-bien-de-chong-pha-Luat-An-ninh-mang-519532/ (cập nhật
ngày 5 tháng 7 năm 2021).
6)
Phạm Đi (2018), Vấn đề xã hội – Lý thuyết và vận dụng. Nxb. Chính
trị quốc gia sự thật.
7)
TS Hà Sơn Thái, Nhận diện và đập tan những luận điệu
xuyên tạc Luật An ninh mạng. Tham kiến: https://dangcongsan.vn/tieu-diem/nhan-dien-va-dap-tan-nhung-luan-dieu-xuyen-tac-luat-an-ninh-mang---489084.html (cập nhật ngày 5 tháng 7 năm 2021).
8)
Báo Tuổi trẻ, Ai kiểm soát Internet? (Số ra
ngày 12 tháng 03 năm 2019. Tham kiến: https://tuoitre.vn/ai-kiem-soat-internet-1488399.htm (cập nhật
ngày 6 tháng 7 năm 2021).
TS. Phạm Đi
[1]
Sau đây gọi tắt là “tương tác”
[2] Luật An
ninh mạng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2018). Sau đây gọi là
“Luật An ninh mạng”.
[3]
Cũng theo Luật An ninh mạng, “Không gian mạng
quốc gia là không gian mạng do
Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”
[4] Thời
gian gần đây, nhiều quốc gia phát triển đã có động thái chạy đua vào không gian
vũ trụ và đã tuyên bố chủ quyền trên không gian vũ trụ, do đó, “không gian vũ
trụ” đã thực sự trở thành mục tiêu xác lập chủ quyền.
[5] Việt Nam có Luật an ninh
mạng
[6] Gọi là “không gian phi truyền thống” để có
cơ sở gắn với khái niệm “an ninh phi truyền thống”
[7] Đây cũng là lĩnh vực/vấn đề mà các chế lực
thù địch luôn tìm cách “khẳng định”, làm mờ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý
Nhà nước đối với an ninh mạng, không gian mạng.
[8] Xác lập và áp dụng các biện pháp
phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh, chủ quyền quốc gia; trật tự an toàn
xã hội trên không gian mạng.
[9] TS. Lê Thế
Cương, Luận điệu “diễn
biến” để chống phá Luật An ninh mạng. Tham kiến: http://cand.com.vn/Van-de-hom-nay-thoi-su/Luan-dieu-dien-bien-de-chong-pha-Luat-An-ninh-mang-519532/ (cập nhật ngày 5 tháng 7 năm 2021).
[10] TS Hà Sơn
Thái, Nhận diện và đập
tan những luận điệu xuyên tạc Luật An ninh mạng. Tham
kiến: https://dangcongsan.vn/tieu-diem/nhan-dien-va-dap-tan-nhung-luan-dieu-xuyen-tac-luat-an-ninh-mang---489084.html (cập
nhật ngày 5 tháng 7 năm 2021).
[11] Trong Báo cáo Chiến lược An ninh quốc gia
của Hoa Kỳ năm 2010 (National Security Strategy) hay Bộ quy tắc ứng xử quốc tế
về bảo mật thông tin 2015 của Hoa Kỳ (International
Code of Conduct for Information Security, 2015) đều sử dụng thuật ngữ này.
[12] Xem: Ai kiểm soát Internet?
Báo Tuổi trẻ số ra ngày 12 tháng 03 năm 2019.
Tham kiến: https://tuoitre.vn/ai-kiem-soat-internet-1488399.htm (cập nhật ngày 6 tháng 7 năm 2021).
[13] Luật An ninh mạng
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, tr331.
[15] Chẳng hạn, Singapore thì tiến hành phân
loại các nội dung để chế định chính sách, quy định và chế tài tương ứng để quản
lý; Một số quốc gia EU thì sử dụng công cụ kiểm soát ngôn ngữ thông qua các bài
viết, phát ngôn trên nền tảng truyền thông số để chế định chính sách và bảo vệ
chủ quyền văn hóa quốc gia.
[16] Mặc dù cụm từ “chủ quyền” xuất hiện 6 lần
trong Luật an ninh mạng nhưng chủ yếu chỉ là những quy đinh về hợp tác quốc tế,
các hành vi nghiêm cấm lợi dụng an ninh mạng để xâm hại chủ quyền; các hoạt động
phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền,
lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm mạng,…
[17] Thiết nghĩ nên bổ sung các nguyên tắc này
vào Điều 4 (Các nguyên tắc bảo vệ an ninh mạng) của Luật An ninh mạng để khẳng
định dứt khoát và rành mạch với quốc tế về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
[18]
Luật An ninh mạng
Nhận xét
Đăng nhận xét