AN SINH XÃ HỘI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 AN SINH XÃ HỘI - MỘT THÀNH TỐ QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI TÁI CƠ CẤU NỀN KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 Đến thời điểm hiện nay, vẫn tồn tại quan điểm cho rằng, an sinh xã hội chỉ có một chức năng như là mạng lưới an toàn xã hội, là công cụ để ổn định xã hội và nó tiếp nhận một cách bị động sự khống chế của trình độ phát triển kinh tế. Theo quan điểm này, cơ sở lí luận chủ yếu của an sinh xã hội chính là lí luận về sự can dự từ chính quyền của trường phái Keynes[1] và kinh tế học phúc lợi. Chúng tôi cho rằng, Chính sách an sinh xã hội không chỉ đơn thuần là chính sách xã hội (Social Policy) mà nó còn là chính sách kinh tế (Economic Policy): nó không chỉ có chức năng như là một công cụ để ổn định xã hội hay mạng lưới an toàn xã hội mà nó còn có vai trò như là một chất xúc tác, lực gia tốc cho phát triển kinh tế; nó không chỉ chịu sự khống chế từ trình độ phát triển kinh tế mà nó còn là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính lẽ đó, nghiên cứu vấn đề về an sinh xã hội không chỉ dựa vào tư tưởng kinh tế học phúc lợi của Keynes mà còn phải nhìn nó qua lăng kính và cách tiếp cận của kinh tế học phát triển, xã hội học kinh tế, khoa học về an sinh xã hội, để từ đó mới có thể “nhìn thấy” được mối quan hệ nội tại giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Có như thế việc kiến lập và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội mới là điều kiện để xúc tiến phát triển bền vững kinh tế, và chỉ như thế, đối tượng của an sinh xã hội mới có thể chia sẻ lợi ích từ phát triển kinh tế mang lại, chính sách an sinh xã hội mới có tiền đề và cơ sở để ổn định và phát triển.

I.                   Phát triển kinh tế cần phải kiện toàn chính sách an sinh xã hội

Một cách bao quát mà nói, lí luận về kinh tế học phát triển và phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển cơ bản đều kinh qua 3 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là từ những năm 40 đến những năm 60 của thế kỉ 20, giai đoạn thứ hai là giai đoạn từ những năm 60 đến những năm 80 và giai đoạn thứ 3 là từ những năm 80 của thế kỉ 20 về sau. Ở giai đoạn thứ nhất, các quốc gia đang phát triển vấn đề gặp phải chủ yếu là áp lực về sự gia tăng dân số, nông nghiệp chiếm tỉ trọng trong kinh tế quốc dân tương đối lớn, thiếu việc làm, sức sản xuất giảm, nghèo đói chiếm tỉ lệ cao, mậu dịch quốc tế kém… Đối đầu với vấn đề này, những nhà kinh tế học phát triển cho rằng, cần phải đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng phương thức thoát khỏi kiểu kinh tế truyền thống để bước vào kinh tế hiện đại tức là phải tiến hành công nghiệp hóa, tức là phải nâng cao tỉ lệ dự trữ, tiến hành đầu tư với qui mô lớn. Để làm được điều đó thì cần phải phát huy vai trò của nhà nước và vai trò của kiểu kinh tế kế hoạch. Chính lẽ đó nhiều nhà nghiên cứu cho rằng giai đoạn này là “duy công nghiệp hóa luận”, “duy tư bản luận”, “duy kế hoạch luận”. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong thời kì này nhiều quốc gia đã đạt được những thành tựu kinh tế-xã hội nhất định. Thế nhưng, những năm 60 của thế kỉ 20 về sau, các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với một vấn đề là giá cả thị trường bị bóp méo, tài chính bị ức chế, hiệu suất của các xí nghiệp quốc hữu thấp, chất lượng vận hành của nhà nước kém do qui mô quá lớn. Từ đó làm cho các nhà kinh tế học phát triển không thể không đánh giá lại những chính sách kinh tế trước đó. Thời kì này, các nhà kinh tế học cho rằng, công nghiệp hóa không nên trả cái giá quá đắt vì phải hi sinh nông nghiệp, không chỉ tích lũy về tư bản mà còn cần phải tích lũy vốn nhân lực (vốn con người). Nhiều học giả cho rằng, cơ chế trị trường với tư cách là biện pháp cơ bản để giải quyết vấn đề phát triển cần phải nhìn nhận đúng về vai trò của đầu tư mậu dịch. Chính sự biến chuyển về nhận thức này được nhiều người cho rằng đó là “sự phục hưng của chủ nghĩa tân cổ điển”.

Sau những năm 80, ngày càng nhiều nhà kinh tế học phát triển nhận thức được rằng, một quốc gia muốn thành công trong chính sách phát triển kinh tế cần phải có sự “ủng hộ” của các chính sách khác như chính sách văn hóa, chính sách pháp luật, thể chế chính trị. Chẳng hạn, một chính sách pháp luật hoàn thiện và nghiêm khắc, một chính sách kinh tế thích đáng và hoàn thiện, một chính sách văn hóa tiên tiến, một chính sách an sinh xã hội hài hòa sẽ là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Do vậy, lúc này nghiên cứu vấn đề phát triển kinh tế bước vào giai đoạn kinh tế học chính trị tân cổ điển. Điểm mấu chốt của kinh tế học chính trị tân cổ điển là chú ý đến những nhân tố phi kinh tế trong quá trình phát triển kinh tế, tức là chế độ, lịch sử, pháp luật, hình thái ý thức.

Sau những năm 80,  các nước đang phát triển bắt đầu chú trọng đến các yếu tố liên đới là kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Quan sát quá trình lịch sử phát triển về lí luận kinh tế học phát triển của một số quốc gia đang phát triển, chúng ta phát hiện một số triết lí sau:

1)     Phát triển kinh tế không đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng kinh tế là chỉ một quốc gia hay một khu vực, trong một thời gian nhất định, có sự tăng lên về sản phẩm và dịch vụ; phát triển kinh tế là chỉ cùng với sự tăng trưởng về sản phẩn và dịch vụ mà có sự biến đổi về kết cấu chính trị, xã hội, kinh tế. Những thay đổi này bao gồm những biến đổi nội tại của các vấn đề như y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội, mô thức tiêu dùng, trạng thái phân phối, tỉ trọng các ngành nghề, kết cấu đầu tư. Như vậy có thể nói, tăng trưởng kinh tế là phương tiện, phát triển kinh tế là mục đích, nói khác đi tăng trưởng kinh tế là cơ sở để phát triển kinh tế, phát triển kinh tế là kết quả của tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là không có sự tăng trưởng thì không có sự phát triển, thế nhưng không phải bất cứ sự tăng trưởng kinh tế nào cũng có có yếu tố phát triển.

2)     Phát triển kinh tế cần phải lấy phúc lợi (cá nhân, xã hội) làm mục tiêu

Phát triển kinh tế không chỉ là để nâng cao mức độ phúc lợi cho toàn xã hội mà còn, cần phải thông qua sự thay đổi về kết cấu phân phối nhằm nâng cao mức độ phúc lợi cho mọi thành viên trong xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà Dwight H. Perkins[2] cho rằng, điểm mấu chốt của phát triển kinh tế là có chăng đại đa số người dân cùng tham gia vào quá trình phát triển, họ không những tham gia vào quá trình sản xuất ra của cải cho xã hội mà còn là người hưởng thụ những thành quả mà lợi ích kinh tế mang lại. Theo đó mà nói, nếu sự tăng trưởng kinh tế mà chỉ có lợi cho một số ít những người giàu có thì cũng đồng nghĩa với chẳng có sự phát triển kinh tế. Hagen cũng đã nhấn mạnh, mục đích của tăng trưởng kinh tế là để cải thiện các điều kiện về giáo dục, y tế, giảm tỉ suất chết sơ sinh, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho các gia đình có mức thu nhập thấp, tức là cải thiện quá trình phân phối lợi ích về vật chất để thỏa mãn các nhu cầu về tinh thần cho các nhóm xã hội[3]. Theo tinh thần đó, phát triển kinh tế lấy phúc lợi xã hội và phúc lợi cá nhân làm mục tiêu. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế đơn thuần không đồng nghĩa với việc cải thiện kết cấu phân phối mà ngược lại, sự mất cân bằng trong kết cấu kinh tế hay tồn tại sự mất đối xứng và hài hòa giữa chính sách chính trị, chính sách xã hội và chính sách kinh tế, điều đó còn có thể xuất hiện nhiều vấn đề xã hội (social problems) mà cụ thể là gia tăng khoản cách giàu nghèo, phân hóa xã hội, phân cực xã hội và bất ổn xã hội. Thực tế nhiều nước cho thấy, sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế, tổng thu nhập quốc dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người GDP ngày cải thiện, thế nhưng phân hóa xã hội mà cụ thể là phân hóa giàu nghèo ngày một gia tăng; khoản cách thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn càng khác biệt; sự phân hóa về mức sống của các nhóm dân cư ngày một rõ nét. Chính những thực tế này sẽ tác động đến sự ổn định xã hội và thách thức cho phát triển bền vững

3)     Phát triển kinh tế là quá trình không ngừng tối ưu hóa kết cấu và tiến bộ của khoa học kĩ thuật kết hợp với kiện toàn chính sách an sinh xã hội.

Những niên đại 60 của thế kỉ 20, một số nhà kinh tế học phát triển nhận thức rằng, sự lớn mạnh của kinh tế hiện đại thực chất là sự lớn mạnh của các bộ phận tổ thành nền kinh tế đó, trên tinh thần đó thì sự phát triển kinh tế cần phải ưu tiên bắt đầu từ quá trình tiên tiến hóa kĩ thuật, nghĩa là áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến để giảm giá thành sản phẩm và khếch đại thị trường từ đó tăng cường tích lũy lợi nhuận.

Trung kì của niên đại 80, những nhà kinh tế học tiêu biểu lúc bấy giờ như Paul M. Romer[4] và Robert Lucas [5] cổ xúy cho việc lấy vấn đề sáng tạo khoa học kĩ thuật để nghiên cứu vấn đề tăng trưởng kinh tế, từ đó mà sáng lập nên mô hình tăng trưởng kinh tế mới có tên gọi “sự biến hóa kĩ thuật nội sinh”. Đây là lí luận được cho là “dung hợp” giữa lí luận phát triển kinh tế và lí luận tăng trưởng kinh tế tân cổ điển. Mãi đến những năm gần đây, nhiều người đã thừa nhận lại tác dụng của vấn để ưu hóa kết cấu và kĩ thuật đối với sự phát triển kinh tế. Từ thực tiễn của những nước đang phát triển cho thấy, sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và diễn tiến trong kết cấu đã và đang mang lại sự tăng trưởng kinh tế khả quan. Tuy nhiên, quan sát cho thấy chỉ dừng lại ở tối ưu hóa kết cấu và tiến bộ của khoa học kĩ thuật không là chưa đủ, điều kiện tiên quyết là phải kiện toàn chế độ an sinh xã hội để đảm bảo “bảo toàn sức lao động”. Bởi nếu một chế độ bảo đảm xã hội èo ụt sẽ là lực cản lớn cho việc tối ưu hóa kết cấu và cải tiến khoa học kĩ thuật, bởi xét đến cùng yếu tố con người là quan trọng nhất trong tiến trình phát triển.

4)     Phát triển kinh tế tất yếu coi hoàn thiện chế độ chính sách làm trọng yếu

So với các nước phát triển, mức độ thu nhập bình quân đầu người của các nước đang pháp triển là lạc hậu hơn nhiều, và điều quan trọng hơn là về phương diện chính sách và tổ chức xã hội thì các nước đang phát triển tồn tại quá nhiều sự bất cập. Trên thực tế chúng ta thấy rằng, sự khác biệt về thu nhập bình quân đầu người chỉ là biểu hiện bên ngoài, còn căn nguyên của sự lạc hậu về kinh tế chính là yếu tố chính sách. Bởi chế độ chính sách là một “bộ qui tắc” để điều chỉnh hành vi của con người, trong đó có hành vi kinh tế. Một chế độ chính sách đúng sẽ là kim chỉ nam cho cách thức, phương thức tổ chức các hoạt động kinh tế liên quan, thúc đẩy kinh tế phát triển đúng quĩ đạo. Từ thực tế của nước ta trong nhiều năm qua cho thấy, có lúc chúng ta chỉ chú trọng đến chính sách “thuần kin tế” mà “quên” đi (hoặc thiếu chú trọng) đến chính sách an sinh xã hội[6] đã dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Bởi an sinh xã hội không chỉ có chức năng “bù đắp” sự vô hiệu trong lĩnh vực phân phối của thị trường, mà nó còn tác động đến trạng thái tâm lí xã hội trong quá trình sản xuất và dự kì sản xuất. Nếu hình dung rằng, vấn đề dưỡng lão, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động, sinh đẻ…, không được bảo đảm thì rõ ràng mang lại tâm lí bất an cho con người và chính đối tượng tham gia sản xuất, điều đó sẽ kéo theo hàng loạt các vấn đề như hạn chế nhu cầu đầu tư, tiêu dùng hiện hữu, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn xã hội, ổn định xã hội. Từ đó có thể khẳng định, một chế độ an sinh xã hội không hoàn thiện sẽ là lực cản không nhỏ cho quá trình phát triển kinh tế. Nói khác đi, phát triển kinh tế cần chú trọng đến việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, coi an sinh xã hội là một trong những thành tố của sự phát triển xã hội nói chung, của phát triển kinh tế nói riêng.

5)     Phát triển kinh tế cần phải thống nhất hài hòa giữa còn người và tự nhiên, giữa con người với con người

Quan sát cho thấy, trong quá trình công nghiệp hóa của nhiều quốc gia, vấn đề bùng nổ dân số, vấn đề ô nhiễm môi trường và hủy hoại môi trường sinh thái, vấn đề khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên v.v…, làm cho không những không nâng cao mức sống cho cư dân mà trái lại nó còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của con người, thậm chí nguy cơ đến tính mạng sinh tồn của họ. Nhằm khắc phục những hệ quả không đáng có đó, nhiều quốc gia đã và đang cam kết chiến lược phát triển bền vững, trong đó kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái, môi trường nhân văn, với vấn đề nhân khẩu và vấn đề xã hội. Bởi, nhân khẩu là hạt nhân của hệ thống xã hội và kinh tế, là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển, do đó cần phải có sự hài hòa giữa nhân khẩu với môi trường, kinh tế, xã hội, nguồn lực xã hội, đó là vấn đề cơ bản then chốt của phát triển bền vững.

Chúng ta đều biết, nguồn lực là có hạn và sức “chịu tải” của môi trường không phải là vô hạn, nếu nhân khẩu bùng nổ thì chắc chắn sẽ tác động đến vấn đề môi trường đồng thời, chất lượng dân số chắc chắc giảm đi, thu nhập bình quân đầu người thấp, nạn thất nghiệp tăng và nảy sinh những vấn đề xã hội khác. Và chính điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực về an sinh xã hội (cơ sở kinh tế của an sinh xã hội). Và đến lược mình, an sinh xã hội sẽ không có điều kiện thực hiện sứ mệnh của nó, tạo nên cái vòng luẩn quẩn. Chính lẽ đó, phát triển bền vững chính là mục tiêu và sự lựa chọn (bắt buộc) trong thời đại ngày nay.

II.               Kiến lập và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là điều kiện để xúc tiến phát triển kinh tế

Xét đến cùng, an sinh xã hội là vấn đề phân phối, là hình thức tái phân phối thu nhập quốc dân. Thế nhưng, nếu so với các hình thức phân phối khác, phân phối trong an sinh xã hội là một hình thức phân phối đặc thù. Nói nó đặc thù bởi đây là hình thức mà nhà nước và cộng đồng nhắm đến những đối tượng yếu thế, nhóm yếu thế [7] nhằm động viên khuyến khích họ vươn lên giải quyết chính vấn đề của mình khi rơi vào rủi ro, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất sức, già yếu… Như vậy, an sinh xã hội và phát triển kinh tế có quan hệ hết sức mật thiết. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, từ những bình diện khác nhau mà nói, nó xúc tiến sự phát triển kinh tế, điều đó thể hiện trên những phương diện sau:

1)     Bảo đảm tái sản xuất sức lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển

Tái sản xuất xã hội bao gồm (và sự thống nhất) giữi hai quá trình tái sản xuất đó là tái sản xuất vật chất và tái sản xuất sức lao động. Mặc khác tái sản xuất sức lao động lại là sự bảo đảm cho sự tiến hành thuận lợi quá trình tái sản xuất xã hội, một khi quá trình tái sản xuất sức lao động gặp phải một sự trở ngại nào đó thì lập tức ảnh hưởng đến quá trình tái sản xuất xã hội. An sinh xã hội đóng vai trò quan trọng trong tái sản xuất xã hội nói chung và tái sản xuất sức lao động nói riêng, bởi nó có vai trò hết sức quan trọng cho việc “hồi phục”, bảo đảm và ổn định đời sống vật chất và tinh thần của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Ví dụ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm bệnh tật tai nạn lao động là điều kiện cần thiết để phục hồi sức khỏe cho người lao động, đồng thời cũng là “kênh” để tái sản xuất sức lao động; bảo hiểm thất nghiệp có thể là “kênh” duy trì cuộc sống tối thiểu cho người không may thất nghiệp, tạo điều kiện cho đối tượng thất nghiệp tìm kiếm việc làm mới; bảo hiểm y tế cũng là điều kiện vật chất để cho người lao động (và con cái họ) có điều kiện thuận lợi tái sản xuất sức lao động, và như thế là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

2)     Đảm bảo cho sự tiếp diễn của quá trình sản xuất và tiêu dùng

Như đã nói, an sinh xã hội như một cơ chế phân phối đặc thù, đóng vai trò như một mắc xích quan trọng trong quá trình tái sản xuất sức xã hội trong đó có quá trình tái sản xuất sức lao động và sự tiếp diễn của quá trình sản xuất và tiêu dùng. Cần nói rằng, trình độ và kết cấu sản xuất quyết định đến trình độ và kết cấu an sinh xã hội. thông qua phân phối an sinh xã hội bằng những thụ hưởng (vật chất) về an sinh xã hội sẽ là điều kiện để chuyển biến hành vi tiêu dùng của cá nhân, nhóm. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái sản xuất xã hội.

3)     Hoàn thiện thị trường vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển

Ai cũng biết rằng, phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần dựa vào vốn (tư bản) thế nhưng không thể không có vốn. Thông thường mà nói, quá trình phát triển kinh tế đều phải kinh qua sự chuyển biến là, sự tăng trưởng về lao động làm động lực chủ yếu sang sự tăng trưởng về tư bản làm động lực chính, sau đó là là sự sáng tạo tri thức và tiến bộ về khoa học kĩ thuật là động lực chính yếu. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, từ góc nhìn chiến lược, cần phải từng bước nâng cao tỉ lệ tri thức và khoa học kĩ thuật trong cấu thành kinh tế. Thế nhưng trước mắt, chúng ta vẫn phải dựa vào gia tăng đầu tư tư bản để thúc đẩy kinh tế phát triển. Do đó, làm thế nào để tăng tỉ lệ tích lũy đồng thời chuyển biến tích lũy thành tư bản là yếu tố trọng yếu để phát triển kinh tế. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, hoàn thiện chế độ an sinh xã hội, chế độ bảo đảm xã hội không những duy trì giá trị tích lũy mà còn là điều kiện để chuyển hóa tích lũy thành tư bản. Ví dụ, nhiều quốc gia tăng cường vốn dưỡng lão hằng năm và cho phép sự tích lũy này chuyển hóa thành thị trường vốn bằng cách đưa lên sàng chứng khoán, từ đó thiết lập mối quan hệ giữa thị tường vốn và quĩ an sinh xã hội và đạt được cái gọi là “mục tiêu song trùng” vừa có cơ sở kinh tế cho an sinh xã hội, vừa hoàn thiện thị trường vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển.

4)     Góp phần điều chỉnh kết cấu kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển

An sinh xã hội có vai trò điều chỉnh kết cấu kinh tế biểu hiện ở hai phương diện: một mặt, kiến lập và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội có lợi cho vấn đề điều chỉnh kết cấu nghề nghiệp thị trường sức lao động, giảm thiểu những trở lực trong điều chỉnh kết cấu kinh tế. Chức năng cơ bản của chính sách bảo hiểu thất nghiệp là đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người thất nghiệp nhưng điều quan trọng là điều kiện để người thất nghiệp để nâng cao tay nghề bằng cách học tập, bồi dưỡng kĩ năng để tiếp tục tìm kiếm việc làm mới, đó về bản chất là điều chỉnh kết cấu nghề nghiệp và thị trường sức lao động. Mặt khác, chính tiền hỗ trợ an sinh xã hội lại là nguồn vốn ổn định để điều chỉnh kết cấu kinh tế, nhất là gặp những biến cố như khoảng hoảng tài chính. Bởi lúc đó, chính nguồn vốn an sinh xã hội lại là “cứu tinh” cho vấn đề điều chỉnh kết cấu kinh tế, kết cấu nghề nghiệp và kết cấu sản xuất.

5)     Điều chỉnh chu kì kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển

Hệ thống an sinh xã hội có chức năng như “công cụ đảo chiều” của chu kì kinh tế, chính lẽ nó nó được coi là “công cụ điều chỉnh tự động” cho tăng trưởng kinh tế. Nhiều quốc gia có hệ thống an sinh xã hội hoàn thiện, nguồn quĩ về bảo hiểm dưỡng lão hay quĩ bảo hiểm thất nghiệp được giao nộp theo một tỉ lệ nhất định và lũy tiến đối với thu nhập của cá nhân. Điều này có 2 mặt, một mặt nó kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế (trong thời kì kinh tế thịnh vượn), nhưng mặt khác nó lại là “cứu tinh” khi nền kinh tế gặp phải sự suy thoái. Bởi khi khó khăn về kinh tế thì chính nguồn quĩ này lại lại “cái van an toàn” đảm bảo mức sống cho cư dân, bảo đảm ổn định trình độ tiêu dùng chung của xã hội, “là bộ giảm sốc” cho nền kinh tế và cho xã hội nói chung. Không chỉ dừng lại ở đó, chính sách an sinh xã hội còn có thể thông qua việc dự báo tương lai về nhu cầu xã hội mà điều chỉnh chu kì kinh tế. Bởi, nếu kiến lập và hoàn thiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp chẳng hạn, sẽ giảm thiểu sợ lo lắng trong thời kì suy thoái kinh tế cho cư dân, người dân có thể (và có cơ sở) để tin tưởng vào dự kì của nền kinh tế, kích thích tiêu dùng xã hội.

6)     Khống chế tăng trưởng nhân khẩu, giảm áp lực già hóa dân số

Khống chế sự gia tăng dân số trở thành một chính sách thiết yếu của nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia đông dân. Bởi đối với các nước đông dân thì kiện toàn chế độ an sinh xã hội là một trở lại vì không thể vừa nâng cao thu nhập vừa nâng cao mức độ phúc lợi xã hội cho mọi thành viên khi nguồn lực xã hội có hạn. Sự gia tăng dân số quá nhanh và già hóa dân số luôn là vấn đề nan giải và thách thức đối với an sinh xã hội. Như vậy, một chế độ an sinh xã hội đúng và khoa học, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia sẽ làm gia tăng (hoặc kìm hãm) sự tăng trưởng dân số mất kiểm soát và hậu quả là già hóa dân số.

7)     Bảo đảm sự công bằng xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển

Như đã phân tích, an sinh xã hội là một kiểu tái phân phối xã hội và đối tượng nhắm đến của nó là các nhóm yếu thế trong xã hội. Các nhóm yếu thế này, do những điều kiện chủ quan và khách quan nào đó, họ không thể (hoặc chưa thể) tự thân vươn lên hay đảm bảo cuộc sống của mình mà phải cần một “trợ lực” từ bên ngoài bằng “bàn tay hữu hình” của nhà nước và cộng đồng xã hội. Chính động thái này là yếu tố đảm bảo sự công bằng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm xã hội có điều kiện đảm bảo cuộc sống, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu như ăn, mặc, ở, đi lại, khám chữa bệnh, giáo dục. Hơn thế nữa, trên bình diện xã hội mà nói, đảm bảo cho xã hội vận hành một cách suôn sẻ, đồng thuận, hài hòa, tiến đến thực hiện mục tiêu chung của xã hội.

Phạm Đi

 

 

 



[1] John Maynard Keynes(18831946), là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hướng lớn đến nền kinh tế học phương Tây hiện đại.  Trường phái kinh tế học Vĩ mô của ông được cho là một trong ba cuộc cách mạng về nhận thức của nhân loại của thế kỉ thứ 20 (ba cuộc cách mạng về tư duy: một là phương pháp phân tích về tinh thần của nhà phân tâm học Sigmund Freud, hai là thuyết tương đối của Albert Einstein và ba là trường phái kinh tế của John Maynard Keynes).

[2] Dwight H. Perkins, nhà kinh tế học người Mỹ, xem tham khảo: Ecomomics of Development, Nxb Norton & Company, 1987(7)

[3] E.E. Hagen The Econom ics of Development . Homewood 1986, (9).

[4] Paul M.Romer (1955 - ), Nhà kinh tế học người Mĩ, người sáng lập trường phái Lí thuyết tăng trưởng mới. Năm 1997, được tạp chí Thời đại của mình bình bầu là một trong 25 nhânn vật có ảnh hưởng nhất nước Mĩ

[5] Robert Lucas (1973 - ?), thiên tài kinh tế học người Mĩ. Người sáng lập ra trường phái kinh tế học vĩ mô và dự kì lí tính. Chính thành quả này mà năm 1995, ông đạt giải Nobel về kinh tế.

[6] Trong thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã có những động thái tích cực trong việc nhìn nhận vai trò của chính sách An sinh xã hội đối với sự phát triển xã hội mà bằng chứng là Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 31/2011/Q Đ-TTg qui định việc công khai minh bạch, kiểm tra giám sát việc thực hiện qui định pháp luật về an sinh xã hội.

[7] Khái niệm “nhóm yếu thế” trong tiếng Anh là Vulnerability


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ