TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

 

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TA ĐỐI VỚI VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ NỮ GIỚI TRONG SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC

1.     Đặt vấn đề

Một xã hội được gọi là bình đẳng, tất nhiên (và tất yếu) mỗi cá nhân trong đó phải được tạo điều kiện để tiếp cận những cơ hội và hưởng thụ thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. Đương nhiên, không thể đề cập đến vấn đề công bằng xã hội mà không nói đến bình đẳng nam nữ (bình đẳng giới). Nói cách khác, công bằng xã hội và bình đẳng giới là hai yếu tố song hành, có mối quan hệ hữu cơ và tác động tương hỗ. Bởi công bằng xã hội sẽ thúc đẩy sự bình đẳng xã hội (bao gồm bình đẳng giới) và ngược lại, bình đẳng xã hội là “nguồn năng lượng” và động lực thúc đẩy công bằng xã hội, phát triển xã hội.

Trong những năm qua, mặt dù tình trạng bình đẳng giới ở nước ta có nhiều tiến bộ nhưng bất bình đẳng giới vẫn còn khá phổ biến, thậm chí gia tăng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, mất cân bằng giới tính sau sinh đang làm mối quan tâm của xã hội,… Sự tham gia vào lĩnh vực chính trị-hành chính vẫn là một trong những lĩnh vực khó khăn nhất của phụ nữ. Nhìn chung, tốc độ tiến bộ về bình đẳng giới trong lãnh đạo chính trị là rất chậm và chưa có giải pháp thúc đẩy hữu hiệu[1].

Trước tình hình và thực trạng đó, việc quán triệt, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới nhằm từng bước nâng cao nhận thức của xã hội và đội ngũ lãnh đạo, quản lý về bình đẳng giới; phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, chính trị; góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là việc hết sức cần thiết, vì có ý nghĩa trước mắt, vừa mang tầm chiến lược. 

2. Tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí minh về bình đẳng giới

Có thể nói, ngay từ những ngày đầu đi tìm đường cứu nước, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã nhìn nhận được một vấn đề hết sức nghiêm trọng là những hành động chà đạp lên nhân phẩm của con người nói chung, người phụ nữ nói riêng của chính quyền phong kiến tay sai: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược của bọn xâm lược: ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở nông thôn, ở đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của các quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga… Thói dâm bạo ở thuộc địa là hiện tượng phổ biến và tàn án không thể tưởng tượng được…. Chưa có bao giờ, ở một nước nào, một thời đại nào người ta lại vi phạm mọi quyền làm người một cách dã man, độc ác đến thế[2]. Từ đó Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chế độ thực dân là chế độ ăn cướp. Chúng tôi xin nói thêm: chế độ hãm hiếp đàn bà và giết người[3]. Từ việc nhìn nhận đó, Hồ Chí Minh nhận định rằng, phụ nữ Việt Nam chỉ được giải phóng chừng nào nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của bọn đế quốc và bọn phong kiến tay sai, giành được độc lập và chủ quyền, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Vì thế cuộc vận động giải phóng phụ nữ phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như vậy, về bản chất mà nói, giải phóng phụ nữ là giải phóng con người, là một trong những mục tiêu đấu tranh cơ bản của sự nghiệp cách mạng[4]; thực hiện bình đẳng giới tức là một phương thức thực hiện quyền con người. Tư tưởng cốt lõi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bình đẳng giới được thể hiện trên các bình diện chủ yếu:

Thứ nhất, bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ trước hết là giải phóng sự áp bức bóc lộc và đối xử thô bạo đối với người phụ nữ đồng thời giải phóng sức lao động của giới nữ - một nửa xã hội.

Như đã phân tích ở trên, ngay từ những ngày đầu tiến hành công cuộc cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn nhận được hiện trạng của xã hội lúc bấy giờ về nhân phẩm con người, nhất là phụ nữ bị chà đạp và đối xử một cách thô bạo, tàn ác. Chính lẽ đó, việc giải phóng con người, giải phóng sự bóc lột nhằm đi đến giải phóng tư tưởng, giải phóng sức lao động cho người phụ nữ. Chính lẽ đó, trong quan điểm và hành động của Người luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ đối với lịch sử dân tộc: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ[5]. Người có những luận điểm thể hiện tầm nhìn chiến lược khi đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ trong tương quan phát triển xã hội mới, của chủ nghĩa xã hội: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa[6].

Cần phải nói thêm rằng, “sự áp bức bóc lộc và đối xử thô bạo đối với người phụ nữkhông chỉ hiểu là sự bóc lột và đối xử thô bạo” trong thời kỳ mà đất nước ta còn là thuộc địa, mà cao hơn thế nữa cần phải nhìn xuyên suốt trong chiều dài lịch sử của đất nước, nhất là giai đoạn hiện nay. Mặt dù đất nước đã thống nhất, độc lập 45 năm nay; mặt dù công cuộc đổi mới của đất nước đã gần 35 năm nhưng vấn đề “đối xử thô bạo” đối với phụ nữ mà cụ thể là bạo lực (gia đình, trường học, xã hội; bạo lực thể xác, tinh thần, kinh tế, tình dục) vẫn còn diễn ra một cách gây gắt cả tính chất và quy mô[7]; bạo lực trên cơ sở giới chưa có dấu hiệu thuyên giảm[8]. Đây chính là các “chỉ báo” giúp các nhà hoạch định chính sách và quản lý xã hội có những quyết sách kịp thời, đúng đắng để giải quyết vấn đề bình đẳng giới theo tư tưởng Hồ Chính Minh trong thời gian đến[9]

Thứ hai, giải phóng phụ nữ để đẩy mạnh sản xuất, sự nghiệp giải phóng phụ nữ cần phải gắn liền với với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội tốt đẹp, công bằng, văn minh

Giải phóng phụ nữ không chỉ là giải phóng thân thể, tư duy, mà chính là giải phóng cho họ về quyền bình đẳng: quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Xác định một trong những nội dung quan trọng để giải phóng phụ nữ triệt để là thực hiện quyền bình đẳng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng..., đều nhằm mục đích ấy[10]. Giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ  là giải phóng “một nửa” sức lao động của xã hội, góp phần vào đẩy mạnh sản xuất, tiến hành thành công công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì[11]. Trên tất cả, nếu gắn với vấn đề giải phóng phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng nam nữ theo tư tưởng của Người, đó là việc giải phóng phụ nữ có thể được thực hiện khi dân tộc giải phóng. Tuy vậy, dân tộc được giải phóng mới chỉ là tiền đề, là “điều kiện cần” cho sự giải phóng phụ nữ, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ. Để tạo được môi trường xã hội đảm bảo thực hiện nam nữ bình quyền một cách thực sự thì xã hội phải đạt được một trình độ phát triển mới trên nhiều phương diện, từ quan điểm tiên tiến về đạo đức đến sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, từ một xã hội không còn người bóc lột người đến một xã hội công bằng, văn minh thực sự. Như vậy, sự tiến bộ và phát triển của xã hội có ý nghĩa rất lớn đối với sự bình đẳng nam nữ.

Thứ ba, giải phóng phụ nữ phải giải quyết trên cơ sở mối liên hệ biện chứng giữa gia đình và xã hội; giữa kinh tế với chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, phát luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình và đến toàn dân. Dù to và khó khăn nhưng nhất định phải thành công[12]. Muốn giải phóng con người nói chung, người phụ nữ nói riêng, không chỉ thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng giữa vợ và chồng trong những công việc gia đình, điều căn bản là phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội, đưa phụ nữ tham gia vào nhiều ngành nghề như nam giới. Cần sắp xếp và tổ chức lại đời sống để phụ nữ, ngoài những công việc nội trợ, chăm sóc con cái, có điều kiện tham gia sản xuất, học tập, nâng cao trình độ mọi mặt; tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động chính trị (tham chính). Đó mới thực sự là “cuộc cách mạng tiến bộ” như tư tưởng của Người.

Thứ tư, thực hiện bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và bản thân người phụ nữ

Để thực hiện nam nữ bình quyền, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập[13]. Người chỉ rõ cho các cấp ủy đảng và chính quyền “Phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ[14]. Người nhấn mạnh, nếu cán bộ lãnh đạo là nữ mà ít, đấy là một thiếu sót của Đảng[15], theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo, quản lý là “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai[16]. Người khẳng định, giải phóng phụ nữ phải bằng phát luật, chính sách, biện pháp cụ thể: “Từ nay, các cấp đảng, chính quyền địa phương khi giao công tác cho phụ nữ, phải căn cứ vào trình độc của từng người và cần phải tích cực giúp đỡ phụ nữ nhiều hơn nữa[17]. Song song với đó, Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ[18]

3. Đảng ta với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới

Phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh trong đó mọi người dân đều được quyền tự do, bình đẳng đã trở thành tư tưởng định hướng cho các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung và các quan điểm, chính sách về giới và bình đẳng giới nói riêng. Tư tưởng chỉ đạo, quán xuyến toàn bộ các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật đã được cụ thể hóa, đưa các biện pháp bảo đảm sự bình đẳng về mọi mặt giữa các công dân.

Ngay từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương mới thành lập (tháng 2 năm 1930), vấn đề nam nữ bình quyền đã được ghi nhận vào “Chánh cương vắn tắt của Đảng” và “nam nữ bình quyền” là một trong 10 nhiệm vụ cốt yếu của Cách mạng Việt Nam[19]. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ mới, việc phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của các tầng lớp phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân là yêu cầu, đòi hỏi khách quan. Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 7 tháng 6 năm 1984 của Ban bí thư về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ”. Chỉ thị đã thể hiện rõ sự đổi mới về nhận thức của Đảng về công tác cán bộ nữ. Theo đó: (1) Tăng cường công tác cán bộ nữ không chỉ để làm công tác vận động phụ nữ mà chính là để phát huy khả năng, trí tuệ của chị em vào sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và công việc quản lý của Nhà nước; (2) Tiếp tục thực hiện nam nữ bình đẳng, nâng cao vai trò cán bộ nữ trong quản lý kinh tế, quản lý nhà nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng; (3) Để tăng cường vai trò cán bộ nữ, công tác cán bộ nữ phải được đặt trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ nói chung của Đảng và Nhà nước; cần phải tuyển chọn cán bộ nữ từ những người ưu tú trong giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cách mạng, nhất là những người đã được rèn luyện từ thực tiễn phong trào cách mạng; cần phải tiếp tục bồi dưỡng, tạo điều kiện giúp chị em hoàn thành nhiệm vụ sau khi đề bạt, cất nhắc[20].

Có thể nói, quan điểm chỉ đạo về công tác bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cho đến các kỳ đại hội sau này. Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó có những quan điểm chỉ đạo và mục tiêu cụ thể để đạt được các mục tiêu liên quan đến bình đẳng giới[21].

Để triển khai các chủ trương của Đảng về bình đẳng giới, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều bộ luật, luật, chương trình hành động như Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng chống bạo lực gia đình (2007). Luật Hôn nhân và gia đình (2014), Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Song song với đó là tiến hành lồng ghép chính sách bình đẳng giới vào các bộ luật, luật như Luật Lao động (2012), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Đất đai (2013), Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015, 2018).

4. Thực hiện chiến lược bình đẳng giới ở nước ta

4.1.Thực trạng vấn đề thực thi chính sách bình đẳng giới

Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chỉ rõ: “Phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tỷ lệ thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng lao động nữ, nguồn cán bộ nữ hẫng hụt, ở một số lĩnh vực, tỷ lệ cán bộ nữ sụt giảm”. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, Nghị quyết số 11/NQ-TW đưa ra chủ trương: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dường như các chỉ tiêu trên vẫn chưa đạt được. Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ nữ trong các Đảng bộ trực thuộc Trung ương chỉ chiếm 13,3%[22]; còn ở các cấp tỉnh, huyện, xã cũng không đạt được mục tiêu đặt ra:

Bảng 1: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy (Đvt: %)

Nội dung

Nhiệm kỳ

2006- 2010

Nhiệm kỳ

2010- 2015

Nhiệm kỳ

2015-2020

Tỉnh

Huyện

Tỉnh

Huyện

Tỉnh

Huyện

· Ủy viên Ban Thường vụ

7,9

7,8

5,8

8,3

10,2

9,1

10,7

12,0

10,7

· Ủy viên Ban Chấp hành

11,8

14,7

14,4

11,3

15,2

18,0

13,3

14,3

19,69

Nguồn: Lương Văn Tuấn, Hiện thực hóa quy định về phụ nữ tham chính ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19 (371), tháng 10/2018

 

Số liệu bảng 1 cho thấy, tỷ lệ nữ là Ủy viên Ban Thường vụ các cấp tỉnh/huyện/xã đều có xu hướng tăng theo từng nhiệm kỳ (xem đồ thị 1). Ở cấp tỉnh, nếu như nhiệm 2006-2010 chỉ chiếm 7,9% thì nhiệm kỳ 2015-2020 lên đến 10,7% (tăng 35,4%); tỷ lệ nữ là Ủy viên Thường vụ cấp huyện và nhiệm kỳ 2015-2020 cũng tăng lần lược là 53,8% 84,5% và  so với nhiệm kỳ 2006-2010. Phải thừa nhận rằng, đây là chỉ báo cho thấy sự cố gắn, nỗ lực thực hiện các mục tiêu về tỷ lệ nữ tham chính như Nghị quyết số 11 đã đặt ra. Thế nhưng, nếu so với mục tiêu 25% thì vẫn chưa đạt được.

Đồ thị 1: Tỷ lệ nữ là Ủy viên Ban thường vụ các cấp

Cứ liệu ở đồ thị 2 cho thấy, tỷ lệ nữ là Ủy viên Ban chấp hành cấp xã có xu hướng tăng liên tục từ các nhiệm kỳ 2006-2010 đến 2015-2020 (tỷ lệ tăng của nhiệm kỳ 2015-2020 so với nhiệm kỳ 2006-2010 là 36,7%); thế nhưng tỷ lệ nữ là Ủy viên Ban chấp hành cấp huyện và cấp tỉnh thì không tăng theo tuyến tính, thậm chí ở nhiệm kỳ 2015-2020 tỷ lệ này là âm (-2,7%) (cấp huyện); tỷ lệ nữ là Ban chấp hành cấp tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 tăng âm (-4,2%) so với nhiệm kỳ trước đó.

Đồ thị 2: Tỷ lệ nữ là Ủy viên Ban chấp hành các cấp

Như vậy, nhìn chung tỷ lệ phụ nữ tham chính các cấp từ xã đến tỉnh vẫn chưa đạt được; càng ở cấp cao hơn thì tỷ lệ này càng khó đạt được[23]. Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra 7 mục tiêu và mục tiêu đầu tiên là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Trong đó, chỉ tiêu 1 của mục tiêu này là: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2015 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%. Tuy nhiên, số liệu trên cho thấy thực tế diễn biến rất chậm chạp và khó đạt được nếu không có quyết tâm chính trị mạnh mẽ.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tương đối cao nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu đặt ra (35% cho nhiệm kỳ 2016-2020). Nhìn chung đều đạt trên 25% ở các cấp, tuy nhiên, nhiệm kỳ năm 2016 - 2021, có 3 tỉnh không có nữ đại biểu Quốc hội (Quảng Nam, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế) và 25 tỉnh có tỷ lệ nữ đại biểu dưới 20%. Thực tế này cho thấy, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới vẫn chưa có bước phát triển vững chắc và cũng chưa đồng đều trong các địa phương của cả nước. Tuy nhiên, nhiệm kỳ Quốc hội 2016 - 2021, lần đầu tiên Việt Nam có đại biểu nữ nắm giữ vị trí Chủ tịch Quốc hội  - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đây là tín hiệu đáng mừng cho việc hiện thực hoá các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đảm bảo quyền tham chính của phụ nữ[24].     

Bảng 2: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp

 

Nội dung

Nhiệm kỳ 2007 - 2011

Nhiệm kỳ 2011 - 2016

Nhiệm kỳ

2016 - 2021

Số nữ đại biểu Quốc hội/ Tỷ lệ (%)

127/25,8

122/24,4

132/26,8

Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp

 

 

 

Cấp tỉnh/thành

23,9

25,2

26,6

Cấp quận/huyện/thị xã

23,0

24,6

27,5

Cấp xã/phường/thị trấn

19,5

21,7

26,6

Nguồn: Lương Văn Tuấn, Hiện thực hóa quy định về phụ nữ tham chính ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19 (371), tháng 10/2018

Số liệu bảng 2 cho thấy, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 tăng hơn nhiệm kỳ trước, tuy nhiên tỷ lệ trên vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Mặc dù vậy, những con số trên đây cũng cho thấy, so với thế giới, Việt Nam đã có những phát triển khá tốt về thực hiện bình đẳng giới và tăng tỷ lệ tham chính của phụ nữ năm 2018: “Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay đã tăng lên mức 26,72%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 22,3%”[25] và “Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015)”[26] và trước đó, năm 2014 Việt Nam cũng được đánh giá là“đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng”[27] về thực hiện bình đẳng giới.

Bảng 3: Tỷ lệ nữ là thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Ủy ban trong Quốc hội qua các nhiệm kỳ (Đvt: %)

Chức vụ

Nhiệm kỳ

2002 - 2007

2007 - 2011

2011 - 2016

2016 - 2021

·  Thành viên Ủy ban Thường vụ

22,2

15,76

23,53

27,7

·  Chủ nhiệm Ủy ban

25,0

22,22

11,11

25,0

 Nguồn: Lương Văn Tuấn, Hiện thực hóa quy định về phụ nữ tham chính ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19 (371), tháng 10/2018

Trong Chiến lược quốc gia 2011 - 2020 đề ra chỉ tiêu 2: “Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt trên 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ” và chỉ tiêu 3: “Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” và đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhưng “khó có khả năng thực hiện vì một số nguyên nhân như: không thu thập được đầy đủ số liệu do các phân tổ thống kê chưa phù hợp với hệ thống thống kê số liệu, chưa có nguồn lực tương ứng và cần thêm các giải pháp để thực hiện”[28].

Như vậy, những con số đặt ra trong chỉ tiêu 2 và chỉ tiêu 3 của Chiến lược quốc gia 2011-2020 cũng chưa đạt được hoặc chưa xác định đạt được bao nhiêu phần trăm trên thực tế. Để thực hiện cam kết quốc gia với tư cách là thành viên Công ước CEDAW[29], trên thực tế Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện các hoạt động để đảm bảo sự xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và thực tế đã trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế trong việc thực thi quyền bình đẳng giới.

Tuy nhiên, với những chỉ tiêu chưa đạt được cũng cho thấy các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia chưa được thực thi đầy đủ, cụ thể là chưa tiến hành tất cả các biện pháp thích hợp nhằm xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ trong đời sống chính trị và công cộng của đất nước, cụ thể chưa đảm bảo quyền: “... giữ các chức vụ trong các cơ quan công cộng và thực hiện tất cả chức năng công cộng ở mọi cấp chính quyền” và quyền “tham gia các tổ chức và hiệp hội phi chính phủ liên quan đến đời sống công cộng và chính trị của đất nước”. Chính quyền chưa “thực hiện tất cả các biện pháp thích hợp, kể cả về mặt pháp lý, nhằm sửa đổi hoặc xoá bỏ các luật và văn bản pháp luật hiện hành, các tập quán và phong tục tạo nên sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” và cũng chưa đảm bảo “quyền thăng chức” của phụ nữ trong công việc, chưa “thúc đẩy việc thiết lập và sự phát triển của hệ thống các cơ sở chăm sóc trẻ em” để tạo điều kiện cho nữ cán bộ, công chức, viên chức có đủ điều kiện tham chính. Như vậy, nhìn chung các giới chức và cơ quan chính quyền cũng chưa có những hành động phù hợp với công ước quốc tế  CEDAW.    

4.2. Một số giải pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới, phát huy vai trò của nữ giới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Nhận thức và hành động về bình đẳng giới không phải là việc dễ dàng, càng không dễ dàng khi phải tiến hành trong một thời gian gắn, bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Nhiều người lầm tưởng đó là việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền, lầm to!”[30]. Từ những phân tích trên cho thấy, ngoài những thành quả đã đạt được vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hiện tư tưởng của Bác nói chung, quan điểm của Đảng và chính sách pháp luật về bình đẳng giới nói riêng. Thiết nghĩ, thời gian đến cần thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp trong công bình đẳng giới; kịp thời quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới trong toàn hệ thống chính trị; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm từng bước phát huy vai trò các giới trong sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.

Thứ hai, tiến hành rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác bình đẳng giới để tìm kiếm, phát hiện những bất cập, hạn chế và có phương án bổ sung, hoàn thiện. Tránh trường hợp “trên có chính sách, dưới có đối sách” hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong thực thi các chính sách liên quan đến bình đẳng giới. Song song với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện những cá nhân, tập thể cố tình làm trái các quy định về chính sách bình đẳng giới. Đồng thời tăng cường công tác khen thưởng, kỷ luật thể hiện tính nghiêm minh của chính sách.

Thứ ba, cần kiện toàn bộ máy thực thi bình đẳng giới các cấp; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo đưa ra những chính sách đúng đắn, kịp thời khắc phục những hạn chế trong thực thi chính sách trong từng lĩnh vực cụ thể. Cán bộ làm công tác bình đẳng giới cần có kế hoạch lồng nghép giới vào trong từng chính sách cụ thể của địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bình đẳng giới đối với cán bộ và người dân. Qua đó, từng bước thay đổi vai trò của các giới, đặc biệt là nam giới trong gia đình bằng những chia sẻ trách nhiệm đối với những công việc lao động không được trả công trong gia đình, giảm bớt áp lực và tạo điều kiện cho phụ nữ tham chính.

Thứ tư, có kế hoạch bố trí kinh phí và cần hình thành ngân sách trách nhiệm giới để có cơ sở cho các cấp thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, một trong những lý do khiến cho công tác bình đẳng giới (nhất ở cấp tỉnh trở xuống) không thực hiện đúng tiến độ, mục tiêu (công tác tuyên truyền, công tác tham vấn, lồng ghép chính sách; chế độ cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới,…) đặt ra. Không phải ngẫu nhiên mà có nhận định cho rằng ngân sách có trách nhiệm giới là “chìa khóa” thúc đẩy bình đẳng giới[31]. Nói cách khác, tăng cường đầu tư nguồn lực (tài chính, con người) cho các đơn vị hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động có hiệu quả.

Thứ năm, nâng cao năng lực nghiên cứu chính sách dựa trên bằng chứng về các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý cho các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ở các địa phương, các cơ quan chức năng thực hiện công tác bình đẳng giới cần kịp thời tham mưu và đề xuất các chính sách liên quan đến bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân. Từ đó có những chương trình hành động, đề án (có tính chất chiến lược) về công tác bình đẳng giới cho địa phương.

5. Kết luận

Trong bản di chúc Người đã viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng  và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cân nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản  thân phụ nữ thì phải cố gắng  vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Thực hiện tư tưởng của Bác, Đảng ta đã không ngừng sáng tạo, đồng thời tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những mục tiêu cơ bản của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là đạt đến nền dân chủ thực sự, trong đó có đủ những điều kiện cần thiết để mỗi công dân, mỗi tập thể, mỗi giai tầng, mỗi giới đều được tự do, bình đẳng trong đóng góp công sức, tài năng của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Như vậy, bình đẳng nam nữ chính là phát huy vai trò, vị thế của các giới trong sự nghiệm cách mạng; trong đó phát huy vai trò của phụ nữ, một nữa thế giới, là nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, trong từng lĩnh vực cụ thể để tiến hành công cuộc cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

TS. Phạm Đi



[1] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận Giới trong lãnh đạo, quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, H.2018, tr28-29.

[2] Nguyễn Ái Quốc, Lên án chủ nghĩa thực dân, Nxb Sự thật, 1959, tr29-37.

[3] Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, 1960, tr.15

[4] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận Giới trong lãnh đạo, quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, H.2018, tr46.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2011, tr.340

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội 2011, tr.300

[7] Phạm Đi, Vấn đề xã hội – Lý thuyết và vận dụng, Nxb. CTQG-QT, H.2018, tr.82&280.

[8] UN Việt Nam, Từ bạo lực gia đình đến bạo lực giới tại Việt Nam – Mối liên hệ giữa các hình thức bạo lực, Tài liệu thảo luận của Liên hợp quốc, H.2014

[9] Vấn đề này sẽ đề cập ở phần giải pháp.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 300

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb Sự thật, H.1984, tr.35

[12] Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb. Phụ nữ, 1960, tr.31

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 313.

[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 260.

[15] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận Giới trong lãnh đạo, quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, H.2018, tr48.

[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr. 275.

[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.639.

[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.617.

[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.1998, tr.95.

[20] Dẫn theo Hà Hằng, Tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, Tạp chí Tổ chức nhà nước, Tham kiến:

https://tcnn.vn/news/detail/37668/Tu_tuong_Ho_Chi_Minh_va_chu_truong_cua_Dang_Nha_nuoc_ve_cong_tac_can_bo_nuall.html 

[21] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Cao cấp lý luận Giới trong lãnh đạo, quản lý, Nxb. Lý luận chính trị, H.2018, tr50-51.

[22] Chính phủ, Báo cáo số 454/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, H.2017, tr.10

[23] Tỷ lệ nữ cán bộ trong cơ quan trọng yếu nhất của đảng ở cấp trung ương cũng vẫn rất thấp: Tham gia cấp uỷ Bộ Chính trị, nữ uỷ viên Bộ Chính trị mới chỉ đạt 3/19 uỷ viên (Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Tòng Thị Phóng, bà Trương Thị Mai) và tham gia Ban chấp hành Trung ương đảng là 15 uỷ viên nữ (đạt 7,8%) (Ủy viên nữ: Nguyễn Thúy AnhNguyễn Thị Thu HàNgô Thị Thanh HằngBùi Thị Minh HoàiHoàng Thị Thúy LanTrương Thị MaiLê Thị NgaNguyễn Thị Kim NgânTòng Thị PhóngLâm Thị Phương ThanhNguyễn Thị ThanhĐặng Thị Ngọc ThịnhLê Thị ThủyPhạm Thị Thanh TràVõ Thị Ánh Xuân) so với uỷ viên nam là 166 người (chiếm 92,2%).

[24] Lương Văn Tuấn, Hiện thực hóa quy định về phụ nữ tham chính ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 19 (371), tháng 10/2018.

[26] Chính phủ, Báo cáo tóm tắt việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, ngày 17/10/2017.

[28] Chính phủ, Báo cáo tóm tắt việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, ngày 17/10/2017.

[29] Bộ Tư pháp, Nội luật hóa vấn đề bình đẳng giới theo Công ước CEDAW trong pháp luật Việt Nam. Tham kiến: https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thong-tin-khac.aspx?ItemID=2713

[30] Hồ Chủ tịch với vấn đề giải phóng phụ nữ, Nxb Phụ nữ, 1960, tr.31

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ