NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ THÀNH PHỐ THÔNG MINH

 

NGUYÊN TẮC QUẢN TRỊ THÀNH PHỐ THÔNG MINH

Từ khái niệm….

Thành phố thông minh không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm soát, mà còn cần hệ thống quản trị với sự tương tác các bên tham gia nhằm mục tiêu cao nhất là tạo ra một thành phố đáng sống, có khả năng phục hồi tốt và có giá trị. Việc quản trị thành phố thông minh cần tạo dựng các nền tảng cho sự sáng tạo, khởi nghiệp, kinh tế chia sẻ, đổi mới và thích ứng một cách liên tục và thông minh hơn, chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền trí tuệ nhân tạo[1]. Nói cách khác, quản trị thành phố thông minh là một bộ phận tổ thành quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh.

Nếu như “quản lý đô thị là quá trình tác động một cách liên tục, có tổ chức, có kế hoạch và có mục đích của chủ thể quản lý lên các đối tượng quản lý theo một quy trình nhất định nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội đô thị một cách có định hướng thì quản trị đô thị” và “quản trị đô thị là chính phủ (hay chính quyền đô thị) phải là chủ thể chủ yếu, sử dụng nhiều công cụ khác nhau như: chính trị, hành chính, kinh tế, pháp luật, xã hội, giáo dục, truyền thông để giải quyết công việc chung của đô thị, hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và phục vụ người dân một cách tốt nhất trên cả lĩnh vực vật chất và tinh thần”[2], thì quản trị đô thị thông minh là chủ thể quản lý đô thị sử dụng các phương tiện, công cụ thông minh để tiến hành quy hoạch, xây dựng, phát triển thành phố theo hướng thông minh bền vững. Các công cụ thông minh, phương tiện thông minh hàm chỉ toàn bộ công nghệ, kỹ thuật ICT. Khi tiến hành xây dựng thành phố thông minh thì việc tích hợp hệ thống dữ liệu đô thị, phối hợp quy hoạch đô thị, thiết lập cơ sở dữ liệu mở và khuyến khích sự tham gia của người dân,...đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với hoạt động quản trị mà cụ thể là các nhà quản lý đô thị. Như trên đã đề cập, “chất liệu kỹ thuật” cơ bản của một đô thị thông minh là công nghệ ICT, do đó, quản trị đô thị thông minh không thể tách rời công nghệ ICT. Trong đó, các bộ tiêu chí, chỉ số là thước đo đánh giá khả năng, mức độ thực hiện, trình độ quản lý của chính quyền đô thị đối với đô thị thông minh. Điều đó cũng có nghĩa là, để làm tốt công tác quản trị đô thị thì chủ thể quản lý phải am hiểu về công nghệ, biết cách sử dụng các nhân tài về công nghệ để hỗ trợ chính quyền đô thị ra các quyết định trong công tác quản lý đô thị theo hướng “trực quan hóa, chính xác hóa, hệ thống hóa, thông minh hóa”.

….Đến một số nguyên tắc

Trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta xác định mục tiêu: “Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế đô thị; cơ bản hoàn thành hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách, công cụ quản lý, xây dựng mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước nâng cao chất lượng phát triển đô thị cả về kinh tế, xã hội kết cấu hạ tầng, kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân”[3]. Như vậy, “quản lý đô thị” và “quản trị đô thị thông minh” là nhiệm vụ và quyền năng tất yếu của chính quyền đô thị. Nói cách khác, với tư cách là chủ thể quản lý, chính quyền đô thị cần phải xây dựng, nắm vững và quán triệt sâu sắc các nguyên tắc trong suốt tiến trình quản trị đô thị để không “chệch hướng”.

Một là, quản trị thành phố thông minh đảm bảo thế hệ trước không phá hủy môi trường, hệ sinh thái tự nhiên dành cho thế hệ sau theo mục tiêu tuần hoàn, sống xanh. Có nghĩa là phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.

Hai là, xây dựng chính quyền thông minh điều phối nhiều thành phần cấu thành khác nhau của thành phố thông minh tạo ra kết nối đa chiều và hợp tác linh hoạt giữa các bộ phận, thành tố, lĩnh vực. Tức là đảm bảo nguyên tác hệ thống trong hoạt động quản trị đô thị.

Ba là, quá trình ra quyết định quản trị thành phố thông minh cần tập trung cao theo nguyên tắc có sự tham gia, phát huy dân chủ để tối đa hóa nguồn lực, tranh thủ sự đóng góp ý kiến và phản biện xã hội[4].

Bốn là, dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông thế hệ mới như Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để quản lý đô thị và nhanh chóng chuyển đổi từ “chính quyền giấy tờ” sang “chính quyền điện tử” và “chính quyền trí tuệ nhân tạo”, hướng đến phục vụ và nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, đảm bảo nguyên tắc số hóa.

Năm là, nguyên tắc con người là trung tâm, đời sống thị dân là tiêu chí, nhân dân ấm no, hạnh phúc là mục tiêu. Do đó, cần công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, định hướng nền hành chính phục vụ, kiến tạo; nâng cao sức cạnh tranh đô thị, luôn đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong toàn bộ quá trình quản trị, hướng đến tăng hiệu quả.

 



[1] Nguyễn Văn Thành (nhiều tác giả), Xây dựng và quản trị thành phố thông minh, bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong cách mạng công nghiệp 4.0. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020, tr.185

[2] Xem các định nghĩa về “quản lý đô thị” và “quản trị đô thị” ở các phần trên.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, Hà Nội, 2020, tr. 147.

[4] Nguyễn Văn Thành (nhiều tác giả), Xây dựng và quản trị thành phố thông minh, bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong cách mạng công nghiệp 4.0. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020, tr.187-188.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ