KHÁT QUÁT VỀ "THÀNH PHỐ THÔNG MINH"

 

KHÁT QUÁT VỀ THÀNH PHỐ THÔNG MINH

1. Nguồn gốc ra đời chiến lược thành phố thông minh

Nhân loại không ngừng tiến bộ, con người không ngừng nâng cao chất lượng sống và luôn tìm cách để cải thiện đời sống của mình. Tiến trình phát triển của đô thị cũng không ngoài quy luật đó. Kể từ lần đầu tiên khi khái niệm “hành tinh số” (hay “trái đất số”, “trái đất kỹ thuật số”) được Phó Tổng thống Hoa Kỳ là Albert Gore[1] đề cập trong một bài phát biểu vào tháng 1 năm 1998. Theo ông, thành phố kỹ thuật số là một bộ phận tổ thành quan trọng của “trái đất số”; công nghệ số được thể hiện đầu tiên và cụ thể qua tổ chức đô thị. Đến này, khái niệm “đất đất số” đã trải qua 3 giai đoạn là số hóa, thông tin hóa và thông minh hóa. Số hóa là giai đoạn đầu tiên, là nội dung cụ thể của thông tin hóa và chất liệu để hình thành và vận hành thành phố thông minh. Thông tin hóa là nguồn số hóa đã được phân loại, phân tích và là nguồn lực, căn cứ để ra quyết định. Cùng với sự ra đời và phát triển mạng Internet, trên nền tảng của số liệu, cứ liệu, thông tin,… thành phố thông minh đã hình thành và phát triển.

Có quan điểm cho rằng, khái niệm “thành phố thông minh” xuất phát muộn hơn và do Tập đoàn IBM (Mỹ) khởi xướng vào năm 2009. Tuy nhiên thời điểm đó, hầu hết các nước trên thế giới vẫn đang trong giai đoạn đầu của phát triển thành phố thông minh bởi nhiều yếu tố về công nghệ, chỉnh sửa mô hình theo nhu cầu phát triển và phụ thuộc cả tiềm lực tài chính khi muốn phát triển toàn diện mô hình này. Hàng năm, vẫn có các bảng xếp hạng về các thành phố thông minh trên thế giới và vị trí thứ hạng thay đổi hàng năm tùy theo sự phát triển của mỗi khu vực châu lục cũng như mỗi thành phố.

Khu vực Bắc Mỹ là nơi phát triển sôi động và tích cực các đô thị, thành phố thông minh. Theo nghiên cứu của Tập đoàn HIS Markit – Hoa Kỳ năm 2018, thị trường thành phố thông minh của Mỹ đã tăng trưởng mạnh so với năm 2016 trải khắp trên các bang Arizona, New York, Texas, Michigan,… Tuy nhiên, giống như thị trường toàn cầu, nó vẫn ở giai đoạn đầu với rất nhiều chỗ cho những ý tưởng mới và cơ hội kinh doanh mới. Hơn 65% các dự án được thực hiện tại Hoa Kỳ là thử nghiệm hoặc chỉ bao gồm các phần của thành phố. Hầu hết các dự án là thử nghiệm, vì vẫn còn một số thách thức phải đối mặt trong việc đảm bảo các dự án và thực hiện chúng về mặt tài chính bền vững. Tương tự như vậy, các thành phố thông minh của Canada, một quốc gia thuộc khối Bắc Mỹ, đang áp dụng phương pháp và chiến lược mới để tận dụng công nghệ và dữ liệu vì lợi ích của cư dân của họ[2].

Như vậy, thành phố “thông minh”, “thông minh hơn”, “thông minh hóa” ra đời là một tất yếu khi các điều kiện và nền tảng công nghệ đã hội đủ, đã chín muồi. Con người luôn khát khao vươn đến tầm cao mới, muốn “tiện ích” hơn trong các hoạt động sống của mình. Từ ước mơ và ý tưởng đã dần trở thành hiện thực và áp dụng trong nhiều lĩnh vực như y tế, giao thông, cung cấp điện nước hay quản lý xã hội. Trong vận hành và quản trị một thành phố cũng vậy, ước mơ xây dựng một thành phố thông minh, thông minh hơn và dần hiện thực hóa “hành tinh thông minh”. Từ khái niệm trở thành chiến lược, từ ước mơ trở thành hiện thực, từ một vài đô thị trở thành xu thế tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Thành phố thông minh đã trở thành hiện thực, thành phố thông minh hơn là xu hướng tất yếu.

2. Định nghĩa thành phố thông minh

Thành phố thông minh là khái niệm tương đối mới mẽ, càng mới mẽ hơn đối với các quốc gia đang phát triển khi mà sự tiến bộ và trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật, thành quả của trí tuệ thông minh chưa nhiều. Do đó, nghiên cứu lĩnh vực thành phố thông minh cũng chưa phải là nhiều, nếu không muốn nói là còn hạn chế. Hiện chưa có một định nghĩa thống nhất về thành phố thông minh do cách tiếp cận và quan điểm của các nhà nghiên cứu, quản lý đô thị.

Theo Luật về Đô thị và Cộng đồng thông minh của Hoa Kỳ, khái niệm đô thị thông minh được định nghĩa: Thành phố thông minh hoặc cộng đồng thông minh là một cộng đồng ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy, các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để: Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân; tăng hiệu lực và hiệu quả chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự; thúc đẩy phát triển kinh tế; tạo ra một cộng đồng ở đó người dân cảm thấy tốt hơn về các mặt an toàn, an ninh, bền vững, có sức chống chịu, đáng sống và đáng làm việc[3].

Như vậy, trong khái niệm này người ta gắn liền “thành phố thông minh” với “cộng đồng thông minh” – tư cách là chủ thể của đô thị. Không thể có một thành phố thông minh thuần túy mà chủ thể của nó (bao hàm chủ thể quản lý và chủ thể hưởng thụ) không thông minh.

Phương tiện của thành phố thông minh chính là “công nghệ thông tin và truyền thông”; mục tiêu của thành phố thông minh là hướng đến cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của nhân dân, tăng cường an toàn, an ninh và giúp người dân hạnh phúc hơn. Đối với chính quyền đô thị mà nói, thông qua việc xây dựng thành phố thông minh để cung cấp hệ thống dịch vụ tốt hơn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản trị đô thị.

Theo quan điểm của Liên minh viễn thông quốc tế[4] thì: “Thành phố thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ đô thị và khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hiện tại và các thế hệ tương lai liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường cũng như văn hóa[5].

Khái niệm này lại gắn kết thông minh với bền vững thành cụm từ “thông minh bền vững” (“a smart sustainable city” - điều này cũng gợi ý cho các nhà quản lý đô thị một cách tiếp cận và phương thức xây dựng thành phố thông minh. Chẳng hạn nếu xây dựng thành phố thông minh mà ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, bất bình đẳng xã hội ngày càng gia tăng, an ninh trật tự đô thị bị đe dọa thì chắc chắn sẽ không bền vững).

Một điểm chung giữa khái niệm này với khái niệm trên là “công nghệ thông tin và truyền thông” chính là phương tiện, công cụ để hiện thức hóa ý tưởng thông minh. Mục tiêu của việc xây dựng thành phố thông minh là “cải thiện chất lượng cuộc sống và hiệu quả hoạt động và dịch vụ đô thị”.

Khái niệm này cũng nhấn mạnh đến phát triển bền vững là đảm bảo các khía cạnh kinh tế, văn hóa-xã hội và môi trường; đảm bảo nhu cầu của thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai. Như vậy, bản thân “thành phố thông minh” không phải là mục đích tự thân mà cuối cùng là hướng đến con người, thị dân: nâng cao chất lượng sống.

Còn theo Ủy ban châu Âu, khái niệm đô thị thông minh được luận giải như sau: “Thành phố thông minh là nơi các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của cư dân và doanh nghiệp. Các thành phố sử dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện quản lý và hiệu quả của môi trường đô thị[6].

Theo đó, tính hiệu quả (và hiệu quả hơn)[7] vẫn tiếp tục được khẳng định; công nghệ thông tin (kỹ thuật số) và viễn thông chính là phương tiện để thực hiện; mục tiêu vẫn hướng đến lợi ích và thỏa mãn các nhu cầu của cư dân và doanh nghiệp. Đối với chính quyền đô thị thì thông qua mô hình thành phố thông minh để cải thiện chất lượng quản lý; bảo vệ tối đa môi trường đô thị (có thể hiểu là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội; môi trường hiện tại và môi trường trong tương lai).

Như vậy, mặc dù có những điểm không hoàn toàn trùng khớp nhau trong mỗi khái niệm, song tất cả định nghĩa nên trên đều hướng đến mục tiêu chung (và mục tiêu cuối cùng) là quản lý hiệu quả hơn, đời sống của người dân được cải thiện tốt hơn, đô thị phát triển theo hướng bền vững. Trong đô thị thông minh, người dân được tham gia, giám sát và hưởng thụ; các nguồn lực trong xã hội được phát huy tối đa.

Trên cơ sở chắc lọc cách lý giải và tiếp trên trên, chúng tôi đưa ra định nghĩa như sau: “Thành phố thông minh là thành phố mà ở đó các chủ thể quản lý vận dụng tiến bộ và thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông để tổ chức, quy hoạch, thiết kế, xây dựng các khía cạnh, lĩnh vực và giải quyết các vấn đề đô thị một cách hiệu quả hơn, bền vững hơn; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công cộng một cách tốt nhất; nâng cao sức cạnh tranh, tính nhân văn và hình ảnh văn minh đô thị”.

Từ định nghĩa này có thể làm rõ: (1) Chủ thể quản lý đô thị (chính quyền đô thị, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội khác) phải là người tiên phong, nắm bắt các cơ hội và thành quả phát triển của khoa học, công nghệ để xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, tiện lợi, hiệu quả; (2) Khách thể của thành phố thông minh là các khía cạnh, lĩnh vực đô thị bao gồm: giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, an ninh, an sinh, quốc phòng, giao thông, du lịch, năng lượng,...; (3) Phương tiện để thiết lập thành phố thông minh chính là thành quả của công nghệ thông tin và truyền thông mà chủ chốt là: Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa ở mức cao (super automation); Giao tiếp giữa máy với máy (M2M communication) và dịch vụ băng thông rộng di động được sử dụng phổ biến (pervasive broadband mobile); Hệ thống truyền tải năng lượng “thông minh” (“smart” energy grids); Các trợ lý ảo (talking & serviceable “bots”); Phương tiện giao thông tự hành (không người lái - driverless transport); Internet vạn vật (Internet of Everything hoặc Internet of things - IoT); An ninh mạng ở trình độ tân tiến (advanced cybersecurity); Tương tác người-máy (human-machine interface - hiện tại, tương tác giữa máy và người ở nhiều thành phố được thực hiện thông qua các màn hình cảm ứng); Làm việc từ xa (telework), giáo dục từ xa (tele-education) và chữa bệnh/chăm sóc y tế từ xa (tele-health services); Công ty ảo (virtual companies)[8]; (4) Mục tiêu của thành phố thông minh hướng đến cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của người dân, tăng cường an toàn, an ninh và giúp người dân hạnh phúc hơn. Đối với chính quyền đô thị mà nói, thông qua việc xây dựng thành phố thông minh để cung cấp hệ thống dịch vụ tốt hơn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản trị đô thị.

Tất cả các lĩnh vực trên của một thành phố thông minh tựu trung lại ở 3 nhân tố then chốt đó là con người, công nghệ và quản trị. Con người, trước hết là chủ thể của đô thị mà then chốt là cộng đồng cư dân của đô thị là nhân tố quyết định đến sự thành bại của tiến trình phát triển đô thị, trong đó có đô thị thông minh. Trước hết, dù áp dụng mô hình đô thị nào thì người dân vẫn luôn là trung tâm, là mục tiêu, động lực của sự phát triển[9]. Thứ đến, tố chất thị dân phải tương xứng, tức là họ phải “thông minh” (có kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn cũng như có khả năng sử dụng, điều khiển các tiện ích của hệ thống số) và phải có niềm tin vào chính bản thân và chính quyền đô thị, luôn song hành và hỗ trợ những cải tiến, sắp đặt và vận hành của chính quyền. Bên cạnh đó, muốn xây dựng một thành phố thông minh thì chính đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải thông thái trong cách quản lý, điều hành; trong thu hút nhân tài và các chuyên gia giỏi trong từng lĩnh vực (nhất là công nghệ thông tin và truyền thông) để triển khai và thực hiện các ý tưởng của mình. Công nghệ, là yếu tố nền tảng để thực hiện mô hình thành phố thông minh, trước hết là phải hội đủ nền tảng số, mạng Internet và tiếp sau đó là hệ thống dữ liệu lớn, kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Thông qua công nghệ, người ta xây dựng “bộ não” (bộ mã tự động biến thể -VAE) đô thị và mạng lưới các tế bào thần kinh, giúp nhà quản lý đô thị có thể đi sâu, đi sát, đi nhanh hơn vào cuộc sống để giải quyết các vấn đề nảy sinh, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ và thỏa mãn các nhu cầu trong đời sống một cách nhanh chóng và tiện ích. Quản trị, là yếu tố sống còn của tiến trình phát triển đô thị. Trong xây dựng thành phố thông minh với công cụ công nghệ thông tin và truyền thông tinh vi (Chính phủ điện tử) điều phối nhiều bộ phận cấu thành khác nhau của thành phố thông minh một cách minh bạch, kết nối và hợp tác linh hoạt; Xây dựng khung pháp lý và giải pháp giám sát đảm bảo an ninh thông tin và sự riêng tư cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội; Thiết lập hệ thống bảo vệ đối với gian lận, trách nhiệm pháp lý và cung cấp dịch vụ kém[10]. Do đó xét đến cùng, một trong những mục tiêu của thành phố thông minh là hiệu quả quản trị đô thị, chất lượng quản lý đô thị; phát huy tối đa vai trò của chính quyền đô thị trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà cốt lõi là phục vụ người dân tốt hơn, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho nhân dân.

TS. Phạm Đi



[1] Albert Arnold Gore (tên thường được gọi Al Gore là Phó Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ông giữ chức vụ này từ năm 1993 đến 2001 dưới thời Tổng thống Bill Clinton. Ông nhấn mạnh: Chúng ta cần một "trái đất kỹ thuật số", tức là một trái đất ảo với đa độ phân giải và biểu diễn hình ảnh ba chiều dựa trên tọa độ trái đất, được nhúng với dữ liệu địa lý khổng lồ.

[2] Nguyễn Thị Vân Hương, Thành phố thông minh: Xu hướng phát triển trên thế giới và Việt Nam, Tạp chí Kiến trúc số 09/2019.

[3]  US City Decision Maker Survey – A Collaborative project run by IHS Markit and the US Conference of Mayors”, 6/2018.

[4] International Telecomunications Union, viết tắt là ITU, là tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc được thành lập ngày 15/7/1947 với tôn chỉ, mục đích: Giữ vững và tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực hữu tuyến, vô tuyến, cáp quang, vệ tinh... của tất cả các nước thành viên nhằm hoàn thiện việc sử dụng viễn thông một cách có hiệu quả nhất; Khuyến khích và trợ giúp kỹ thuật cũng như các nguồn tài trợ cho các nước đang phát triển trong lĩnh vực viễn thông, phát triển các phương tiện kỹ thuật giúp các nước đang phát triển khai thác có hiệu quả các dịch vụ viễn thông; Tăng cường sử dụng các dịch vụ viễn thông với mục đích thúc đẩy hoà bình thế giới; Phân bổ và quản lý các tần số vô tuyến điện cũng như các vị trí liên quan đến quỹ đạo của các vệ tinh địa tĩnh để tránh nhiễu giữa các trạm thông tin vô tuyến của các nước khác nhau; Tạo lập tiêu chuẩn viễn thông thế giới, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dịch vụ viễn thông; Khuyến khích sự cộng tác giữa các thành viên để cước phí dịch vụ giảm xuống thấp nhất, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng và đảm bảo quản lý tài chính viễn thông công khai, độc lập; Thống nhất toàn cầu để sử dụng các dịch vụ viễn thông trong việc cứu hộ con người và vật chất khi cần thiết. Việt Nam tham gia ITU từ 1976, đến năm 1982 Tổng cục Bưu điện mới tham dự Hội nghị toàn quyền lần thứ 10 tại Nairobi (Kênya). ITU đã giúp Việt Nam thực hiện một số dự án như: dự án thử nghiệm viễn thông cộng đồng đa mục tiêu nhằm phát triển viễn thông cộng đồng góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân vùng sâu, vùng xa; dự án “Phác thảo chiến lược phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam đến 2010 và định hướng đến 2020”, đào tạo chuyên gia Việt Nam để triển khai chương trình lập kế hoạch mạng viễn thông PLANITU và khoá đào tạo, hội thảo về chính sách phát triển viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán quốc tế.

[5] United 4 Smart Sustainable Cities, Liên minh viễn thông quốc tế.

[6] What are smart cities? Ủy ban Châu Âu. Tham kiến: https://unece.org/housing/sustainable-smart-cities

[7] Chính vì thế mới có khái niệm “thông minh hơn” mà nội hàm và mục tiêu là hướng đến “hiệu quả hơn”

[8] Tham kiến: Oliver Gassmann, et. al, Smart Cities: Introducing Digital Innovation to Cities (Bingley DB16 1WA, UK: Emerald Publishing Limited, 2019) at 31-46

[9] Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1 tháng 8 năm 2018 về Phê duyệt Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 đã nhấn mạnh: “…lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các Mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam

[10] Xem thêm: Nguyễn Tiến Hùng, Mô hình phát triển thành phố thông minh trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính tháng 10/2019.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ