VẤN ĐỀ TỘI PHẠM MANG YẾU TỐ GIỚI TÍNH
VẤN ĐỀ TỘI PHẠM MANG YẾU TỐ GIỚI TÍNH
Tội phạm liên
quan đến giới, giới tính (gọi tắt là tội phạm giới) là khái niệm chỉ các loại tội
phạm liên quan đến hành vi giới tính và được sử dụng trên 2 tầng nghĩa. Theo
nghĩa rộng, tội phạm giới là toàn bộ những hành vi giới tính liên quan đến các
quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, phong tục, tập quán bị ngăn cấm, khiển
trách và trừng phạt. Theo nghĩa hẹp, tội phạm giới là những hành vi giới tính bị
nghiêm cấm bởi pháp luật với những chế tài tương ứng. Theo Luật hình sự của nước
ta, tội phạm giới theo nghĩa hẹp gồm các hành vi sau: tội hiếp dâm, tội cưỡng
dâm, tội giao cấu với trẻ em, tội chứa mại dâm, tội môi giới mại dâm…
Vấn đề tội phạm
giới có tính lan truyền và có thể dẫn đến các loại tội phạm khác, chẳng hạn,
khi thực hiện hành vi hiếp dâm hay cưỡng dâm thì hung thủ thường chịu những phản
ứng, đôi khi rất quyết liệt một mất một còn khiến cho những kẻ ra tay càng hung
bạo và đôi khi dẫn đến hành vi giết người (tránh bị người khác phát hiện, người
bị hại tố giác, diệt khẩu…); hành vi mua bán dâm (nhất là người mua dâm) khi muốn
có tiền để thực hiện hành vi của mình thường dẫn đến các hành vi tội phạm như lừa
gạt, trộm, cướp..; những nhóm môi giới, chứa chấp mại dâm thường có hành vi ẩu
đả, thậm chí sát hại lẫn nhau để tranh giành “địa bàn”, quyền điều kiển, bảo
kê… Do đó, tội phạm về giới tác động trực tiếp đến an ninh trật tự, ổn định xã
hội và cần có những nghiên cứu, những giải pháp thích hợp để ngăn ngừa, khống
chế.
Khi đất nước bước
vào giai đoạn đổi mới mà đặc biệt là những chuyển biến xã hội trong thời gian gần
đây mà cụ thể là chuyển biến từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ
xã hội tương đối khép kín sang xã hội mở cửa, từ xã hội truyền thống sang xã hội
công nghiệp. Những nội dung cụ thể trong thời kỳ xã hội chuyển mình đó là những
thay đổi về cơ cấu xã hội, đổi mới cơ chế, chính sách, điều chỉnh kết cấu ngành
nghề, chuyển biến những giá trị, quan niệm…Trong thời kỳ này, cơ cấu xã hội, cơ
chế vận hành xã hội đã có những chuyển biến mạnh mẽ; các khuôn mẫu, thang bậc
giá trị có những giao thoa thậm chí va đập nhau; phương thức hành vi, phương thức
sống, hệ thống giá trị đều phát sinh những biến đổi nhất định và đôi khi mạnh mẽ.
Do đó, phát sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan đến những chuyển biến xã hội này
mà tội phạm về giới cũng là một trong những vấn đề đó. Khi xem xét vấn đề tội
phạm liên quan đến giới chúng ta đặt nó trong bối cảnh của thời đại để tìm hiểu
những nguyên nhân sâu xa của nó. Khi nắm bắt các nguyên nhân nảy sinh các tội
phạm liên quan đến yếu tố giới thì chúng ta mới có những biện pháp giải quyết
và phòng ngừa loại tội phạm này một cách hiệu quả, hợp lý, căn cơ. Cụ thể mà
nói, nguyên nhân của loại tội phạm liên quan đến yếu tố giới, giới tính chủ yếu
gồm:
Thứ nhất, mất cân bằng về phát triển kinh tế. Tội phạm liên quan đến yếu tố giới có
nguyên nhân sâu xa liên quan đến nguồn gốc kinh tế. Tình trạng mất cân bằng
trong phát triển kinh tế giữa các tỉnh, các vùng, giữa nông thôn và miền núi,
giữa đô thị và nông thôn hình thành chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng.
Thực tiễn ở nước ta cho thấy, hiện tượng mất cân bằng trong phát triển ngày
càng gia tăng, chênh lệch giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng. Nghiên cứu của
Oxfam về tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam cho thấy, mức độ thay đổi khoảng
cách về thu nhập giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất ở Việt Nam khá lớn. Người
giàu nhất Việt Nam có thu nhập trong một ngày cao hơn thu nhập của người nghèo
nhất Việt Nam trong 10 năm. Trong một giờ, người giàu nhất Việt Nam có thu nhập
từ nguồn tài sản cao hơn gần 5.000 lần thu nhập của nhóm 10% nghèo nhất Việt
Nam chi hàng ngày cho các nhu cầu thiết yếu. Đáng chú ý, thu nhập một năm của
nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo,
chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước[1]. Mất cân bằng trong phát triển kinh tế sẽ khiến
cho một bộ phận phụ nữ rơi vào tình trạng nghèo đói (nghèo tuyệt đối và nghèo
tương đối). Để thoát được nghèo, nhiều phụ nữ lựa chọn con đường lao động chân
chính để thoát nghèo nhưng cũng không ít phụ nữ, vì những lý do khác nhau, lựa
chọn con đường mại dâm. Mặt khác, một bộ phận có thu nhập tương đối cao và mong
muốn được “hưởng thụ”, ăn chơi sa ngã và tiến hành các hoạt động mua bán dâm.
Thứ hai, “lợi nhuận” kiếm được từ hành vi tội phạm cao. Theo quan niệm của xã hội học,
khi đứng trước sự lựa chọn về hành vi hoặc là phạm tội hoặc là không phạm tội
thì nếu người ta quyết định lựa chọn hành vi phạm tội khi người ta cho rằng,
khi thực hiện hành vi đó nó sẽ mang lại lợi ích lớn (hiệu quả do phạm tội mà
có) và dễ dàng. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng ở nước ta đã rất quyết
liệt đối với các loại tội phạm liên quan đến yếu tố giới như hành vi hiếp dâm,
buôn bán phụ nữ, mua bán dâm, thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn những lỗ hổng
nhất định, các chế tài ở một số loại tội phạm chưa nghiêm, thậm chí các loại tội
phạm liên quan đến hành vi mua bán, chứa chấp, tổ chức bán dâm có xu hướng gia
tăng. Một trong những nguyên nhân tồn tại hiện tượng này là “lợi nhuận” cao
nhưng chế tài (hình sự và hành chính) còn quá nhẹ. Xử lý người bán, người mua,
người tổ chức hay môi giới mại dâm còn quá nhẹ.
Thứ ba, giáo dục giới tính còn lạc hậu, yếu kém. Giáo dục giới tính liên quan đến
nội dung và tính chất về ý thức giới tính, liên quan đến sức khỏe vị thành niên
và tâm lý giới tính của mỗi cá nhân. Lịch sử phát triển ý thức giới tính của cá
nhân là một quá trình tích lũy từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ tự phát đến
tự giác. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay, vấn đề giáo dục giới tính ở nước
ta vẫn còn nhiều bất cập, yếu kém, thậm chí lạc hậu. Trong gia đình, kiến thức
của các bậc cha mẹ về giới tính còn thiếu và yếu, thường có thái độ né tránh
khi nói đến các vấn đề “nhạy cảm” về giới tính. Trong trường học, mặc dù trong
những năm gần đây đã có những cố gắng nhất định nhằm đưa giáo dục giới tính vào
các cấp học nhưng thực tế vẫn còn hình thức, chung chung, chưa gắn với lứa tuổi.
Chẳng hạn, nhiều trường học có tiến hành giáo dục giới tính nhưng chỉ làm cho
có, giáo viên phụ trách cũng chỉ kiêm nhiệm, thậm chí “ngại” khi nói đến các vấn
đề giới tính chuyên sâu nên hiệu quả không cao. Ngoài xã hội, khó có thể thông
qua một kênh chính quy để học hỏi những kiến thức về giới tính một cách khoa học,
hợp thời đại; xã hội cũng không có những định hướng giá trị đích thực về phương
diện đạo đức liên quan đến giới tính để dẫn dắt hành động cho con người, nhất
là tầng lớp thanh thiếu niên. Chính những thực trạng đó khiến cho vấn đề giáo dục
giới tính cho thanh thiếu niên ngày càng cấp bách hơn.
Vì sao giáo dục
giới tính lạc hậu lại là nguyên nhân của tội phạm về giới? Khi xã hội có những
chuyển biến, nhất là những chuyển biến lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước. Biến chuyển xã hội sẽ tác động đến các giá trị văn hóa truyền
thống và nếu đủ lớn nó sẽ phá vỡ trạng thái cân bằng vốn có và hình thành một
trạng thái cân bằng mới. Một số mắc xích trong hệ thống văn hóa trước đó có thể
bị xô lệch nhưng không phải lúc nào cũng nhanh chóng tìm được vị trí mới, cái mới
thay thế và vì thế phát sinh hiện tượng mất cân bằng văn hóa. Thông thường mà
nói, yếu tố vật chất của văn hóa sẽ biến chuyển trước tiên và sau đó là yếu tố
tinh thần và cuối cùng là phong tục, tập quán sẽ có những biến đổi kéo theo. Từ
mối quan hệ giữa giáo dục giới tính và tội phạm nhìn nhận, vấn đề trưởng thành
sớm, dậy thì sớm, quan hệ tình dục lần đầu của lứa tuổi vị thành niên là các yếu
tố phá vỡ trạng thái cân bằng cũ của văn hóa, và do đó cần sự điều chỉnh của xã
hội để tìm kiếm điểm cân bằng mới. Tức là, cha mẹ, nhà trường, xã hội cần tiến
hành giáo dục giới tính cho đối tượng này một cách kịp thời, khoa học, giúp cho
họ đối diện với những “sự thật” và xử lý tốt những vấn đề liên quan đến giới
tính. Thế nhưng trên thực tế, gia đình, nhà trường và cả xã hội vẫn chưa theo kịp
với sự chuyển biến của thời đại, của văn hóa mà đôi khi còn có thái độ né
tránh, úp mở, sợ “vẽ đường cho hưu chạy”. Chính lẽ đó càng làm cho thanh thiếu
niên thiếu hụt những kiến thức thiết yếu về giới tính, thậm chí từ đây lại dẫn
đến tính hiếu kỳ. Kết quả là năng lực kiểm soát cá nhân về lĩnh vực giới tính
kém, và đó là điều kiện để hình thành các hành vi tội phạm giới tính. Thực tiễn
cho thấy, hiện tượng này đã trở thành một vấn đề xã hội hết sức cấp bách, là vấn
đề liên quan đến sức khỏe, sự phát triển bình thường của cả một thế hệ thanh
thiếu niên.
Thứ tư, văn hóa phẩm đồi trụy ngày càng tràn lan. Dưới cách nhìn của lý thuyết
xung đột văn hóa thì tỷ lệ tội phạm và xung đột giá trị văn hóa có mối tương
quan nhau. Nói cách khác, xung đột về các quy chuẩn văn hóa sẽ dẫn đến xung đột
hành vi mà tội phạm chính là xung đột giữa quy phạm và hành vi. Trong một xã hội
hiện đại, sự giao lưu, tiếp biến, chỉnh hợp, xâm thực văn hóa luôn diễn ra; cơ
cấu xã hội ngày càng phức tạp hơn, giá trị xã hội ngày càng đa dạng hơn. Chính
vì thế, xung đột văn hóa ngày càng có xu thế gia tăng khiến cho tâm lý và hành
động của con người đôi khi khó thích ứng với những chuyển biến nhanh chóng của
văn hóa xã hội. Con người khó tiếp nhận những nét, yếu tố văn hóa ngoại lai và
từ đó dễ dẫn đến những hành vi lệch lạc mà biểu hiện cao nhất là hành vi tội phạm.
Văn hóa phẩm đồi
trụy dẫn đến hành vi tội phạm như thế nào? Từ những năm sau giải phóng đến trước
đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những động thái tích cực đấu tranh với các
loại văn hóa phẩm đồi trụy; chúng ta luôn phủ định và tìm cách loại trừ các loại
tội phạm liên quan đến giới như hiếp dâm, cưỡng dâm, mại dâm; dư luận xã hội
cũng lên án mạnh mẽ các hành vi tội phạm này. Chính lẽ đó, loại tội phạm này ở
thời điểm đó bị miệt thị ghê gớm, thậm chí những ai có hành vi hiếp dâm, cưỡng
dâm, bán dâm sau khi đã thụ án không dám trở về bản quán vì những dè bỉu của cộng
đồng. Sau thời kỳ đổi mới đất nước, cùng
với xu thế mở cửa hội nhập, nhất là phổ cập mạng Internet, các loại văn hóa phẩm
đồi trụy cũng theo đó mà phát sinh, phát tán, tác động đến hành vi, tư tưởng, lối
sống của mọi người. Có thể nói, đây là hiện tượng xung đột văn hóa điển hình,
xung đột này khiến cho quan niệm giới tính, hành vi giới tính của con người khó
lòng thích ứng kịp với những chuyển biến nhanh chóng của thời đại, phát sinh
xung đột giữa văn hóa truyền thống với “văn hóa sắc tình” của phương Tây. Điều
này tác động không tốt đến lối sống lành mạnh của cộng đồng. Điều cần nhấn mạnh
là, hiện nay mạng Internet là kênh lưu truyền “văn hóa sắc tình” nhanh nhất,
“phong phú” nhất, phổ biến nhất. Chỉ cần một máy tính nối mạng là người ta có
thể tìm thấy vô số các trang web đen với “đầy đủ” thể loại, chủng loại, cách thức.
Con người nếu thường
xuyên tiếp xúc với các nguồn văn hóa phẩm đồi trụy này một cách không kiểm soát
sẽ là nguồn cơn dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, nhất là lứa tuổi thanh thiếu
niên. Nhiều minh chứng cho thấy, thiếu niên phạm tội do xem phim “đen” không phải
là hiếm[2].
Thứ năm, lệch lạc trong quan niệm về giới tính. Quan niệm sẽ định hướng cho hành vi,
quan niệm về giới tính bị lệch lạc sẽ dẫn đến hành vi giới tính bị lệch lạc, thậm
chí là phạm tội. Hành vi của con người là hành vi mang tính bản năng của động vật
khác nhau ở chỗ, con người có tính xã hội và có ý thức. Ngày nay, vẫn có nhiều
người quan niệm về giới tính khác lệch lạc, chẳng hạn, muốn thỏa mãn các nhu cầu
tình dục của mình thì bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được mục đích. Họ có thể
dùng các biện pháp bạo lực để cưỡng bức đối tượng. Ngoài ra, một số người còn
coi chuyện tình dục như một loại hàng hóa nên “mua bán” là bình thường[3]. Tuy nhiên, không thể nhìn nhận vấn đề
này một chiều và giản đơn theo kiểu “họ cho phép mình cũng cho phép” mà cần đặt
nó trong bối cảnh lịch sử, kinh tế-xã hội và hình thái ý thức để xem xét. Hiện
nay, mua bán dâm vẫn bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm và đó là hành vi phi pháp
nhưng vì những lý do khác nhau mà nó vẫn tồn tại.
Ngoài ra, hiện
nhiều người vẫn xem hành vi giới tính là chuyện cá nhân thuần túy nên có ý nghĩ
đơn giản là tôi muốn thì tôi làm. Bằng chứng là hiện tượng làm tình tập thể, hoán
đổi vợ chồng[4] được nhiều người “công khai” và cho đó là
“tự do tình dục”. Những quan niệm lệch lạc về giới tính, tình dục như thế sẽ
tác động không nhỏ đến lối sống của một bộ phận người nhất định và đó là một
trong những nguyên nhân hình thành một số loại tội phạm liên quan.
Thứ bảy, yếu kém trong quản lý xã hội về vấn đề mua bán dâm và các hoạt động trá
hình. Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, xã hội cũng có những bước
chuyển với tốc độ chóng mặt. Hiện nay ở nhiều địa phương trên cả nước (nhất là
các đô thị lớn) không khó để tìm một quán massage, quán karaoke, thậm chí tiệm
cắt tóc gội đầu… nhưng bên trong là các hoạt động trá hình. Có thể nói, một
trong những nguyên nhân mà các hoạt động trá hình này tồn tại và phát triển là
do hoạt động quản lý nhà nước còn yếu kém. Thậm chí, một số người còn nhận thức
sai lệch về hiện tượng mại dâm và xem đó là những “đặc sản” vốn có, là “tiêu
chí” phát triển kinh tế xã hội của địa phương mình[5]. Từ đó, các hoạt động quản lý nhà nước về
vấn đề mại dâm (cùng các hoạt động trá hình) ở trạng thái kiểu “nhắm một con mắt,
mở một con mắt”, chỉ nhìn thấy khía cạnh thu hút khách du lịch, nhà đầu tư mà bỏ
qua những tác động tiêu cực của mại dâm đối với xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo
đức. Thậm chí, có hiện tượng bao che, dung túng của chính những người quản lý,
thực thi pháp luật đối với hoạt động mại dâm[6]; các hoạt động “truy quét” chỉ làm theo
mùa vụ, xong đâu lại vào đấy, khiến cho các hoạt động trá hình về mại dâm ngày
càng có xu hướng thích ứng, thích nghi.
Bản chất của loại
tội phạm liên quan đến giới tính không phải là yếu tố giới tính mà là các quyền
lợi của người bị hại và hơn thế nữa là lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội. Tội phạm
liên quan đến giới là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề xã hội khác, tác động
không nhỏ đến cá nhân, gia đình và xã hội. Chẳng hạn, hiếp dâm sẽ tác động đến
thân thể và tinh thần của người bị hại; mại dâm là kênh lây lan các bệnh xã hội
và AIDS và đồng thời tác động tiêu cực đến chuẩn mực, giá trị xã hội, ảnh hưởng
đến an ninh trật tự xã hội. Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để ngăn ngừa loại tội
phạm liên quan đến giới một cách có hiệu quả và căn cơ? Thông qua phân tích các
nguyên nhân ở trên, chúng ta không khó để nói rằng, muốn ngăn chặn và đẩy lùi
loại tội phạm này cần có những giải pháp đồng bộ, quyết tâm của hệ thống chính
trị và toàn nhân dân. Cụ thể cần thực hiện một số biện pháp sau: (1) Coi trọng
công tác giáo dục về giới tính. Nội dung giáo dục giới tính là giáo dục tri thức
về giới tính và khoa học về giới tính, bao gồm các nhận thức lý tính và tri thức
đạo đức về giới tính. Giáo dục giới tính sẽ cung cấp cho con người tri thức
liên quan đến tâm sinh lý, nhận thức được mối quan hệ giữa tình cảm, cảm giác với
vấn đề giới tính; hiểu được các hành vi phù hợp, được pháp luật và đạo đức cho
phép; những hành vi nào cần phải kiểm soát và phương thức kiểm soát bản thân đối
với hành vi giới. Do bởi có rất nhiều tội phạm về giới liên quan đến tầng lớp
thanh thiếu niên, do đó việc giáo dục giới tính đối với lứa tuổi này là vô cùng
cần thiết. Khi tiến hành giáo dục giới tính cần chú trọng nhấn mạnh đến giáo dục
đạo đức, giúp nhận thức được các hành vi giới tính nào là đúng, là tốt, là nên;
hành vi nào là xấu, là không đúng, là không nên làm. (2) Làm trong sạch môi trường
văn hóa. Các văn hóa phẩm đồi trụy và tội
phạm liên quan về giới có mối liên hệ liên đới nhau. Trong điều kiện Internet
phát triển và thiếu kiểm soát như hiện nay, chỉ cần một cái “bấm chuột” thì nhiều
loại phim ảnh khiêu dâm, kích dục sẽ được “mục sở thị” thì vấn đề đặt ra trong
quản lý mạng Internet mà cụ thể là làm trong sạch môi trường văn hóa là điều cần
thiết. Cụ thể, tiến hành quản lý và kiểm soát chặt chẽ các trang web đen, có chế
tài nghiêm khắc và kiên quyết xử lý các hành vi tạo lập, phát tán, lưu trữ các
trang mạng đồi trụy. Đồng thời gia đình, nhà trường, xã hội phải có sự kết hợp
chặt chẽ hơn nữa trong giáo dục, quản lý con người, nhất là thanh thiếu niên; tạo
nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Đối với toàn
xã hội, cần tăng cường giáo dục niềm tin và lý tưởng, trách nhiệm xã hội của mỗi
công dân, từng bước nâng cao tính tự giác và sức đề kháng của mỗi cá nhân về
các loại văn hóa phẩm đồi trụy. Tăng cường tuyên truyền và giáo dục văn hóa
tinh thần, tạo môi trường văn hóa trong lành, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
(3) Tăng cường công tác dự báo, dự phòng và tuyên truyền. Vận dụng các phương
tiện truyền thông đại chúng và dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận xã hội trong
công tác phòng chống các loại tội phạm liên quan đến giới. Có những nghiên cứu
tỉ mỉ, chuyên sâu để đúc kết các số liệu thực chứng ở mỗi địa phương cũng như
trên phạm vi toàn quốc từ đó có cái nhìn toàn cục và đưa ra những dự báo xu hướng
trong tương lai. Có phương thức gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội
trong xã hội hóa cá nhân, nâng cao nhận thức về giới tính, nhận thức về các
hành vi xâm hại tình dục, từng bước hình thành các quan niệm giá trị đúng đắn
và có ý thức bảo vệ chính bản thân khi có những hành vi xâm hại tình dục.
TS. PHẠM ĐI
[1]
Khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang gia tăng mạnh. Tham kiến: http://baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-khoang-cach-giau-ngheo-o-viet-nam-dang-gia-tang-manh-664e1f4f.aspx.
Cập nhật ngày 19 tháng 4 năm 2017.
[2]
Xem: https://www.tienphong.vn/phap-luat/thieu-nien-pham-toi-do-xem-phim-den-642710.tpo.
Cập nhật ngày 20 tháng 5 năm 2017.
[3] Thời
gian qua, một số địa phương và một số chuyên gia thậm chí nhà quản lý có đưa ra
ý kiến, quan điểm nên chấp nhận mại dâm như một nghề, là loại hàng hóa để “kinh
doanh”. Tham kiến: http://nld.com.vn/ban-doc/mai-dam-la-mot-nghe-20140910224730527.htm.
Cập nhật ngày 26 tháng 6 năm 2017.
[4]
Xem: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/thu-choi-doi-vo-o-sai-gon-2241731.html.
Cập nhật ngày 27 tháng 6 năm 2017.
[5]
Phát biểu “Với thành phố du lịch
mình, không thể không có mại dâm”, nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố Đà
Nẵng đã nhận không ít chỉ trích của dư luận. Tham kiến: https://vtc.vn/pho-chu-tich-da-nang-phat-ngon-soc-ve-mai-dam-d146599.html.
Cập nhật ngày 13 tháng 8 năm 2017.
[6]
Xem: TP.HCM: Quan phường mất chức vì
bao che mại dâm. Tham kiến: https://baomoi.com/tp-hcm-quan-phuong-mat-chuc-vi-bao-che-mai-dam/c/11562431.epi.
Cập nhật ngày 13 tháng 8 năm 2017.
Nhận xét
Đăng nhận xét