VẤN ĐỀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI, PHÂN HÓA XÃ HỘI Ở MIỀN TRUNG

 

VẤN ĐỀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI, PHÂN HÓA XÃ HỘI Ở MIỀN TRUNG

TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

 

Social stratification in Central region in the context of international integration

 

 

Tóm tắt:

Sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn về mọi mặt. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộc một số hạn chế trong nhận thức các vấn đề xã hội nói chung, giải quyết vấn đề phân tầng xã hội nói riêng. Do đó, vấn đề phân tầng xã hội cần phải được nghiên cứu tỉ mỉ để có cách nhìn nhận, nắm bắt những xu thế và hướng diễn biến của nó, từ đó có những biện pháp khoa học nhằm từng bước giải quyết hiện tượng phần tầng xã hội (theo hướng không hợp thức), hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và hài hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội. Bài viết chủ yếu phân tích thực trạng phân tầng xã hội về thu nhập và chi tiêu ở khu vực miền Trung của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ đó tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục hiện tượng phân tầng bất hợp thức của khu vực này trong thời gian đến.

 

Abstract:

After 30 years of Renovation, my country has recorded great achievements in many aspects. However, there are some drawbacks in awareness of social problems in general and solving social stratification in particular. Therefore, the issue of social stratification need to be analyzed seriously to grasp its trend. This is the scientific base to solve illegal social stratification step by step toward to a democratic, justice and civilized country and harmony of interest between social groups. This article analyze mainly the fact of social stratification in the aspect of incomes and spending in Vietnam’s Central region in the context of international integration to find out the causes and propose solutions for dealing this issue in coming time.

 


 

I.    Vài nét về khái niệm phân tầng xã hội (PTXH), vấn đề PTXH trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Phân tầng xã hội (social stratification) là một khái niệm tương đối rộng. Tùy theo cách thức tiếp cận mà PTXH cũng được hiểu theo những nghĩa có nội hàm không đồng nhất nhau. Theo nhiều nhà xã hội học Việt Nam, “Phân tầng xã hội là sự phân chia, sự sắp xếp và hình thành cấu trúc gồm các tầng xã hội (bao gồm cả sự phân loại, xếp hạng). Đó là sự khác nhau về địa vị kinh tế hay tài sản, về địa vị chính trị hay quyền lực, địa vị xã hội hay uy tín cũng như sự khác nhau về trình độ học vấn, loại nghề nghiệp, phong cách sinh hoạt, cách ăn mặc, kiểu nhà ở, nơi cư trú, thị hiếu nghệ thuật, trình độ tiêu dùng,…”[1].

Như vậy, PTXH cần được hiểu là một khái niệm hết sức rộng với với hai dạng thức, ba tính chất, ba chiều cạnh và ba đặc trưng cơ bản. Hai dạng thức chính là “PTXH hợp thức” và “PTXH không hợp thức”. Ba tính chất đó là: tính chất “động”, “mở” và “tính lịch sử”; ba chiều cạnh đó là kinh tế (hay tài sản), địa vị chính trị (hay quyền lực), địa vị xã hội (hay uy tín) (xem sơ đồ 1) và ba đặt trưng gồm: thứ nhất, PTXH là sự phân hóa, sự sắp xếp các cá nhân thành những tầng lớp, thang bậc khác nhau trong cơ cấu xã hội (trong hệ thống phân chia thành những tầng lớp cao và những tầng lớp thấp,…); thứ hai, PTXH luôn gắn với hiện tượng bất bình đẳng xã hội và sự phân công lao động xã hội. Nói cách khác, bất bình đẳng xã hội, phân công lao động xã hội là những nguyên nhân chủ yếu hình thành nên PTXH; thứ ba, phân tầng xã hội có tính chất lịch sử và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, song nó không phải là bất biến mà có thể có những sự thay đổi nhất định (sự di chuyển từ tầng lớp này sang tầng lớp khác trong cơ cấu xã hội hoặc trong từng nội bộ của từng tầng lớp riêng biệt).

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Sơ đồ 1: PTXH và tính chất, đặc trưng, dạng thức, chiều cạnh của nó

Sau 30 năm đổi mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại,… đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã bộc lộc một số hạn chế, vướng mắc trong nhìn nhận, giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, giải quyết vấn đề phân tầng xã hội nói riêng. Theo nhận định của Trung ương Đảng thì: “Phân hóa giàu nghèo có xu hướng gia tăng; phân tầng xã hội theo xu hướng không hợp thức diễn biến phức tạp. Quản lý xã hội còn nhiều bất cập, lúng túng, chồng chéo, thiếu hiệu quả; tiêu cực, tệ nạn xã hội, tai nạn xã hội, tội phạm xã hội có xu hướng gia tăng[2]. Song song với nó là “Giảm nghèo thiếu bền vững. Chưa hình thành cơ chế đồng bộ về giảm nghèo đa chiều, đa mục tiêu. Nhiều chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo chồng chéo với các chính sách khác. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn,…[3],Bất bình đẳng xã hội về thu nhập, giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội,… chậm được khắc phục[4].

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay thì vấn đề phân tầng xã hội cần phải được nghiên cứu tỉ mỉ để có cách nhìn nhận, nắm bắt những xu thế và hướng diễn biến của nó, từ đó có những biện pháp tích cực, đúng lúc, đúng đối tượng; đồng thời đưa ra hệ thống chính sách tương ứng một cách khoa học, đúng trọng điểm nhằm từng bước giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, giải quyết hiện tượng phần tầng xã hội (theo hướng không hợp thức) nói riêng, hướng đến một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và hài hòa lợi ích giữa các nhóm xã hội.

II.Phân tầng xã hội ở miền Trung trong bối cảnh hội nhập quốc tế[5]

Khi nghiên cứu hiện tượng PTXH không thể không đề cập đến các nguyên nhân nảy sinh ra nó. Hiện tại, nhiều học giả cho rằng có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến PTXH, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau: Sự chấp nhận nền kinh tế thị trường mà cụ thể cải cách thể chế kinh tế là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến PTXH; các chính sách điều chỉnh cơ cấu sản xuất, cơ cấu nghề nghiệp; sự hội nhập kinh tế tế giới và xu thế toàn cầu hóa; tác động từ những chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…; sự thay đổi trong chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập của Nhà nước; sự phát triển mất cân đối vùng miền, nông thôn-đô thị làm gia tăng hiện tượng PTXH,…

Cùng với sự phát triển chung của đất nước, khu vực miền Trung vừa chịu ảnh hưởng tích cực vừa chịu những chi phối tiêu cực trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Về khía cạnh tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập được cải thiện đáng kể, mức hưởng thụ các dịch vụ xã hội, an sinh xã hội không ngừng được cải thiện; tình trạng nghèo đói cùng cực được đẩy lùi, tỷ lệ nghèo giảm đi rõ rệt [6] , nhất là đối với các huyện nghèo, xã nghèo, người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã biên giới, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo. Cùng với thu nhập ngày được nâng cao và mức thu của đa số người dân được cải thiện thì mức chi tiêu, tỷ lệ chi tiêu/thu nhập và cơ cấu chi tiêu của các nhóm xã hội cũng được cải thiện đáng kể (cả về lượng, chất, cơ cấu)[7]. Sở hữu tài sản có giá trị và nhà ở cũng có mức tăng lên đáng kể [8] .

Thế nhưng, song song với những thành tựu đạt được, một số vấn đề nảy sinh về phân tầng xã hội cũng đã và đang diễn biến có xu hướng tiêu cực, ít nhiều tác động đến tâm lý, tư tưởng, niềm tin của xã hội về công bằng xã hội, tạo ra tâm lý bi quan đối với một số nhóm xã hội, nhất là nhóm yếu thế. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi muốn đi vào phân tích một số chiều cạnh của PTXH về khía cạnh kinh tế (tài sản) thông qua ba phương diện đó là PTXH về thu nhập, chi tiêu và sở hữu tài sản có giá trị để làm sáng tỏ vấn đề.

2.1.    Phân tầng xã hội về thu nhập ở miền Trung

Trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, do nhận thức đúng đắn về tính tất yếu, mục tiêu, bản chất, đặc trưng, cấu trúc, thể chế và cơ chế vận hành nền kinh tế  thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; từ chỗ áp dụng cơ chế thị trường tiến đến phát triển kinh tế thị trường, đưa quan niệm và từng bước cụ thể hóa mô hình và thể chế kinh tế thị trường vào điều kiện của nước ta, do đó đã từng bước giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất tiến bộ; nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng.

Mức sống của các tầng lớp dân cư trong những năm vừa qua ở cả thành thị và nông thôn, các vùng miền trên phạm vi cả nước tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người một tháng chung cả nước theo giá cả hiện hành có xu hướng tăng mạnh qua các năm (xem số liệu bảng 1). Trong đó, đối với khu vực Bắc trung bộ và duyên hải nam trung Bộ (sau đây gọi là khu vực miền Trung)[9] thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2014 so với 2006 tăng gấp 4,16 lần.

Bảng 1: Thu nhập bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành phân theo các vùng và nội vùng Bắc Trung bộ và duyên hải nam trung Bộ[10]

Đvt: Nghìn đồng

 

2006

2008

2010

2012

2014

Cả nước

636

995

1387

2000

2640

Trong đó, chia theo các vùng:

 

 

 

 

 

Đồng bằng sông Hồng

666

1065

1580

2351

3278

Trung du và miền núi phía Bắc

442

657

905

1258

1613

Bắc trung bộ và DHMT

476

728

1018

1505

1982

Tây Nguyên

522

795

1088

1643

2008

Đông Nam bộ

1146

1773

2304

3173

4124

ĐBSCL

628

940

1247

1797

2326

Số liệu bảng 1 cho thấy, đối với các tỉnh khu vực miền Trung, thu nhập bình quân đầu người tăng đều và khá qua các năm từ 2006 đến 2014. Nếu không đề cập đến các yếu tố về mức chênh lệch giá cả, lạm phát,… thì có thể khẳng định rằng, mức sống nói chung của người dân trong khu vực đã được nâng lên đáng kể.

Số liệu thống kê trên cũng cho thấy, phân phối thu nhập bình quân không đồng đều giữa các vùng và khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các tầng lớp dân cư có xu hướng tăng lên qua các năm. Sự khác nhau này phản ánh trong thu nhập giữa các nhóm dân cư là thể hiện sự tác động của những điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội đến phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, và trên bình diện nào đó mà nói đã phản ánh mức độ phân tầng xã hội trên thực tế.

Dễ nhận thấy rằng, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai khu vực có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước (từ năm 2006 đến năm 2014 đều cao hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước). Khu vực Bắc trung Bộ và DHMT khá thấp (chỉ cao hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc). Như vậy, có thể khẳng định rằng, nếu lấy biến số thu nhập (bình quân đầu người/tháng) làm căn cứ như một biến phụ thuộc (mà không có biến số trung gian hoặc biến số cùng tác động) thì hiện tượng PTXH đã và đang tồn tại một cách phổ biến trên phạm vi toàn quốc cũng như trong khu vực miền Trung.

Để làm rõ hơn mức độ PTXH giữa các nhóm về thu nhập, chúng ta xem xét khoảng cách thu nhập giữa nhóm thu nhập thấp nhất và thu nhập cao nhất trong vùng cũng như trong từng địa phương. Số liệu thống kê bảng 2 cho thấy, hệ số chênh lệch thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất so với nhóm thu nhập thấp nhất là 7,8 lần. Hệ số chênh lệch về thu nhập này đã cho thấy phần nào bức tranh về PTXH thu nhập của khu vực miền Trung. Công bằng mà nói, sự chênh lệch này đã thể hiện sự phân tầng nhưng không quá cao. Nói cách khác chưa phải là cách biệt quá lớn giữa nhóm thu nhập cao nhất và thu nhập thấp nhất để tạo nên mâu thuẫn về lợi ích, thậm chí sự chênh lệch này còn đang là động lực thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, trong trường hợp này, cần phải khuyến khích mọi người tăng thu nhập và làm giàu dựa vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, nhằm giữ khoảng cách giàu nghèo và phân tầng xã hội về thu nhập trong giới hạn tối ưu, không để trở thành vấn đề xã hội bức xúc.

Bảng 2: Thu nhập bình quân đầu người/tháng năm 2014 phân theo 5 nhóm thu nhập (ngũ vị phân)

Đvt: nghìn đồng

 

Bình quân chung

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Nhóm 4

Nhóm 5

Hệ số chênh lệch (lần)[11]

Toàn Vùng

1982

560

1077

1593

2284

4404

7,8

Thanh Hóa

1634

538

942

1352

1966

3388

6,2

Nghệ An

1582

434

726

1236

1997

3532

8,1

Hà Tĩnh

1810

555

968

1497

2183

3862

6,0

Quảng Bình

1837

518

975

1528

2189

3981

7,6

Quảng Trị

1673

495

909

1400

2068

3509

7,0

Thừa thiên-Huế

2174

718

1297

1783

2397

4685

6,5

Đà Nẵng

3611

1278

2065

2758

3839

8217

6,4

Quảng Nam

1784

565

1013

1475

2189

3687

6,5

Quảng Ngãi

1618

515

997

1415

1966

3218

6,2

Bình Định

2345

785

1426

1889

2538

5115

6,5

Phú Yên

1979

664

1185

1571

2125

4326

6,5

Khánh Hòa

2669

875

1483

1993

2603

6399

7,3

Ninh Thuận

2331

680

1200

1725

2293

5768

8,4

Bình Thuận

2395

937

1465

1943

2599

5068

5,4

Tuy nhiên, đối với một số địa phương trong vùng, khoảng cách chênh lệch này không hoàn toàn giống nhau, thậm chí một số tỉnh/thành khoảng cách này tương đối lớn (như Quảng Bình là 7,6 lần, Nghệ An là 8,1 lần, Ninh Thuận 8,4 lần). Điều này cho thấy, PTXH về thu nhập là hiện tượng đang tồn tại phổ biến ở các vùng trong cả nước và các địa phương trong khu vực miền Trung, đáng chú ý, sự chênh lệch về thu nhập giữa các nhóm có thu nhập cao nhất với nhóm thu nhập thấp nhất lại không rơi vào địa phương có thu nhập bình quân đầu người/tháng cao nhất mà rơi vào các địa phương khác. Đây là chỉ báo cho thấy, vấn đề thu nhập bình quân và chênh lệch giàu nghèo không phải là biến tương quan. Nói cách khách, sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân nếu gắn liền với chính sách an sinh xã hội và hướng vào các nhóm yếu thế thì PTXH về thu nhập sẽ được khắc phục ngay trong từng chính sách và từng bước phát triển.

2.2.    Phân tầng xã hội về chi tiêu ở miền Trung

Chi tiêu mà cụ thể là cơ cấu chi tiêu, thành phần chi tiêu (chi cho ăn uống hút/chi cho không phải là ăn,uống hút,…. của các nhóm thuộc các vùng miền khác nhau cũng phản ánh mức độ PTXH. Nói cách khác, PTXH được thể hiện thông qua các số liệu về chi tiêu.

Về mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng của cả nước (tính theo giá hiện hành) có xu hướng tăng lên đáng kể: năm 2006 là 511.000đ; năm 2008 là 792.000đ; năm 2010 là 1.211.000đ; năm 2012 là 1.603.000đ và năm 2014 là 1.888.000đ. Vùng có mức chi tiêu cao nhất là Đông Nam Bộ (2.282.000đ/người/tháng) và thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (1,440.000đ/người/tháng). Nếu tính riêng ở khu vực miền Trung thì con số tương ứng của mức chi tiêu trên theo các năm là: 624.000đ; 1.015.000đ; 1.406.000đ, 1.647.000đ[12]. Như vậy, về con số tuyệt đối mà nói thì mức chi tiêu trên bình diện cả nước cũng như khu vực miền Trung đều tăng cao qua các năm. Điều đáng lưu ý là cơ cấu chi tiêu đã phản ánh mức sống của nhân dân trong toàn quốc cũng như trong khu vực miền Trung[13]: Chi tiêu cho đời sống chiếm tỷ trọng quá cao trong tổng chi tiêu chứng tỏ mức sống nói chung của cư dân miền Trung còn thấp; chi cho ăn, uống, hút trong cơ cấu chi tiêu cho đời sống cũng chiếm một tỷ lệ cao (55,30%) là chỉ báo cho thấy mức sống của cư dân trong khu vực miền Trung còn thấp (xem bảng 3).

Bảng 3: Cơ cấu chi tiêu bình quân đầu người của cả nước và miền Trung[14]

 

 

Tổng chi tiêu

Chia ra

 

 

Chi cho đời sống

Chia ra

 

 

Chi cho ăn, uống, hút

Chi không phải ăn, uống, hút

Chi tiêu khác

Hệ số chi tiêu 1

(chi cho đời sống/tổng chi tiêu)

Hệ số chi tiêu 2

(chi cho ăn, uống, hút/chi cho đời sống)

Cả nước

1888

1763

927

836

125

93,37%

52,58%

Miền Trung

1647

1537

850

687

110

93,32%

55,30%

Điều đáng nói là mức chi tiêu cho đời sống giữa các nhóm (theo ngũ vị phân) của khu vực là mức chênh lệch đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, các mức chi tiêu này ở các nhóm thứ tự là: nhóm 1 là 737.000đ; nhóm 2 là 1.121.000đ; nhóm 3 là 1.407.000đ; nhóm 4 là 1.810.000đ và nhóm 5 là 2.611.000đ/người/tháng. Đây là chỉ báo cho thấy sự phân tầng về chi tiêu giữa các nhóm thu nhập của khu vực miền Trung.

Khoảng cách chênh lệch về mức sống và phân hóa giàu nghèo còn được thể hiện qua số liệu chi tiêu cho đời sống gia đình. Số liệu điều tra thực chứng cho thấy[15], mức chi tiêu không phải là ăn, uống hút của nhóm hộ giàu nhất của Vùng gấp 8,2 lần so với nhóm nghèo nhất. Trong đó chi về nhà ở, vệ sinh, điện nước gấp 9,2 lần; chi cho thiết bị và đồ dùng lâu bền rtong gia đình gấp 7,7 lần; chi cho chăm sóc sức khỏe và y tế nói chung gấp 4,2 lần; chi cho đi lạu và bưu điện gấp 15,2 lần; chi cho giáo dục và học tập nói chung gấp 6,8 lần; chi cho các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thể gấp 72,4 lần. Đây là những chỉ báo cho thấy có sự PTXH trong chi tiêu giữa các nhóm và “hố chênh lệch” chi tiêu này ngày một tăng lên. Sự chênh lệch này phản ánh mức sống, điều kiện sống cũng như mức hưởng thụ các dịch vụ xã hội, y tế, giáo dục của các nhóm xã hội khác nhau và cho thấy một xu thế tất yếu về PTXH trong chi tiêu trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay trên bình diện cả nước cũng như ở khu vực miền Trung: Những hộ thuộc nhóm giàu nhất có điều kiện nhà ở, phương tiện đi lại, đồ dùng trong sinh hoạt tốt hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội chất lượng cao và có mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, mức sống cao hơn so với nhóm hộ nghèo.

Hiện tượng PTXH còn thể hiện trong cơ cấu chi tiêu cho đời sống giữa hộ giàu nhất và hộ nghèo nhất. Đối với những hộ thuộc nhóm nghèo thường cơ cấu chi tiêu “nặng” ăn, uống, hút và các nhu cầu thiết yếu khác để đảm bảo cuộc sống. Khi mức sống được cải thiện mà đặt biệt là thu nhập (về con số tuyệt đối) tăng lên thì nhu cầu chi tiêu cho ăn uống cũng tăng lên (con số tuyệt đối) nhưng tỷ trọng chi cho đời sống so với chi tiêu chung sẽ có xu hướng giảm đi. Lúc này các “chi tiêu không phải là ăn, uống, hút” và “chi tiêu khác” (như mua sắm, nhà ở, đi lại, du lịch, giám dục, văn hóa,…) sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu chi tiêu.

Số liệu bảng 4 cho thấy, nhóm hộ khá giả và giàu nhất chi tiêu nhiều hơn các nhóm còn lại (về con số tuyệt đối). Điều này đều mang tính “phổ biến” trong phạm vi toàn quốc và trong các vùng miền của cả nước. Trong đó, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có mức chi cho đời sống bình quân đầu người cao nhất (trong tất cả các nhóm, đặc biệt là nhóm 5). Điều đáng lưu ý là, nhóm hộ giàu có nhất ở vùng miền Trung có mức chi cho đời sống thấp nhất so với cùng nhóm ở các vùng còn lại. Thế nhưng, chênh lệch chi tiêu cho đời sống giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất của Vùng là 4,36 lần. Những thông số này cho phép nhận định, so với các khu vực khác trong cả nước thì mức chi tiêu dành cho đời sống của khu vực miền Trung không cao (trên bình diện nào đó mà nói là mức sống còn thấp), thế nhưng sự lêch lệch về chi tiêu cho đời sống giữa nhóm cao nhất và thấp nhất vẫn tương đối cao, cho thấy có sự phân hóa trong mức sống của các nhóm cư dân trong khu vực. Nói cách khác, đối với khu vực miều Trung, PTXH trong chi tiêu đang là vấn đề hiện hữu và có xu hướng gia tăng. Nhóm hộ giàu có xu hướng chi tiêu nhiều (về con số tuyệt đối) nhưng tỷ trọng chi tiêu hướng vào các lĩnh vực “không phải ăn, uống, hút”. Có thể nói, đây là xu thế đáng mừng và là nhân tố khẳng định sự phát triển kinh tế-xã hội cả nước cũng như đối với khu vực miền Trung. Tuy vậy, cũng cần có những chính sách hợp lý để nâng cao thu nhập cho các nhóm cư dân (nhất là nhóm nghèo, yếu thế) để giảm thiểu sự chênh lệch quá mức về mức sống.

Bảng 4: Chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng năm 2014 phân theo 5 nhóm thu nhập và theo vùng[16]

 

Bình quân chung

Nhóm 1

Nhóm 2

Nhóm 3

Nhóm 4

Nhóm 5

Cả nước

1763

828

1251

1581

2006

3147

Theo vùng

 

 

 

 

 

 

Đồng bằng sông Hồng

2082

1133

1505

1781

2195

3787

Trung du và miền núi phía Bắc

1440

650

884

1189

1639

2834

Bắc Trung bộ và DHNTB

1537

737

1121

1407

1810

2611

Tây Nguyên

1538

556

959

1415

1794

2959

Đông Nam Bộ

2282

1253

1767

2149

2549

3681

ĐBSCL

1484

896

1162

1422

1628

2309

III.           Một số kiến nghị mang tính giải pháp nhằm giảm thiểu hiện tượng phần tầng xã hội bất hợp thức ở miền Trung hiện nay

Từ khi đất nước ta bước sang nền kinh tế thị trường mà đặc biệt là công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng thì vấn đề PTXH ngày càng diễn ra gay gắt và có nhiều chuyển biến phức tạp, tiêu cực. Điều này đòi hỏi cần có những cần có những nghiên cứu nghiêm túc, tỉ mỉ, khoa học, khịp thời để làm rõ những nguyên nhân, những nhân tố tác động từ đó tìm ra những mặc tích cực, những hạn chế, tiêu cực của PTXH và hậu quả của nó gây ra nhằm từng bước có định hướng đúng, chính sách đúng nhằm hạn chế tối ta mặt tích cực, hiện tượng PTXH không hợp thức nhằm góp phần làm lành mạnh hóa xã hội, phát triển xã hội một cách đúng hướng, hài hòa giữa các vùng miền, các đối tượng.

Từ những phân tích trên cho thấy, PTXH làm cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, khác biệt giữa các nhóm càng dãn rộng và trên một mức độ nào đó mà nói,  bất bình đẳng xã hội vượt quá mức giới hạn hợp lý dễ dẫn đến phân cực xã hội, gây nên những bất ổn và rủi ro xã hội. Để hạn chế vấn đề phân tầng xã hội nói chung, vấn đề phân tầng về thu nhập và chi tiêu ở khu vực miền Trung nói riêng, theo chúng tôi, cần có những giải pháp sau:

Một là, do điều kiện đặc thù về lịch sử, địa lý, tự nhiên cũng như các nguồn lực để phát triển, khu vực miền Trung cần có cơ chế đặc thù về chính sách phát triển kinh tế-xã hội nói chung, chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo nói riêng để từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Trong đó, cần chú trọng đến việc hoàn thiện chính sách phân phối và phân phối lại các nguồn lực xã hội, kết hợp và lồng ghéo các chính sách và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới, Chương trình 30a, Chương trình bãi ngang ven biển,…Từ đó, tạo điều kiện để các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo, xã vùng sâu, vùng xa, xã thuộc vùng hải đảo phát huy các điều kiện của mình để nâng cao thu nhập, giảm khoản cách chênh lệch giàu nghèo.

Hai là, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội và các chính sách liên quan đến giảm nghèo, tăng cường sự quản lý nhà nước về hoạch định và thực thi các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Thực thế cho thấy, còn thiếu những giải pháp hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách và mức sống và an sinh xã hội giữa các vùng miền và các địa phương trung Vùng. Việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa nghiêm, hiệu quả thấp; sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ; phân công trách nhiệm không rõ; thiếu thể chế và thiết chế để tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất. Công tác thanh tra, kiểm tra thực thi chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo ở nhiều nơi chưa được coi trọng dẫn đến thất thoát trong thực hiện các chương trình giảm nghèo, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Ba là, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các tầng lớp dân cư phát triển con người và phát triển nông thôn. Cộng đồng dân cư miền Trung đã có truyền thống đoàn kết, chịu thương, chịu khó trong chiến tranh và cần cù trong lao động sản xuất. Do đó, thiết nghĩ các cấp ủy đảng và chính quyền cần hoàn thiện môi trường pháp lý và thể chế, tạo cơ hội bình đẳng cho các tầng lớp dân cư được phát huy tiềm năng của mình, vươn lên làm giàu. Bởi lẽ, không có sự bình đẳng chung chung mà chỉ có sự bình đẳng trong cơ hội. Đối với người dân miền Trung, đây là cơ hội được tiếp cận các nguồn lực xã hội, cơ hội được phát huy các tiềm năng vốn có về tự nhiên và con người của vùng đất này, cơ hội được tiếp cận các chính sách của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội,…

Bốn là, cần tăng cường công tác giáo dục, định hướng, tuyên truyền để người dân nhận thức đúng, đầy đủ về các chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung, các chính sách về an sinh xã hội và giảm nghèo nói riêng. Thực tế cho thấy, vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, phó mặc, thỏa mãn về cuộc sống hiện tại. Điều này vừa là sức ỳ cho sự phát triển, vừa là nhân tố “níu kéo” một bộ phận nhân dân rơi vào nhóm nghèo (thậm chí nghèo cùng cực), đây chính là hiện tượng PTXH bất hợp thức cần được xóa bỏ. Bên cạnh đó, cần phát huy yếu tố dư luận xã hội; sự thừa nhận, đánh giá và tán thưởng xã hội đối với những người biết làm giàu, khát vọng làm giàu và làm giàu chính đáng để làm nhân tố tích cực, thúc đẩy tính tích cực xã hội, phát huy yếu tố PTXH hợp thức.

 


Tài liệu tham khảo:

1.  Ban chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo tổng kết Một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, H. 2015

2.  Nguyễn Đình Tấn, Cơ cấu xã hội & Phân tầng xã hội, Nxb Lý luận chính trị. H,2005

3.  Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình xã hội học quản lý, Chương trình cao cấp lý luận chính trị, H.2005.

 

 



[1] Nguyễn Đình Tấn, Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội, Nxb Lý luận chính trị. H 2005, trang 91, 92.

[2], 2 , 3  Ban chấp hành Trung ương Đảng, Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG-ST, H.2015, trang 114,115.

 

 

[5] Như đã phân tích ở trên, do tính chất “rộng” và “mở” của PTXH, nên trong bài viết này, tác giả chỉ đi sâu phân tích PTXH từ khía cạnh kinh tế (hay tài sản) gồm hai bình diện là thu nhập và chi tiêu.

[6] Theo Tổng cục thống kê, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8- 6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014).

[7] Chi tiêu bình quân đầu người một tháng theo giá hiện hành của cả nước tăng theo các năm 2004, 2006, 2008, 2010, 2012, 2014 thứ tự là 397, 511, 792, 1211, 1603, 1888 (đvt: nghìn đồng); trong đó khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung từ năm 2008, 2010, 2012 tăng thứ tự là 624, 1015, 1406, 1647 (đvt: nghìn đồng). Nguồn Cục thống kê, Niên giám thống kê 2014.

[8] Tỷ lệ hộ có nhà ở theo thứ tự nhà kiên cố, bán kiên cố, nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ trên toàn quốc năm 2014 là: 50,5%, 40,3% , 5,7% và 3,5%; trên phạm vi Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung lần lược là: 67,3%, 28,3%, 2,50% và 1,9%. Nguồn Cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2014.

[9] Theo cách phân chia của Cục thống kê thì khu vực này gồm các tỉnh/thành: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

[10] Nguồn: Cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2014

[11] Nguồn: Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2014. Hệ số chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm thu nhập thấp nhất  do chính tác giả tính toán.

[12] Nguồn: Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2014.

[13] Tỷ trọng chi tiêu cho ăn uống so với tỷ trọng chi tiêu cho đời sống nói chung phản ánh mức sống của cư dân. Tỷ trọng này càng cao thì mức sống càng thấp và ngược lại.

[14] Nguồn: Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2014. Hệ số chênh lệch về chi tiêu do chính tác giả tính toán.

[15] Số liệu được khảo sát theo đề tài cấp Nhà nước “Phát triển con người vùng duyên hải nam trung Bộ hiện nay”, mã số KX.03.20/11-15. Số lượng mẫu 2000 phiếu.

[16] Nguồn: Tổng cục thống kê, Niên giám thống kê năm 2014

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ