CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG VÀ DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

 

QUÁN TRIỆT QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI XIII VỀ

CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG VÀ DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Trong “Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030”, Đảng ta đã nhấn mạnh: “... Làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng[1]. Xác định nhiệm vụ về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Văn kiện đã chỉ rõ: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảng thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội[2]. Với nguyên tắc “kế thừa và phát triển”, việc tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của công tác tử tưởng nói chung, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội nói riêng là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần định hướng các luồng dư luận xã hội tích cực, có lợi cho hoạt động lãnh đạo, quản lý; góp phần hình thành “thế trận lòng dân” trong thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu trong giai đoạn mới.

Theo đó, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hình thành khả năng nhận thức đúng đắn về hiện tượng dư luận xã hội; sử dụng những phương pháp khoa học để tiến hành nắm bắt các luồng dư luận xã hội; có khả năng định hướng, quản lý tốt các nền tảng truyền thông (nhất là truyền thông xã hội) trong chính đời sống hằng ngày cũng như trong hoạt động lãnh đạo, quản lý; từng bước xác định phương hướng đúng để thúc đẩy sự hình thành dư luận xã hội tích cực, có tính tư tưởng cao, có tác dụng giáo dục, phù hợp với sự tiến bộ xã hội.

Thứ đến, cần phải nhìn nhận xã hội như một hệ thống được cấu thành bởi nhiều bộ phận tổ thành như kinh tế, chính trị, văn hóa, chính trị v.v…chính vì thế “xã hội ổn định” bao hàm sự ổn định về tình thế chính trị, ổn định về hình thế kinh tế, ổn định về tinh thần-tư tưởng và ổn định về trật tự xã hội v.v… Do vậy, bất kỳ sự mất ổn định ở phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng, trật tự xã hội đều có tác động tương quan và đều có thể ảnh hưởng đến hệ thống xã hội thậm chí dẫn đến trạng thái mất cân bằng hệ thống xã hội. Trong những nhân tố có ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống xã hội, có một nhân tố không thể không làm cho chúng ta chú ý đến, nó là một hiện tượng xã hội đặc biệt, thuộc về thượng tầng kiến trúc xã hội, nó có tác động và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đó chính là dư luận xã hội.

Trong những năm gần đây, do bởi sự phát triển nhanh chóng của hệ thống Internet gắn với nó là các nền tảng truyền thông mới như mạng xã hội, nên cách nhìn nhận, đánh giá, bình luận của người dân cũng có xu thế đa biến hơn, phức tạp hơn, tích cực hơn, công khai hơn, có tính phản biện hơn và nhiều khi quyết liệt hơn. Thực tế này đòi hỏi những nhà lãnh đạo, quản lí cần phải nhanh nhạy nắm bắt các luồng thông tin trong dư luận, kịp thời có những động thái tích cực, khoa học để định hướng, đưa dư luận vào đúng quĩ đạo của sự phát triển xã hội, có lợi cho sự phát triển xã hội. Bên cạnh đó, cần có những tiếng nói, bài viết kịp thời, chính xác, đảm bảo tính khoa học, tính đại chúng để định hướng đúng các luồng thông tin, tin đồn, dư luận trên mạng xã hội. Thiết nghĩ, việc nghiên cứu, nắm bắt, định hướng, hướng dẫn các luồng dư luận là việc làm hết sức cần thiết và thiết thực trong bối cảnh hiện nay; xác nhận sự “hiện diện” tích cực của dư luận cũng như vai trò của nó trong sự ổn định và phát triển xã hội là công việc tối cần thiết, đồng thời cũng xác nhận (và chấp nhận) sự “hiện diện” tiêu cực của dư luận trong tiến trình phát triển, từ đó mà kịp thời “uốn nắn”, điều chỉnh theo hướng tích cực, sàn lọc những yếu tố hợp lí và tích cực của nó cũng là công việc không thể bỏ qua. Nói khác đi, dư luận xã hội có liên quan mật thiết đến tâm tư và tình cảm, đến ý chí và nguyện vọng, thậm chí đến cả sự ổn định và phát triển xã hội, đó là điều không thể phủ nhận. Vấn đề là ở chỗ, cần phát huy và vận dụng tính tích cực của dư luận xã hội cũng như hạn chế (tối đa), ngăn chặn (kịp thời) những mặt tiêu cực của dư luận xã hội đối với sự ổn định và phát triển xã hội. Muốn vậy, cần phải chú trọng một số điểm sau đây:

Thứ nhất, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hết sức thận trọng trong phát ngôn, trong viết lách, trong bình luận các vấn đề xã hội nảy sinh. Cùng với các thông tin mang tính chính thống trên các phương tiện truyền thông đại chúng thì không ít những tin tức được “bơm” ra dòng chảy thông tin. Một mặt làm phong phú hơn, kịp thời hơn, cập nhật hơn và đương nhiên, thỏa mãn yêu cầu (và nhu cầu) tiếp nhận thông tin của mỗi cá nhân, cộng đồng; mặt khác, do tính chất “nhanh” và “chưa được kiểm chứng” nên có khi vấn đề mà nó phản ánh không chính xác (thậm chí là bịa đặt, tin vịt, tin đồn) mà tác hại lớn nhất của nó là tạo các luồng ý kiến không có lợi cho sự cố kết xã hội, gây nên sự hiểu nhầm, thậm chí gây chia rẽ, mất đoàn kết. Do vậy, “nhất cử nhất động” của một người cán bộ, đảng viên phải căn nhắc thật kỹ lưỡng trong tham gia bình luận, phát ngôn hay chia sẻ thông tin không có lợi cho việc củng cố niềm tin, hình thành khối đại đoàn kết mà Nghị quyết đã nhấn mạnh.

Thứ hai, người cán bộ, đảng viên cần phải lắng nghe nhiều hơn để nắm bắt các luồng thông tin, phát huy tính tích cực của dư luận xã hội. Đầu tiên, các cấp ủy đảng và các cấp chính quyền cần lắng nghe ý kiến từ bên dưới, của cộng sự, của nhân dân (gọi chung là công chúng). Một khi đời sống dân trí ngày càng cao, nhân dân có ý thức vào công tác chính trị và quan tâm đến những vấn đề chính trị, lĩnh vực chính trị thì sẽ xuất hiện những “hạt nhân tích cực chính trị” mà nhà lãnh đạo, quản lí cần theo dõi, nắm bắt. Trên thực tế chúng ta đã làm tốt công tác này, tuy nhiên không phải đã viên mãn. Đó đây vẫn còn tình trạng cán bộ “phớt lờ”, “coi thường” ý kiến của công chúng dẫn đến tình trạng bất mãn, quay lưng, bất hợp tác, nói xấu, làm ngơ thậm chí xung đột. Điều này làm ảnh hưởng đến sự thống nhất, đoàn kết, đến uy tín của lãnh đạo.

Thứ ba, cần có kiến thức khoa học để điều tra, nắm bắt dư luận xã hội, phục vụ cho công tác lãnh đạo, quản lí. Hiểu rõ và nắm bắt được các tĩnh thái và động thái của dư luận xã hội có thể giúp nhà lãnh đạo chuẩn bị trước để can thiệp tình huống nếu cần, giải tỏa những điểm nóng cũng là một biện pháp phi bạo lực để giải quyết các mâu thuẫn và xung đột xã hội. Để làm được điều đó, đầu tiên và quan trọng là cần  nắm bắt được những nhu cầu chính đáng và lợi ích hợp pháp của các nhóm xã hội; “thấy được” những điểm nóng và các mâu thuẫn xung, đột đang và sẽ xảy ra trong xã hội. Thực tế cho thấy, nơi nào mà cán bộ biết “lắng nghe” ý kiến từ phía công chúng, kịp thời điều tra nắm bắt các dư luận trong nhân dân, có hành động kịp thời và “hợp lí hợp tình” thì nơi đó người dân “cảm thấy” hài lòng, các mâu thuẫn và xung đột không xảy ra, người dân tin vào sự lãnh đạo và người lãnh đạo; niềm tin của nhân dân luôn được củng cố và phát triển.

Thứ tư, kịp thời định hướng, dẫn dắt dư luận có lợi cho sự ổn định của tổ chức, của xã hội. Dư luận xã hội “thẩm thấu” qua mọi phương diện xã hội, các giác độ xã hội, có lúc lại “ẩn mình” trong các phương diện xã hội này. Đặc biệt là các hình thức phát sinh nhóm tự phát trong dư luận, có lúc không thể tránh khỏi những thành phần “phi lí tính”, họ đã biểu đạt ý kiến của mình cũng xuất hiện nhiều tư kiến (ý kiến cá nhân) và các thiêng kiến định sẵn (hoặc do các thế lực chống phá “định hướng”, cài cắm). Do vậy, việc định hướng, hướng dẫn, “lèo lái” dư luận là một việc vô cùng quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lí xã hội. Định hướng đúng, kịp thời sẽ mang lại những luồng dư luận tích cực, có trọng lượng, có lợi cho sự ổn định xã hội và ngược lại.

Ngày nay, các phương tiện truyền thông là đa dạng và phổ biến, đặc biệt, Internet đã trở thành phương tiện “phổ cập”. Nhưng cần phải nhớ rằng, các thế lực thù địch đã và đang ráo riết lợi dụng kênh thông tin này để tuyên truyền những cái gọi là phản văn hóa, xuyên tạc văn hóa; tuyên truyền những luận điểm chống phá Đảng và Nhà nước; tuyên tuyền những quan điểm tư tưởng sai trái, nghịch chiều, thù địch để chia rẽ sự đoàn kết của nhân dân và làm nhiễu loạn thông tin, nhiễu loạn dư luận, bấn loạn tinh thần, mất phương hướng,…Động thái này có ảnh hưởng xấu đến bầu không khí xã hội nói chung cũng như gây nhiễu loạn đến các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị nói riêng; gây nên những rối loạn không đáng có trong định hướng giá trị, trong đời sống hằng ngày, trong niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, làm ảnh hưởng không tốt trong quan hệ đối nội và đối ngoại…

Tóm lại, quán triệt tinh thần của Đại hội XIII về công tác tư tưởng, công tác dư luận và định hướng dư luận xã hội, người cán bộ, đảng viên phải thực sự bình tĩnh trước những thông tin chưa biết chắc chắn độ tin cậy; thật sự “cẩn ngôn”, “cẩn hành” trên nền tảng mạng xã hội; đồng thời phải “biết nghe” những ý kiến phản biện (mà đôi khi những ý kiến này là nghịch chiều, “nghịch nhĩ”) mà hơn hết là phải có cái tâm và cái tầm. Một xã hội ổn định và phát triển không phải (và không thể) luôn phẳng lặng mà nó hàm chứa bên trong nó là một xung lực, một tiền lực mạnh mẽ. Dư luận là một trong những xung lực, tiềm lực ấy. Người lãnh đạo, quản lí cần phải biết nắm lấy xung lực này bằng cách tạo ra một bầu không khí dân chủ và cởi mở, khơi dậy những ý kiến từ phía người dân, công chúng. Có như thế mới có thể mới định hướng dư luận xã hội, góp phần tạo niềm tin vững chắc cho tiến trình phát triển đất nước.

Phạm Đi



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII (Tập II), Nxb. CTQG ST. H2021, tr.333.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII, (Tập I), Nxb. CTQG ST. H2021, tr.118.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ