BẠO HÀNH NHÂN VIÊN Y TẾ: VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC NHÌN NHẬN ĐA CHIỀU

 

BẠO HÀNH NHÂN VIÊN Y TẾ: VẤN ĐỀ CẦN ĐƯỢC NHÌN NHẬN ĐA CHIỀU

Trong thời gian vừa qua, hiện tượng bệnh nhân (BN) và người nhà bệnh nhân (NNBN) có hành vi chửi bới, lăng mạ, làm nhục, hành hung, thậm chí đánh đập đối với cán bộ y tế; hành vi đập phá, “đại náo” bệnh viện và các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng diễn ra phổ biến hơn, tính chất côn đồ hơn, có tổ chức hơn. Điều này không những gây nên những hệ lụy rất lớn cho ngành y tế nói chung, mà còn gây nên những tổn thất rất lớn về vật chất và tinh thần cho các cơ sở khám chữa bệnh, cho đội ngũ y bác sĩ và cho cả người bệnh. Theo An ninh Thủ Đô, năm 2018 chưa đi qua hết tháng thứ hai nhưng đã có gần chục vụ bạo hành nhân viên y tế được ghi nhận trên cả nước. Mới đây nhất, vụ 2 bác sĩ ở Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái bị người nhà bệnh nhân đánh chảy máu đầu, một lần nữa khiến những người làm nghề y ám ảnh, kinh hoàng; thậm chí Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng chua xót thốt lên rằng: “Ngành y tế đang gần như đơn độc trong cuộc đấu tranh chống hành hung bác sĩ”, dù ngành đã triển khai rất nhiều giải pháp, kêu gọi sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng, song tình trạng nhân viên y tế không những không giảm mà còn gia tăng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

 Thông thường, khi xem xét vấn đề này chúng ta thường nhìn một cách phiến diện. Phía bệnh viện sẽ cho rằng mình làm hết trách nhiệm, đúng quy trình, hoặc do tình trạng quá tải về số lượng người bệnh dẫn đến sai sót, chậm trể; phía BN và NNBN lại cho rằng bệnh viện vô trách nhiệm, tắc trách trong công việc, không chăm sóc thân nhân của họ một cách nhiệt tình, “không phong bì nên chậm chạp”,...Thế nhưng công bằng mà nói, nguyên nhân của vấn đề này có cả từ phía cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện), từ phía NNBN và cả từ phía nhà quản lý các cấp hữu quan.

Về phía BN và NNBN: Người bệnh với vị trí là người yếu thế và thiếu nhận thức đúng về tính chất nghề nghiệp của ngành y cho nên không có một sự đồng cảm và chia sẻ những khó khăn mà cán bộ y tế gặp phải. Một khi có vấn đề về chất lượng khám chữa bệnh hoặc có sự cố không mong muốn thường quy trách nhiệm cho y bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh hoặc bệnh viện điều trị và dễ dàng “lựa chọn” biện pháp cực đoan. BN luôn kỳ vọng (đôi khi quá cao) về cán bộ y tế mà không hiểu rằng, tính chất rủi ro cao trong khám chữa bệnh và hơn thế nữa, họ không biết rằng hiện nay trong nhiều lĩnh vực, nhiều loại bệnh ngành y vẫn chưa thể giải quyết một cách triệt để. Cần nhớ rằng, y học và y tế không phải là vạn năng, không phải cứ vào bệnh viện là tất cả bệnh tật được chữa khỏi! Như vậy, sự thiếu hiểu biết về tính chất của ngành y tế và kỳ vọng quá cao của BN và NNBN, sự thiếu thông tin và thiếu hiểu biết để cảm thông giữa BN và y bác sĩ, giữa người dân và ngành y tế, một khi kết quả điều trị không như mong muốn (hoặc chỉ là sự “chậm trễ” do yếu tố khách quan), thì BN và NNBN “có quyền” đổ lỗi cho cán bộ y tế và bệnh viện, cao hơn nữa là hành vi chửa bới, hành hung, đánh đập cán bộ y tế, “đại náo” bệnh viện.

Về phía y bác sĩ và cán bộ y tế: Hiện nay, bên cạnh những cán bộ y tế thật sự có tâm, hết mình vì người bệnh thì còn một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế thiếu về y đức, kém về y thuật mà cụ thể là tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ kém. Có hiện tượng rất kỳ lạ là “bác sĩ chưa chịu nhận phong bì thì người bệnh không dám tiếp nhận phẫu thuật”, “không tiền thì không cấp cứu”, “không có người gửi thì không được thăm khám đúng quy định”,…Bênh cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều trường hợp do y thuật (tay nghề) của cán bộ y tế kém, kỹ thuật trị liệu không đúng, chuẩn đoán sai, tình trạng “tiền mất tật mang” còn xảy ra tương đối phổ biến,... Chính những điều này dẫn đến những dư luận xấu về hình ảnh y bác sĩ. Một khi có sự bất mãn trong quá trình tiếp nhận bệnh, điều trị bệnh thì dễ bùng phát những hình vi bạo hành. Cần phải nói thêm rằng, hiện nay mối quan hệ tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân còn khá ít về thời lượng, khá hời hợt về phương thức giao tiếp, khá chiếu lệ về tính chất dẫn đến “tình cảm” người bác sĩ và bệnh nhân thiếu đi mối tương giao cần thiết khi thăm khám – một yếu tố rất quan trọng trong y học.

Về phía biện viện: Sự tương tác giữa bệnh viện và bệnh nhân còn quá hời hợt, lỏng lẻo. Nhiều trường hợp tiền phẫu thuật cần có sự thỏa thuận về mặt pháp lý giữa bệnh viện và NNBN thì bệnh viện chỉ làm qua loa, chiếu lệ. NNBN không được giải thích tỉ mỉ về tính chất rủi ro, nguy hiểm và chấp nhận những rủi ro ấy với những sự cố ngoài mong đợi mà chỉ cần ký vào bản cam kết là xong. Một khi kết quả phẫu thuật không đạt được sự kỳ vọng từ phía bệnh viện và NNBN thì dễ dẫn đến lựa chọn “đại náo” như một phương thức đòi quyền lợi hoặc chỉ là sự...giải tỏa tâm lý.

Về phía nhà quản lý: Trong thời gian qua, bài toán quản lý nhà nước về y tế nói chung, những quy định về khám chữa bệnh nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Biện pháp để xử lý về tranh chấp trong y tế còn yếu và thiếu: cơ chế giám sát hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh, cơ chế giám định sự cố y tế, cơ chế tố tụng, cơ chế hòa giải hành chính khi xảy ra những tranh chấp về y tế,.. vẫn còn nhiều bất cập. Không có một cơ chế và phương thức hữu hiệu để BN và NNBN có thể khiếu kiện, khiếu nại hành vi của cơ sở khám chữa bệnh, của cán bộ y tế một cách công bằng và hợp pháp. Chính điều này cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi hành hung cán bộ y tế và “đại náo” bệnh viện như đã xảy ra.

Do đó, để giảm thiếu tối đa hiện tượng “đại náo” bệnh viện và hành hung cán bộ y tế, cần phải có những giải pháp đồng bộ, kịp thời. Trước hết cần phải kiện toàn các chính sách về khám chữa bệnh, tăng cường các biện pháp quản lý ở các cơ sở khám chữa bệnh; Sau đó là tăng cường các kênh kết nối và tín nhiệm giữa bác sĩ và BN, giữa NNBN và biện viện; không ngừng nâng cao năng lực khám chữa bệnh và y đức cho đội ngũ y bác sĩ; hoàn thiện cơ chế khiếu nại, tố cáo và các kênh tư vấn thông tin giữa người bệnh và bệnh viện, giữa NNBN với các cơ quan quản lý; kiện toàn vấn đề trị an trong nội bộ các cơ sở khám chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để cán bộ y tế an tâm công tác; nghiêm khắc trừng trị và xử lý thích đáng những hành vi vi phạm pháp luật như hành hung cán bộ y tế, đập phá các trang thiết bị của bệnh viện, gây rối an ninh trật tự,... nhằm từng bước lập lại trật tự, kỹ cương trong các cơ sở khám chữa bệnh và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

TS. Phạm Đi

Email: phamdivn@gmail.com

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

PHẦN TẦNG XÃ HỘI: NỘI DUNG, BẢN CHẤT, TÍNH TẤT YẾU KHÁCH QUAN VÀ VẬN DỤNG VÀO THỰC TIỄN CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

GIA ĐÌNH VÀ CHỨC NĂNG CỦA GIA ĐÌNH

CƠ CẤU DÂN SỐ THEO GIỚI TÍNH, ĐỘ TUỔI VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ