Một số mâu thuẫn và vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi nông thôn mới
Một số mâu thuẫn
và vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi nông thôn mới
Từ khi tiến
hành thực hiện công cuộc xây dựng NTM, với nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời
và sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và nhân dân, bước đầu đã gặt hái được
những thành tựu đáng kể: đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân
nông thôn từng bước được cải thiện, tỷ lệ đói nghèo ở nông thôn giảm nhanh, một
bộ phận không nhỏ nông dân đã vươn lên khá giả và giàu có; cơ cấu kinh tế nông
thôn chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng phần đóng góp của công nghiệp, dịch
vụ và các ngành nghề chuyên môn, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất
hàng hóa; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn không ngừng được tăng cường;
bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi tích cực; mức sống người dân nông thôn từng
bước được cải thiện; sự phát triển của thành thị và nông thôn trở nên cân đối,
hài hòa hơn.
Tuy vậy, xây
dựng NTM là một chương trình mang tầm vĩ mô, có tác động đến nhiều khía cạnh
trong đời sống xã hội mà trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiều hạng mục công việc đã phát sinh nhiều
mâu thuẫn, có sự không ăn khớp, không thống nhất giữa động cơ và hiệu quả, giữa
nhận thức và hành động, giữa mục tiêu và phương thức thực hiện, giữa các chủ thể
và trong nội tại của từng chủ thể. Từ thực tiễn ở các tỉnh DHNTB cho thấy, đã
và đang nảy sinh một số mâu thuẫn chủ yếu trong tiến trình thực hiện và triển
khai các bước, thực hiện các nội dung của NTM, cần phải nhìn nhận một cách đúng
đắn và từng bước có hướng khắc phục, hóa giải. Theo chúng tôi, đó là những mâu
thuẫn chủ yếu sau[1]:
Mâu thuẫn giữa quan hệ của chủ thể Nhà nước, các lực
lượng xã hội và chủ thể nông dân. Cần phải khẳng định
rằng, xây dựng NTM phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị, sự chỉ đạo, định
hướng của Đảng và Nhà nước về mặt chính sách, tài chính. Nói cách khác, trong
tiến trình xây dựng NTM, chủ thể lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện là các cấp ủy đảng,
bộ máy chính quyền mà cụ thể là các BCĐ NTM các cấp. Cụ thể mà nói, Nhà nước và
hệ thống chính trị đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chế định các chính
sách liên quan, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong khi đó, người
nông dân có vai trò là chủ thể tham gia thực hiện và hưởng thụ các thành quả do
Chương trình mang lại. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai xây dựng NTM của
nhiều địa phương lại có tình trạng mâu thuẫn giữa “hai vai” này một cách rõ rệt.
Diễn đạt một cách khác là tình trạng “nhầm vai” đã, đang và có lẽ sẽ tiếp tục
tiếp diễn nếu không được “phân định” rõ ràng về vị trí, vai trò của chính quyền
và người dân (chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo lại lấn sân sang chủ thể tham gia thực
hiện và thụ hưởng), khiến cho nông dân - những người cần phải trực tiếp tham
gia và thụ hưởng thành quả - còn “đứng ngoài cuộc”: quyền được biết, được bàn,
được tham gia, được quyết định, được giám sát, được hưởng thụ… chưa được thể hiện
một cách đầy đủ và vô hình chung trở thành “khán giả” trong tiến trình xây dựng
NTM.
Không phải
ngẫu nhiên mà, theo số liệu thực chứng từ điều tra của chúng tôi, chỉ có 49,2%
số cán bộ được hỏi cho rằng “chủ thể của NTM chính là người nông dân”, 29,9%
cho rằng “Đảng và chính quyền địa phương” (xem bảng 4). Trong khi đó, cũng cùng
câu hỏi “Trong tiến trình xây dựng NTM,
ai đóng vai trò chủ thể?” thì đối tượng là người nông dân cũng nhận thức
khá mơ hồ: chỉ có 42,1% người nông dân
cho rằng “chủ thể của tiến trình xây dựng NTM là người nông dân”, 38,9% cho rằng
chủ thể chính là “Đảng và chính quyền địa phương”, chủ thể là “hội nông dân”
(2,9 %), “các tổ chức chính trị - xã hội” (8,1%), “các nhà đầu từ nước ngoài”
(1,1%), 6,9% cho rằng là của “ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn” (xem bảng
5). Chỉ báo này thể hiện: có thể là sự “lấn sân”, bao biện, “đóng thay vai” của
Nhà nước nói chung, chính quyền địa phương nói riêng trong thực thi NTM; có thể
là công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu về vai trò và vị thế, quyền
lợi và nghĩa vụ của người nông dân trong xây dựng NTM chưa thật sự tốt; cũng có
thể là những lực lượng chính trị - xã hội khác (tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội,
tổ chức chính trị - xã hội, các HTX, doanh nhân, các tổ chức tình nguyện,…)
chưa tham gia một cách nhiệt tình và trở thành một hợp lực trong xây dựng NTM.
Xét về bản
chất, đây chính là chỉ báo nói lên sự mâu thuẫn giữa vai trò của các chủ thể
trong xây dựng NTM hiện nay ở vùng DHNTB, mâu thuẫn này, ở một giác độ nào đó
mà nói là nguyên nhân dẫn đến sự trì tệ, tâm lý trông chờ, ỷ lại hay đùn đẩy
trách nhiệm giữa các chủ thể trong tiến trình thực thi NTM hiện nay. Do đó, cần
phải có cơ chế phối hợp, kết hợp và gắn kết trách nhiệm, vai trò, vị trí giữa
Nhà nước, nông dân và các lực lượng xã hội. Đặc biệt, cần phải phát huy tính
tích cực, tính chủ động, tính sáng tạo và sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm
của người nông dân trong xây dựng NTM; cần tạo cơ chế để các nguồn lực xã hội
khác tham gia vào xây dựng NTM theo phương thức xã hội hóa, từ đó tạo một sức mạnh
hợp nhất giữa Nhà nước, nông dân và xã hội cho công cuộc xây dựng NTM.
Mâu thuẫn giữa “bàn tay vô hình” và “bàn tay hữu
hình” trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện NTM . Trong xây dựng NTM, một mặt cần phải phát huy nhân tố “bàn tay vô hình”
của thị trường nhưng mặt khác cần phải chú trọng “bàn tay hữu hình” của Nhà nước
trong điều hành, quản lý, phân phối các nguồn lực xã hội, tổ chức và huy động
được nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực vào xây dựng nông thôn. Sự thành công (hay
thất bại) của tiến trình xây dựng NTM phụ thuộc rất nhiều vào việc phát huy tác
dụng của quy luật giá trị trong kinh tế thị trường và điều tiên quyết là sự kết
hợp nhịp nhàng giữa “bàn tay vô hình” của thị trường và “bàn tay hữu hình” của
Nhà nước. Nếu thiếu đi sự định hướng chỉ đạo của Nhà nước hoặc ngược lại, Nhà
nước “lấn sân” hay thay thế thị trường, đều ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình
xây dựng và phát triển NTM. Khi hỏi về “Vấn
đề lo lắng nhất của ông (bà) khi xã nhà tiến hành xây dựng nông thôn mới là gì?”
thì có đến 35,1% số người được hỏi là nông dân và 41,6% cán bộ cho rằng đó
là “vấn đề thu nhập của cá nhân và gia đình không được cải thiện” (xem bảng 9).
Đối với người nông dân, tình trạng “được mùa mất giá”, “mất mùa
ngay trong kho”, “làm thì dễ bán thì khó” luôn hiện hữu trong sự lo lắng đó của
họ. Do đó, lúc này, người nông dân rất cần “bàn tay hữu hình” của Nhà nước và
các tổ chức doanh nghiệp với vai trò là “bà đỡ” cho các sản phẩm nông nghiệp do
chính họ làm ra. Rõ ràng, xây dựng NTM mà người nông dân không nhận thấy được
cái “mới”, không nhận được sự thay đổi về đời sống nói chung, về thu nhập nói
riêng thì không thể nói đã đạt được “mục tiêu” hay “hoàn thành tiêu chí”. Kết
quả phỏng vấn sâu nông dân cho thấy, “đầu ra” là hai chữ được nông dân nhắc nhiều
nhất và cũng là trăn trở lớn nhất.
Do đó, Nhà
nước và các cơ quan hữu quan cần sử dụng “bàn tay hữu hình” để giải quyết bài
toán “đầu ra” cho nông dân. Thiết nghĩ, cần cung cấp thông tin chính xác, khả
tín, khả dụng về thị trường nông sản; xúc tiến xây dựng mô hình tiêu thụ sản phẩm
đầu ra cho nông dân như: đầu mối thu mua nông sản, chợ nông sản, cửa hàng nông
sản trực tuyến, nông sản lên mạng,… để nông sản không còn đứng ở đầu đường đợi
người mua hay phải “bán đổ bán tháo” như hiện nay, và như vậy cũng giải quyết
được mâu thuẫn đã và đang tồn tại, phát sinh trong xây dựng NTM ở khu vực DHNTB
giữa “bàn tay hữu hình” và “bàn tay vô hình”.
Mâu thuẫn giữa “phần mềm” và “phần cứng” trong xây
dựng, thực thi các chỉ tiêu, tiêu chí NTM . Trong 19 tiêu chí xây dựng NTM, có thể chia thành các “tiêu chí cứng”,
như quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (giao thông, thủy lợi, điện,
trường học, CSVC văn hóa, chợ, bưu điện, nhà ở,…) và các “tiêu chí mềm” (thu nhập,
lao động việc làm, hình thức tổ chức sản xuất, ANTT xã hội,…). Thực tế nhiều địa
phương ở khu vực DHNTB cho thấy, thực hiện các “tiêu chí cứng” có “tính trội”
hơn so với các “tiêu chí mềm”. Nói cách khác, chính quyền các địa phương chú trọng
nhiều vào lập đề án quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng (đường giao thông, thủy
lợi, nước sạch, trường học,…) mà ít (hoặc chưa) chú trọng đến các “tiêu chí mềm”
như thu nhập, việc làm cho nông dân, yếu tố văn hóa nông thôn,… Điều này thể hiện
rất rõ trong các báo cáo tham luận của các tỉnh trong Hội nghị sơ kết 3 năm thực
hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM ở khu vực cũng như trên toàn quốc. Không phải
ngẫu nhiên mà tỷ lệ xã đạt các tiêu chí về quy hoạch, điện, bưu điện cao hơn
nhiều so với tiêu chí về thu nhập, môi trường, CSVC văn hóa (xem bảng 7).
Thực tế trong
triển khai thực thi xây dựng NTM ở vùng DHNTB cho thấy, những “tiêu chí cứng”
được các địa phương quan tâm đầu tư, xúc tiến thực hiện và đạt được những thành
quả cao hơn so với các “tiêu chí mềm”. Khi được hỏi về đánh giá sự thay đổi của
các phương diện (theo 19 tiêu chí) ở địa phương trong 3 năm qua khi thực hiện NTM
(với mức điểm 1 là thay đổi lớn nhất, 5 là ít thay đổi nhất) thì tiêu chí về “điện”,
“giao thông”, “trường học” có mức độ
đánh giá tích cực (người dân và cả cán bộ); các tiêu chí mềm như “hình thức tổ
chức sản xuất”, “lao động có việc làm thường xuyên”, “môi trường”, “thu nhập”
có mức đánh giá tiêu cực và ít chuyển biến hơn (xem số liệu bảng 8). Nói cách
khác, các chỉ báo từ số liệu thực chứng cho thấy, các lĩnh vực như “lao động có
việc làm thường xuyên”, “hình thức tổ chức sản xuất”, “thu nhập” chưa có chuyển
biến nhiều.
Rõ ràng, “tiêu
chí mềm” là các tiêu chí thật sự khó thực hiện bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố
và đòi hỏi phải có một thời gian nhất định, quyết tâm lớn mới đạt được (thậm
chí đạt được mà không “giữ” thì cũng sẽ bị “mất”), thế nhưng điều mà người dân
cần hơn cả chính là vấn đề thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đổi
mới phương thức tổ chức sản xuất và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Do vậy,
trong thời gian tới, cần nhấn mạnh đến các “tiêu chí mềm” nhiều hơn. Để đạt được
điều này, cần có thái độ và trách nhiệm đúng đắn của các cấp ủy, chính quyền,
các BCĐ NTM các cấp; tăng cường xây dựng lộ trình và hướng đến các tiêu chí “mềm”;
xây dựng hệ thống cung cấp thông tin về thị trường nông sản, về kỹ thuật, tài
chính,…; từng bước hướng đến bảo đảm các vấn đề y tế, giáo dục, đói nghèo và bảo
đảm xã hội; có kế hoạch nâng cao trình độ cho nông dân về các mặt kỹ năng, văn
hóa, lối sống, lý tưởng, pháp luật.
Mâu thuẫn trong nhận thức giữa tổ chức cơ sở đảng,
chính quyền cơ sở và nhân dân và trong nội tại của các chủ thể này. Tổ chức cơ sở đảng có một vị trí hết sức to lớn trong
tiến trình xây dựng NTM[2], vừa
đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, vừa là nhân tố thúc đẩy tiến trình thực
hiện NTM; chính quyền cơ sở (đặc biệt là chính quyền cấp xã) là nhân tố chính yếu
triển khai thực hiện chương trình, là một nhân tố quyết định đến chất lượng, nội
dung, tiến độ của tiến trình NTM cơ sở; hơn ai hết, nhân dân mà cụ thể là người
nông dân với địa vị là chủ thể, có vai trò động lực cũng là người được thụ hưởng
những thành quả từ Chương trình. Thế nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện
NTM, đã và đang phát sinh nhiều tình huống “nhầm vai”, nhận thức chưa đúng,
chưa đủ, thậm chí nhiều nơi có hiện tượng xung đột vai trò giữa các chủ thể.
Mâu thuẫn
này xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong đó chủ yếu do các phương diện: Thứ nhất, trình độ, năng lực nói chung,
nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu, nội dung của NTM của một bộ phận cán bộ, đảng
viên còn hạn chế. Báo cáo Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây
dựng NTM của BCĐ Trung ương đã chỉ ra: “Ở
một số địa phương cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và chưa chủ động
triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình nên kết quả đạt được ở mức
thấp. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ các đoàn thể quần chúng chưa đáp ứng yêu cầu
của xây dựng nông thôn mới”. Thứ hai,
còn có tình trạng thiếu dân chủ trong triển khai thực hiện, thiếu minh bạch
trong công khai các khoản tài chính mà người dân đóng góp, sự áp đặt và cào bằng
các khoản đóng góp còn diễn ra. Chính lẽ đó mà khi được hỏi về những lo lắng
khi địa phương tiến hành xây dựng NTM thì những người được hỏi là người nông
dân không ngần ngại chỉ ra các “bệnh hình thức” (38,3%), “bệnh thành tích”
(41,5%), “bệnh phong trào” (31,3%), vấn đề tham ô, tham nhũng (30,6%) và đời sống
của chính bà con không được cải thiện (34,9%)[3]. Thứ ba, ý thức “vì nhân dân phục vụ” của
một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa được quán triệt tốt, nếu không muốn nói là
còn kém. Nhiều cán bộ cơ sở còn tỏ ra cửa quyền, mệnh lệnh hành chính khi thực
thi các nhiệm vụ liên quan đến Chương trình NTM. Trong công tác tuyên truyền, vận động,
kêu gọi nhân dân thì xề xòa, làm cho qua chuyện. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều
ý kiến của bà con nông dân cho rằng, muốn xây dựng NTM thì trước hết “đội ngũ
cán bộ phải được thay mới” (11,6%) [4]. Khái niệm
“thay mới” ở đây chưa phải là thay cán bộ mới mà chính là cung cách làm việc,
tư duy của cán bộ phải được đổi mới [5]. Thứ tư, năng lực, trình độ hiểu biết về
pháp luật để tham gia vào quá trình tham vấn ở nông thôn của người dân còn nhiều
bất cập. Khi phân tích những khó khăn, tồn tại khi thực hiện NTM trên địa bàn tỉnh
Quảng Nam cũng đã chỉ ra rằng: “Vai trò
chủ thể, trách nhiệm của nông dân trong xây dựng nông thôn mới chưa được phát
huy đầy đủ. Đa phần nông dân chưa được chuẩn bị năng lực và chưa tạo điều kiện
cần thiết để đảm trách vai trò chủ thể”[6]. Thứ năm, tố chất của người dân nói
chung, của cư dân nông thôn nói riêng còn nhiều bất cập và hạn chế, dẫn đến mâu
thuẫn với vai trò chủ thể của chính người dân. Trình độ dân trí thấp, ý thức về
pháp luật, môi trường, hưởng thụ văn hóa,.... còn hạn chế thì khó lòng trở
thành và “đóng vai” chủ thể trong tiến trình xây dựng NTM.
Do đó, thiết
nghĩ muốn đẩy nhanh tiến độ thực thi NTM trên địa bàn DHNTB thì cần nhận thấy
rõ được những mâu thuẫn nói trên, đặc biệt là mâu thuẫn nội tại trong từng chủ
thể cũng như từ ba “trụ cột” then chốt là tổ chức cơ sở đảng (vai trò lãnh đạo,
chỉ đạo), chính quyền cơ sở (vai trò quản lý, định hướng, điều hành) và nhân
dân (cư dân nông thôn với vai trò chủ thể). Muốn vậy, cần phải từng bước cải
thiện phương thức quản lý theo kiểu hành chính, quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh
sang kiểu phục vụ, lấy lợi ích chính đáng của người nông dân làm mục tiêu, cải
thiện quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, từng bước khơi dậy niềm tin và nhận
được sự đồng tình, thống nhất cao của nhân dân nói chung, của người nông dân
nói riêng về công cuộc xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước ta.
Mâu thuẫn giữa nhu cầu nhân lực cho xây dựng NTM với
vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực (trẻ, có tay nghề, kỹ năng, tâm huyết với nông
nghiệp và gắn bó với nông thôn) do lực lượng này di cư đến các khu đô thị tìm
việc và sinh sống. Theo quan sát của chúng tôi,
phần lớn lực lượng lao động trẻ ở nông thôn trong Vùng di cư đến các đô thị lớn
để tìm sinh kế, một phần là để nâng cao thu nhập cho bản thân, một phần muốn “ly
hương và ly nông”. Đúng như nhận định của một cán bộ: “Hiện chúng tôi cũng đau đầu về nguồn lao động trẻ, có tay nghề ở nông
thôn, phần lớn trong số này đã đến các thành phố tìm việc và mưu sinh. Nói thật,
hiện ra đường chỉ toàn gặp người già và trẻ em. Anh em còn nói đùa, bây chừ chết
tìm người khiêng quan tài cũng khó chứ đừng nói chi đến việc khác,...”[7].
Quan sát thực tế nhiều tỉnh trong
Vùng cho thấy, nhiều ruộng vườn bỏ hoang, nhiều “ruộng mật, bờ xôi” trước đây
giờ phải chuyển đổi trồng các loại cây khác như rau diếp cá (Quảng Ngãi); nhiều
nơi huy động nguồn nhân lực để xây dựng CSHT cũng hết sức khó khăn. Không dừng
lại ở đó, nhiều cặp vợ chồng trẻ phải “ly thân” đi làm ăn xa ở hai nơi khác
nhau tạo nên nhiều vấn đề xã hội: tình cảm gia đình rạn nứt, con cái thiếu sự
chăm sóc, giáo dục của bố mẹ,... Chính những điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến
tiến trình xây dựng NTM nói chung, nếu không muốn nói là một lực cản, một mâu
thuẫn cần được nhìn nhận và có giải pháp khắc phục trong thời gian đến
[1] Xem: Phạm Đi, Giải
quyết tốt các mối quan hệ trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện
nay, Tạp chí cộng sản. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2014/29088/Giai-quyet-tot-cac-moi-quan-he-trong-tien-trinh-xay-dung.aspx
[2] Xem:
Phạm Đi, Phát huy vai trò, năng lực của tổ chức cơ sở đảng trong xây dựng
nông thôn mới. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/xay-dung-dang/2013/22636/Phat-huy-vai-tro-nang-luc-cua-to-chuc-co-so-dang.aspx
[3] Xem Phụ lục 17.
[4] Xem Phụ lục 18.
[5] Trong Báo cáo Trung
ương, cũng đã chỉ ra rằng, một trong những tồn tại, hạn chế trong 3 năm
triển khai thực hiện nông thôn mới chính là “Việc chỉ đạo PTSX ở nhiều nơi còn
lúng túng trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất hàng hóa tập trung”.
[6] Xem Báo cáo Vùng (phần
Báo cáo tham luận của tỉnh Quảng Nam)
[7] Phỏng vấn sâu ( Nam, 54
tuổi, tồ giúp việc BCĐ NTM cấp xã), Quảng
Ngãi.
Nhận xét
Đăng nhận xét