KINH NGHIỆM CỦA NA UY TRONG CHÍNH SÁCH “PHÁT TRIỂN HÀI HÒA GIỮA NÔNG THÔN VÀ ĐÔ THỊ"
KINH NGHIỆM CỦA NA UY
TRONG CHÍNH SÁCH “PHÁT TRIỂN HÀI HÒA GIỮA NÔNG THÔN VÀ ĐÔ THỊ"
Na Uy là quốc gia Bắc Âu có diện
tích 385.155 km2, nhân khẩu khoảng 4,7 triệu người[1],
là quốc gia có chỉ số phát triển kinh tế và nhân văn đứng hàng đầu thế giới. Khoảng
¾ diện tích lục địa của Na Uy không thuận lợi cho con người sinh sống.
Vào đầu thế kỷ 20, khoảng 70% dân
số Na Uy sống trong cảnh nghèo khổ. Sau chiến tranh Thế giới lần thứ hai, sự mất
cân đối trong phát triển giữa các vùng, giữa khu vực nông thôn và đô thị bắt đầu
xuất hiện. Đến những năm 60 của thế kỷ 20, chênh lệch về thu nhập của cư dân đô
thị và nông thôn ở mức trên 3 lần, sự mất cân đối trong phát triển đô thị-nông
thôn diễn ra nghiêm trọng. Điều đó khiến một số lượng lớn nông dân di cư đến
các đô thị tìm sinh kế, dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu xã hội, tỷ lệ thất
nghiệp tăng cao, lãng phí tài nguyên nghiêm trọng, dân khẩu nông thôn giảm đáng
kể[2].
Vấn đề này khiến chính phủ Na Uy đặt ra như một bài toán cần có lời giải: làm
thế nào để phát triển cân đối, hài hòa giữa các vùng miền, giữa khu vực nông
thôn và đô thị và hạn chế những dòng di dân đến các đô thị, nâng cao mức sống
cho nông dân ? Trả lời cho câu hỏi này, Na Uy đã đưa ra nhiều quyết sách
và biện pháp nhằm khắc phục những vấn đề vừa nêu, trong đó đặc biệt là chính
sách phát triển hài hòa nông thôn-đô thị.
-
Phát triển
hài hòa nông thôn-đô thị: chính sách chiến lược về nông thôn
Nhằm phát triển hài hòa nông
thôn-đô thị, chính phủ Na Uy đã đưa ra những chính sách trung và dài hạn. Đứng
trước tình thế dòng người từ nông thôn di cư đến các đô thị khiến cho các làng
mạc dần “tiêu điều”, chính phủ Na Uy nhận thức rằng, để giải quyết vấn đề này
không phải một sớm một chiều mà cần chế định những chính sách mang tầm chiến lược
trung và dài hạn, không nóng vội hoặc duy ý chí, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng
“nóng đâu phủi đó” và như vậy, khó lòng giải quyết tận căn vấn đề. Theo đó, Na
Uy đã chế định những chính sách, kế hoạch 4 năm, 12 năm kèm theo đó là hệ thống
tiêu chí thực hiện và đánh giá một cách khoa học (những mục tiêu cần đạt được
trong từng kế hoạch, từng giai đoạn). Chính phủ Na Uy chia toàn lãnh thổ ra làm
11 khu (vùng) và tiến hành khảo sát tỉ mỉ về sự khác biệt, đặc điểm kinh tế-xã
hội-dân cư của từng vùng và đưa ra những chính sách giải quyết vấn đề cho từng vùng,
có kế hoạch rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các khu (vùng). Theo số liệu
thống kê, để thực hiện “kế hoạch phát triển các khu vực” mà mục tiêu là khắc phục
tình trạng mất cân đối trong phát triển giữa nông thôn - đô thị và giữa các khu
vực khác nhau, năm 1960 chính phủ Na Uy đã tiến hành điều tra toàn diện để nắm
bắt tình hình. Năm 1972 đã đề xuất “kế hoạch phát triển Bắc Na Uy” nhằm xử lý
tình hình đặc thù trong điều kiện hiện hữu của miền Bắc nước này. Năm 1975 thực
hiện “Chương trình phát triển đường giao thông” trong tất cả các khu vực nhằm
thực hiện quy hoạch phát triển hài hòa đô thị-nông thôn. Năm 1980 đưa ra kế hoạch
“dự án cấp thời” mà cụ thể là kiến lập quỹ phát triển nhằm giải quyết linh hoạt
các vấn đề khó khăn, cấp bách, đột xuất, cấp thời phát sinh trong thực hiện
chính sách phát triển hài hòa nông thôn-đô thị.
Chính phủ Na Uy không ngừng tăng
cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cả về quy mô lẫn chất lượng. Bắt đầu từ
năm 1973, Na Uy đã có chính sách “đầu tư ưu tiên” cho nông nghiệp. Tại thời điểm
đó Na Uy đã đầu tư cho nông nghiệp khoảng 2,9 tỷ Cuaron (trong khi đó tổng đầu
tư cho các lĩnh vực khác chỉ có 1,9 tỷ Cuaron). Trong vòng 7 năm, từ năm 1977 đến
1985, mỗi năm Na Uy “đầu tư ưu tiên” cho lĩnh vực nông nghiệp từ khoảng 7,9 đến
9,3 tỷ Cuaron (trong khi đó đầu tư các lĩnh vực khác chỉ nằm trong phạm vi từ
2,2 đến 4,0 tỷ Cuaron). Điều đáng chú ý là, mức đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp
của quốc gia này cao gấp 2-3 lần so với các lĩnh vực khác, đặc biệt năm 1977
cao gấp 4 lần.[3]
Đồng thời với chính sách đầu tư “ưu
tiên” cho nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển hài hòa đô thị-nông thôn,
chính phủ Na Uy còn kêu gọi và ưu tiên cho các lĩnh vực dịch vụ công ở nông
thôn, chính sách tạo việc làm cho cư dân nông thôn. Theo thống kê, năm 1970 tỷ
lệ nhân khẩu có việc làm trong các dịch vụ công ở khu vực nông thôn Na Uy chiếm
28% tổng dân số nông thôn, đến năm 1980 tỷ lệ này là 30%[4].
Tỷ lệ cư dân nông thôn có việc làm trong các dịch vụ công nông thôn là nhân tố
chính phát triển nông nghiệp, ổn định nông thôn của Na Uy. Về phương diện bảo đảm
xã hội thì Na Uy là quốc gia đi tiên phong, từ năm 1948 Na Uy đã tiến hành chế
độ bảo đảm xã hội toàn dân, đến năm 1976 đã cho ra đời “Luật bảo đảm xã hội
toàn dân”, chính điều này góp phần phát huy tính phúc lợi xã hội cho cư dân
nông thôn, giảm thiểu sự chênh lệch giữa đô thị-nông thôn.
Cơ chế hiệp thương dân chủ, khoa
học và chức năng của các bộ ngành chính phủ được phân định một cách rõ ràng,
minh bạch cũng là một nhân tố quan trọng phát triển xã hội nông thôn Na Uy. Chính
phủ Na Uy nhận thức rằng, vai trò của nông thôn là “đa chức năng” và “phi thị
trường hóa”. Phương diện “đa chức năng” của nông thôn được thể hiện: nông thôn
không chỉ là nơi cung cấp lương thực cho con người mà còn là nơi bảo vệ và cân
bằng môi trường sinh thái, duy trì cảnh quan tự nhiên, bảo vệ các di sản văn
hóa của nhân loại; vấn đề “phi thị trường hóa” được nhận thức là, dưới điều kiện
thị trường thì đa số sản phẩm nông nghiệp có “đặc tính” là hiệu quả kinh tế thấp
khiến lao động chuyển sang các ngành nghề khác như công nghiệp và dịch vụ càng
làm cho chênh lệch đô thị-nông thôn càng gia tăng, do vậy cần phải có “bàn tay
hữu hình” của chính phủ về công tác quy hoạch và đầu tư cho nông thôn chứ không
để “bàn tay vô hình” của thị trường tự điều tiết.
-
Một số
thành quả đạt được trong chính sách phát triển hài hòa nông thôn-đô thị
Sau mấy mươi năm không ngừng nỗ lực
giải quyết các vấn đề xã hội nói chung, giải quyết vấn đề tam nông nói riêng, Na
Uy đã gặt hái được nhiều thành quả trong phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, những
năm cuối của thế kỷ 20, chỉ số phát triển kinh tế và chỉ số phát triển con người
(HDI) của Na Uy đứng hàng đầu thế giới. Đặc biệt, đã cơ bản xóa bỏ sự khác biệt
và hố chênh lệch giữa nông thôn và đô thị. Mức độ thu nhập, điều kiện sống, điều
kiện phúc lợi xã hội của nông dân và điều kiện phát triển bền vững khu vực nông
thôn không thấp hơn khu vực đô thị. Nếu xem xét từ khía cạnh chỉ số HDI thì không
có sự khác biệt nhiều giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn trong lĩnh vực
giáo dục, y tế và hưởng thụ quyền lợi về bảo đảm xã hội.
Điều đáng nói là, chính sách phát
triển hài hòa nông thôn - đô thị của Na Uy không chỉ biểu hiện sự hưởng thụ như
nhau giữa khu vực nông thôn và đô thị về điều kiện kinh tế, phúc lợi xã hội,
phương thức sống mà quan trọng hơn, cư dân nông thôn đã được hưởng thụ quyền lợi
dân chủ, cơ hội phát triển giống như khu vực đô thị.
-
Chính sách phát triển hài hòa nông thôn-đô thị của Na Uy và gợi ý cho Việt
Nam
Một trong những mục tiêu của
chương trình NTM ở Việt Nam là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông
thôn gắn với phát triển đô thị, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch trong
phát triển giữa nông thôn và đô thị. Do đó, những kinh nghiệm của Na Uy trong
chiến lược phát triển nông thôn nói chung, trong chiến lược phát triển hài hòa
nông thôn-đô thị nói riêng, có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam.
Một là, cần phải phát huy vai trò của chính phủ trong lĩnh
vực điều tiết chính sách vĩ mô. Mặc dù Việt Nam và Na Uy có những khác biệt rất
lớn về lịch sử, điều kiện địa lý, kinh tế-xã hội,… thế nhưng những vấn đề mà Na
Uy gặp phải ở những năm 60 của thế kỷ 20 cũng có những nét tương đồng mà xã hội
Việt Nam phải đối mặt ngày hôm nay. Chẳng hạn, sự chênh lệch về thu nhập giữa
đô thị và nông thôn ngày càng doãng ra; xã hội nông thôn phát triển (so với đô
thị) hết sức lạc hậu, lượng lao động nông thôn di cư đến các đô thị lớn ,v.v.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, tỷ lệ đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nhỏ
bé, hiệu quả đầu tư thấp chắc chắn sẽ tạo thành sự chênh lệch trong phát triển
giữa khu vực đô thị và nông thôn, thậm chí sẽ là “điều kiện” dẫn đến hiện tượng
phân cực xã hội, tạo nên kết cấu “nhị nguyên” đô thị-nông thôn. Đó chính là cái
bẫy, mặt trái của kinh tế thị trường. Trước tình hình này, rất cần “bàn tay hữu
hình” của nhà nước để điều tiết chính sách vĩ mô, đưa ra những chính sách tích
cực góp phần kéo giảm hố chênh lệch về phát triển giữa khu vực nông thôn và đô
thị, tạo sự công bằng giữa các vùng miền, giữa các nhóm xã hội khác nhau.
Hai là, có
chuyển biến trong nhận thức và tư duy lại đối với một số quan niệm về nông nghiệp,
nông dân, nông thôn. Chính sách “ưu tiên cho nông nghiệp” và nhận thức nông
nghiệp “đa chức năng”, “phi thị trường hóa” của Na Uy đã phát huy tác dụng tối
đa. Từ điều kiện của Việt Nam nhìn nhận, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội
thì “đa chức năng” của nông nghiệp đã dần hiện rõ. Trong quá trình phát triển
xã hội và kinh tế quốc dân thì nông nghiệp ngày càng đóng vai trò trọng yếu. Thực
tiễn từ nhiều quốc gia và chính lịch sử phát triển của nước ta đã cho thấy, nông nghiệp mạnh thì căn cơ, nông dân giàu
thì nhà nước mạnh, nông thôn ổn định thì xã hội an lành. Do đó, nhà nước cần
có cái nhìn đúng đắn và có tư duy mới đối với “tam nông” mà cụ thể là có những
chính sách bảo hộ cho nông nghiệp, đầu tư cho nông thôn, nâng cao thu nhập cho
nông dân. Kế đến cần phải cải cách thể chế tài chính, điều chỉnh kết cấu trong
phân phối thu nhập. Trong một thời gian dài, chúng ta tập trung đầu tư cho đô
thị quá mức (thậm chí dẫn đến bệnh “to đầu” trong đầu tư phát triển), ngược lại
đầu tư cho khu vực nông thôn và phát triển nông nghiệp còn hết sức hạn chế dẫn
đến sự mất cân đối trong đầu tư và hình thành chính sách tài chính “nhị nguyên”.
Bài học từ Na Uy cho thấy, cần phải điều chỉnh kết cấu thu nhập, tăng cường đầu
tư cho khu vực nông thôn, từng bước khắc phục tình trạng kém phát triển ở khu vực
nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp.
Ba là, xuất
phát từ thực tế các địa phương trong cả nước nhìn nhận, cần có kế hoạch phát
triển hài hòa nông thôn-đô thị cho từng giai đoạn, từng vùng miền. Không phải
ngẫu nhiên mà Na Uy đã chia lãnh thổ thành 11 khu (vùng) khác nhau theo điều kiện
thực tiễn của từng vùng để có chính sách phù hợp. Có lẽ đây là bài học có giá
trị đối với chúng ta. Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, trình độ phát triển
của các khu vực và các vùng trong cả nước cũng rất khác nhau, đặc biệt là vùng
miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, cần chế định những chính sách mang tính đặc
thù cho từng vùng miền, mỗi vùng miền và khu vực cần có kế hoạch, giai đoạn,
các bước tiến hành khác nhau để thu hẹp khoảng cách vùng và khoảng cách nông
thôn-đô thị cho từng địa phương.
[1] Số liệu điều tra năm 2007 (dẫn theo wikipedia) (http://vi.wikipedia.org/wiki/Na_Uy#Nh.C3.A2n_kh.E1.BA.A9u)
[2] Những năm 50, 60, 70 của
thế kỷ 20, nhân khẩu nông thôn của Na Uy giảm đi theo thứ tự là 43%, 40% và 37%
[3] Báo cáo khảo sát phát triển hài hòa nông thôn-đô thị Na
Uy, đăng trên Tạp chí của Viện nghiên cứu phát triển
và cải cách Trung Quốc (China Institute for Reform and Development – CIRD), số
473.
[4] Báo cáo khảo sát phát triển hài hòa nông thôn-đô thị Na
Uy, đăng trên Tạp chí của Viện nghiên cứu phát triển
và cải cách Trung Quốc (China Institute for Reform and Development – CIRD), số
473.
Nhận xét
Đăng nhận xét